May 20, 2009

Vinh quang và một cốc nước cho Honoré

Người ta nói mãi và sẽ không thôi nói mãi về một số người. Điều này đặc biệt đúng với một số nhà văn lớn của Chủ nghĩa Lãng mạn: Richardson, Flaubert, Stendhal, hay Balzac. Với một số người, chưa đọc Balzac hay Dickens (nhất là Balzac) thì chưa thể nói là biết viết tiểu thuyết được. Rất tiếc là tôi thấy điều này đúng. Hai trong mấy quyển tôi đọc thời gian gần đây đều xuất hiện cuốn sách Clarissa của Richardson (cho dù Pamela có ý nghĩa hơn trong lịch sử của Chủ nghĩa Lãng mạn nhưng Clarissa lại có vẻ có sức sống dài hơn): trong Nam tước trên cây (Il Barone rampante) của Italo Calvino tên cướp Gian ChùmThạchThảo vì mê đọc sách, mà nhất là sách của Richardson, mà thân bại danh liệt với tư cách tướng cướp, thậm chí còn bị treo cổ; và trong Atonement của Ian McEwan, đoạn Cecilia ngúng nguẩy với Robbie.

Cũng không hiểu tại sao tại Việt Nam người ta cứ chia ra thành lãng mạn và hiện thực rồi chê bôi lãng mạn, đề cao hiện thực, nghĩ rằng lãng mạn là một bậc thang (mọt ruỗng) để con người có lương tri bước tới hiện thực. Một phần lý do chắc là nằm ở chỗ muốn lồng khung cho cái gọi là "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa", nhưng điều này thật là bùn xịt. Balzac vẫn không thôi là một nhà văn lãng mạn, cũng như Stendhal, cũng như Rousseau. Một số mối liên quan rất có thể là có ý nghĩa: ở đám tang Balzac, Victor Hugo là người đọc điếu văn, còn Balzac là một trong những người hiếm hoi của thời ấy hiểu được Stendhal là một thiên tài. Bài viết ca ngợi Stendhal quan trọng đầu tiên nếu tôi nhớ không nhầm là của Balzac. Stendhal sau này "nói dỗi" một câu rằng phải vài chục năm nữa, không nhớ chính xác con số, hình như năm mươi, người ta mới bắt đầu đọc tôi. Điều quái gở là những lời nói dỗi (boutade) kiểu ấy sau này lại thường đúng đến đáng kinh ngạc.

Người ta cứ đọc và đọc mãi các nhà văn cổ điển. Calvino từng tìm cách trả lời câu hỏi tại sao lại đọc các nhà văn cổ điển (nhan đề tiếng Pháp của cuốn sách là Pourquoi lire les classiques?). Eliot cũng từng tìm cách lý giải, rồi đến Coetzee. Éric Chevillard thì có một câu mỉa mai, đại ý người ta thích các nhà văn đã chết không phải vì họ có giá trị hơn mà vì họ không viết nữa. Một câu trả lời khả dĩ là bởi vì đọc các nhà văn cổ điển có thể tìm được nhiều điều hơn người ta tưởng. Tấn trò đời (La Comédie humaine) chứa đựng nhiều thứ hơn những con người hiện đại tưởng. Thật đáng tiếc là bộ sách tiếng Việt 16 tập lại chưa dịch Người đàn bà tuổi ba mươi (La Femme de trente ans), nhưng cũng đã dịch Cô gái mắt vàng (La Fille aux yeux d'or). Cô gái mắt vàng là câu chuyện về lesbian, còn Người đàn bà tuổi ba mươi ngoài đoạn đầu miêu tả không thể hay hơn về một cuộc duyệt binh (cuộc duyệt binh cuối cùng) của Napoléon còn là câu chuyện về một người đàn bà phức tạp tự phát hiện ra bản thể đàn bà của mình ở một cái tuổi thời ấy coi như là chấm dứt tính nữ. Thật bực mình vì bộ sách này của tôi chỉ có 14 tập, thiếu đúng hai tập đầu quan trọng hơn cả, vì có Introduction.

Ngày hôm nay, 20/5, là sinh nhật của Balzac (210 tuổi). Lý thuyết của chị So về việc các vĩ nhân cứ dồn vào sinh đẻ một ngày có vẻ rất là đúng :) Chắc cũng vì thế mà tờ Công an Nhân dânmột bài về Balzac. Tờ báo có trang văn hóa khá này, dĩ nhiên, như thường lệ, lại làm tan nát cõi lòng của những người đọc văn chương. Cứ nhìn cái tên Những bông huệ đồng bằng thì biết, cứ như là Bông huệ trong thung chưa bao giờ là một bản dịch thuộc loại canonique, magistral tại Việt Nam vậy. Thế mà tại đất nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta từ lâu nay Balzac vẫn được xếp vào loại văn chương tư sản nhưng có "cái nhìn tốt" với quần chúng vô sản đấy. Đoạn cuối kể về người tình "nào đó" cũng vậy, nữ công tước Hanska mà đáng bị đối xử như vậy đấy.

Đôi khi, I take it personal(ly). Thứ nhất là nếu có viết báo thì tôi cũng chỉ viết cho những tờ có trang văn hóa không khá. Cũng chẳng hề có ý định nghe theo lời khuyên của bác nào đó tự túm tóc mình mà giật lên từng milimet một nhằm bước vào thế giới của những tờ báo bùn xịt (trong mắt tôi).

Thứ hai, Balzac và Jules Verne là hai nhà văn sớm nhất mà tôi đọc theo kiểu "người lớn", nghĩa là đi tìm những quyển nào có ký tên Balzac và Verne để đọc chứ không phải kiểu đọc bất cứ thứ gì rơi vào tay, từ giấy báo gói xôi cho tới Cánh buồm đỏ thắm. Những ngày vật lộn với từng núi câu văn của Balzac cách đây gần hai mươi năm ấy không dạy được nhiều cho tôi về văn chương bằng niềm tin vào sự thử thách và phẩm giá của tinh thần chiến đấu, cũng như phần thưởng cho sự kiên nhẫn. Đến giờ tôi cũng chưa đọc hết Verne và Balzac, thành thử rất lấy làm an ủy khi đọc một bài phỏng vấn Pamuk trong đó ông ấy nói đến giờ vẫn chưa đọc hết Proust và có lẽ cũng sẽ chẳng bao giờ đọc hết, nhưng điều đó không có gì liên quan đến việc ông ấy coi Proust là thần tượng của mình. Đôi khi chuyện lại cứ diễn ra theo chiều hướng ấy.

Thứ ba, Bông huệ trong thung chính là hình ảnh mở đầu bộ phim Baisers volés của Truffaut, nằm trên mặt của Antoine Doinel nhân vật fétiche của Truffaut và luôn do Jean-Pierre Léaud diễn viên fétiche của Truffaut đóng.

+ Vinh quang thì rõ rồi, đời Balzac chỉ ưa vinh quang phù phiếm, chắc cũng tại tự dưng lại mang cái tên Honoré làm gì cho khổ. Nhưng còn cốc nước? À là bởi vì hôm nay trời nóng quá :)

15 comments:

  1. Ờ ờ, chúc mừng sinh nhật Balzac và "Bông huệ trong thung" :))

    Ngày mai 21/5 là sinh nhật vĩ nhân nào ấy nhỉ? ;)

    ReplyDelete
  2. Oh em có bản dịch "Bông Huệ trong thung" từ hồi 2000 của của bác Đỗ Đức gì đó (ko phải Hiểu)
    Bác làm cái list 16 tập ấy đi để em còn đi săn nào, em có 3 hay 4 cuốn của Balzac thôi
    Em cũng sắp đua đòi nhảy sang Blogspot, chuẩn bị làm đuôi (follower) của bác

    ReplyDelete
  3. Ngày trước vẫn ấn tượng quả trùng ngày sinh của L.Tolstoi và J.W.Goethe. Sau mới biết 28/8 còn là ngày sinh của một nhà vật lý lỗi lạc trong tương lai. Giời ạ.

    ReplyDelete
  4. Cái list cho bạn Thiên Minh là 1, 2, 3 ... 16. Bìa đen sì.

    ReplyDelete
  5. Đỗ Đức Dục (Trọng Đức) á? Thế mà tôi cứ nhớ là Vũ Đình Liên đấy.

    16 tập kia đúng là đen sì, Lê Hồng Sâm chủ biên, lấy lại nhiều bản dịch cũ (có tút tít lại), dịch thêm một số, một số nữa tóm tắt cốt truyện (như "La Femme de trente ans").

    Blake: gửi thêm tiếp đi chứ, sao dừng luôn thế?

    Tks chị TL. Bisous :)

    ReplyDelete
  6. Oh bác và bác Blake giới thiệu bìa thế thì đánh đố em rồi. Lê Hồng Sâm bìa đen sì chắc lại của NXB Cao đẳng trung học chuyên nghiệp (h không biết thành cái gì rồi)
    Mà sao đồng chí Balzac không được dịch thuật sang ta hào hứng hoành tráng như đồng nghiệp Hugo nhở. Bác giải thích 1 phát đi
    Hình như là có 2 bản dịch, đúng e nhớ bác Liên hồi ở nhóm Lê Quý Đôn có dịch 1 quyển Balzac
    Oh chúc mừng bác Nhị Linh sinh nhật, hay ăn chóng lớn, nghe lời vợ con (suýt quên) keke

    ReplyDelete
  7. Ờ, đúng đúng. Đọc xong rồi tránh các cụ ấy ra. ;))

    Mà chú nào xúi bác bậy thế. Muốn lên tinh thần thiếu gì cái để túm. Ai lại đi túm tóc bao giờ. ;D

    ReplyDelete
  8. Ơ mình sinh ngày 20/5, trùng ngày với cụ Balzac và sau cụ Hồ nhõn 1 ngày.

    Chị So nói về ngày sinh các vĩ nhân đúng thế nhở ? :)))

    Lâu lắm mới đọc blog bạn Nhị Linh. Viết vẫn khỏe nhở ? Chúc khỏe nữa, khỏe mãi. Nhé !

    Mình lâu rồi chả blóc bliếc gì. Lười quá !

    ReplyDelete
  9. Ặc, Verne sáng tác quá nhiều làm sao đọc hết được. Mà em nhớ là lúc trước VN dịch rất nhiều Verne luôn nhé (toàn sách bìa đen xong đi gói xôi - vâng, đáng tiếc là thế). Mấy cuốn nổi tiếng thì không nói, mấy cuốn như Cây đèn biển ở tận cùng thế giới cũng được dịch luôn. Lâu quá chả nhớ ai dịch, chỉ biết in trên giấy đen xì.

    ReplyDelete
  10. Cây đèn biển mỏng dính. Nói thế thôi chứ nhiều quyển nổi tiếng nhất lại chưa được dịch đâu, như "Michel Strogoff" chẳng hạn (à cũng không chắc lắm nhưng ít nhất là tôi chưa bao giờ thấy).

    ReplyDelete
  11. Ngày sinh nhật luôn là ngày ngậm ngùi ngân nga một thuở nào vĩnh viễn đã đi qua :-D

    Ngoài ra nhớ ra 1 câu gì đó, có thể biến tấu lại thành qua tuổi hoa niên chẳng ai còn đọc Honoré. Chỉ còn đi tìm honneur :-D

    ReplyDelete
  12. Lời giải thích cho sự ưu trội số lượng tác phẩm của V.Hugo được dịch sang VN chắc bởi : V.Hugo dính dáng nhiều đến cuộc cách mạng tư sản hơn Balzac.

    Đố bác biết tại sao Shakepeare lại được dịch khá đầy đủ ở VN ko ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. vì là thần tượng của Marx à?

      Delete
    2. Gần đúng, thần tượng của một người vĩ đại gần như Marx : ông Nguyễn. Tolstoy, Lỗ Tấn, và Anatole France được quan tâm đầy đủ cũng bởi lẽ này.

      Delete
    3. cùng trong mạch Tôi là một học trò nhỏ của Lev đấy à :p

      Delete