vân vân và vân vân
Như mới nói gần đây, La Comédie humaine của Balzac trước hết cần được hình dung như một vở kịch. Và trước hết, nó được chia thành các nhóm "étude", có thể coi là tương đương với các "acte" (màn, trong kịch nghệ). Tổng cộng có ba nhóm "étude": 1) phong hóa 2) triết học 3) phân tích.
Tuyệt đại đa số tác phẩm của La Comédie humaine mà chúng ta biết ngày nay thuộc 1), tức là các étude liên quan tới phong hóa. Các étude "phân tích" chiếm một dung lượng rất không đáng kể, gần như có thể coi như là Balzac còn chưa kịp viết phần này. Nhưng 2) (các étude triết học) mặc dù không quá mức nổi tiếng, tuyệt đối không thể bỏ qua (tổng cộng có chừng hai mươi tác phẩm thuộc phần này, trên tổng số khoảng chín mươi tác phẩm vẫn hay được tính cho La Comédie humaine).
[phần "các étude phong hóa" lại chia tiếp thành 6 cụm "xen", điều này sẽ nói rõ sau, ví dụ Ferragus thuộc "Scènes de la vie parisienne" còn Mặt bên kia của lịch sử hiện thời thuộc "Scènes de la vie politique"]
Séraphîta là một trong những "étude" triết học, một trong những kiệt tác tuyệt đối của bộ La Comédie humaine, nằm trong số vài tác phẩm mà nếu thiếu, La Comédie humaine chắc chắn sẽ không giống như ta biết hiện nay, cũng không có ý nghĩa lớn lao như nó vẫn có. Séraphîta cho thấy chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn Balzac, cũng cho thấy độ cao khó tưởng tượng của tinh thần Balzac (người ta cứ phân chia rất ngớ ngẩn, chứ Balzac, hay Amiel, chính là các triết gia lớn nhất của toàn bộ lịch sử). Séraphîta cũng cho thấy đầy đủ kích thước thần bí ở Balzac, trong mối liên hệ với Swedenborg, điều đã được nói qua ở kia, cf. chú thích số 11.
Trong vòng gần hai thế kỷ qua, Séraphîta chạm đến sâu thẳm một số tâm hồn thuần khiết nhất từng tồn tại nơi cuộc sống của con người, trong số đó có Gaston Bachelard và Czesław Miłosz: rất nhiều người tìm được cảm hứng vô biên nhuốm không ít ân sủng khi đọc Séraphîta; trong cuốn sách thượng thặng của mình về không khí, bên cạnh Nietzsche, Bachelard đặt Balzac của Séraphîta ở nơi cao nhất.
Séraphîta cũng là khi độc giả của Balzac thấy mình rời khỏi cái cụ thể để đi tới cái trừu tượng; độc giả của La Comédie humaine cũng không còn ở nước Pháp, rời các phòng khách khu faubourg Saint-Germain hay các hiệu buôn, nhà ngân hàng Nucingen hay nhà ngân hàng Mongenod, để đến một vùng địa dư hoàn toàn khác: Bắc Âu. Hay, nói đúng hơn, nói trong tinh thần Dante: ta rời một vòng tròn này để đến với một vòng tròn khác, chuyển từ tầng này lên một tầng khác; và cũng chính ở Séraphîta, Balzac thể hiện vị thế độc đáo của mình trong đối sánh với Dante: Balzac vừa học theo vừa kháng cự lại thế giới của Dante.
Séraphîta được đề tặng cho Madame Hanska: trong đời William Blake, một người khác hiểu được tầm vóc của Swedenborg, có Catherine Butcher thì trong đời Balzac có Hanska [Suzuki, một tác giả rất nổi tiếng ở Việt Nam với bộ Thiền luận, từng viết một cuốn sách về Swedenborg, đặt tên là "Bụt phương Bắc"; thế nhưng, danh hiệu "Bụt phương Bắc" này đã xuất hiện ngay từ Séraphîta của Balzac]
Trong lịch sử dịch và đọc Balzac ở Việt Nam (câu chuyện ấy không hề ngắn, cũng không quá mỏng), nếu từng có bao giờ ai dịch cuốn sách này, hoặc thực sự bình luận về nó, thì tôi đã dễ dàng thấy được, và công nhận ngay lập tức, là thực sự chúng ta có "balzacien"; nhưng, dĩ nhiên, rất tiếc, đã không hề có.
Séraphîta
Tặng bà Éveline de Hanska,
nhũ danh nữ bá tước Rzewuska
Thưa bà, đây là tác phẩm
mà bà đã yêu cầu tôi: tôi sung sướng khi đề tặng nó cho bà, vì nhờ thế tôi có
thể trao cho bà chứng nhận về tình trìu mến đầy kính trọng mà bà đã cho phép
tôi được thể hiện với bà. Nếu tôi bị buộc tội bất lực sau khi đã thử giật lấy từ
những chiều sâu của sự thần bí cuốn sách này, cái cuốn sách ở bên dưới sự trong
ngần ngôn ngữ đẹp đẽ của chúng ta, muốn có những thơ ca huy hoàng của phương
Đông, thì lỗi là ở bà! Chẳng phải bà đã hạ lệnh cho tôi tiến hành cuộc tranh đấu
này, thật giống cuộc tranh đấu của Jacob, khi bảo tôi rằng bức họa thiếu hoàn hảo
nhất khuôn mặt này, mà bà đã mơ thấy, cũng như tôi từng mơ thấy ngay từ hồi tuổi
nhỏ, đối với bà cũng sẽ vẫn là một cái gì đó? Vậy thì nó đây, một cái gì đó. Tại
sao tác phẩm này lại chẳng thể nào chỉ tuyệt đối thuộc về những tinh thần cao
quý ấy, những tinh thần cũng giống như bà, nhờ nỗi cô độc mà tách biệt với những
bần tiện của cuộc đời? những tinh thần ấy hẳn sẽ in dấu lên đây cái nhịp du
dương vẫn còn thiếu, và hẳn nó, dưới bàn tay một trong các nhà thơ của chúng
ta, sẽ biến tác phẩm này thành ra bản sử thi vinh quang mà nước Pháp vẫn đang
chờ đợi; nhưng những tinh thần ấy sẽ đón nhận nó từ tôi như một hàng lan can chạm
trổ bởi một nghệ sĩ tràn đầy lòng tin, và trên đó các khách hành hương dựa người
để suy tư về mục đích của con người, trong lúc ngắm nhìn dàn đồng ca của một
ngôi nhà thờ đẹp.
Với đầy ngưỡng vọng,
thưa bà, tôi là kẻ hầu cận tận tụy của bà,
DE BALZAC
Paris, 23 tháng Tám 1835
I
SÉRAPHÎTÜS
Khi một trong những vịnh kia, chỉ thuần túy là một vệt rạn trong mắt lũ nhạn biển, mở đủ rộng để nước biển không hoàn toàn bị băng giá trong cái nhà tù bằng đá đó nơi nó quẫy đạp, người dân của đất nước gọi hải loan nhỏ này là fiord, cái từ mà gần như mọi nhà địa dư từng tìm cách du nhập vào các ngôn ngữ riêng của họ. Mặc cho sự giống xuất hiện giữa các loại kênh này, mỗi cái vẫn có một vẻ ngoài đặc thù: khắp nơi biển tràn vào trong các vết nứt của chúng, nhưng khắp nơi các tảng đá bị phạt ngang dọc theo một cách khác, và những hang thẳm ầm ào của chúng thách thức các khái niệm kỳ cục của khoa địa dư: đây chất đá được giũa thành ra giống răng cưa, kia các phiến của nó quá dựng đứng nên không phải gánh chịu cả sự lưu trú của tuyết lẫn đống quả xù tuyệt diệu của các cây thông miền Bắc; xa hơn, các chấn động của quả đất đã bào tròn một sự khúc khuỷu đỏng đảnh nào đó, thung lũng thật đẹp được điểm trang bởi nhiều tầng cây màu đen thẫm. Chắc hẳn ta sẽ bị cám dỗ muốn đặt tên cho đất nước này là Thụy Sĩ của biển. Giữa Drontheim và Christiania có một trong những vịnh ấy, tên là Stromfiord. Nếu Stromfiord không phải phong cảnh đẹp nhất, thì ít ra nó cũng có một vinh dự lớn lao là tóm tắt các huyền diệu hạ giới của đất Na-uy, và vì đã trở thành sân khấu nơi diễn ra một câu chuyện thực sự cao khiết.
Hình dạng chung của Stromfiord, ở khía cạnh đầu tiên, là hình dạng của một cái phễu do biển cứa vào. Cái lối đi những cơn sóng từng dùng để mở nó ra dâng cho mắt nhìn một cuộc tranh đấu giữa Đại Dương và đá granit, hai tạo tác hùng mạnh ngang nhau: một bởi sự trơ ì, một do tính cơ động. Bằng chứng là vài cụm đá ngầm với hình thù kỳ thú ngăn cản thuyền bè đi vào. Những người con gan dạ của Na-uy có thể, ở một số chỗ, nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác mà không sửng sốt trước một vực thẳm sâu hoắm chừng hai trăm mét, rộng sáu bộ. Khi thì một miếng đá gneiss mỏng và rung lảo đảo, được ném ngang qua, nối hai khối đá với nhau. Lúc thì các thợ săn và ngư phủ ngả các cây thông để làm cầu, nhằm nối hai bờ ke dựng ngược ở phía dưới đáy nước biển không ngừng gầm rú. Hẻm vực nguy hiểm này tiến sang bên phải nhờ một cử động của rắn, gặp ở đó một ngọn núi cao sáu trăm mét trên mực nước biển, với chân núi tạo thành một dải dựng đứng dài chừng nửa dặm, nơi đá granit cứng rắn chỉ bắt đầu vỡ, hoắm vào, uốn lượn, ở độ cao chừng hai trăm bộ trên mặt nước. Dùng bạo lực để ào vào, biển bèn bị đẩy trở ngược bởi một sự bạo lực có cùng sức mạnh, sự trơ ì của núi, về phía các bờ đối diện, tại đó các phản lực của sóng đã in dấu thành những đường cong mềm. Fiord được khóa lại ở phía cuối bởi một khối đá gneiss ở trên phủ rừng, từ đó ào ạt chảy xuống theo các ghềnh thác một dòng sông vào kỳ tuyết tan trở thành sông lớn, tạo ra một khoảng nước rộng mênh mông, ồn ào chảy, khạc ra những cây thông già và lạc diệp tùng cổ thụ, gần như không thể nhìn thấy rõ trong cơn nước cuốn. Bị phũ phàng nhấn xuống đáy vịnh, những cây ấy sẽ mau chóng xuất hiện trở lại trên mặt nước, quấn lấy nhau, hình thành các hòn đảo nhỏ rồi dạt vào bờ bên tả ngạn, nơi cư dân của ngôi làng nhỏ bên bờ Stromfiord thấy lại chúng, đã bị bẻ gãy, đập nát, đôi khi vẫn còn nguyên, nhưng luôn luôn trần trụi và không cành. Ngọn núi phía trong Stromfiord nhận đến dưới chân mình những đợt a la xô của biển và trên ngọn của nó, a la xô của những gió miền Bắc, tên là Falberg. Chóp của nó, lúc nào cũng phủ một tấm áo choàng tuyết và băng, là núi nhọn nhất của Na-uy, nơi mà sự kề cận với cực trái đất tạo ra, ở độ cao một nghìn tám trăm bộ, một sự lạnh ngang bằng với sự lạnh ngự trị trên những ngọn núi cao nhất quả đất. Đỉnh của khối đá này, dựng đứng ở hướng biển, dần dà hạ độ cao về phía Đông, và hội với các thác nước của sông Sieg ở những thung lũng bố trí theo lối bậc thang trên đó cái lạnh chỉ cho phép mọc lên thạch thảo và các loại cây chịu được rét. Phần của Fiord từ đó nước chảy ra, dưới chân khu rừng, tên là Siegdalhen, cái từ hẳn có thể được dịch thành triền của Sieg, tức là tên con sông. Dải uốn lượn đối diện với các phiến đá của núi Falberg là thung lũng Jarvis, khung cảnh xinh đẹp nằm dưới sự ngự trị của những ngọn đồi mọc đầy thông, lạc diệp tùng, dương, vài loại sồi, tấm thảm phong phú nhất, sặc sỡ nhất trong số tất tật những tấm thảm mà tự nhiên phương Bắc từng giăng ra trên những khối đá cheo leo của nó. Con mắt có thể dễ dàng nắm bắt ở đó cái đường thẳng nơi những khoảnh đất được các tia nắng vùng cực hâm nóng bắt đầu được trồng trọt và để cho xuất hiện các cây cỏ của Thảm Thực Vật Na-uy. Ở nơi này, vịnh đủ rộng để biển, bị núi Falberg án ngữ, tới an nghỉ, thì thầm trên đoạn cuối cùng của các ngọn đồi, cái bờ được mềm mại viền lấy bởi một dải cát mịn, lấm chấm đá nhiều vân, cỏ lơ thơ, những sỏi xinh đẹp, đá vân ban, những đá hoa cương muôn vàn sắc thái được đưa từ Thụy Điển sang theo dòng chảy của con sông, và các tàn tích của biển, vỏ sò, những bông hoa của biển mà các cơn bão đẩy tới, hoặc từ cực xuống, hoặc từ miền Nam lên.
Dưới chân các ngọn núi của Jarvis là ngôi làng gồm hai trăm nhà gỗ, với các cư dân sống hẻo lánh ở đó, như những tổ ong trong một khu rừng, chúng, không tăng cũng chẳng giảm, sống lờ đờ sung sướng, hút mật cho cuộc đời mình giữa một tự nhiên hoang sơ. Sự tồn tại vô danh tính của ngôi làng này rất dễ giải thích. Rất ít người đủ lòng can đảm dấn thân vào các khoảng đá ngầm để tới bờ biển và bắt tay vào việc đánh cá ở đó giống như những người Na-uy làm một cách rộng rãi trên các bờ biển ít nguy hiểm hơn. Lượng cá dồi dào của Fiord đủ cung cấp một phần lương thực cho các cư dân của nó; các đồng cỏ gia súc của những thung lũng mang lại cho họ sữa và bơ; rồi nhiều khu đất tuyệt hảo cho phép họ thu hoạch lõa mạch, gai dầu, rau, mà họ bảo vệ chống lại sự khắc nghiệt của cái lạnh và cũng chống lại sự nồng nực chỉ thoáng qua, nhưng khủng khiếp, gây ra bởi mặt trời của họ, với tài khéo mà người Na-uy thể hiện trong cuộc chiến kép này. Việc thiếu liên lạc, hoặc trên bộ nơi các con đường không thể đi nổi, hoặc trên biển nơi chỉ những thuyền nhẹ mới có thể tới được, băng ngang các khoảng nước biển của Fiord, ngăn cản họ làm giàu bằng cách khai thác gỗ của mình. Hẳn sẽ cần đến những khoản tiền lớn khủng khiếp như nhau, cả để nạo lòng vịnh cũng như để mở một lối đi trên đất liền. Tất tật những con đường từ Christiania đến Drontheim đều vòng tránh Stromfiord, và vượt sông Sieg nhờ một cây cầu nằm cách chỗ nó đổ ra biển nhiều dặm; bờ biển, đoạn giữa thung lũng Jarvis và Drontheim, phủ những khu rừng mênh mông không thể tiếp cận; cuối cùng núi Falberg cũng bị ngăn cách với Christiania bởi các vực sâu không thể xâm nhập. Ngôi làng của Jarvis có lẽ vẫn có thể thông với lục địa Na-uy và Thụy Điển qua đường sông Sieg; nhưng, để có thể được tiếp xúc với văn minh, Stromfiord muốn một con người thiên tài. Thiên tài ấy quả thật đã xuất hiện: đó là một nhà thơ, một con người tôn giáo Thụy Điển chết đi trong sự ngưỡng mộ và kính trọng những cảnh sắc của vùng đất, như là một trong các tạo tác kỳ tuyệt nhất của Đấng Sáng Tạo.
Giờ đây, những người mà sự nghiên cứu đã khiến có được cái nhìn bên trong ấy, với các tri nhận thần tốc lần lượt mang đến trong tâm hồn, như thể trên một tấm toan, các phong cảnh tương phản nhau nhất của quả đất, có thể dễ dàng bao quát toàn cảnh Stromfiord. Chỉ họ, có lẽ, mới có thể dấn vào các bãi đá ngầm ngoằn ngoèo của cái hẻm nơi biển quẫy lộn, chạy trốn với các đợt sóng của nó dọc theo các phiến đá vĩnh cửu của núi Falberg mà những kim tự tháp màu trắng hòa lẫn vào với các đám mây trộn sương của một bầu trời gần như lúc nào cũng độc một màu ghi ngọc; chiêm ngưỡng khoảng nước khoét sâu vào đầy đẹp đẽ của vịnh, nghe thấy ở đó những tiếng tuôn nước của sông Sieg treo thành những lưới dài và rơi xuống một đám chướng ngại vật tuyệt diệu gồm những cây đẹp rải rác một cách hỗn loạn, đứng đó hoặc lẩn vào giữa các mảng đá gneiss; rồi, nghỉ ngơi trên các bức tranh tươi cười bày ra bởi những ngọn đồi hạ thấp của Jarvis từ đó vươn lên những thực vật phong phú nhất của miền Bắc, theo nhiều họ loại, hằng hà sa số: nơi đây đám cây dương mảnh dẻ như những nàng thiếu nữ, cũng cúi nghiêng giống như họ; đằng kia là các hàng sồi trăm năm phủ đầy rêu; tất cả những tương phản của các sắc lục khác nhau, những đám mây trắng giữa đám thông đen, các khoảng thạch thảo tía và chia sắc phong phú đến vô tận; rốt cuộc là tất tật màu sắc, tất tật hương vị của Thảm Thực Vật với những báu vật không được biết tới này. Hãy mở rộng các tỉ lệ của các nhà hát đó, ta hãy lao mình lên mây, hãy lạc bước vào hom rỗng các tảng đá nơi lũ hải cẩu ngơi nghỉ, ý nghĩ của ta sẽ vẫn chẳng đạt tới được sự giàu có, cũng như các thơ ca của cảnh trí Na-uy này! Ý nghĩ của ta có thể nào cũng rộng lớn như Đại Dương vây bọc lấy nó, cũng đỏng đảnh như các hình thù huyễn hoặc vẽ nên bởi các khu rừng, đám mây, bóng tối của nó, và bởi những đổi thay ánh sáng của nó? Có nhìn thấy, phía trên các đồng cỏ của bãi biển, trên nếp gấp đất liền cuối cùng uốn lượn phía dưới những ngọn đồi lớn của Jarvis, hai ba trăm ngôi nhà phủ noever, loại mái nhà làm bằng vỏ cây dương, những ngôi nhà thật lả lướt, dẹt và rất giống lũ tằm trên một lá dâu bị gió thổi vật vờ đến đó, hay không? Ở phía trên các chỗ cư ngụ khiêm nhường, yên bình ấy, là một nhà thờ được xây dựng một cách giản dị hòa hợp với sự khốn khó của ngôi làng. Một nghĩa trang bao quanh chái ngoài của ngôi nhà thờ này, và xa hơn một chút là nhà mục sư. Cao hơn nữa, trên một chóp núi, là một tòa nhà, cái duy nhất xây dựng bằng đá, và vì lý do ấy cư dân gọi là lâu đài Thụy Điển. Quả thật, một người giàu có từ Thụy Điển, ba mươi năm trước cái ngày câu chuyện này bắt đầu, sang và định cư ở Jarvis, gắng sức cải thiện vận hạn của nó. Ngôi nhà nhỏ này, được xây dựng với mục đích khuyến khích cư dân làm những cái khác giống thế, rất đáng chú ý ở độ vững chãi của nó, ở một bức tường bao, điều hiếm thấy ở Na-uy, nơi, mặc dù có rất nhiều đá, người ta dùng gỗ cho mọi loại hàng rào, kể cả hàng rào quây quanh cánh đồng. Ngôi nhà, được an toàn như vậy trước tuyết, mọc lên trên một gò đất, giữa một cái sân rất rộng. Các cửa sổ được bảo vệ bởi những ô văng chìa ra rất xa chống trên những cây thông lớn đẽo vuông vắn, thứ khiến cho các công trình miền Bắc mang dáng vẻ có chút gia trưởng. Dưới các nhà cửa ấy, có thể dễ dàng trông thấy những trần trụi hoang sơ của núi Falberg, so sánh sự vô tận của biển đầy tràn với giọt nước của vịnh mờ bọt, nghe những lời thổ lộ rộng lớn của dòng Sieg, với khối nước từ xa trông như thể bất động trong lúc rơi xuống lòng chảo đá granit được bao bọc trên phạm vi ba dặm từ mọi hướng bởi các khối băng phương Bắc, tức là toàn bộ phong cảnh nơi sẽ diễn ra những sự kiện siêu nhiên và giản dị của câu chuyện này.
Mùa đông năm 1799-1800 là một trong những mùa đông dữ dội nhất mà ký ức người dân châu Âu còn lưu giữ; biển Na-uy bị đông cứng hoàn toàn trong các Fiord, nơi sự bạo liệt của sóng dồi thông thường ngăn cản nó đóng băng. Một thứ gió có các hiệu ứng giống như gió levantis Tây Ban Nha dọn sạch băng của Stromfiord, dồn tuyết về phía cuối vịnh. Từ lâu, người dân Jarvis đã không còn được ngắm, trong mùa đông, tấm gương lớn của mặt nước phản chiếu các màu của bầu trời, cái cảnh tượng kỳ lạ ở giữa những núi non kia, mà tất tật trồi sụt đều bị san bằng dưới nhiều lớp tuyết chồng lên nhau, và là nơi các ngọn sống động nhất cũng như các thung rỗng nhất chỉ tạo thành những nếp nhỏ trên chiếc áo dài mênh mông được tự nhiên thả rơi xuống phong cảnh này, khi ấy chói sáng và đơn điệu một cách buồn bã. Các khoảng dài của sông Sieg, đột nhiên đóng băng lại, dựng nên một cái vòm lớn bên dưới đó cư dân hẳn có thể đi qua, bằng cách ấy mà tránh khỏi các xoáy lốc, nếu có người trong số họ đủ gan dạ để phiêu lưu vào vùng đất. Nhưng những hiểm nguy của bất kỳ sự di chuyển nào dù nhỏ đến đâu giữ lại ở nhà những thợ săn quả cảm nhất, họ sợ sẽ chẳng thể nào còn có thể nhận ra dưới lớp tuyết những lối đi hẹp chạy ven các vực, các khe hoặc sườn núi. Thế nên không có lấy một sinh vật tạo sống động cho sa mạc màu trắng này, nơi ngự trị gió của cực, cái giọng nói duy nhất vang lên vào những thời khắc hiếm hoi. Bầu trời, gần như lúc nào cũng một màu xám nhạt, làm cái hồ nhuốm những sắc của thép sạm. Có lẽ một con nhạn biển già nua đôi khi thoải mái băng ngang không gian nhờ sự trợ sức của bộ lông vũ ấm áp bên dưới đó những giấc mơ người giàu trườn vào, những người ấy không biết bộ lông được mua bằng bao nhiêu nguy hiểm; nhưng, cũng giống người Bédouin đơn độc vạch lối trên cát châu Phi, con chim không được nhìn thấy cũng chẳng được nghe thấy; bầu không khí trĩu nặng, mất đi những liên lạc điện của nó, chẳng nhắc lại cả tiếng rít đôi cánh của con chim, cũng như những tiếng kêu vui. Vả lại con mắt nào đủ sức đây để mà có thể chịu được sự bùng sáng của cái vực ấy, được lát những pha lê lấp lánh, và những ánh phản chiếu cứng rắn của tuyết chỉ hơi lóng lánh trên đỉnh của chúng bởi những tia của một mặt trời nhợt, cái mặt trời thảng hoặc lại hiện ra như một kẻ hấp hối chăm chăm muốn chứng nhận cuộc đời mình? Thường thì, những lúc các chồng mây xám, bị đánh đuổi thành đoàn lũ lượt băng ngang các ngọn núi và đám thông, che bầu trời đi bên dưới ba tấm voan chồng lên nhau, mặt đất, thiếu mất những luồng sáng của trời, tự rọi chiếu cho mình. Vậy là ở nơi đây gặp gỡ tất tật những huy hoàng của cái lạnh vĩnh viễn ngự trên cực, và có đặc điểm chính yếu là sự im lặng vương giả, giữa đó các quân vương chuyên chế sống. Mọi nguyên tắc cực điểm mang bên trong nó vẻ ngoài của một sự khước từ và các triệu chứng của cái chết: chẳng phải cuộc sống là sự chiến đấu của hai lực đấy ư? Ở đó, chẳng gì tiết lộ sự sống. Chỉ một sức mạnh duy nhất, lực bất năng sản của giá băng, ngự trị không có đối nghịch. Tiếng rì rào của biển đầy cuộn sóng thậm chí còn không vươn tới được bến cảng câm lặng này, vốn dĩ ầm ĩ đến vậy trong ba mùa ngắn khi tự nhiên vội vã sản xuất những sản vật yếu đuối cấp thiết cho cuộc sống của dân tộc kiên nhẫn này. Vài cây thông cao nâng những kim tự tháp màu đen của chúng, phủ nặng các tràng tuyết, và hình dạng các cành trĩu về phía dưới của chúng hoàn chỉnh cho sự tang tóc của những đỉnh ngọn đó, nơi, vả lại, chúng hiện ra như những điểm màu nâu. Gia đình nào cũng ngồi bên lò sưởi, trong một ngôi nhà cửa đóng then cài, dữ trự sẵn bánh quy, bơ, cá khô, những thứ đồ chuẩn bị từ trước cho bảy tháng mùa đông. Ta khó lòng nhìn thấy khói của những nhà ấy. Gần như tất tật đều bị chôn vùi dưới tuyết, tuy nhiên để cầm cự lại trọng lượng của nó, chúng được trang bị những ván dài gắn trên các cây cột vững chãi, tạo thành một lối đi có mái chạy vòng quanh nhà. Trong những mùa đông khủng khiếp đó, phụ nữ dệt và nhuộm len hoặc vải thô dùng để may quần áo, trong khi phần lớn đàn ông đọc sách hoặc chìm đắm vào những trầm tư tuyệt đỉnh, chúng đã sinh ra các lý thuyết sâu sắc, giấc mơ huyền bí của phương Bắc, các tín ngưỡng của nó, các nghiên cứu hoàn chỉnh tới vậy của nó về một điểm của khoa học, được bới tung như thể gắn máy dò; các tập quán chừng như nhuốm màu trường dòng buộc tâm hồn phản ứng lên chính nó, tìm ở chính nó dưỡng chất, và chúng biến người nông dân Na-uy trở thành một kiểu người đặc biệt trong số dân cư châu Âu. Năm đầu tiên của thế kỷ mười chín, vào quãng giữa tháng Năm, đó chính là tình hình ở Stromfiord.
Một buổi sáng khi mặt trời rọi chiếu giữa khung cảnh ấy bằng cách châm lửa đốt mọi kim cương phù du tạo ra từ những kết tinh của tuyết và băng, hai người đi qua trên vịnh, băng ngang và bay dọc theo chân núi Falberg, hết nếp gấp này đến nếp gấp khác, họ đi lên, về phía đỉnh núi. Đó là hai sinh thể, hay đó là hai mũi tên? Nếu có ai nhìn thấy họ ở độ cao này, hẳn sẽ cho đó là hai con nhạn biển mới lướt ngang qua những đám mây. Cả người ngư phủ mê tín nhất lẫn thợ săn can đảm nhất hẳn cũng sẽ chẳng gán cho các sinh thể người cái quyền năng đứng vững được trên những đường mờ mịt vạch trên các sườn đá granit, nơi tuy vậy cặp kia đang lướt đi với sự khéo léo đáng kinh hãi thường hay thấy ở những kẻ mộng du khi, quên biến mất mọi hoàn cảnh của trọng lực và những hiểm nguy của chệch bước dẫu là nhỏ nhất, họ chạy trên gờ các mái nhà, giữ được thăng bằng dưới sự chi phối của một lực không ai biết đến.
“Dừng em lại đi, SÉRAPHÎTÜS, một cô gái trẻ sắc mặt nhợt nhạt nói, và để cho em thở. Em đã chỉ muốn ngắm nhìn anh khi kề cận các bức tường của vực sâu này; bằng không, em sẽ thành ra cái gì đây? Nhưng em cũng chỉ là một sinh vật yếu ớt mà thôi. Em có làm anh mệt không?
- Không, người kia, đưa cánh tay cho cô gái dựa vào, đáp. Ta tiếp tục đi nhé, Minna! nơi chúng ta đang đứng đây không đủ vững để có thể dừng chân.”
Lại tiếp tục, cả hai làm rít lên trên nền tuyết mấy thanh ván dài buộc vào dưới chân, và tới được gờ núi thứ nhất mà sự tình cờ đã vẽ nên rất sắt nét trên sườn của vực thẳm. Người mà Minna gọi là Séraphîtüs nhấn gót chân phải xuống để bẩy cái ván dài chừng hai mét lên, nó hẹp bằng bàn chân một đứa trẻ con, và được buộc vào ghệt của chàng bởi hai sợi dây cu-roa làm bằng da hải cẩu. Cái ván, dày chừng hai ngón tay, được bọc da tuần lộc với lớp lông, dựng đứng lên trên tuyết, đột nhiên chặn đứng Séraphîtüs lại; chàng đưa bàn chân trái về, bên này cái patanh có chiều dài không dưới bốn mét, gấp gáp xoay tròn, bước tới ôm choàng lấy cô gái đồng hành đang khiếp sợ, nâng bổng cô lên mặc cho những cái patanh dài dưới chân cô, và đặt cô ngồi xuống một khoanh đá, sau khi đã lấy vạt áo lông dài của mình phủi tuyết đi.
“Ở đây, Minna ạ, em được an toàn, em sẽ tha hồ mà run.
- Chúng ta đã lên đến một phần ba Mũ bonnê băng, cô nói, nhìn lên chóp đỉnh được cô gọi bằng cái tên dân dã mà người ta biết đến ở Na-uy. Em vẫn còn chưa tin nổi.”
Nhưng, vẫn còn thở hổn hển không thể nói nhiều hơn, cô mỉm cười với Séraphîtüs, chàng không đáp lại và tay đặt trên ngực phía trái tim, giữ cô, lắng nghe những tiếng đập dồn dập vang dội gấp gáp như những tiếng đập của một con chim non bị bắt chợt.
“Nó vẫn thường đập nhanh như vậy ngay cả khi em không chạy”, cô nói.
Séraphîtüs cúi đầu xuống, chẳng hạ cố cũng không lạnh lùng. Mặc cho vẻ duyên dáng khiến cho cử động ấy trở nên gần như êm ái, nó vẫn tiết lộ không ít về một sự khước từ, nếu mà ở một phụ nữ thì hẳn đã trở thành một sự điệu đà gây choáng ngợp. Séraphîtüs siết mạnh lấy cô gái trẻ. Minna coi sự vuốt ve này là một câu trả lời, và tiếp tục ngắm chàng. Vào đúng lúc Séraphîtüs ngẩng đầu lên, hất về phía sau các cuộn vàng của mái tóc bằng một động tác gần như là sốt ruột, để lộ vầng trán, chàng nhìn thấy hạnh phúc trong ánh mắt cô gái đồng hành.
“Đúng đấy, Minna, chàng nói bằng cái giọng mang âm sắc cha chú đi kèm một điều gì đó quyến rũ ở một con người vẫn còn ở tuổi thiếu niên, nhìn anh đây này, đừng cúi xuống.
- Tại sao?
- Em muốn biết à? Thế thì thử đi.”
Minna nhìn nhanh xuống chân, và đột nhiên hét lên như một đứa trẻ gặp phải hổ. Cảm giác khủng khiếp về các vực thẳm đã xâm chiếm lấy cô, và chỉ cái nhìn duy nhất ấy đã là đủ để nó lây nhiễm sang cô. Fiord, lồng lộn trước con mồi, cất giọng nói ầm ào làm cô thấy quay cuồng, tai ong ong lên, như để ngấu nghiến cô một cách chắc cú hơn, tự đặt mình vào giữa cô và cuộc đời. Rồi, từ mái tóc xuống đến chân của cô, dọc theo lưng, một cơn rùng mình lạnh giá rơi xuống trước hết, nhưng nó nhanh chóng làm các dây thần kinh bốc nóng đến độ không sao mà chịu nổi, các mạch máu đập dồn, mọi điểm tiếp xúc cơ hồ vỡ tung bởi các xung điện giống hiệu ứng khi mìn nổ. Quá yếu không thể kháng cự, cô cảm thấy mình bị hút vào bởi một lực không biết đến bên dưới phiến đá này, nơi cô nghĩ mình nhìn thấy một con quái vật nào đó đang phun lên cô nọc độc của nó, một con quái vật với cặp mắt từ tính quyến mị cô, với cái mồm há hốc như thể nhai từ trước con mồi của nó.
“Em chết đây, Séraphîtüs của em ạ, mà chưa từng yêu ai khác ngoài anh”, cô nói, bất giác có một cử động máy móc để chuẩn bị lao xuống.
Séraphîtüs dịu dàng thổi một hơi lên trán và mắt cô. Đột nhiên, giống người lữ khách trút hết mệt mỏi nhờ vừa tắm xong, Minna không còn nhớ gì về những đau đớn bỏng xé nữa, đã tan biến hết nhờ luồng hơi ve vuốt ấy, nó xâm nhập cơ thể cô, làm cô đắm chìm trong những làn hơi có quyền năng chữa bệnh, ngay khi luồng hơi thở vừa băng ngang không khí.
“Anh là ai thế? cô hỏi, cảm thấy một nỗi hãi hùng êm dịu. Nhưng em biết rồi, anh là cuộc đời em. - Làm sao mà anh có thể nhìn vực kia mà không chết?” cô nói tiếp sau một quãng ngừng.
Séraphîtüs để Minna lại đó, ép sát vào granit và, giống hệt một cái bóng, chàng lướt ra rìa phiến đá, từ đó ánh mắt chàng luồn sâu xuống đáy Fiord, thách thức độ sâu gây choáng váng của nó; cơ thể chàng không hề chao đảo, trán chàng vẫn trắng bệch và thản nhiên như trán một pho tượng đá: vực thẳm đối lại vực thẳm.
“Séraphîtüs, nếu anh yêu em, quay lại đây ngay! cô gái trẻ kêu lên. Hiểm nguy của anh khiến em thấy đau đớn. - Vậy anh là ai, để mà có được cái sức mạnh siêu nhiên ấy ở tuổi của anh? cô hỏi, lại cảm thấy mình ở trong vòng tay của chàng.
- Nhưng, Séraphîtüs đáp, em đâu có sợ hãi khi nhìn những không gian còn rộng lớn hơn cơ mà.”
Và, ngón tay giơ lên cao, con người lạ thường ấy chỉ quầng xanh lơ mà các đám mây vẽ nên, để lại một khoảng không gian nhạt màu trên đầu họ, và trong đó các vì sao vẫn hiện ra giữa ban ngày, tuân theo các định luật khí quyển còn chưa được giải thích.
“Khác lắm chứ! cô gái mỉm cười đáp.
- Em nói đúng, chàng đáp, chúng ta sinh ra là để vươn lên trời. Tổ quốc, cũng như khuôn mặt một người mẹ, chẳng bao giờ gây khiếp hãi cho một đứa trẻ.”
Giọng nói của chàng rung lên trong tâm khảm của cô gái đồng hành đã trở nên câm lặng.
“Nào, tới đây”, chàng lại nói.
Họ lướt đi trên những con đường yếu ớt vạch ra dọc theo ngọn núi, nuốt chửng các khoảng cách và bay từ tầng này lên tầng khác, từ đường thẳng này lên đường thẳng khác, với sự thần tốc vốn là phẩm chất của giống ngựa Ả rập, loài chim trên sa mạc. Chỉ một chốc, họ lên đến một thảm cỏ, rêu và hoa, nơi chưa từng có ai ngồi lên.
“Soeler xinh đẹp đây mà! Minna nói, thốt ra cái tên đúng của đồng cỏ này; nhưng làm sao mà nó lại ở độ cao như thế này được?
- Nơi đây, đúng vậy, là điểm kết thúc của các thứ cây cỏ trong Thảm Thực Vật Na-uy, Séraphîtüs nói; nhưng, nếu thấy được ở đây một số loài cỏ và hoa, thì là nhờ tảng đá kia đấy, nó bảo vệ chúng khỏi cái lạnh của cực. - Cho túm cỏ này vào trong ngực em đi, Minna, chàng nói, ngắt lấy một bông hoa, hãy cầm lấy tạo vật êm dịu này, mà chưa từng bao giờ mắt người được trông thấy, và giữ lấy bông hoa duy nhất này, như một kỷ niệm về buổi sáng duy nhất này trong cuộc đời em! Em sẽ không tìm được người dẫn đường đưa em trở lại soeler này nữa đâu.”
Chàng đưa cho cô một cái cây kỳ dị mà cặp mắt đại bàng của chàng nhận ra giữa đám cẩm chướng và cỏ tai hùm, kỳ quan đích thực bừng nở nhờ hơi thở của các thiên thần. Minna, với vẻ láu táu trẻ con, cầm lấy túm hoa dại có màu lục trong suốt và óng ánh giống như ngọc lục bảo, được tạo nên từ những lá nhỏ cuộn lại, màu nâu nhạt ở dưới đáy, nhưng, đổi sắc dần, trở nên lục ở các đỉnh của chúng, phân chia bởi những đường cắt tinh tế đến vô tận. Những chiếc lá ấy ken sát đến nỗi như thể chúng trộn lẫn vào với nhau và tạo thành cả một đoàn lũ tượng hình hoa hồng xinh đẹp. Đây đó, trên tấm thảm, mọc lên những ngôi sao màu trắng, bọc viền là một lưới vàng, ở chính giữa chui ra các bao phấn tía, không nhụy. Một mùi vừa giống mùi hoa hồng vừa giống mùi cuống cam, nhưng thoáng qua và hoang dại, hoàn thành công việc trao tặng một cái gì đó cao khiết rất khó diễn tả cho bông hoa huyền hoặc này, mà Séraphîtüs ngắm nhìn với vẻ sầu muộn, như thể hương của nó diễn đạt cho chàng những ý nghĩ sợ sệt mà, chỉ mình chàng! chàng mới hiểu. Nhưng với Minna, hiện tượng kỳ thú này dường như là một trò tai quái mà tự nhiên rất thích dùng để tặng vẻ tươi mới cho một số loại đá, để tặng sự mềm và hương thơm cho các loài cây.
“Tại sao lại là duy nhất? Tức là sẽ chẳng bao giờ nó lặp lại nữa? cô gái trẻ hỏi Séraphîtüs, chàng đỏ mặt và đột nhiên đổi đề tài cuộc trò chuyện.
- Ta ngồi xuống đi, quay lưng lại mà nhìn! Có lẽ, ở độ cao này, em sẽ hoàn toàn không run nữa? Các vực thẳm đủ sâu để em không thể nhìn rõ độ sâu của chúng; chúng đã đoạt được phối cảnh đồng nhất trộn lẫn biển, sóng của các đám mây, màu của trời; băng của Fiord là một thứ lam ngọc khá là xinh đẹp; em chỉ thấy những khu rừng thông giống như những đường nâu sẫm mờ mịt; đối với các người, hẳn vực thẳm được trang hoàng như vậy đấy.”
Séraphîtüs ném ra những lời này với sự êm ả trong âm điệu và phong thái chỉ bắt gặp ở những ai đã lên được tới đỉnh những ngọn núi cao trên quả đất, và có được theo đường lối phi ý chí đến mức ông chủ ngạo nghễ nhất cũng buộc lòng phải đối xử với người dẫn đường của mình như huynh đệ, và chỉ tin vào sự vượt trội của anh ta trong lúc cúi mình xuống các thung lũng, chốn trụ ngụ của con người. Chàng tháo cặp patanh của Minna, quỳ gối xuống chân cô. Đứa trẻ không hề để ý thấy điều đó, vì đang mải ngây ngất trước cảnh tượng hùng vĩ mà đất nước Na-uy trưng bày, nơi những tảng đá dài có thể được bao quát chỉ bằng một ánh mắt, vì lòng cô đang ngập tràn xúc cảm trước vẻ trường miên trang trọng của những đỉnh cao giá lạnh này, mà lời lẽ sẽ không thể diễn tả nổi.
“Chúng ta đã không tới đây nhờ duy nhất sức mạnh của con người, cô nói, hai tay chắp lại, chắc là em đang mơ.
- Các người gọi những sự việc mà các người không nắm được nguyên do là siêu nhiên, chàng đáp.
- Các câu trả lời của anh, cô nói, luôn luôn thấm đẫm một chiều sâu mà em không hiểu nổi. Ở bên anh, em hiểu được mọi thứ mà không cần phải cố gắng. A! em thật tự do.
- Em không còn mang patanh nữa, chỉ vậy thôi.
- Ồ! cô đáp, chính em lại muốn được tháo patanh của anh, vừa tháo vừa hôn chân anh.
- Giữ những lời ấy cho Wilfrid đi, Séraphîtüs dịu dàng nói.
- Wilfrid! Minna nhắc lại, giọng đầy giận dữ nhưng nguôi ngoai ngay khi nhìn người đồng hành. - Chẳng bao giờ anh sôi nổi lên hết! cô nói, tìm cách cầm lấy bàn tay chàng nhưng không được, trong mọi sự anh đều hoàn hảo đến mức gây tuyệt vọng.
- Và bởi thế em kết luận rằng anh là người không có cảm xúc.”
Minna khiếp hãi trước một ánh mắt phóng vào trong suy nghĩ của cô, sáng suốt đến vậy.
“Anh đang chỉ cho em thấy là chúng ta hiểu nhau,” cô gái đáp, với vẻ duyên dáng của một phụ nữ đang yêu.
Séraphîtüs êm ả lắc đầu, ném về phía cô một ánh mắt vừa buồn vừa dịu.
“Anh, người biết tất cả mọi thứ, Minna nói tiếp, hãy nói cho em tại sao sự rụt rè em từng cảm thấy ở dưới kia, bên cạnh anh, đã tan biến lúc lên tới đây? Tại sao em lại dám, lần đầu tiên, nhìn thẳng vào anh, trong khi dưới kia, đến liếc trộm anh thôi em cũng gần như chẳng dám?
- Ở đây, có lẽ, chúng ta đã trút bỏ được những sự bần tiện của mặt đất, chàng đáp, nới vạt cái áo lông ra.
- Chưa bao giờ trông anh đẹp như thế này,” Minna nói, ngồi xuống một hòn đá phủ rêu và đắm vào cuộc chiêm ngưỡng cái con người đã đưa cô lên một chốn đỉnh núi không thể nào nghĩ là có thể đạt tới được.
Chưa từng bao giờ, quả thật, Séraphîtüs bừng sáng với một sự huy hoàng lớn lao đến vậy, đó là biểu hiện duy nhất mang lại vẻ sống động cho khuôn mặt chàng và dáng vẻ của con người chàng. Có phải sự rực rỡ này là nhờ ánh sáng mang lại cho làn da không khí thuần khiết của núi và phản chiếu của tuyết? có phải nó được tạo ra nhờ chuyển động bên trong gây phấn chấn mãnh liệt cho cơ thể vào thời điểm nó ngơi nghỉ khỏi một sự chộn rộn kéo dài? có phải nó vụt đến từ sự tương phản đột ngột giữa ánh sáng vàng từ mặt trời rọi xuống và bóng tối của các đám mây xuyên qua đó cái cặp xinh đẹp này đã lướt trôi? Có lẽ còn phải thêm vào những lý do trên đây các hiệu ứng từ một trong những hiện tượng đẹp nhất mà bản tính con người có thể trao tặng. Nếu một nhà sinh học cao cường nào đó xem xét sinh thể này, cái sinh thể vào thời khắc ấy, căn cứ vào sự kiêu hãnh của vầng trán và ánh mắt sáng rực, trông như thể là một chàng trai mười bảy tuổi; nếu ông ta tìm kiếm các động lực của cái cuộc đời bừng nở này bên dưới lớp da trắng nhất mà phương Bắc từng có lúc tạo ra cho một trong những đứa con của nó, hẳn ông ta sẽ tin vào sự tồn tại của một dạng chất lỏng ánh lân tinh bên trong các dây thần kinh như thể lấp lánh bên dưới lớp biểu bì, hoặc vào sự hiện diện thường trực của một ánh sáng bên trong, nó tô điểm cho Séraphîtüs theo cách thức của những luồng ánh sáng được lưu giữ trong một cốc đựng tinh chất trắng. Dẫu trông có mảnh dẻ mềm yếu đến như thế nào, đôi bàn tay, mà chàng vừa tháo găng để cởi patanh cho Minna, trông cũng như thể mang cùng sức mạnh với bàn tay mà Đấng Sáng Tạo đã đặt vào những khớp trắng muốt của loài cua. Những ánh lửa trào ra từ ánh mắt vàng của chàng hiển nhiên là chiến đấu với các tia mặt trời, và như thể không phải chàng nhận ánh sáng từ đó, mà trao ánh sáng của mình cho nó. Cơ thể chàng, mảnh và thuôn như cơ thể một phụ nữ, chứng nhận cho một trong những bản chất yếu nếu xét vẻ ngoài, nhưng lại có sức mạnh lúc nào cũng ngang bằng với ham muốn, và những lúc cần thì sẽ rất hùng tráng. Có vóc dáng trung bình, Séraphîtüs cao lớn thêm khi phô ra vầng trán, như thể chàng những muốn lao đi. Mái tóc chàng, được cuộn xoăn lại nhờ bàn tay một nàng tiên, và như thể được nâng lên bởi một hơi thở, lại càng bồi bổ cho cái ảo tưởng mà phong thái không trung của chàng tạo ra; nhưng cái dáng điệu không đi kèm một chút nỗ lực nào này là kết quả của một hiện tượng tinh thần thì nhiều hơn là từ một thói quen thuộc cơ thể. Trí tưởng tượng của Minna trở thành đồng lõa cho ảo giác thường trực ấy, dưới ảnh hưởng cường bạo của nó hẳn ai cũng sẽ rơi vào, ai cũng gán cho Séraphîtüs vẻ ngoài của những hình tượng mơ thấy trong một cơn ngủ sung sướng. Chẳng một típ được biết đến nào có thể cung cấp hình ảnh cho cái hình tượng đực tính một cách uy nghi đối với Minna kia, nhưng lại, trong mắt một đàn ông, hẳn sẽ bị mờ khuất bởi vẻ duyên dáng nữ tính nơi những khuôn mặt đẹp nhất mà Raphaël từng tạo ra. Vị họa sĩ của các tầng trời đó đã liên tục đặt một dạng niềm vui yên ả, một sự mềm dịu đầy tình yêu vào các đường nét những nàng phụ nữ xinh đẹp như thiên thần của mình; nhưng, trừ phi ngắm nhìn bản thân Séraphîtüs, tâm hồn nào có thể nghĩ ra nỗi buồn trộn với hy vọng phủ hững hờ lên các tình cảm không thể diễn tả ghi dấu trong các đường nét của chàng đây? Ai kẻ, ngay cả trong những cơn cuồng phóng nghệ sĩ nơi mọi thứ đều trở nên có thể, nhìn thấy những bóng tối mà một nỗi kinh hoàng bí hiểm tung lên vầng trán quá mức trí tuệ kia, như thể nó tra hỏi bầu trời và luôn luôn khóc than cho mặt đất? Khuôn mặt ấy bay lơ lửng đầy cao ngạo như một con chim săn mồi trác tuyệt với những tiếng kêu làm không khí rối loạn, và nhẫn nhục như một con chim cu gáy thông qua giọng của nó vãi sự dịu dàng vào tận sâu những khu rừng im lìm. Nước da của Séraphîtüs trắng đến đáng kinh ngạc, lại càng được tôn thêm nữa nhờ cặp môi đỏ, hàng lông mày nâu và lông mi lụa mềm, chỉ những nét ấy hiện rõ lên trên vẻ nhợt nhạt của một khuôn mặt nơi sự đều đặn hoàn hảo chẳng hề gây hại cho cơn bừng nở của các tình cảm: chúng được phản chiếu ở đó, không rúng động cũng chẳng bạo liệt, mà với vẻ nghiêm nghị tráng lệ và tự nhiên mà chúng ta thích gán cho những con người cao vợi. Mọi thứ, trên khuôn mặt đá hoa cương này, đều cho thấy sức mạnh và sự ngơi nghỉ. Minna đứng dậy để cầm lấy tay Séraphîtüs, hy vọng bằng cách ấy có thể kéo chàng về mình, và đặt lên vầng trán quyến rũ kia một nụ hôn đẫm ngưỡng mộ nhiều hơn là tình yêu; nhưng một ánh mắt của chàng trai trẻ, cái ánh mắt xuyên thấu vào cô như một tia nắng băng ngang lăng kính, làm cô gái tội nghiệp đông cứng cả người. Cô cảm thấy, mà không hiểu được, một vực thẳm giữa họ, quay đầu đi chỗ khác và khóc. Đột nhiên một cánh tay đầy sức mạnh ôm lấy ngang người cô, một giọng nói đầy êm dịu bảo với cô: “Tới đây đi.” Cô tuân lời, đặt cái đầu đột ngột trở nên tươi mới của mình lên trái tim chàng trai, chàng vừa điều chỉnh bước chân theo bước chân cô, sự hòa nhịp dịu dàng và chăm chú, vừa dẫn cô đến một nơi từ đó họ có thể trông thấy những điểm trang rạng rỡ của tự nhiên vùng cực.
“Trước khi nhìn và nghe, nói cho em đi, Séraphîtüs, tại sao anh lại đẩy em ra? Anh không thích em à? sao cơ, nói đi chứ? Em những muốn chẳng có gì cho riêng mình; em muốn những tài sản hạ giới của em thuộc về anh, cũng như các tài sản của trái tim em đã như vậy rồi; rằng ánh sáng chỉ đến với em thông qua mắt anh, cũng như ý nghĩ của em sinh ra từ ý nghĩ của anh; hẳn em sẽ không phải e sợ làm anh phật ý nữa khi gửi trả lại cho anh, bằng cách ấy, những ánh phản chiếu của tâm hồn anh, những lời nói của trái tim anh, ngày của ngày của anh, giống như chúng ta gửi lại cho Chúa những chiêm ngưỡng mà Người dùng để nuôi dưỡng tâm trí chúng ta. Em muốn là tất tật anh!
- Này em, Minna, một ham muốn thường trực chính là một lời hứa mà tương lai nói với chúng ta. Hy vọng đi! Nhưng nếu muốn trở nên thuần khiết, em hãy luôn luôn hòa trộn ý tưởng về Đấng Toàn Năng vào các tình trìu mến nơi hạ thế này, khi ấy em sẽ yêu tất cả mọi sinh vật, và trái tim em sẽ lên được thật cao!
- Em sẽ làm mọi điều gì mà anh muốn, cô đáp, hướng ánh mắt lên chàng bằng một cử động rụt rè.
- Anh sẽ không phải người đồng hành của em đâu”, Séraphîtüs buồn bã nói.
Chàng đè nén vài suy nghĩ, chìa hai tay về phía Christiania, trông nó như thể một điểm nhỏ nơi chân trời, và nói: “Nhìn kìa!
- Chúng ta nhỏ bé quá, cô đáp.
- Đúng, nhưng chúng ta sẽ lớn lao nhờ tình cảm và nhờ trí tuệ, Séraphîtüs nói. Chỉ với riêng chúng ta mà thôi, Minna, mới khởi sự hiểu biết mọi điều; chút ít mà chúng ta học được từ các quy luật của thế giới hữu hình giúp chúng ta khám phá sự mênh mông của các thế giới cao hơn. Anh không biết đã đến lúc nói với em như thế này hay chưa; nhưng anh rất muốn truyền sang cho em ngọn lửa những niềm hy vọng của anh! Có lẽ rồi một ngày chúng ta sẽ được ở bên nhau, tại cái thế giới nơi tình yêu không bị chết đi.
- Tại sao không phải bây giờ và mãi mãi? cô thì thầm hỏi.
- Ở nơi đây đâu có gì là bền vững, chàng đáp, đầy cao ngạo. Những ân huệ thoáng qua của các tình yêu trên trái đất chỉ là những luồng ánh sáng hé lộ cho một số tâm hồn bình minh của các ân huệ dài lâu hơn, cũng như việc phát hiện một quy luật tự nhiên khiến cho một số con người được nhiều ưu thế giả định về toàn bộ hệ thống. Vậy nên, hạnh phúc mỏng manh của chúng ta nơi hạ giới này chẳng phải là chứng nhận cho một hạnh phúc khác hoàn chỉnh, giống như trái đất, một mảnh của thế giới, chứng nhận về thế giới, đấy ư? Chúng ta không thể đo được quỹ đạo mênh mông của suy nghĩ thần linh, chúng ta chỉ là một mẩu của nó, cũng nhỏ bé giống như Chúa thì vĩ đại, nhưng chúng ta có thể dự cảm độ rộng của cái đó, chúng ta quỳ gối, kính ngưỡng, chờ đợi. Những con người lúc nào cũng nhầm lẫn trong các khoa học của họ, khi không thấy rằng mọi thứ, trên quả đất của họ, đều là tương đối và gia nhập vào một vòng quay chung, vào một sự sản xuất thường hằng nhất thiết dẫn tới một tiến bộ và một mục đích. Bản thân con người đâu có phải một tạo vật hữu hạn, nếu không thì đã không có Chúa!
- Làm thế nào anh tìm được thời gian để học được ngần ấy thứ như thế? cô gái hỏi.
- Anh chỉ nhớ lại thôi, chàng đáp.
- Em thấy anh đẹp hơn mọi thứ gì mà em nhìn thấy.
- Chúng ta là một trong những tạo tác lớn nhất của Chúa. Chẳng phải Người đã trao cho chúng ta năng lực suy tư tự nhiên, dồn tụ nó lại trong chúng ta bằng suy nghĩ, và biến nó thành một bậc thềm giúp chúng ta bước lên để hướng về phía Người đấy ư? Chúng ta yêu nhau tùy thuộc vào phần nhiều hơn hay phần ít hơn của bầu trời mà chúng ta chứa trong tâm hồn. Nhưng đừng bất công chứ, Minna, hãy xem cảnh tượng đang trải rộng dưới chân em, nó không kỳ vĩ ư? Dưới chân em, Đại Dương bày ra như một tấm thảm, núi non thì giống những bức tường của một trường đấu, khí ê-te ở bên trên như tấm voan tròn của sân khấu này, và từ đây người ta hít vào những ý nghĩ của Chúa như một hương thơm. Có thấy không? các cơn bão vùi tan nát những con thuyền chất đầy người đối với chúng ta ở đây chỉ giống như những sôi lục bục yếu ớt, và nếu ngẩng đầu nhìn lên phía trên chúng ta, em sẽ thấy tất tật là màu xanh. Kìa, như thể một vương miện các vì sao. Nơi đây, biến mất đi các sắc thái những biểu hiện trái đất. Dựa vào cái tự nhiên bị không gian thế mất chỗ này, em không cảm thấy bên trong em nhiều độ sâu hơn là tinh thần ư? chẳng phải em có nhiều sự lớn lao hơn là lòng hào hứng, nhiều năng lượng hơn là ý chí ư? em không nhận thấy các cảm giác mà người phiên dịch chẳng còn ở trong chúng ta ư? Em không cảm thấy là em có cánh ư? Ta hãy cầu nguyện.”
Séraphîtüs quỳ, hai tay vắt chéo trên ngực, và Minna vừa phủ phục xuống vừa khóc. Họ giữ nguyên tư thế ấy một lúc, trong một lúc vầng hào quang xanh lơ rộn rịp trên bầu trời phía trên đầu họ lớn thêm, và những tia sáng rạng rỡ trùm lên họ mà họ không hay biết.
“Tại sao anh lại không khóc trong khi em khóc? Minna nức nở hỏi.
- Những người thuần túy tinh thần không khóc, Séraphîtüs đáp, đứng dậy. Làm thế nào mà anh có thể khóc đây? Anh không nhìn thấy những khốn cùng con người. Ở đây, cái thiện tỏa rạng trong toàn bộ sự uy nghiêm; dưới kia, anh nghe thấy các thỉnh cầu và sợ hãi của cây đàn hạc khổ đau rung lên dưới tay tinh thần bị cầm tù. Từ đây, anh lắng nghe cuộc diễn tấu của những cây đàn hạc hài hòa. Bên dưới, các người có niềm hy vọng, sự khởi đầu đẹp đẽ ấy của lòng tin; nhưng nơi đây lòng tin ngự trị, nó chính là hy vọng đã được hiện thực hóa!
- Anh sẽ chẳng bao giờ yêu em, em quá mức thiếu hoàn hảo, anh coi thường em, cô gái nói.
- Minna, bông hoa vi ô lét mọc dưới cây sồi tự nhủ: “Mặt trời không yêu mình, chàng không chịu đến.” Mặt trời thì tự nhủ: “Nếu mình chiếu sáng lên nàng, nàng sẽ chết, bông hoa khốn khổ ấy!” Là bạn của bông hoa, nó lướt các tia sáng của mình qua những lá sồi, và làm chúng yếu đi nhằm tô điểm cho đài hoa người yêu của mình. Anh thấy anh không có đủ các màn che và sợ em vẫn còn nhìn thấy anh quá nhiều: em sẽ run lên nếu biết anh rõ hơn. Nghe đây, anh không hề nuôi chút sở thích nào đối với các thứ hoa trái của quả đất; những niềm vui của các người, ta đã quá hiểu rồi; và cũng như các vị hoàng đế sa đọa của Rome phàm tục, ta đã tới điểm ghê tởm mọi thứ, bởi vì ta đã nhận được khả năng thấu thị. - Bỏ anh đi”, Séraphîtüs đau đớn nói.
Rồi chàng tới ngồi lên một tảng đá, gục đầu xuống trước ngực.
“Tại sao anh lại làm em phải tuyệt vọng đến mức ấy? Minna hỏi.
- Đi đi! Séraphîtüs kêu lên, anh chẳng có gì trong số những gì em muốn ở anh đâu. Tình yêu của em quá mức thô đối với anh. Tại sao em không yêu Wilfrid? Wilfrid là một người đàn ông, một con người chất chứa dục vọng, anh ta sẽ biết cách ôm lấy em trong vòng tay nhiệt hứng, sẽ làm em cảm nhận được một bàn tay to lớn và mạnh mẽ. Anh ta có mái tóc đen thật đẹp, cặp mắt đầy những suy nghĩ con người, một trái tim dào dạt thác lũ dung nham trong những câu từ mà miệng anh ta thốt ra. Anh ta sẽ vuốt ve em đến mức em phải gục ngã. Đó sẽ là người yêu dấu của em, chồng của em. Wilfrid là của em đấy.”
Minna khóc, những giọt nước mắt nóng hổi.
“Em dám nói là em không yêu anh ta? chàng hỏi, giọng nói chọc sâu vào trái tim như một lưỡi dao găm.
- Xin anh, xin anh, Séraphîtüs của em!
- Hãy yêu anh ta, hỡi đứa con khốn khổ của trái đất nơi số mệnh đã gắn chặt em xuống không thể thay đổi, Séraphîtüs khủng khiếp đáp lời, tóm lấy Minna bằng một động tác buộc cô phải đi ra bờ soeler, từ đó cảnh tượng bao la tới mức một cô gái trẻ lòng đang phấn hứng có thể dễ dàng tin mình đang ở bên trên thế giới. Anh từng mong có một người đồng hành để đi lên vương quốc của ánh sáng, anh từng muốn chỉ cho em cái mẩu bùn nhơ này, và anh thấy em vẫn còn bị trói chặt ở đó. Vĩnh biệt. Hãy ở lại, tận hưởng nhờ các giác quan, hãy tuân theo bản tính của em, hãy tái mặt với những đàn ông mặt tái, đỏ mặt với phụ nữ, chơi đùa với lũ trẻ con, cầu nguyện với đám tội phạm, ngẩng đầu lên nhìn trời trong những nỗi đau đớn; hãy run lên, hãy hy vọng, hãy phập phồng; em sẽ có một người đồng hành, rồi em sẽ có thể cười và khóc, trao đi và nhận về. Còn anh, anh giống như một kẻ phát vãng, xa rời bầu trời; và như một con quái vật, xa rời trái đất. Trái tim anh không còn phập phồng nữa; anh chỉ nhìn thấy thông qua anh và cho anh. Anh cảm thấy bằng tinh thần, anh hít thở bằng trán, anh nhìn bằng ý nghĩ, anh chết vì sốt ruột và các ham muốn. Chẳng một ai nơi hạ giới này có quyền năng thỏa mãn các mong mỏi của anh, làm dịu nỗi bồn chồn của anh, và anh đã học cách không khóc. Anh chỉ một mình. Anh nhẫn nhục và anh chờ đợi.”
Séraphîtüs nhìn mô đất phủ đầy hoa trên đó chàng đã đặt Minna xuống, rồi quay về phía những đỉnh núi nghiêm nghị nơi các chóp phủ đầy những mây dày, chàng ném phần còn lại của các suy nghĩ vào đó.
“Chẳng phải chúng ta đang được nghe một bản hòa nhạc tuyệt diệu ư, Minna? chàng nói tiếp, bằng giọng cu gáy, vì đại bàng đã thét đủ rồi. Chẳng phải nó chính là thứ âm nhạc của những cây hạc gió mà đám nhà thơ của các người đặt vào giữa những khu rừng và ngọn núi đấy ư? Các người có nhìn thấy những hình thù mờ ảo lướt qua trong các đám mây kia chăng? có trông rõ những bàn chân gắn cánh của những kẻ đang chuẩn bị các điểm trang của bầu trời không? Những âm điệu này làm tươi mới tâm hồn; bầu trời sẽ sắp làm rơi xuống những bông hoa xuân; một luồng sáng đã được phóng ra từ cực. Ta đi thôi, đến lúc rồi.”
Trong thoáng chốc, patanh của họ được buộc lại, và hai người xuống núi Falberg bằng các triền dốc hợp nhất nó với các thung lũng của sông Sieg. Một trí tuệ mầu nhiệm chủ trì cuộc lướt đi của họ, hoặc, nói đúng hơn, cuộc bay của họ. Khi gặp một khe núi phủ tuyết, Séraphîtüs tóm lấy Minna và vọt lên bằng một chuyển động thật nhanh, không nặng hơn một con chim trên cái lớp mỏng manh phủ trên một vực thẳm. Thường thì, vừa đẩy cô gái đồng hành về phía trước, chàng vừa lắc nhẹ người để tránh một cái vực, một cái cây, một tảng đá mà như thể chàng nhìn thấy giấu bên dưới lớp tuyết, giống một số thủy thủ đã quen với Đại Dương đoán được ở đó các đá ngầm nhờ vào màu, sự rung động, bố trí của mặt nước. Khi họ tới được những con đường của Siegdalhen và đã được phép đi mà gần như không phải e ngại theo đường thẳng để quay trở lại với băng của Stromfiord, Séraphîtüs dừng Minna lại: “Em không nói gì với anh cả, chàng nói.
- Em lại cứ tưởng, cô gái kính cẩn đáp, anh muốn tập trung suy nghĩ.
- Ta rảo chân lên đi, Minette, trời sắp tối rồi”, chàng nói thêm.
Minna rùng mình khi nghe thấy cái giọng ấy, có thể nói là hoàn toàn mới, của người dẫn đường: giọng thanh thoát như của một cô gái và làm tan biến những tia sáng huyền hoặc của giấc mơ cho tới lúc đó cô đang băng ngang. Séraphîtüs bắt đầu bỏ rơi sức mạnh của đực tính và gột đi khỏi ánh mắt của mình vẻ trí tuệ quá mức sống động. Hai sinh thể đẹp đẽ ấy nhanh chóng tới trên Fiord, đến cánh đồng tuyết nằm giữa bờ vịnh và dãy nhà đầu tiên của Jarvis; rồi, bị thúc ép bởi bóng tối sập xuống, họ lao nhanh về phía ngôi nhà mục sư, như thể chạy lên các bậc của một cầu thang to lớn.
“Chắc bố em lo lắng lắm, Minna nói.
- Không đâu, Séraphîtüs đáp.
Vào lúc đó, họ đang ở trước cổng ngôi nhà khiêm nhường nơi ông Becker, mục sư của Jarvis, đang vừa đọc sách vừa đợi con gái về để ăn tối.
“Thưa ông Becker, Séraphîtüs nói, tôi đưa Minna về đây, tuyệt đối an toàn.
- Cám ơn, thưa cô, ông già đáp, đặt cặp kính lên quyển sách. Chắc hai người mệt lắm.
- Không hề, Minna đáp, đúng thời điểm ấy trán cô nhận được hơi thở của người bạn đồng hành.
- Em gái, tối ngày kia em có muốn sang nhà tôi dùng trà không?
- Rất sẵn lòng, bạn thân mến.
- Thưa ông Becker, ông sẽ dẫn cô ấy sang nhà tôi nhé.
- Được, thưa cô.”
Séraphîtüs cúi đầu xuống, cử chỉ điệu đà, chào ông già, đi khỏi, và trong chốc lát đã tới chỗ cái sân của lâu đài Thụy Điển. Một ông gia nhân tuổi chừng tám mươi xuất hiện bên dưới ô văng rộng lớn, tay cầm một ngọn đèn. Séraphîtüs tháo cặp patanh bằng sự khéo léo đầy duyên dáng của một phụ nữ, băng vào trong phòng khách của lâu đài, thả người rơi xuống một cái đi văng lớn phủ đầy các loại lông, và nằm xuống đó.
“Cô muốn ăn gì? ông già vừa hỏi vừa thắp những ngọn nến dài ngoại cỡ mà người ta hay dùng ở Na-uy.
- Không, David, ta mệt quá.”
Séraphîtüs cởi cái áo lông chồn mactet, cuộn mình vào đó, và ngủ. Ông gia nhân già còn đứng lại một lúc để thân ái ngắm cái con người thật lạ thường ấy, đang nằm nghỉ dưới mắt ông, người có giống rất khó định nghĩa bởi bất kỳ ai, ngay cả bởi các nhà bác học. Nhìn sinh thể ấy nằm đó, bao quanh là trang phục quen thuộc, vừa giống một áo choàng của phụ nữ lại vừa giống một chiếc măng tô đàn ông, chẳng thể nào nghĩ là thuộc về một cô gái trẻ cặp bàn chân nhỏ xíu kia, được thả thõng ở đó, như để bày ra sự tinh tế mà tự nhiên đã gắn vào cho chúng; nhưng vầng trán ấy, nhưng đường nét nhìn nghiêng của khuôn mặt ấy lại như thể là biểu hiện của sức mạnh con người đạt tới mức độ cao nhất.
“Cô ấy đau đớn nhưng không muốn nói cho ta biết, ông già nghĩ; cô ấy chết giống như một bông hoa bị một tia mặt trời quá rát chạm phải.”
Và ông bật khóc, ông già ấy.
II
SÉRAPHÎTA
SÉRAPHÎTA
“Ta biết ông định thông báo vị khách nào rồi, SÉRAPHÎTA nói, giọng ngái ngủ. Wilfrid có thể vào.”
Nghe thấy những lời ấy, một người đàn ông đột nhiên hiện ra, và bước tới ngồi cạnh nàng.
“Séraphîta thân mến của anh, em ốm phải không? Anh thấy em nhợt nhạt hơn so với thường lệ.”
Nàng chậm rãi quay đầu về phía anh, sau khi đã hất mái tóc về phía sau giống như một phụ nữ xinh đẹp, vốn dĩ đang bị chứng đau nửa đầu hành hạ, không còn đủ sức để than thở.
“Em đã, nàng đáp, phạm phải điều điên rồ là băng ngang Fiord cùng Minna; bọn em đã leo lên núi Falberg.
- Hai người muốn tự sát hay sao thế? anh nói, như một tình nhân cảm thấy khiếp hãi.
- Anh đừng sợ, Wilfrid tốt bụng ơi, em đã hết sức chăm sóc cho Minna của anh.”
(còn nữa)
Balzac: Ferragus
Balzac: Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
thật ko ngờ! như là nghe concerto Emajor ch.II violin của JSB. mà năm 1800 Đế chế đang hoành lắm nhỉ. câu chuyện này có "nghe mùi kết thúc" ko?
ReplyDeletesao không "Finland" của Sibelius hehe
ReplyDeleteBalzac, không kém Stendhal trong khoản này, có rất nhiều quyển xoay quanh Bonaparte, nhưng quyển này thì hoàn toàn không liên quan
"Finlandia" phong cảnh v kịch v "như hát" nhưng concerto Mi trưởng ch.II phi lô về sống-chết gần với "đỉnh núi nhọn nhất Finland" hơn :)
ReplyDeletehehe nếu ko thì Wagner trong "Tristan und Isold." mà sông Sieg có phải giống tên con sông Âm phủ ko nhỉ?
ReplyDeletekhông, sông kia là Styx
ReplyDeletecảm hứng ở văn này kỳ lạ quá. rất hiện đại. trước thời? cái anh "cô" đẹp trai này bị ám ảnh vì trót nhìn thấy hư vô?
ReplyDeletekhông, đoạn sau sẽ khá là bất ngờ đấy
ReplyDelete"Séraphîtüs dịu dàng thổi một hơi lên trán và mắt cô", những kẻ mộng du chạy trên các mái nhà,... Không biết Andersen khi viết "Bà chúa tuyết" (1844?) có đọc Balzac không nhỉ?
ReplyDeleteValéry hồi trẻ cũng coi đây là sách gối đầu giường, rồi cả August Strindberg etc.
ReplyDeleteĐoạn cuối bất ngờ thật. Một Orlando của thế kỷ 19.
ReplyDelete