Feb 20, 2017

Albert Savarus

Tôi vẫn không thôi ngồi đó, etc. etc.

Ta quay trở lại từ đầu La Comédie humaine.

Trong cách sắp xếp La Comédie humaine như ta thấy hiện nay, mở đầu bộ sách là phần "Études de moeurs" (Các ê-tuýt phong hóa), mở đầu phần "Études de moeurs" này là "Scènes de la vie privée" (tức là các "xen" về cuộc đời riêng); tổng cộng có khoảng gần ba mươi "cảnh" thuộc "Scènes de la vie privée".

Mở đầu, xếp thứ nhất của "Scènes de la vie privée", cũng là mở đầu và xếp thứ nhất của "Études de moeurs", đương nhiên cũng là mở đầu và xếp thứ nhất của toàn bộ La Comédie humaine, là La Maison du Chat-qui-pelote, bản dịch tiếng Việt tên là Cửa hiệu Mèo-chơi-bóng.

Tôi đã đọc rất nhiều lần tác phẩm thứ nhất này, lần nào cũng tìm ra rất nhiều điều mới mẻ từ tác phẩm thật ra rất ngắn ấy. Tôi cũng nghĩ, Balzac hoàn toàn có lý khi quyết định đặt nó ở vị trí này, cho dù rất có thể nó không vang dội, nó không làm người ta choáng váng và sửng sốt như nhiều tiểu thuyết khác của bộ sách. La Maison du Chat-qui-pelote tương đối đơn giản, nhưng nó để lại một dư vị rất khó diễn tả. Nhiều lần tôi đã nhắc đến nó trong các bài viết. Lần đọc lại nó gần đây nhất, đoạn Augustine đến gặp người phụ nữ quý tộc tại "boudoir" của người phụ nữ ấy, câu chuyện họ nói với nhau, đã làm tôi thấy thực sự một vẻ đẹp ảm đạm mà chỉ những ai (rất ít) hiểu phụ nữ một cách sâu sắc mới biết cách tạo ra.

Số 2 là Le Bal de Sceaux (tên bản dịch tiếng Việt: Vũ hội ở Sceaux) cũng rất ngắn. Thật ra, đây mới chính là tác phẩm có niên đại sớm nhất trong số toàn bộ những gì làm nên La Comédie humaine (xuất bản năm 1830, được viết vào năm 1829), chứ không phải La Maison du Chat-qui-pelote. Câu chuyện về Émilie de Fontaine sau đó trở thành bà de Kergarouët (thủy sư đô đốc về già Kergarouët sẽ còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm thuộc La Comédie humaine, một trong những ông già đáng nhớ nhất từng xuất hiện dưới ngòi bút Balzac) giải thích cho rất nhiều điều ở các cuốn sách khác.

Sau số 1 và số 2, ta chưa hề có bản dịch tiếng Việt nào của gần 20 tác phẩm nối tiếp.

Tiếp tục bản liệt kê: số 3 là Mémoires de deux jeunes mariées, một cuốn tiểu thuyết bằng thư (roman épistolaire), đi sâu vào một trong những chủ đề ưa thích nhất của Balzac: hôn nhân (có thể coi La Comédie humaine kết thúc bằng một tác phẩm viết riêng về hôn nhân, thuộc "Études analytiques" tức là các ê-tuýt phân tích, xếp sau các ê-tuýt triết học). Hai cô gái trẻ vừa rời tu viện bước chân vào cuộc đời, mỗi người theo một cách, viết thư cho nhau. Đặc biệt, tác phẩm này có nhân vật chính là Renée de Maucombe, một trong những phụ nữ đẹp nhất của La Comédie humaine.

Số 4 là La Bourse, một câu chuyện ngắn nữa, liên quan tới một chàng họa sĩ. La Bourse (Cái túi đựng tiền) rất gần với tác phẩm số 1, La Maison du Chat-qui-pelote, ở nhiều khía cạnh.

Số 5 là Modeste Mignon: đây là một tác phẩm tương đối dài, chủ đề là lòng trung thành. Ta cần nhớ là ở Balzac có rất nhiều "phẩm chất cornélien", tức là có rất nhiều những gì được ca ngợi trong các vở kịch của Corneille, tức là những phẩm chất của quý tộc thời Trung cổ. Người ta cứ nghĩ, ở Việt Nam, rằng Balzac là nhà văn của giai cấp cần lao, chiến đấu vì lý tưởng tiến bộ: như vậy là ngược hoàn toàn, vì cả đời Balzac chiến đấu chống lại chính xác hai thứ mà Balzac coi là đặc biệt ngu xuẩn: Tiến Bộ và Bình Đẳng. Modeste Mignon là tên nữ nhân vật chính; bối cảnh câu chuyện xảy ra ở thành phố cảng Le Havre.

Số 6 là Un début dans la vie, tức là Một đoạn đầu đời. Trong câu chuyện về Oscar Husson này, có rất nhiều mảnh cuộc đời thực của Balzac. Kỹ thuật của tác phẩm cũng khiến người ta choáng váng về tính chất, nếu có thể nói như vậy, hiện đại của Balzac. Nhân vật họa sĩ của La Bourse cũng xuất hiện thấp thoáng ở đây. Đây là một câu chuyện về sự lừa dối (nhan đề ban đầu của nó có chữ "mystification").

Số 7 là một kiệt tác lớn: Albert Savarus. Ở một phương diện lớn, đây là một kiệt tác vì ở đây ta thấy rất rõ một điều: sự tàn nhẫn. Thật ra, văn chương luôn luôn là câu chuyện của sự nghiệt ngã, và của sự tàn nhẫn. Nhà văn nào đẩy được sự tàn nhẫn lên mức độ thật cao thì nhiều khả năng đó là nhà văn lớn, thậm chí rất lớn; thêm nữa, sự tàn nhẫn của văn chương là một trong vài thứ không thể giả vờ được. Sự tàn nhẫn của Albert Savarus ở ngang mức độ với văn chương của ba nhân vật về sau đại diện cho sự tàn nhẫn tối cao, đối với tôi: Proust, Kafka và Carver.



Albert Savarus


Tặng bà Émile de Girardin    


Một trong vài phòng khách nơi tổng giám mục Besançon hay ghé chân dưới thời Trung Hưng[1], nơi mà đức ông yêu quý, là phòng khách của bà nam tước de Watteville. Chút ít về người đàn bà ấy, có lẽ là nhân vật nữ đáng trọng vọng nhất của Besançon[2].

Ông de Watteville, cháu của Watteville lừng danh, hạnh phúc nhất và xuất chúng nhất trong số đám sát nhân và bội phản từng kinh qua các cuộc phiêu lưu ngoạn mục nhưng quá giàu tính lịch sử nên không cần kể nữa[3], cũng bình lặng giống y như người ông trẻ có thể náo loạn. Sau khi sống ru rú tại Comté[4] như một con mọt trong khe gỗ, ông đã lấy nữ thừa kế của gia đình de Rupt nổi tiếngCô de Rupt kết hợp hai mươi nghìn franc tiền lợi tức điền địa với mười nghìn franc lợi tức bất động sản của nam tước de Watteville. Gia huy của nhà quyền quý Thụy Sĩ, gia đình Watteville gốc Thụy Sĩ, được in lồng vào trên gia huy cũ kỹ của nhà de Rupt. Cuộc hôn nhân này, được quyết định từ năm 1802, hiện thực hóa vào năm 1815, sau kỳ Trung Hưng thứ hai. Ba năm sau khi một cô con gái ra đời, tất cả ông bà của cô de Watteville viên tịch và các khoản thừa kế được thanh toán. Vào thời điểm đó họ bán ngôi nhà của ông de Watteville để chuyển tới sống trên phố Préfecture[5], trong dinh thự đẹp đẽ nhà de Rupt có khu vườn mở rộng về phía phố Perron[6]. Bà de Watteville, thời con gái rất mộ đạo, lại càng trở nên mộ đạo hơn nữa sau khi lấy chồng. Bà là một trong các nữ hoàng của cái hội nhóm thánh thiện mang lại cho xã hội thượng lưu Besançon một dáng vẻ u buồn và những kiểu cách đoan trang rất tương hợp với tính cách của thành phố này.

Ông nam tước de Watteville, người ngẳng, gầy và không chút bóng dáng trí tuệ, trông có vẻ xơ xác, nhưng ta không thể biết xơ xác vì điều gì, bởi ông được ân hưởng một sự ngu dốt lồ lộ; nhưng do vợ ông có mái tóc vàng rực và một bản tính khô queo đã đi vào ngạn ngữ (hiện người ta vẫn còn nói nhọn hoắt như bà de Watteville), vài kẻ ưa đùa thuộc giới tòa án phao lên rằng ông nam tước bị vần vò đến xơ xác là vì cứ va liên tục vào tảng đá ấy. Đương nhiên Rupt xuất phát từ rupes[7]. Những nhà bác học quan sát tinh thông trong lĩnh vực bản tính xã hội sẽ không khỏi nhận ra Rosalie là thành quả duy nhất của cuộc hôn phối giữa nhà de Watteville và nhà de Rupt.

Ông de Watteville cả đời cứ ở lì trong một xưởng tiện đầy đủ vật dụng, ông tiện suốt[8]! Để bổ trợ cho sự tồn tại ấy, ông lại còn tự chuốc lấy huyễn tưởng về các bộ sưu tập. Đối với các bác sĩ giàu tinh thần triết gia say mê nghiên cứu bệnh điên, xu hướng sưu tầm này là mức độ trước nhất của loạn trí óc, khi mà nó hướng tới những vật nhỏ bé. Nam tước de Watteville thu thập vỏ sò, côn trùng và các mẩu tàn tích địa chất trên lãnh thổ Besançon. Vài kẻ xấu miệng, đặc biệt đám phụ nữ, nói như thế này về ông de Watteville: “Ông ta có một tâm hồn đẹp! ngay từ khởi đầu cuộc hôn nhân của mình ông đã hiểu mình sẽ không chiếm được ưu thế trước bà vợ, thế nên ông bèn lao vào một mối bận tâm cơ học và thú vui ăn uống sướng miệng.”

Dinh thự nhà de Rupt không thiếu một vẻ rực rỡ nhất định xứng đáng với sự rực rỡ của Louis XIV, và tỏa ra tính chất quý tộc của hai gia đình, được trộn vào với nhau hồi năm 1815. Ở đó sáng bừng lên một sự xa xỉ xưa cũ không biết đến mốt là gì. Những đèn chùm pha lê tạo hình lá cây, những vải phương Đông, những lụa, những thảm, những đồ gỗ mạ vàng, thảy đều hòa hợp với các bộ đồng phục cũ và các gia nhân kỹ. Mặc dù được dọn ra trong những thứ đồ bạc màu đen của gia đình, quanh một khay lớn bằng thủy tinh điểm trang bằng sứ Saxe, đồ ăn ở nơi đây tuyệt hảo. Những thứ rượu vang do ông de Watteville lựa, ông, nhằm làm cuộc đời bớt rỗng và tạo cho nó vẻ đa dạng, đã tự biến mình thành chuyên gia rượu của chính ông, những rượu ấy được hưởng một dạng danh tiếng cấp độ toàn tỉnh. Sản nghiệp của bà de Watteville rất đáng kể, vì sản nghiệp của chồng bà, nghĩa là khu đất Rouxey, trị giá chừng mười nghìn livre lợi tức, không được cộng thêm bất kỳ món thừa kế nào. Sẽ là vô ích khi nêu lên rằng mối liên hệ rất thân tình giữa bà de Watteville và đức tổng giám mục đã dẫn lối tới nhà bà dăm ba vị trưởng tu[9] đáng kể và đầy trí tuệ của giáo phận, họ chẳng hề căm ghét thú vui ăn uống.

Trong một bữa tối trịnh trọng, được tổ chức chẳng hiểu vì một dịp ăn mừng nào vào đầu tháng Chín năm 1834, lúc các phụ nữ đã tụ lại thành vòng tròn trước lò sưởi phòng khách còn đàn ông thì thành các nhóm ở chỗ các cửa sổ, mọi người reo ầm lên khi thấy ông trưởng tu de Grancey[10], vừa được gia nhân thông báo.

“Thế nào rồi, phiên tòa ra sao? người ta hét lên hỏi ông.

- Thắng rồi! cha tổng phụ tá[11] đáp. Phán quyết của Tòa, chúng tôi đã nghĩ là tuyệt vọng rồi đấy chứ, các ngài cũng biết tại sao…”

Đó là một lời ám chỉ tới cách cấu tạo của Tòa Hoàng gia kể từ 1830. Gần như tất cả những ai thuộc phái chính thống[12] đã từ nhiệm.

“… Theo phán quyết mới rồi, chúng tôi chiến thắng ở mọi điểm, và nó bác bỏ quyết định của phiên sơ thẩm.

- Thế mà ai cũng tưởng các cha thua rồi.

- Lẽ ra đã là như vậy nếu không có tôi. Tôi đã bảo luật sư của chúng tôi đi Paris, và tôi đã có thể, vào thời điểm trận đánh diễn ra, thuê một luật sư mới, nhờ anh ta mà chúng tôi đã thắng kiện, một con người phi thường…

- Ở Besançon ư? ông de Watteville hỏi, đầy ngây thơ.

- Ở Besançon luôn, trưởng tu de Grancey đáp.

- A! đúng rồi, đó là Savaron, một chàng đẹp trai ngồi gần bà nam tước tên là de Soulas, nói.

- Anh ta đã bỏ ra năm sáu đêm liền, anh ta đã ngốn ngấu hàng chồng giấy tờ, hồ sơ; anh ta đã có bảy hay tám cuộc nói chuyện dài nhiều tiếng đồng hồ với tôi, ông de Grancey nói tiếp, cha tái xuất hiện ở dinh thự nhà de Rupt lần đầu tiên sau hai mươi ngày trời. Rốt cuộc, ông Savaron vừa đánh bại tuyệt đối viên luật sư nổi tiếng mà các đối thủ của chúng tôi đã thuê về từ Paris. Chàng trai trẻ này đã hết sức tuyệt vời, nếu căn cứ theo lời các vị cố vấn. Nhờ thế, Giáo đoàn chiến thắng hẳn hai lần: chiến thắng trong Luật, và cả trong Chính Trị nữa, thắng luôn cánh tự do hiện thân ở cái kẻ đứng ra bảo vệ tòa thị chính của chúng ta. “Hẳn các đối thủ của chúng tôi, luật sư của chúng tôi nói, không trông chờ tìm được ở khắp mọi nơi niềm thích thú gây lụn bại cho các địa phận tổng giám mục…” Chánh tòa buộc lòng phải yêu cầu cử tọa trật tự. Tất tật người Besançon đã vỗ tay hoan hô. Thế nên khu nhà của tu viện cũ vẫn tiếp tục thuộc về Giáo đoàn của nhà thờ lớn Besançon. Vả lại ông Savaron đã mời đồng nghiệp Paris của mình đi ăn tối khi ra khỏi tòa. Vừa nhận lời mời, người kia vừa nói với anh ta: “Mọi vinh dự thuộc về mọi người chiến thắng!” và đã không nuôi chút hận thù nào, chúc mừng anh ta vì thắng lợi vừa xong.

- Nhưng cha kiếm đâu ra viên luật sư ấy thế? bà de Watteville hỏi. Tôi chưa từng nghe thấy cái tên này bao giờ.

- Nhưng bà có thể nhìn thấy các cửa sổ nhà anh ta từ đây mà, đức cha tổng phụ tá đáp. Ông Savaron sống ở phố Perron, vườn nhà anh ta chung tường với khu vườn của bà.

- Anh ta không phải người Comté, ông de Watteville nói.

- Anh ta có ít dáng vẻ của bất kỳ đâu đến nỗi ta không biết anh ta từ đâu đến, bà de Chavoncourt nói.

- Nhưng anh ta là ai? bà de Watteville hỏi, vịn lấy cánh tay của ông de Soulas để đi sang phòng ăn. Nếu là người lạ, thì vì sự tình cờ nào mà anh ta lại đến lập nghiệp ở Besançon này? Thật là một ý tưởng quá mức kỳ khôi đối với một luật sư.

- Rất kỳ!” chàng trai Amédée de Soulas nhắc lại, tiểu sử của chàng trở nên cấp kỳ cần lược qua, để câu chuyện này trở nên sáng sủa.

Thời nào cũng vậy, giữa nước Pháp và nước Anh có một sự trao đổi những thứ vặt vãnh, một sự trao đổi diễn ra lại càng liền mạch hơn bởi vì nó thoát được khỏi chế độ bạo chúa của thuế quan. Thứ mốt mà chúng ta gọi là mốt Anh ở Paris tên là mốt Pháp bên London, và ngược lại. Mối căm hận giữa hai dân tộc ngưng bặt ở hai điểm, vấn đề từ ngữ và vấn đề trang phục. God save the King, bản quốc ca của nước Anh, là âm nhạc do Lulli làm ra cho các dàn đồng ca trong Esther hoặc Athalie[13]. Những váy lồng mà một phụ nữ Anh quốc mang sang Paris được tạo ra ở London, ta biết là tại sao, bởi một phụ nữ Pháp, nữ công tước de Portsmouth lừng danh[14]; mới thoạt đầu người ta chế nhạo chúng tới mức phụ nữ Anh đầu tiên xuất hiện ở Tuileries[15] thiếu điều đã bị đám đông giẫm bẹp; nhưng rồi chúng đã được tiếp nhận. Thứ mốt này đã thống trị phụ nữ khắp châu Âu theo đường lối bạo chúa trong vòng nửa thế kỷ. Ở kỳ hòa bình năm 1815, người ta cười nhạo suốt một năm màn thắt lưng trễ của phụ nữ Anh quốc, cả Paris đổ xô đi xem Potier và Brunet trong Phụ nữ Anh đáng cười[16]; nhưng, sang đến năm 1816 và 17, thắt lưng của các phụ nữ Pháp, vốn dĩ thít lấy ngực họ vào năm 1814, đã theo từng nấc rơi xuống đến tận ngang hông. Từ mười năm nay, nước Anh đã tặng cho chúng ta hai món quà ngôn ngữ nho nhỏ. Incroyable, merveilleux, élégant, ba kẻ thừa kế của các petit-maître với từ nguyên khá là bậy bạ, đã được thay thế bởi dandy, rồi lion. Lion đã không sinh ra lionne. Từ “lionne” phát sinh từ bài hát lừng danh của Alfred de Musset: Avez-vous vu dans Barcelone… C’est ma maîtresse et ma lionne[17]: đã có sự hòa trộn, hoặc, nếu thích hơn, hòa tan của hai khái niệm và hai ý tưởng thống trị. Khi một sự ngu xuẩn mua vui cho Paris, cái nơi ngấu nghiến nhiều kiệt tác ngang với những sự ngu xuẩn, rất khó có chuyện tỉnh lẻ lại không theo đuôi. Vậy nên, ngay lúc ở Paris sư tử vác bờm, bộ râu và hàng ria của anh ta, những áo gi lê và cặp kính dính vào mắt không cần sờ tay vào, nhờ dùng má và xương lông mày kẹp lấy, mà dạo chơi, thì các thủ phủ của một số tỉnh đã chứng kiến các tiểu sư tử phản đối, thông qua sự thanh nhã những dải buộc chân của họ, sự lấn lướt của đồng bào mình[18]. Thành thử, Besançon sở hữu, vào năm 1834, một sư tử tại nơi con người cái anh chàng Amédée-Sylvain-Jacques de Soulas ấy, được viết là Souleyaz vào thời chiếm đóng Tây Ban Nha. Amédée de Soulas có lẽ là hậu duệ duy nhất, tại Besançon, của một gia đình Tây Ban Nha. Nước Tây Ban Nha cử người của mình sang lo công chuyện tại Comté, nhưng rất ít người Tây Ban Nha định cư hẳn lại đây. Nhà Soulas ở lại là vì mối thân thuộc của họ với hồng y Granvelle[19]. Anh chàng de Soulas luôn miệng nói mình sẽ rời Besançon, cái thành phố sao mà buồn thiu, sùng đạo, ít tính chất văn vẻ[20], thành phố của chiến tranh và của đồn trú, mà phong hóa cùng dáng điệu, mà vẻ ngoài chẳng đáng được miêu tả cho lắm. Ý kiến này cho phép anh ta cư ngụ, với tư cách người đàn ông còn chưa chắc vào tương lai của mình, trong ba căn phòng rất ít đồ đạc đầu phố Neuve[21], tại nơi nó cắt với phố Préfecture.

Anh chàng de Soulas chẳng thể nào không có một con hổ[22]. Hổ này là con trai một trong các chủ trang trại của anh, một gia nhân bé nhỏ mười bốn tuổi, ục ịch, tên là Babylas. Sư tử ăn vận cho hổ thật đỏm: áo rơ đanh gốt ngắn bằng dạ màu ghi ánh thép, thắt ngang một dây thắt lưng da đánh bóng, quần ngắn vải pan xanh đậm, áo gi lê đỏ, bốt đánh véc ni, mũ tròn buộc dải đen, những khuy áo màu vàng in hình gia huy nhà de Soulas. Amédée tặng cho thằng bé đó đôi găng tay vải cô tông trắng, tiền giặt đồ và ba mươi sáu franc mỗi tháng, nhưng phải tự lo mà ăn lấy, điều này khiến các cô gái bình dân Besançon thấy thật gớm ghiếc: bốn trăm hai mươi franc cho một đứa bé mới mười lăm tuổi, chưa tính quà cáp! Quà cáp đồng nghĩa với việc bán quần áo cũ, món tiền bo những lúc nào Soulas đổi một trong hai con ngựa của mình, cùng tiền bán phân ngựa. Hai con ngựa, được quản lý với một sự hà tiện đáng ghê tởm, mỗi con tốn mất chừng tám trăm franc một năm. Tiền chi cho Paris về phần nước thơm, cà vạt, đồ trang sức, véc ni, quần áo, lên tới một nghìn hai trăm franc. Nếu cộng tất tật groom hay chính là hổ, ngựa nghẽo, đồ lớn, và tiền thuê nhà sáu trăm franc, ta sẽ có tổng số ba nghìn franc. Thế nhưng, bố của chàng trai trẻ de Soulas đã không để lại cho anh nhiều hơn bốn nghìn franc tiền lợi tức có được nhờ vài khu vườn rau khá là èo uột, chúng đòi hỏi được chăm sóc, và sự chăm sóc ấy gây ra một sự thiếu chắc chắn rất không may mắn lên tiền thu nhập. Chỉ còn lại cho sư tử ba franc mỗi ngày để sống, tiền tiêu vặt và tiền bài bạc. Vậy nên anh thường xuyên ăn tối ở nhà người quen, và ăn trưa với một sự đạm bạc đáng kể. Những lúc tuyệt đối buộc phải ăn tối bằng tiền riêng, anh ta sai hổ của mình đi mua hai món ở chỗ một quán ăn nhỏ, không tiêu cho vụ này quá hăm lăm xu. Anh chàng de Soulas bị coi là một người tiêu xài hoang phí, một người làm những chuyện điên rồ; trong khi đó con người bất hạnh giật gấu vá vai để sống với một sự mưu mẹo, với một tài năng hẳn sẽ tạo vinh quang cho một bà nội tướng giỏi giang. Người ta còn chưa biết, nhất là tại Besançon, sáu franc tiền véc ni bôi lên những bốt hoặc những giày, những chiếc găng tay màu vàng giá năm mươi xu được lau chùi trong bí mật sâu thẳm nhất nhằm có thể dùng ba lần, những cà vạt giá mười franc đeo suốt ba tháng ròng, bốn chiếc gi lê giá hăm lăm franc và những quần dài phủ trên chiếc bốt là nhất thiết tới mức nào ở một thủ đô! Làm thế nào mà khác được đây, bởi vì chúng ta nhìn thấy tại Paris những phụ nữ đặc biệt săm soi cái lũ ngốc đến nhà họ và vượt trội hơn hẳn so với những người đàn ông đáng giá hơn nhiều, nhờ mấy thứ ưu thế tầm phào ấy, mà người ta có thể mua được với mười lăm louis[23], tính gộp cả tiền uốn tóc và một chiếc áo sơ mi vải thô Hà Lan?

Nếu thấy anh chàng khốn khó kia trở thành sư tử với một cái giá quá rẻ, thì hãy biết rằng Amédée de Soulas từng ba lần sang Thụy Sĩ, đi hẳn xe ngựa và thăm thú nhiều nơi; hai lần lên Paris, và một lần từ Paris sang Anh. Anh được coi là một nhà du hành nhiều hiểu biết và có thể nói: Ở Anh, nơi tôi từng ghé chân, vân vân và vân vân. Các bà quyền quý già nói với anh: Anh, đã sang tận đến nước Anh rồi, vân vân và vân vân. Anh đã tiến đến tận Lombardie, đã đi dọc bờ các hồ nước Ý. Anh đọc những cuốn sách mới. Lại nữa, trong lúc anh giặt gột găng tay cho sạch, hổ Babylas trả lời khách khứa: “Ông chủ đang làm việc.” Thành thử người ta tìm cách làm giảm giá anh chàng Amédée de Soulas nhờ câu nói này: “Đó là một người rất tiến bộ”. Amédée sở hữu tài năng phát biểu với vẻ nghiêm trang đúng kiểu Besançon các câu rất ngu đang là mốt, điều đó khiến anh có vinh dự trở thành một trong những người thông thái nhất trong giới quý tộc. Anh mang trên mình các món trang sức đang mốt, và trong óc đầy các suy nghĩ được Báo Chí kiểm soát.

Năm 1834, Amédée là một chàng trai hăm tư tuổi, người tầm thước, tóc nâu, yếu hầu rất lộ, hai vai rất cân nhau, cặp đùi hơi nẫn, bàn chân đã phì, bàn tay trắng trẻo và chuối mắn, một bộ râu, hàng ria cạnh tranh với ria lính đồn, một khuôn mặt ửng đỏ to vành vạnh, mũi tẹt gí, cặp mắt nâu lờ đờ; mặt khác lại chẳng có một nét Tây Ban Nha nào. Anh đang tiến những bước rất dài tới một sự béo phì định mệnh đối với các tham vọng riêng. Các móng tay anh cắt tỉa kỹ càng, râu xén đều, từng chi tiết nhỏ nhặt trên trang phục đều được lưu tâm với một sự chính xác kiểu Anh. Thế cho nên người ta coi Amédée de Soulas là trang thanh niên đẹp mã nhất Besançon. Một bác phó cạo, đến cắt tóc cạo râu cho anh vào giờ cố định (một món xa xỉ khác trị giá sáu mươi franc mỗi năm!), kính cẩn đối với anh, trọng tài tối cao trong lĩnh vực mốt và sự phong nhã. Amédée ngủ muộn, rửa ráy, và lên ngựa ra đi vào quãng giữa trưa để tới một trong các vườn rau của mình tập bắn súng. Anh đặt vào công việc này cùng một tầm quan trọng giống như lord Byron đặt vào đó trong những ngày cuối đời. Rồi, anh về nhà lúc ba giờ, cưỡi trên lưng ngựa và hưởng sự ngưỡng mộ của các cô gái bình dân và bởi những người bắt gặp anh trên đường. Sau những công việc vẫn được cho là khiến anh phải bận rộn cho tới bốn giờ, anh lên đồ để làm khách đi ăn tối, và qua buổi tối tại các phòng khách của giới quý tộc Besançon để chơi bài whist[24], và về nhà đi ngủ lúc mười một giờ. Không một cuộc đời nào có thể nghiêm ngắn hơn, chỉn chu hơn, không thể chê trách hơn, bởi vì anh lại còn đều đặn đến dự lễ nhà thờ ngày Chủ nhật và các ngày lễ. 

-----------

[1] Cf. chú thích số 23 ở Ferragus.
[2] Ai biết rõ, thậm chí không cần rõ lắm, về Victor Hugo, đều biết Besançon là thành phố quê hương của Hugo. Mối quan hệ giữa Balzac và Hugo (Balzac hơn Hugo ba tuổi) không dễ nhìn nhận: Balzac đứng cùng hàng ngũ với Hugo trong cuộc chiến đấu mà vở kịch Hernani của Hugo gây ra, nhưng có vẻ như Balzac không hề thấy vở kịch ấy có giá trị; vả lại, thoạt đầu Balzac cũng viết kịch (thậm chí có làm thơ), mà âm hưởng có thể bắt gặp trong đoạn mở đầu Ferragus. Nhưng Hugo sẽ là người đọc điếu văn trong đám tang Balzac, một văn bản gây xúc động to lớn cho người đương thời. Trong Albert Savarus, Balzac cũng sẽ nhanh chóng nhắc tới Victor Hugo.
[3] Các câu chuyện về Jean de Watteville, tức là "ông trẻ" của nam tước de Watteville trong Albert Savarus, đã được Saint-Simon kể lại. Đây là một nhân vật sinh ra ở Besançon vào khoảng năm 1613, có một cuộc đời rất sôi nổi, nhiều vụ đấu kiếm, rất nhiều phiêu lưu, mà có lẽ sẽ có lúc khác ta nhắc đến kỹ càng hơn.
[4] Besançon là thủ phủ lịch sử của Franche Comté, hay Franche Comté de Bourgogne. Vùng này nằm sát biên giới Thụy Sĩ và rất gần Đức cũng như Ý.
[5] Có thể hiểu là phố Dinh Tỉnh Trưởng.
[6] Có thể hiểu là phố Bậc Thềm.
[7] Ở trên, Balzac vừa ví bà nam tước de Watteville (nhũ danh de Rupt) giống như tảng đá, còn đến đây, điều đó được khẳng định thêm theo đường lối hài hước: bản thân cái họ “Rupt” của bà, xét về từ nguyên học, bắt nguồn từ “rupes”, từ Latin nghĩa là “vách đá”.
[8] Balzac chơi chữ: “tourneur” là thợ tiện, đây là từ phái sinh bắt nguồn từ động từ “tourner” tức là “xoay tròn”. Albert Savarus là một cuốn tiểu thuyết đậm đặc châm biếm, mỉa mai, một sự tàn sát khủng khiếp, mà vũ khí là cái nhìn và cách miêu tả mà Balzac sử dụng.
[9] Mấy ông cha abbé; cf. chú thích số 15 trong Mặt bên kia của lịch sử hiện thời.
[10] Abbé de Grancey thuộc vào tập hợp rất đông đảo, vô cùng đáng nhớ các nhân vật tôn giáo (chủ yếu là các abbé, tức “trưởng tu”) mà Balzac dựng ra trong La Comédie humaine, và cha de Grancey có vị trí không nhỏ trong tập hợp ấy. Trong toàn bộ sách, có hai tác phẩm viết riêng về các cha xứ: Le Curé de Tours (Cha xứ Tours - Tours là thành phố quê hương của Balzac: Balzac sinh ngày 20 tháng Năm năm 1799 tại nhà số 25 rue de l’Armée d’Italie, nay là rue Nationale, thành phố Tours; Touraine, vùng mà Tours là thủ phủ, đối với Balzac là “nước Pháp đích thực”, bối cảnh cho rất nhiều tác phẩm thuộc La Comédie humaine) và Le Curé de village (Cha xứ làng), một tác phẩm trọng yếu, nằm ở “Scènes de la vie de campagne”. Nhiều abbé khác rất nổi bật: trưởng tu Birotteau ở Bông huệ trong thung (cũng chính là nhân vật chính của Le Curé de Tours, một ông cha vô cùng thèm khát thư viện của một đồng nghiệp), trưởng tu Chaperon ở một kiệt tác khác, Ursule Mirouët, hay ông trưởng tu già trong La vieille femme (Gái già); Mặt bên kia của lịch sử hiện thời cũng có một nhân vật abbé rất khó quên.
[11] Chức danh chính thức của cha de Grancey là “vicaire général”; ở Besançon có tòa tổng giám mục.
[12] Légitimisme. Cấu trúc chính trị cũng như tòa án tại Pháp hết sức phức tạp, sẽ giải thích dần dần sau. Ở thời điểm này, Louis-Philippe đã lên ngôi.
[13] Có lẽ vì quá ghét nước Anh và người Anh nên Balzac đã nói ở đây một điều không đúng. EstherAthalie được nhắc tới ở đây là hai vở kịch của Racine. (Balzac nói xấu người Anh ở khắp mọi nơi, nói xấu người Đức, người Ý, người Nga, người Ba Lan và mọi giống người, cho đến cả người Trung Quốc xa lạ và vô tội, không hề ít, và nói xấu người Pháp khủng khiếp nhất, một cách vô đối.)
[14] Nữ công tước ấy là Louise de Kéroualle, người xứ Bretagne nước Pháp, tình nhân của vua Anh Charles II, sống vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. “Váy lồng” (robe à panier) là loại váy rất nổi tiếng của phụ nữ quý tộc châu Âu suốt một thời gian dài, cái váy có khung bên trong, phủ phải bên ngoài, khi mặc nó người phụ nữ như thể đang ở trên một đụn rơm lớn; hình ảnh phụ nữ mặc loại váy này hết sức sinh động, nhất là nếu kết hợp với phần phía trên trễ ngực, nhưng người ta rất dễ bị quyến rũ trước đó (nhất là các chàng trai trẻ) mà quên mất rằng cái lồng váy có thể hết sức hữu dụng; từng có nhiều câu chuyện, khó biết thật hay không, về nam nhân trốn thoát cuộc truy đuổi nào đó bằng cách chui vào bên trong một đụn rơm như thế và nằm yên ở đó (hoặc cũng có thể không yên tĩnh lắm); đến nay người ta vẫn chưa làm sáng tỏ được Günter Grass có lấy cảm hứng từ loại váy này không, khi tạo ra cảnh chui vào váy rất đáng nhớ ở đoạn đầu Die Blechtrommel.
[15] Tức là cung điện hoàng gia ở Paris; lâu đài cháy đã từ lâu, nay chỉ còn cái vườn lớn.
[16] Tên đầy đủ là Les Anglaises pour rire ou la Table et le logement, một vở “vaudeville” của Sewrin và Dumersan. Balzac không chuẩn xác ở thời điểm: vở kịch được diễn lần đầu vào tháng Chạp 1814 chứ không phải vào năm 1815.
[17] Ở trên, Balzac đã nói nước Pháp và nước Anh truyền sang cho nhau từ ngữ và trang phục, sau khi nói đến một số trang phục, Balzac chuyển sang từ ngữ. Chắc cần viết cả một cuốn sách để giải thích thấu đáo đoạn bắt đầu từ “Từ mười năm nay”: lúc này, hãy tạm hài lòng với một sự chuyển dịch dĩ nhiên không mấy tài tình, chỉ cần rút từ đó một ý tưởng cần thiết cho câu chuyện: Balzac đang nói đến hiện tượng ở Pháp, bắt chước bên Anh, xuất hiện các “dandy”, hay “lion”, tức là những người đàn ông ăn mặc vô cùng cầu kỳ, “có phong cách”. De Soulas chính là một “lion” (sẽ được dịch là “sư tử”; đoạn ngay sau sẽ cho thấy “sư tử” giúp ta hiểu nhiều điều).
[18] Câu văn của Balzac là một thành tựu lớn lao ở khía cạnh châm biếm: Balzac dùng từ “sous-lion” (tiểu sư tử) chỉ các “lion tỉnh lẻ” và ngay sau đó dùng từ “sous-pieds” (miếng da hoặc miếng vải luồn xuống dưới bàn chân rồi gá chắc vào giày nhằm cố định chân).
[19] Một nhân vật thân cận với vua Philippe II của Tây Ban Nha.
[20] “Peu littéraire” (ít văn vẻ, ít văn chương) là cách đánh giá nhiều thành phố nước Pháp của Balzac, trong đó đặc biệt đáng nhớ là vài lần Balzac dùng cách nói này đối với thành phố Tours quê hương.
[21] Phố Mới.
[22] Vì de Soulas là “sư tử” (lion) cho nên người hầu của anh ta phải là “hổ” (tigre).
[23] Một louis ăn 20 franc. 
[24] Có thể viết cả một khảo luận về các trò chơi “xã hội” xuất hiện trong La Comédie humaine. Về cơ bản, whist và boston là những trò tương đối mới, ngoại nhập, ngoài đó ra Balzac còn hay dựng các cảnh chơi những bộ môn bí hiểm, cũ kỹ và Pháp hơn nhiều, như trictrac, écarté hay mouche.    


(còn nữa)


nhân tiện: mới thêm một đoạn cực dài Ferragus


Balzac: Séraphîta
Balzac: Ferragus
Balzac: Mặt bên kia của lịch sử hiện thời

5 comments:

  1. Balzac đã lỗi thời rồi

    ReplyDelete
  2. mới thêm một đoạn rất là dài

    ReplyDelete
  3. giờ anh phải bảo bọn trẻ thế nào về các bài giảng văn chúng học trên trường hả Nút

    ReplyDelete
  4. Tay Balzac này nhiều chuyện dã man, he he, tuy nhiên, đối với tớ, đoạn nói về sự căm ghét lẫn nhau giữa người Anh và người Pháp, váy lồng, váy thít ngực chuyển sang thít eo, rồi thời trang của đám sư tử...là rất tuyệt vời. Các chú thích, đặc biệt là chú thích về các trò tiêu khiển của giới quý tộc châu Âu thế kỷ XVII, XVIII gợi ý cho tớ nhiều liên tưởng hay ho, nhất là gần đây khi người ta chứng minh rằng Lý Thanh Chiếu, bà hoàng thi từ Trung Hoa, là một đổ thần danh tiếng. :P

    ReplyDelete
  5. em có một ý kiến nho nhỏ: sau này nếu nxb in bản dịch (trọn, từ đây) nên biên tập để lại những lời dẫn nhập phía trên

    ReplyDelete