Feb 27, 2017

Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người

Tôi không hoàn toàn thấy cái tên chung bộ tác phẩm của Balzac, La Comédie humaine, được dịch sang tiếng Việt thành Tấn trò đời thì có gì đáng chê trách, cho tới lúc đọc lại và đọc thật kỹ tác phẩm của Dante Alighieri (xem ở kia); đặc biệt, trong đường link ấy có một cái comment nhắc ngay tới La Comédie humaine, nó đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều trong cái lần tôi đọc lại và đọc thêm những gì của La Comédie humaine mà trước đây tôi còn chưa đọc. Những năm thời niên thiếu của tôi, Balzac là tác giả "thôi miên" tôi (có phải là ngẫu nhiên không, khi sự thôi miên đã được Balzac trình bày một cách sâu sắc và thiên tài trong phần thứ nhất cuốn tiểu thuyết Ursule Mirouët?) Văn chương của Balzac thực sự có thể thôi miên; ngày ấy, tôi đọc đến cả Nông dân (Les Paysans), tác phẩm chưa hoàn thành, và tôi thú nhận đã thấy nó cực kỳ buồn ngủ. Nhưng Vỡ mộng (Illusions perdues), Bước thăng trầm của kỹ nữ (Splendeurs et misères des courtisanes) hay Miếng da lừa (Peau de chagrin), Eugénie Grandet thì không chút nào; ngày ấy, đọc xong Bette, vì không biết cuốn tiểu thuyết đi cặp đôi với nó tạo thành "Les parents pauvres" tức là "Họ hàng nghèo", Pons, cũng đã có bản dịch tiếng Việt, tôi đã lao vào bản tiếng Pháp của Pons với một sự háo hức trộn lẫn rất nhiều hoảng sợ.

Giờ đây khi Marcel Proust đã bắt đầu được đọc ở Việt Nam, thậm chí còn trở thành mốt, một chiêu bài khoe mẽ, tôi xin được nhắc một điều nho nhỏ: không thể hiểu Proust nếu không đọc Balzac. Balzac là thần tượng tuổi trẻ của Proust, và nếu có ba nhà văn tạo nên văn chương Proust, không phải tất cả nhưng là một phần lớn, thì đó là Saint-Simon, Balzac và Baudelaire. Tôi thấy thật đáng kinh tởm cái lũ trưng bày, khoe khoang sự đọc À la recherche du temps perdu của chúng. Facebook khiến con người ta bộc lộ rất nhiều những gì họ thường che giấu, và goodreads thì thoắt một cái biến rất nhiều người trở thành chủ nhân các list sách dài dằng dặc cả trăm cả nghìn cuốn, đã thế lại còn toàn là tác phẩm lớn của tác giả vĩ đại, chứng nhận đầy thỏa thuê cho một năng lực đọc siêu phàm.

Proust hay Balzac chính là các cực điểm của sự đọc, là những thử thách rất lớn, mà khi đâm vào đó, phần lớn người ta sẽ phơi bày những gì là giả dối nhất ở trong con người mình, cái con người độc giả ấy. Dẫu sao thì đọc cũng thuộc vào trong số ba thứ hay tung tăng chơi bời với sự giả dối nhất ở con người, hai thứ còn lại là tiền bạc và tình ái.

Quay trở lại cái nhan đề Tấn trò đời: nó gồm hai thành tố, "tấn trò" và "đời", trong đó "tấn trò" diễn đạt rất chính xác, mặc dù hơi cổ lỗ, "comédie", vế còn lại, "đời" dùng để chuyển dịch "humaine".

Đến đây, khi đã phân tích ra như vậy, tôi bắt đầu thấy rất rõ một tật rất xấu trong tư duy của người Việt Nam, đó chính là cái sự được gọi dưới cái tên "complaisance" (complacency), sự dễ dãi, sự dung túng cho đầu óc, cho hoạt động của suy nghĩ.

Lấy thêm một ví dụ cho dễ hiểu: L'insoutenable légèreté de l'être của Milan Kundera, mà tôi nghĩ có thể dùng để chứng nhận cho cái sự không biết đọc của đến 90% (tôi nghĩ là nhiều hơn, à nhưng mà thôi) của độc giả hăng say ở Việt Nam. Tuyệt đại đa số thấy rằng thật ổn, thật tài, khi cái tên ấy được dịch thành Đời nhẹ khôn kham. Nhưng đây chính là nhan đề thuộc hàng ngu xuẩn nhất trong lịch sử dịch thuật Việt Nam.

Kundera là độc giả của ai? Tất nhiên, ai cũng biết Kundera đã xiển dương như thế nào cho Cervantes, Rabelais hay Sterne, nhưng như vậy đâu đã hết: Kundera còn là độc giả, và độc giả cực lớn, của Nietzsche và Heidegger - trong lịch sử đọc Nietzsche, Kundera có vị trí không nhỏ, nhất là cái cảnh mà Kundera viết về Nietzsche khóc thương con ngựa. Ông ấy có thể dùng từ "être" (tương đương với "Sein" trong tiếng Đức - từ này thì tiếng Anh bất lực, vì "being" không diễn đạt nổi) một cách nông nổi được không? Tất nhiên là không.

Và "être" hay "Sein" tuyệt đối không phải là "đời" (xem thêm ở kia).

"Cuộc đời" là gì? Đây là một trong những khái niệm tồn tại theo đường lối ẩn dụ. Để tôi nói dễ hiểu hơn: đó là một khái niệm đại diện. Một khái niệm đại diện tức là nó không thật là như vậy, nó chỉ được dùng một cách tương đối, không chỉ một cái gì thực sự, một "signe" có "signifiant" và "signifié" quan hệ với nhau theo đường lối mù mịt. Thêm vài ví dụ: "ý chí" là một khái niệm kiểu như vậy, "trí tuệ" cũng là một khái niệm như vậy ("esprit" vừa là "tinh thần" lại vừa là "trí tuệ", vì cái này là ẩn dụ của cái kia). Những ẩn dụ thì thuộc thế giới của tu từ học, chúng rất tiện, nhưng chúng gây nhiều lừa dối, gieo rắc ảo tưởng, mà trí tưởng tượng của chúng ta thì vô cùng thích ảo tưởng ("Illusions perdues" của Balzac chính là cuốn tiểu thuyết về điều đó, và tên của nó nên được dịch sang tiếng Việt thành "Hết ảo tưởng" chứ không phải "Vỡ mộng" hay "Ảo tưởng tiêu tan").

L'insoutenable légèreté de l'être của Kundera không phải để nói về "cuộc đời". Thêm nữa, tên các cuốn tiểu thuyết của Kundera, một độc giả rất lớn, không hề đơn giản (chuyện về những cái tên sách: xem ở kiaở kia). Cụm từ này đã xuất hiện trong nhật ký của Amiel. La Vie est ailleurs thì lại là cụm từ đã xuất hiện trong Bourlinguer của Blaise Cendrars, và mang đậm dấu ấn Rimbaud. La Valse aux adieux thì lại đầy âm hưởng Louis Aragon.

Sự "complaisance" của giới đọc sách thể hiện trong việc đọc Kundera như thế nào thì càng thể hiện mạnh mẽ hơn ở trường hợp Balzac.

"Tấn trò" ở đây không phải tấn trò của "cuộc đời": đó là vở kịch con người, cũng như tác phẩm của Dante là Kịch Thần. Tên bộ sách này là Vở kịch con người. Thế giới của Dante và thế giới của Balzac nối thông với nhau, cũng như các nhân vật của Balzac đi qua đi lại giữa các tác phẩm thuộc Vở kịch con người, bởi vì các tác phẩm ấy nối thông với nhau.

Vả lại, mất rất nhiều thời gian Balzac mới nghĩ ra cái nhan đề chung này (Proust mất bao nhiêu thời gian để nghĩ ra "À la recherche du temps perdu"? mất cả "cuộc đời"). Balzac đã rất sớm có ý tưởng về một bộ tác phẩm đồ sộ, nhưng trong vòng nhiều năm gọi nó là "Études des moeurs au XIXe siècle" (Các ê-tuýt về phong hóa ở thế kỷ 19), cho mãi đến quãng năm 1842-1843 "La Comédie humaine" mới xuất hiện trong óc Balzac, đó cũng là thời điểm, do sự thúc giục của nhà xuất bản Hetzel, Balzac viết "lời tựa" (avant-propos) cho bộ sách, một văn bản vô cùng quan trọng, mà ta sẽ sớm bàn tới (lẽ ra lời tựa này phải do George Sand viết nhưng cuối cùng Balzac đã chấp bút).

Ta sẽ nhìn kỹ hơn vào câu chuyện dịch bộ tác phẩm của Balzac tại Việt Nam. Rất dễ thấy, nghiên cứu và dịch Balzac chính là thành tựu lớn nhất của ngành nghiên cứu văn học phương Tây tính cho tới thời điểm này (ta có thể dễ dàng so sánh với việc dịch Émile Zola chẳng hạn, xem ở kia, đấy là chưa nói đến mảng văn học Anh-Mỹ). Thêm nữa, Balzac cũng chính là khi các nhà nghiên cứu gột bớt một điều theo tôi là một tội ác đích thực, đó là đẩy Victor Hugo lên mức quá cao.

Dưới đây là các hình ảnh cho thấy Vở kịch con người của Balzac đã được dịch như thế nào tại Việt Nam, với sự tham gia của rất nhiều người. Đây là một công trình rất lớn, lâu dài, vô cùng nhiều công sức, tập hợp lại trong một bộ sách gồm tổng cộng 16 tập.


1


2


3


4


5


6


7


Trên tổng số khoảng 90 tác phẩm thuộc bộ sách, khoảng 30 cuốn đã có bản dịch tiếng Việt (xem trong các bức ảnh trên đây, chỉ tính những chỗ nào viết là "dịch", không tính "trích dịch" và "tóm tắt").

Thật ra, chúng ta cũng chỉ nên thực sự quan tâm đến các thành tựu đích thực, bao nhiêu thứ khác cũng không nhất thiết phải để ý cho lắm. Nhưng, cũng giống một nghiên cứu nghiêm cẩn có thể là như thế nào (xem ở kia), một thành tựu lớn cũng có thể có nhiều ý nghĩa, mà ở đây tôi sẽ nói đến vài khía cạnh.

Đã nói đến cái nhan đề chung của bộ sách, "La Comédie humaine", giờ ta chuyển qua một "cái tên" khác: "étude".

Étude nghĩa là "khảo luận" như trong ảnh cho thấy, điều đó thì đúng rồi, nhưng dịch "étude" thành "khảo luận" thì cũng đồng nghĩa giải trừ tất tật ngụ ý (connotation) âm nhạc trong văn chương Balzac - đấy là mới chỉ đề cập một phương diện lớn, vì ai rành Vở kịch con người đều biết cái từ "étude" xuất hiện nhiều đến mức nào, trong hoạt động của các viên chưởng khế.

Cứ như thể Balzac không phải là một con người âm nhạc vậy; thế nhưng, các tiểu thuyết của Balzac còn có chiều sâu nào đây, nếu không có âm nhạc? Cứ như thể Ursule Mirouët đã không cố tình chơi một bản nhạc của Beethoven quá khó hiểu đối với những người khác nhưng một mình chàng de Portenduère hiểu, cứ như thể ở đoạn cuối bi thảm của La Femme abandonnée (tức là Người đàn bà bị bỏ rơi) chàng nam tước de Nueil đã không lao đến nhà người tình nữ tử tước de Beauséant rồi quay về nhà tự sát, tất tật diễn ra trong tiếng đàn vỡ bài một bản nhạc của Hérold do người vợ trẻ của de Nueil chơi; cứ như thể Balzac đã không đặc biệt tạo ra một ông thầy dạy đàn người Đức xuất hiện cả trong Ursule Mirouët lẫn Une fille d'Ève (Một người con gái của Eva). Âm nhạc đã được Balzac đi vào rất sâu trong Massimilla Doni và nhất là Gambara (đều thuộc phần "Études philosophiques"), nó là một phần không thể tách rời của tâm hồn Balzac cũng như linh hồn của Vở kịch con người. Thế nhưng, một bản "étude" là một bản "étude", tự thân cái từ này đã nói lên rất đầy đủ mọi thứ.

Với 30 tác phẩm đã dịch được trên tổng số 90, ta có trong tiếng Việt bao nhiêu kiệt tác lớn nhất của Vở kịch con người rồi? Một câu hỏi rất không dễ trả lời, và đầy cạm bẫy, nhưng tôi dám nói là trong số 30 tác phẩm ấy, có rất ít kiệt tác lớn. Thế nhưng, một khi không phải là một bản dịch đầy đủ, cần phải nhìn vào các lựa chọn, các lựa chọn sẽ thể hiện bản lĩnh, hiểu biết, và rất nhiều thứ khác (điều này tôi đã nói rất rõ ở kia).

Theo tôi, trong số các kiệt tác lớn nhất của Vở kịch con người, mới chỉ có hai tác phẩm được dịch sang tiếng Việt, là Bông huệ trong thung (tức Le Lys dans la vallée) và Bước thăng trầm của kỹ nữ.

Tôi không nói Miếng da lừa hay Eugénie Grandet là tác phẩm nhỏ, và hơn hai mươi tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt còn lại, đối với tôi không ít hết sức thân thuộc và tôi biết rõ chúng là tác phẩm lớn, nhưng để có một cái nhìn toàn cảnh, thực sự đi được vào thật sâu trong Vở kịch con người, thì 30 tác phẩm đã được dịch là những lựa chọn không hề tốt.

Nói như vậy sẽ rất khó hình dung, ta thu nhỏ quy mô lại: chỉ bàn riêng về một phần của Vở kịch con người, là "Études philosophiques", phần này gồm 20 tác phẩm.

Trên 20 tác phẩm này, ta đã có 5 bản dịch tiếng Việt: Miếng da lừa (tức La Peau de chagrin), Kiệt tác không người biết (tức Le Chef-d'oeuvre inconnu - tác phẩm này đã được Rivette chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng La belle noiseuse), Đi tìm Tuyệt đối (tức La Recherche de l'Absolu), El Verdugo, và Thuốc trường sinh (tức L'Elixir de longue vie). (xem ảnh số 6 và ảnh số 7)

Kiệt tác không người biết, El VerdugoThuốc trường sinh là những tác phẩm nhỏ (El Verdugo, nếu tôi không nhầm, là tác phẩm ngắn nhất của Vở kịch con người, cùng Étude de femme).

Miếng da lừa không phải tác phẩm hạng nhất của phần "Études philosophiques". Phần này có bốn tác phẩm lớn nhất, đó là Séraphîta, mà Balzac đặt ở cuối cùng (Miếng da lừa là tác phẩm nằm đầu "Études philosophiques"), Louis Lambert, Sur Catherine Médicis và thứ tư mới đến Đi tìm Tuyệt đối.

Nhìn chung hơn, công việc dịch Vở kịch con người sang tiếng Việt đã bỏ qua rất nhiều kiệt tác lớn. Những ngày gần đây, tôi đang bổ sung vào đó, với Mặt bên kia của lịch sử hiện thời, Ferragus (tức là chung cả bộ ba Truyện Mười Ba Quái Kiệt), Séraphîta, Albert Savarus và Một vụ việc ám muội, đó là các "kiệt tác không người biết" mà bộ Tấn trò đời (tiếng Việt) để sót. Và như vậy còn chưa hết: tôi nghĩ ngoài Bông huệ trong thung và Bước thăng trầm của kỹ nữ cùng 5 tiểu thuyết vừa kể, cả bộ Vở kịch con người còn có trên dưới một chục kiệt tác vĩ đại nữa.

Tôi cũng nhấn mạnh vào "Études philosophiques", bởi vì tuy chỉ chiếm 20 tác phẩm trên tổng số 90 tác phẩm (tuyệt đại đa số tác phẩm còn lại thuộc "Études de moeurs"), nhưng phần này hết sức quan trọng. Balzac coi phần thứ nhất (chừng 70 quyển) là nói về các "effet", còn phần thứ hai (triết học) này đi ngược lên các "cause" (ta đến với "quan hệ nhân quả" lừng danh, "causes et effets" hay "causalité"; trong lĩnh vực này, ai là đại cao thủ vĩ đại? thêm một lần nữa: Gaston Bachelard - Bachelard cũng chính là một độc giả thượng thặng của Balzac).



nhân tiện: mới thêm một đoạn rất dài Một vụ việc ám muội


các tác phẩm của Balzac trong Vở kịch con người (trình tự do tôi tự lập ra):

V. Một vụ việc ám muội
IV. Albert Savarus
III. Séraphîta

II. Ferragus (phần 1)

(phần 2)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời



Trở về cổ điển: Andersen
Trở về cổ điển: Một cô gái
Kiều
Tố Tâm
Trở về cổ điển: Cung oán
Trở về cổ điển: Stendhal

6 comments:

  1. nên viết một bản tổng phổ cho bộ "Vở kịch con người" sau này.

    ReplyDelete
  2. Ngoài Kịch thần với Kịch người còn có Kịch trùng (The conqueror worm của Poe), tạo thành một trilogy gom đủ Tam giới.

    Mặt khác, theo tôi từ "tấn trò" luôn mang hàm ý phê phán, mỉa mai gì đó. Có lẽ chính cái tên chưa đầy đủ Tấn trò đời đã tạo ra niềm tin sai lầm Balzac là nhà văn hiện thực. Hay ngược lại nhỉ? người ta dịch thế rồi cứ tin là thế?

    Nietzsche-Poe-Lovecraft-Cioran-Kundera-Houellebecq, cũng coi như là một vòng tròn, hehe

    ReplyDelete
  3. thêm Céline vào là đủ thật đấy

    Balzac tạo ra Kịch "mẫu", sau đó có hai "kịch" khác tương đương về tầm vóc, là "Kịch tư sản" của Flaubert và "Kịch mặt người" của Proust, ba nhân vật này làm nên một "con đường Pháp" mà tôi ngờ chính Modiano là người tiếp nối

    thật ra có một câu hỏi nho nhỏ rất khó chịu, là có thực sự tồn tại "chủ nghĩa hiện thực" hay không hehe

    ReplyDelete
  4. tôi đồng ý với tựa do Nhị Linh dịch lại nhưng cũng không thấy Tấn trò đời có vấn đề gì, quan trọng là góc nhìn khác nhau thôi. Tấn trò đời nghe rất hay đó chứ. Còn vụ đời nhẹ khôn kham hôm nào nếu nhị linh có bàn tiếp về Kundera tôi cũng muốn nghe thử ý kiến nên dịch thành cái gì

    ReplyDelete
  5. nếu gần Dante thì dịch Kịch người cho nó giống với Kịch thần được không nhỉ :D

    ReplyDelete
  6. nếu "tấn trò" không sai thì đâu cần thay đổi, "Tấn trò người" và "Tấn trò thần". "étude" trong nhạc thì tôi từng nghe có người dịch là "luyện khúc" hehe

    ReplyDelete