trở lại (tức là: tiếp tục) với Henry James
Khi đã thực sự ý thức được về hiện diện của Henry James ở Việt Nam (chẳng hạn, và cũng), không khó hiểu sự ít của hiện diện đó: Henry James quá mức phức tạp (đấy là còn chưa kể, Henry James thì quá ironic). Trong sự phức tạp ấy, còn có thêm một điều nữa: James của vùng rìa dễ thấy hơn nhiều; vùng rìa tức là những gì ở đoạn đầu (Vẽ một phụ nữ, Một người Mỹ, etc.) và những gì ở cuối - lúc này James đã cạo râu và trở thành master - tức là Wings of the Dove, The Golden Bowl, etc. Còn lại, James của vùng trọng điểm, những gì James nhất, lại rất khó chạm vào. Phần này tương ứng với quãng mà Leon Edel gọi là "The Treacherous Years".
Trong đó: The Spoils of Poynton và The Sacred Fount:
Một tiểu thuyết của James trong nhan đề có tên riêng: điều này không hay thấy (ta nhớ đến, chẳng hạn, Washington Square). The Spoils of Poynton là câu chuyện về đồ đạc (trong đó có nhiều tác phẩm nghệ thuật) của Poynton, ngôi nhà (lâu đài) mà Owen Gereth được thừa kế từ ông bố. Nhưng Mrs Gereth không cam tâm để mất những gì mà Poynton chứa đựng (chứ không phải bản thân nó).
Từ đây mà có (cả) một câu chuyện vô cùng phức tạp, và mọi điều lại càng phức tạp hơn vì xuất hiện một cô gái trẻ, Fleda Vetch, mới thoạt nhìn thì như thể là đồng minh của Mrs Gereth.
Mrs Gereth thực hiện một hành động mạnh: lấy tất tật đồ của Poynton mang về để ở ngôi nhà (modest) mà bà có, Ricks. Sự việc có ảnh hưởng to lớn đến cuộc hôn nhân mà Owen Gereth sắp có với một cô nương. Vì thế, Owen phải đến Ricks để xử lý, nhưng không gặp Mrs Gereth mà lại gặp Fleda.
Henry James cho Poynton vào edition New York, nên ta có được một preface mà James viết cho nó. Vấn đề đặt ra là: những lời tựa ấy, chúng soi sáng cho các cuốn tiểu thuyết, hay thật ra lại đánh lạc hướng? Với James, riêng trong địa hạt này, điều gì cũng có thể xảy ra.
Giống những khi ta đọc tiểu thuyết của James, câu hỏi nảy ra ngay sau khi nắm được câu chuyện: cuối cùng (dénouement) sẽ có đám cưới hay không?
Poynton thuộc vào số những tiểu thuyết của James ở đoạn cuối không có đám cưới. Nói đúng hơn: vẫn có đám cưới, nhưng hai cá nhân liên quan lại không phải các nhân vật mà ta tưởng (thậm chí dự liệu sẵn là họ phải lấy nhau).
Điều kỳ ảo (nhưng cũng là điều bực mình) là tiểu thuyết luôn luôn làm chúng ta, độc giả, trở nên bị nhập mình vào trong câu chuyện: ta muốn, như thể cho chính ta, hoặc may mắn, hoặc tiền, hoặc đám cưới, cho nhân vật nào mà sự chú ý của ta đặt vào.
The Sacred Fount thì không được James cho vào đó (edition New York). Có lẽ James rất đúng, ở trường hợp này: cuốn tiểu thuyết rối mù và không khỏi khiến ta nghĩ đến các cuộc điều tra trong truyện của Agatha Christie, ở cách dẫn chuyện và bầu không khí. Nhưng cũng có thể James đã quá nghiêm khắc với chính mình.
Đấy là lần duy nhất có một cuốn tiểu thuyết xưng "tôi" trong số những tiểu thuyết của Henry James. Điểm khởi đầu của câu chuyện: người ta (tức là "tôi" và vài người khác) nhận ra rằng trong một cặp vợ chồng dường như có một điều gì đó rất lạ: người vợ hơn chồng khoảng hai mươi tuổi đột nhiên trở nên rất trẻ (còn người chồng thì ngược lại: càng lúc càng khọm). Từ đó mà có giả thuyết về truyền sang cho nhau. Đồng thời, trong society nhỏ tại Newmarch có một người đàn ông trước đó rất ngu xuẩn nhưng giờ vô cùng khôn ngoan, nói năng lẻo bẻo ý vị như một con chim chiền chiện. Cần phải tìm hiểu xem - nếu giả thuyết vừa nói trên là đúng, về sự truyền sang nhau - người tình bí mật của người đó là ai, người phụ nữ nào đã chịu hy sinh trí tuệ của mình đi như thế.
Thật trùng hợp, em đang đọc cuốn bên phải, bản tiếng Anh, tất nhiên ^.^
ReplyDeletevì tưởng có suối thật chứ gì?
ReplyDeleteHaha vì nó ngắn anh ạ :))
ReplyDelete