Nov 3, 2018

Vauvenargues-Rivarol-Joubert: châm ngôn

(đã tiếp tục bài về Ernesto Sabato và cũng tiếp tục loạt Triết học là gì? của Ortega y Gasset: đã đến đoạn cuối bài thứ hai)







Dường như, trước một thể loại (bởi vì "aphorisme"/"aphorism" là một thể loại) như châm ngôn, người ta luôn luôn hiểu nhầm. Người ta hiểu đó là những lời "cách ngôn" giống như trong cụm từ "châu ngọc cách ngôn" (nghe cách ngôn ngu nhỉ), hoặc giả người ta hiểu đó là những lời thông thái đầy sức răn dạy, mà nếu nghe theo - nhất là áp dụng trong cuộc sống - thì người ta sẽ sống rất tốt đẹp, dễ dàng và hạnh phúc. Tức là, nhìn chung, người ta hiểu những câu nhiều khi rất ngắn (vài từ), phần lớn chỉ gồm một đoạn ngắn, cùng lắm vài câu - về cơ bản, một châm ngôn đúng nghĩa thường chỉ gồm một câu; những khi có hơn một câu thì chỉ có một câu chính, các thành phần khác chỉ có mục đích làm tăng sắc thái (hoặc cũng có thể, giật ngược: từ "giật ngược" này hết sức quan trọng) - những câu ấy như là chuyên chở sự thật.

Nghĩ như vậy là nhầm, thậm chí ngược lại hoàn toàn. Bởi vì châm ngôn - đúng vậy - lại là thứ ngáng chân sự thật. Nó cũng có thể đánh bẫy sự thật, chơi khăm sự thật, etc. nói tóm lại, châm ngôn có với sự thật một tương quan kỳ quặc; thứ nhất, nó vùi dập cái mà người ta hay gọi là chân lý. Đối với một người có năng lực về châm ngôn (bởi vì, đó đích xác là một năng lực), sự thật luôn luôn nằm ở phía sau.

Chắc hẳn, điều đó (gắn các câu - một số câu - vào với sự thật, hay ít nhất là một ảo tưởng về sự thật và thông thái) có liên quan đến những tờ lịch.

Suốt một thời, tại những buổi talk đủ loại ở Hà Nội, gần như bao giờ đến màn cử tọa đặt câu hỏi hoặc phát biểu ý kiến, cũng sẽ có một ông già hăng hái giơ tay. Và rút từ túi áo ra một tờ lịch để đọc cái câu in trên đó (để góp vui với quý vị). Chắc không ít người còn nhớ nhân vật ấy. Ngoài nhiều điều khác, đó là một ví dụ lớn cho chuyện con người ta có thể cô đơn đến mức nào.

Thật đáng kinh ngạc, càng ngày người ta càng ít sử dụng lịch (hình như thế), nhất là loại "lịch lốc" mỗi ngày là một tờ, thường trên tờ ấy có một câu "châu ngọc cách ngôn", "lời khuyên xử thế", có tác giả hoặc không tác giả, thế nhưng tập quán thay đổi nhưng lòng tin cũ không suy suyển: trên facebook, nơi trí thức Việt Nam lê la ngày ngày, người ta viết những câu tương tự, thường đi kèm trang trí đặc biệt, như để chiêm ngưỡng trí tuệ nhân loại phun trào không ngừng.

Chính nhờ vậy, nhờ cái biểu hiện ấy (những tờ lịch được thay thế, trong một thời đại mới), chúng ta có thể sửa đổi một số nhầm lẫn. Chẳng hạn, thần tượng của giới nouveau riche là ai? Sẽ rất  nếu tưởng đó là Steve Jobs. Không, đó không phải Steve Jobs, mà đó là Albert Einstein.

Tức là những câu (được cho là) của Einstein được lộng khung treo lơ lửng khắp mọi nơi trong thế giới facebook; Einstein chắc chắn là nhân vật số một được đối xử theo cách ấy.

Nhưng cũng như hiểu biết về Einstein của giới facebook Việt Nam nhìn chung không nằm ngoài đúng một câu, cái gì mà sự ngu xuẩn thì bất tận etc., nhìn nhận "cách ngôn" hay "danh ngôn" theo lối gật gù tấm tắc thì rất giống sáng ra ăn cháo sườn rồi than phiền chưa gì mới 10 giờ đã thấy đói.

Nhưng cách nhìn nhận như vậy nói lên một phương diện chẳng phải không đáng kể: bởi vì đó chính là cách để chiêu hồi. Khi một cái gì đó có thể bị đóng gói lại, như cá xạc đin, thì tức là nó đã bị chiêu hồi, tức là sức công phá mà nó từng có đã bị vô hiệu hóa.

Văn hóa là một sự chiêu hồi.

Tức là, "văn hóa" có thế mang nghĩa "hóa thành đẹp" (cf. Hồ Hữu Tường, 1945 - xem thêm tranh luận của Khái Hưng về điểm ấy) nhưng nó cũng đồng thời có nghĩa "hóa thành cứng", "hóa thành đông lạnh" - autant dire "hóa thành xấu": đó là nghịch lý của một thứ như vậy.

Các châm ngôn có ở đó để phá vỡ sự hóa thạch và đông lạnh đó, để đảm bảo sự lưu thông - autant dire, chuyển động. Đó là một trong những thứ (không nhiều, rất không nhiều: cả một xe đông lạnh cũng chỉ cần đến một cái xà beng khi dỡ hàng) thực hiện được cái công việc rất khó nhưng rất quan trọng ấy (những gì đông lạnh thì chết lâm sàng). Đây là một chức năng hết sức đặc biệt trong hoạt động chung của mọi thứ gì liên quan tới tinh thần con người.

(và toàn bộ điều vừa được miêu tả vận hành trong một sự hiểu nhầm chung: người ta sẽ nghĩ châm ngôn và các hình thức tương tự là văn hóa, kiến thức, là dạy dỗ, thông thái, etc., nhưng nó ở bên cạnh; nó là thứ ngáng chân, như đã nói, nhưng nó còn là thứ dùng để vụt xuống)

Sự thật thì hay ngủ đông.

Vụt xuống, nhưng đồng thời cũng có thể là bẩy lên - để tiếp tục ẩn dụ về thanh xà beng cần thiết cho việc xử lý một khối đông lạnh.

Tức là, sau cơn cuồng văn hóa (với các hệ lụy không hề kém cạnh so với bất kỳ cơn cuồng nào khác - chẳng hạn cơn cuồng bitcoin đang oanh tạc xã hội Việt Nam hiện nay, nhất là các tỉnh), vấn đề cần phải nhìn nhận là văn hóa có thể gây tác hại tới mức nào; autant dire, Walter Benjamin đã đúng ngay từ đầu: văn hóa - biết đâu - chỉ là thứ để che khuất sự mọi rợ. Autant dire - nữa - có một điều gì đó đã diễn ra không mấy khác so với câu chuyện của lịch sử.

Câu chuyện ởkia có một khía cạnh không thể bỏ qua: sử thì bắt đầu từ vu, thoát thai từ vu; người ta có những lúc, quả thật, thờ phụng lịch sử như là thờ phụng thần thánh (bởi vì, gốc gác của sử là hoạt động vu thuật). Sự tương tự ở những gì liên quan tới văn hóa nằm ở chỗ: đến lượt nó, văn hóa (culture) cũng lại phát xuất từ sự thờ cúng (culte/cult) nốt; ít nhất là chung gốc.


Châm ngôn, ở tư cách thể loại của nó, có thể gây ác cảm rất lớn cho một số người, và thường đòi hỏi sự chuyên nhất rất cao. Cioran là một trong những người không thể chịu được gì khác ngoài các thể loại (hay hình thức) ngắn. Joubert như trong ảnh trên đây là một người như vậy. Paul Valéry, lại thêm một người nữa. Và Nietzsche.

Cioran chỉ chấp nhận được sự ngắn, cho nên việc có người thực sự đọc La Comédie humaine, không những thế lại còn đọc tận hai lần, đối với Cioran là một điều không sao hiểu nổi, gây sửng sốt rất lớn; chính vì thế, Cioran đã kể ngay chuyện ấy (đọc Vở kịch con người hai lần) khi viết về Mircea Eliade (chuyện đã nói ởkia).

Có rất ít người thực hành (hay nói đúng hơn, thực hiện) được cả ngắn lẫn dài. Một ví dụ rất lớn là Goethe. Goethe có thể viết tiểu thuyết dài (chịu không thấu: nhiều lần tôi tuyệt vọng nghĩ, bao giờ mới hết trăm trang dang dở này để sang trăm trang mới đây) như Wilhelm Meister, nhưng Goethe cũng viết được châm ngôn. Người ta cứ nghĩ có thể trích từ tác phẩm một ai đó câu này câu kia và gọi đó là châm ngôn: nghĩ như vậy là hoàn toàn nhầm, là nghĩ kiểu quyển lịch lốc, vì không ý thức được rằng châm ngôn là thể loại riêng biệt, nó có sự tự trị riêng của nó, không thể bắt chước hay giả vờ được. Nhưng con người thì chỉ thích giả vờ và bắt chước. Châm ngôn chính là thứ chống lại mọi màn giả vờ và bắt chước tinh vi.



(còn nữa)




Tynianov-Annenkov-Hrabal
Thibaudet-Gourmont-Du Bos
Paul Valéry-Valery Larbaud-Léon-Paul Fargue
Hölderlin-Novalis-Rilke
Krasznahorkai-Jean Améry-Danilo K
Rilke-Benjamin-Gide
Baudelaire-Proust-Kafka




Đoản luận bên bờ sông (XCIII-CIV)
Đoản luận bên bờ sông (XLVIII-LIX)
Đoản luận bên bờ sông (XII-XXIII)
Châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (20A)
Châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (19B)
Châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (19A)
Châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (18B)




5 comments:

  1. có một thời nói "châm ngôn" nghe cũng hơi ngu nhất là đến lúc có Mác-trả-lời-con-gái gì đó và "cách ngôn" đã rơi khỏi từ vựng cho đến lúc việc làm-trong-sáng-tiếng-việt đã hết hơi. đây ko phải một thể loại nên cứ để nó tự do đi.

    ReplyDelete
  2. “A good aphorism is too hard for the teeth of time and is not eaten up by all the centuries, even though it serves as food for every age: hence it is the greatest paradox in literature, the imperishable in the midst of change...”

    Mixed Opinions and Maxims, Friedrich Nietzsche

    ReplyDelete
  3. tradition cũng hay được đính kèm bên cạnh culture như “con gà cục tác lá chanh” “we go together like cheese and crackers” :)

    ReplyDelete