Apr 26, 2016

Pascal: châm ngôn

Dẫu sao, nói gì thì nói, nhảy từ Pessoa và Cioran sang Pascal thì cũng hơi kỳ cục thật, nên tôi sử dụng mối nối bằng chính lời của Cioran:

"Khi đọc cuốn sách của Bà Périer [Cioran đang muốn nói đến Gilberte Pascal, chị gái của Pascal, vợ của Florin Périer; Pascal còn có một em gái, Jacqueline, đây mới là nhân vật quan trọng trong mối quan hệ giữa Pascal và Port-Royal], chính xác hơn là cái đoạn bà kể rằng Pascal, em trai bà, từ tuổi mười tám trở đi, theo lời chính ông, không sống qua một ngày nào mà không đau đớn, tôi bị hút hồn đến mức phải nhét nắm đấm vào miệng để khỏi hét lên.

Đó là tại một thư viện công cộng. Khi ấy tôi, điều này là có ích nếu nói ra, tròn mười tám tuổi. Một dự cảm mới lớn làm sao, nhưng cũng là sự điên rồ, và điềm tiền triệu, lớn làm sao!"

Dưới đây, đương nhiên, lấy từ Pensées của Pascal.

 
13. Hai khuôn mặt giống nhau, nếu riêng rẽ thì không khuôn mặt nào gây cười, lại gây cười nếu đặt cạnh nhau, vì sự giống.

22. Sức mạnh của lũ ruồi, chúng chiến thắng các trận đánh, ngăn trở tâm hồn chúng ta cựa quậy, xơi cơ thể chúng ta.

24. Thân phận con người.
Bất ổn, buồn chán, lo lắng.

25. Cái thói quen nhìn thấy các ông vua cùng lính gác, trống, các sĩ quan và mọi thứ gì thúc đẩy con người ta [ở đây Pascal dùng từ “machine”] phải kính trọng và cảm thấy kinh hoàng khiến cho khuôn mặt họ, những lúc đôi khi họ chỉ có một mình không đi cùng gì hết in lên thần dân của họ sự kính trọng và nỗi kinh hoàng bởi vì trong suy nghĩ người ta không tách rời con người họ với đoàn tùy tùng của họ, mà người ta vẫn thường thấy đi cùng nhau. Và cõi đời không biết rằng hiệu ứng đó xuất phát từ thói quen ấy, cứ tưởng đâu nó xuất phát từ một sức mạnh tự nhiên. Từ đó mà có câu này: tính cách thần thánh in đậm lên khuôn mặt ngài, vân vân và vân vân.

26. Quyền lực của các ông vua được tạo dựng trên lý tính và trên sự điên rồ của dân chúng, trên sự điên rồ nhiều hơn nhiều. Điều lớn lao và quan trọng nhất trên đời có nền tảng là sự yếu. Và nền tảng ấy chắc chắn đến đáng ngưỡng mộ, bởi vì chẳng có gì khác ngoài đó, ngoài chuyện dân chúng là yếu. Những gì được tạo dựng trên lý tính lành mạnh được tạo dựng kém cỏi, cũng như sự coi trọng thông thái.

28. […] Chúng ta không đủ khả năng cả về cái đúng lẫn cái tốt.

36. Kẻ nào không nhìn thấy sự phù phiếm của thế giới, bản thân hắn cũng rất phù phiếm. […]

41. Khi đọc quá nhanh hoặc quá chậm ta không nghe thấy gì.

47. Chúng ta chẳng bao giờ coi trọng thời hiện tại. Chúng ta nhớ quá khứ; chúng ta đẩy trước tương lai, dường như mãi không chịu tới, như để làm nó nhanh chân lên, hoặc chúng ta nhớ quá khứ nhằm chặn nó lại như thể quá nhanh, chúng ta thật thiếu thận trọng cứ lang thang trong những thời gian không phải thời gian của chúng ta, và chẳng hề nghĩ đến cái thời gian duy nhất thuộc về chúng ta, và chúng ta thật phù phiếm cứ nghĩ đến những thời gian vốn chẳng là gì, và chẳng nghĩ ngợi chút nào vuột ra khỏi thời gian duy nhất có thật. Đấy là vì thông thường hiện tại làm chúng ta bị tổn thương. Chúng ta giấu biến nó đi cho khỏi phải nhìn thấy vì nó làm chúng ta đau đớn, và nếu nó là dễ chịu đối với chúng ta thì chúng ta tiếc vì đã để nó trôi mất. Chúng ta cố công chống đỡ nó bằng tương lai, và nghĩ đến việc sử dụng những thứ không thuộc quyền năng của chúng ta cho một thời gian mà chúng ta chẳng thể chắc chắn là có thể đến được.

Chỉ cần mỗi người xem kỹ suy nghĩ của mình. Anh ta sẽ thấy tất tật chúng đều bận rộn với quá khứ hoặc tương lai. Chúng ta gần như không hề nghĩ đến hiện tại, và nếu có nghĩ thì cũng chỉ là để lấy ánh sáng từ đó nhằm dọn chỗ cho tương lai. Hiện tại chẳng bao giờ là cùng đích của chúng ta.

Quá khứ và hiện tại là các phương tiện của chúng ta; chỉ tương lai mới là cùng đích của chúng ta. Vậy nên chúng ta không bao giờ sống, mà chỉ hy vọng sống, và, tuy lúc nào cũng sẵn sàng để được hạnh phúc, không thể tránh khỏi, sẽ chẳng bao giờ chúng ta hạnh phúc.

53. Sự đê tiện của con người, hạ thấp đến tận mức các loài vật, đến tận mức yêu quý chúng.

57. Chẳng hề tốt khi quá tự do.

Chẳng hề tốt khi có được mọi thứ thiết yếu.

64. Con chó này là của cháu, bọn trẻ con tội nghiệp ấy nói. Đây là chỗ của tôi dưới mặt trời. Đó chính là khởi đầu và hình ảnh của sự soán đoạt mọi thứ trên thế giới.

66. Thật nguy hiểm khi nói với dân chúng rằng luật là không công chính, bởi dân chúng chỉ tuân thủ luật khi họ nghĩ chúng công chính. Chính vì thế cùng lúc phải nói với họ rằng phải tuân thủ luật vì đó là luật, cũng như phải tuân thủ những người mạnh hơn không phải vì họ công chính, mà vì họ mạnh hơn. […]

70. Nếu hoàn cảnh của chúng ta là thực sự hạnh phúc thì sẽ chẳng bao giờ chúng ta thèm nghĩ đến nó.

72. Phải tự biết chính mình. Nếu điều đó không giúp tìm ra cái đúng thì ít nhất nó cũng giúp sắp xếp cuộc đời, và chẳng có gì đúng đắn hơn thế nữa.

73. Cảm giác về sự sai lệch của các khoái cảm hiện có và sự vô tri đối với tính phù phiếm của những khoái lạc vắng mặt gây ra sự bất ổn.

77. Tò mò chỉ là phù phiếm. Hay thấy nhất là chuyện người ta chỉ muốn biết để có thể nói về cái đó, nếu không như vậy, người ta sẽ chẳng lưu lạc thiên nhai hải giác để rồi sau đó chẳng kể gì, chỉ vì khoái cảm được nhìn, không kèm chút hy vọng nào về việc rồi sẽ có lúc thuật lại.

78. Miêu tả con người.
Phụ thuộc, ham muốn độc lập, các nhu cầu.

83. Thế giới đánh giá mọi thứ rất giỏi, vì nó ở trong sự vô tri tự nhiên, ấy là chỗ đích thực của con người. […]


Pensées là một tác phẩm posthumous của Pascal, cách san định của các ấn bản trong lịch sử rất không giống nhau. Tổng cộng, có thể coi Pascal để lại 28 tập giấy đã sắp xếp, nhưng ngoài đó ra còn 34 loạt được cho là chưa sắp xếp. Phần trên đây trích từ "Papiers classés". Cách đánh số theo ấn bản dưới đây (có nhiều cách đánh số khác, chẳng hạn cách đánh số của Brunschvicg, hết sức thông dụng - ai quan tâm sâu hơn thì tự tìm hiểu về Brunschvicg):



Cioran: châm ngôn
Pessoa: châm ngôn
Các châm ngôn khác

No comments:

Post a Comment