Cuốn sách trên đây, tủ Quarto (vô cùng phi nhân tính) dày gần 2000 trang, ai mà giở nó ra xem là sẽ thấy tên tôi đấy: cũng không có gì, năm ấy tôi làm cùng giáo sư hướng dẫn thôi.
"Chuỗi", hay nói đúng hơn, "xê ri", ở Thibaudet có hình thức "réflexions" (xem ởkia sẽ thấy rõ hơn).
Còn Rémy (Remy) de Gourmont, đó là "promenades": đây là bảy "xê ri" của Gourmont:
Gourmont sinh ra vài năm sau khi Balzac qua đời, tức là thuộc thế hệ sớm hơn hẳn so với Thibaudet và nhân vật thứ ba dưới đây, Charles Du Bos (Thibaudet và Du Bos có thể coi là người đương thời, Du Bos chết sau Thibaudet ba năm); hồi thuyết trình về École de Genève tôi nói lẽ ra nên có Charles Du Bos, nhưng hồi đó tôi tính sẽ không đủ thời gian, nên phải bỏ ra ngoài.
"Xê ri" ở Charles Du Bos có tên "Approximations". Cũng như các promenade của Gourmont, những approximation gồm bảy xê ri, tập sách dưới đây là một ấn bản 1965 in hết cả vào (dày như Kinh Thánh):
Thêm một ít:
Homage người ta viết cho Du Bos:
Tinh thần hiện đại có một đặc điểm, đặc điểm rất quan yếu mà chỉ cái nhìn của Saussure mới giúp thấy được: tinh thần của chúng ta, ở một thời điểm, có một bước ngoặt lớn, nó thoát ra khỏi thế giới của ẩn dụ. Chống lại ẩn dụ là một điều hết sức quan trọng của thay đổi thực tại; nói một cách khác, tinh thần hiện đại chỉ xuất hiện trong sự kháng cự lại ẩn dụ.
Ẩn dụ có nguyên lý là tương đồng, analogy. Làm thế nào để thoát được sự tương đồng (sự tương đồng giống như cái chết, nó ăn tất tật mọi thứ)? Một trong những cách thức để làm điều đó là: không phải tương đồng nữa, mà là juxtaposition, là đặt cạnh nhau. Đây là nguyên lý vận hành của hoán dụ. Văn chương Proust (theo một phân tích xuất chúng của Gérard Genette) là văn chương của con đường hoán dụ. Ẩn dụ đi sang hoán dụ, đó cũng là tương đương của đi từ thơ sang văn xuôi (xem thêm ởkia).
Thế nhưng, juxtaposition còn có thể rõ rệt ở đâu hơn so với trong cách tổ chức của xê ri, của chuỗi?
Và cả feuilleton nữa. Không có hiện đại nếu không có Rimbaud và không có những tờ báo tồi tàn chuyên đăng phơi ơ tông; trong đó, Rimbaud là phần của "tuyệt đối" còn bản thân phần "hiện đại" đã nằm ngay ở feuilleton.
[Năm ấy, giáo sư Antoine Compagnon, khi niên khóa mới bắt đầu, thông báo những ai trong lớp muốn không phải làm các loại bài tập bắt buộc để qua được séminaire thì có thể đăng ký làm cùng công việc biên tập (chủ yếu là chú thích) các bài báo của Albert Thibaudet, đang được chuẩn bị để in, một tập lớn, ở nhà xuất bản Gallimard. Đó là năm cuối cùng của tôi tại trường Paris IV. Những năm đằng đẵng trước đó đã khiến tôi quá ngán ngẩm: tôi vẫn hay nói, người ta mất bốn năm để học hành còn tôi mất ngót mười năm - tại đầu óc kém quá.
Nói tóm lại, năm ấy, cái công việc ban đầu tôi tưởng là lựa chọn khôn ngoan để khỏi phải làm mấy thứ tôi đã quá chán, sẽ hóa ra vô cùng hung hiểm: chú thích Thibaudet đồng nghĩa với một công việc khủng khiếp, vì Thibaudet, đó là một con người của truyền thống nói, hiểu theo nghĩa viết như nói, trích dẫn (nhất là thơ) vô cùng đại khái, khôi phục là cả một vấn đề, gần như mọi nơi. Và sẽ có hàng trăm chỗ như vậy, tính riêng phần tôi phải phụ trách. Để tìm vài từ, tôi nhớ tôi từng phải giở xem từng dòng một quyển sách dày 300 trang của Mallarmé, có lúc tôi còn phải viết thư gửi cho một Hội ái hữu được lập ra để "lưu giữ ký ức" về một nhà văn giờ đây không ai còn nhớ, mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy tên, trước đó. Có các hiệp hội như vậy, rất nhiều. Và hiệp hội kia đã trả lời tôi vô cùng tận tình: có lẽ tôi là người duy nhất hỏi họ một điều gì đó liên quan tới nhà văn mà họ ngưỡng mộ, trong vòng mười năm. Nhưng công việc corvée đó, ngược lại (nhưng phải mãi về sau tôi mới thấy) có ý nghĩa lớn: không hề định trước, tôi đã tham gia một cuộc đưa một ai đó khỏi cái hố của lãng quên (sự lãng quên bất công; bởi vì sự bất công thì cũng có nhiều thuộc tính); vả lại, chính nhờ vậy, dường như, chính nhờ đọc Thibaudet, tôi hiểu phê bình văn học có thể là gì.
Remy de Gourmont liên quan đến một giáo sư khác của Paris IV. Học kỳ mùa xuân năm 2005, Michel Jarrety cho các sinh viên theo séminaire về lịch sử phê bình văn học Pháp của mình lựa chọn trong số các nhà phê bình của quá khứ (ai cũng được, hoặc gần như thế), chọn lấy một nhân vật rồi làm thuyết trình về người đó - làm tốt thì coi như đủ điểm qua séminaire ấy luôn. Michel Jarrety là tác giả cuốn tiểu sử lớn nhất về Paul Valéry từng có bao giờ được viết ra: xem ởkia. Tôi chọn Remy de Gourmont.
Hồi ấy, tôi chuẩn bị để trình bày về Gourmont theo các "figure" (điều đó thì phải tha thứ cho tôi thôi: dẫu farfelu đến đâu thì tôi vẫn bị vương chút ít đường lối suy nghĩ Sorbonne - về sau tôi sẽ gột rửa thật sạch), nhưng nếu tôi nhớ không nhầm, lúc đó cái "figure" của con người chuyên đi dạo lại không thực sự hấp dẫn tôi; hiện giờ, có lẽ lại chính đó, các "promenade", mới là khía cạnh tôi thấy quyến rũ hơn cả; trong một promenade, Gourmont có thể kể chuyện mình từng tự đến gặp và làm quen với Huysmans tại Bộ Nội vụ như thế nào, hoặc nói tới chuyện Balzac có một gu đọc sách tồi tệ. Gourmont cũng là tác giả Une nuit au Luxembourg.
Đúng ngày đến lượt tôi phải thuyết trình, đầu buổi học người ta thông báo giáo sư Jarrety bị tai nạn, hôm đó nghỉ. Mấy tuần sau con người hắc ám đó xuất hiện trở lại, chân đi hơi khập khiễng. Tôi gửi bài thuyết trình, khỏi phải nói trước lớp. Tôi thầm cảm tạ Gourmont, vì chắc chính Gourmont đã làm cho mọi sự trở nên suôn sẻ như vậy đối với tôi - dẫu sao, tôi cũng đã viết một bài dài cỡ 20 trang về con người đi dạo ấy. Những người thích đi dạo sẽ rất hấp dẫn tôi, sau đó: Dickens, Queneau, hay Bernhard, cùng chừng ba sư đoàn nữa.
Nhiều năm sau mùa xuân 2005, chừng trên dưới chục năm, tôi lên tàu điện ngầm ở ga Cluny-La Sorbonne (cái bến rất được người du lịch ưa chuộng vì trên trần có chi chít chữ ký các nhà văn Pháp), cửa vừa đóng lại thì tôi nhìn thấy Michel Jarrety ngồi đó, trong góc, trên cái ghế sập (ghế strapontin), một tờ Le Monde to tướng giở ra để trên đùi. Tôi không phải là người chuyên nghiệp về nói chuyện trên tàu điện ngầm, nhưng lúc ấy tôi rất muốn chào giáo sư Jarrety, thế là tôi chào, tôi nói cách đó mười năm tôi từng theo một séminaire của ông. Jarrety, con người hắc ám năm xưa, giờ vẫn hắc ám, có lẽ còn hơn xưa, hỏi tôi: "Thế có sung sướng không?" Tôi chuyển tàu ở bến La Motte-Picquet, Jarrety vẫn tiếp tục ngồi trên tàu: hóa ra đó cũng là một người sống ở Auteuil, hoặc Boulogne-Billancourt.]
(còn nữa)
PS1. đây là "homage" của tôi cho Roland Barthes, người đã dạy cho tôi một cái nhìn đặc thù, nhìn vào các "xê ri", đặc biệt ở phần về Charles Fourier trong cuốn sách siêu hạng Sade Loyola Fourier
PS2. tiếp tục "Tử tước rồi bá tước": sự tái bản sách ở Việt Nam nên được nhìn nhận như thế nào? in lại một quyển sách có dễ không? (nhân vật "đánh máy chữ" hay bị đổ tội một cách hư ảo là hoàn toàn có thật đấy, không hề đùa)
Paul Valéry-Valery Larbaud-Léon-Paul Fargue
Hölderlin-Novalis-Rilke
Krasznahorkai-Jean Améry-Danilo Kiš
Rilke-Benjamin-Gide
Baudelaire-Proust-Kafka
tiếp tục
ReplyDeleteẩn dụ như là những bánh răng đồng hồ Swissair nhưng sau này đồ hongkong bên hông cholon nhiều nên nó trật răng thành juxtaposition nhưng cái nào còn "hịn" thì vẫn chạy tốt mà.
ReplyDeletenhưng promenade chắc mới là cường lực, vì cái bề sâu đều đặn của "hắn", hỉ.
tiếp tục
ReplyDeletelàm corvée ở những chỗ đi dạo có sướng thường dễ chuyển sang làm thơ, vì việc đó rất gần với thơ hiện đại, nhiều chỗ là luôn í.
ReplyDelete