đã đến lúc chúng ta có thể chờ sự xuất hiện sắp sửa của một nhà văn lớn, rất hiếm có, trong tiếng Việt: László Krasznahorkai (Krasznahorkai László)
cuốn tiểu thuyết sắp có bản dịch tiếng Việt là Chiến tranh và chiến tranh, không nằm trong bức ảnh trên đây; trong ảnh là, bên tay trái, tác phẩm đã khiến Krasznahorkai trở nên rất nổi tiếng (chủ yếu trong một giới độc giả không lớn lắm; tuy nhiên những người mê phim lại dễ biết về Krasznahorkai, vì Béla Tarr), con cá voi, gánh xiếc ở một thành phố nhỏ Hungari, cùng Valuska nhân vật trung tâm; bên phải là tập truyện ngắn (cũng không hẳn là truyện ngắn: Krasznahorkai cũng thuộc vào danh sách ngắn ngủi những nhà văn kiệt xuất có tác phẩm phá tung mọi ranh giới thể loại), nhan đề của nó không liên quan đến cái mà ta hay gọi là "cú ân huệ" hay "đòn kết liễu" (Le Coup de grâce - tên một tác phẩm của Marguerite Yourcenar đã có bản dịch tiếng Việt), mà theo ý những phát ân điển mà con người nhận được (đúng hơn là phải gánh chịu), khi các cá nhân bỗng như bị đập vào đầu, ý thức về một cái gì đó giống như sứ mệnh mà mình phải thực hiện, ở nhiều phương diện khác nhau; đó là một tác phẩm rất đậm chất apocalypse
đọc Krasznahorkai, tôi thấy dường như có một sự đảo chiều rất kỳ lạ: trong khi siêu hình học có thể coi là chết tắc trong triết học, thì đã, theo một đường lối bí ẩn nào đó, siêu hình học tách rời khỏi khối triết học để chạy sang khối văn chương; Chiến tranh và chiến tranh như thể là một minh chứng nói lên rằng siêu hình học vẫn chưa thực sự chết, và rằng nó giả vờ chết để phục sinh trong một hình dạng khác
điều này dẫn tôi đến chỗ quyết định đọc cẩn thận các tác phẩm của Krasznahorkai cùng lúc với vài nhà văn mà theo tôi có văn chương hứng lấy cuộc trốn chạy của siêu hình học khỏi triết học
đây là Jean Améry (xem thêm ở kia):
ai rành Nietzsche sẽ biết ngay, tên tác phẩm của Jean Améry là một sự nhắc lại nhan đề cuốn sách Jenseits von Gut und Böse (trong tiếng Việt thường được biết đến dưới cái tên Bên kia thiện ác) của Nietzsche: tên gốc cuốn sách của Jean Améry, quả thật, là Jenseits von Schuld und Sühne (Bên kia tội ác và hình phạt: Nietzsche cộng Dostoievski)
Jean Améry là bút danh của Hans Mayer, một người Áo; chạy trốn sang Bỉ trước quân Nazi, Jean Améry tham gia quân kháng chiến Bỉ, bị bắt, từng qua trại Buchenwald và cả Auschwitz; cuốn sách của Jean Améry xoáy sâu vào câu chuyện một trí thức ở Auschwitz nghĩa là như thế nào; Jean Améry tự sát tại Salzburg năm 1978
Danilo Kiš:
sinh năm 1935 tại Subotica, nghĩa là biên giới Nam Tư-Hungari, trước Belgrade, Kiš từng sống ở Hungari và Montenegro; Danilo Kiš viết bằng tiếng serbo-croate, nhiều năm dạy học ở Pháp, qua đời tại Paris năm 1989
thế giới văn chương của Danilo Kiš ngay lập tức làm bật lên ở tôi một nhận thức kỳ lạ: đây chính là một thế giới thông nhau một cách kỳ diệu với thế giới của Bruno Schulz (xem ở kia: Kiš cũng từng nói với John Updike, rằng Schulz chính là "Chúa" của mình); có những lối thông đặc biệt như vậy trong cuộc sống tinh thần; nhân vật ông bố của Schulz khủng khiếp như thế nào thì ông bố Édouard Sam (trong tiếng Anh: Eduard Sham) của Jardin, cendre (trong tiếng Anh: Garden, Ashes) cũng đáng nhớ gần giống
trong cùng cuốn sách ấy, còn có một thứ đồ vật rất huyền hoặc: cái máy khâu Singer, có cả ảnh:
và cậu bé trong truyện đến một lúc cũng bắt đầu đọc Những cậu con trai phố Pál (xem thêm ở kia), tác phẩm huyền hoặc của nhà văn Molnár Ferenc in hồi đầu thế kỷ XX (bối cảnh câu chuyện diễn ra ở Hungari)
mấy nhà văn ấy, Krasznahorkai László, Jean Améry, Danilo Kiš, đều trải những biến cố lớn của châu Âu, và đều có những cách nhìn đầy phẩm chất siêu vượt; họ không hẳn rất nổi tiếng, nhưng nếu có văn chương lớn thật, thì cần phải tìm đến họ mới thấy được
một nhà văn nữa, lần này là Ba Lan: Zbigniew Herbert (trong ấn bản dưới đây có lời tựa của Adam Zagajewski):
cuộc sống của Herbert hồi trẻ rất không thuận lợi: nước Ba Lan dưới chủ nghĩa Stalin làm tê liệt mọi thứ; mãi đến thời điểm 1956 (Herbert sinh năm 1924, mất năm 1998) mới có một sự giải phóng nhất định, lúc này Herbert mới có thể ra nước ngoài, và cuốn sách trong ảnh là sự ghi lại chuyến đi Pháp và Ý không lâu sau 1956
1956: đó cũng là thời điểm khiến Thanh Tâm Tuyền viết mấy câu dưới đây (phong trào yêu thơ Thanh Tâm Tuyền đang dâng cao, tranh thủ câu view tí :p)
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
:))
ReplyDelete