Được cái là đợt này nhiều sách hay.
- Hoàng Xuân Hãn, Lý
Thường Kiệt. Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Sách Khai Tâm &
NXB Khoa học Xã hội, 370tr., 149.000đ.
Cuốn sách xuất bản lần đầu tiên vào năm 1949 tại nhà xuất bản
Sông Nhị, Hà Nội, tức là không lâu trước khi Hoàng Xuân Hãn sang Pháp sống, là
tác phẩm hết sức tiêu biểu của Hoàng Xuân Hãn, sản phẩm đặc sắc nhất của nền
giáo dục thuộc địa. Nó rất quan trọng trong sự nghiệp trước tác của Hoàng Xuân
Hãn và giờ đây đọc vẫn còn nguyên giá trị.
Xem thêm ở đây.
- Nguyễn Triệu Luật, Tác
phẩm đăng báo, Nguyễn Triệu Căn sưu tầm, Trần Thị Băng Thanh viết lời tựa,
NXB Tri thức, 390tr., 108.000đ.
Mấy tác giả chuyên viết tiểu thuyết lịch sử trước 1945: Nguyễn
Trọng Thuật, Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc (thời ấy không chuyên nhưng có
viết tiểu thuyết lịch sử thì nhiều lắm) ngày nay không còn được biết đến nhiều,
cả từ tác phẩm cho đến tiểu sử. Gần đây tác phẩm (phần tiểu thuyết lịch sử) của
Nguyễn Triệu Luật đã được in lại thành một quyển, lần này là các bài báo.
Để biết thêm về cuộc đời làm báo của Nguyễn Triệu Luật có thể
đọc hồi ký 40 năm nói láo của Vũ Bằng
(mới được tái bản), nhất là đoạn Nguyễn Triệu Luật làm tờ Công dân, chính là tờ đăng loạt bài nổi tiếng nhất của Nguyễn Triệu
Luật: “Ông Phan Trần Chúc bôi nhọ quốc sử”.
Nguyễn Triệu Luật viết những bài báo không mấy dễ chịu: chê
thơ Lan Sơn, chê thơ Nguyễn Vỹ, chê thậm tệ luôn thơ Đông Hồ.
Điều đáng phàn nàn nhất ở tuyển tập bài báo này là đa số những
chỗ Nguyễn Triệu Luật chua tiếng Pháp (rất nhiều) đều in sai ráo cả.
Nhìn kỹ trong sách cũng không hề thấy đả động đến hai yếu tố
trong tiểu sử Nguyễn Triệu Luật: thứ nhất là sự tham gia của Nguyễn Triệu Luật ở
Việt Nam Quốc Dân đảng (hình như câu chuyện Cao Bằng không mấy thơm tho) và thứ
hai là những bài báo của Nguyễn Triệu Luật tỏ cảm tình với Hitler và chủ nghĩa
phát xít của giai đoạn 1944-1945.
- Alan Watts, Biết ta
đích thực là ai. Cuốn sách về một cấm kỵ, Vân Nga dịch, Nhã Nam & NXB
Lao động, 219tr., 68.000đ.
Trong lĩnh vực này (triết học trộn thần học trộn vật lý học
trộn sinh học) chủ yếu người ta toàn sản xuất ra những thứ cực ngớ ngẩn. Cuốn
sách của Alan Watts thuộc loại rất hiếm thoát khỏi được sự ngớ ngẩn bao trùm ấy.
- Margaret Atwood, Tay
sát thủ mù, An Lý dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 474tr., 115.000đ.
Atwood là khách quen quá mức chịu đựng của Giải Booker, và Tay sát thủ mù chính là tác phẩm của
Atwood nhận giải Booker này vào năm 2000. Giải thưởng này là hoàn toàn xứng
đáng vì cuốn tiểu thuyết quá oách.
Xem thêm ở đây.
- Jeong You Jeong, 7
năm bóng tối, Kim Ngân dịch, Alphabooks & NXB Lao động, 575tr.,
159.000đ.
Cuốn truyện trinh thám của một tác giả có cái tên thật ra
không thể đọc nổi, mọi địa danh: thị trấn, cái hồ, trường tiểu học, giao lộ, trạm
dừng chân, cả một cô bé bí ẩn đều cùng mang một cái tên, cũng không thể đọc nổi:
Se Ryung. Nhưng đây là một câu chuyện không hề tệ.
Cậu bé Seo Won lên 12 tuổi thì gia đình cậu chuyển đến khu Hồ
nước Se Ryung vì bố cậu, Huyn Soo, nhận một công việc mới ở đây. Đó là thời điểm
cô bé Se Ryung nhà bên cạnh vừa mất tích một cách bí ẩn, sau khi bị bố đánh. Cô
bé Se Ryung là nạn nhân của một cuộc sống hôn nhân không tình yêu của bố mẹ. Về
phần mình, Seo Won cũng ở trong một gia đình không hạnh phúc. Sự mất tích của
Se Ryung hóa ra liên quan đến bố của Seo Won, rồi tấn thảm kịch xảy ra một cách
tàn khốc, biến bảy năm sau đó của cuộc đời Seo Won trở thành “bảy năm bóng tối”
thê thảm, cho đến khi Seo Won bắt đầu lần lại những sự việc cũ, quay trở lại với
ký ức hoang tàn lạnh lẽo và đáng sợ.
Cốt truyện lắt léo, xoay điểm nhìn liên tục, và có những đoạn
tả cảnh lặn dưới lòng biển rất có ý vị.
- Szabó Magda, Cánh cửa,
Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 281tr., 76.000đ.
Lần đầu tiên tác phẩm của Szabó Magda, một nhân vật cực lớn
của văn chương Hungary, được dịch sang tiếng Việt.
Xem thêm ở đây.
- Ray Bradbury, 451 độ
F, Dick Trương dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 229tr., 64.000đ.
Bất kỳ ai mê thể loại sci-fi, rồi dystopian, mê phim chuyển
thể và Làn sóng Mới (François Truffaut) và nhất là mê sách đến độ muốn đọc mọi
cuốn sách kinh điển về số phận của sách, đều nhất thiết phải đọc 451 độ F của Ray Bradbury, cuốn sách được
tác giả viết như trong cơn lên đồng, dưới một tầng hầm thư viện, trong lúc viết
thì chạy lên chạy xuống để chép lấy các trích dẫn nhét vào sách nhằm tăng độ
dày của quyển sách.
Ấy là năm 1953, và kể từ đó 451 độ F không có đối thủ trong lĩnh vực tiên đoán tương lai đen tối
của loài người, ở đây là nhìn từ khía cạnh mối quan hệ giữa con người và sách,
như một ẩn dụ cho số phận của nền văn minh con người. Nhân vật Guy Montag đã đi
vào folklore thế giới, nhưng nhân vật của 451
độ F mà tôi thích nhất là cô vợ Mildred: tả phụ nữ ngu ngốc thì phải táo tợn
như thế chứ :p
- Ludwig von Mises, Một
phân tích kinh tế về chủ nghĩa can thiệp, Đinh Tuấn Minh, Vũ Minh Long, Trần
Thùy Dương và Nguyễn Đức Hùng dịch, NXB Tri thức, 243tr., 60.000đ.
Chút kiến thức rơi rớt từ hồi còn phải học mấy môn kinh tế học
(mà tôi thấy thực sự là chán ngắt :p) vẫn làm tôi nhớ được tên von Mises, một
nhân vật của “trường phái Áo”.
Cũng về von Mises và cùng NXB Tri thức: Eamonn Butler, Ludwig von Mises lược khảo, Phạm Nguyên
Trường dịch, 179tr., 45.000đ.
Có điều, hai quyển này, chắc được chuẩn bị cùng lúc, đã bị
nhầm bìa 4, tức là text nằm ở bìa 4 Ludwig
von Mises lẽ ra phải nằm ở bìa 4 Một
phân tích kinh tế về chủ nghĩa can thiệp, và ngược lại :p
- Và cuối cùng, một cuốn tản văn :p
Nguyễn Vĩnh Nguyên, Với
Đà Lạt ai cũng là lữ khách, NXB Trẻ, 158tr., 50.000đ.
Nguyễn Vĩnh Nguyên có một biệt tài: làm mọi thứ trở nên khó
ưa. Tả cảnh làm tình thì khiến làm tình trở thành mệt như phải bốc dỡ một xe tải
chở đầy bao xi măng, Đà Lạt nó bồng bềnh nhẹ nhõm cũng trở thành đặc quánh bám
trọn lấy đầu óc và ý nghĩ, phong tỏa mọi con đường sống, chẳng giúp ích gì cho
cuộc sống vốn dĩ đã nặng nề.
e tưởng anh dừng rồi cơ, mục này nghỉ mất mấy tháng lận ;)
ReplyDeleteVới Nguyễn Vĩnh Nguyên thì mình chờ đọc một cái gì đó về Phan Rang,nơi cung cấp ko ít nhân lực cho giới làm báo phía Nam.
ReplyDeleteĐà Lạt cũng cung cấp vô cùng hùng hậu đấy chứ.
ReplyDeleteThời còn Nam Phong,đi xuyên Việt phải quành từ Phan Rang lên Đà Lạt mới xuống Đồng Nai,vô SG được.Lẽ dĩ nhiên,nhiều người cao nguyên có gốc gác từ Phan Rang.
ReplyDeleteơ, tôi tưởng Yersin đã mở nhiều đường trước đó rồi cơ mà
ReplyDelete