Sep 30, 2014

Sách tháng Tám 2014

- Heinrich Böll, Nàng Anna xanh xao và nhiều truyện ngắn khác, Phạm Hải Hồ tuyển chọn và dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 235tr., 60.000đ

Nước Đức đã sản sinh ra những nhà văn kiệt xuất trong quãng Thế chiến thứ nhất (1914-1918) như Ernst Jünger hay Erich Maria Remarque. Thế chiến thứ hai khủng khiếp với lãnh tụ Hitler là giai đoạn nghèo nàn đặc biệt của văn chương Đức; đã không thể sánh được với những giai đoạn rực rỡ trước đó, văn học Đức Thế chiến thứ hai càng không thể so sánh được với thời Thế chiến thứ nhất. Nhưng Heinrich Böll đã xuất hiện, làm thay đổi mọi thứ. Độc giả Việt Nam trước đây từng biết đến ông với các tiểu thuyết như Lạc lối về, Chuyến viễn hành trong đêm hay câu chuyện về anh hề, câu chuyện về Katharina Blum. Nhưng Heinrich Böll xuất sắc hơn cả trong lĩnh vực truyện ngắn. Tập Nàng Anna xanh xao này là một minh chứng cho một ngòi bút vô cùng đặc biệt về thời hậu chiến của nước Đức thua cuộc buồn bã. Cuộc sống hậu chiến ấy được Böll chiếu rọi vào một cái nhìn tinh tế đến cùng cực, nhặt từ trong đó ra những chi tiết đắt giá và thổi vào một tinh thần chưa bao giờ có. Chưa nhà văn nào viết hay như Heinrich Böll về người lính trở về sau chiến tranh.



- Giovanni Boccaccio, Mười ngày, Hồ Thiệu dịch, Đông Tây & NXB Văn học, 747tr., 144.000đ

Thế kỷ 14 ở châu Âu vẫn được biết đến như là giai đoạn cuối của thời Trung cổ. Trong thế kỷ nhiều tăm tối và bệnh dịch ấy, một nhà văn người Ý sống ở Florence (Firenze) đã viết một tác phẩm được lịch sử văn chương coi là kiệt tác vô song, đó chính là Il Decameron hay Mười ngày. Có mười quý tộc Florence (bảy phụ nữ và ba đàn ông) lánh về vùng ngoại thành để tránh bệnh dịch đang bùng phát trong thành phố. Họ sống cùng nhau, mỗi ngày bầu một người làm vua hay nữ hoàng để chủ trì, và lần lượt họ kể những câu chuyện theo chủ đề. Tổng cộng có một trăm câu chuyện, trong đó rất nhiều câu chuyện đáng nhớ, không chỉ thuật lại phong tục (rất phóng túng) của thời ấy mà còn có trình độ kể chuyện và văn chương rất cao. Mười ngày hấp dẫn độc giả thế giới trong nhiều thế kỷ qua, có thể không thua kém Thần khúc của Dante, một kiệt tác khác của văn chương Ý. Với bản dịch của Hồ Thiệu, lần đầu tiên tác phẩm Mười ngày xuất hiện ở Việt Nam dưới dạng đầy đủ.

xem thêm ở đâyở đây



- Nguyễn Liên Phong, Điếu cổ Hạ kim thi tập, Cao Tự Thanh chỉnh lý và giới thiệu, NXB Văn hóa-Văn nghệ, 306tr., 150.000đ

Đây là một ví dụ cho phong trào phục cổ dường như đang diễn ra mạnh mẽ trong giới xuất bản Việt Nam. Nguyễn Liên Phong sống ở Nam Kỳ khoảng cuối thế kỷ 19, mất năm 1917, cuốn sách Điếu cổ Hạ kim thi tập xuất bản năm 1915. Tác phẩm gồm hai phần, phần “điếu” về các nhân vật đã qua đời vào thời điểm sách xuất bản như Phan Thanh Giản, Nguyễn Hữu Cảnh…, phần “hạ” về các nhân vật Nam Kỳ nổi bật đương thời như Diệp Văn Cương, Lương Khắc Ninh… Mỗi nhân vật có phần tiểu sử (đôi khi rất dài) và bài thơ vịnh. Tổng cộng có 228 nhân vật. Những cuốn sách như thế này giúp ta biết thêm rất nhiều điều trong lĩnh vực “nhân vật chí” ở Nam Kỳ, một khoảng kiến thức hiện nay vẫn còn hết sức thiếu hụt.



- Nguyễn Bình Phương, Mình và họ, NXB Trẻ (trước đây đã có phiên bản Xe lên xe xuống, Diễn Đàn Thế Kỷ, 2011), 302tr., 75.000đ

Trong khi đại đa số nhà văn Việt Nam bây giờ liên tiếp tạo ra những cái gì mà tôi, vốn dĩ cần mẫn quan sát và không phải không có chút năng lực đánh giá (do cần cù mà nên hehe), thấy rất khó xử khi nhìn vào một cách kỹ càng, thì Nguyễn Bình Phương cứ thế lừ lừ mà đi sâu mãi vào một cõi văn chương kỳ lạ.

Trước đây, tôi đã nghĩ sau Người đi vắng Nguyễn Bình Phương khó có thể còn tạo ra được một cái gì hoàn chỉnh như vậy nữa; thật ra chỉ cần xem kỹ Người đi vắng là hiểu ra rất nhiều điều trong văn chương Nguyễn Bình Phương, nhất là hiểu được cách huy động ngôn từ và hình ảnh.

Trong khi nhà văn Việt Nam dần dần trở nên dễ chịu hàng loạt, giao du và hòa đồng với cuộc đời, thậm chí tâng bốc cuộc đời và lấm chấm còn trở thành người hướng đạo cho một lối sống này hay lối sống khác, thì Nguyễn Bình Phương vẫn cam tâm ở lại vị trí khó hiểu và bí hiểm của mình, và vẫn không thôi đáng sợ - nhà văn đáng sợ khi có một cái nhìn đặc biệt, không ai khác có.

Trong khi những người khác thấy đồng tính là nhao theo đồng tính, thấy Việt kiều là lăn quay Việt kiều tranh đấu với nội địa, rồi lả lướt với lịch sử như hàng chợ, thảm thiết ưu thời mẫn thế và lem nhem nước mắt nước mũi đấu tranh dân chủ hay đấu tranh cho cái lý tưởng gì chả hiểu nổi, cứ liên tục sản xuất ra những cuốn sách thù lù đủ cả cao siêu lẫn tục tĩu, triết lý lại cực đậm bằng giọng văn tập làm văn trẻ con, thì Nguyễn Bình Phương đã viết được cuốn tiểu thuyết hay nhất về chiến tranh biên giới - không hẳn về chiến tranh biên giới, mà về cái vùng đất khốc liệt ấy, mây có thể chuyển thành con ngựa phi và đàn bà có thể ăn thịt người, nhắm mắt lại ngủ có thể bị kẻ nào đó đái vào mặt và đoạn đường nào từ Quản Bạ đi tiếp lên núi cũng chập chờn ma

Mình và họ (tức Xe lên xe xuống đã xuất hiện trước đây) là một tác phẩm lớn đích thực, nhất là khi, không giống Người đi vắng cứ liên tục bị phá hỏng nhịp điệu vì tác giả có quá nhiều thứ để nói (tức là quá hay nhưng thiếu vững vàng), không dừng nổi, cuốn này luôn luôn phanh đúng chỗ để tiết tấu chung vô cùng chuẩn xác.




- Lê Bầu, Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa, (tức Dân dưới bãi), NXB Kim Đồng, 134tr., 28.000đ

Di cảo của Lê Bầu; giới đọc sách thường biết Lê Bầu là dịch giả tiếng Trung, từng dịch không ít tác phẩm, và biết đến Lê Bầu trong một số bài viết của bạn bè, chủ yếu về những hoạn nạn của một cuộc đời gian khó.

Dân dưới bãi là những hồi ức của Lê Bầu về hồi nhỏ, khi Hà Nội vẫn còn rất khác ngày nay, cuộc sống ở bãi Phúc Xá mới bắt đầu manh nha, và những đứa trẻ con thì lam lũ vô cùng.

Cuốn sách có lời tựa rất tình cảm của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, bạn thân của Lê Bầu - với bản thân Bùi Ngọc Tấn, di cảo này cũng là một bất ngờ.



- Higashino Keigo, Bạch dạ hành, Diệu Thư dịch, Nhã Nam & NXB Thời đại, 586tr., 138.000đ

Tác phẩm thuộc hàng nổi tiếng nhất của nhà văn nổi danh hạng nhất Nhật Bản trong mảng trinh thám. Tác phẩm của Higashino Keigo bao giờ cũng không đơn giản, nhưng lại rất đơn giản ở bề ngoài, và lại dùng rất ít hành động, không mấy khi gay cấn.

Nhưng mà đáng sợ lắm :p

Đây đã là tác phẩm thứ ba của Higashino Keigo ở Việt Nam. Giới ghiền trinh thám Việt Nam hẳn đều còn rất nhớ Phía sau nghi can X.

xem thêm về Higashino Keigo ở đây



- Thomas Harris, Rồng Đỏ, Miel G. dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 399tr., 95.000đ

Tiếp tục loạt Hannibal Lecter.



- Cao Tự Thanh, I và Y trong chính tả tiếng Việt, NXB Văn hóa-Văn nghệ, 254tr., 180.000đ

Một khảo luận dường như có tham vọng giải quyết vấn đề chữ "i" và chữ "y" trong tiếng Việt nhưng (cũng dường như) dành quá nhiều thời gian bình luận về nhiều bộ từ điển tiếng Việt và giảng về "vận thư chữ Hán".



- Đào Trinh Nhất, Phan Đình Phùng, Alphabooks & NXB Dân trí, tủ sách "Góc nhìn sử Việt", 319tr., 85.000đ

Được thông báo là quyển đầu tiên trong tủ sách "Góc nhìn sử Việt" với ý định sắp tới in lại một loạt sách của các tác giả như Phan Trần Chúc, Phan Khoang, Ưng Trình…

Phan Đình Phùng in thành sách lần đầu tiên năm 1936, thuộc giai đoạn khá sớm trong trứ nghiệp của Đào Trinh Nhất, một nhân vật đang "lộ diện trở lại".



- Trịnh Văn Thảo, Xã hội Nho giáo Việt Nam dưới nhãn quan của xã hội học lịch sử, NXB Tri thức, 219tr., 55.000đ

Tập hợp các bài viết của nhà xã hội học Trịnh Văn Thảo về các đề tài ông theo đuổi từ nhiều năm nay.



- Bây giờ đến mấy cuốn đặc biệt :p

+ Tôi đã ngó qua một lượt những cuốn sách thuộc hệ thống Giải thưởng Văn học tuổi 20 vừa qua. Rồi quyết định giới thiệu cuốn dưới đây :p

Đinh Phương, Những đứa con của chúa trời, tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 300tr., 65.000đ


+ Bộ sách Huyền thoại Porasitus, 2t, Thảo Dương, Lantabra & NXB Văn học, tập 1: 449tr., tập 2: 477tr., 249.000đ.

Bộ sách này dựng ra một thế giới riêng, thuộc thể loại fantasy. Bộ sách rất dày và không hẳn là hợp với gu đọc của tôi lắm nên không dám nói nhiều, chỉ dám nói tôi đã đọc rất kỹ mấy chương mở đầu và thấy là câu chuyện rất hứa hẹn. Nếu có thời gian tôi sẽ đọc hết :p


+ Tạ Huy Long, Cửa sổ, Nhã Nam & NXB Thế giới, 82tr., 78.000đ

Tôi chỉ nói rằng câu chuyện bằng tranh này hết sức đặc biệt.



Ngoài ra các mọt sách còn có thể đọc mấy cuốn mới ra này: Thế giới thực của Natsuo Kirino, Rabbit ơi, chạy đi của John Updike, Lịch sử Việt Nam của Lê Thành Khôi và Bác sĩ Jekyll & ông Hyde của Stevenson.





8 comments:

  1. Còn nợ cú các nhà zăn hot hiện đang làm gì :p

    ReplyDelete
    Replies
    1. gì kỳ vậy? tưởng đi hát lô tô hết, cả nước biết rồi ^^

      Delete
    2. Trong rừng người ta múa cột luôn, kêu cờ ra con mấy cũ lắm rồi
      :p

      Delete
  2. Chèng đéc, cộng nhẩm sơ sơ đã thấy to tiền quá. Đấy là còn chừa cuốn của anh Huraki Murakami sang tháng sau nhỉ

    ReplyDelete
  3. Phải xảy ra điều gì – sẽ xảy ra điều gì – đã xảy ra điều gì – đáng lẽ phải xảy ra điều gì…. Điều gì xảy ra, ai biết? :D

    ReplyDelete
  4. Sáng nay đi qua NXB Kim Đồng đã mua được cuốn Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa của Lê Bầu. Quả nhiên lời giới thiệu của Bùi Ngọc Tấn rất cảm động. Ở tay bìa đầu sách in Lê Bầu 1930-2007 nhưng trong lời giới thiệu lại nói Bùi Ngọc Tấn thăm Lê Bầu ở bệnh viện Hữu Nghị cuối năm 2008. Kiểm tra lại mới hay sách in sai. Lê Bầu mất ngày 7-2-2009.

    ReplyDelete
    Replies
    1. đúng rồi, phải là 2009, tôi còn nhớ lúc đó

      Delete