Apr 28, 2013

Sách tháng Tư 2013

Cuối cùng, đã có một cuốn sách thực sự về sách, về cuộc đời những quyển sách và về cuộc sống sách vở Việt Nam trong suốt nhiều năm:

Về chốn thư hiên của Trần Trọng Cát Tường, NXB Hồng Đức, 375 tr., không đề giá.




Tác giả là một nhà nghiên cứu, một nhà sưu tầm sách ở Quảng Ngãi.

Hiện tại, không phải nhiều người phân biệt được những điều đơn giản như khổ giấy (folio, quarto, octavo...), các loại giấy (dó, Japon, Kinh Thánh...) các chi tiết của một quyển sách (họa bản, phụ bản, ấn hiệu, ấn thư...), các loại "bản" (bản đặc biệt, bản tặng phẩm, bản tục bản...). Tác giả Trần Trọng Cát Tường đã dành riêng mấy chục trang cuối sách để lập một bảng từ vựng chi tiết, giải thích cặn kẽ nhiều khía cạnh "kỹ thuật" và "vật chất" liên quan đến quyển sách.

Giới chơi sách và sưu tầm sách ở Việt Nam đã có một cẩm nang quan trọng, có lẽ là phải tính từ Thú chơi sách của Vương Hồng Sển in lần đầu cách nay đã hơn 60 năm. Trong Về chốn thư hiên, tác giả cũng dành không ít "đất" cho những nhà sưu tầm sách mà ông quen biết, thuộc đủ mọi lứa tuổi, cho thấy rằng các bộ sưu tập sách lớn tại Việt Nam hiện nay không chỉ thuộc sở hữu của những người nhiều tuổi, mà không ít bộ sưu tập nằm trong tay những người còn rất trẻ.

Điều này là chính xác. Sẽ rất khó ngờ rằng một số người chỉ ở độ tuổi ba mươi, thậm chí thấp hơn, có những bộ sưu tập vô cùng phong phú về từng mảng đặc thù: báo chí, giai đoạn tiền chiến, giai đoạn bao cấp, sách Cầu Vồng Tiến Bộ, kiếm hiệp trinh thám...

Nhưng không chỉ có vậy, Về chốn thư hiên còn là một bản ca tụng sách vở một cách trầm lắng nhưng nhiệt thành, một cách thâm nhã nhưng nồng nàn, vạch lại con đường đi của sách vở và giấy tại Việt Nam, cung cấp vô số chi tiết mà chỉ một người đặc biệt tỉ mỉ trong đống sách vở vô biên mới rút tỉa ra được một cách sáng sủa như vậy. Cũng ở trong cuốn sách này, lần đầu tiên một số sự kiện liên quan đến sách được ghi nhận trong một ấn phẩm chính thức, ví dụ vụ việc xung quanh việc tái bản tác phẩm của nhà văn Dương Nghiễm Mậu cách đây vài năm.


Vài cuốn sách nữa nên đọc trong tháng vừa rồi:

- Umberto Eco, Tên của đóa hồng, Lê Chu Cầu dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 552 tr., 130.000 đ.

- Ben Okri, Con đường đói khổ, Linh Bacardi dịch, Phương Nam & NXB Văn học, 640 tr., 176.000 đ.

- Mario Sica, Những lữ khách Ý trong hành trình khám phá Việt Nam, Nhã Nam & NXB Thế giới, 430 tr., 90.000 đ. (sách bằng tiếng Việt và tiếng Ý)

- Chóe, Nghề cười, NXB Văn hóa-Văn nghệ, 431 tr., 180.000 đ. (bán kèm đĩa "10 tình khúc của Chóe")


Còn nếu các bác muốn hỏi sách vở ở Việt Nam có trend gì không, thì tôi xin dè dặt trả lời là có, nó có thể là như thế này:


hay thế này:


Cụ thể: trend ấy là Hàn Quốc; chúng ta đã bắt đầu đọc Tam Quốc từ người Hàn. Như tôi từng nhận mình là thế hệ đầu tiên manga, hai mươi năm nữa sẽ có người nhận mình thuộc thế hệ đầu tiên K-Pop :p


Bài liên quan:

Sách tháng Giêng 2013
Sách tháng Hai 2013
Sách tháng Ba 2013

11 comments:

  1. Tháng này ít sách nhỉ? Trong Về chốn thư hiên có tên NL không :p Mí cả mình đọc được 4 chữ Hàn kia đó: Samgook Yoosa. Trông cuốn sách thấy xúc động ghia. Chắc phải mua rồi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ừ, tháng này hẻo. Chắc chuẩn bị để tháng sau hết hẻo :p Quyển kia không có Index tên riêng nên thật ra không thể chắc được ;))

      Delete
  2. Thứ nhứt: hai mươi năm nữa sẽ có người nhận mình thuộc thế hệ đầu tiên K-Pop (bĩu môi)
    Thứ hai: Phải đọc Samguk sagi (Tam Quốc sử ký) xong rồi đọc Tam Quốc di sự mới thấy hay. Nhưng bạn Nhị Linh thấy đấy, Tam Quốc di sự có khác gì Lĩnh Nam trích quái mới Việt Điện u linh của Việt Nam mình không?

    ReplyDelete
  3. Tôi không hiểu ý của Nhị Linh hay ít nhất là không hiểu sự liên tưởng từ "Tam Quốc diễn nghĩa" (Trung Quốc)tới "Tam Quốc di sự" (Korea).
    "Thế hệ K-pop" mà đọc được "Tam Quốc di sự" e rằng cũng là khó khăn!
    (F)

    ReplyDelete
  4. "chích quái"?

    F: tôi chỉ định nói rằng các cơ sở xuất bản Việt Nam đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sách vở Hàn Quốc thôi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ôi, người sành điệu ai lại đọc là "chích quái", chính xác là "trích quái" đấy. Haizzz

      Delete
    2. Đến chịu với các bác Hán Nôm, Từ Trẩm Á nay bắt viết Từ Chẩm Á, chích quái nay bắt gọi là trích quái :p

      Delete
    3. Chích quái để thành đạo chích à? Chữ 摭 này phải đọc là "trích" với nghĩa là: chọn, tuyển. Lĩnh Nam trích quái嶺南摭怪 : Tuyển tập (Nhặt lấy, trích ra) những chuyện quái dị ở Lĩnh Nam. Chữ trích lục cũng là chữ trích nay. Chậc chậc. Hay bạn Nhị Linh tin vào trình độ Hán học của GS Kim Định?

      Delete
    4. mình đặt niềm tin vào bạn Quách

      trả sách mình đê :p

      Delete
    5. Đúng là đồ thấy sách [sắc] quên...bạn. Hic :p

      Delete
    6. À nói rõ là ngoài rất nhiều quyển, đặc biệt quyển "Nho giáo với Ô. Đào Duy Anh" của Nguyễn Uyển Diễm nhé, bản đầu giấy dó, mỏng tang. Mà bản đầu quái gì, chắc bản duy nhất luôn rồi, giờ này ở VN chắc còn vài bản hehe. Đào Duy Anh với mình giống như một thần tượng, nên những người đứng ra đàng hoàng chê bôi ông ấy, mình còn thần tượng gấp vạn lần :p

      Delete