May 13, 2014

Sách tháng Tư 2014

Như lần trước tôi đã nói, Hội sách Sài Gòn là một cơn lũ sách mới. Phải chụp quả ảnh kiểu này để miêu tả chút chút những gì chúng ta đang phải đối mặt :p


(mà đây là vẫn còn thiếu khoảng gần chục quyển nữa, đang đọc dở vứt lung tung ngại tìm)


Những đứa con của nửa đêm

Lẽ dĩ nhiên cuốn sách quan trọng nhất trong thời gian vừa qua là tác phẩm của Salman Rushdie. Về nó, tôi đã chạy liền bảy kỳ (tuy nhiên bài then chốt nhất thì vẫn chưa viết xong hehe)

Salman Rushdie (1)
Salman Rushdie (2)
Salman Rushdie (3)
Salman Rushdie (4)
Salman Rushdie (5)
Salman Rushdie (6)
Salman Rushdie (7)



Một sự trở lại với tôi là rất đáng nói: Nỗi đau của chàng Werther của Goethe, sử dụng lại bản dịch trước đây của Quang Chiến (trước đây ở Sài Gòn cũng đã có bản dịch tác phẩm này của Chơn Hạnh, một bản dịch vô cùng xuất sắc).


Cũng là trở lại, và cũng đáng nói, nhưng là trong mảng sách thiếu nhi (tháng này tôi chỉ giới thiệu duy nhất cuốn này, mặc dù trong tháng đã có rất nhiều sách hay - nói chung các bác phụ huynh rất nên chăm chỉ theo dõi các kênh riêng chuyên về sách cho trẻ em): sự trở lại của nhà văn nữ tuyệt vời Comtesse de Ségur (nữ bá tước de Ségur), với tác phẩm Những bất hạnh của Sophie, Nguyễn Huyền Anh dịch, Nhã Nam & NXB Phụ nữ. De Ségur thì hơi có chút cá nhân, vì đây là tác giả rất gắn bó với tôi hồi tôi còn rất nhỏ. Tôi còn rất nhớ nhân vật Tướng Dourakine, và de Ségur chính là người làm tôi lần đầu tiên ý thức được tầm vóc và tính chất của cuộc “di cư” của người Nga ra nước ngoài, trong trường hợp cụ thể là nước Pháp.


Thêm một sự trở lại nữa:

Bùi Ngọc Tấn. Viết về bè bạn. Tập chân dung văn nghệ sĩ. NXB Trẻ. 628tr. 155.000đ.


Tháng này có một “category” mới:

Những gì càng ngày càng thấy nản hơn

+ Vương Hồng Sển. Tạp bút năm Giáp Tuất. Di cảo. NXB Trẻ. 256tr. 120.000đ.

Chắc vì các di cảo của Vương Hồng Sển ngày càng tiến tới cái giai đoạn tôi đã biết nhiều chuyện, càng ngày tôi càng thấy đọc Vương Hồng Sển thêm chán ngắt.

Vương Hồng Sển là một “giáo chủ không ngai” của sưu tầm sách Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ, đã đến lúc, các thế hệ nhà sưu tầm sách Việt Nam nên tách dần khỏi truyền thống và “cách chơi sách” của Vương Hồng Sển, vì có những con đường mới dẫu sao vẫn vui hơn nhiều, phải không ạ :p


+ Nguyễn Trí. Đồ tể. Tập truyện ngắn. NXB Trẻ. 388tr. 95.000đ.

Ngay khi cuốn đầu tay của Nguyễn Trí được xuất bản, đọc nó, tôi đã thấy, đây rồi, cuối cùng một Võ Huy Tâm thứ hai đã xuất hiện. Quả nhiên, đến cuốn thứ hai này thì thấy quá rõ cảm giác đầu tiên ấy là hoàn toàn chính xác.


+ Phan Hồn Nhiên. Ngựa thép. Tiểu thuyết. NXB Trẻ. 430tr. 95.000đ.

Tôi đã bỏ không đọc văn của Phan Hồn Nhiên từ rất lâu. Lần này tò mò vì thấy nhiều người đặc biệt khen và tò mò nghĩ nhỡ đâu lại… thì sao. Đọc vào thì hiểu ra, chẳng có gì sai lầm khi bỏ đọc văn của Phan Hồn Nhiên trước đây. Giờ, thậm chí còn tệ hơn.

Để “fair” trong nhận định mà nhiều người hẳn sẽ cho là khắt khe này, tôi sẽ đặc biệt phân tích riêng trường hợp cụ thể này. Nó cũng là một “triệu chứng” cho thấy vài điểm quan trọng trong văn chương hiện nay của Việt Nam.

Cái “văn chương hiện nay của Việt Nam”, sau một thời gian cứ tưởng sẽ phải khởi sắc nhờ một số nhà văn ở nước ngoài quay trở về hoặc gửi tác phẩm về in ở Việt Nam, rốt cuộc vẫn thế, và còn tệ hơn. Các nhà văn “hải ngoại” (tức là có một quá khứ lâu năm sống ở nước ngoài) in sách ở Việt Nam không thực sự tạo ra giá trị, mà thật ra chỉ tạo ra thêm ảo tưởng. Hai nhân vật nổi bật nhất, Đoàn Minh Phượng và Nguyễn Quí Đức (à, Nguyễn Quí Đức thì hình như chưa in cái gì ở Việt Nam bao giờ) chung nhau một đặc điểm: đều biết cách mở ra tác phẩm theo một cách thức vô cùng hứa hẹn, tưởng chừng như ta sắp sờ được vào một kiệt tác hay ít nhất cũng là một tác phẩm xuất chúng đến nơi, thì đến lúc bắt đầu triển khai bỗng đuối dần, đuối đều cho đến đoạn kết lúc nào cũng thực sự gây bực mình.

Ảo tưởng là thứ chẳng bao giờ cần, nhưng cũng là thứ bao giờ cũng quá nhiều.

[hết category “Những gì càng ngày càng thấy nản hơn”]


Những cuốn dưới đây tôi chỉ liệt kê tên (hehe, thật ra đây lại là một “category” nữa: những cuốn sách khi đọc ta phải đặc biệt vận dụng khả năng “gạn đục khơi trong”; lẽ dĩ nhiên, đã đọc sách thì lúc nào cũng cần “gạn đục khơi trong”, nhưng với một số cuốn, ta đặc biệt phải “gạn đụng khơi trong” :p]

- Magdalena Witkiewicz, Trường học cho các bà vợ, tiểu thuyết, Nguyễn Thị Thanh Thư dịch, NXB Trẻ, 330tr. 115.000đ.

- Mandaley Perkins, Hanoi, adieu. Những kỷ niệm vui buồn về xứ Đông Dương thuộc Pháp, Lý Quốc Bảo dịch, Trung tâm Đông Tây & NXB Văn học, 418tr. (sách đang quẳng đâu mất nên chưa xem được giá tiền hehe)

[hết category “gạn đục khơi trong”]


Qua được hai “category” rất là hóc búa ấy, giờ là những quyển còn lại nhé:

+ John Green, Khi lỗi thuộc về những vì sao, Lê Hoàng Lan dịch, NXB Trẻ, 360tr. 105.000đ.

Nếu bạn là độc giả đang học cấp ba, hoặc bạn có con cái đang học cấp ba, thì tin mừng là tác giả lừng danh của dòng sách “young adult” đã xuất hiện rồi nhé; chắc hẳn đây là tác phẩm đầu tiên của John Green được xuất bản trong tiếng Việt, và sau đây ta sẽ chứng kiến một “đợt lũ John Green” :p


+ Dennis Lehane, Dòng sông Kỳ bí, Quỳnh Lê dịch,  Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 550tr. 115.000đ

Tác phẩm trinh thám hay nhất thời gian gần đây. Ta đã có một bộ phim Mystic River là một tuyệt tác đích thực, ta cũng có một tiểu thuyết Mystic River là đích thực tuyệt tác của dòng trinh thám.

Cũng thời gian vừa qua còn có thêm:

+ Jeffrey Deaver. Cây thập tự ven đường. Lê Đình Chi dịch. Bách Việt & NXB Thời đại. 601tr. 148.000đ.

Tôi không đặc biệt mê Deaver lắm.

Và tất nhiên, ở mảng này không thể không nhắc đến Sự im lặng của bầy cừu vừa có bản dịch mới.

Thời gian tới đây, nhân “thị trường tiểu thuyết trinh thám phương Tây” đang trong đà khởi sắc, độc giả Việt Nam sẽ được thưởng thức nhiều tác phẩm mới, và nhất là một số tác giả vô cùng mới mẻ :p


+ Thêm một công trình liên quan nhiều đến Trường Viễn Đông Bác cổ: Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội (1875-1945). Những người thực hiện: Lê Huy Tuấn, Đỗ Hoàng Anh, Hoàng Thị Hằng, Nguyễn Thu Hằng, dịch và hiệu đính: Trần Văn Công, Philippe Le Failler, Lê Huy Tuấn, Đỗ Hoàng Anh. Nhã Nam & NXB Thế giới. 113tr. khổ lớn 19,7x21 kèm phụ lục. 350.000đ.


+ Trần Chiến. Gót Thị Mầu đầu Châu Long. Truyện giả cổ. NXB Trẻ. 151tr. 58.000đ.

Các bác còn nhớ Trần Chiến của tiểu thuyết Đèn vàng không? Người con trai của ông Trần Huy Liệu này hết sức thú vị đấy :p


+ Ý Nhi. Có gió chuông sẽ reo. Tập truyện ngắn. NXB Trẻ. 408tr. 95.000đ.

Ý Nhi nổi tiếng xưa nay về thơ nhưng lần này tác phẩm lại là một tập truyện ngắn (chú ý đừng nhầm với nữ họa sĩ Ý Nhi).


+ Hiền Hòa (tức Lý Đợi). Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi. Tranh minh họa (chân dung): Trần Trung Lĩnh. Gần như là một tập chân dung. Phương Nam & NXB Hồng Đức. 226tr. 72.000đ.

Nhà thơ Lý Đợi có nhiều “avatar” :p ở đây không phải Lý Đợi của Mở Miệng, cũng không phải Hà Văn Bảy, mà là Lý Đợi dưới “lốt” nhà báo Hiền Hòa.

Đặc biệt, giới sưu tầm sách Việt Nam sẽ gặp ở trong tập sách này chân dung bác Vũ Hà Tuệ :p


+ Thùy Minh. Boy-ology. Học thuyết đàn ông. Alphabooks & NXB Lao động Xã hội. 219tr. 69.000đ.

Thật ra mình rất khoái bạn Thùy Minh trên YanTV (xấu hộ quá :p)


+ Francis Fukuyama. Tương lai hậu nhân loại. Hậu quả của cách mạng công nghệ sinh học. Hà Hải Châu dịch. NXB Trẻ. 327tr. 110.000đ.

Một cái tên không thể bỏ qua. Các bác trước đây hay đọc các bản tin đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam chắc đã biết đến Fukuyama và Samuel Huntington trong những bản dịch “nóng” chủ yếu để kịp thời nắm bắt các trào lưu tư tưởng mới. Theo tôi thấy thì các bản dịch ở đây có chất lượng tốt hơn hẳn so với nhóm dịch thuật bên Bộ Ngoại giao Việt Nam.


+ Albert Camus. Thần thoại Sisyphus. Trương Thị Hoàng Yến và Phong Sa dịch. NXB Trẻ, tủ sách “Cánh cửa mở rộng”. 201tr. 85.000đ.

Chào Albert Camus lâu lắm rồi mới quay trở lại :p

Trước đây, từng có ít nhất hai bản dịch tiếng Việt tác phẩm vô cùng nổi tiếng này, trong đó có một bản của Bùi Giáng, mang tên Xe cát biển Đông. Bản dịch mới này, tôi thấy nhan đề không hợp lý: nên là “Sisyphe” hơn là “Sisyphus” và nên là “huyền thoại” hơn “thần thoại”.


+ Edwaid Said. Đông phương luận. Lưu Đoàn Huynh, Phạm Xuân Ri, Trần Văn Tụy dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính. NXB Tri thức. 527tr. 145.000đ.

Với giới nghiên cứu và đọc sách lâu năm ở Việt Nam (cũng như toàn thế giới), đây là tác phẩm vô cùng đặc biệt, vô cùng xuất chúng. Lần xuất bản này, bản dịch cũ (từng xuất hiện trước đây trong tủ sách nghiên cứu do quỹ Ford tài trợ ở NXB Thế giới) đã được sửa chữa rất nhiều. Điều đó là hợp lý, tôi từng đọc bản dịch tiếng Việt khi nó vừa được ấn hành trước đây, tôi biết rất rõ :p


+ Tim Severin. Bè tre Việt Nam. Du ký 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương. Đỗ Thái Bình và Vũ Diệu Linh dịch. NXB Trẻ. 414tr. 132.000đ.

Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai mê du lịch và mê phượt đều rất nên đọc cuốn sách này. Tôi không phải cả hai loại kể trên, nên các bác có thể hoàn toàn tin lời tôi :p


Cuốn sách cuối cùng của đợt này:

Phạm Xuân Nguyên. Nhà văn như Thị Nở (tức Nguyên Văn 1). Tập tiểu luận. Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn. 404tr. 98.000đ.

Bạn bè của Phạm Xuân Nguyên, trong đó có tôi, tưởng chừng đã tuyệt vọng vì suốt bao nhiêu năm ông ấy không chịu ra sách (thật ra là không thể ra sách vì quá lười tập hợp bài vở và thực sự chịu ngồi xuống cho một kế hoạch tương đối nghiêm túc :p). Cuối cùng thì đã có, tuy rằng vẫn còn quá mỏng so với tất tật những gì chuyên gia văn học hiện đại Việt Nam Phạm Xuân Nguyên từng viết (và những gì chuyên gia Phạm Xuân Nguyên từng viết vẫn còn quá mỏng so với tất tật hiểu biết và trí nhớ ghê gớm mà Phạm Xuân Nguyên vốn có), nhưng đây đã là một cột mốc hết sức đáng nói haha.

Trong số bạn bè của Phạm Xuân Nguyên, vài người, trong đó có tôi, từng không biết bao nhiêu lần bực dọc, tức tối, giận dữ, đe dọa, thậm chí nghỉ chơi vì không chịu nổi cái tính khí ẩm ương của ông ấy. Thế nhưng, vì là bạn bè lâu năm, tôi rất hiểu con người và tài năng của Phạm Xuân Nguyên, một con người rất đáng bực nhưng hoàn toàn đáng yêu, vượt trên mọi thứ bần tiện của cuộc đời, một con người hào sảng đến mức rất nhiều khi mù quáng lao theo triết lý “phù suy” cứng nhắc của mình. Nhưng đời này, sống như ông ấy, làm được như ông ấy, thật ra có mấy ai?

Cho dù từng vô số lần làm những người thực sự quan tâm và quý mến ông ấy tức đến đâu, thì Phạm Xuân Nguyên vẫn là một nhân vật đáng kính trọng.

Thế nên, gần đây, tôi lẳng lặng quan sát một cái thứ mà ngôn ngữ mạng gọi là “tụ chửi” hướng mũi dùi vào Phạm Xuân Nguyên. Tôi là một người bạn lâu năm của Phạm Xuân Nguyên, nên tôi nói luôn thế này nhé: chúng mày ấy mà, gần như từng đứa một tao biết hết, tao quá rành trình độ, thái độ, tâm địa của chúng mày. Chúng mày là một lũ chuột bẩn thỉu, trong đó có vài con chuột trước đây cũng thập thò ở đây. Đặc biệt ngoài chuột còn có thêm mấy con lợn nữa. Đặc biệt trong cái hố phân đó có hai cái mặt lợn nhìn thấy rõ từ lâu lắm rồi. Giờ chúng mày chửi bới một người như ông Nguyên, cái mặt lợn vốn dĩ lợn lại càng lợn hơn thôi. Chẳng có gì lạ hết cả.

Hơi tiếc vì ở trên đã gọi đúng luôn tên bọn mày, là chuột và lợn. Chứ nếu không, gọi lệch đi chút thì sướng hơn: một lũ sâu bọ ruồi nhặng mạt hạng.


Sách tháng Mười một 2013
Sách tháng Chạp 2013

Sách tháng Giêng và tháng Hai 2014

Sách tháng Ba 2014

5 comments:

  1. Chửi tục quá nhưng đáng chửi!

    ReplyDelete
  2. Đoạn cuối đanh đá quá bạn Nhị ơi 
    Còn cuốn “Xuyên Mỹ” k0 được kiểm kê trong bảng “Phân thòng” à?

    ReplyDelete
  3. tôi có nói rõ ngay từ đầu mà :p danh sách này hết sức cá nhân, và trông tôi thế thôi chứ tôi đâu có thể đọc được hết mọi thứ hehe

    ReplyDelete
  4. Chửi quá hay. Mình thích anh, mà chắc anh không nhớ mình. Đọc mấy thứ anh viết bao giờ cũng sảng khoái và tăng năng lượng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyễn Thanh Hà mà là đàn ông thì tôi biết là ai, nhưng Nguyen Ha Thanh (không rõ sắp xếp thế nào) thì quả thật chưa nhớ ngay ra.

      Delete