Jul 8, 2013

Sách tháng Sáu 2013

Tháng vừa rồi, ngoài quyển này, sau in ra mang tên chính thức là Mùi của kết thúc, quyển sách hay nhất theo tôi là Pyotr Đại đế, người con vĩ đại của nước Nga của sử gia Mỹ Robert K. Massie, Diệp Minh Tâm dịch, NXB Tri thức.

Thời tôi còn trẻ dại, Pi-e Đệ nhất dày cộp hai tập của Alecxêi Tônxtôi là một niềm say mê lớn, một bộ tiểu thuyết vượt ra ngoài tầm vóc của Pa-ri sụp đổ hay Tuyết bỏng hay Quy luật muôn đời.

Pyotr Đại đế thì không phải là một bộ tiểu thuyết, mà là một khảo cứu lớn.

Nó viết lại chi tiết lịch sử nước Nga của các Sa hoàng, đoạn đầu về cha của Pyotr là Alexei, những thập niên sóng gió của thế kỷ XVII. Phong tục nước Nga, người Nga ở Matxcơva được miêu tả, đôi chỗ có phần thi vị hóa nhưng có độ chọn lọc rất cao để tập trung vào nhân vật chính.

(thi vị hóa chẳng hạn: "Không người Nga nào có thể tìm được sự an bình trong tâm hồn ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới", tr.63)

Mười tuổi, Pyotr đã là Sa hoàng nhưng phải chứng kiến cuộc nổi dậy man rợ của Cấm vệ (câu chuyện về mối quan hệ Pyotr-Cấm vệ quân và Pyotr trong bộ ba "nhân vật" Matxcơva-Pyotr-Saint-Peterburg là xương sống của cuốn sách).

Trong cuộc binh biến đẫm máu và kỳ quặc ấy, Pyotr nhỏ tuổi đã phải tận mắt chứng kiến rất nhiều vụ giết người, chết theo thể thức bị ném từ trên cao xuống hàng gươm giáo tua tủa chĩa lên của quân Cấm vệ; trong số những người chết có vài người thuộc dòng họ của Pyotr. Massie so sánh sự kiện này với sự kiện tương tự: cũng năm lên mười tuổi, Louis XIV chứng kiến một thảm họa diễn ra ngay trước mắt, và Massie coi đó là một cơ sở quan trọng để Louis XIV xây dựng và toàn ở Versailles chứ chán ghét Paris, và Pyotr xây dựng Saint-Peterburg để rồi sau này rất ít khi quay về Matxcơva.

Tác phẩm lịch sử nay hay đến nỗi mặc dù nó rất to và nặng, đi đâu tôi cũng mang theo để có chút thời gian rảnh nào là đọc tiếp; cuốn sách có quá nhiều chi tiết hay: "Ngay cả ngôi làng nhỏ nhất cũng có nhà tắm công cộng với nước nóng để mọi người đến cọ rửa thân thể cho sạch, rồi bước ra ngoài trần trụi - thậm chí trong mùa đông - để gió làm khô người" (tr.62) hay chi tiết về tục cưới xin ngày xưa ở Nga: ông bố dùng roi đánh nhẹ vào cô con gái trong ngày cưới rồi đưa roi cho người chồng, để nếu cô con gái hư hỏng thì người chồng cứ dùng cây roi ấy mà đánh (tr.79).

Tóm lại là một cuốn sách sử rất hay và cũng thuộc dạng ít thấy xuất hiện ở Việt Nam. Người dịch là Diệp Minh Tâm: tôi từng đọc qua mấy bản dịch Jane Austen thấy dịch không tốt, tôi cũng không có nhu cầu đọc Austen bằng tiếng Việt nên thôi, nhưng Diệp Minh Tâm cũng chính là người dịch rất hay cuốn sách quan trọng của William Shirer, Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba trước đây.

(Robert K. Massie. Pyotr Đại đế. Người con vĩ đại của nước Nga. Diệp Minh Tâm dịch, NXB Tri thức, 816 tr. kèm phụ lục, tiếc rằng không có Index và phần tài liệu tham khảo. 210.000 đ.)


- Tiểu thuyết trinh thám Reacher báo thù: đây chính là tập đầu tiên trong xê ri về Jack Reacher (tên gốc là Killing Floor) của nhà văn nổi tiếng Lee Child.


- Một cuốn sách mà tôi thấy hay: Ngọc Trân. Khám phá nghề biên tập. NXB Trẻ, 231 tr. 81.000 đ.

Anh Ngọc Trân từng kinh qua Thanh niên, Tuổi trẻ, Thời báo kinh tế Sài Gòn, cùng một số tờ khác; cuốn sách Khám phá nghề biên tập chứa đựng những quan sát, kinh nghiệm, nhưng quan trọng là những điều rất thực tiễn cộng suy tư về nghề biên tập (báo chí).


- Một cuốn sách mà tôi thấy không hay: Chuyện nghề của Thủy của Lê Thanh Dũng và Trần Văn Thủy (Phương Nam & NXB Hội Nhà văn, 474 tr., 120.000 đ.

Không hay tại sao lại có ở đây? Là vì Trần Văn Thủy vẫn cứ là một nhân vật quan trọng của một thời, tác giả cuốn sách Nếu đi hết biển. Tôi đặc biệt nói đến cuốn sách ấy vì tôi hoàn toàn không phải "fan" mấy bộ phim tài liệu của Trần Văn Thủy, đặc biệt không phải fan của Chuyện tử tế.


- Gilles Deleuze và Félix Guattari. Kafka. Vì một nền văn học thiểu số. Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính. NXB Tri thức, 242 tr. 50.000 đ.

Đây không phải một tác phẩm lớn của Gilles Deleuze (và Félix Guattari), nhưng là một điều rất đáng nói trong tình trạng sách triết học rất ít được xuất bản tại Việt Nam hiện nay.

Về Gilles Deleuze chắc phải lúc nào thực sự tập trung thì mới nói được đến nơi đến chốn.


- Đặc biệt: Ngọc Phương Nam: một tác phẩm của Jules Verne. Jules Verne là một trong mấy nhà văn quan trọng nhất thời nhỏ của tôi, nên dĩ nhiên tôi phải nhắc đến nó :p (Bảo Chân dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 316 tr., 76.000 đ)


- Hai quyển truyện thiếu nhi quan trọng:

+ Kipling. Chuyện rừng xanh. Phạm Văn dịch. Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn. 208 tr. 56.000 đ.

+ Jo Nesbo. Bột xì hơi của tiến sĩ Proctor. Nguyễn Vũ Duy dịch. NXB Trẻ. 213 tr. 50.000 đ.


- Hai quyển dưới đây thì chụp ảnh lên thôi, các bác có hứng thú thì đọc thử :p



cuối cùng, chẳng liên quan, vừa lục ra:




1 comment: