Mar 22, 2013

Sách tháng Ba 2013


Tháng vừa rồi cũng không có gì khó khăn; cuốn sách của tháng hiển nhiên là: George Orwell. Chuyện ở nông trại. An Lý dịch. Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn. 161 tr. 52.000 đ.

Cuốn sách này, ngoài giá trị tự thân của nó, ngoài câu chuyện ngụ ngôn độc địa lấp lánh đen của nó, ở bối cảnh Việt Nam, còn gợi lại cả một lịch sử lâu dài của một dòng văn chương, với Koestler của chẳng hạn Tội công thành hay với Solzhenitsyn của chẳng hạn Tầng đầu địa ngục hay Quần đảo Gulag.



Đã có nó rồi, tiếp đây sẽ đến công việc của diễn giải.

Liên quan đến Chuyện ở nông trại:



Tháng vừa rồi cũng là tháng của hư cấu. Ngoài Chuyện ở nông trại còn có hai cuốn xuất sắc dưới đây:


- Kazuo Ishiguro. Dạ khúc. Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông. An Lý dịch. Nhã Nam & NXB Văn học. 288 tr. 76.000 đ.

Xem thêm ở đây. Dạ khúc là một bổ sung tuyệt vời cho hiểu biết của chúng ta về một nhà văn như Ishiguro, sau khi đã có Mãi đừng xa tôi (Never Let Me Go).


- Young-Ha Kim. Tôi có quyền hủy hoại bản thân. Võ Thị Lan Khanh dịch. Nhã Nam & NXB Lao động. 174 tr. 45.000 đ.

Young-Ha Kim (Kim Young-Ha) từng thấp thoáng xuất hiện ở Việt Nam trước đây, nhưng chắc hẳn từ Tôi có quyền hủy hoại bản thân, Kim mới thực sự có chỗ đứng trong giới độc giả văn chương Việt Nam. Gần đây Black Flower của Kim từng thấp thoáng ở giải thưởng Man Booker châu Á.

Xem thêm ở đây và ở đây.


Ngoài hư cấu:


- Jacques Dournes. Pötao. Một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương. Nguyên Ngọc dịch. NXB Tri thức. 592 tr. (có bảng từ vựng và index). 115.000 đ.

Bên trong ghi khá lửng lơ chẳng theo quy cách gì: “Nguyên Ngọc dịch” và bên dưới “Andrew Hardy chủ biên”. Phải lần mò thêm mới biết được đây là ấn phẩm hợp tác giữa EFEO và Viện Văn hóa, đại diện một bên là Andrew Hardy, bên kia là Lê Hồng Lý.

Quyển sách gốc in năm 1977, chính là phát triển lên từ luận án tiến sĩ của Jacques Dournes (Condominas hướng dẫn, Lévi-Strauss ngồi hội đồng), chủ đề vũ trụ quan và cấu trúc xã hội Gia Rai, một mối quan tâm chính yếu và dài lâu của nhà dân tộc học “Dam Bo” Jacques Dournes, người gắn bó rất nhiều năm với vùng “Nam Đông Dương” tức Tây Nguyên, “miền đất huyền ảo”. Jacques Dournes trước đây từng rất đáng nhớ với Rừng, đàn bà, điên loạn.


- John Dewey. Cách ta nghĩ. Vũ Đức Anh dịch. NXB Tri thức, “Tủ sách Tinh hoa”. 367 tr. 75.000 đ.

Tác phẩm có thể gọi là “phương pháp luận” của tác giả Dân chủ và giáo dục vang bóng ở Việt Nam cách đây vài năm.


- Trịnh Văn Thảo. Ba thế hệ trí thức người Việt (1862-1954). Nghiên cứu lịch sử xã hội. Tổ chức dịch: GS. TS. Nguyễn Văn Khánh; Người dịch: ThS. Lê Thị Kim Tân, với sự cộng tác của ThS. Nguyễn Thị Giang, ThS. Nguyễn Thu Trang; Hiệu đính: PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ; GS. VS. NGND. Phan Huy Lê viết “Lời giới thiệu cho bản tiếng Việt”. Từ Văn & NXB Thế giới. 457 tr (không có index). 135.000 đ.

GS Trịnh Văn Thảo là một học giả đặc biệt quan trọng về giai đoạn lịch sử thuộc địa. Trước đây khảo cứu của ông về nhà trường Pháp-Việt đã được dịch sang tiếng Việt. Tác phẩm lần này dịch từ một tác phẩm nổi tiếng khác: Le Vietnam du Confucianisme au Communisme. Un essai d'itinéraire intellectuel.

Khái niệm quan trọng của cuốn sách này là “thế hệ”. Trịnh Văn Thảo dùng cách quan niệm khá phổ biến của một vài chuyên gia văn học sử Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đặt ra các “thế hệ” không theo năm sinh, năm mất mà là lứa người trở nên quan trọng vào một thời điểm nào đó. Ta nhớ ngay đến Albert Thibaudet và cách “phân kỳ lịch sử văn học” độc đáo nhưng cũng rất gay tranh cãi của ông.

Với Trịnh Văn Thảo, giai đoạn mà ông khảo sát gồm ba thế hệ quan trọng: thế hệ 1862, thế hệ 1907 và thế hệ 1925. Cụ thể có 222 nhân vật được khảo sát theo lối xã hội học.

Đây là một khảo cứu vô cùng hay, công phu và quan trọng, nhưng cũng phải nói rằng mặc dù có rất nhiều người tham gia, sản phẩm cuối cùng vẫn không ít lỗi.



Ngoài ra còn có một số quyển này (list phụ, mỗi quyển vì một vấn đề không tiện nói ra ở đây :p)

- Mạnh Khải. Bản sự thi, bản sự từ. Lê Văn Đình và Ngô Như Sâm dịch (Đông Tây & NXB Lao động)

- Thái Duy. “Khoán chui” hay là chết (Saigon Media & NXB Trẻ)

- Vương Hồng Sển. Bên lề sách cũ (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh)



Tranh thủ tháng này không nhiều sách, giới thiệu một số quyển/bộ ra đã lâu lâu nhưng chắc hẳn phần lớn các bác đã bỏ qua. Các bác thú nhận luôn đi :p

Alfred Thayer Mahan. Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660-1783. Phạm Nguyên Trường dịch. NXB Tri thức, “Tủ sách Tinh hoa”. 655 tr. 160.000 đ.

Và dưới đây là một số hình ảnh để đỡ phải gõ chữ mỏi tay :p


(số 7 của tờ này tôi từng giới thiệu riêng rồi)


(quyển này rất liên quan đến quyển của Trịnh Văn Thảo trên đây)


và last but not least:



Cuối cùng là một ngoại lệ: giới thiệu sách sắp in :p

Phút tráng lệ cuối đời của Michael Kumpfmüller. Nhà văn Đức sinh năm 1961 viết cả một cuốn tiểu thuyết về những ngày cuối đời của Franz Kafka. Mùa hè năm 1923, Kafka gặp Dora Diamant bên bờ biển Baltic (Dora khi đó 25 tuổi). Họ chung sống, bắt đầu ở Berlin và cho đến khi qua đời vào tháng Sáu 1924, Kafka hầu như không rời Dora. Về Dora Diamant, Kafka từng nói: “Từ khi biết em, anh là một con người khác”. Vậy là vừa có Thư gửi bố, thư mục Kafka trong tiếng Việt lại sắp được bổ sung.



Sáng tháng Hai 2013

6 comments:

  1. sách bác giới thiệu tháng này hình như trị giá không bằng tháng trước thì phải :D
    "Young-Ha Kim (Kim Young-Ha) từng thấp thoáng xuất hiện ở Việt Nam trước đây" ở chỗ nào vậy bác?

    ReplyDelete
    Replies
    1. thỉnh thoảng có tháng cũng may :p

      xời ơi search phát là ra:

      http://www.nxbtre.com.vn/choi-quiz-show.11438.4585.-1.125.aspx

      Delete
    2. úi zời ui, em đã nghi nghi rồi mà, nhưng từ hôm thích Tôi có quyền hủy hoại bản thân thì chưa nhớ ra để check lại, nhưng hóa ra là đúng à. May mắn quá, em đã ko đọc quiz show trước, vì qua loa thấy sến rền rệt à :)))
      EMi

      Delete
  2. Không thấy NL giới thiệu sách của NXB Trẻ nhỉ :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. đúng, sao không thấy anh nhắc đến cuốn Alain nói về hạnh phúc

      Delete
  3. "lấp lánh đen",nghe yêu thế :p

    ReplyDelete