Aug 3, 2013

Sách tháng Bảy 2013

- Karl Jaspers, Ý niệm đại học, Hà Vũ Trọng và Mai Sơn dịch (từ tiếng Anh), Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu, Đại học Hoa Sen & NXB Hồng Đức, 164tr., 60.000 đ. (đặc biệt trong sách in bài "Những mạch sống tinh thần của đại học. Đọc Ý niệm đại học của Karl Jaspers" của Lê Tôn Nghiêm)

Trong vụ việc Nhã Thuyên đang bùng nổ hiện nay, nếu nhìn nhận sự việc mang nhiều dáng dấp của một cuộc khủng hoảng động đến nền tảng và các quy tắc của trường đại học tại Việt Nam, cuốn sách nổi tiếng của Karl Jaspers mang lại những gợi ý suy nghĩ rất hữu ích và kịp thời.

Karl Jaspers, một triết gia lớn, trình bày "ý niệm" đại học như một điều khá tương tự với "ý niệm tuyệt đối" ở Hegel. Ngay từ đầu ông đã đưa ra định nghĩa: "Đại học là một cộng đồng gồm các học giả và sinh viên dấn mình vào nghĩa vụ kiếm tìm chân lý" (tr.1) và ngay lập tức khẳng định điều cốt yếu của đại học là "tự do hàn lâm".

Tham gia đại học (dạy và học) là "nhân quyền", "Mọi người được phép tập hợp ở đây cho mục đích duy nhất là kiếm tìm chân lý" (tr.2) và "trường đại học là một định chế với những mục tiêu thực tiễn, nhưng nó đạt được những mục tiêu này bằng nỗ lực tinh thần": Karl Jaspers nhấn mạnh vào "tinh thần" và "ý niệm" vì "đại học là sự hiện thực hóa đoàn thể lòng hiếu tri nguyên thủy của con người" (tr.3), "lòng hiếu tri nguyên thủy" đó có đặc tính nổi trội là "duy nhất" và "toàn thể".

Đặc biệt, Karl Jaspers bàn sâu vào mối quan hệ giữa đại học và nhà nước. Cuối sách, ông viết: "mặc dù mỗi đại học là một phần của một quốc gia, nó đặt cái nhìn của nó vào những mục tiêu cao hơn và vượt ngoài tính quốc gia" (tr.162), đó là một cách để ông tách rời chủ nghĩa quốc gia khỏi hoạt động đại học.

Karl Jaspers gọi "Đại học như một nhà nước bên trong nhà nước" (tr.146) và đây:

"Đại học tồn tại được nhờ vào xã hội, là do xã hội mong muốn đâu đó bên trong cương vực của mình những nghiên cứu thuần túy, độc lập, không thiên kiến được tiến hành. Xã hội muốn có đại học bởi nó cảm thấy rằng sự phục vụ thuần túy cho chân lý đâu đó bên trong quỹ đạo của nó là phục vụ cho những ích lợi của chính nó. Không nhà nước nào bất bao dung với bất cứ hạn chế nào về quyền lực của nó vì sợ những hậu quả của một sự kiếm tìm chân lý thuần túy, lại có lúc nào đó cho phép một đại học chân chính được tồn tại." (tr.146)

Như vậy, một nhà nước can thiệp thô bạo vào đời sống và nguyên tắc của trường đại học ở trong chính nó là một nhà nước vi phạm vào tinh thần quan trọng nhất của đại học, và cho thấy nó không quan tâm đến mục tiêu kiếm tìm chân lý. Chúng ta còn nhớ, cùng thời điểm Nhân văn-Giai phẩm, bên trong giới đại học cũng có nhiều người bị "trừng trị", trong đó tờ tạp chí Tự do diễn đàn của giới giáo sư đại học Hà Nội đã bị xử lý theo đúng kiểu thanh trừng.


- Paul Auster, Khởi sinh của cô độc, Phương Huyên dịch, NXB Trẻ, tủ sách "Cánh cửa mở rộng", 274tr., 100.000 đ.

Xem thêm ở đây.


- Hermann Hesse, Sói thảo nguyên, Lê Chu Cầu dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 315tr., 80.000 đ.

Đây là bản dịch mới câu chuyện lừng danh của Hermann Hesse; bản dịch trước kia của Sài Gòn có tên Sói đồng hoang, của Chơn Hạnh và Phùng Thăng.

Xem thêm ở đây.


- Đỗ Phấn, Con mắt rỗng, NXB Văn học, tủ sách "Tác phẩm mới", 300tr., 68.000 đ

Đỗ Phấn tiếp tục tung tiểu thuyết như mưa (trong Con mắt rỗng đoạn mở đầu là một trận mưa lớn), cuốn mới này vẫn có nhân vật họa sĩ, vẫn rất nhiều câu hỏi, vẫn nhiều quán rượu, nhiều tiếc nuối Hà Nội chậm chạp xưa cũ (nhất là phố Mai Hắc Đế) và vẫn rất nhiều cảnh làm tình trong đó có rất nhiều cặp đùi "mê man xiết chặt" và những "đón nhận những con sóng đầu tiên hối hả trong mình".


- Natsuo Kirino, Xấu, Quỳnh Lê dịch, Nhã Nam & NXB Thời đại, 424tr., 110.000 đ.

Xấu (Grotesque) mang đến một Natsuo Kirino cực kỳ xấu. Giết chóc, đĩ điếm, thế giới đàn bà kinh hãi... Nó lại còn dày, một mức độ xấu khó lòng tưởng tượng. Natsuo Kirino còn là tác giả của Thế giới thực (Real World) sắp có bản tiếng Việt. Ngoài ra, Out cũng là một tác phẩm dày (kiểu Grotesque  chứ không như Real World) rất đặc trưng cho Natsuo Kirino (quyển này thì chưa sắp có bản tiếng Việt).

Xem thêm ở đây.


- William Faulkner, Nắng tháng Tám, Quế Sơn dịch, Phương Nam & NXB Hội Nhà văn, tủ sách "Tinh hoa văn học", 670tr., 155.000 đ.

Một trong những tác phẩm lớn nhất của Faulkner đã có tiếng Việt. Light in August với đoạn mở đầu kinh điển: "Ngồi bên bờ đường, đưa mắt dõi theo chiếc xe la đang leo dần lên đồi về phía nàng, Lena nghĩ, 'Mình đến từ Alabama: thiệt là một quãng đường xa'". Câu chuyện về Lena Grove sắp đẻ hòa trộn với câu chuyện về Joe Christmas và mục sư Gail Hightower.

Giờ đây nhìn lại, có thể khẳng định rằng Nắng tháng Tám có phần dịch thuật tốt nhất trong mấy tác phẩm Faulkner xuất bản tại Việt Nam thời gian vừa rồi: Bọn đạo chích, Thánh địa tội ácKhi tôi nằm chết. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, văn chương Faulkner vẫn là quá khó.



3 comments:

  1. Bạn Nhị Linh hỏi hộ cách đặt mua sách của Đại học Hoa Sen đê :)

    ReplyDelete
  2. I feel this is one of the such a lot significant info for me.
    And i'm satisfied studying your article. But should commentary on some general issues,
    The website taste is great, the articles is really
    excellent : D. Excellent job, cheers

    ReplyDelete