Jan 20, 2013

Sách tháng Giêng 2013

Hồi năm ngoái, mấy danh sách tôi liệt kê những cuốn sách mà tôi cho là đáng quan tâm (tháng Năm, tháng Bảy, tháng Chín) cho một tờ tạp chí, có rất nhiều người xem. Điều ấy cho thấy rõ rằng báo chí Việt Nam mãi vẫn không làm được một việc tưởng chừng nhỏ nhặt như vậy, kể cả những tờ được tiếng là lớn nhất.


Giờ, không viết cho tờ tạp chí kia nữa, nhưng tôi sẽ vẫn lập danh sách hằng tháng những gì đáng quan tâm của đời sống sách vở tại Việt Nam. Danh sách này có tính chất đặc biệt cá nhân và không nhất thiết 10 quyển, có kèm bình luận hoặc không kèm bình luận, lại có lúc có thể có bình luận rất dài, lúc nào bỗng dưng tôi trở nên lắm lời.

Tôi hoàn toàn ý thức được là mình không thể bao quát hết tình hình xuất bản sách trong nước, cho dù chỉ đặc biệt quan tâm đến mảng sách văn học và sách nghiên cứu, nên tôi rất hoan nghênh các cơ sở xuất bản liên hệ với tôi :p Năm vừa qua, Ban Tu thư Đại học Hoa Sen đã rất tích cực gửi sách tặng tôi, tôi rất cảm ơn :p

I. Tác giả cũ xuất hiện trở lại

Càng ngày, hiện tượng tác giả cũ xuất hiện trở lại càng có tỉ trọng lớn hơn trong xuất bản sách ở Việt Nam và gây được sự chú ý lớn của độc giả: sau mấy tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu rồi tác phẩm của Lê Xuyên cách đây vài năm là đến những tác giả như Ngọc Giao, Võ Phiến, Tạ Chí Đại Trường...

Gần đây hơn cả là hai tác giả Sài Gòn trước 1975: Lê Tất Điều (Đêm dài một đời, Phương Nam & NXB Hội Nhà văn) và Trần Thị Ngh (Nhà có cửa khóa trái, Lạc đạnNhăn rúm, ba tập truyện ngắn, đều của Phương Nam & NXB Hội Nhà văn).

Cuốn truyện của Lê Tất Điều kể về cuộc đời những cậu bé bị mù, được nuôi dạy tại một kiểu trường dạy nghề để chuẩn bị bước vào đời. Trước 1975, Lê Tất Điều đã in nhiều tác phẩm.

Trần Thị Ngh xuất hiện khá muộn, lần đầu tiên trên tạp chí Vấn Đề, chuyên viết truyện ngắn, truyện "Nhà có cửa khóa trái" từng xuất hiện trong một tập sách giờ rất khó tìm tên là Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta, 1974. Có vẻ như lẽ ra Trần Thị Ngh đã in được một cuốn sách trước 1975, nhưng theo lời kể của một số người, quyển sách ấy vừa in xong thì xảy ra biến cố 30 tháng Tư. Trần Thị Ngh xuất hiện muộn hơn các nhà văn nữ danh tiếng từng tạo nên cả một làn sóng của thời ấy, Nhã Ca, Trùng Dương, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Vũ... Lần in ba tập truyện ngắn này là cơ hội để độc giả ngày nay được đọc tác phẩm của một nhà văn có phong cách vô cùng hấp dẫn, đặc biệt trong miêu tả tâm lý phụ nữ trong những cuộc tình bất thường ở một cái thời lạ thường.

II. Non-fiction

Suối nguồn số 7, 11/2012, số chuyên đề Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ, Nguyễn Nam biên khảo, ấn phẩm (dạng ấn tống) thuộc Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang do Hòa thượng Thích Minh Cảnh chủ trì, Cửu Đức & NXB Hồng Đức. Đây là một tác phẩm hiếm hoi của anh Nguyễn Nam, một nhà nghiên cứu mà ai cũng mong viết nhiều hơn nhưng lại viết quá ít.

Đám đông cô đơn, David Riesman, Thiên Nga dịch, Nhã Nam & NXB Tri thức. Cuốn sách The Lonely Crowd đơn giản là một kinh điển của thế kỷ XX trong mảng nghiên cứu tâm lý cộng đồng và phân tích xã hội. Nhiều khái niệm của David Riesman đã trở thành thông dụng trong ngôn ngữ hằng ngày, nhiều điều Riesman phân tích đã đi trước McLuhan. Trước 1975, từng có một bản dịch của Hoàng Minh Tuynh mang nhan đề Quần chúng cô đơn.

Tuyển dịch của Nguyễn Khánh Long, Giấy Vụn xuất bản. Tác phẩm này tuy in đã khá lâu nhưng tôi vẫn muốn nhắc đến, cũng là một cách để tưởng niệm dịch giả Nguyễn Khánh Long. Trong sách là các bài tiểu luận, diễn từ của nhiều nhà văn quan trọng trên thế giới.

Bên thắng cuộc, Huy Đức, tập một, Giải Phóng, xuất bản kiểu đặc biệt. Cuốn sách nhanh chóng rơi vào một tình thế khiến cho mọi thảo luận nghiêm túc tạm thời là không thể, vì chẳng ai nghiêm túc mà lại muốn bị coi là mình "chọn bên". Với riêng tôi, Bên thắng cuộc là một nỗ lực lớn của nhà báo Huy Đức, nhưng cuốn sách, nếu coi là một sản phẩm thương mại, thì quá mức nghiệp dư, thậm chí tôi còn không chắc được là có theo một nguyên tắc về trình bày, biên tập nào hay không. Nội dung sách: phong phú nhưng nhiều thiên kiến, không hẳn quá mới mẻ, và tác giả quá mức ngây thơ khi nhấn mạnh rất nhiều vào "sự thật".

Văn học và cái ác (Ngân Xuyên dịch, ấn phẩm của một cơ sở xuất bản mới, tên là Sao Bắc của anh Nguyễn Trí Dũng).

III. Fiction

Một tập thơ xuất bản đã tương đối lâu: Gọi tìm xác đồng đội của Trần Vàng Sao, NXB Hội Nhà văn, in theo kiểu một bên chụp thủ bút, một bên là chữ in. Trong tập thơ này ta gặp lại một Trần Vàng Sao rất đặc trưng, từng kết tinh trong "Bài thơ của một người yêu nước mình": "trận Mậu thân 1968 mi về Huế/ra khỏi cửa rừng mi cười rất sướng".

Màu cỏ xanh trong suốt, 5 tác giả (Lưu Diệu Vân, Hoàng Long, PK, Phạm Vũ Văn Khoa và Nhã Thuyên), NXB Trẻ. Tôi quen biết một tác giả, có quen nhưng chưa gặp một tác giả khác trong nhóm và rất lấy làm hân hạnh vì được gửi tặng tập sách. Chúc mừng chúc mừng :p

Quyển này in cũng tương đối lâu rồi: Zazie trong tàu điện ngầm, Cẩm Thơ dịch, thuộc "loạt sách tháng Mười một" của tủ sách "Cánh cửa mở rộng", NXB Trẻ. Để biết văn chương nghĩa là như thế nào, cần đọc một số nhà văn, trong số ấy có Raymond Queneau. Chỉ đáng tiếc là ở Việt Nam, cuốn sách này toàn được giới thiệu rất buồn cười là "tác phẩm thiếu nhi".

Thành phố và lũ chó

Đỏ

17 comments:

  1. thật may mắn là em có quyển NHỮNG TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT CỦA QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA do NXB SÓNG xuất bản, với những hình ảnh thật đẹp do TRẦN CAO LĨNH chụp các nhà văn, trong đó có những bức hình thành kinh điển ví như hình DƯƠNG NGHIỄM MẬU với background là cây kim đồng hồ bị rớt xuống từng 1 thời gây tranh cãi vì ẩn ý bức hình trong giới mộ điệu văn chương...
    Nói về nhà văn nữ pre 1975 thì em thích nhất là Nguyễn thị Hoàng...Và hy vọng sau Trần thị Ngh thì sẽ đến nhà văn này ...nhưng có vẻ không khả quan lắm!
    Quyển "Những ngày rất thong thả" của cô Trần thị Ngh hình như chỉ mới nằm trong nhà in mà chưa được in vì biến cố 30/4...
    Dù sao thì cũng phải mua sớm không khéo lại như trường hợp của DƯƠNG NGHIỄM MẬU, phát hành rồi lại thu hồi 1 cách nhanh chóng:)!

    ReplyDelete
  2. ...trong 1 bài viết điểm lại những tuyển tập truyện ngắn của văn học miền Nam pre 1975, nhà văn / nhà thơ/ chủ bút báo KHỞI HÀNH - VIÊN LINH đã dẫn ra các cuốn (được cho là đặc sắc) sau:


    1. 1957: HAI MƯƠI NHÀ VĂN HAI MƯƠI TRUYỆN NGẮN (1954-1962), Nhà Xuất bản Phù Sa, 282 trang. Ngọc Linh tuyển chọn. Nghiêng lệch về các nhà văn gốc miền Nam: Bình Nguyên Lộc, Cao Hữu Huấn [?j Lưu Nghi, Sơn Nam, Tiêu Kim Thủy, Trang Thế Hy, Tuyết Hương, ngoài ra có Hoàng Anh Tuấn, Kiêm Minh, Lê Vĩnh Hòa, Mặc Đỗ, Nguyễn Văn Xuân, Thanh Nam, Vĩnh Lộc, Vũ Hạnh. Có lẽ đây là một trong vài tuyển tập truyện ngắn sớm nhất của Miền Nam.

    2. 1963: TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM, nxb Văn hữu Á Châu, 260 trang. Tuyển tập này hơi khó hiểu khi chọn đăng truyện ngắn của bốn nhà văn đã chết từ lâu hoặc ở Hà Nội: đó là Khái Hưng, Nam Cao, Thạch Lam và Nguyễn Tuân. Nhưng dễ hiểu vì Văn hữu Á châu là một cư sở trực thuộc Bộ Thông Tin, do một cán bộ thông tin trông coi chọn lựa! Ông cán bộ này lại chỉ nhìn thấy Tự Lực Văn Đoàn là chính (chọn đăng 12 truyện "tiêu biểu cho Việt Nam", trong có tới 5 truyện của TLVĐ và phụ cận!) Đích thực cầm bút lúc ấy (1963) có Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Khoan, Nhất Linh, Linh Bảo, Bình Nguyên Lộc, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến.

    3. 196...: TUYỂN TRUYỆN (12 tác giả), nxb Hoàng Đông Phương, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng tuyển chọn, 284 trang. Người thứ 12 lại viết kịch, nên còn 11 truyện ngắn, in theo thứ tự: Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nhã Ca, Viên Linh, Cung Tích Biền, Nguyễn Quang Hiện, Huỳnh Phan Anh, Nghiêu Đề, Sơ Dạ Hương, Nguyễn Thị Hoàng, Doãn Quốc Sỹ. (Tuyển Truyện và tên tác giả trở thành nhan đề cuốn sách. Bản in lại ở Hải ngoại do con buôn in ấn nên đã bỏ không in trang lý lịch sách, mất ngày tháng xuất bản.)

    4. 1966: BA MIỀN MƯỜI KHUÔN MẶT, nhà xuất bản Kim Anh, có 10 tác giả: Nhã Ca, Lê Tất Điều, Viên Linh, Thanh Nam, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Nghiêu Đề, Nguyễn Thụy Long, Nhật Tiến, Nguyễn thị Thụy Vũ.

    5. 1967: 10 HOA TRỔ SẮC, Ngọc Minh chọn lựa xuất bản, 246 trang. Đặc biệt tuyển chọn truyện ngắn của các nhà văn nữ. Có sáng tác của Nguyễn Thị Vinh, Minh Quân, Linh Bảo, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Phương Khanh, Trúc Liên, Trùng Dương, Vân Trang, Minh Đức Hoài Trinh, Hoàng Hương Trang.

    6. 1969: TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN, nxb Văn Học, 1969. Thật ra chỉ là một số báo, song in toàn truyện ngắn, trong có một tác giả lạ [Vương Thanh], 4 tác giả kia là Dương Kiền, Lý Hoàng Phong, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn.

    7. 1970: TUYỂN TRUYỆN SÁNG TẠO, nxb Sáng Tạo, in lại khoảng 10 truyện ngắn đã đăng trên tạp chí Sáng Tạo, Mai Thảo tuyển chọn.

    8. 1973: NHỮNG TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT CỦA QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA, (1954-1973) nxb Sóng, 796 trang, 45 tác giả với chân dung do nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh chụp, tiểu sử mỗi người tự viết trong vài chục dòng, của 45 tác giả. Đây là Tuyển Tập Truyện Ngắn dầy nhất, phong phú nhất, đầy đủ nhất của Văn Học Miền Nam. Nguyễn Đông Ngạc tuyển chọn. Cho tới nay, tuyển tập này được coi là đặc sắc, phần sai lệch hay vướng mắc của sự tuyển chọn chỉ vào khoảng vài ba phần trăm trong số 45 tác giả.

    ReplyDelete
  3. Hì hay thế. Trong mấy quyển trên mình chỉ có Tuyển truyện Hoàng Đông Phương và Tuyển truyện Sáng Tạo.

    ReplyDelete
  4. ở VN thì chắc là không rồi nhưng ở Mỹ NHỮNG TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT CỦA QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA sau 75 có in lại không bạn Nguyen TRUONG TRUNG HUY?

    ReplyDelete
  5. @sonata: theo em biết thì quyển này chưa được in lại ở hải ngoại, chân dung các tác giả ở đây:

    http://huyvespa.multiply.com/journal/item/736/736

    ReplyDelete
  6. ^^^ cho sai information rồi. Quyển này ở hải ngoại in lại rất nhiều lần. In lại nát nước rồi.

    ReplyDelete
  7. Cuốn của Sóng, lái sách mang hải ngoại, in bằng cách photocopy, rồi photocopy của photocopy nhiều lần,nhưng Nguyễn Đông Ngạc không liên quan tới. Nhờ vậy mà sách còn. Nhờ lái sách mà văn hóc Miền Nam còn

    ReplyDelete
  8. ồ, vậy là nhiều quyển khác cũng vậy hả bác? những quyển photo của photo này nếu cần mua thì ở mua ở đâu được ở Mỹ ạ? Các nhà sách VN như Khai Trí...???

    ReplyDelete
  9. Nhiều mà. Nếu muốn biết thông tin chính xác, có thể vào sachxua hỏi bác Kieuberry :p

    ReplyDelete
  10. Màu cỏ xanh trong suốt chứ nhỉ anh? Màu xanh trong suốt là của Ryu Murakami.

    ReplyDelete
  11. Màu xanh trong suốt chứ, bìa của Đỗ Hữu Chí, loằng ngoằng rất khó nhìn :p

    ReplyDelete
  12. Màu cỏ xanh trong suốt mới đúng. Nhìn lại tên ở bìa phụ đê. Lúc đầu bạn cũng bị nhầm mất chữ "cỏ". "Đỏ" công nhận đọc rất ổn.

    ReplyDelete
  13. Em xin đính chính tên sách chính thức là "MÀU CỎ XANH TRONG SUỐT" ạ. Đây là tên một truyện cực ngắn PK trong tập. Trang bìa minh họa của Bút Chì thì chỉ có chữ "Màu xanh trong suốt" thôi nhưng nếu nhìn gáy sách sẽ thấy đầy đủ là "Màu cỏ xanh trong suốt". Bạn Xuân Minh Nguyễn nói đúng đấy. (Chắc bìa sách khó nhìn mà bác Dũng quên đeo kính nên nhìn không ra :p)

    ReplyDelete
  14. chậc chậc, bìa của Bút Chì hiểm quá đi :p vâng để tôi sửa, sorry các tác giả và toàn thể bạn đọc :p

    ReplyDelete
  15. Cảm ơn bạn Nguyen TRUONG TRUNG HUY và các bác đã cung cấp thông tin về cuốn Những truyện ngắn hay...

    ReplyDelete
  16. Quá đồng ý với ý kiến của bác về quyển "Zazie trong tàu điện ngầm" - thiếu nhi nhà em em phải cho tránh xa quyển ấy chắc đến năm nào em nó có thể hiểu được quyển sách, chắc cũng lâu lâu....

    ReplyDelete