Mar 3, 2019

Trong lúc đọc Lukács (3): văn chương Đức

(nhân tiện - cùng chủ đề - tiếp tục và cũng kết thúc luôn "Xã hội học về đao phủ" của Roger Caillois)


Sau hai "kỳ" thuộc chuỗi "Trong lúc đọc Lukács" - kỳ 1, kỳ 2, tôi thấy cần - nếu muốn nhìn nhận Lukács thực sự một cách toàn diện (nhìn nhận toàn diện một nhân vật như Lukács rất không dễ) cần phải kéo sang một số phía nữa. Một trong số những phía ấy là văn chương Đức. Văn chương Đức có một điểm đặc biệt là được hưởng một số nhân vật diễn giải siêu hạng nhưng không phải là người Đức (chính trong cuốn sách trong ảnh, Lukács cũng nói đến một đặc điểm lớn của văn chương Đức nói riêng và tinh thần Đức nói chung: luôn luôn có tác động từ bên ngoài); tức là, Lukács thuộc vào một bộ ba nhân vật đặc biệt quan trọng, tuy không phải là người Đức nhưng là những người bình luận tuyệt vời văn chương (bằng tiếng) Đức; hai người còn lại là Claudio MagrisGeorge Steiner. Nhưng tại sao lại thế (yếu tố bên ngoài)? Tôi sẽ tìm cách lý giải điều này ở phần dưới.

Ấn bản tiếng Pháp của Lịch sử ngắn về văn chương Đức do nhà xuất bản Nagel ấn hành năm 1949, dịch nó sang tiếng Pháp là Michel Butor và nhất là Lucien Goldmann (trong chuỗi "trong lúc đọc Lukács" tôi sẽ sớm dành riêng một kỳ cho Goldmann).

Chưa cần đọc cuốn sách (ngày nay không thực sự được biết đến nhiều), độc giả của Lukács đã biết Lukács là một độc giả siêu hạng của văn chương Đức, trong tổng thể của nó cũng như một số nhân vật riêng, chẳng hạn Thomas Mann hay nhất là Gottfried Keller. Lukács cũng dễ dàng nhận ra, để nhìn nhận văn chương Đức ở mức độ kỹ càng nhất và trong một thời độ lớn, nhân vật nhất thiết cần đặt ở vị trí xương sống là Heinrich Heine: Heine là một sự kỳ diệu đúng nghĩa. Nhân vật Đức nào sẽ lặp lại yếu tố kỳ diệu ấy, về sau? Tôi nghĩ là tôi đã thấy rõ: đó chính là Walter Benjamin.

Trước khi đi tiếp, tôi muốn ngoặt vào câu chuyện ở Việt Nam. Với Heine, yếu tố một nửa trong cấu trúc ý thức ở đây thêm một lần nữa hiện lên chói lòa. Heinrich Heine ở Việt Nam đồng nghĩa với một nhà thơ chuyên rên rỉ hoa lá cành, một thứ nếu không phải mềm nhũn thì ít nhất cũng như thể không có gân cốt gì. Tức là một hình ảnh còn hơn cả mức méo mó.

Tiếp tục - tất nhiên ở một mức độ và bình diện khác hẳn - một nhân vật văn chương Đức khác: Eichendorff. Chính ở đây có thể thấy rất rõ sự không biết đọc của giới nghiên cứu Việt Nam, cả ở trường hợp Eichendorff lẫn chính ở trường hợp Lukács. Lukács không hề nhầm lẫn về Eichendorff, như có thể thấy rất rõ dưới đây:



Thế nhưng, ở Việt Nam, đâu phải không có chuyên gia về Lukács. Thêm một lần nữa: các chuyên gia văn học ở Việt Nam (trong mọi lĩnh vực) lại giả vờ là chuyên gia. Lại giả vờ đọc. Nhưng riêng trong địa hạt Lukács, sự giả vờ này đặc biệt gây ra nhiều hệ lụy lớn.


Trên đây, Lukács miêu tả Eichendorff hết sức ngắn gọn nhưng hiệu quả, rất chuẩn xác: có hai xu hướng trong văn chương Đức giai đoạn ấy, kể những câu chuyện rất "nghệ thuật" và đồng thời lại có xu hướng của một "nghệ thuật kể chuyện thực sự bình dân"; hai xu hướng đó hội tụ một cách rõ nét nhất vào Eichendorff. Lukács nói thêm, những tác phẩm "tốt nhất" của Eichendorff (độc giả của Eichendorff biết ngay ở đây đang ám chỉ đến câu chuyện về kẻ ăn không ngồi rồi) ngày nay vẫn còn rất "sống"; đối với một con người của biện chứng như Lukács, đây là cả một lời khen ngợi lớn.

Nhưng điều đó rất đúng: khi nói đến Eichendorff và nhất là câu chuyện về kẻ ăn không ngồi rồi, ngay lập tức tôi muốn so sánh nó với Eine kleine Nachtmusik của Mozart; vả lại, những miêu tả văn chương của Eichendorff của Lukács hoàn toàn cũng có thể áp dụng (không thừa không thiếu) để miêu tả âm nhạc của Mozart.

Nhưng - các nhà lý luận văn học Việt Nam rất hiểu tôi đang nói gì - vậy có nghĩa là ở đây người ta chẳng hề thực sự đọc Lukács.

Nhưng, điều đó hết sức phi lý: bộ khung của "chủ nghĩa hiện thực" của các vị được xây dựng bằng cách nào đây, nếu không dựa trên một số tư tưởng, trong đó tư tưởng của Lukács nổi bật hơn cả? Rồi "nguyên lý phản ánh hiện thực" suốt mấy chục năm các vị dạy dỗ học trò, nó ở đâu ra?

Tuy nhiên, câu chuyện Lukács ở Việt Nam lại - chính trong sự phi lý của nó (sự phi lý bắt nguồn từ giả vờ đọc) - lại phản ánh một điều hết sức quan yếu trong cái hoạt động gọi là "lý luận văn học". Tôi sẽ nói hết sức đích xác về nó ngay dưới đây.

Đó là, các nhà lý luận văn học Việt Nam đã trở thành nhà lý luận chỉ vì, họ không đọc được văn chương. Lukács hết sức dễ dàng nhìn nhận giá trị của từng nhân vật văn chương, còn các nhà lý luận văn học Việt Nam thì không.

Tức là, ở đây có một điều: sự trông như là Lukács. Nói đúng hơn, trông như là lý luận. Đó là một thứ lý luận nghịch lý hai lần: lý luận ấy khẳng định ròng rã rằng chính nó dựa trên "hiện thực" (thực tại mới đúng), với các "hình thái tồn tại" (hình thức mới đúng), tránh xa trừu tượng, siêu hình etc., và nhất là tránh xa "duy tâm" (lý tưởng luận mới đúng) nhưng lý luận văn học ở Việt Nam lại chính là một thứ trừu tượng, "vague terms". Và đó là một thứ trừu tượng hạng bét. Một simulacre.

Hết thế hệ này sang thế hệ kia, trong vòng hơn nửa thế kỷ vừa rồi, người ta tiến hành (vả cả - nhất là - dạy dỗ) một thứ lý luận chẳng hề hướng vào đâu hết: không có đối tượng (rất hay bị gọi một cách nhảm nhí là khách thể). Nó không giải thích được gì hết, bởi vì chính bản thân nó cần được giải thích. Ông Trần Đình Sử, ông La Khắc Hòa, ông Trương Đăng Dung, ông Trịnh Bá Đĩnh, ông Lê Ngọc Trà, ông Huỳnh Như Phương đều như vậy hết.

Trên đây tôi chủ ý lựa chọn hai nhân vật có tính chất rất khác nhau: Heine và Eichendorff. Điểm độc đáo của Eichendorff nằm ở chỗ nhân vật ấy không hề có mặt trên bình diện thật (effectif) tại Việt Nam. Chính vì thế mọi sự càng rõ ràng hơn, bởi vì được nhìn từ một perspective hoàn toàn khác. Tôi sẵn sàng gọi (với rất nhiều nguy cơ, tôi biết) đó là cái nhìn chân không. Vả lại, vậy thì sao? bởi vì chính quyển giáo trình đại học trong đường link liên quan đến Eichendorff trên đây vẫn thoải mái bình luận chân không đấy chứ. Lấy chân không để bình luận (tức là áp lên) chân không.

Một ví dụ nói lên sự chân không nơi các nhà lý luận văn học Việt Nam: mệnh đề "văn chương có đau thì mới hay" của Trần Đình Sử. Chưa nói đến chuyện tinh thần của mệnh đề đó toát lên mùi vị của sự maso, tức là một tinh thần khổ dâm (theo tôi yếu tố này hết sức quan trọng, nhưng tôi sẽ không đi sâu), ấy còn là một mệnh đề cho thấy sự không hướng vào đâu. Tức là, lộn ngược (tôi đang dùng cái nhìn rất đặc trưng Karl Marx, không có gì bí hiểm hết): không phải văn chương có đau thì mới hay, không phải có một sơ đồ, một a priori, một định kiến, một dạy dỗ để rồi mọi chuyện diễn ra như vậy, mà vấn đề nằm ở chỗ "văn chương có hay thì mới etc." (chẳng hạn thế). Chính vì yếu tố chân không (chẳng biết xoay về đâu, giống các phi hành gia trong môi trường không gian phi trọng lực) cho nên mọi thứ chỉ lung tung hết cả. Điều này không khó hiểu: Trần Đình Sử không hề có khả năng đọc văn chương. Quay trở lại chính xác với Kiều, một thứ đá thử vàng của phê bình văn học Việt Nam: Trần Đình Sử đích xác nằm trong nhóm những người bình luận Kiều kém cỏi nhất. Rốt cuộc, Trần Đình Sử là một người nịnh bợ Tố Hữu.

Trong địa hạt của các nhà lý luận cũng có chi phối ở diện rất rộng của cơ chế biện minh, giống ở các nhà phê bình văn học. Họ biện minh cho sự không biết đọc của mình bằng các nguyên lý và phạm trù. Huỳnh Như Phương sẽ tán dương nhân vật nào của văn chương Sài Gòn? Chính là một nhân vật có văn chương rất trung bình, Thế Nguyên của Hồi chuông tắt lửa. Một cuốn sách có nhan đề gồm "cấu trúc" của Trịnh Bá Đĩnh thì không có chút cấu trúc nào. Một cuốn sách có nhan đề gồm "ký hiệu học" của La Khắc Hòa thì không có chút ký hiệu nào. Tôi sẽ còn quay trở lại với những trường hợp cụ thể ấy. Nhưng, điều quan trọng nằm ở chính một điểm: đọc.

Thêm nữa, điều vừa miêu tả trên đây tìm được hồi ứng (tôi quay trở lại với các tương đương, thậm chí các đối xứng qua gương ưa thích của tôi) ở đích xác cái phía rất bất ngờ: hải ngoại. Một cuốn sách của Đặng Tiến trong nhan đề có "thi pháp" thì có nghĩa hoàn toàn chẳng có thi pháp gì hết. Nhưng vấn đề còn rộng hơn nhiều: khi Nguyễn Hưng Quốc viết sách về lý thuyết văn học, thì đó chỉ là để nói lên rằng Nguyễn Hưng Quốc chưa bao giờ đọc bất kỳ cái gì thuộc về lý thuyết.

Tiếp tục sự biện minh: ông Trịnh Bá Đĩnh có một hình thức biện minh rất độc đáo, ấy là hềnh hệch làm trò hề; cuộc đời nhà lý luận văn học của ông Trịnh Bá Đĩnh là một sự làm hề kéo dài không điểm kết. Ông Huỳnh Như Phương: viết tản văn (rất kém) và ông Trương Đăng Dung (nhân vật rất quan yếu trong địa hạt Lukács): làm thơ (thơ của ông Trương Đăng Dung đặc biệt dở).

Và một phần lớn của câu chuyện diễn ra trong một sự nhập nhằng giữa lý luậnlý thuyết. Nhưng hai cái đó đâu phải là một: cái này là hình ảnh biếm họa của cái kia. Yên tâm, tôi đã ở rất gần một miêu tả hết sức tường minh về tương quan lý thuyết-lý luận trong nghiên cứu văn học.


Quay trở lại với Lukács: tiếp tục cần phải "kéo" rộng thêm nữa (để trả Lukács về với kích cỡ thực):


Ngoài Đức, đối với câu chuyện Lukács, còn phải nói đến Matxcơva - tức là Liên Xô. Ta biết rằng Lukács lần đầu tiên đến Matxcơva (sau khi ở Viên) đầu năm 1930. Lần này, Lukács không ở đó lâu, nhưng đây là quãng lưu trú nhiều ý nghĩa, với sự cộng tác của Lukács cùng Viện Marx-Engels (ở đoạn này, Riazanov đứng đầu), thời gian khoảng hơn một năm. Chính tại đây Lukács sẽ tìm được một người đồng chí bất ngờ: Lifschitz trẻ tuổi - cụm từ "xã hội học dung tục" mà chúng ta rất quen thuộc là sản phẩm của Lifschitz (với một lưu ý: ở đây không muốn nói đến "sociology" mà một lân cận của nó, "sociologism" - có thể gọi là "xã hội luận").

Thời gian ở Liên Xô (hai giai đoạn: sau quãng hơn một năm tại Viện Marx-Engels Matxcơva, mùa hè năm 1931 Lukács được Quốc tế cử sang Đức - đây cũng là một đoạn quan trọng, tôi sẽ còn trở lại, nhất là trong cuộc đối đầu với Bertolt Brecht - rồi quay lại Matxcơva lúc Hitler nên nắm quyền, rồi ở lại đây cho đến tận lúc Hungary được giải phóng) là lúc để Lukács coin một khái niệm sẽ có vận hạn rất lớn: "thực tại luận lớn"; thời gian ấy, Lukács (cũng như mọi khi, trong cả đời) chiến đấu trên cùng một lúc nhiều mặt trận: với tác giả bộ tiểu thuyết được biết đến rất nhiều ở Việt Nam, Đội cận vệ thanh niên, cũng như nhiều nhân vật Nga, nhưng đồng thời cũng với những người Đức sống lưu vong ở Liên Xô, nhất là Ernst Bloch, mà Lukács đã quen biết từ trước đó rất lâu (hồi còn trẻ, Lukács theo học Georg Simmel). Tôi sẽ còn đặc biệt quay trở lại với Ernst Bloch, triết gia lớn đã bị lãng quên quá nhiều, một người bạn của Walter Benjamin.

Lukács là duy nhất trong câu chuyện thuộc địa hạt được gọi là "lý luận" ở toàn bộ một khu vực rộng lớn (Liên Xô, Đông Âu, nhưng cả Việt Nam). Bởi vì Lukács - đây là nghịch lý lớn - không phải một nhà lý luận, theo cách hiểu thông thường trên toàn khu vực vừa nói.


Quay trở lại với Lukács bình luận văn chương Đức, đặc biệt chuyện nó luôn luôn cần yếu tố từ bên ngoài; George Steiner sẽ tiếp tục cái nhìn ấy, khi nói rằng văn chương Đức có một đặc điểm lớn, phần trung tâm thì tăm tối nhưng sáng dần ra khi đi ra phía bên ngoài, rực rỡ nhất ở chính những chỗ nào tiếp xúc nhỏ nhất (nói đúng hơn, lỏng nhất): điều đó giải thích các nhân vật văn chương tiếng Đức lớn nhất là người Áo, người Thụy Sĩ, người Séc, etc. hay người Đức nhưng lại không thực sự Đức (Sebald chẳng hạn) và cũng nói lên toàn bộ ý nghĩa của thức thứ như Deleuze bình luận văn chương Kafka. Lukács, khi ta đã kéo rộng sự nhìn nhận ra nhiều phía, bắt đầu biểu lộ ý nghĩa chính ở đây: ta có phía Nga, phía Đức (và không chỉ vậy), nhưng đó là bởi Lukács là một người Hungary. Là một người Hungary nghĩa là phải như vậy. Một người Pháp sẽ nhìn mọi thứ tỏa ra, nhưng đó là một vị thế quá mức đặc quyền. Để là một người Hungary (hay những khu vực khác), cần phải đi ngược lại chiều của những tỏa ra, và đó là con đường của Lukács, và không chỉ Lukács, nhưng rất hiếm.





Roger Caillois: "Xã hội học về đao phủ"
Gilles Deleuze: "Văn chương và cuộc đời"
Tại sao École de Genève (1)
Georges Bataille: Kinh nghiệm trong
Trong lúc đọc Lukács (2)
Trong lúc đọc Lukács (1)
Claude Lévi-Strauss: Sống và Chín
Thibaudet-Gourmont-Du Bos: những chuỗi
Walter Benjamin: "Eduard Fuchs, nhà sưu tầm và sử gia"
Buổi thuyết trình thứ ba (và cuối cùng)
Gérard Genette
Albert Thibaudet: Sinh lý học phê bình
École de Genève (buổi thuyết trình thứ hai)
Jean Starobinski: "Quan hệ phê bình" (tài liệu cho buổi thuyết trình thứ hai)
École de Genève (buổi thuyết trình thứ nhất)
Jean Rousset: Văn chương thời kỳ baroque ở Pháp
Georges Poulet: La Poésie éclatée. Baudelaire/Rimbaud
Về Barthes
Barthes, Flaubert, Proust
Một người lãng mạn (Heinrich Heine)
Gaston Bachelard: Nước và các giấc mơ
Hugo Friedrich: Cấu trúc thơ hiện đại
Gaston Bachelard: Không khí và mộng
Roger Caillois về Montesquieu
Roland Barthes: "Sociologie và socio-logique"
Leo Spitzer: Phong cách của Marcel Proust
Jean-Pierre Richard: Hiểu biết và dịu dàng ở Stendhal
Thơ Mới: cấu trúc
Sur Barthes (1)
Roland Barthes: "Michelet, Lịch Sử và Chết"
Roland Barthes: "Văn hóa và bi kịch"
Octavio Paz về André Breton
Jean Paulhan: Les Fleurs de Tarbes
George Steiner: Râu Xanh
Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Lý thuyết văn học và triết học
Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ
Nghiên cứu văn học: con đường lý thuyết
Nhìn lại lý thuyết


4 comments:

  1. I have been exploring for a bit for any high
    quality articles or blog posts in this kind of area . Exploring in Yahoo I at last stumbled upon this website.
    Reading this information So i'm glad to exhibit that I've a very just right
    uncanny feeling I discovered exactly what I needed. I so much certainly will make sure to don?t omit
    this web site and provides it a look regularly.

    ReplyDelete
  2. Những cái tên của những thế hệ nghiên cứu văn học ở Việt Nam giờ thấy lại sao thấy muôn trùng xa cách giống như họ ở một thế giới nào xa lắm

    ReplyDelete
  3. quả đúng, "lý luận vh" ở vn là một con ma trơi.

    ReplyDelete
  4. "thức thứ" rất hay! nhiều thức đã mất; eg. trước kia Bible có sách Thứ Luật, mà sau này cứ thành ra "Đệ nhị Luật" mà chả hiểu bộ đệ nhất đâu rồi :P

    ReplyDelete