với một nội dung đặc biệt đồ sộ (Gracq, Queneau, Georges Perros, Soupault, Caillois, Henri Lefebvre, Jaccottet, Starobinski, Etiemble, Blanchot, André Masson etc.) trong đó có bài "André Breton hay cuộc đi tìm khởi đầu" của Octavio Paz, được Roger Munier dịch từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Pháp).
Tôi sử dụng phiên bản trên số NRF này: chúng ta tiếp tục câu chuyện "đọc lý thuyết" với chính bài của Octavio Paz (tất nhiên, như đã có lần nói, tôi mở rộng khái niệm "lý thuyết", có thể nói là vượt rất nhiều khỏi khuôn khổ thông thường trong đó lý thuyết văn học vẫn hay được nhìn nhận.
Bài viết này cũng đồng thời tiếp tục câu chuyện riêng về "thơ" (mấy lần gần đây hơn cả: xem ở kia và ở kia). Tất nhiên, như vậy tôi cũng thực sự bắt đầu có thể bước vào câu chuyện André Breton.
nhân tiện: đã tiếp tục Adolphe của Benjamin Constant, đã đi qua được chương II
André Breton hay cuộc đi tìm khởi đầu
Octavio Paz
Viết về André Breton bằng một thứ ngôn ngữ khác ngoài ngôn
ngữ của dục vọng là bất khả. Và hẳn sẽ là không xứng đáng. Đối với ông, các quyền
năng của ngôn từ không tách biệt với các quyền năng của dục vọng và dục vọng,
dưới hình thức cao nhất và căng nhất của nó, không là gì khác ngoài ngôn ngữ ở
tình trạng thuần khiết man rợ: thơ. Breton: ngôn ngữ của dục vọng - dục vọng của
ngôn ngữ. Toàn bộ sự tìm kiếm của ông, vừa là, vừa hơn là khám phá các lãnh thổ
tâm thần chưa được biết tới, từng là cuộc tái chinh phục một vương quốc đã mất:
lời của khởi đầu, cái con người từ trước con người cùng các nền văn minh. Siêu
thực từng là hiệp sĩ đoàn của ông và toàn bộ hành động của ông từng là Truy tầm Graal. Sự tiến hóa đáng kinh ngạc
của từ querer [trong tiếng Tây Ban
Nha, từ này vừa có nghĩa “muốn” vừa có nghĩa “yêu”] chỉ ra một cách tuyệt hảo
tính chất cuộc đi tìm của ông. Từ querer
bắt nguồn từ quaerere (tìm, lấy),
nhưng nó sớm biến nghĩa trong tiếng Tây Ban Nha để chỉ ý chí say mê, ham muốn. Querer: cuộc đi tìm chất chứa dục vọng,
đầy tình yêu. Cuộc đi tìm được hướng, không phải về phía tương lai hay quá khứ,
mà về cái trung tâm hội tụ ấy, thứ đồng thời vừa là khởi nguyên vừa là kết cục
của thời gian: ngày trước khởi đầu và sau kết cục. Xì căng đan của Breton trước
“ý niệm Ki-tô đáng ghê tởm về tội lỗi” còn hơn là một sự vứt bỏ các giá trị truyền
thống của phương Tây: đó là một lời khẳng định sự trong trắng nguyên ủy của con
người. Qua đó Breton nổi bật lên khỏi gần như mọi người cùng thời với ông và cả
những người xuất hiện sau ông. Đối với [Georges] Bataille, dục tình, cái chết
và tội lỗi là những ký hiệu có thể đổi chỗ cho nhau, chúng lặp lại, trong các kết
hợp với nhau, với một sự đơn điệu gây khiếp hãi, cùng một nội dung: hư vô của
con người, sự gớm ghiếc không thể cứu chữa của hắn. Đối với Sartre cũng vậy,
người là con đẻ của một sự trừng phạt, dẫu là về phương diện bản thể hay lịch sử,
dẫu cái đó có tên là nỗi hoang mang hay lao động được hưởng lương. Cả hai đều
là những đứa con nổi loạn của Ki-tô giáo. Dòng của Breton thì khác. Qua cuộc đời
và qua tác phẩm, ông ít là một truyền nhân của Sade và Freud hơn so với của
Rousseau và Eckhart. Ông không phải một triết gia, mà là một nhà thơ lớn và,
hơn nữa, theo nghĩa cổ của cụm từ này, một con người của danh dự. Thái độ không
khoan nhượng của ông trước ý niệm tội lỗi là một vấn đề danh dự: quả thật đối với
ông dường như đó là một vết nhơ chạm
đến không phải hữu thể mà đến phẩm giá con người. Lòng tin đặt vào tội lỗi
không tương thích với khái niệm về con người nơi ông. Tín điều ấy, thứ khiến
ông đối nghịch một cách dữ dội với đông đảo triết học hiện đại và mọi tôn giáo,
xét cho cùng cũng là tôn giáo: nó là một hành động của niềm tin. Điều lạ nhất -
lẽ ra cần phải nói: điều đáng ngưỡng mộ - nằm ở chỗ niềm tin này chưa từng bao
giờ rời bỏ ông. Ông tố cáo những yếu đuối, những suy đổ và những phản bội,
nhưng không bao giờ nghĩ cái sự tội lỗi nơi chúng ta là có từ trong máu. Ông là
một con người của đảng phái không vương một chút dấu vết nào của nhị nguyên thiện
ác. Đối với Breton, phạm tội và sinh ra không đồng nghĩa với nhau.
Con người, ngay cả dưới hình thức tật bệnh do chủ nghĩa tư bản
mới cũng như chủ nghĩa xã hội giả hiệu thời chúng ta, là một thực thể tuyệt diệu
bởi vì, thỉnh thoảng, hắn nói. Ngôn
ngữ là dấu chỉ, vết tích, không phải cho sự sa đọa của hắn, mà cho sự thiếu
trách nhiệm cốt tử của hắn. Thông qua ngôn từ, chúng ta có thể xâm nhập vương
quốc đã mất và phục hồi các quyền năng xưa cũ. Những quyền năng này không phải
của chúng ta. Người được cảm hứng, người thực sự nói, chẳng nói bất kỳ điều gì
của hắn: thông qua miệng hắn ngôn ngữ nói. Giấc mơ rất thuận lợi cho sự bùng nổ
của lời, do chỗ nó là một trạng thái tình cảm; sự thụ động của nó là sự hoạt động
của ham muốn. Giấc mơ thì thuộc về dục vọng. Cả ở đây nữa sự trái ngược của
Breton với Ki-tô giáo cũng có tính cách tôn giáo: ngôn ngữ, để tự nói thành lời,
hủy bỏ đi ý thức. Thơ không cứu chuộc cái tôi của nhà thơ: mà nó làm phân rã cái
tôi ấy vào trong thực tại rộng hơn và mạnh hơn, của ngôn ngữ. Thực hành của thơ
đòi hỏi buông bỏ, chối bỏ cái tôi. Người ta có thể thấy tiếc vì Phật giáo đã
không khiến ông quan tâm; truyền thống đó cũng phá hủy đi ảo tưởng về ngã, mặc
dù không phải để làm lợi cho ngôn ngữ, mà là cho im lặng. (Tuy nhiên tôi cũng sẽ
nói thêm rằng sự im lặng này là lời nói im bặt, im lặng không ngừng phát ra các
biểu nghĩa kể từ hơn hai nghìn năm nay.) Tôi nhắc đến Phật giáo là bởi vì tôi
tin rằng “viết tự động” là một dạng tương đương ở thời hiện đại của thiền định
quán tưởng; tôi không nghĩ đó là một phương pháp dùng để viết các bài thơ, cũng
chẳng phải một công thức tu từ học: đó là một thực hành thuộc về tâm thần, một
sự triệu tập và một sự chiêu tập dùng để mở các đập ngăn dòng chảy ngôn từ. Sự
tự động của thơ, như bản thân Breton từng nhiều lần nhấn mạnh, cận kề với sự khổ
hạnh; ông ngụ ý một trạng thái thụ động khó khăn, cái, đến lượt nó, đòi hỏi hủy
đi mọi phê bình và tự phê bình. Đó là một sự phê bình triệt để nhằm vào phê
bình, một sự đặt ý thức vào trong ngoặc đơn. Theo cách riêng của nó, đó là một
con đường của vứt bỏ, một phương pháp chối từ hướng đến kích động sự xuất hiện
của thực tại thật: ngôn ngữ ban sơ.
Nền tảng của “viết tự động” là lòng tin vào căn cước giữa
nói và nghĩ. Con người không nói bởi vì hắn nghĩ, mà nghĩ bởi vì hắn nói; chính
xác hơn, nói không khác với nghĩ: nói là nghĩ. Breton biện minh cho ý tưởng của
mình bằng nhận xét sau đây: “Chúng ta chỉ có được ngay bộc phát để có thể biểu
đạt độc một cấu trúc ngôn từ duy nhất
loại trừ đi theo cách thức cặn kẽ nhất mọi cấu trúc khác dường như cũng chuyên
chở cùng nghĩa.” Sự phản đối đầu tiên mà người ta hẳn có thể nêu lên trước cái
câu dứt khoát này là cả trong ngôn ngữ hằng ngày lẫn trong văn xuôi viết, chúng
ta ở trong sự hiện diện của các câu có thể được nói bằng những từ khác hoặc vẫn
với những từ ấy, nhưng được bố trí theo một trật tự khác. Hẳn Breton sẽ đáp lại,
đầy hữu lý, rằng giữa hai phiên bản đó, không chỉ cấu trúc cú pháp thay đổi,
nhưng bản thân ý tưởng cũng biến hóa, dẫu chỉ theo cách thức rất khó nhận biết.
Mọi đổi thay trong cấu trúc ngôn từ đều kéo theo một thay đổi về biểu nghĩa.
Xét một cách nghiêm ngặt, các từ mà chúng ta gọi là đồng nghĩa chẳng là gì khác
ngoài những sự dịch hoặc tương đương bên trong một ngôn ngữ; và cái mà chúng ta
gọi là dịch chính là dịch chuyển hoặc diễn giải. Những từ như nirvana, dharma, tao hoặc zen thực sự là không thể dịch; cũng như
vậy đối với physique, nature, démocratie, révolution và
các từ khác của phương Tây, chúng không có tương đương chuẩn xác trong các thứ
tiếng bên ngoài truyền thống của chúng ta. Và mối quan hệ giữa cấu trúc ngôn từ
và nghĩa càng gắn bó - toán học và thơ ca, đấy là còn chưa nói gì đến những thứ
ngôn ngữ không cấu âm như âm nhạc và hội họa - thì lại càng khó dịch. Ở cả hai cực
của ngôn ngữ - hô ngữ và sự ngang bằng - không thế nào tách ký hiệu thành hai nửa
của nó: cái biểu đạt và cái được biểu đạt chỉ là một. Như vậy Breton, có lẽ
không tự biết, đối nghịch với Saussure: ngôn ngữ không chỉ là một quy ước võ đoán
giữa âm và nghĩa - điều mà ngày nay bản thân các nhà ngôn ngữ cũng bắt đầu nhận
ra.
Những bài thơ đầu tiên của Breton mang nhiều dấu vết một sự đọc Mallarmé đầy say mê. Chưa từng bao giờ ông rời bỏ, ngay cả vào những khoảnh khắc của mãnh liệt lớn nhất và tự do về ngôn từ, cái sở thích dành cho từ ấy, vừa cụ thể vừa quý hiếm. Từ như hoa hướng dương, ngôn ngữ của các khúc xạ. Ông là, theo nghĩa tốt đẹp của từ này, một nhà thơ “maniériste” [rất chi là cầu kỳ trong ngôn từ]; ở bên trong truyền thống châu Âu, ông đứng cùng hàng ngũ với Gongora, Marino, Donne - những nhà thơ mà tôi không biết ông có đọc hay không, và không biết, tôi sợ điều này, luân lý thơ của ông có thấy gớm hay không. Sự rực rỡ của ngôn từ và mãnh liệt của trí năng, cùng dục vọng. Kết hợp đầy kỳ quặc, nhưng chẳng phải không có ví dụ, của tiên tri và duy mỹ, nó biến những bài thơ hay nhất của ông trở thành các tạo tác của cái đẹp, cùng lúc là những di chúc tinh thần. Đó có lẽ là lý do cho sự thờ phụng của ông đối với Lautréamont, nhà thơ đã tìm ra hình thức cho biểu đạt của tâm thần. Cả từ đó, dẫu ông cho là không thể tránh khỏi và nhiều tính chất cứu rỗi giống như “tất yếu cách mạng”, dẫn tới sự gớm tởm không che giấu của ông dành cho sự tàn bạo đơn giản quá mức của Dada. Những e dè của ông trước các nhà thơ khác có tính cách khác hẳn. Niềm ngưỡng mộ của ông đối với Apollinaire chẳng phải không đi kèm với một sự dè chừng nhất định, bởi vì thơ, đối với Breton, là tạo ra các thực tại do lời nói chứ không phải bịa đặt ngôn từ thuần túy. Ông yêu cái mới và sự kinh ngạc trong nghệ thuật, nhưng khái niệm bịa [invention; về phân biệt giữa “creation” và “invention” nên đọc George Steiner, hoặc cũng có thể là Nhị Linh] không nằm trong sở thích của ông. Ngược lại, trong nhiều văn bản của ông bừng lên lấp lánh một ánh sáng không chút mù mờ cái từ khải ngộ. Nói là hoạt động cao nhất: khải ngộ cái bị che giấu, làm sống lại lời bị chôn vùi, kích thích sự xuất hiện thực thể kép của chúng ta, tạo ra cái người khác cũng chính là chúng ta đó, mà chẳng bao giờ chúng ta để cho được “là” một cách đầy đủ.
Khải ngộ là hồi sinh, trưng bày, khai trí. Đó là một từ gợi đến nghi thức và lễ bái. Trừ phi đó giống như phương cách nhằm khiêu khích, nhằm sỉ nhục công chúng hoặc thúc đẩy sự nổi loạn, Breton căm ghét các buổi diễn ngoài trời: hẳn cần phải tổ chức buổi lễ ở dưới hầm mộ. Mỗi cuộc trưng bày siêu thực đều quay quanh một trục trái ngược: xì căng đan và bí mật, thiêng hóa và phàm hóa. Thiêng liêng và âm mưu [consécration và conspiration] là hai từ có họ với nhau: khải ngộ thì cũng là nổi loạn [révélation và révolte]. Người khác, thực thể kép của chúng ta, từ chối sự thuần hòa và an toàn đầy ảo tưởng của ý thức chúng ta, cái trục khói ấy, thứ đỡ bên dưới các công trình triết học và tôn giáo đầy ngạo mạn của chúng ta. Những người khác, vô sản và nô lệ thuộc địa, các huyền thoại tiền sử và những xứ phi lai cách mạng, đe dọa, với không kém bạo lực, các tín ngưỡng và thiết chế của phương Tây. Đối với những người này cũng như đối với những người khác, đối với Fourier cũng như đối với Papou de Nouvelle-Guinée, Breton đều chìa bàn tay. Nổi loạn và khải ngộ, ngôn ngữ và dục vọng, là các biểu hiện của một thực tại duy nhất. Tên đúng của thực tại này, cả nó, cũng có hai mặt: trong trắng và kỳ diệu. Con người là đấng sáng tạo của những kỳ diệu, hắn là nhà thơ, bởi vì hắn là một thực thể trong trắng. Trẻ con, phụ nữ, những người đang yêu, những người được cảm hứng và thậm chí những người điên là hiện thân của cái kỳ diệu. Mọi thứ gì họ làm đều kỳ quái và họ không biết điều đó. Họ không biết những gì mà họ làm: họ vô trách nhiệm, trong trắng. Nam châm, cột thu lôi, dây điện cao thế: những lời lẽ và hành động của họ vô nghĩa lý, thế nhưng chúng lại có nghĩa. Chúng là các ký hiệu tản mát của một thứ ngôn ngữ chuyển động vĩnh viễn và bày ra trước mắt chúng ta một loạt biểu nghĩa đối ngược - rốt cuộc nó sẽ tự quy về một nghĩa duy nhất và tối hậu. Bởi họ và trong họ, vũ trụ nói với chúng ta và nói với bản thân nó.
Hồi còn ở tuổi thiếu niên, trong một giai đoạn cô độc và phấn khích, tôi đã tình cờ đọc vài trang, chúng, sau này tôi sẽ biết, thuộc chương V của L’Amour fou. Trong đó Breton kể về chuyến leo lên đỉnh Teide ở Tenerife. Văn bản ấy, đọc cùng lúc với The Marriage of Heaven and Hell [William Blake, tất nhiên], đã mở cho tôi các cánh cửa dẫn vào thơ hiện đại. Nhưng trước hết nó đã khiến tôi hiểu nghĩa từ tình yêu [“amour”]. Đối với tôi đó là một “nghệ thuật yêu”, không phải theo cách thức lẻ tẻ của Ovide [Paz đang nhắc đến cuốn sách về yêu của Ovide, xem thêm ở kia], mà như một sự khai trí dẫn vào những gì sau đó cuộc đời và phương Đông sẽ minh định giùm tôi: sự tương đồng, hay nói đúng hơn, căn cước giữa người được yêu và tự nhiên. Nước có tính nữ hay người phụ nữ là làn sóng, dòng sông đêm, bãi bờ bình minh bị gió xói vào? Nếu đàn ông là một ẩn dụ của vũ trụ, thì cặp đàn ông phụ nữ là ẩn dụ tuyệt hảo, điểm gặp của mọi thứ lực và mầm mống của mọi hình thức. Nó cũng chính là thời gian được tái chinh phục, thời gian ở trước thời gian. Trước mọi trắc trở, tôi đã muốn trung thành với khải ngộ này; từ amour vẫn giữ nguyên vẹn mọi quyền năng lên tôi. Hoặc, như Breton nói: “Người ta sẽ chẳng bao giờ còn có thể thoát khỏi những thứ lộc ấy của thời hoàng kim.” Trong tất cả những gì ông viết, từ đầu tiên cho tới cuối cùng, đều bày ra cái lòng tin bướng bỉnh ấy vào một tuổi thiên đường, gắn liền với viễn ảnh của cặp đôi nguyên khởi. Người phụ nữ là cây cầu, cầu vồng, địa điểm hòa giải giữa thế giới tự nhiên và con người. Đó là thứ ngôn ngữ cụ thể, khải ngộ được hiện thân: “Phụ nữ chỉ là một cái bình lễ đầy ắp nguyên âm.”
Không lâu sau đó, tôi làm quen với Benjamin Péret, Leonora Carrington, Wolfgang Paalen, Remedios Varo và những người siêu thực khác sang Mexico tị nạn trong Thế chiến thứ hai. Hòa bình trở lại, tôi gặp lại Benjamin ở Paris. Chính anh là người dẫn tôi đến quán cà phê trên quảng trường Blanche [xem thêm về “quảng trường Blanche” ở kia]. Suốt một quãng thời gian khá dài, tôi hay gặp Breton. Mặc dù sự giao du chuyên cần chẳng phải bao giờ cũng nhiều lợi lộc cho trao đổi ý tưởng và tình cảm, hơn một lần tôi cảm thấy cái dòng chảy ấy, nó thực sự kết hợp những người nói chuyện, dẫu cho quan điểm của họ không giống nhau. Trong số tất tật những cuộc trò chuyện đó, tôi sẽ không bao giờ quên cuộc trò chuyện mà chúng tôi đã có trong mùa hè năm 1964, không lâu trước khi tôi quay trở lại Ấn Độ. Tôi nhắc đến nó, chẳng phải vì nó là cuộc trò chuyện cuối cùng, mà do bầu không khí bao trùm lấy nó. Đây không phải lúc kể lại chuyện này. (Tôi tự hứa rồi một ngày nào đó sẽ làm việc ấy.) Đối với tôi đó là một cuộc gặp, theo đúng cái nghĩa mà Breton gán cho từ này: vừa là tiền định vừa là lựa chọn. Đêm hôm đó, trong lúc chỉ có chúng tôi bước đi trong khu Les Halles, cuộc trò chuyện vỉa về một chủ đề khiến ông bận tâm: tương lai của phong trào siêu thực. Tôi còn nhớ về cơ bản tôi nói với ông rằng đối với tôi siêu thực là căn bệnh thiêng của thế giới chúng ta, giống như hủi vào thời Trung cổ hay các “alumbrados” Tây Ban Nha thế kỷ 16 [đại khái là “tà giáo”, đối tượng từ rất sớm của tòa án dị giáo Thiên chúa giáo]; vốn dĩ là sự chối bỏ phương Tây một cách cần thiết, nó sẽ sống chừng nào nền văn minh hiện đại còn, độc lập với các hệ thống chính trị và ý luận rồi sẽ thắng thế trong tương lai. Sự phấn khích của tôi gây ấn tượng lên ông, nhưng ông đáp: sự chối bỏ sống trong tương quan với sự khẳng định, sự khẳng định thì trong tương quan với sự chối bỏ; tôi ngờ vào chuyện cái thế giới đang bắt đầu có thể được định nghĩa như là khẳng định hay chối bỏ: chúng ta đang bước vào một vùng trung tính và sự nổi loạn siêu thực sẽ phải biểu hiện bằng các hình thức chẳng phải chối bỏ cũng không phải khẳng định. Chúng ta ở quá sự không tán thành hay tán thành… Không hề là phiêu lưu nếu nói rằng ý tưởng này đã truyền cảm hứng cho cuộc trưng bày cuối cùng của nhóm: sự phân tách tuyệt đối. Đó không phải lần đầu tiên Breton đòi “sự khuất mờ” của siêu thực, nhưng hiếm khi nào ông đòi điều đó một cách gay gắt đến thế. Có lẽ ông nghĩ rằng phong trào sẽ chỉ có thể tìm lại được tính chất dồi dào của nó nếu chuyển hóa thành lực ngầm dưới đất. Quay trở về nơi các hầm mộ? Tôi không biết. Tôi tự hỏi, tại một xã hội như xã hội của chúng ta, nơi các đối nghịch cũ đã biến mất - không phải theo đường lối có lợi ích cho nguyên tắc căn cước, mà thông qua một dạng hủy bỏ và giảm giá trị phổ quát - còn có nghĩa gì nữa không cái mà Mallarmé gọi là “hành động thu hẹp”: xuất bản có còn là một hình thức của hành động, hay đó là một cách thức để hòa tan nó vào sự vô danh của quảng cáo?
Người ta hay nói rằng sự mù mờ của siêu thực nằm ở chỗ nó là một phong trào của các nhà thơ và các họa sĩ, thế nhưng nó lại từ chối bị đánh giá theo các tiêu chí cảm năng [esthétique]. Chẳng phải cũng y hệt thế tất tật khuynh hướng nghệ thuật của quá khứ và tất tật tác phẩm của các nhà thơ lớn, các họa sĩ lớn? “Nghệ thuật” là một thứ do cảm năng tạo ra, bản thân cảm năng thì lại là một thứ do các triết gia tạo ra. Nietzsche chôn cả hai thứ đó đi và nhảy mùa trên mộ chúng: cái mà chúng ta gọi là nghệ thuật chính là sự chơi. Ý chí siêu thực đặt vào việc phá bỏ các ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc đời không hề mới; cái mới nằm ở các từ ngữ mà nó dùng để biểu đạt và nghĩa hành động của nó. Không phải “cuộc sống nghệ thuật” cũng chẳng phải “nghệ thuật sống”: quay trở lại nguồn gốc của lời nói, vào thời điểm nói cũng đồng nghĩa với sáng tạo. Tôi không biết tương lai của nhóm siêu thực sẽ ra sao; tôi chắc chắn rằng dòng chảy đi từ chủ nghĩa lãng mạn Đức và Blake cho tới siêu thực sẽ không biết mất [Albert Béguin cũng nói đến liên hệ chặt chẽ giữa “lãng mạn Đức” và “siêu thực”: xem ở kia]. Nó sẽ sống ở bên lề, sẽ là giọng nói khác… Nhưng, các nhà phê bình nói, siêu thực không còn là tiền phong. Ngoài chuyện tôi rất ác cảm với cái từ sặc mùi nhà binh này [hehe], tôi còn không tin rằng cái mới, việc ở nơi mũi nhọn của sự kiện, là đặc tính cốt tử của siêu thực. Bản thân Dada cũng đã không có sự thờ phụng cuồng nhiệt cái mới, thứ được các nhà vị lai, chẳng hạn vậy, tuyên xưng. Cả Dada lẫn siêu thực đều không yêu quý các cỗ máy. Siêu thực phàm hóa chúng: các cỗ máy tịt đường sản xuất, “chăn nuôi bụi” [Duchamp], đồng hồ mềm oặt [Dalí]. Cỗ máy thì cũng như phương pháp của phê bình - về sùng bái máy móc và về con người, về tiến bộ và những trò hề của nó. Duchamp là khởi đầu hay kết cục của hội họa? Bằng tác phẩm và còn hơn thế nữa, bằng hành động chối từ tác phẩm của mình, Duchamp đóng lại một giai đoạn của nghệ thuật phương Tây (giai đoạn của hội họa theo đúng nghĩa) và mở ra một giai đoạn khác không còn “mang tính chất nghệ thuật” nữa: sự hòa tan của nghệ thuật vào cuộc sống, của ngôn ngữ vào trong cái vòng không lối thoát của trò chơi chữ, của lý trí vào đối cực xét về mặt triết học của nó - sự cười. Duchamp hòa tan tính hiện đại, bằng đúng cái chuyển động mà ông sử dụng để chối từ truyền thống. Vả lại, ở trường hợp Breton, có viễn kiến về thời gian, không phải như sự tiếp diễn, mà như hiện diện thường hằng, dẫu cho vô hình, của một hiện tại trong trắng. Đối với ông tương lai thì cuốn hút bởi vì đó là địa điểm của cái không hề được hy vọng: chẳng phải những gì sẽ xảy ra tuân theo lý trí, mà là những gì có lẽ sẽ xảy ra tuân theo trí tưởng tượng. Sự phá hủy thế giới hiện thời hẳn sẽ cho phép xuất hiện thời gian đúng, không phải thời gian có tính chất lịch sử mà có tính chất tự nhiên, chịu sự chi phối của ham muốn, chứ không phải tiến bộ. Đó là, nếu tôi không nhầm, ý tưởng của ông về một xã hội cộng sản-tự do vô chính phủ. Chưa bao giờ ông nghĩ là có một mâu thuẫn cốt tử giữa các huyền thoại và những xứ phi lai, thơ và các chương trình cách mạng. Ông đọc Fourier giống như chúng ta có thể đọc Vệ đà hay Popol Vuh, và các bài thơ esquimaux đối với ông như thể là những lời tiên tri cách mạng. Quá khứ xa xôi nhất và tương lai xa xăm nhất hội tụ lại theo đường lối tự nhiên trong tinh thần của ông. Theo cùng cách thức, duy vật luận của ông không hề là một “khoa học luận” thô thiển, mà phi lý tính của ông cũng chẳng phải một nỗi căm ghét lý trí.
Quyết định sẽ bao chứa những khái niệm đối nghịch - Sade và Rousseau, Novalis và Roussel, Juliette và Héloïse, Marx và Chateaubriand - thường trực hiện ra nơi những gì ông viết và trong các hành động của ông. Chẳng gì xa với thái độ này hơn so với sự khoan thứ đầy tinh thần hòa giải của hoài nghi. Trong trật tự của suy nghĩ, ông căm ghét chiết trung và, trong trật tự dục tình, sự chung chạ. Phần đỉnh cao nhất trong tác phẩm của ông, thơ cũng như văn xuôi, là những trang được nhận cảm hứng từ ý tưởng về chọn lựa và bởi tương liên của nó: lòng trung thành, dẫu là liên quan tới nghệ thuật hay chính trị, tình bạn hay tình yêu. Ý tưởng này là trục của cuộc đời ông; nó nằm ở trung tâm quan niệm của ông về tình yêu duy nhất: đá của lửa do tự do tạc nên, kim cương bất hoại. Thời chúng ta đã chỉ giải phóng tình yêu khỏi các nhà tù của thế kỷ trước nhằm biến nó trở thành một trò giết thời gian vô danh tính, thành một đối tượng tiêu thụ thêm nữa trong một xã hội toàn những người tiêu thụ vội vã. Viễn kiến của Breton là sự chối bỏ gần như mọi điều gì vẫn hay được coi là tình yêu và thậm chí là dục tình (thêm một từ bị dùng sai). Người ta thấy có chút khó khăn trong việc hiểu sự gắn kết không chút e dè của ông với tác phẩm của Sade. Chắc hẳn gây ấn tượng lên ông và khiến ông phấn hứng là cái tính cách tuyệt đối trong cự tuyệt của nó, nhưng làm thế nào mà hòa giải cái đó với tín ngưỡng đặt vào tình yêu, trung tâm của thời hoàng kim? Sade chối bỏ tình yêu: đó là một trò đạo đức giả hay, còn tệ hơn, một ảo tưởng. Hệ thống của ông thì điên rồ, nhưng không thiếu mạch lạc: sự chối bỏ của ông cũng không kém tính chất toàn thể so với sự khẳng định của thánh Augustin. Cả hai gớm tởm mọi lưỡng phân thiện ác, với cùng mức độ mãnh liệt. Đối với vị thánh Ki-tô giáo, cái ác không có thực tại hữu thể; đối với Sade, chính cái mà chúng ta gọi là thiện mới thiếu thực tại: phiên bản Khế ước xã hội của ông là các quy chế của Hội những người bạn của Tội Ác. Bataille tìm cách chuyển hóa độc thoại của Sade thành một đối thoại và đặt dục tình tuyệt đối vào đối lập với một người trò chuyện không kém phần tuyệt đối: tính chất thần thánh Ki-tô giáo. Kết quả là sự im lặng và tiếng cười: “phi-thần học”. Cái không thể nghĩ và cái không thể gọi tên [“không thể gọi tên”]. Breton thì muốn đưa tình yêu trở lại vào dục tình hay, chính xác hơn, thiêng hóa dục tình bằng tình yêu. Cả ở đây sự đối nghịch của ông với mọi tôn giáo cũng hàm ngụ một ý chí về thiêng. Tôi sẽ nói hơn thế nữa: một ý chí hòa giải. Bình luận một đoạn trong La Nouvelle Justine - đoạn một nhân vật trộn tinh dịch của mình vào với dung nham Etna - Breton cho rằng hành động là một sự vinh danh tình yêu dành cho tự nhiên, “một cách thức, thuộc hàng điên nhất, đáng tranh cãi nhất của yêu". Có thể nói niềm ngưỡng mộ của ông hướng tới Sade không còn có giới hạn và ông luôn luôn nghĩ rằng “chừng nào người ta còn chưa xong nợ với ý niệm về siêu vượt của một cái thiện nào đó… trình hiện đầy phấn hứng của cái ác thiên bẩm sẽ vẫn giữ được giá trị cách mạng lớn nhất”. Tuy nhiên, kèm với đó là sự dè dặt sau đây: trong cuộc đối thoại giữa Sade và Rousseau ông không thể cưỡng lại để cho mình nghiêng hẳn về phía Rousseau, bạn của con người nguyên thủy, người tình của tự nhiên. Tình yêu không phải là một ảo tưởng: đó là trung gian hòa giải giữa con người và tự nhiên, địa điểm nơi gặp gỡ từ tính trái đất và từ tính của tinh thần.
Mỗi mặt nhỏ trong tác phẩm của ông lại phản chiếu các mặt khác. Sự phản chiếu này không phải phản chiếu thụ động của tấm gương; đó không phải một lặp lại, mà là một hồi đáp. Chùm ánh sáng ngược, đối thoại của các hồi quang. Từ tính, khải ngộ, cơn khát sự trong trắng và cũng ngang bằng như vậy, độ cao. Cao vợi? Đúng, theo cái nghĩa cao quý của từ này: con chim bay cao, cực điểu. Mọi từ thuộc cái gia đình này đều thích hợp với ông. Ông từng ngự trị, là một con người phấn hứng; thơ của ông gây phấn hứng cho chúng ta, và nhất là ông từng nói rằng cơ thể phụ nữ và cơ thể đàn ông là những ban thờ duy nhất của chúng ta. Còn cái chết? Mọi con người đều sinh ra và chết đi nhiều lần. Đây chẳng phải lần đầu tiên Breton chết. Ông biết điều đó rõ hơn ai hết: mỗi cuốn sách quan trọng của ông lại là câu chuyện về một cuộc phục sinh. Tôi biết rằng ngày hôm nay chuyện rất khác và chúng ta sẽ không còn gặp ông nữa. Cái chết này không phải là một ảo tưởng. Nhưng Breton đã sống qua một số khoảnh khắc, đã nhìn thấy một số bằng chứng, chúng chính là sự chối bỏ thời gian và những gì mà chúng ta vẫn hay gọi là phối cảnh thông thường của cuộc đời. Tôi gọi những khoảnh khắc ấy là thơ ca, dẫu chúng là các kinh nghiệm chung đối với mọi con người. Khác biệt duy nhất nằm ở chỗ nhà thơ lưu nhớ chúng và tìm cách làm chúng hiện thân trở lại trong các từ, các âm, các màu. Bất kỳ ai từng sống qua những khoảnh khắc ấy và có thể dò xét biểu nghĩa của chúng đều biết rằng cái tôi không được cứu chuộc, bởi vì nó đâu tồn tại. Người đó cũng biết, giống như Breton hay nhắc nhở, rằng các ranh giới giữa mộng và thức, sống và chết, thời gian và hiện tại bên ngoài thời gian, thì trôi tuột và không xác quyết. Chúng ta không biết thực sự thì chết nghĩa là gì, nếu đó chẳng phải kết cục của cái tôi - kết cục của nhà tù. Nhiều lần Breton từng làm nổ tung cái nhà tù ấy, nong thời gian ra và chối từ nó, trong một khoảnh khắc không hạn định, trùng vào với thời gian khác. Kinh nghiệm này, tâm điểm của cuộc đời và suy nghĩ của ông, là bất khả xâm hại và không thể chạm đến: nó vượt quá thời gian, vượt quá cái chết, vượt quá chúng ta. Biết được nó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta hòa giải với cái chết lúc này của ông, với cái chết.
Dehli,
5 tháng Mười 1966
André Breton:
Thư
thơ:
Thơ: Paul Celan
Thơ: René Char về nhà thơ
Thơ: chẳng ai là ai
Thơ: tiểu sử
Thơ: bi ca và trí tuệ
đọc lý thuyết:
Jean Paulhan: Les Fleurs de Tarbes
George Steiner: Râu Xanh
Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ
tiếp tục
ReplyDeletemột bài tuyệt vời chắc sẽ kết thúc tuyệt vời, nhưng chắc sẽ chỉ nói được một điều duy nhất đúng: không thể diến đạt lại Breton bên ngoài ông ấy. - “Chúng ta chỉ có được ngay bộc phát để có thể biểu đạt độc một cấu trúc ngôn từ duy nhất loại trừ đi theo cách thức cặn kẽ nhất mọi cấu trúc khác dường như cũng chuyên chở cùng nghĩa.”
ReplyDeleteviệc viện đến cả Phật giáo để xưng tụng Breton liệu có được ông ấy tán thành hay không?
e là không. bởi lẽ không gì làm tiêu tán Thơ nhanh hơn môi trường Phật pháp.
Paz đã nói rất hay: Siêu thực là một chuyển động tự thân; không có gì ngoài chuyển động; một Động Cơ Vĩnh Cửu; mà nếu chỉ ngừng lại một niệm thôi, thì tất cả rơi vỡ.
thật may là không thể ngừng lại: "Mọi thứ gì họ làm đều kỳ quái và họ không biết điều đó."
cũng như người ta không thể "kể lại" một cú sét :p
ReplyDeletenhân tiện: đã tiếp tục, đoạn sau sẽ nói đến siêu thực ở mức độ rộng hơn
tiếp tục
ReplyDeletecó lẽ không phải Breton nói đến sự phá bỏ ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc đời - hay dù là Octavio diễn đạt lại như thế. bởi vì hẳn không thể có một sự hiểu-đúng về "Siêu thực": nói đến "cái lộc của thời hoàng kim" trong khi bác bỏ "tội tổ tông" thì luôn luôn phải ở trong sự sáng tạo chính mình - một vị thế quá nguy hiểm vì nó không những không loại trừ các quy chiếu vốn có (as "cuộc đời") mà lại cùng lúc chiếu cố đến tất tật mọi điểm quy chiếu đó.
ReplyDeletevà tại sao lại nghĩ đến Nietzsche ở đây nhỉ?
ông ấy nói đến "chơi" chỉ là để xóa bỏ một ảo giác ("Nghệ thuật") về "Thần tượng" thôi chứ.
Nietzsche và sự nhảy múa: ref. Deleuze ("Lặp và khác")
ReplyDeletecòn "phá bỏ ranh giới" thì đoạn tiếp sau Paz sẽ nói tiếp, tương đối ổn thoả
Sao không viết cái gì thiết thực với cuộc sống đời thường, mấy thứ này trên thế giới đâu ai quan tâm nữa
ReplyDeletedễ hiểu thế mà cũng phải hỏi
ReplyDeletechính là để khỏi phải dây dưa với cái thế giới đông đặc bọn đầu đất "sao không" í mà
đoạn sau, về sự xoay quanh thời gian, của Breton, quả là rất hay: Breton là một The Earth khác hơn là một "thế giới" khác.
ReplyDeletecũng rất hay khi nói Breton kết hợp những đối cực mà ko phải là "hòa giải" (làm quái gì có thực tại cái thứ gọi là "khoan dung" và "hòa giải")
hehe đâm ra hơi nghi bác Octavio này ko hoàn toàn là một nhà thơ.
thật ra cái vụ kia chỉ là quy trình, không giải quyết gì được đâu, mọi cái đều tìm thấy đầy đú, sáng rõ ở đây
ReplyDeletethêm nữa đã hơn mức đủ rồi, anh đừng giành phần đắng về mình nữa, pls