Apr 21, 2018

École de Genève (buổi thuyết trình thứ hai)

Trước hết: đã tiếp tục viết (lại) nội dung buổi thuyết trình thứ nhất, xem ở kia.

Buổi thứ hai tôi làm ngược hẳn lại với buổi thứ nhất: buổi thứ nhất thì nói xong rồi mới viết lại, còn buổi thứ hai thì viết toàn bộ nội dung trước, rồi mới nói.

(Tôi lên kế hoạch cho loạt thuyết trình này từ cuối năm ngoái, đầu năm nay. Không phải cái gì tôi có dự định rồi thì tôi cũng sẽ làm, mà nói đúng hơn, phần lớn dự định, tôi sẽ bỏ. Rất buồn là tôi lại như thế. Nhưng tôi quyết định phải làm bằng được - và đã đi được đến hai phần ba chặng đường - khi biết rằng ở đó người ta định mời tới thuyết trình mấy nhân vật: Hà Minh Đức, Phong Lê aka Lê Phong Sừ và La Khắc Hòa. Tôi muốn giảm nhẹ gánh nặng cho những người phải đứng ra tổ chức các buổi thuyết trình, bởi vì cả ba nhân vật kia đều chưa bao giờ là nhà nghiên cứu, hai nhân vật đầu tiên thì thôi khỏi phải nói, nhưng nhất là nhân vật thứ ba: đó là một nhân vật đến cả khả năng suy nghĩ tối thiểu cũng không có, nhưng rất thích nói, về đủ chủ đề, cũng như không ít người khác.)

Chúng ta cũng bắt đầu tăng tốc, để chuẩn bị cho buổi thuyết trình thứ ba, cũng là cuối cùng, trong tuần tới. Buổi thuyết trình ấy, như tôi đã nói ngay từ đầu, sẽ tập trung hoàn toàn vào École de Genève ở riêng phương diện bình luận thơ. Các nhà phê bình của EdG vô cùng quan trọng riêng ở địa hạt này (cho đến giờ cuốn sách in trong thập niên 60 thế kỷ 20 của Jean-Pierre Richard về Mallarmé vẫn là kinh điển, Marcel Raymond và Jean Rousset thì quan trọng tuyệt đối trong lĩnh vực thơ baroque, etc. etc.). Nhưng tôi thay đổi một chút trong dự định ban đầu: buổi tới đây sẽ không chỉ hoàn toàn về Charles Baudelaire nữa mà có thêm một nhân vật đối trọng: Gérard de Nerval. Ta nhớ là Bùi Giáng từng dịch Sylvie (Mùi hương xuân sắc), tôi sẽ tập trung vào Aurélia.

(Ở đoạn đầu buổi thuyết trình tuần vừa rồi, tôi quyết định nói ngoài chủ đề: tôi nói đến sự giảng dạy. Thật ra giảng dạy nghĩa là gì? Giảng dạy - đã trở thành một thiết chế xã hội và thiết chế văn hóa: trường học, thầy giáo, học sinh etc. xem thêm ở kia - không chỉ thúc đẩy, nó còn kìm hãm, và cả chiêu hồi, đúng như Starobinski nói. Giảng dạy, cũng giống như lịch sử trong bình luận của một sử gia, Marc Bloch, được xây dựng dựa trên lý trí, cụ thể hơn là "các đường của lý trí", nó sắp xếp lại, nó hợp lý, và đã hợp lý thì sẽ che giấu. Một tác giả được đưa vào sách giáo khoa không còn là một tác giả như cũ: tác giả đó đã bị chiêu hồi. Bởi văn hóa. Sức tàn phá của tác phẩm mà nhà văn từng tạo ra vào một thời trở thành thứ tiêu khiển, bị vo tròn, tức là bị bóp méo (ở đây, tròn = méo).

Tôi được hưởng một ân sủng lớn: không đi dạy học. Chính vì thế tôi trở thành một người quan sát.

Ai cũng còn nhớ đợt rầm rĩ về Học viện Khoa học Xã hội, chuyện đào tạo tiến sĩ etc.

Thật ra câu chuyện nằm ở chỗ: trước đây, các viện chuyên môn phụ trách đào tạo, nghiên cứu sinh sẽ đến các viện, theo đuổi đề tài nghiên cứu của họ. Các buổi bảo vệ cũng sẽ được tổ chức tại những nơi đó. Nhưng đến khi Học viện được thành lập thì các viện thành viên không còn chức năng kia nữa. Tập trung lại một chỗ thì tất nhiên trông nhiều như lợn con ngay.

Tôi không định biện hộ cho hình thức tập trung ấy. Thật ra tôi chẳng liên quan, cũng không mấy quan tâm: đằng nào tôi cũng không tham gia giảng dạy (tôi là người hiếm hoi không tham gia guồng máy ấy). Nhưng theo những gì tôi ghi nhận được, trình độ giảng dạy của khoa văn Học viện ở mức thảm hại. Nhưng trong bối cảnh chung (khi mà khoa văn ở mấy nơi khác - cứ tạm tính riêng Hà Nội - cũng vậy nốt) thì thật ra cũng chẳng ai thấy vấn đề gì.

Chính vì thế, tôi hình dung một dạng khác hẳn (mà gợi ý lớn cho tôi chính là Roland Barthes, Barthes của những năm dài dạy ở trường Cao đẳng Thực hành, cái nơi khuất nẻo trực thuộc một trường lớn nhưng trụ sở nó ở đó thôi, sinh viên của trường lớn kia thậm chí có khi còn chẳng hay biết đến sự tồn tại trông rất nghèo nàn của một cơ sở tương đối lệch thời, lệch giọng, lệch tông, lệch màu).

Một dạng giảng dạy không thiết gì đến bằng cấp, chấm điểm (đời tôi, tôi nhất quyết không chấm điểm cho bất kỳ một ai hết: có một lần bỗng được mời đi "ngồi hội đồng", tôi lỡ tay chấm điểm thấp cho một đề tài được mang ra nghiệm thu, mà không biết theo thông lệ thì cho tốt hết ráo cả). Loạt thuyết trình về École de Genève đang diễn ra chính là để tôi cụ thể hóa hình dung của tôi. Tôi sẵn sàng nói trước chỉ một người duy nhất cũng được - nếu người duy nhất ấy nắm được những điều tôi nói, nếu những gì tôi thấy nên nói về một lĩnh vực nào đó làm gây ra hồi ứng tinh thần ở dẫu chỉ một người, tôi thấy cũng đã tốt hơn rất nhiều so với chuyện nói tại một giảng đường, I La Mã, 1 nhỏ, a rồi b rồi c cho người khác chép - tôi tin rằng trong hai buổi vừa rồi, không ai ngồi nghe có thể chép giống như chép bài giảng tại giảng đường đại học (đúng, tôi muốn như vậy: tôi muốn sự truyền đạt không kèm với lên bổng xuống trầm, không có giáo án giáo trình cố định, không có một chút hùng biện nào hết, không tìm cách gây ảnh hưởng, không gì cả - vả lại, làm gì có ảnh hưởng).

Tôi đã quan sát trong vòng nhiều năm dài một số điều. Ta hãy lấy ví dụ: ông Trần Đình Sử. Ông Trần Đình Sử có một đống học trò, các học trò ấy sẽ có thêm một đống học trò khác, và cứ thế cứ thế. Nhưng ông Trần Đình Sử toàn nói lăng nhăng. Tôi hết sức để ý xem từ đó thì sản phẩm sẽ là thế nào; cứ nghe nói có xuất hiện một nhân vật mới nào đó đáng để ý là tôi sẽ để ý. Tôi để ý cho tới lúc biết là không nên để ý nữa.

Kiểu giảng dạy, đào tạo như thế (mà khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội rất điển hình) có thể thâu tóm vào điều sau đây: học trò sẽ học theo thầy. Và toàn học những gì tồi tệ nhất. Ta có hai loại tấm gương: tấm gương để theo và tấm gương để tránh. Nếu biết ông thầy là tấm gương để tránh (chứ không phải để theo) thì tự dưng cũng đã có quy chiếu rồi. Nhưng tôi không thấy điều đó, tôi thấy các nhân vật trẻ tuổi (cho tới thời điểm tôi còn để ý) (à mà thôi).

Chừng như tôi đã hình dung được tương đối đầy đủ về một dạng mới cho điều mà tôi nói trên đây (vừa phải lách khỏi kiểu dạy của trường Sư phạm hay trường Tổng hợp, cùng muôn vàn nơi nữa, học viện các thứ etc. lại vừa phải không được có chút dây dưa hơi hướm nào với cả đống talk này talk kia, một mớ cám dỗ rợn người mà không ít nhà nghiên cứu hiện nay lao theo). Nghiên cứu, nghĩa là nhìn vào tường, đợi bức tường nói chuyện với mình, đợi cho đến bao giờ nó chịu nói, nghiên cứu không phải là xoay ngang xoay ngửa.

Chẳng hạn, tôi muốn làm một loạt mới về lịch sử báo chí Việt Nam. Tôi đã có thể cho thấy lịch sử ấy đã sai tất tật. Trong quá khứ, những nơi này từng nói đến chuyện mời tôi đến thuyết trình các chuyên đề: khoa Văn của Khoa học Xã hội Nhân văn Sài Gòn, khoa Văn của trường Tổng hợp Hà Nội (tôi quen gọi nó như vậy) cùng nhiều nơi khác tôi không còn nhớ rõ. Tất cả đều nói suông. Không, tôi không đòi hỏi gì hết, tôi không trách móc, tôi không phàn nàn - đời tôi, chưa từng có lấy một mống được nghe tôi phàn nàn dẫu chỉ một câu. Tôi không phải là người đi phàn nàn. Có những lúc tôi sẽ im lặng, mặc dù tôi biết trong hoàn cảnh ấy toàn thể nhân loại sẽ nhảy dựng lên. Nhưng tôi không phàn nàn, đó là nguyên tắc của tôi. Ai phàn nàn thì cứ việc - và tôi khinh bỉ những người lên facebook than thở hằng ngày: nạn nhân chính là đao phủ.

Tất nhiên tôi chưa biết là sẽ làm như thế nào. Bởi vì nơi tổ chức hai cuộc thuyết trình vừa rồi của tôi chắc chắn sẽ không làm việc ấy. Thậm chí buổi thuyết trình thứ ba vào tuần tới cũng sẽ không diễn ra ở đó. Tôi sẽ quay lại chuyện này sau, giờ tôi bận chuẩn bị cho buổi thuyết trình.)


Trái ngược với bất kỳ ai (có thể) tưởng, tôi là tín đồ của viết tay, giấy và bút. Mọi thứ gì quan trọng (mà tôi thấy là quan trọng), tôi đều viết tay. Tôi mất không biết bao nhiêu thời gian để lựa chọn loại bút có thể dùng - tôi gọi là bút cho nghịch cảnh. Dưới đây là toàn bộ phần viết của tôi để chuẩn bị cho buổi thuyết trình thứ hai tuần vừa qua.

Tôi không đảm bảo là có thể đọc được chữ viết của tôi: bản thân tôi cũng không bao giờ chắc là tôi đọc được chữ của tôi.
















Một ít ghi chép để chuẩn bị:



Hai cuốn sách gây cảm hứng đặc biệt lớn cho tôi để viết bài trên đây:



Marc Bloch, một sử gia rất chuyên nghiệp, rất "thuần túy", cùng cuốn sách trong hai ấn bản. Tôi sẽ còn quay trở lại với lịch sử của "trường phái" Annales mà Marc Bloch là một trong những yếu nhân ban đầu: không chỉ Bloch mà cả, và nhất là Lucien Febvre và cả Albert Demangeon.





Jean Starobinski: "Quan hệ phê bình" (tài liệu cho buổi thuyết trình thứ hai)
École de Genève (buổi thuyết trình thứ nhất)
Jean Rousset: Văn chương thời kỳ baroque ở Pháp
Georges Poulet: La Poésie éclatée. Baudelaire/Rimbaud
Về Barthes
Barthes, Flaubert, Proust
Một người lãng mạn (Heinrich Heine)
Gaston Bachelard: Nước và các giấc mơ
Hugo Friedrich: Cấu trúc thơ hiện đại
Gaston Bachelard: Không khí và mộng
Roger Caillois về Montesquieu
Roland Barthes: "Sociologie và socio-logique"
Leo Spitzer: Phong cách của Marcel Proust
Jean-Pierre Richard: Hiểu biết và dịu dàng ở Stendhal
Thơ Mới: cấu trúc
Sur Barthes (1)
Roland Barthes: "Michelet, Lịch Sử và Chết"
Roland Barthes: "Văn hóa và bi kịch"
Octavio Paz về André Breton
Jean Paulhan: Les Fleurs de Tarbes
George Steiner: Râu Xanh
Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Lý thuyết văn học và triết học
Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ
Nghiên cứu văn học: con đường lý thuyết
Nhìn lại lý thuyết


17 comments:

  1. Cảm ơn nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng. Vô tình được biết chuỗi thuyết trình của anh, em đã đến nghe buổi 2 và rất thú vị. Tuần tới chưa chắc đã lên được HN vì e ở tỉnh lẻ, nửa tháng mới lên Hà thành đọc tư liệu, nhưng sẽ theo dõi. Chúc anh luôn khỏe và tiếp tục đam mê nghiên cứu.

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng. Tình cờ được biết chuỗi thuyết trình của anh, em đã đến nghe buổi 2. Buổi 3 nếu tổ chức ngay tuần tới chắc em không dự được vì nửa tháng mới lên HN đọc tư liệu một lần. Nhưng e sẽ theo dõi. Chúc anh sức khỏe và tiếp tục đam mê trên con đường nghiên cứu văn chương của mình.

    ReplyDelete
  3. "phê bình tạo ra phức tạp" - không thể đúng hơn!
    từ điểm nhìn đó có hơn một "con đường", cho văn chương và do đó cho phê bình kháng cự những ngả "chiêu hồi".
    tuy nhiên, người ta có thể lầm lạc trong khi tránh tha hóa.

    ReplyDelete
  4. "tránh tha hoá"? nhưng tại sao lại tránh tha hoá? nếu thế thì đâu có khác tránh không khí, trong khi bổn phận "vẫn" là sống; đây chính là chỗ cho thấy thật ra làm gì có "ý chí" đấy, càng tránh càng gặp thôi

    ReplyDelete
  5. What's up colleagues, how is all, and what you wish for to say on the topic of this article, in my view its truly remarkable in support of me.

    ReplyDelete
  6. Rất nhiều người đang đề nghị sau buổi thứ năm tuần này cậu tiếp tục làm một loạt thuyết trình về lịch sử báo chí. Bạn Nhị Linh cân nhắc rồi đinh thời gian thuyết trình nhé :)

    ReplyDelete
  7. buổi thứ 3 tổ chức ở đâu ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Buổi thứ 3 sẽ tổ chức tại L' Indochina Coffee, 27 Lý Thái Tổ Hà Nội.

      Delete
    2. mấy giờ ạ? vì em search trên mạng không có thông tin. cảm ơn chị Quách Hiền.

      Delete
    3. Sorry, buổi thuyết trình bắt đầu lúc 9h sáng nhé.

      Delete
  8. tránh tha hóa là một trong những vận động biểu kiến rõ rệt nhất, vì tính duy tâm cố hữu và tính hai mặt hiểm trở của tất cả các "ma nớp" - haha một bài mới học lại ở César Birotteau.

    ReplyDelete
  9. vậy thì lại phải quay sang Nietzsche, Nietzsche bảo "người tốt là bọn đê tiện" (đấy là vì cứ cố "tránh tha hoá" đấy), biểu hiện ở xã hội Việt Nam hiện nay của điều đó là "phong trào người tử tế" do các nhà báo và đám nouveau riche khởi xướng, xuất phát từ mặc cảm

    điều này rất liên quan đến chủ đề cuộc thuyết trình thứ ba: Nerval lội qua địa ngục

    cũng như hai buổi trước: bắt đầu lúc 9 giờ sáng

    ReplyDelete
  10. "Cái muốn - le vouloir - dường như cũng chỉ ở đó để che chắn cho một cái gì đó khác;" như Jung bảo "Mọi thứ từ vô thức đều tìm kiếm cái biểu lộ (nó) ra bên ngoài,". nhưng tất nhiên, "một cái gì đó khác" hẳn là nằm về phía chân trời của Hiện tượng luận. và theo hướng này, phải chăng nên nhìn thấy ở trình thức "phá cấu trúc" một sự tra xét việc hình thức hóa mà đã tạo ra cái biểu nghĩa?

    ReplyDelete
  11. nhà nghiên cứu nhận ra đối tượng đồng thời nhận ra trung gian intellect tối cao không ngừng áp đặt hình thức cho vật chất; từ chối giả định chủ thể siêu vượt, sự nhận ra đúng không gì khác là sự bắt chước hoạt động cấu trúc của huyền thoại (độ hai), bản thân nó  (ở độ ba) biểu hiện hoạt động tự suy nghĩ bất tận của huyền thoại và như thế có cơ may gây nên được hồi ứng tinh thần nơi một độc giả nào đó mở đầu bằng sự choáng váng của ấn tượng vực thẳm

    ReplyDelete
  12. ngay trên đây là cái comment thứ 20.000 tròn

    ReplyDelete
  13. gặp lại mùa đông (again, again, again)

    Tự Lực Văn Đoàn: 2015 -> đoạn cuối của Khái Hưng: 4/1/2017
    École de Genève: 2018
    Tờ báo, quyển tạp chí, cuốn sách: 2019

    tức là, tuy dồi dào như thế nhưng đã chẳng có một cái gì thừa; và chẳng gì quan trọng bị mất đi; tất cả đã ở đó - gói lại, để chờ được tìm ra

    ReplyDelete