Dec 2, 2017

Hạnh phúc và săn hạnh phúc

Tôi từng đọc, trong một cuốn sách bằng tiếng Việt, một chương về "trường phái Genève" trong phê bình văn học. Tôi cũng từng đọc, và cũng trong tiếng Việt, một nhà biên khảo hải ngoại viết về đúng "trường phái Genève". Giữa hai cái đó có thể có một số khác biệt, nhưng tuyệt đối giống nhau ở chỗ: cả hai tác giả viết về "trường phái Genève" nhưng chưa bao giờ đọc cái gì của "trường phái Genève".

Các nhà nghiên cứu văn học trong nước và các nhà biên khảo hải ngoại giống nhau hơn mức người ta có thể tưởng. Rất thường, họ viết về một cái gì đó chỉ vì đúng một lý do: để không đọc chính cái đó. (Rất đông đảo nhà nghiên cứu không đọc gì khác ngoài dạng sách "introduction", nhưng sách "introduction" trong nghiên cứu, mọi ngành nghiên cứu, tuyệt đối tương đương với dạng sách "abc xyz for dummies".)

Rất nhiều người trở thành nhà nghiên cứu (và cả giảng dạy) văn học chính là để không đọc văn chương. Hoàn toàn tương tự: rất nhiều người trở thành nhà xuất bản in ra sách chính là để không bao giờ đọc sách. Đây là nghịch lý của hoạt động nghiên cứu văn học, có lẽ chính là một điểm rất quan trọng trong cơ chế vận hành của cái mà người ta cứ hay gọi là "khoa học", nhưng tôi nghĩ càng ngày càng giống với tôn giáo: do một sự mỉa mai nào đó của lịch sử, khoa học càng ngày càng xích lại với tôn giáo, đến mức rất nhiều khi, lúc người ta nói đến "duy lý" thì không có gì khác ở bên dưới ngoài sự mê tín, và cũng rất nhiều khi, "khai phóng" hay "khai minh" lại muốn nói "obscurantism". Một cơ chế đảo ngược rất sơ đẳng - còn kém cả tôn giáo vì không huyền bí cho lắm. Điều này dường như diễn ra (đang diễn ra) trong hoạt động khoa học nói chung, và trên phạm vi toàn cầu (toàn cầu hóa là một bệnh dịch, trước hết, nhưng lại không hề được coi là một bệnh dịch).

Chẳng hạn, một nhà nghiên cứu văn học thâm niên lớn, một "nhà lý luận", không thể viết một bài hết sức đơn giản bình luận một cuốn sách mới. Đơn giản là họ không có khả năng làm điều đó. Có nhà nghiên cứu cả đời nói toàn những phạm trù và nguyên lý, ta bỗng tò mò tự hỏi nếu nhà nghiên cứu ấy viết về một cuốn sách cụ thể, hay về một nhà văn cụ thể, thì sẽ như thế nào. Bỗng có ngày người ấy viết về một nhà văn thật (Nguyễn Tuân, ta cứ giả dụ như vậy). Đọc xong thì ta nghĩ, đúng là nhà nghiên cứu đó chỉ nên lúc nào cũng "lý luận".

Quay trở lại với "trường phái Genève": các nhân vật phê bình ở đây hết sức quan trọng, họ làm thay đổi phê bình và nghiên cứu văn học ở mức độ rất sâu sắc (một trong những người sớm nhất: Albert Béguin, xem ở kia). Những "nhân vật chính" (chừng chục người, trải qua nhiều chục năm), mỗi người lại là một hành tinh riêng biệt, độc đáo và riêng biệt. Jean-Pierre Richard xuất bản Littérature et Sensation năm 1954 (xem thêm ở kia). Cuốn sách chủ yếu bàn về Stendhal, Flaubert nhưng cũng có thêm phần về Fromentin và anh em Goncourt. Dưới đây là phần về Stendhal.

"Trường phái Genève" có khởi nguyên là một nhà phê bình văn học rất nổi tiếng: Albert Thibaudet. A, nhưng Thibaudet ở Việt Nam cũng chính là một trường hợp rất đáng nói. Thibaudet cũng được nhắc đến ở đây, nhưng giống hệt "Trường phái Genève", những người nhắc đến Thibaudet lại chưa bao giờ đọc Thibaudet, cũng hoàn toàn tương tự như Gaston Bachelard và, thêm một nhân vật thứ ba: Sainte-Beuve, tất nhiên.




Hiểu biết và dịu dàng ở Stendhal


Xuyên suốt mọi cuộc đời của ông, cả những cuộc đời thực lẫn tưởng tượng [ở Stendhal “cuộc đời tưởng tượng” là một yếu tố rất lớn; chúng ta sẽ sớm đề cập], và ở mọi mức của kinh nghiệm nơi ông, Stendhal đều hiện ra như nhân đôi: tinh thần sáng suốt và logic, muốn đến được với cái đúng qua các ngả đường, ngay những đường khổ ải nhất, của phân tích; nhưng cũng lại là người mơ mộng nhiều huyễn tưởng, người tình say mê, ở mỗi nguyên cớ nhỏ nhặt nhất bị cuốn vào nỗi sầu muộn tiểu thuyết và trí tưởng tượng của hạnh phúc. Thậm chí người ta thấy, rất thường, “ở sự kết hợp rất hiếm của nhiệt hứng và sự sáng suốt” [chú thích trong sách: “M. Blanchot, Faux-pas”; cuốn sách của Maurice Blanchot mà Richard trích dẫn này rất quan trọng, ta sẽ sớm đến với nó, nhất là ở thời điểm Blanchot bình luận Georges Bataille], sự quyến rũ đầu tiên của ông, vẻ độc đáo chính yếu của ông. Nhưng nhìn chung người ta chẳng làm gì khác ngoài bỏ mặc Stendhal lại cho thứ nhị nguyên đó, không quá chú tâm đến việc miêu tả các thái độ cụ thể giữa chúng ông bị co kéo, cũng như đến cái công thức theo đó hai khuynh hướng thù địch nhau của ông có thể hội lại với nhau. Chính ngược lại, chỉ ra sự chung sống của những chuyển động ngược hướng này và khám phá đâu có thể là những quá độ từ cái này qua cái kia, là điều mà nghiên cứu này hướng tới. Nó đã cố công tìm lại, trong mọi lĩnh vực mà kinh nghiệm Stendhal từng đi qua, sự hiện diện và sự trộn lẫn của hai khí hậu cốt yếu, khô cằndịu, lời gọi của hai nguyên lý trọng tâm, xác quyết và không phân biệt, giữa đó tác phẩm của ông và cả cuộc đời của ông nữa dường như bị giằng xé.


1

Mọi thứ khởi đầu bằng cảm giác [sensation: Richard xuất hiện một cách rực rỡ với tư cách nhà phê bình văn học nhờ chính điều này; Roland Barthes bình luận Richard ngay lập tức]. Không một ý niệm bẩm sinh nào, không một giác quan thầm kín nào, không một ý thức đạo đức nào tồn tại từ trước trong hữu thể trước cuộc a la xô của các vật. Nhân vật [chính] của Stendhal nhô người dậy trước thế giới cũng đơn sơ, cũng không vướng chút định kiến nào giống như con người đầu tiên vào buổi sáng của sáng tạo. Quả thật, Stendhal nhận từ thế kỷ 18 hình ảnh về một nhân vật trinh trắng và trần truồng mà chỉ độc kinh nghiệm của anh ta dần dà dạy dỗ cho. Julien [Sorel: Le Rouge et le Noir] ở trường dòng, Fabrice [del Dongo: La Chartreuse de Parme] tại Waterloo cũng là là những người thơ ngây; xứng danh những đứa con do người Huron của Voltaire hoặc người Persan [Lettres persanes: “Ba Tư” và không hẳn Ba Tư] của Montesquieu sinh ra, họ tự lập dựng nhờ các cảm giác, để mặc cho chúng dẫn dắt đi tới hiểu biết các vật và tới ý thức về chính họ. Nhưng, và điều này phân biệt họ một cách sâu sắc với các đàn anh của họ, họ không vừa lòng với việc thụ động chờ đợi kinh nghiệm tự đến: họ tiến đến với nó, thậm chí nếu cần họ còn khiêu khích nó. Vốn dĩ là con người của kỷ nguyên Napoléon, môn đệ của Maine de Biran [càng ngày càng thấy rõ cần rất sớm nói đến Biran, có lẽ sẽ thông qua Merleau-Ponty], Stendhal đã học được các phẩm hạnh của nỗ lực và hành động. Và trước các nhân vật của ông cuộc đời trải rộng như một truông rậm đầy nồng nàn mà vấn đề sẽ nằm ở chỗ cần phải vạt lấy con đường khoái thú nhất để băng qua. Đối với họ hạnh phúc thì không đợi, như trong thuyết Épicure cổ xưa [épicurisme không phải “khoái lạc chủ nghĩa”]: phải săn nó và phải ép buộc nó. Cảm giác chính là một con mồi, vừa là món quà của một tình cờ vừa là phần thưởng cho một lòng can đảm. Khi ấy cuộc săn hạnh phúc có thể dẫn đến thành công là vài giây phút hoàn hảo, mà nội dung mang tính chất giác quan đủ để tóm tắt và biện minh cho một cuộc đời.

Stendhal có biết đến các giây phút như vậy. Rất ít, chắc chắn; nhưng cũng đủ nhiều để mà xung quanh chúng, giống như là xung quanh vài đỉnh núi cô lẻ, toàn bộ phong cảnh cuộc đời ông có thể tụ lại và được sắp đặt. Chủ nhật 24 Thermidor [lịch của Cách Mạng 1789], cái ngày, “sau khi lần đầu tiên dùng tinh dầu cúc xa và hoa cam”, Stendhal khám phá “những ý nghĩ khởi đầu cho quyển sổ với chủ định chắc chắn” - ngày Chủ nhật ở Claix khi ông viết được những câu thơ hay đầu tiên - pháo hoa ở chỗ Frascati, đầu của Adèle ngả trên vai ông - đọc Nàng Héloïse mới [Rousseau] phía trên nhà thờ Rolle - buổi thử giọng đầu tiên, tại một thành phố nhỏ nước Ý vở Matrimonio Segreto, tiếng hát của một nữ diễn viên móm răng một cách tuyệt diệu… mọi tín đồ của Stendhal đều biết và thờ phụng những phút quý giá ấy, nơi sự tình cờ bên ngoài đã đến, đầy chuẩn xác, để lấp đầy đòi hỏi của tâm hồn. Bản thân Stendhal cũng dành cho chúng một sự ngưỡng vọng vô biên, và cho đến ngày cuối cùng ông vẫn cố lưu giữ dấu vết của chúng.

Nhưng đây cũng lại chính là một trong những nghịch lý lớn của Stendhal, một con người gắn liền theo đường lối say mê đến thế với cuộc truy đuổi hạnh phúc xét cho cùng lại phải tự thú nhận là mình gần như bất lực trong việc miêu tả dẫu chỉ rõ rệt một chút cho chính anh ta các sắc thái đa dạng của niềm hạnh phúc này, và thậm chí là giữ được về chúng một hình ảnh rõ nét trong anh ta. Bởi hạnh phúc thì có thể được nhìn thấy hoặc được nhìn thấy lại, nhưng không thể kể; bản thân sự mãnh liệt của cuộc tóm bắt nó cũng ngăn cản nhìn nó và biết nó. “Người ta không thể trông thấy, Stendhal viết, phần của bầu trời quá gần với mặt trời [chú thích trong sách: “Vie d’Henri Brulard”].” Người ta lại càng không thể chiêm ngưỡng chính mặt trời: như vậy để nói rằng hạnh phúc, “hạnh phúc hoàn hảo, được nếm trải đầy khoái thú và mãi mà không thỏa, bởi một tâm hồn nhạy cảm cho đến tận kỳ hư vô hóa và tận sự điên”, là một nhiệt hứng chói lòa. Và khi giây phút sung sướng đã kết thúc, khi tâm hồn nhạy cảm quay trở lại từ sự điên của nó và tái sinh đối với chính nó, nó chỉ còn có thể tìm thấy ở trong nó một kỷ niệm rối bời về cái trạng thái ngây ngất kia, thế mà nó đã đắm chìm hoàn toàn vào trong đó.

Nhưng sự rối mù này không thể khiến Stendhal thỏa mãn. Nhằm làm đầy tâm hồn ông cuộc săn hạnh phúc hẳn không được phép loại bỏ hiểu biết về hạnh phúc. Vậy nên ông sẽ toan tính tìm lại tất tật những khoảnh khắc dường như đã mất ấy, và tái chinh phục, vượt qua sự không rõ ràng, các hạnh phúc quá mạnh mẽ, các cảm giác quá mơ hồ ấy. Kinh nghiệm của ông khởi đầu bằng nhiệt hứng, nhưng công trình sáng suốt của ông lại nhằm định hình nhiệt hứng này, nhận biết nó, rồi lập ra giữa các cao điểm bừng cháy của cuộc đời ông một sự liên tục của tình cảm tại đó ý thức ông không bị đe dọa. Để làm được như thế ông cần, không phải cảm thấy nữa, mà là tri nhận: và chống lại Rousseau, bậc thầy vĩ đại của những tâm hồn nhạy cảm [“tâm hồn nhạy cảm” là cụm từ gắn liền với Stendhal, như ta thấy ở Một gánh xiếc qua của Modiano, chẳng hạn], Stendhal sẽ cất lời gọi hướng tới các giáo sư về suy nghĩ, tức là các nhà Ý Luận [nhất là Destutt de Tracy].

“Chừng nào tôi còn chưa vạch rõ được các giới hạn của một sự thật, còn chưa tính tổng được cho nó, chừng đó nó mới chỉ được khám phá một nửa… Đó là một đường mà tôi những muốn nhận biết, mà tôi không có hướng. Bằng cách vạch các giới hạn tôi sẽ tránh cho tôi khỏi sự thật bị vận dụng kém cỏi, nguồn lớn cho các sai lầm. T’is true [chú thích trong sách: “Filosofia Nova”]”.

Đó chính là chuyển động đầu tiên của tái chinh phục. Muốn sở hữu được cái đúng thì phải định nghĩa nó [tức là “trục quỷ cho nó”], nghĩa là vạch ra các giới hạn của nó. Vì thiếu một contour [“contour”: thêm một điều gắn liền với Stendhal] bao viền lấy nó, sự thật lạc đi và tan mất: nói tóm lại hiểu biết thì định hình [chú thích trong sách, Richard trích dẫn Tracy: “Hẳn như vậy anh ta sẽ không thực sự nhận biết, trong cái nghĩa mà chúng ta gắn vào cho từ nhận biết, nó luôn luôn chứa đựng ý tưởng về định hình và sự đặc thù.” Éléments d’Idéologie, IV, p. 71]. Chính bằng cách gỡ các cảm giác, ý tưởng hoặc tình cảm khỏi sự rối mù nơi kinh nghiệm tức thì trao cho nó, ý thức mới thực sự nâng được chúng lên mức tồn tại. Đối với nó chỉ tồn tại cái rõ, chỉ là rõ cái nét, và chỉ nét những gì mà một đường bọc lấy, xác nhận. Như vậy thế giới sẽ tự phân nhỏ ra; trong cái khối hỗn độn lúc ban đầu sẽ xuất hiện các phần tách rời; và những mẩu ấy sẽ sống ở bên cạnh nhau, được đặt cạnh nhau, giới hạn vào với nhau, nhốt kín vào với nhau. Trong một thế giới của tuôn trào và của hào phóng thuần túy sự phân tích nhằm đến chuyện thiết lập một quy tắc mới, quy tắc của quant à soi [liên quan đến “soi”, chính mình, và liên quan đến “égotisme” rất đặc trưng của Stendhal].

Nhưng làm thế nào để áp dụng chương trình này? Làm thế nào định hình một tuôn trào thuần túy, tạo viền cho một chói lòa? Chẳng phải bản chất của hạnh phúc thì thách thức cái nhìn, cự tuyệt trước mọi phân tích? Chắc chắn rồi, Stendhal đáp, nhưng chúng ta vẫn còn phương cách định nghĩa nó một cách gián tiếp, nhờ sự miêu tả các cảm giác ở lân cận với nó hoặc những cảm giác nơi chúng vắng mặt. “Hẳn tôi sẽ chỉ có thể, tôi thấy vậy, ông viết trong Henri Brulard, họa ra cái hạnh phúc tươi tắn, thuần khiết, mát lành, thần thánh kia, bằng cách liệt kê những đau khổ và nỗi buồn chán nơi nó chính là sự vắng mặt hoàn toàn.” Như vậy mặt bên kia của mặt nạ miêu tả theo cách riêng của nó khuôn mặt dùng làm khuôn cho nó. Chính ở đây có sự trống rỗng được giao nhiệm vụ gợi ý sự tràn đầy, bóng tối thì gọi ánh sáng. Các họa sĩ, Stendhal nói ở chỗ khác, cũng không làm gì khác: “họa sĩ không có mặt trời trên palette của anh ta”, nhưng anh ta có thể gợi ý cảm giác về sự sáng hoặc bằng cách ép buộc các phần tối - và đó là clair-obscur - hoặc bởi việc sử dụng ton général, phết đều lên toàn thể bức tranh của anh ta một ánh sáng đồng phục và khuếch tán. Và bản thân Stendhal thì không mấy hào hứng với clair-obscur văn chương: thật là một “cách thức đáng buồn, chắc chắn rồi, để miêu tả hạnh phúc”, dịch nó ra thành các từ như đau đớn hoặc buồn chán. Trong Henri Brulard, chẳng hạn, trước “nỗi khó nhọc, nuối tiếc sâu sắc vì họa kém và do đó làm hỏng đi một kỷ niệm thần linh”, ông chọn cách bỏ nó đi và im lặng. Nhưng La Chartreuse thành công ở chỗ Henri Brulard từng thất bại; và dường như thành công này nhờ rất nhiều vào việc Stendhal dùng lại ở đó, chuyển dịch vào đó cái thủ pháp ton général mà ông vay mượn từ các họa sĩ lớn nhất. Trên tổng thể cuốn tiểu thuyết của ông quả thật ông khiến cho bồng bềnh một bầu không khí của hạnh phúc, một tấm voan niềm vui thật nhẹ và nhiều chất thơ, chúng dễ dàng trả lại những niềm vui cao nhất, gần như có thể hiểu được ngay tức thì. Sự xuất thần của hạnh phúc ở đây như thể là thành phần của kinh nghiệm thân thuộc nhất; thành thử trong lúc vẫn giữ được ở đó toàn bộ sức quyến rũ của nó, hạnh phúc thôi không còn hiện ra ở đó dưới hình thức chói lọi hoặc chóng mặt.

Nhưng lại có những chóng mặt khác. Khi sự thật đã được viền hoặc được thuần hóa, vẫn còn lại việc phải làm là ngăn nó trượt đi và mất hút vào chuyển động bên trong, thứ không ngừng đề xuất với tinh thần các sự thật mới. “Cũng như trong ý luận, vào mỗi giây phút cần phải biết giữ lấy trí năng của chúng ta, nó cứ chăm chăm muốn chạy; cũng vậy, trong lý thuyết nghệ thuật, cần phải giữ lấy tâm hồn, nó cứ không ngừng muốn tận hưởng, chứ không phải xem xét [chú thích trong sách: “Vie de Rossini”; Stendhal là môn đệ của Maine de Biran về “ấn tượng”, lý thuyết của Biran lại thoát thai từ Locke và nhất là Condorcet, và Stendhal cũng là môn đệ của Destutt de Tracy, về “ý luận”, idéologie]”. Toàn bộ Stendhal nằm cả trong nỗi sốt ruột thần thánh này; và những cơn say trí năng của ông không khác mấy so với sự phun trào các ham muốn của ông. Ông luôn luôn muốn đi nhanh hơn, vượt qua, đốt cháy sự thật giành được nhằm lao đến với sự thật mới. “Tâm hồn tôi, ông viết, là một ngọn lửa, nó đau khổ nếu không được cháy. Tôi cần ba hoặc bốn bộ vuông ý tưởng mới mỗi ngày [chú thích trong sách: “Correspondance”, tức là thư từ]”. Và dưới ngọn lửa của nhiệt hứng này không một suy nghĩ nào có đủ thời gian để thành hình, để cư ngụ được ở trong ông. Các ý tưởng của ông vừa mới chỉ được phác họa thì những ý tưởng mới đã đẩy chúng đi và chiếm chỗ của chúng. Toàn bộ suy nghĩ ở ông nằm lại ở trạng thái sinh thành, bị kết án phải mãi thiếu niên: ông chẳng hề để cho suy nghĩ nào đủ thời gian để phát triển, trưởng thành, trở nên nhàm. Cuộc sống của tinh thần, cả nó nữa, “được tạo nên từ những buổi sớm mai”.

Tuy nhiên rất quan trọng cái việc làm chủ tất tật những vọt lên kia: trong một thế giới của các thực tại trào khỏi bờ hoặc mãi liến thoắng sự phân tích nhằm đến việc tái lập một trật tự, một sự bất động. Và chính vì thế nó có công cụ đầu tiên là ngôn ngữ. Stendhal, theo chân các nhà ý luận, tin vào các từ: ông nhìn thấy nơi chúng những rào ngăn cho khỏi ngã, các phương cách cố định và xác định sự vô định hình. Ngày 24 tháng Giêng năm 1806, chẳng hạn, ông mơ đến sự hoàn hảo mà ông hẳn sẽ đạt tới trong vòng mười năm nữa, chừng nào ông làm chủ được hoàn toàn phong cách của ông, chừng nào, ông viết

“mình đã có được thói quen nhìn các cây cột đánh dấu những sự thật, hoặc giả, đây là phương tiện cho điều đó, không để cho mình bị lôi kéo bởitrí tưởng tượng của mình, và buộc một nghĩa thường hằng và xác định vào mỗi từ trong số những từ diễn đạt một sắc thái trong các tính cách [chú thích trong sách: Journal”, tức là Nhật ký]”

Và “sự thường hằng” này đối với ông sẽ được đảm bảo thông qua một nghiên cứu dài lâu, nó “hẳn phải hướng đến việc nhận biết và xác định “nghĩa các từ”. “Trước khi họa ra một tính cách” sẽ cần, chẳng hạn, “xác định một cách hoàn toàn “tính cách ấy…, nghĩa là từ định danh nó. Như vậy, trước khi tạo ra kẻ phù phiếm, miêu tả một cách hoàn toàn, trong vòng nửa trang, sự phù phiếm nghĩa là gì, phân tách tuyệt đối với các hành động muốn nói lên lòng kiêu hãnh [chú thích trong sách: “Molière, Shakespeare”]”. Như vậy từ chỉ có thể phân giới sự thật với điều kiện bản thân nó cũng đã được xác định ranh giới từ trước. Phân tích sẽ giữ vai trò cố định ngôn ngữ nhằm có thể chọn lọc các tình cảm tốt hơn; như vậy cái trừu tượng đi trước cái cụ thể, và Stendhal trẻ tuổi, trước khi lao vào thế giới, thực hiện công việc tự tạo ra cho mình một tự vị [chú thích trong sách: “Một tình cảm cho mỗi từ, nhưng cả chuyện một từ duy nhất cho mỗi tình cảm nữa: chắc hẳn đó là nguyên lý lớn điều khiển việc tạo ra tự vị lý tưởng. Hết sức logic, do đó Stendhal rất ghét sự phong phú giả hiệu của các từ đồng nghĩa: “Chẳng gì gây nhiều ghê tởm trong việc học một thứ tiếng hơn so với sự nhiều xấu xa của các từ đồng nghĩa. Tôi gọi là sự nhiều xấu xa cái sự nhiều của các từ đồng nghĩa, những từ có cùng nghĩa một cách chuẩn xác. Đám mô phạm gọi đó là sự phong phú của ngôn ngữ. Một tự vị được tạo ra thật tốt sẽ giúp ta thoát khỏi sự phong phú tệ hại kia…” Và, nếu coi là các từ đồng nghĩa những từ tương ứng của nhiều phương ngữ hoặc nhiều ngoại ngữ, ta có thể hình dung một sự đơn giản hóa có tính chất tổng thể, nó, bằng cách loại trừ mọi từ tương đương, chỉ để lại một, hẳn sẽ tạo ra được một ngôn ngữ phổ quát. “Như thế thanh niên sẽ thấy bớt khó khăn hơn khi học tiếng Ý, và dần dà các phương ngữ sẽ rơi rụng đi.” Mélanges de Littérature]. Khi công việc này đã hoàn thành, sẽ chẳng còn phải e ngại sự rối bời nào nữa: vì không sự mù mờ nào còn có thể len lỏi vào giữa tình cảm và biểu đạt, cái thực sẽ, một cách chuẩn xác, làm đầy những khung rỗng của ngôn ngữ, và hiểu biết về thế giới sẽ trở nên bài tập phong cách. Quả thật tòa công trình của ý luận sẽ phải thành tựu và choàng vương miện lên ngữ pháp.

Dẫu cụ thể tới đâu, trong các định nghĩa và quy tắc, mà thứ tu từ học này muốn đạt đến, thì nó vẫn thiếu hụt trong việc cố định và tóm tắt những kết quả của nó thành các ký hiệu tuyệt đối không chuyển động: đơn vị đo lường và số. Một biểu nghĩa có thể thay đổi, nhưng một công thức thì bất biến. Và Stendhal thích toán học đến vậy là bởi từ rất sớm ông đã nhận ra ở nó một quyền năng gây bất động, một niềm say mê chuẩn xác, thứ đặt nó [toán học] nơi thang bậc của sự nghiêm ngặt bên trên hẳn so với mọi sáng tạo khác của con người. Ông thích nó hoàn toàn không phải bởi quyền năng của nó trong suy luận và liên kết, chuyển động không thể lay động của nó, mà hoàn toàn ngược lại, vì sự cố định mà công thức và định lý của nó áp đặt lên các thực tại xét về tự nhiên là không ổn định. Quả thật khi đã được định nghĩa một cách toán học, đường thẳng không còn có thể uốn éo, bung ra, phản bội nữa. Người ta có thể ngơi nghỉ trên sự chắc chắn vĩnh cửu của nó. Như vậy toán là con đường hoàng đạo của tinh thần, và vận dụng nó, người ta chắc chắn luôn luôn đi thẳng, không bao giờ phải đỏ mặt xấu hổ vì bản thân. Chính vì thế mà các nhà toán học trong các tiểu thuyết của Stendhal thường song song phát triển suy tư chắc chắn và sự nghiêm ngặt về mặt đạo đức. Và chắc hẳn ở chiều ngược lại họ không hề được phú cho khả năng uốn éo của tinh thần và những cách thức giúp có được các thành công vang dội trong xã hội; thậm chí đôi khi sự không khoan nhượng của họ còn có dáng dấp không mấy trang nhã, và cứng [có thể nói rằng ngày nay toán học chính là thứ tha hóa ghê rợn hơn cả]. Nhưng Stendhal không ngừng yêu quý họ và ngưỡng mộ họ; chưa bao giờ ông từ chối việc tự coi mình thuộc về họ. Chẳng hạn ông đòi “một loạt phương trình cho hình ảnh nhìn nghiêng của Apollon [chú thích trong sách: “Marginalia”]”; hoặc giả ông nhìn thấy “trong bức họa đúng, thông thái, bắt chước cổ đại theo cách hiểu của David một khoa học chính xác có cùng bản tính với số học, hình học, lượng giác [chú thích trong sách: “Mélanges d’Art”]”. Ông rất thích các ghi chép được số hóa, những sơ đồ nho nhỏ minh họa cho cuộc sống của các tình cảm, những đường cong và biểu đồ tóm tắt tiến triển của các dục vọng. Nói ngắn gọn, toán học sáng rực trên bầu trời của Beyle [cho ai còn chưa biết: Stendhal có tên thật là Henri Beyle; bút danh Stendhal xuất phát từ một địa danh ở Đức, thêm chữ “h”] như một mẫu hình thuần túy, không gì sánh ngang cho nổi.

Quay trở xuống dưới đất, con người [của] Stendhal hướng đến khoa học pháp lý, đến luật pháp nhằm làm dịu nhu cầu về sự nghiêm ngặt. Bởi vì luật pháp đặt quy định cho các mối quan hệ con người. Tình yêu mà Stendhal dành cho Code Civil [Bộ luật Dân sự] đã quá nổi tiếng: nhưng làm cách nào mà tin được rằng sở thích này chỉ có tính chất phong cách? Chẳng phải sẽ đúng hơn nếu nghĩ rằng Stendhal yêu quý Code đơn giản vì Code thì codifiait [bộ luật thì mã hóa/định luật]? Luật [loi] chính là, cả nó nữa, một bộ máy nhằm bất động hóa, một cỗ máy định nghĩa. Nó giải quyết; quanh nó không tồn tại một cái lề nào; người ta bình luận nó nhưng người ta không xoay nó đi; người ta ở trong luật, hoặc ngoài vòng luật; và không phải tinh thần, mà chữ, thì quyết định. Về quyền năng gò ép này của công thức, được viết ra hoặc được tuyên thệ, tiểu thuyết Stendhal cung cấp các ví dụ rất kỳ lạ. Clélia hết lòng phụng sự bóng tối. Và lầm lỗi lớn của bá tước Mosca nằm ở chỗ đã nhảy cóc không viết, khi hoàng thân đọc cho chép, cụm từ “trình tự tố tụng bất công”, thứ hẳn sẽ ràng buộc nhà vua và cứu mạng Fabrice. Đấy là bởi công thức được chấp nhận thì gây bó buộc, dẫu người ta có quyền năng phớt lờ nó đi.

Cũng như toán học định nghĩa cái đúng, luật pháp gắng sức thúc đẩy cái công chính: nhưng nỗ lực này thường vô ích. Bởi nếu hình học không bao giờ có thể tạo ra nhầm lẫn, thì luật chấp nhận quá thường việc phụng sự và vinh danh sự bất công: để làm điều đó chỉ cần án quyết can thiệp sau đó, chứ không phải trước đó nữa, vào hành động võ đoán. Ngược lại với toán, thứ luôn luôn tiên nghiệm, nó chỉ làm một việc là hợp thức hóa về sau một hành vi phạm tội, xác nhận một sự đã rồi, trừng phạt một hành động mà nó đã không có đủ khôn ngoan lẫn quyền năng để ngăn cấm. Nó trở thành một công cụ giản đơn phục vụ cho những kẻ mạnh nhất và, đối với đám đông đảo con người, một bộ máy dùng để áp bức và bó buộc. Vậy nên, trong La Chartreuse, Rassi dùng các hình thức luật định để bao lấy những trò khốn tệ hại nhất của các ông chủ hắn; tài khéo về tố tụng của hắn biết cách chuyển hóa thành các quy tắc những phăng te zi lầm lạc nhất của họ. Vốn dĩ là công cụ của sự lệ thuộc, giờ đây luật còn là thanh ba ri e ngăn cản tự do cá nhân; nó miêu tả các giới hạn vượt quá đó mọi vi phạm đều khiến dẫn tới trừng phạt; nói ngắn gọn, bởi nó mà bị nhốt vào trong một mạng lưới các nội quy và cấm đoán, con người thấy mình bị lôi đến một điều kiện khốn cùng và bấp bênh. Họ chỉ còn là các tù nhân tiềm năng. Và nhờ một biểu tượng khá đúng mà công quốc Parme sống trong bóng Tháp Farnèse.

Tất nhiên vẫn còn lại giải pháp nổi dậy, chạy trốn; từ chối nội quy hoặc nhảy qua tường. Fabrice trượt theo sợi dây và Julien khiêu khích các thẩm phán của mình. Cả hai đều biết tới niềm vui của cự tuyệt và được khẳng định trong mắt con người rằng kể từ nay họ lấy được từ chính những kẻ đó luật của chính những kẻ đó. Như vậy, ở giữa trung tâm *liberal luận* của Stendhal cám dỗ vô chính phủ khiến cân bằng cám dỗ pháp lý. Và Stendhal thì mơ đến những thời kỳ đẹp đẽ xưa kia, khi mỗi tâm hồn cương nghị nắm lấy trong tay số phận của chính mình. Nhưng vương quyền của những kẻ bất khuất rất thường thành tựu trong những mất trật tự tệ nhất; và Stendhal sẽ sớm phát hiện ra rằng hình thức hiện đại đích thực duy nhất của sự bất khuất chính là đạo đức giả. Julien, Fabrice bèn cố gắng tự che giấu, tự tạo ra cho mình nhà tù của chính mình nhằm thoát khỏi các nhà giam của xã hội. Họ chơi trò chơi của pháp chế, nhưng là một thứ pháp chế mà họ đã nhận ra sự võ đoán: bởi vì giới hạn pháp lý, còn xa mới xuất lộ như contour toán học có được sau một suy luận đúng, chẳng làm được gì mấy ngoài dịch ra một trạng thái thực tế, phủ lên một đường ranh giới xã hội. Ngay từ đó, tại sao lại không thử vượt ranh giới này? Nhìn vào tổng thể những thứ lực mà luật pháp trừng trị, nếm trải chúng, khiến chúng vận hành có lợi cho mình, kết hợp sự nghiêm ngặt của toán học với thứ vô sỉ pháp lý, đó sẽ là nghệ thuật của chính trị hoàn hảo.

Như vậy, chính trị cũng khởi đầu từ một phân tích: nó là một bài tập của sự sáng suốt. “Cái mơ hồ giết chết chính trị [chú thích trong sách: “Mélanges Intimes”]”. Sự chính xác, thực tại luận [réalisme], sự khô cằn, đó là những thứ cần phải trở nên các phẩm hạnh đầu tiên của con người nhiều tham vọng. Do đó ở đây chẳng gì phân biệt hoạt động thực tế với chức năng suy tư:

“Để trở thành triết gia giỏi, cần phải khô, sáng, không ảo tưởng. Một chủ ngân hàng đã kiếm được gia tài có một phần tính cách tối cần để có thể có những khám phá trong triết học, tức là, nhìn thật sáng sủa mọi thứ; điều này hơi khác so với nói năng thật hùng biện về các huyễn tưởng xuất chúng [chú thích trong sách: “Mélanges de Littérature”]”.

Thế nên ông Leuwen bố [a, tôi đã dịch được khá nhiều Lucien Leuwen từ cách đây hơn chục năm, chắc phải tìm lại xem có dùng được không và dịch nốt cuốn tiểu thuyết đặc biệt nhất của Stendhal này] chuyển từ Ngân Hàng sang Nghị Viện hoặc cuộc sống xã hội thượng lưu với thành công y như nhau: các triệu [tiền] không kháng cự trước ông nhiều hơn so với những con người. Ở đây hay tại đó, cùng các phương pháp đều đảm bảo cho ông một thành công y như nhau. Ngược với Balzac [pha so sánh này rất hay], người tin vào sự đặc thù của các hoạt động khác nhau và rằng mỗi hoạt động đòi một kỹ thuật riêng biệt, Stendhal lại đặt lòng tin vào giá trị phổ quát và được kiểm chứng ở khắp mọi nơi của sự phân tích. Bởi vì trái tim con người thì không biến đổi [chú thích trong sách: “Bước đi của tinh thần con người”, Destutt de Tracy đã nói, “luôn luôn vẫn thế trong mọi nhánh hiểu biết của anh ta… và sự chắc chắn trong những đánh giá của anh ta luôn luôn có cùng bản tính, và luôn luôn có các nguyên nhân tương tự…” Traité d’Idéologie]. Khi đã nhận ra cơ chế của vài dục vọng lớn chi phối hành động của con người, nhà ý luận học nghề có thể tin mình là chủ nhân của tất tật hoàn cảnh có thể có. Anh ta giải mã bí ẩn của các hành xử, xâm nhập bí mật các trái tim; là chủ ngân hàng, tình nhân hay thủ tướng, thì anh ta cũng được hưởng một sự sáng suốt ngang bằng, nó cho phép anh ta chiến thắng trong mọi chỗ. Bởi vì “chừng nào đã bị khám phá các môtip những hành động của con người”, còn gì dễ hơn là gây ra nơi người khác cái hành động mà người ta chờ đợi sẵn từ anh ta? Sẽ chỉ cần khiến hoạt động cái lò xo đúng, khơi gợi môtip đúng. Sự quyến rũ “đầy logic” của Mélanie [chuyện tình thời trẻ của Stendhal] và, trên một bình diện cao hơn, quá trình rèn giũa Mathilde của Julien minh họa tuyệt diệu cho cái kỹ thuật hướng lối người khác này, mà Stendhal từng tìm được nơi Laclos những ví dụ rất xì căng đan [a, Laclos và Những mối quan hệ nguy hiểm đây rồi]. “Tôi đọc được trong tâm hồn của cô ấy như quyển sách mở. Mỗi ngày tôi lại đọc nó rõ hơn. Tôi biết rõ các dục vọng… [chú thích trong sách: “Journal”]”. Xét cho cùng, sự phân tích trao cho người nào nắm giữ các bí mật của nó một quyền năng gần như ma thuật: đối với người đó vũ trụ trở nên hoàn toàn trong suốt.

Ít nhất thì đó cũng là mong muốn của nhà ý luận học nghề. Nhưng mong muốn này thường không dẫn tới hiệu ứng, và thực tại sớm gây thất vọng cho niềm hy vọng của anh ta: kinh nghiệm đã qua hóa ra, ngược lại, là một chốn của tối và của bí ẩn. Mặc cho mọi nỗ lực của phân tích người khác vẫn là không thể dự đoán. Và trước hết là bởi người khác có thể, đến lượt mình, đoán biết tôi và dự đoán tôi: hai sự sáng suốt chống đối nhau thì loại bỏ nhau. Là người duy nhất, Stendhal mơ, từng đọc Helvétius… Nhưng, dẫu là người duy nhất biết đến cuốn sách tối cao, thì người ta có thể nào chắc chắn về những dự đoán của mình? Không, Stendhal thú nhận, trạng thái hiện giờ của các hiểu biết của chúng ta không cho phép đạt tới một mức độ chắc chắn như thế. Bởi hành xử của con người là kết quả của hành động một trò chơi các lực mà chúng ta có thể xác định rõ được hướng, nhưng vẫn còn chưa thể nào tính được độ mãnh liệt.

“Bằng các hiểu biết lý thuyết mà chúng ta có được, chúng ta hoàn toàn có thể nhận rõ các lực đó; nhưng những hiểu biết của chúng ta còn mơ hồ quá mức, thành thử chúng ta hẳn không thể nào ước lượng một cách chính xác độ mãnh liệt của chúng. Do đó chúng ta không thể biết được tổng: hành xử của con người [chú thích trong sách: “Mél. de Litt., cũng xem thêm Tracy, Éléments d’Idéologie: “Chúng ta hoàn toàn không có các đơn vị đo lường cụ thể để đánh giá được trực tiếp mức của năng lượng các tình cảm và các chiều hướng của con người, lòng tốt của họ hoặc sự đồi bại của họ… Đó chính là điều làm cho những nghiên cứu trong các môn khoa học này trở nên khó khăn hơn, và kết quả của chúng thì kém phần nghiêm ngặt hơn.” Như vậy người ta chỉ có thể xác định các tình cảm chiểu theo những hiệu ứng của chúng: “Việc đo chính xác các hiệu ứng giúp ước lượng những nguyên nhân.” Hiểu biết hậu nghiệm, thứ dĩ nhiên làm hỏng mọi loại dự đoán]”.

Một yếu tố của thiếu chắc chắn cũng luồn vào các bộ phận của cỗ máy. Nó giải thích, giữa nhiều nguyên nhân khác, tại sao kẻ ma mãnh lại không quyến rũ được nạn nhân của hắn và tại sao các kế hoạch của hắn mất thì giờ, cũng như những kế hoạch của nhà chính trị ma lanh quá mức. Ở cả hai trường hợp, một ẩn số có tính cách tình cảm đã xuất hiện làm thất bại thần linh của phân tích.

Vả lại đó cũng là thất bại thần thánh, thứ trả cho tình yêu phần mạo hiểm của nó, và cũng là thứ biến chính trị trở thành một bài tập nguy hiểm, vậy nên rất vui. Quyền năng tuyệt đối thì gây buồn chán, bởi vì nó luôn luôn đã chiến thằng từ trước. Nhưng ngay khi thoáng hiện ra khả năng thua cuộc, mọi thứ liền trở nên sống động lại. Mosca và nữ công tước biết rất rõ Ranuce Ernest. Các động lực trong tính cách của ông ta đối với họ chẳng hề là bí ẩn: họ chỉ không biết thứ lực nào sẽ tự khẳng định vượt trội vào một dịp nào đó. Khi nữ công tước đề nghị ông ta cư xử với hoàng hậu tôn kính hơn, nàng không biết lòng kiêu hãnh bị phạm đến có hiện ra ở ông ta mạnh mẽ hơn so với ham muốn chiều lòng. Và cuộc đời của Fabrice, sau này, sẽ bị treo lại sau một cuộc tranh luận tương đồng: có phải sẽ tốt hơn nếu hy sinh Fabrice, hay là giữ lấy Mosca, thỏa mãn sự trả thù hay thỏa mãn tham vọng? Các lực cân bằng với nhau và sự mở nút trở nên đáng ngờ; Ranuce Ernest chọn cách không chọn, kéo dài nỗi sợ, cũng như kéo dài cuốn tiểu thuyết, cho tới cái ngày nữ công tước quyết định thay cho ông, và chống lại ông. Nhưng hẳn cuộc phiêu lưu sẽ kém phần duyên dáng đối với mọi người tham gia, nếu không có nỗi nghi ngờ không ngừng được bổ sung này, sự được thua không chắc chắn này, mối e dè kéo dài mãi mà cỗ xe thường trực thắng sẵn ngựa cung cấp một hình ảnh khá đẹp [nói chung cần rành nội dung La Chartreuse de Parme thì mới có thể dễ dàng hiểu đoạn này].




Tuy nhiên vấn đề hoàn toàn không nằm ở chỗ nhẫn nhục trước sự tối: vì không sao mà tính được độ mãnh liệt của các tình cảm, logic chăm chăm khám phá từ chúng những chuyển động tinh tế nhất. Quả thật đối với Stendhal độ nét của nhận biết tùy thuộc vào số và sự cụ thể của các chi tiết mà nó chứa đựng.

Chi tiết tương ứng, trong tri giác hoặc trong nhận biết, với yếu tố tối hậu mà sự phân tích nhận rõ được. Nó đóng vai trò nguyên tử của thực tại thuộc cảm nhận, cái mảnh nhỏ không thể phân chia và rắn mà ánh mắt vấp phải và dựa vào. Vậy nên nó có xu hướng luôn luôn thắt thêm lại về phía giới hạn lý tưởng, tức là điểm; và contour mà nó được bao viền trình hiện cú cắt cúp khả dĩ cuối cùng, một dạng nec plus ultra của hình học phân tích. Nhiều lần Stendhal nhắc đi nhắc lại, theo các nhà ý luận và đặc biệt Destutt de Tracy, không có sự thật nào khác ngoài sự thật đã được chi tiết hóa. Chính chi tiết, bằng cách định vị và đóng dấu lên cảm giác, chuyển hóa nó thành tri giác. Chính nó - cánh buồm của con tàu lướt đi nơi chân trời, khuôn mặt thiếu nữ nhìn thấy từ trên một tháp chuông, cái xương cá mất hút đi trong một cái đĩa ngài giám mục - tạo ra và chứng thực các nhân vật và các phong cảnh. Vốn dĩ là phụ tùng thứ nhất của égotisme, xét cho cùng chính nó làm xuất hiện ký ức như thể sống động và sự miêu tả như thể là thực. Như vậy trong sự tái xây dựng thực tại của mình tiểu thuyết gia phải ra sức tìm lại hoặc tạo ra hoàn cảnh nhỏ. Chính bởi vậy mà Stendhal ca ngợi ở Mérimée, nhân bàn tới Vénus d’Ille [truyện đã được dịch sang tiếng Việt, một truyện cực hay], những “contour rõ cực điểm và thậm chí khô” cùng “sự chú tâm đáng ngưỡng mộ đến những điều nhỏ bé, đặc điểm cho thấy tiểu thuyết gia giỏi, và lòng can đảm trong việc dựa vào những điều nhỏ bé ấy”. Nhưng ở chỗ khác dường như ông thấy rằng lòng can đảm đó bị xóa mờ đi trước một sở thích quá mức đối với sự ngắn gọn:

[bỏ một đoạn bàn quá chi tiết vào văn chương Prosper Mérimée]

Như vậy tội lỗi lớn chống lại tiểu thuyết không phải là việc viết: “Bà hầu tước ra khỏi nhà lúc bốn giờ”, mà nằm ở chỗ bỏ qua mất những hoàn cảnh của vụ ra khỏi nhà này. Ở đây sự tầm thường sinh ra từ một viễn kiến bị nghèo nán hóa, quá mau chóng; và bản thân sự súc tích của truyện lại chỉ được mỗi một tích sự là che giấu đi vẻ mơ hồ của nó.

Đấy là vì trong mắt Stendhal tội ác lớn nhất vẫn là nhấn chìm contour, làm tan mất cái đúng. Sự súc tích vẫn còn mới chỉ là cái ác một nửa; nhưng nói gì đây, chẳng hạn về sự trương phồng [enflure]? Sự trương phồng làm ra vẻ, chắc rồi, không phá hủy các sự thật, nhưng nó làm biến dạng chúng một cách nghiêm trọng. Bởi vì, giống bề mặt đang chùng của một quả bóng dần dần căng lên làm hiện ra, mỗi lúc một lớn thêm nhưng cũng một lúc một mơ hồ hơn, và như thể dần dà làm tan đi trong sự giằng co của chúng, những đường nét các bức họa ở trên nó, cũng vậy, sự phóng to một tổng thể nhấn chìm các chi tiết ở mức lớn hơn nhiều so với nhấn mạnh vào chúng. Đó là sự trương phồng, “nghĩa là sự quá đà của những đường nét lớn, sự lãng quên các đường nét nhỏ”. Lãng quên không thể tha thứ, nhất khi nó xuất phát từ một ham muốn về hiệu ứng văn chương.

[bỏ một đoạn bàn quá sâu vào văn chương của Madame de Staël]

Sự trừng phạt đáng buồn của một khuynh hướng khăng khăng hướng đến những vọt trào của trái tim: chùng, loãng, rốt cuộc tình cảm bay biến mất trong nỗ lực đẩy nó lên quá đà [chú thích trong sách: “Ngược lại: “Những gì tình cảm chiếm được ở mặt sức lực, thì nó lại đánh mất đi ở độ rộng. F. A. Chateaubriand.” Fil. Nov.], và tâm hồn không biết kiềm chế chỉ còn tìm được ở trong nó một sự trống rỗng bị xé toang.

Còn nguy hiểm hơn nữa là những người nhắm đến chuyện gây lãng trí cho contour và nhấn chìm đi sự xác quyết nhằm vứt bỏ ý hoặc tình cảm vào trong vô tận các khả năng. Sự quá đà phá hủy chi tiết, nhưng còn để sống lay lắt hình thức. Sự mơ hồ nhắm đến việc loại bỏ đi mọi hình thức trong một sự rung đầy tính chất sương khói. Như vậy tình cảm được định nghĩa bởi khuynh hướng của nó về phía bất xác định, bởi nỗi hãi hùng mọi giới hạn của nó. Do đó Chateaubriand, bằng cách nhấc mọi thanh ba ri e lên, lăng các dục vọng vào sự mơ hồ lừng danh nơi mất hút sự giãn nở của chúng. Stendhal chỉ thấy ở đây sự đạo đức giả đê hạ; đối với ông những ngây ngất và phù du chỉ dùng để ngụy trang tình cảm thực đang lẩn trốn. Tôn giáo, tình yêu lý tưởng, đó chỉ là những tấm voan thuận tiện để che đi điều không thể thú nhận. Và Stendhal sẽ tìm cách giật đi tất tật những tấm voan đó. Mọi bộ đồng phục, vốn dĩ từ ba mươi năm phủ lên cơ thể và tâm hồn người anh hùng trong trắng, ông những muốn gửi trả chúng về cho đống quần áo cũ to lớn của văn chương, cho cái cửa hiệu bán đồ phụ liệu ấy, nơi các nhà lãng mạn ngược lại sẽ lậm rất đẫm.

[bỏ một đoạn lái sang một số “nhà lãng mạn”]




Các phong cảnh cũng có cơ bắp của chúng; những họa sĩ bày chúng ra trên tranh của họ giống như các cơ thể lớn lao hài hòa; và Stendhal nhìn nhận chúng với cùng cái ánh mắt cứng rắn của nhà giải phẫu học.


(còn nữa)



NB. mới bắt đầu Baudelaire thì cũng không nên ngắn quá: cho nên đã thêm ở kia (Jean-Pierre Richard đặc biệt quan trọng trong lịch sử bình luận Baudelaire, ta sẽ còn quay trở lại với chủ đề vô cùng hấp dẫn này)



"đọc lý thuyết":

Sur Barthes (1)
Roland Barthes: "Michelet, Lịch Sử và Chết"
Roland Barthes: "Văn hóa và bi kịch"
Octavio Paz về André Breton
Jean Paulhan: Les Fleurs de Tarbes
George Steiner: Râu Xanh
Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Lý thuyết văn học và triết học
Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ

Nhìn lại lý thuyết


về Stendhal:

Cách một
[tiện bút] 7
Stendhal mười tám tuổi
Đi đến cùng đêm
Quên tình yêu
Stendhal giữa mùa hè
Stendhal viết tiểu thuyết
Không gì đẹp bằng một cái cây đẹp (La Chartreuse de Parme)
Trở về cổ điển: Stendhal
Tình yêu
Sách (LI) xưa cũ

6 comments:

  1. Tôi cũng có một điều thắc mắc tương tự, nhưng từ lâu đã ngừng thắc mắc, đó là: Tại sao rất ít khi tôi tra cứu thông tin A nói về B mà thành công, chả lẽ các nhà nghiên cứu (tạm gọi là có tên tuổi) không có một nhận định chi tiết nào về một tác gia lớn hay tác phẩm lớn hay sao?

    Và tôi mới để ý cái "Bric-à-brac", từ khi nào thế nhỉ?

    Trần Bình

    ReplyDelete
  2. có từ khoảng mười năm nay rồi, nhưng hình như nó vừa tự dưng bị in nghiêng đi

    tiếp tục

    ReplyDelete
  3. Have you ever thought about publishing an e-book
    or guest authoring on other sites? I have a blog based upon on the same subjects you
    discuss and would really like to have you share some stories/information. I know my audience would enjoy your work.

    If you're even remotely interested, feel free to send me an e-mail.

    ReplyDelete
  4. Tôi vẫn chờ ngày Nhị Linh ra sách

    ReplyDelete
  5. "đối với ông những ngây ngất và phù du chỉ dùng để ngụy trang tình cảm thực đang lẩn trốn. Tôn giáo, tình yêu lý tưởng, đó chỉ là những tấm voan thuận tiện để che đi điều không thể thú nhận. Và Stendhal sẽ tìm cách giật đi tất tật những tấm voan đó. Mọi bộ đồng phục, vốn dĩ từ ba mươi năm phủ lên cơ thể và tâm hồn người anh hùng trong trắng, ông những muốn gửi trả chúng về cho đống quần áo cũ to lớn của văn chương, cho cái cửa hiệu bán đồ phụ liệu ấy, nơi các nhà lãng mạn ngược lại sẽ lậm rất đẫm." - có thế chứ! sự phân tích là cái ko thể bài xích, dù Chateaubriand ắt là đúng về cái "mơ hồ". và dù "sự thật" vẫn lần lượt vượt quá điểm "nec plus ultra" thì rất lấy làm "hạnh phúc" để tin vào sự phân tích như những contour duy nhất của "thật".

    ReplyDelete
  6. chắc "thực" chứ không phải "thật": cần phân biệt sát sạt "sự thật", "thực" và "thật" trong các "phân tích tinh thần"; sẽ sớm nói kỹ điều này :p

    ReplyDelete