Apr 27, 2018

Sinh lý học phê bình

Đã có "quan hệ" phê bình, giờ lại đến "sinh lý học" (về) phê bình, khéo mà sắp có đến giao này giao nọ, xuân giao chẳng hạn.

Đã (rất) nhiều lần nhắc đến Albert Thibaudet, nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi dịch Thibaudet, mặc dù Thibaudet chính là chủ đề cuốn sách đầu tiên mà tôi tham gia để làm ra. Sainte-Beuve, Thibaudet và Roland Barthes làm nên trục chính của phê bình văn học, trên diện rộng nhất.

Các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam hoàn toàn không biết gì về Sainte-Beuve và Thibaudet. Người từng hay nhắc đến Thibaudet thì lại chưa bao giờ đọc Thibaudet (những người ngoài ngành đừng lạ chuyện này: nó là tập quán của giới nghiên cứu Việt Nam đấy, có lẽ chính là tập quán lớn nhất: nói rất nhiều về những gì biết rất ít).

Nhiều người đã biết tôi muốn nói đến ai: đó là Đỗ Lai Thúy.

Không chỉ Thibaudet, phần lớn các nhân vật (rất nhiều) mà Đỗ Lai Thúy từng nhắc đến, Đỗ Lai Thúy cũng chưa bao giờ đọc.

Chính vì thế, Đỗ Lai Thúy có đặc điểm sau đây: cùng một lúc "phê bình phong cách" (phụ đề cho Con mắt thơ, về sau đổi tên thành Mắt thơ), lại "phê bình tâm phân học" (Hồ Xuân Hương, và không chỉ có thế) cùng nhiều học khác nữa. Có thể nào như thế không? Tôi công nhận ngay, có thể lắm chứ, và như thế thì giống như một ngôi nhà kiểu phổ biến ở Hà Nội thời gian gần đây, hiện nay nhan nhản, tạo nên căn cước cho Hà Nội: đó là nhà ống, nhưng lại có tum củ hành kiểu byzance, và có cột Hy Lạp, lại có thêm họa tiết William Morris, trước sân có bộ giả sơn và trong nhà có bình phong, thậm chí giá vũ khí kiểu Tàu (kiểu hay thấy trong chưởng bộ Hồng Kông thì đúng hơn). Tồn tại nào thì cũng hợp lý hết: đó chính là dạng tồn tại của phê bình văn học Đỗ Lai Thúy.

Đỗ Lai Thúy trong phê bình văn học Việt Nam thì như thế nào? Đỗ Lai Thúy chính là Dương Thụ trong phê bình văn học. Hoàn toàn là một.

Chỉ có một điều: Đỗ Lai Thúy lại cũng chính là người tuyên xưng cho phương pháp, và cho cả một thứ rất lung linh: hệ hình. Nhưng phương pháp nào đây, khi mà thoắt cái là phong cách, thoắt cái nữa lại đã tâm phân học. Và tâm phân học như thế nào? là đúng một công thức. Đồng thời, phê phán lớn nhất của Đỗ Lai Thúy vào các phê bình khác luôn luôn là: họ máy móc. Không, đây chính lại là tâm phân học: Đỗ Lai Thúy phê phán sự rập khuôn chính là vì mặc cảm, bởi vì Đỗ Lai Thúy là người rập khuôn nhất, máy móc nhất.

Và lệch lạc nhất. Mọi cái tên sách của Đỗ Lai Thúy đều lởm khởm kinh người, không nhan đề nào đứng vững được hết. Dưới đây là một ví dụ.

Trong tồn tại (tôi sẽ nói: tồn tại con người), Đỗ Lai Thúy và tôi có giao cắt. Đỗ Lai Thúy từng muốn tôi làm cuốn sách giờ đây trong cái tên có chữ "lưỡng thê". Tôi nhận làm: khi đã là bổn phận, tôi sẽ làm, và tôi sẽ làm sao cho không có gì chê trách được. Tôi đã không tìm cách sửa cái nhan đề, mặc dù trong mắt tôi nó lố bịch như mọi tên sách khác của Đỗ Lai Thúy ("hoài niệm phồn thực", "theo vết chân những người khổng lồ": tức là "theo đóm ăn tàn"?), nhưng tôi đề nghị đặt một cái tít phụ: tôi tìm cách chống, tức là dựng một thanh cột, giống như người ta làm giá đỡ cho một cái cây bị cong xuống, sệ xuống ấy). Đỗ Lai Thúy từng rất cảm kích vì công việc biên tập của tôi - và nói rằng chưa bao giờ thấy có ai sửa nhiều như vậy; tôi không thấy có gì đáng nói, bổn phận của tôi, thì tôi làm, vả lại Đỗ Lai Thúy đâu phải người đầu tiên nói thế, còn đầy người khác nữa, Phùng Văn Tửu chẳng hạn. Tôi rất muốn in tiếp cuốn sách sau đó của Đỗ Lai Thúy. Tôi mất chút thời gian để thuyết phục các đồng nghiệp (khác), thật ra cũng không lâu, nhưng khi mọi thứ đã sẵn sàng thì Đỗ Lai Thúy nói đã in ở chỗ khác rồi.

Trên bình diện con người, điều đó khiến tôi thấy rất đỡ. Thoát khỏi bổn phận dĩ nhiên là nhẹ nhõm, có phải không nào. Cuốn sách tiếp sau đó là Thơ như là mỹ học của cái khác: không, không, đấy, lại lảo đảo ngay rồi; cái đó phải gọi như thế này: "cảm năng về (sự) khác". Cũng có thể Đỗ Lai Thúy in cuốn sách đó rất nhanh vì cảm thấy từ trước là tôi sẽ không để cho nó nguyên dạng bản thảo.

Cho đến cuối cùng, Đỗ Lai Thúy vẫn không thoát khỏi một thứ: sự uốn éo. Và một sự nữa: toàn nói những gì không biết, nhất là không đọc.

Thật ra, tôi cũng không thấy mấy vụ đó có quan hệ lắm. Cũng đâu có cần, xét cho cùng: thêm nữa, như vậy là con người, rất con người: ai chẳng muốn làm cho mình đẹp lên; ai cũng có, bên trong mình, một con công chỉ chăm chăm tìm chỗ đất trống đủ rộng để có thể xòe đuôi. Rồi ai cũng sẽ bao dung hết cả thôi: on ira tous au paradis. Nhưng tại một cuộc hội thảo nho nhỏ cách đây vài năm, nhắc đến Hoài Thanh, tôi công kích thứ phê bình đó (thời điểm ấy, công kích Hoài Thanh còn chưa phổ biến như thời điểm này). Buổi ấy có mặt Đỗ Lai Thúy. Đỗ Lai Thúy cũng phát biểu, và nói rằng sự quay trở lại của Hoài Thanh giống như sự bù trừ cho những năm tháng chịu bất công, nhưng nó giống như là "sự lại gạo" (Đỗ Lai Thúy có khoái cảm rất lớn trong việc tạo ra các cụm từ: đối với tôi, đây là một trong những nhân vật chủ chốt của công cuộc sản xuất "idiom"). Tuy Đỗ Lai Thúy ủng hộ ý kiến của tôi, nhưng tôi thấy, chính như vậy mới gớm: thế không phải Đỗ Lai Thúy, trong một tiểu luận viết riêng về Hoài Thanh, từng tung hô nhất mực, còn gọi là "cô sơn" gì đó, sừng sững cao lớn, à?

Thế tức là thế nào? Tức là phong cách hay tâm phân học, hay hệ hình, hay bất kỳ cái gì khác, thì cũng là sự lảo đảo ấy. Tôi còn một cách khác nữa để xem xét một số thứ: cứ kéo về một số trường hợp cực điểm ấy, sẽ thấy rất rõ; chẳng hạn, về Đinh Hùng; với riêng một Đinh Hùng, tôi thấy rõ cùng một lúc hai nhân vật: Đặng Tiến và Đỗ Lai Thúy.

Đỗ Lai Thúy rất thích gây ảnh hưởng. Và rất có ảnh hưởng, nhưng về hướng nào? về một dây nouveau riche thích chơi trò thượng lưu trí thức. Trong số đó: Nguyễn Phi Hùng, em trai Song Thủy, người Hà Tĩnh, làm báo nhì nhằng gì đó ở Hà Nội. Một nhân vật đặc biệt tởm lợm, và rất tích cực núp bóng ông anh rể khôi vĩ.


Cách nhanh nhất cho thấy Đỗ Lai Thúy đã nói lăng nhăng về Thibaudet như thế nào, là dịch quách cuốn sách của Thibaudet ra tiếng Việt.



Tôi sử dụng ấn bản dưới đây (ấn bản đầu):



NB. đã tiếp tục về cuốn sách mới dưới sự coi sóc của Đoàn Ánh Dương



Albert Thibaudet

Sinh lý học phê bình



Tựa


Phê bình như chúng ta biết và [đang] thực hành là một sản phẩm của thế kỷ 19. Trước thế kỷ 19, có các nhà phê bình. Bayle, Fréron và Voltaire, Chapelain và d’Aubignac, Denys d’Halicarnasse và Quintilien là các nhà phê bình. Nhưng không có phê bình.

Tôi dùng từ này trong nghĩa rất vật chất của nó: một tập hợp nhà văn ít nhiều chuyên môn hóa, làm cái nghề nói về các cuốn sách, và họ, bằng cách viết về sách của người khác, tạo ra những cuốn sách nơi các đỉnh cao của thiên tài còn chưa được đạt tới, nhưng ở chúng, không có lý do nào để mức trung bình không ngang bằng được với mức trung bình của các sách khác.

Phê bình đích thực và hoàn chỉnh mãi thế kỷ 19 mới sinh ra, tuy nhiên điều này không phải là do gu của thế kỷ 19 được thức tỉnh nhiều hơn, hay được thực thi nhiều hơn so với gu của thế kỷ trước đó. Nhiều trí tuệ rất cao thủ sẽ khẳng định rằng ngược lại thì có lẽ đúng hơn. Cần đến những nguyên do khác, và về phần mình, tôi sẽ nhìn thấy ở đây ba nguyên nhân, chúng không tách rời với nhau, và chúng tự trưng bày ra trên một mặt trận duy nhất.

*
*       *

Trước hết là lý do sau đây, sự ra đời của phường hội phê bình có được là dựa trên sự ra đời của hai phường hội khác, không tồn tại trước thế kỷ 19, phường hội các giáo sư [cf. một cuốn sách khác (rất quan trọng) của Thibaudet: La République des professeurs] và phường hội các nhà báo.

Trước Cách mạng [1789], giảng dạy ở mọi điều đều thuộc về Nhà thờ, và trước tiên, chủ yếu, những sự giảng dạy là thành tố của phường hội tăng lữ to lớn. Cuộc tranh đấu của bên giáo với các triết gia, nó choán ngự thế kỷ 18, kết thúc với sự thế tục hóa, ít nhiều mạnh mẽ, của giảng dạy. Từ đó mà sinh ra một phường hội, thuộc một tinh thần phường hội mới. Các típ như típ của giáo sư Đại học Koenigsberg Kant, ở nửa sau thế kỷ 18, của giáo sư đại học Berlin Fichte sau Iéna [Jena], từ đó trở nên, ở bên Pháp, khả dĩ và bình thường. Với ba giáo sư hồi 1827, [François] Guizot, [Victor] Cousin, [Abel-François] Villemain [Thibaudet trở đi trở lại rất nhiều lần với bộ ba này; nhưng riêng về Guizot, phải xem Tocqueville mới thấy thực sự rõ], có một câu chuyện của cái ghế (giảng bài), một triết lý về cái ghế, một phê bình văn học của cái ghế [khục khục]. Họ đạt tới vinh quang và quyền lực vào năm 1830. Giữa các suy tư theo đủ kiểu mà dịp kỷ niệm một trăm năm 1830 hẳn có thể gợi ra [vì Thibaudet viết lời tựa cho Sinh lý học phê bình để in thành sách năm 1930; đồng thời đó cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Bảy - độc giả của Balzac biết rõ đó là gì], chúng ta đừng quên suy tư sau đây, rằng trong vòng một trăm năm vừa qua nghề phê bình đã thường là một kéo dài của nghề giáo sư [khục khục khục: Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Trần Hữu Tá, Huỳnh Như Phương - kể tên theo trí nhớ ngẫu nhiên].

Và của nghề nhà báo [khục khục khục khục: Nguyễn Hoài Nam, chẳng hạn]. Dẫu đó là dưới Đế chế trong sự câm lặng của báo chí chính trị, hay dưới thời Trung hưng với tư cách người em trai của báo chí chính trị, báo chí văn chương là ngôn ngữ tự nhiên của phê bình văn chương. Về nguyên tắc, đó chẳng hề là một sự đổi mới. Thể loại ấy đã tưng bừng vào thế kỷ 18 và cả thế kỷ 17 với các tuyển tập của Hà Lan và của Pháp, những [Pierre] Bayle [chúng ta sẽ sớm đến với Pierre Bayle, nhân vật rất quái dị] và những Fréron [đối thủ khét tiếng của Voltaire]. Từng có các tờ báo, thậm chí là những tờ báo khá tuyệt, như Nouvelles de la République des Lettres. Đã không hề có các nhà báo. Mãi từ sau Voltaire mới có các nhà báo. Lettres Provinciales, kiệt tác của báo chí cũng như Polyeucte [của Corneille] và Phèdre [của Racine] là những kiệt tác của sân khấu [điều Thibaudet vừa nói xong có tầm quan trọng đặc biệt lớn; tôi sẽ còn quay lại], đã chỉ tạo lập trường phái ở phương diện ngôn ngữ. Ngược lại, Voltaire, Diderot, phong cách mềm dẻo, tốc độ cao và thấu suốt của thế kỷ 18, lại tạo lập trường phái cho báo chí, sinh thành một hậu thế gồm các nhà báo. Voltaire, người từng chỉ nhìn thấy nơi báo chí văn chương con mồi cho Bastille, hẳn sẽ lấy làm kinh ngạc về tư cách ông bố nơi mình.

Ở tư cách nguồn nước mẹ của phê bình, không được chỉ tính sự hình thành của một phường hội các giáo sư, sự ra đời của một phường hội các nhà báo, mà còn cả sự đối đầu và đối nghịch giữa hai bên nữa. Đã từ một thế kỷ nay có một phê bình của các giáo sư và một phê bình của các nhà báo, mà nhà thông thái chẳng hề phải thấy rung động vì thế hơn so với lúc nhìn thấy cùng tồn tại những phụ nữ tóc nâu và những phụ nữ tóc vàng, rượu vang bourgogne cùng rượu vang bordeaux. Có một sự thể, École Normale supérieure, trong vòng gần một thế kỷ, kể từ lúc [Désiré] Nisard [đây là một mốc lớn] giảng ở đó bài giảng về văn chương của ông, đã là thành trì, hoặc, để nói theo đường lối cao quý hơn, Acropole của phê bình. Một sự thể khác nằm ở chỗ thời này thuộc về quá khứ thì nhiều hơn là hiện tại, và rằng nhà phê bình duy nhất vẫn còn là cổ điển của thể loại, Sainte-Beuve [đánh giá này rất quan trọng], là một nhà báo, xét về nghề nghiệp cũng như về dòng giống. Việc Port-Royal đã được đọc trước cư dân thành phố Lausanne [bên Thụy Sỹ] bởi một diễn giả, vả lại rất kém khả năng trong khoản nói trước công chúng, chỉ xác nhận thêm cho quan điểm của chúng tôi. Vả lại Sainte-Beuve cảm thấy, đầy nhục nhã, dư luận hồi đó trao cho những người mặc áo thụng vị thế cao hơn trong tương quan với những người mang bút: thanh thế lớn thuộc dạng chính thức, hàn lâm và nữa về thế kỷ 17, đó đâu phải tác giả của Port-RoyalLundis [các “Causerie”, bài bình luận văn chương của Sainte-Beuve, gọi là “thứ Hai”; Sainte-Beuve chỉ khăng khăng quan tâm đến thế kỷ 17, và rất hay (giống chẳng hạn Cicéron hay La Bruyère) than phiền mình sinh không đúng thời, rất không nên sống vào thế kỷ 19, quá muộn: Gia Cát Lượng tuy gặp chủ mà không gặp thời], mà là diễn giả của Belles Dames pendant la FrondePensées de Pascal. Ta hiểu tại sao Sainte-Beuve từng luôn luôn đứng về đảng chính trị đối lập với đảng của Cousin. Kể từ đó, một sự đảo ngược đã diễn ra. Sự thờ phụng Sainte-Beuve nằm nơi một trong các nguyên tắc của tôn giáo đại học, trong khi, vì nhiều nguyên nhân đa dạng, trong đó có sự thù nghịch của ông chống lại chủ nghĩa lãng mạn và vai trò trong chính quyền của ông dưới Đế chế, một số nhà phê bình đồng thời là nhà báo, như Paul Souday [nhân vật lớn, bị lãng quên rất nhiều] rất đáng nhớ tiếc, cứ định kỳ lại lôi ông ra thịt.

*
*       *

Thứ hai, phê bình ít nhiều hướng đến kiểm kê, và thế kỷ 19 đã là, tính từ Génie du Christianisme [của Chateaubriand], thế kỷ của các cuộc kiểm kê [tức là, đậm màu bourgeois, kế toán, kiểm toán, nhà kho].

Phê bình hướng đến kiểm kê là vì nó nhằm vào vật đã được làm, vào một quá khứ. Nó từng ít nhiều được lập ra, tại Alexandrie, bởi các quản thủ thư viện, trong một văn chương mà nỗ lực gần như thu về chỗ chỉ còn là lưu giữ, sắp xếp, kiểm kê, tái sản xuất. Từ “kiểm kê” này chủ yếu nhằm vào phê bình được áp dụng cho các tác phẩm của quá khứ, vào lịch sử văn chương và, nơi bề ngoài, vào phê bình những tác phẩm hiện tại thì ít hơn nhiều. Và hẳn ta có thể nói thêm rằng, trong số hai nhánh lớn của nhân sự phê bình, một, nhánh các giáo sư, được đề xuất công việc kiểm kê quá khứ, còn nhánh kia, của các nhà báo, thì được để xuất việc nhìn nhận cho rõ hiện tại. Tôi công nhận rằng một nhà thông thái, hay một con người thấu suốt, hay một nhà phê bình tinh tế, hẳn lúc nào cũng có khuynh hướng vượt quá kiểm kê, tự giải thoát bản thân khỏi quá khứ, dùng nó mà không lụy nó, chuyển từ bình diện này sang bình diện khác của thời độ, với tư cách triết gia hay luân lý gia [La Rochefoucauld là một luân lý gia, La Bruyère là một luân lý gia nữa, đến cả Jean-Paul Sartre cũng lại là một luân lý gia (moraliste) nốt]. Vấn đề hoàn toàn không phải là các điều kiện trong đó ngày nay phê bình đã trưởng thành sống và phát triển, mà là điều kiện ở giữa đó nó đã ra đời trong thế kỷ 19.

Thế nhưng nó được sinh ra trong liên hệ với lịch sử, với cảm giác về quá khứ. Hãy thử đặt cùng nhau nguyên lý đực, tức là phê bình của La Harpe, môn đệ và truyền nhân của Voltaire (Lycée, vốn dĩ là một bài giảng, chính là phê bình của giáo sư) và nguyên lý cái, tức là Génie du Christianisme, sẽ có ngay phê bình của Sainte-Beuve, ông hành xử như là sản phẩm của chúng. Ba bên đặt trọng tâm khác nhau vào cùng một thực tại: một kiểm kê, một quá khứ, kiểm kê và quá khứ Ki-tô và cổ điển. Phê bình hiện ra như một khúc rực sáng trên một độ dày của thời độ.

Phê bình văn học sinh ra và phát triển như thế. Nó nở hoa như thế. Nhưng nó không chỉ nở hoa như thế. Cành của nó, khi đã được hình thành, mang các bông hoa thuộc bản tính khác nhau. Từng có, vào thế kỷ 19, một phê bình không hề quỵ lụy quá khứ, nó vứt bỏ quan điểm của kiểm kê, nó dự phần hoặc giả làm ra vẻ dự phần vào bản tính của hành động sáng tạo. Đó là phê bình của lãng mạn.

Hugo, Lamartine, Musset, Baudelaire trong mảng phê bình thuộc tác phẩm của họ, chúng ta cảm thấy họ thuộc về một khí hậu khác so với khí hậu của các nhà phê bình nhiều chuyên môn hơn, các giáo sư và các nhà báo. Họ tự thực tại hóa theo cách khác. Lúc họ hơn, khi thì họ kém [mức “thực tại hóa”]. Ta bàn tới, trong cuốn sách này, phê bình chuyên nghiệp và phê bình của các bậc thầy. Ngay bây giờ chúng ta hãy ghi nhớ sự đa dạng và sự đối kháng của các thế giới văn chương trong hiện diện và trong tranh đấu, và trước những tranh đấu ấy, sự cần thiết phải có các trọng tài phân xử, và trọng tài đó luôn luôn không đủ, luôn luôn thiên vị, nhất thiết không đủ và thiên vị, tức là nhà phê bình. Và trước sự không đủ cũng như sự thiên vị ấy, sự cần thiết của thứ “clearing” kia [Thibaudet đang sử dụng một thuật ngữ thuộc thị trường chứng khoán, “chambre de compensation”: nói ngắn gọn, nghiệp vụ đảm bảo cho giao dịch], tức là phê bình.

*
*       *

Cuối cùng, và đây là điểm thứ ba của tôi, văn chương Pháp thế kỷ 19 sống trong một số nhiều: tôi muốn nói tới một thứ quyền ngang bằng được công nhận cho nhiều hệ thống sở thích, trên nhiều bình diện của sáng tạo. Sự nhiều này, vả lại, đã khởi đầu bằng một nhị nguyên, nhị nguyên của cổ điển và lãng mạn [cổ điển là cổ điển trong đối sánh với lãng mạn, và vice versa]. Ta từng có thể nói, ta vẫn còn có thể nói, rằng vào năm 1830 chủ nghĩa lãng mạn đã thắng, rằng vào năm 1850 chủ nghĩa lãng mạn đã thua, hay bị thay thế. Những cái nhãn ấy, những lát cắt ấy ở trong thời độ, trông có vẻ mong manh trong hiện diện của sự kiện thường hằng sau đây: cổ điển và lãng mạn là hai hệ thống cùng tồn tại và bổ sung cho nhau, một Bắc và một Nam, một ngôn ngữ oïl và một ngôn ngữ oc, như vậy, không bên nào dập tắt được bên kia bằng sự tỏa sáng của mình, cũng như bác đi được bên kia nhờ một quá trình suy luận.

Phê bình, đúng như thế kỷ 19 đã biến trở nên tất yếu, phê bình dành cho một số nhiều, đó là *libéralisme* [a, chúng ta gặp lại cái từ thân mến này rồi]. Cha đẻ của *libéralisme* tinh thần, Montaigne, có thể được coi là cha đẻ của tinh thần phê bình. [Émile] Faguet [những ai từng nghe các thuyết trình của tôi về École de Genève hẳn còn nhớ nhân vật này cùng bộ sách lịch sử, mỗi tập về một thế kỷ], khi viết một cuốn sách về “Libéralisme”, nêu nhận xét ở đó rằng người Pháp không hề *libéral*, hoàn toàn không, tới mức Faguet chỉ công nhận độc có một *người libéral* đúng nghĩa, đó là bản thân ông. Và tôi không nghĩ ông nói đùa. Ông tự đánh giá mình (có lẽ ông nhầm) là người nhiều tính cách phê bình nhất trong số các nhà phê bình, ít tính cách chính trị hơn và ít chất chứa định kiến hơn so với chừng một chục đồng nghiệp đáng kể và, vốn dĩ là nhà phê bình duy nhất *libéral* một cách đúng nghĩa, người nhiều tính cách phê bình nhất trong số các nhà phê bình Pháp sẽ, theo đường lối tự động, được đặt đó như người *libéral* nhất trong số mọi người Pháp, như *người libéral* thuần thành duy nhất: cái đó là, rất giống đứa trẻ con tự buộc tội mình vẫn hay nói, một vị thế giống một vị thế khác.

Ai nói *libéralisme* sẽ nói *pluralisme* [đây, đây chính là yếu tính của “liberalism”: tự do nằm chỗ nào ở đây thế? hả các nhà trí thức Việt Nam thế kỷ 21?]. *Libéralisme* chính trị là ý thức về một pluralisme trong Nhà nước, ý thức về nhiều đảng không thỏa hiệp, mà *người libéral* thông thường dung thứ [yếu tính tiếp theo: tolerance] một cách thành thực, nhưng *người libéral* cao cấp, thuần thành, sẽ thấy tính cách số nhiều, sự cùng tồn tại, như một thứ tài sản cần gìn giữ. Để mượn một hình ảnh từ André Gide, hoặc giả người bạn Édouard của ông [Bọn làm bạc giả], *người libéral* đi tới đi lui trong một khách thính đặt nhiều bàn nơi các ván bài được chơi một cách say mê. Anh ta quan tâm đến các tụ chơi, lần lượt khuyên hết con bạc này đến con bác khác, và việc theo dõi tất tật các ván bài đó vận dụng nhiều hoạt động và tìm được nhiều khoái thú hơn so với chơi từ đầu đến cuối chỉ một ván duy nhất, bằng tiền riêng của mình. Và trong một cuốn sách khác vẫn của André Gide, ta đọc thấy:

“Tôi cảm thấy trong tôi, lúc nào cũng được tập hợp lại, một đoàn lũ trái ngược; vài lần, tôi những muốn rung chuông, khoác áo vào và rời khỏi gian phòng. Ý kiến của tôi thì quan trọng gì với tôi đây?” [trong Caractères] Chẳng phải [Charles] Maurras từng so sánh chế độ nghị viện với bộ óc của Amiel, tức là của một *super-libéral* và cũng là của một *hyper-critique*.

*Người libéral* thuần thành, nhà phê bình thuần túy, hiện lên không như một con người (những ai suy nghĩ với đực tính và nhất là những ai suy nghĩ với đực tính của họ, sẽ khinh bỉ anh ta), mà như một thứ clearing. Hay đúng hơn, anh ta thực hiện chức năng không phải của một cá nhân mà của một tự nhiên: bởi vì chính tự nhiên nghĩ và hành động trên bình diện của một sự nhiều của các ván chơi và của những cá nhân chuyên môn hóa.

Sự giáo dục phê bình của công chúng lại càng được thực hiện tốt đẹp hơn, bầu không khí của phê bình lại càng bổ dưỡng hơn, bởi những thiên tài khác hơn và đối nghịch hơn đã chinh phục, theo cách chung hơn, các danh hiệu ngang hàng với sự ngưỡng mộ của giới tinh anh. Sự chuyển từ bên này sang bên kia làm gu trở nên mềm dẻo, khiến nó quen hiện thực hóa các khác biệt lớn nhất, buộc nó có những chuyến đi, có những đối đầu, có một thứ đa ngôn ngữ tự nhiên.

Vậy thì có đồng nghĩa với nói tiến hóa này là một tài sản? Không nhất thiết, và dẫu có thế nào, thì cũng không phải ở mọi quan điểm. Chỉ cần ghi nhận nó là một tài sản cho phê bình ở chỗ nó phổ thông hóa phê bình, nghĩa là thói quen đối với các khác biệt, các so sánh và các đánh giá, sự thực hành công việc trọng tài, là đã đủ cho chúng ta. Nhưng chúng ta hãy tránh, ở đây, trượt xuống một triền dốc của dễ dãi. *Libéralisme* gần như không thể tự hình dung nếu không có một phê bình hướng tới *libéralisme*. Phê bình thuần túy giống với sự nghi ngờ của những người theo thuyết Pyrrhon [hoài nghi], nó bốc lên rồi kết thúc ở một nghi ngờ về nghi ngờ. Những Montaigne lúc nào cũng sẽ lao vào những Descartes và những Pascal, giống các dòng sông đổ ra biển. Không có phê bình nếu không có một phê bình về phê bình. Và phê bình mạnh, giá trị chủ chốt, là một phê bình ở nấc ngừng [chặn lại, cố định lại].

*
*       *

Nói cho đúng, chúng ta ở trong một cái xa quay tròn thì đúng hơn là ở nấc ngừng. Nếu coi nấc ngừng có quá nhiều giá trị, hẳn ta sẽ dừng luôn bản thân phê bình lại. Và một số người sẽ nghĩ rằng từ đó sẽ sinh ra một tài sản. Trong một thời gian dài người ta đã chẳng đoái hoài đến phê bình. Người ta vẫn có thể không đoái hoài đến nó. Một phần châu Âu vẫn đang tìm cách chẳng buồn đoái hoài đến nó, theo đường lối bạo lực, thẳng băng.

Phê bình được nuôi dưỡng từ ba rễ sau đây: phường hội (các giáo sư và các nhà báo), lịch sử (sở thích kiểm kê), *libéral* (sự cùng tồn tại của các đảng kẻ thù, các phe chống đối, cùng được khích lệ như nhau). Muốn chặt rễ thứ nhất, chỉ cần giáo sư và nhà báo trở thành các công cụ của Nhà nước [tuyệt đối đúng: cứ như Thibaudet đang miêu tả Việt Nam hiện nay ấy nhỉ]. Muốn chặt rễ thứ hai, chỉ cần một có một hoạt động xã hội nhất nhất, toàn bộ hướng về tương lai [Thibaudet, sans le savoir, đang tiên tri dạng xã hội không có quá khứ, và do đó, không có lưu trữ, chính là xã hội Việt Nam ngày nay], về phía hành động tức thì, và chỉ cần một thứ nghệ thuật quẳng vào cho ấn tượng thời điểm. Muốn chặt rễ thứ ba, chỉ cần sự suy đồi hiện nay của *libéralisme* chính trị ở châu Âu đi tới các kết luận của nó và tạo ra các hệ quả của nó.

Lẽ dĩ nhiên sẽ có các nhà phê bình văn học chừng nào sẽ vẫn tồn tại những cuốn sách, rồi thì các tờ báo và radio, nghĩa là một cách bất định. Nhưng các nhà phê bình văn học, đó đâu phải là Phê bình [phê bình văn học nước mắm là nước mắm chứ đâu phải phê bình], thứ quyền năng ấy, đã tự nhận thức được về chính nó vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, từ hiệp ước Vienne đến hiệp ước Versailles [chiến tranh Napoléon, Thế chiến thứ nhất], và ngày nay đang trải qua một số khó nhọc nhằm gia hạn hợp đồng thuê đất cho một thế kỷ khác.

*
*       *

Những suy nghĩ tiếp theo đây không phải là một *canonique* của phê bình. Tôi nói ở đoạn sau rằng phê bình không được phép đặt ra những quy tắc cho các thể loại văn chương. Thế nhưng, phê bình lại chính là một thể loại văn chương. Nó sẽ luôn luôn có một khoái thú ma mãnh trong việc thành công ở con đường đối ngược với con đường nơi các ông giáo chủ khuyên nó, hoặc ra lệnh cho nó, phải bước vào. Vấn đề cũng không phải là một tâm lý học về phê bình. Thứ tâm lý học đúng nghĩa và sống động duy nhất về phê bình hẳn sẽ là một tiểu sử tâm lý về con người từng sống vở hài kịch và vở bi kịch của phê bình trong những bước ngoặt đặc dị của chúng: Sainte Beuve. Có lẽ rồi một ngày nó sẽ tới. Cụm từ: địa dư của phê bình, chắc hẳn đáp ứng khá chuẩn xác cho ba phần đầu tiên của cuốn sách này, vì ở đó ta thấy rõ ba khí hậu, ba vùng, của phê bình, cùng các sản vật và cư dân của chúng. Nhưng rốt cuộc bản thân địa dư học lại chứa đựng một sinh lý học về con người trong xã hội, được nhìn nhận trong các mối tương quan của anh ta với trái đất. Và bởi ba phần cuối của sách nói đến ba chức năng chính yếu của phê bình, tức là: gu, thứ đánh giá các tác phẩm văn chương; sự xây dựng, thứ bố trí chúng vào một trật tự khả tri, sáng tạo, thứ nối tiếp chúng, hoặc tiếp tục chúng, hoặc cạnh tranh với chúng, tôi thấy rằng từ “sinh lý học” chỉ ra, với một sự phù hợp vừa đủ về dự đồ, cho dẫn nhập khả dĩ này vào một lịch sử phê bình Pháp.

Sáu chương này được viết cách đây đã tám năm.

Đó là sáu bài thuyết trình được thực hiện hồi năm 1922 tại nhà hát Vieux-Colombier [cuốn sách về Dostoievski của André Gide cũng được hình thành theo cách tương tự]. Chúng được xuất bản không lâu sau đó, ba chương đầu trên Revue de Paris, chương bốn trên một số đặc biệt của Journal de Psychologie chuyên đề Cảm năng, chương năm trên Revue de Genève và, về sau, chương sáu, Manuscrit Autographe. Ngày hôm nay, hẳn tôi sẽ có các bài thuyết trình, hẳn tôi sẽ viết các bài báo bằng một tông giọng khá là khác. Nhưng đọc lại chúng, tôi đã không thấy các ý của tôi bị biến đổi nhiều lắm, vậy nên tôi cho xuất bản những văn bản hồi 1922 này nguyên xi.




Phê bình bộc phát


Tại một phiên tòa, từng được người ta nhắc đến nhiều, vì ở đó một diễn viên là nguyên đơn và một viện sĩ hàn lâm, bị đơn, họ tranh luận về các quyền của phê bình. Và trạng sư của diễn viên, tìm cách cãi lại những “quyền” ấy, đặt ra định nghĩa sơ giản như sau: “Một nhà phê bình, đó là một quý ông lấy mực và giấy rồi viết ra những gì mà ông ta thích.” Với câu này chắc hẳn sẽ dễ dàng đáp trả bằng cách dẫn lời [Georges] Courteline và bằng cách định nghĩa cái nghề của trạng sư Barbemolle [nhân vật của Courteline; Courteline là một nhà văn rất hài] theo một cách thức thật châm chọc. Tuy nhiên sự bất thiên ái buộc chúng tôi công nhận rằng ngạch luật sư có được, bởi các nội quy của nó, một phẩm giá thấy rõ hơn so với phê bình. Viên trạng sư mặc đồ len hảo hạng mà nói năng, và ông ta sở hữu, ngoài mực và giấy, các thứ đồ đạc riêng nữa. Và nhất là các trạng sư tạo nên một “trật tự” trong đó mọi thành viên được coi như là có liên kết chặt chẽ, và trong đó những tranh cãi của họ, cũng giống các tranh cãi của bóng đá và môn bài écarté, không lọt ra ngoài vòng một trò chơi được quy định luật tắc từ trước. Một trật tự, như giới tăng lữ, Nghị viện, quân đội, Viện Hàn lâm Pháp, và thậm chí báo chí - một trật tự nơi đồng nghiệp là chiến hữu - thân chủ của đồng nghiệp và các trật tự đối thủ, quan tòa và công tố, là kẻ thù. Không có gì tương tự trong phê bình. Nó không gồm bất cứ trật tự vững chắc nào; hẳn đúng hơn nó là một mất trật tự, vì được cấu thành từ những người, mỗi kẻ chui vào một góc và có, như trạng sư đã nói, mực của họ và giấy của họ.

Do thiếu một nhất thể có thực và được luật công nhận, các nhà phê bình mang tới cho nghệ thuật của họ một nhất thể lý tưởng - và viết nó bằng chữ hoa, nhất thể của cái không phải là một. Vậy nên cuốn sách của [Ferdinand de] Brunetière về Tiến hóa của Phê bình [Évolution de la Critique] cho chúng ta thấy, cũng như bài giảng của Bossuet về Nhất thể của Nhà thờ [Unité de l’Église], một chuỗi các nhà phê bình tiến lên theo hàng lối, thực thi tiến hóa của họ, cho đến luôn cả con người đậm chất thiên hựu, thượng sĩ Ferdinand, người giám sát, kích hoạt, giải thích, thành tựu tiến hóa ấy. Và thế nhưng bài giảng về nhất thể của phê bình đó hẳn sẽ không thuyết phục được chúng ta. Trong nỗ lực của tôi nhằm thoát ra khỏi cá nhân luận, khỏi thứ bụi nhỏ nhoi ấy, mà trạng sư của chúng ta dùng các ngón tay tãi ra rồi thả rơi tứ tán dưới sự uy nghi của hai ống tay áo, vừa làm vậy vừa nói với chúng ta: Phê bình là như thế đấy! - đối với tôi không thể nào đạt đến được nhất thể tốt lành kia. Giữa đông đảo tản mát các tay bắn tỉa và cái quân đội thẳng hàng ngay lối đi sau âm nhạc của nó, tôi xin dừng lại nơi một vị trí lưng chừng. Về các phê bình, cũng không đến nỗi có nhiều bằng số lượng bút và lọ mực đâu - không chỉ có một - mà có tận ba, mỗi phê bình tạo ra một cách thức riêng về trật tự, không hòa hợp với hai trật tự kia. Chuyện xảy ra giống như tại États généraux của Ancien Régime [thời trước Cách mạng, các État généraux là những nỗ lực đưa các khối dân chúng xích lại gần với nhau], chưa bao giờ thành được cái gì, vì ba trật tự chẳng bao giờ hiểu nhau. Nhưng, trong địa hạt của phê bình, chúng ta không đứng trước một vấn đề thực tiễn, và chúng ta không có lý do nào cũng như sự vội vàng nào để thành ra cái gì. Phiên tòa của ba Phê bình sẽ kéo dài, như trước kia phiên tòa của các thợ may và người bán quần áo cũ, hay phiên tòa của những người bán thịt nguội và các người bán thịt rô ti, cho đến kỳ cách mạng, thứ sẽ xóa văn chương đi mất. Chúng ta hãy đừng mong chờ kết thúc của một phiên tòa, thứ hẳn sẽ là kết cục của văn chương.

Ba phê bình ấy, tôi sẽ gọi ngắn gọn là phê bình của những người trung thực, phê bình của các nhà chuyên nghiệp và phê bình của các nghệ sĩ. Phê bình của những người trung thực, hay phê bình bộc phát, được làm ra bởi chính bản thân công chúng, hay đúng hơn bởi cái phần được soi sáng của công chúng và bởi những người diễn giải tức thì của chúng. Phê bình của các nhà chuyên nghiệp được làm ra bởi các chuyên gia, làm cái nghề đọc những cuốn sách, rút từ những cuốn sách ấy một học thuyết chung nào đó, thiết lập giữa các cuốn sách thuộc mọi thời và mọi địa điểm một dạng xã hội. Phê bình của các nghệ sĩ được làm ra bởi chính nhà văn, những lúc nào họ suy nghĩ về nghệ thuật của họ, nhìn nhận ngay chính trong xưởng sản xuất ra các tác phẩm đó, mà phê bình của những người trung thực nhìn thấy tại các salon (cả tại các salon hằng năm nơi chúng được trưng bày rồi đi qua, cũng như tại các salon riêng nơi chúng trở thành đồ đạc, ở lại đó, gây sống động [salon thứ hai là phòng khách, khách thính, salon thứ nhất là dạng trưng bày hằng năm phổ biến suốt một thời, Diderot cũng viết về các salon tranh mà Baudelaire cũng lại viết về các salon tranh]), mà phê bình chuyên nghiệp xem xét, thảo luận, thậm chí trung hưng, trong các nhà bảo tàng. Lẽ dĩ nhiên, cần phải xem ba cái này như là ba hướng chứ không phải những cái khung cố định; ba xu hướng sống động chứ không phải ba khoang. Hiếm khi nào một trong ba công nhận quyền của hai cái kia được có một tồn tại độc lập. Ở cái nào thì chuyện là một cái gì đó cũng là chưa đủ, mà nó muốn toàn bộ, cái đầy và cái sống của phê bình. Vì các tranh cãi đó là bản thân cuộc sống và sức khỏe của cả ba, chúng ta hãy đừng tiếc nuối chúng, cũng đừng ngăn cản chúng. Nơi các khoảng vật chất này của văn chương, tôi sẽ có được phép ở phía bên trên khối đông đảo, được phép nghiên cứu trận chiến theo cách thức không liên quan của Jomini [tên một ông tướng], thậm chí được phép họa ra, bằng một cây bút rụt rè, cho mỗi bên trong ba cái đó, đường ranh giới nếu mà ở trong thì nó tuyệt hảo còn như lọt ra ngoài thì sẽ là tiếm quyền hoặc trật đường rầy, hay không? Đó sẽ không phải kiểu Néron. Nhục nhã thay kẻ nào hát hò trong lúc Rome đang bốc cháy [“Thương nữ bất tri vong quốc hận/Cách giang do xướng Hậu đình hoa”]! Nhưng ở đây đâu có gì bị cháy; ngược lại có cái gì đó được dựng lên. Ba ê kíp thợ nề đang làm việc và í ới gọi nhau từ trên giàn giáo của họ. Cầu cho chúng tôi không bị cấm mang những lời hòa giải đi vào trong công trường.

*
*       *

Có, Voltaire viết, nhiều văn nhân hoàn toàn không phải tác giả, và có khả năng đó là những người sung sướng nhất. Họ tránh được khỏi nỗi ngán ngẩm mà cái nghề tác giả đôi khi kéo theo, các cãi cọ mà sự đối đầu làm nảy sinh, những thù ghét phe phái và các đánh giá sai; họ hân hưởng xã hội nhiều hơn, họ là thẩm phán, còn những người khác bị xét xử.

Họ là thẩm phán, tức là, họ là nhà phê bình. Thậm chí chỉ họ mới là các nhà phê bình đích thực, vì những nhà phê bình viết (và tự trưng bày cho mọi thứ bệnh tật được Voltaire liệt kê) thì viết là để được đọc, nghĩa là để được xét xử, để được phê bình. Nhưng các nhà phê bình ấy không biết: nếu họ không viết thì bằng cách nào mà họ có thể phê bình? Ừ thì! họ nói. Phê bình bộc phát, phê bình của công chúng, về nguyên tắc đó là một phê bình nói.

Từ phê bình bộc phát ấy nảy sinh hai phê bình khác. Và nếu bóng ma của Brunetière nhìn chúng ta bằng con mắt căm hờn, chúng ta sẽ nêu nhận xét với bóng ma, nhằm làm nó nguôi ngoai, rằng mọi thể loại đều đã tiến hóa giống như vậy, và rằng tất tật chúng đều đi từ lời nói đến chữ viết. Sainte-Beuve nói, trong tập đầu các Lundis, vào thời điểm ông tự đặt cho mình nhiều câu hỏi đáng lo ngại nhất về bản tính và cứu cánh của phê bình:

Phê bình đúng nghĩa của Paris được làm ra bằng cách nói [causant: các “bài” của Sainte-Beuve gọi là các “Causerie”]; chính là bằng cách đi tới cuộc bỏ phiếu của tất tật ý kiến, và bằng cách kiểm tra cuộc bỏ phiếu ấy với trí năng, mà phê bình hẳn sẽ có được kết quả hoàn chỉnh nhất và đúng nhất.

Hãy ghi nhớ câu này: Phê bình đúng nghĩa của Paris được làm ra bằng cách nói. Và đúng thế, khi nhìn vào phê bình trong quá khứ, ta thấy rằng mọi lần ở đâu đó có một nghệ thuật trò chuyện, tôi muốn nói một nghệ thuật được thực hành một cách nhã nhặn và bộc phát bởi xã hội cao cấp, thì phê bình đúng nghĩa đã không còn ở xa. Kiệt tác của phê bình nhiều khả năng là một cuốn sách không phải được viết ra ngày hôm nay, mà viết bằng tiếng Hy Lạp cách đây gần hai chục thế kỷ: Phèdre của Platon. Thế đấy! Phèdre được sinh ra từ bông hoa của sự chuyện trò, tức là đối thoại kiểu Socrate. Một số trang Essais của Montaigne [Thibaudet có vai trò quan trọng trong câu chuyện nghiên cứu Montaigne] cũng phải được xếp vào trong số những tác phẩm nhã nhặn nhất và tươi mới nhất của phê bình. Và nói cho thật đúng chúng ta đâu biết Montaigne có từng là một người nói chuyện xuất sắc hay không; chúng ta biết rằng vào thời của ông và tại vùng đất của ông nghệ thuật trò chuyện còn chưa đạt tới một tầm cao thâm xuất chúng. Nhưng, chính thế, các Essais là gì đây nếu không phải cuốn sách của một người, vốn dĩ từ rất sớm mất đi người bạn duy nhất [La Boétie] mà ông có thể thực sự chuyện gẫu, bị nhốt vào một chốn nương náu nhà quê cùng các khuôn mặt phụ nữ có phần hơi khắc khổ và một khung cảnh khá là thô lậu, tuy nhiên lại bị giằng xé bởi nhu cầu nói chuyện với một ai đó, nói, chẳng phải về một chủ đề xác định nào, mà lung tung vớ vẩn thôi, và nhất là về bản thân ông, cái đó chính thị là chuyện gẫu, đã làm như người thợ cạo của vua Midas, đào một cái hố tại mảnh đất Montaigne để ký thác vào đó các bí mật của ông - và trong cái hố đó đã mọc lên tất tật những cây sậy kia, chúng, ngày hôm nay trò chuyện với chúng ta theo một cách thức hết sức đa dạng, thực sự mang trong chúng linh hồn đã chuyển hóa của lời nói? Vào thế kỷ 17, với sự trò chuyện đích thực, sinh ra, trước hết bị trộn lẫn vào với nó rồi sau đó tách biệt khỏi nó, phê bình đích thực. Tại một đất nước nơi có sự trò chuyện tuyệt hảo, phê bình tuyệt hảo cũng được làm ra.

Phê bình tuyệt hảo, như vậy, nảy sinh từ trò chuyện tuyệt hảo, nhưng rốt cuộc nó bước ra khỏi đó, và lúc này chúng ta quan tâm tới phê bình còn chưa ra khỏi đó, phê bình vẫn còn ở dạng nói, cái mà hẳn người ta có thể gọi là dòng nước mẹ của phê bình. Vấn đề không nằm ở một sự trò chuyện của những người nào đó, mà ở sự trò chuyện của những con người trung thực biết đọc và biết đánh giá. Họ chuyện gẫu. Họ chuyện gẫu những gì? Chúng ta sẽ biết được gì nơi “cuộc bỏ phiếu của tất tật ý kiến” đó, mà Sainte-Beuve nhắc đến, ông lại còn nói như sau tại một trang khác:

“Nhà phê bình chỉ là thư ký của công chúng, nhưng là một thư ký không đợi để người khác đọc cho chép lại, và tự đoán, gỡ rối và sáng nào cũng viết suy nghĩ của tất cả mọi người.”

Một thư ký, một thư ký biết tự đoán, và làm việc ấy mỗi sáng. Toàn bộ những thứ này thật thường nhật, đặt chúng ta theo cách thức hết sức thụ động vào dòng chảy của thời sự, thiếu đi quá khứ, truyền thống, hậu cảnh, thiếu đi mọi thứ gì, chẳng hạn, mà một Sainte-Beuve mang tới cho phê bình khi ông từ chối khăng khăng vào vai trò người thư ký của công chúng ấy. Nhưng đấy là bởi, chính thế, phê bình bộc phát đó, phê bình của những người trung thực đó, phê bình nói đó, nó nhằm vào hiện tại, vào văn chương hiện giờ. Phê bình bộc phát trộn vào với phê bình người đương thời, các nhà văn đương thời, và chuyển động của nó đi theo chuyển động của họ giống như chuyển động của cái bóng theo chuyển động của cơ thể. Jules Lemaître viết:

Có lẽ không có phê bình xứng với cái tên của nó nào khác ngoài phê bình lấy đối tượng là các tác phẩm đủ xa chúng ta, mà xét về cá nhân chúng ta tách hẳn khỏi. Và nó lại còn phải nhằm vào những tập hợp đủ lớn để chúng ta có thể nắm bắt ở đó các mối quan hệ đúng mà những tác phẩm đặc biệt có với nhau. Phê bình ngày qua ngày, phê bình các tác phẩm của ngay ngày hôm qua thì không phải là phê bình: đó là trò chuyện. Đó là những lời lẽ chẳng quan trọng chút nào.

Hãy ghi nhận rằng điều này được viết ở tập thứ bảy của một đại tác phẩm tên là Contemporains. Rất ít khả năng Jules Lemaître nghĩ rằng bảy tập ấy là những lời lẽ chẳng quan trọng chút nào. Ngược hẳn lại là đằng khác, ông vẫn hay nói rằng chỉ những người đồng thời mới khiến ông quan tâm, và chẳng hạn ông xúc động với Patrie của Sardou [đây là kịch tác gia Victorien Sardou: đừng nhầm với gia đình Michel Sardou, ca sĩ, mặc dù trong gia đình ấy cũng có nhà văn] hơn so với Horace [Corneille]! Nhưng sự thật nằm ở chỗ phê bình các tác phẩm quá khứ và phê bình các tác phẩm hiện tại không dụng đến cùng cỗ máy, cùng cơ chế, không đòi hỏi cùng các phẩm tính, thông thường không được tiến hành thành công bởi cùng một người. Phê bình các cuốn sách hôm qua và hôm nay, quả thật đó là trò chuyện, nhưng chúng ta đừng từ đó mà rút ra kết luận rằng chúng là những lời lẽ chẳng quan trọng chút nào! Chỉ đơn giản đó là đường uốn của hành động nơi một tác phẩm lên những người đương thời với nó, có lẽ đó là một đánh giá tạm thời, nhưng không phải có thể bỏ qua được, và vẫn phải hội vào với tác phẩm. Bản thân phê bình hướng vào quá khứ cũng sẽ buộc phải để tâm đến nó. Việc Le Cid đã được đón nhận bởi nồng nhiệt của công chúng và bởi những phản đối của các tác giả cùng các nhà phê bình, và cũng giống thế, y xì đúc, ở trường hợp Madame Bovary, hẳn ngày nay sẽ không là chuyện có thể bỏ qua đối với các nhà phê bình quá khứ, những người quan tâm đến Corneille và Flaubert. Những cuộc trò chuyện nơi khách thính mà Tiridate của Thomas Corneille [người em trai kém Pierre Corneille chừng hai mươi tuổi] đã có thể tạo ra, và là thứ biến nó trở nên thành công kịch nghệ lớn nhất thế kỷ 17, không phải, đối với một sử gia về văn chương, những lời lẽ chẳng quan trọng chút nào. Thất bại hay thành công của một cuốn sách nhập vào với nó như một khuôn mặt phần số của nó. Phê bình hiện tại, phê bình nói, thứ góp phần tạo hình cho khuôn mặt đó, chiếm một vị trí quan trọng, cả vào hiện tại đối với tác giả lẫn, về sau, trong quá khứ, đối với sử gia.

Năm 1831, tức là gần hai mươi năm trước các Lundis, Sainte-Beuve phân biệt hai phê bình này trong một trang nổi tiếng, nó, được trích ra theo hai hướng hoàn toàn ngược nhau bởi Marcel Proust và tôi, thiếu điều đã gây chiến tranh giữa chúng tôi:

Chúng tôi ở, Sainte-Beuve nói, rất xa việc nghĩ rằng nghĩa vụ và thiên chức của phê bình chỉ là đi sau các nghệ sĩ lớn, lần theo những dấu vết sáng ngời của họ, mà nhặt lấy, mà kiểm kê di sản của họ, mà điểm trang cho tòa công trình của họ bằng mọi thứ gì có thể làm nó nổi bật, sáng bừng lên… Có một phê bình khác, nhạy hơn, hòa lẫn hơn vào với tiếng ồn của ngày và vào với vấn đề sống động, theo cách nào đó được trang bị vũ khí theo hướng nhẹ hơn và ra hiệu cho các tinh thần đương thời… Nó phải đặt tên cho những anh hùng, những nhà thơ của nó; nó phải đặt ưu tiên cho việc gắn chặt vào với họ, dùng tình yêu của nó cùng các lời khuyên của nó bao bọc lấy họ, quả cảm ném vào họ những lời vinh quang và thiên tài khiến những ai tham dự thấy bị choáng váng, gây ngượng ngùng cho sự tầm thường ở sát gần bên họ, hét lên bắt nhường lối ở quanh họ giống như quan tuyên cáo quân đội, bước đi phía trước cỗ chiến xa của họ như viên thị đồng.

Đó là những dòng đã chơi cho Sainte-Beuve một vố đau. Henri [tức là Heinrich] Heine đoạt lấy chúng để so sánh ông, trước Victor Hugo, với tên mõ bước đi, ông nói, trước sultan ở Darfour, tuyên bố: “Con trâu sắp đến rồi, hậu duệ thứ thiệt của trâu; tất cả những con khác đều là bò, chỉ con này mới đúng là trâu thứ thiệt.” Mọi nhà văn đều mơ tới một nhà phê bình hiểu công việc của mình như thế. Tôi không biết Sainte-Beuve từng nghĩ gì về những hình ảnh trâu bò ấy, nhưng ông sớm nhận ra rằng hai thể loại phê bình không tương thích được với nhau. Có kinh nghiệm về phê bình thứ nhất trong Portraits contemporains xong, ông liền bỏ nó để chuyển sang cái kia, và nhìn chung là ông không nhầm, bởi trong cái nghề phê bình quá khứ này, chính là nhờ khảo về Port-Royal và thành nhà bình luận những người cổ điển mà ông trở nên, đến lượt mình, ở nơi mà tất tật chúng ta là bò, con trâu thứ thiệt duy nhất.


*
*       *

Phê bình người đương thời, sự bốc tỏa tức thì của phê bình nói ấy, của trò chuyện ấy, chúng ta có thể nói, dẫu vẫn nhớ tới Jules Lemaître, cùng các Contemporains của ông, là nó thực sự đã tạo ra, cả nó nữa, con trâu của nó, rằng nó hình thành một chốn nơi có thể phát triển và lớn lên một nhà phê bình có nòi?

Chúng ta hãy công nhận sự vượt trội của ông trong địa hạt riêng của ông. Quá rõ rằng một phê bình, như phê bình của trường đại học, quá nhiều học vấn, quá uyên bác, quá vương vấn với quá khứ, trở nên hơi vụng về và nặng nề trước các tác phẩm mới, trước cái tạo ra bản thân lẽ sống cho tác phẩm mới, nghĩa là không giống với quá khứ. Ở đây chính thị cần đến phê bình bộc phát đó, rất nhạy, trinh nguyên, mà sự mới của kinh ngạc và ngưỡng mộ sẵn sàng rung lên cùng sự mới của tác phẩm nghệ thuật - sự mới mà hồi 1831 sự hào hứng trẻ trung của Sainte-Beuve từng vinh danh, nhìn chung là sự mới vì nó mà các tác giả viết, mà sự tán thành, nếu hoàn toàn không tạo ra vinh quang thì ít nhất cũng chế tạo thành công. Đừng đi tin rằng phê bình ấy, bởi bộc phát, dễ dàng hơn phê bình uyên bác và được trang bị lắm thứ vũ khí. “Tôi thấy dường như, Joubert nói, khó là một người hiện đại hơn so với là một người xưa cũ.” Vẫn thường vì một nguyên do hoàn toàn có tính cách phủ định, bởi yếu đuối, bởi bất lực không theo kịp và không chuyển động được, mà người ta quay sang nghiên cứu và ngưỡng mộ quá khứ. Hãy đọc lại lời tựa đầy quyến rũ mà Jules Lemaître từng viết về Vieux Livres, và hãy nói xem nó có đánh dấu nơi tác giả của nó một hiện tượng cứng đờ lại đầy thanh nhã của gu, sự thoái triệt của một tinh thần có lẽ đã chỉ hiện đại ở vẻ ngoài và do phong thái, và nó, sau khi từng mong mỏi được hiện đại một cách vô chừng mực, lại trở nên già nua còn một cách vô chừng mực hơn. Nhưng rốt cuộc Joubert đã đúng. Chẳng gì khó hơn so với làm một người hiện đại tốt, là như vậy một cách có chừng mực và đúng đắn về tinh thần, cảm thấy và nếm được thời của mình trong chuyển động của nó, trong hữu thể tức thì và không bền của nó, thay vì sống, giống lúc người ta là một kẻ xưa cũ, trong một thế giới của các vật làm xong xuôi hết cả rồi. Sainte-Beuve đã thấy, trong khi già đi, rằng thật quá khó để làm một người hiện đại, và ông đã trú ngụ vào xưa cũ như vào trong một Port-Royal.

*
*       *

Chức năng của phê bình bộc phát là bảo trì xung quanh những cuốn sách cái dòng lưu ấy, sự tươi mới ấy, sự hô hấp ấy, bầu không khí của hiện đại ấy, chúng được thành hình, đặt xuống, bay hơi, đổi mới nhờ trò chuyện. Nhưng phê bình chuyện gẫu đó cũng mắc phải nhiều mối nguy, và nó, nhìn chung, rất mau chóng mất hết hơi sức.

Trước hết, chúng ta hãy nhớ những gì Esope từng nói về cái lưỡi, rằng đó là thứ tốt đẹp nhất và cũng tồi tệ nhất trên đời. Đó là thứ tồi tệ nhất khi nó chiếm tiên phong trước mọi thứ khác, như tại một Nghị viện nơi người ta nói chỉ để mà nói. Thế nhưng, trong lĩnh vực phê bình, ngay cả những lúc đó là phê bình nói, nói là thao tác phụ. Trước tiên phải đọc cái đã, và rồi người ta nói về những gì đã đọc.

Phần thu của văn chương được tạo ra, gần như cũng ngang mức từ các tác giả, từ các độc giả tốt, trung thực và kiên nhẫn. Tuy nhiên ta hình dung rất rõ rằng một cuốn sách có thể không đến với độc giả, và những cuốn sách không độc giả đâu thiếu [gần như tất tật, hiện nay]. Nhưng ta khó lòng mà hình dung một phê bình không xuất phát từ các độc giả. Tuy nhiên, đó là điều đôi khi cũng xảy đến với phê bình nói. Nó mau chóng rơi ngã và nhầm lẫn vì thiếu đọc. Trước hết nó gần chỉ được áp dụng cho những cuốn sách của ngày hôm đó, những cuốn sách cần đến nó, những cuốn sách mà nó lăng xê. Nhưng bản thân những cuốn sách của ngày hôm đó, khi không có thời gian để đọc chúng, người ta đâu có nề hà gì mà không nói đến chúng [điều này xảy ra phổ biến ở mức độ toàn cầu hiện nay, với sự trợ sức của goodreads và các trang web “đọc sách”: có nhan nhản nhân vật xuất hiện ở bất kỳ nơi nào người ta nhắc đến sách, giống hệt mật ngọt chết ruồi, nhặng xanh bu cứt]: chính bằng cách nói về chúng với những ai từng đọc chúng mà người ta tìm ra được cách nói đến chúng mà chưa hề đọc chúng. Mọi sự có thay đổi nhiều lắm kể từ thời của Sainte-Beuve, người từng viết cách đây bảy mươi năm, hay không:

Chúng ta hãy biết rằng phần lớn con người thời nay, họ đã lao mình vào thế giới và vào các áp phe, không đọc, tức là họ chỉ đọc những gì thiết thân và cần thiết với họ mà thôi, chứ không đọc những thứ khác. Khi những người ấy có trí tuệ, có gu và một ham muốn nhất định được coi là người sành sỏi văn chương, họ có một nguồn rất đơn giản: họ làm ra vẻ đã đọc. Họ nói về các vật và các cuốn sách như là có biết chúng. Họ đoán định, họ lắng nghe, họ lựa chọn và họ tự hướng lối thông qua những gì họ nghe được trong cuộc trò chuyện. Họ đưa ra ý kiến của họ, và rồi rốt cuộc cũng có một ý kiến.

Một mối nguy khác của phê bình nói: chuyện phe phái. Phê bình khách thính, phê bình câu lạc bộ, hướng đến việc trở thành các phê bình bè đảng. “Để được một đảng ngưỡng mộ, Stendhal nói, chỉ cần tung ra các câu được làm sẵn cho sự căm ghét hay cho tình yêu của nó.” Và một mối nguy lớn đối với các nhà văn, nhất là ngày hôm nay, là những người, là các đảng đòi những câu được làm sẵn, chỉ trao vinh quang, hay dẫu sao thì cũng là sự xôn xao [“xôn xao dư luận”: ta gặp lại một trong những idiom quen thuộc nhất của báo chí Việt Nam, điều cho thấy báo chí được gọi là nghiêm túc cũng chính là báo lá cải], cho những câu được làm sẵn của họ. Và vì những câu được làm sẵn là những câu dễ làm ra nhất vì cái nguyên cơ tuyệt hảo là chúng đã được làm ra, ta thấy rõ cám dỗ… Vả lại chúng ta hãy ghi nhận rằng mối nguy này chẳng hề là đặc thù đối với phê bình nói. Phê bình chuyên nghiệp vỗ tay hoan nghênh những gì bắt chước các mẫu có sẵn - văn chương của Học viện. Và phê bình xưởng sản xuất thì vỗ tay hoan nghênh những gì gia nhập dưới lá cờ của xưởng. Mọi phê bình, cũng như mọi nghệ thuật, đích thị đều có chiều hướng tự động của chúng. Việc của chúng là biết cái đó và kháng cự lại!

Cuối cùng, phê bình nói, so với mọi phê bình khác, kém phần thoát khỏi các nhầm lẫn về đánh giá gây choáng váng cho hậu thế. Nó diễn tả gu của ngày hôm đó, và gu của ngày hôm đó thì không chỉ có các thất thường và những điên rồ khó lường của nó, nó còn đi theo, với cách thức kiên trì, vừa đi vừa mang tới cho chúng sự vững chắc và đường thẳng của một truyền thống, một số triền dốc nguy hiểm. Brunetière, người chằm chặp đặt vào dạng phê bình này cái nhìn nhiều nghi ngờ nhất, cái nhìn của một hãng đối thủ, đã không hoàn toàn nhầm khi nói như sau:

Trong số các nhà văn của chúng ta, trong toàn bộ lịch sử của văn chương chúng ta, những người mà phụ nữ đã yêu quý, những người mà người của giới thượng lưu đã thưởng thức, tôi không thể tự ngăn mình nhắc lại rằng đó không phải những Corneille và những Racine, Boileau thì còn ít hơn nữa, không phải Molière, và cũng không phải Voltaire hay Montesquieu, mà là những Voiture và những Benserade, chính Quinault, những La Motte và những Fontenelle, mới là các nhân vật quý báu, những người hiện đại.

Rồi. Nhưng chúng ta đừng quên rằng chính những người thuộc giới thượng lưu ấy, đặc biệt là các phụ nữ, từng làm nên vinh quang trẻ trung cho Rousseau, cho Chateaubriand, cho Lamartine. Brunetière, trong cơn xấu tính của ông, nói thêm rằng Racine và Molière đôi khi từng hời hợt vì các khách thính và những phụ nữ, bởi vì họ muốn làm người khác thích mình. Ôi Chúa! nếu lấy đi mất khỏi các nhà văn ham muốn làm người khác thích mình, sau đó rồi chắc hẳn đối với phụ nữ và đàn ông, thì có thể nào nghĩ nền cộng hòa Lacédémone của ta sẽ có được một khuôn mặt khá khẩm hơn không? Lẽ dĩ nhiên không được tìm cách làm người khác thích mình bất kể phương cách, nhưng một văn chương nơi người ta không trước hết tìm cách làm người khác thích thì nó có còn là Pháp nữa hay chăng?

*
*       *

Tất nhiên, khi nói tới phê bình nói, phê bình miệng, chúng tôi gần như chỉ trao cho nó một tồn tại có tính cách lý thuyết. Nó chỉ khởi sự sống theo đường lối văn chương lúc nào mà một số vòng tránh cho phép nó chuyển sang sự viết mà không đánh mất đi ở đó sự thành thực của nó cùng sự tươi mới của nó. Tôi biết rõ rằng một nhà phê bình thuần khiết về mặt hóa học hẳn sẽ không viết, sẽ không trở thành tác giả. Ông Teste [nhân vật của Paul Valéry: chúng ta sẽ sớm đến với Monsieur Teste] hẳn sẽ là một nhà phê bình hoàn hảo hơn Sainte-Beuve. Nhưng ông Teste, không chỉ ông không viết: còn hơn thế nữa ông chẳng đọc. Nhà phê bình tuyệt đối hẳn sẽ không phải cả tác giả lẫn độc giả, như vậy anh ta sẽ không phải nhà phê bình. Phê bình lý tưởng đó thuộc về cùng địa hạt với áo sơ mi của người đàn ông hạnh phúc. Chúng ta hãy ở lại trong sự tương đối.

Trước hết phê bình nói ở mức độ cao nhất, phê bình của trò chuyện thuần túy, để lại nhiều dấu vết. Trong các hồi ký, thư từ, các tờ báo, tin tức của văn chương Pháp, có một dạng Nhật ký của anh em Goncourt gần như không hề ngưng nghỉ, nó kéo dài từ ba thế kỷ nay, và trong đó các sử gia của chúng ta sẽ đi tìm phản chiếu của các tác phẩm văn chương nơi ý kiến chuyển động của thời chúng.

Thứ hai, phê bình bộc phát không chỉ là những trò chuyện, nằm độc nơi lời nói có thể nghe được, mà cả trong các thế phẩm của lời, tức là các bức thư, nhật ký, ghi chép cá nhân. Vừa nãy chúng tôi đã nói phê bình bộc phát có thể đòi cho nó những trang văn chương trong các Essais của Montaigne đến mức nào. Nhưng các bức thư của bà de Sévigné, của bà du Deffand, những ghi chép của Joubert, Nhật ký của Amiel, mọi lần nào họ biểu lộ về các chất liệu văn chương kia, ta đều có thể nói rằng cả họ cũng đại diện cho phê bình nói.

Cuối cùng có một hình thức phê bình bộc phát ngày nay đã gần như hấp thụ mọi phê bình khác, đó là phê bình của các tờ báo. Có lẽ người ta sẽ ngạc nhiên vì tôi không xếp nó vào phê bình chuyên nghiệp, và nữa, các giới hạn giữa hai cái thật khó vạch rõ: hiển nhiên là sự phân biệt ba phê bình này nếu làm được thì tuyệt hảo, nhưng chừng nào đã làm rồi thì cũng sẽ rất tuyệt để lại tháo tung ra. Các Lundis của Sainte-Beuve, vốn dĩ là mẫu cho phê bình chuyên nghiệp, từng đăng trên một tờ nhật báo và phê bình xuất sắc nhất của nhà báo hoàn toàn có thể nằm trên một tờ tạp chí hoặc trong một tập sách. Nhưng cái mà tôi gọi là phê bình của báo, đó là phê bình các tác phẩm của ngày hôm đó, được thực hiện trong tinh thần ngày hôm đó và bằng ngôn ngữ ngày hôm đó, với chuyển động của tinh thần ngày hôm đó, với mọi thứ gì là cần thiết để được đọc mau chóng và một cách dễ chịu, diễn đạt các tư tưởng ngày hôm đó. Không còn là tại các khách thính mà người ta nói chủ yếu về cuốn sách ngày hôm đó nữa, mà là trên báo, bản thân nó chính là, rất chuẩn xác, cuốn sách ngày hôm đó, cuốn sách của hăm tư hoặc mười hai tiếng đồng hồ.

Hãy ghi nhận rằng những người chuyên nghiệp đích thực của phê bình, những người biết rất nhiều, các giáo sư, thành công rất ít ỏi trong phê bình hằng ngày này, hoặc giả, nếu thành công ở đó, họ mang ở đó một tinh thần phản động, làm cho phê bình của hiện tại quay ra ca ngợi và tiếc nuối quá khứ. Ở đây sự phân công lao động vận hành rất tốt. Báo chỉ là một nghề, và nó không nằm trong tầm với của tất cả mọi người, tôi muốn nói báo chí thường nhật. Và phê bình của nhà báo, cả nó nữa, là một nghề, mà không phải mọi nhà phê bình đều biết thực hành.

Nhà phê bình của tờ báo, nhà phê bình ngày hôm đó, viết để được đọc, anh ta chẳng mấy viết để được đọc lại. Phê bình của anh ta được com măng bởi bản thân những cuốn sách mà anh ta quan tâm, trong đó chín phần mười sẽ chẳng được bất kỳ ai đọc lại trong vòng vài năm nữa, đôi khi thậm chí là trong vòng vài tháng nữa. Nhiều người sẽ giơ tay lên trời, nói rằng sao mà nhiều thời gian đánh mất và giấy bị lãng phí thế. Hẳn những người đó nhầm. Và nhầm lẫn của họ nằm ở chỗ lộn quá khứ văn chương với hiện tại văn chương. Quá khứ văn chương, đó là vài cuốn sách còn lại. Hiện tại văn chương, đó là rất nhiều cuốn sách, đó là một sự ào ạt của sách, dòng lũ chảy. Nhưng, để có một quá khứ, cần phải có một hiện tại. Để có ký ức về quá khứ, quá khứ ấy phải từng thuộc hiện tại, cái hiện tại từ đó rất ít thứ sẽ được lưu giữ, và là nơi chút ít ấy được đi cùng, lộng khung, phủ kín, bởi đủ mọi loại cảm giác và tri giác từ đó vẻ như chẳng gì còn lại nữa, nhưng đã phải có, với mục đích có cái gì đó còn lại. Còn lại gì từ bi kịch Pháp? Corneille và Racine. Nhưng để Corneille và Racine tồn tại được, thể loại bi kịch phải từng là một thể loại sống, hàng trăm vở bi kịch phải được viết ra, chúng phải tìm được một công chúng, công chúng đó phải quan tâm đến chúng, dẫu là đúng hay nhầm. Và cũng đã phải có một phê bình thường nhật đi cùng cuộc sống thường nhật ấy của văn chương.

Hẳn ta có thể tưởng tượng, tôi biết rõ điều này, ra một văn chương bị rút về chỉ còn các kiệt tác, một phê bình cau có gây nản lòng cho những nhà văn trung bình hay tầm thường, và hẳn nó sẽ nói với họ: “Tốt hơn hết là đi làm thợ nề đi; mười năm nữa thôi sẽ chẳng ai còn nói về sách của anh đâu, trong khi cả trăm năm nữa chắt chút của anh sẽ vẫn còn ở, nhờ công việc của anh, ngôi nhà mà anh sẽ xây cất.” Trước hết các thợ nề để lại còn ít kỷ niệm hơn so với những nhà văn tồi. Và rồi, nhất là, nếu hàng nghìn nhà văn sẽ sớm tối xỉn không thực thi một cuộc sống văn chương, thì sẽ hoàn toàn chẳng còn văn chương nữa, tức là không có các nhà văn lớn nữa. Viên gạch của nhà phê bình nhiều hảo ý sẽ giết chết Pradon cũng như viên gạch của con gấu giết chết con ruồi. Nhưng cùng lúc nó cũng sẽ giết chết Racine luôn.

Như vậy, phê bình của ngày hôm đó, thứ theo sát các nhà văn ngày hôm đó, và nói về họ, và nói về họ theo quan điểm ngày hôm đó, trong ngôn ngữ ngày hôm đó, góp phần mang hữu thể tới cho ngày đang trôi qua. Và hữu thể của một năm được làm nên từ hữu thể của ba trăm sáu lăm ngày ấy. Và hữu thể của một thế kỷ, hẳn đó sẽ là hữu thể của một trong bốn thế kỷ cổ điển mà trước đó mọi Đại học, mọi Viện Hàn lâm, các sử gia văn chương ngả mũ, được làm nên từ một trăm năm ấy. Cuộc đời thì được sống hết ngày này qua ngày kia, cái đó được dệt từ thời độ, mặt không cần phải đã nhợt đi rồi thì mới hiểu được điều đó trên siêu hình học của ông Bergson.

Thế nên thật không đúng khi mang vào phê bình bộc phát, phê bình báo chí hay nói đúng hơn là phê bình nhật chí [từ này tôi tự tạo ra đấy], tinh thần của phê bình cổ điển. Phê bình cổ điển liên quan tới một thế giới văn chương đã qua, ở đó sự lọc lựa đã được thực hiện. Phê bình nhật chí nhằm vào một thế giới văn chương hiện tại, nơi sự lọc lựa còn chưa được thực hiện. Và chức năng của nó là cảm thấy, hiểu, giúp hiện tại thành hình, chứ không phải lọc lựa ngay từ bây giờ cũng như không phải tự đặt mình vào quan điểm của quá khứ. Sự lọc lựa sẽ được thực hiện, tự nó. Không cần phải giúp người ta chết đi. Nhưng cần một bà mụ để giúp họ sinh ra, rồi thì các phụ nữ không mụ bằng để giúp họ sống, các bác sĩ nhằm làm chậm lại cái chết cho họ. Nếu ta không giúp sinh ra, giúp biểu hiện toàn bộ chất liệu phong phú của hiện tại, thì hiện tại này sẽ có nguy cơ khô quắt đi một phần ngay trong hạt giống của nó. Ai cũng biết lời đáp của Buloz cho Pierre Leroux, định mời ông viết một bài báo về Chúa: “Cái đó thiếu tính thời sự!” Ừ thì, Buloz đã nghĩ đúng từ quan điểm nghề nghiệp của ông, cũng như từ quan điểm của lý trí, thứ muốn rằng người ta không làm cái nghề của người hàng xóm. Leroux có thể đến nói chuyện về Chúa với một ông linh mục Công giáo, người chẳng mấy để tâm đến thời sự, và người sáng nào cũng cử hành lễ mixa, vẫn tiếp tục mặc áo chùng và đồ lễ của thế kỷ 4.

Chuyện lăng kính của thời sự dẫn phê bình nhật chí tới những nhầm lẫn, ai sẽ chối từ đây? Nó không thoát khỏi các nhầm lẫn cố hữu, khỏi các thần tượng, như Bacon từng nói, hơn so với hai phê bình kia. Nhưng các nhầm lần tất yếu của chúng ta, đó chính là bản thân chúng ta, đó là cuộc đời của chúng ta, điều đó không muốn nói rằng chúng ta sẽ không làm việc để sửa chữa chúng. Bọn vi khuẩn giết chúng ta, nhưng đó là sau khi đã để chúng ta sống một thời gian, ấy là điểm cốt yếu, và lũ thỏ được nuôi bằng rau tiệt trùng hoàn toàn lăn ra chết sau vài ngày.

Tôi xin lấy, chẳng hạn, những dòng dưới đây của Revue de Paris, đăng vào tháng Bảy năm 1839, của Jules Janin, người, như ta biết, vốn dĩ là “ông hoàng của các nhà phê bình”. Ông hoàng ấy nói như thế này về các tiểu thuyết gia thời ông:

Tôi sẽ đáp lại ngài rằng ông de Balzac không phải ông vua của các tiểu thuyết gia; ông vua của các tiểu thuyết gia hiện đại là một phụ nữ, một trong những tinh thần lớn kia… (Tôi bỏ qua nhiều dòng rất nhiều pathos về George Sand). Sau đó là tới, lúc bên cạnh, khi thì ở phía sau ông de Balzac, lại cũng có lúc ở trước ông, nhiều tiểu thuyết gia, những người, cũng như ông, hết sức khinh bỉ mà nhìn vào xã hội đúng như nó cư xử; các nhà văn với một sự táo bạo to lớn, với một sự dồi dào tuyệt vời. Cuốn sách nào của ông de Balzac chất được đầy hơn chuyển động và sự cố như Mémoires du Diable? Câu chuyện nào của ông de Balzac vượt trội được so với Femme de quarante ans của ông de Bernard? Thế đã lúc nào ông de Balzac đẩy được sự châm biếm đi xa hơn ông Eugène Suë hay chưa? Ông đã viết được gì, cho sự tươi mới của các miêu tả, cho sự duyên dáng thì thầm của mùa xuân nơi phong cảnh khá hơn so với những thất thường đáng yêu của ông Alphonse Karr hay chưa?

Các nhầm lẫn về phối cảnh đó, sự lộn sòng Balzac vào cả đủ lố người mà chúng ta không còn đọc lấy một dòng mảy may, đối với chúng ta thật có vẻ xì căng đan, nhưng chúng ta cũng sẽ tạo ra cùng xì căng đan ấy cho đám cháu chắt chúng ta, cái đám tám mươi năm nữa sẽ đọc chúng ta. Chẳng có lấy một ví dụ về một nhà phê bình, khi nói về những người đương thời của mình, mà không đặt vào cùng một phối cảnh những người sẽ còn lại và những người sẽ biến mất. Ngay Boileau, người vứt bỏ Théophile vào giữa đám người độc ác, đã đặt vào giữa các tay cự phách Voiture và Segrais. Hãy xem, trong Contemporains của Jules Lemaître, những Rabusson và những Grenier. Trong tập sách nơi nó được đặt vào, bài báo cuồng nộ của Brunetière về Baudelaire nằm ngay cạnh một bài báo ca tụng nhiệt liệt, trong đó Edme Caro được phong thánh. Và thôi đừng quắc mắt sáng trưng như linh miêu đối với những người đi trước chúng ta, mà lại chuột chũi mù dở đối với chúng ta. Bất kỳ ai thực hành môn phê bình nhà báo, cái phối cảnh rối mù này nhất thiết bị áp đặt lên anh ta. Và thêm một lần nữa không hề tệ khi phối cảnh của hiện tại không phải phối cảnh của quá khứ. Hiện tại của chúng ta, nó có cả vĩnh cửu để trở thành quá khứ, nó chỉ có độc khoảnh khắc hiện thời để là hiện tại. Chúng ta hãy giữ cho nó sự độc đáo của nó. Nếu bỗng hiện ra một nhà phê bình siêu nhân, có khả năng hoàn thành ngay vào lúc này sự lọc lựa mà hậu thế sẽ thực hiện, lẽ dĩ nhiên hẳn chúng sẽ phải giết chết anh ta luôn: nếu không, chính anh ta sẽ giết văn chương [rất là Thibaudet, chỗ này]. Đấng sáng tạo từng dựng ra thế giới biết, dẫu người ta có nói gì về điều đó, công việc của mình. Anatole France ca ngợi ở đâu đó Viện Hàn lâm Pháp vì nó bao gồm một tập hợp tươi ngon thanh nhã các nhà văn giỏi và các bản tính văn chương được thiên phú một cách hà tiện hơn. Quả thật, ông nói, nếu nhất định Viện Hàn lâm phải được tạo thành từ bốn mươi nhà văn giỏi nhất, thì hẳn sẽ quá khó nhọc đối với những người không thuộc vào số đó. Ngược lại, những nhà văn giỏi làm người ta cảm thấy kiêu hãnh vì thuộc về Viện Hàn lâm giống họ, và các viện sĩ hàn lâm vớ vỉn thuyết phục ta rằng nho xanh thì đúng thật là nho xanh, chúng sẽ chết mà chẳng bao giờ chín.

Phê bình của ngày hôm đó, thứ mang lại sự nổi tiếng, viết ra bản nháp từ đó, thông qua một loạt sửa sang, sẽ chui ra thứ phê bình mang tới, hay nói đúng hơn, ghi nhận vinh quang. Có những người nghĩ rằng thời gian dành cho đống giấy nháp là thời gian mất, và tốt hơn hết là nên ngay tắp lự viết ra phiên bản chung quyết. Xét về quyền họ hoàn toàn đúng. Nhưng xét về sự kiện thì té ra phiên bản chung quyết đi sau giấy nháp thông thường lại tốt hơn phiên bản chung quyết viết mà không cần nháp. Cuộc đời thì diễn ra trong thời gian. Chẳng phải bằng cách áp đặt lên các thanh niên những phẩm chất của đám râu trắng mà người ta có thể làm được cho họ trở nên thông thái chừng nào quả thật họ sẽ có râu trắng. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng, nếu như mà quá thông thái ở tuổi hai mươi, thông thường người ta sẽ khá là rồ khi sáu mươi tuổi.

*
*       *

Có phải ở đây tôi đang ca ngợi vô lối cho phê bình nhật chí, cho thời luận? Có phải tôi đang tự che giấu với chính tôi các khiếm khuyết của nó? Hoàn toàn không. Nhưng tôi dùng từ “khiếm khuyết” trong một nghĩa chặt chẽ: nơi mà phê bình này hỏng, nơi nó không còn ở trên địa hạt riêng của nó nữa, nơi nó phải nhường chỗ cho một phê bình khác. Tôi không tự che giấu những gì thuộc về sự thật mà những dòng sau đây của Jules Lemaître chứa đựng. Ở báo chí “vấn đề chỉ là sao cho đập thật mạnh. Chẳng cần chăm chú một tí nào cho sự thật trong những suy nghĩ, cho công lý trong những tình cảm, cho sự đúng trong lời lẽ. Thêm nữa, người ta thiếu thời gian để suy nghĩ. Ta sẽ chẳng bao giờ biết nổi sự tồi tệ đáng kinh hãi mà báo chí đã gây ra cho văn chương thế kỷ 19”. Hãy ghi nhận rằng ở chỗ khác Lemaître nói rằng ông thấy thật tốt vì buộc phải mang tới cho suy nghĩ của ông các khung và dáng vẻ của một bài đăng báo. Hết sức giản dị, báo và phê bình nhật chí, đó là trò chuyện, đó là đối thoại được làm cho trở nên vững chắc. Nếu, con người của sách, và nhất là của sách cũ [bởi vì, ngay trên Thibaudet đã nhắc đến bộ sách viết về những cuốn sách cũ của Lemaître], ta mà đi đánh giá từ quan điểm cuốn sách, thì ta sẽ lệch. Điều mà Lemaître nói rất đúng, cho đến một điểm nhất định (không được quá lời và bản thân ông quá lời ở tư cách nhà báo “nhằm đập thật mạnh”), về một tờ báo xét riêng lẻ, vì người ta viết trên một tờ báo với mục đích ủng hộ một ý kiến phe đảng. Nhưng một tờ báo cô lập, đó là một sự trừu tượng, cái đó đâu tồn tại. Có các tờ báo [điều này hết sức quan trọng], tức là những người biểu đạt, bằng cách đập thật mạnh, các ý kiến đối lập nhau nhất. Những ý kiến ấy, trong khi đối lập với nhau, nhận thức được rõ hơn về bản thân chúng, và cùng lúc chúng tự trung hòa lẫn nhau. Hoàn toàn không phải là mất thời gian khi buổi sáng đọc lướt qua chừng một chục tờ báo Pháp và nước ngoài. Ta nắm bắt được ở đó nghĩa của cái tương đối, tức là một bài học về sự thông thái. Nhưng bài học về sự thông thái đó có phải được trao cho ta bởi tay các nhà thông thái hay không? Hoàn toàn không. Nó được trao cho ta bởi những con người đảng phái, bởi đám cuồng tín, đôi khi bởi lũ rồ. “Trong báo chí, Faguet từng nói rất đúng, mọi cách thức đều tốt hết, trừ cách thức của Montaigne.” Faguet không nhầm. Một tờ báo có thể tên là Figaro hay Voltaire. Người ta không hề thấy nó mang cái tên: Montaigne! Je sais tout [Tôi biết tuốt] chứ đâu có phải Que sais-je? [nghĩa là “tôi biết gì”, châm ngôn của Montaigne, về sau trở thành tên cho một tủ sách nổi tiếng, nhiều quyển đã dịch sang tiếng Việt, trong đó đặc biệt nên đọc Cá nhân luận, bản dịch Phan Ngọc], tạo ra một tên tạp chí rất tốt. Và xét ở vẻ ngoài câu của Faguet hẳn còn tàn nhẫn hơn so với câu của Lemaître. Hẳn nó muốn nói: Tất tật phương cách lảm nhảm đều là tốt trong báo chí, chỉ có cách thức của những con người lý tính là không đáng gì. Nhưng, trên thực tế, nếu Montaigne hẳn sẽ không thể xuất hiện trong các dữ kiện của báo chí, thì dẫu sao ông cũng có vị trí riêng nơi các kết quả của báo chí. Sự thông thái của Montaigne không việc gì phải hiện ra trên một tờ báo, chính thị là bởi đó là một sự thông thái tích cực, và rằng độc giả hẳn phải tự sống nó theo đường lối tích cực, bằng cách nghe các tờ báo đối thoại cho thật nhiều, bằng cách rút từ cuộc đối thoại ấy một bài học về châm biếm và về nghi ngờ.

Đối thoại chứ không phải là độc thoại. Đừng tính những gì tôi đang nói về đối thoại vào cho độc thoại. Nhà thông thái e ngại con người của chỉ một cuốn sách [cf. Tạ Chí Đại Trường, tất nhiên]. Chúng ta sẽ nói gì đây về con người của chỉ một tờ báo? Và gần như tất cả mọi người đều là con người của độc một tờ báo. - Tức là cái được gọi là bài học về sự thông thái của ông chỉ dành riêng cho vài tay tài tử? - Chúng ta hãy cố hiểu nhau. Tính cách nhiều của các tờ báo phụng sự cho xã hội theo cùng những cách thức của sự thông thái giống như tính cách nhiều của những sự đọc các tờ báo khác nhau sẽ phụng sự cho một số a ma tơ hiếm hoi của sự trò chuyện bằng viết. Độc giả của một tờ báo cực hữu nào đó sau một thời gian trở thành một kẻ cuồng tín giống như độc giả của một tờ báo cực tả nào đó [he he: quá chuẩn; cực tả và cực hữu chính là một thứ]. Như vậy tờ báo của họ chẳng hề mang tới cho họ sự thông thái, mà vả lại họ hoàn toàn lờ tịt cái đó đi, và cái đó thì đâu có hữu dụng gì cho lắm trong cuộc đời. Nhưng tờ báo hữu khuynh buộc một kẻ cuồng tín tả khuynh phải có chút thông thái nhất định bằng cách tạo ra một kháng lực, thứ sẽ ngăn cản anh ta xuống phố. Và tờ báo cuồng tín tả khuynh cũng làm cho chúng ta cùng điều tương tự chống lại kẻ cuồng tín hữu khuynh. Và bên hữu cũng như bên tả không phải chỉ có toàn bọn cuồng tín mà thôi [hê hê: các trí thức tả khuynh hải ngoại Việt Nam]. Có những người chừng mực bên tả và những người chừng mực bên hữu. Thành thử cuộc đối thoại dày hự lên. Và đối thoại ấy, trong lúc dày lên, tạo ra một dạng clearing-house [quay trở lại: đây là sự điều hòa] nơi các ý kiến trái ngược nhau hủy bỏ lẫn nhau giống các món nợ riêng trong trò chơi của tín dụng chung [khục khục: vỡ quỹ tín dụng]; sự hủy bỏ này chỉ là mức sơ đẳng của một công việc khổng lồ, ở đây là các trao đổi kinh tế còn ở kia là các trao đổi trí năng. Trò chơi lớn của những trao đổi kinh tế được thực hiện thông qua tích tụ và trung hòa vô số sự ích kỷ, sự tham lam kẻ thù của nhau, các đầu cơ theo hướng tăng cũng như các đầu cơ theo hướng giảm [đúng là các nhà nghiên cứu văn học sẽ không bao giờ hiểu được gì nếu không có hiểu biết căn bản về kinh tế học]. Cũng giống trò chơi lớn của những trao đổi trí năng, cuộc đối thoại kiểu Socrate lớn của hàng trăm tờ báo quốc gia, của hàng nghìn tờ báo quốc tế, đã tích tụ các suy nghĩ trái ngược nhau nhất cho sự thông thái và cho lý trí, đã đặt vào cuộc chơi tất tật sự cuồng tín cùng tất tật nỗi căm ghét, nhưng bằng cách đặt tất tật chúng vào cuộc chơi, nó đã trung hòa chúng đi, những cái này bởi những cái kia. Từ đó mà nó đã kích hoạt những hiệu ứng hữu ích và loại bỏ đi từ đó các thứ thuốc độc, trong chừng mực một cơ thể có thể loại bỏ đi. Nhà thông thái đã rút được tự đó sự thông thái. Nhưng có một người còn thông thái hơn nhà thông thái, đó là toàn bộ nhân loại, đó là linh hồn chuyển động, cần mẫn và tinh tế của Ulysse vĩnh cửu: và nếu thấy rằng không phải lúc nào nó cũng rút ra được từ đó sự thông thái ngang bằng với chúng ta, thì chúng ta hãy nâng nó lên bằng mức của chúng ta…

*
*       *

Có lẽ người ta sẽ nghĩ rằng tôi đã hơi rời xa khỏi phê bình. Hoàn toàn không. Phê bình của nhà báo, tức là thứ phê bình được tạo khuôn dựa trên cái ngày-này-qua-ngày-khác của sản xuất văn chương, nó được nhập vào với nhịp mà tôi vừa tìm cách miêu tả. Nó tạo ra một đối thoại về các sản vật của ngày hôm đó, một đối thoại, nghĩa là nhiều giọng nói. Và chừng nào người ta chỉ nêu lên các yếu đuối và khốn cùng của phê bình này, điều mà hai phê bình đối thủ không bỏ qua, thì đấy là vì đích thị người ta nhắm mặt lại trước sự nhiều kia. Một nhà phê bình đánh giá người đương thời của anh ta bằng tính khí của anh ta, các tình bạn của anh ta và những căm ghét của anh ta, cả về văn chương, chính trị lẫn tôn giáo, và từ tất tật những cái đó anh ta làm nên cách thức uy quyền mà tài năng của anh ta khiến cho là có thể. Nhưng những tình bạn của người này thì lại là các căm ghét của người khác. Từ đó mà có đối thoại, tức là phê bình trong chuyển động [ta gặp lại cụm từ quan trọng này, “trong chuyển động”]. Cũng từ đó, và chủ yếu, mà có phê bình các phê bình: nếu phê bình ân cần niềm nở với các tác giả, thêm vào đó nó lại còn hữu ích với bản thân các nhà phê bình, và hẳn sẽ bất công nếu họ bị tước đi mất sự tốt lành mà họ ban phát. Chúng ta hãy nói thêm rằng phê bình này, nếu thay vì nhìn thấy nó trong đối thoại nội tâm thì chúng ta nhìn nhận nó thành khối, bản thân nó bị giới hạn, bị kiểm soát, bị phê bình bởi hai phê bình khác, đối với chúng nó cũng lại làm giống y hệt, hết sức nghiêm khắc.

Và, để cho rõ mọi sự, chúng ta hãy ghi nhận rằng phê bình bộc phát và phê bình chuyên nghiệp, phê bình của đối thoại và phê bình của cuốn sách, tuy trong bản tính và trong đường hướng phải phân biệt với nhau nhưng lại phân biệt với nhau ít hơn nhiều trong thực tại. Một, chúng tôi đã nói, nhằm vào văn chương đã được lọc lựa, văn chương của quá khứ, còn phê bình kia thì vào một văn chương chưa được lọc lựa, văn chương của hiện tại. Nhưng phê bình đối với văn chương hiện tại không tự thân nó tiến hành được mà không có lọc lựa nào đó, nó không nói đến mọi thứ, nó dính bết vào quanh vài tác giả [rất đúng], vào vài hướng, nó chỉ ép chặt vào thời sự trong chừng mực nó thực sự muốn làm vậy, hoặc giả trong chừng mực mà đối tượng của nó áp đặt cho nó. Thậm chí nó chỉ vậy một cách thẳng thắn và hoàn toàn trong một trường hợp nhiều ưu tiên, trường hợp phê bình kịch nghệ.


[tạm bỏ một đoạn ngắn ở cuối chương: Thibaudet nói về phê bình sân khấu, Sarcey, etc.]




Phê bình chuyên nghiệp


Phê bình bộc phát được thực hiện, hay chắc hẳn phải được thực hiện, hoặc bởi các độc giả nói về những gì họ đã đọc, hoặc bởi các độc giả viết về chúng, và họ giữ sao cho mình có kết nối càng nhiều càng tốt với tinh thần và sự mềm dẻo của lời nói. Nhưng rất tự nhiên khi sự phân chia lao động trong văn chương dẫn đến việc tạo ra một phê bình chuyên nghiệp, chính là phê bình mà Voltaire từng nhắc tới bằng những lời sau đây: “Ta đã thấy, ở các quốc gia hiện đại thích vun trồng văn chương, những người tự lập dựng thành các nhà phê bình có nghề, giống người ta từng tạo ra các chuyên gia kiểm tra lưỡi lợn để xem những con thú ấy, được dẫn ra chợ, có bị bệnh hay không. Đám chuyên xem lưỡi lợn của văn chương không thấy có bất kỳ nhà văn nào là lành mạnh.” Và quả thật ta biết rằng Voltaire, trong Commentaire sur Corneille, đã mang tới cho chúng ta bản báo cáo của một chuyên gia lưỡi lợn đặc biệt đáng ngờ.

Bằng cách nào mà thứ phê bình chuyên nghiệp ấy đã được lập dựng tại các quốc gia hiện đại? Ở đây tôi sẽ không cần tóm tắt Lịch sử phê bình đồ sộ của ông Saintsbury [kinh điển của kinh điển, sản phẩm của nước Anh], cũng như đi tìm nguồn gốc của phê bình nơi người Hy Lạp, hay nhìn cho rõ khuôn mặt mà nó mang tại các nhà nhân văn của Phục hưng, dõi theo thể loại trong suốt quá trình một tiến hóa từng mang hình thù các mẩu nhỏ bất định thì nhiều hơn nhiều so với khuôn mặt của Grand Canal kia, mà Brunetière từng nhìn thấy, và trên đó người ta đã tháo cho chảy, từ Villemain cho tới chính Brunetière, xiết bao là nước hùng biện. Nhưng chúng ta thấy rằng phê bình ấy đã trở nên, trong thế kỷ 19, một phê bình của các giáo sư: thậm chí đôi khi người ta còn ném vào ông ta danh hiệu này như một lời sỉ nhục, như thể trong cái nghề giáo sư có một sự bất tương thích nào đó với tự do của nhà phê bình.

*
*       *

Các chuyên gia lưỡi lợn mà Voltaire nhắc đến có từ mãi thế kỷ 17. Richelieu, năm Le Cid ra đời, muốn áp đặt cho Viện Hàn lâm một cái nghề thuộc loại này, mà nó thực hiện một cách kinh tởm và không tái phạm nữa. Nhưng chức năng thì phải được lưu giữ, nó nằm trong không khí của thời đại, thứ đòi hỏi một nhà phê bình có uy quyền: ở Pháp uy quyền hoành hành trên mọi cái chợ, và chính tại đó, một phần, có cái mà người ta hay gọi là tinh thần của thế kỷ 17. Đại biểu cho uy quyền văn chương, đó là Chapelain [nhân vật mà ta đặc biệt hay bắt gặp trong bất kỳ khảo luận lịch sử văn chương Pháp nào, một nhân vật gây vô cùng nhiều tranh cãi, khiến người ta sỉ nhục vô cùng nhiều], một con người đáng kể, đã tạo lập cái mà hẳn ta có thể gọi là phê bình lời khuyên: tôi muốn nói rằng với Chapelain phê bình hiện ra như một nghệ thuật cho nhà văn các lời khuyên hữu dụng. Nhà phê bình là một cố vấn và, trái ngược với ngạn ngữ, nhà cố vấn đó cũng là một người chi tiền, vì Chapelain lập danh sách tiền trợ cấp cho các văn nhân, trong đó ông chẳng hề bỏ quên chính ông. Thế nhưng một cố vấn nghĩa là gì, trong phê bình? Đó là người biết các quy tắc. Và các quy tắc của gì? Các quy tắc của những thể loại [ta bắt đầu bước vào một trong những trọng tâm của phê bình văn học trước đây, tập trung vào chính cái chữ “thể loại” này]. Các quy tắc mà Chapelain biết rành rẽ nhất, đó là, dường như vậy, những quy tắc của thể loại anh hùng ca, và ta biết rằng ông không muốn nhường cho bất cứ ai đặc quyền áp dụng chúng. Nhưng chúng ta hãy ghi nhận rõ, ngay từ nguyên tắc, khác biệt cốt yếu giữa phê bình chuyên nghiệp này và phê bình bộc phát. Phê bình bộc phát, nói, công cộng, có đối tượng là những cuốn sách và những con người. Phê bình chuyên nghiệp thì ở khởi thủy nhằm vào các quy tắc và các thể loại. Và tôi biết rõ rằng nó sẽ có thời gian, từ sau Chapelain, để thay đổi đối tượng và mở rộng, nhưng sẽ vẫn luôn luôn còn lại ở đây một cái gì đó từ những nguyên tắc cổ xưa của nó. Dẫu thế nào thì nó cũng vẫn lưu giữ cùng tính cách, với Boileau [một nhân vật khét tiếng khác, một người định ra các nguyên tắc: huyền thoại về sự “sáng sủa” của văn chương Pháp khởi nguồn rất nhiều từ Boileau]. Nếu bỏ sang một bên tác phẩm luận chiến của Boileau, nếu chỉ nhìn nhận đóng góp của ông về phương diện phê bình thực chứng, chúng ta sẽ thấy rằng đối tượng của phê bình ấy là thức nhận về tự nhiên, các giới hạn và các quy tắc của những thể loại khác nhau, và trao cho nhà văn ý thức sáng sủa về các thể loại, giống người ta trao cho một lính pháo binh hay một lính kỵ binh ý thức về vũ khí của anh ta, cho một công chức ý thức về hệ thống quản lý anh ta, cho một thành viên giáo đoàn ý thức về dòng tu của anh ta. Boileau, bởi ông có một lương tri mạnh và vì ông tập hợp vào sự sáng suốt của nhà phê bình sự thuần tục của nhà nghệ sĩ, đã có thể áp đặt lên cái nơi mà Chapelain từng sụp đổ. Nhưng phê bình của ông, cũng như phê bình của Chapelain, đúng là một phê bình lời khuyên, một phê bình mà nhờ đó nhà phê bình nghĩ mình có thể soi rọi không phải đô thành nghệ thuật đã được làm ra, mà là con đường của nghệ thuật còn cần phải làm: như vậy là một phê bình dạy dỗ và, cho đến một điểm nhất định, phê bình giáo sư.

Mặt khác, trong những năm cuối của thế kỷ 17 và những năm đầu thế kỷ 18, chúng ta thấy văn chương được đổi mới nhờ cái mà hẳn ta có thể gọi là một cảm giác ngoạn mục về hiếu kỳ. Không phải sự hiếu kỳ đối với quá khứ giống như đoạn Phục hưng, mà là hiếu kỳ về hiện tại, vì hiện tại đó của văn minh Pháp đang ở vào kỳ nở rộ đầy đủ hiện ra như một cái gì đó thật hấp dẫn, thật quyến rũ, thật duy nhất, không hề giống với những gì người ta đã thấy cho tới khi đó, và xứng đáng được nhìn nhận, được ghi nhận cho chính nó, hoàn toàn giống như nó đã được sống cho chính nó và bởi chính nó. Trong văn chương, cuộc tranh cãi giữa Anciens và Modernes [Cũ và Mới: cuộc tranh cãi được bình luận suốt vài trăm năm nay; có thể coi cuộc đụng độ Roland Barthes-Raymond Picard là lặp lại của thế kỷ 20 câu chuyện này] kích hoạt chuyển động và, đối với mọi nhà phê bình, buổi họp Viện Hàn lâm ngày 27 tháng Giêng năm 1684, mà Boileau vừa rời khỏi vừa hét lên xì căng đan trước khi Perrault đọc hết bài thơ của ông về Siècle de Louis le Grand, chính là, giống ngày 14 tháng Bảy năm 1789 trong lịch sử chính trị, khởi đầu cho một tấn kịch mà chúng ta vẫn chưa thôi sống trong và ngày nay vẫn còn là thứ chia đất cho các vị thế văn chương của chúng ta. Kể từ ngày ấy, đã đặt ra vấn đề về người hiện đại, vấn đề mà ngày hôm nay chúng ta tranh cãi cả trong địa hạt giảng dạy lẫn trong địa hạt của nghệ thuật. Nhưng vấn đề ấy đã làm khởi phát, vào cuối thế kỷ 17, một cơn cuồng phong của dục vọng như vậy là bởi nó gắn chặt vào với một tình cảm trào khỏi nó và mang luôn nó theo: hiếu kỳ về hiện tại, thứ sẽ gây sống động cho thiên tài của Saint-Simon (và đó là, tôi nghĩ, cách tốt nhất để gắn vào thời của ông, bằng cách đặt ông đối lập với thế hệ của Dangeau, cái con người ấy, mà ta vẫn có thói quen coi như một tảng thiên thạch văn chương), mà chúng tôi nghĩ nhìn thấy lại trong suốt cuốn sách của La Bruyère, thứ sẽ trao toàn bộ lẽ sống và lẽ viết của chúng cho Bayle và cho Fontenelle, và thứ sẽ bùng nổ rất mạnh và cao trong thứ lửa khô của một Voltaire, trong thứ lửa nhiều khói của Diderot. Sự hiếu kỳ không vương lợi ích và đầy châm biếm đó đối với hiện tại, mà thế hệ trước đó, vốn dĩ là nhà giáo đầy kính cẩn và nhiều cẩn trọng, còn xa mới biết tới ở cùng mức độ, dường như nhất là nó sẽ tạo ra thành quả nơi phê bình bộc phát, nói. Và quả thật đó là thời hoàng kim của phê bình ấy. Nhưng phê bình chuyên nghiệp, cả nó nữa, từ đó đi ra mềm dẻo hơn, được soi sáng nhiều hơn, tự do hơn, ít vương lợi ích hơn, nó ngừng tự nhập thân vào công việc kỹ thuật, định luật lệ, có tính cách lịch sử, của Chapelain và của Boileau. Chẳng ai đại diện tốt hơn được so với Voltaire, truyền nhân của Bayle và của Fontenelle, tinh thần của phê bình mới đó, và chẳng ai viết giỏi hơn ông được cái mà hẳn ta có thể gọi là giấy khai sinh cho nó.

Một trong những lợi thế lớn nhất của thế kỷ chúng ta là số lượng ấy những con người học vấn cao, những người chuyển từ những gai góc của toán học qua các bông hoa của thơ ca, và họ đánh giá một cuốn sách về siêu hình học cũng giỏi ngang cỡ với đánh giá một vở kịch. Tinh thần của thế kỷ trả họ lại, phần lớn, cũng thích hợp cho thế giới thượng lưu ngang mức với cho văn phòng bộ, và chính ở điểm này mà họ vượt trội hẳn so với những người của các thế kỷ trước. Họ từng bị gạt khỏi xã hội phong nhã cho đến thời của Balzac [Balzac khác] và Voiture; kể từ bấy họ tạo cho nó một bộ phận cấu thành nhất thiết. Họ đã truyền lại nơi các trường cả nghìn cuộc tranh cãi trẻ nít, thứ xưa kia từng nguy hiểm, mà họ đã biến thành ra đáng khinh bỉ; qua đó quả thật họ đã phụng sự cho Nhà nước. Thỉnh thoảng người ta kinh ngạc trước việc thứ xưa kia từng gây đảo lộn thế giới chẳng còn khiến nó xáo trộn nữa, ngày hôm nay: điều đó ta có được chính là nhờ ở các văn nhân đích thực. Thông thường, họ có nhiều độc lập trong tinh thần hơn so với những người khác…

Cái mà Voltaire muốn nói ở đây, với các văn nhân, không phải, như ta thấy, những người sáng tạo, mà là những người đọc, những người đánh giá, những người nói tới các cuốn sách và những người viết chúng, tức là, nhìn chung, các nhà phê bình. Và đúng là thế kỷ 18 có thể hiện ra với tư cách kỷ nguyên của phê bình, phê bình triết học, phê bình tôn giáo, phê bình nghệ thuật, phê bình văn học. Saint-Simon, nhờ một cái nhìn rất chuẩn xác rồi sẽ chuyển sang cho Auguste Comte [Thibaudet thuộc vào số những người rất coi trọng Auguste Comte, cũng như Alain; điều này không phải là đương nhiên vào thời ấy: chẳng hạn Georges Sorel tấn công Comte rất ác liệt; tuy nhiên, ta lại bắt gặp một người ngưỡng mộ Comte, về sau này: đó chính là Michel Houellebecq], từng phân biệt trong lịch sử những giai đoạn hữu cơ và những giai đoạn phê bình. Và thế kỷ 17 là típ của một giai đoạn hữu cơ, thế kỷ 18, típ của một giai đoạn phê bình [lại bóng dáng ý tưởng của Tư Mã Thiên]. Tác phẩm đặc trưng cho một thời kỳ như vậy là Từ điển phê bình, chẳng hạn Từ điển của Bayle [chúng ta sẽ sớm đến với nó], Bách khoa thư, Từ điển triết học của Voltaire [chúng ta cũng sẽ sớm đến với nó], tức là một kiểm kê các tác phẩm, các ý kiến, những sự thật và những nhầm lẫn con người, được xem xét từ quan điểm của lý trí. Như vậy dường như thế kỷ 18, nơi ngự trị các văn nhân đó, mà Voltaire nhắc đến với chúng ta bằng rất nhiều trân trọng, lẽ ra đã phải trở thành thế kỷ vĩ đại của phê bình chuyên nghiệp. Thế nhưng chuyện đã không như vậy. Sẽ phải đợi, để được thấy cái thế kỷ vĩ đại đó, thế kỷ 19. Và đây là một điều không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, nó còn sẽ rọi ánh sáng vào chính bản tính và các nhất thiết của phê bình chuyên nghiệp.

*
*       *

Thế kỷ 18, có tính cách phê bình theo đường lối phổ quát và một cách mạnh mẽ đến thế, đã gần như chỉ là, nơi địa hạt của phê bình chuyên nghiệp, một thế kỷ quá độ. Voltaire về cơ bản định ra các giá trị văn chương cổ điển cho tới Sainte-Beuve, nhưng nhất là ông định ra cái đã được định ra sẵn, ông chính là thư ký của ý kiến một cách tuyệt hảo, người nói ra những gì mà những người trung thực nghĩ, và người nói điều đó trước cả khi những người trung thực có nhận thức là họ đang nghĩ chúng, thành thử, như Bersot từng viết, nếu tất cả mọi người đều có nhiều trí tuệ hơn Voltaire, thì trí tuệ của Voltaire vẫn cứ là trí tuệ của tất cả mọi người.




(còn nữa)




École de Genève (buổi thuyết trình thứ hai)
Jean Starobinski: "Quan hệ phê bình" (tài liệu cho buổi thuyết trình thứ hai)
École de Genève (buổi thuyết trình thứ nhất)
Jean Rousset: Văn chương thời kỳ baroque ở Pháp
Georges Poulet: La Poésie éclatée. Baudelaire/Rimbaud
Về Barthes
Barthes, Flaubert, Proust
Một người lãng mạn (Heinrich Heine)
Gaston Bachelard: Nước và các giấc mơ
Hugo Friedrich: Cấu trúc thơ hiện đại
Gaston Bachelard: Không khí và mộng
Roger Caillois về Montesquieu
Roland Barthes: "Sociologie và socio-logique"
Leo Spitzer: Phong cách của Marcel Proust
Jean-Pierre Richard: Hiểu biết và dịu dàng ở Stendhal
Thơ Mới: cấu trúc
Sur Barthes (1)
Roland Barthes: "Michelet, Lịch Sử và Chết"
Roland Barthes: "Văn hóa và bi kịch"
Octavio Paz về André Breton
Jean Paulhan: Les Fleurs de Tarbes
George Steiner: Râu Xanh
Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Lý thuyết văn học và triết học
Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ
Nghiên cứu văn học: con đường lý thuyết
Nhìn lại lý thuyết


11 comments:

  1. tiếp tục, cũng tiếp tục luôn "Baroque":

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2018/04/baroque.html

    ReplyDelete
  2. tiếp tục: đã sang chương hai

    tôi sẽ rất nhanh dịch hết cuốn sách này, có cơ sở xuất bản nào muốn in không? đây sẽ là lần đầu tiên một cuốn sách ở cỡ này xuất hiện trong tiếng Việt, kèm với đó tôi sẽ viết một tiểu luận về Thibaudet; vả lại, Thibaudet chết năm 1936, đã "public domain", làm rất dễ, không mất công đi mua bản quyền nữa

    đây cũng chính là một trong những gì huyền thoại nhất của toàn bộ lịch sử phê bình văn học thế giới

    ReplyDelete
  3. người thứ nhất được tất: sẽ đưa luôn cả bản dịch hoàn chỉnh "Aurelia" (Nerval), đây mới là lần thứ hai Nerval được dịch ra tiếng Việt, lần thứ nhất chính là Bùi Giáng (Mùi hương xuân sắc, tức là Sylvie)

    ReplyDelete
  4. à, thêm luôn quyển tên là "Nghịch lý của trường phái" cũng được, xong rồi đấy, đó không chỉ là về Geneve, mà cả về Konstanz, Yale, French Theory, theorie americaine

    và cho thấy các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã làm gì: nhóm Trần Đình Sử, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân làm gì với Bakhtin (về Dostoievski), rồi lại Bakhtin (về Rabelais), lần này thủ phạm là Hoàng Ngọc Hiến

    rồi quyển sách tên "Chủ nghĩa hình thức Nga" thật ra là gì, ông Hoàng Văn Vân hiểu Chomsky ra sao, các ông khác, Jauss, rồi Kate Hamburger, etc. etc.

    ReplyDelete
    Replies
    1. hay quá, thế thì tròn luôn, ok anh, em nhận nhé (Y)

      Delete
  5. tiếp tục

    đi sâu vào chương thứ hai, chương mà Thibaudet dùng để bình luận các giáo sư văn học và ghế của họ

    ReplyDelete
  6. His Excellencies! một sử luận văn học đích đáng và phổ biến.
    câu về trí tuệ của Voltaire ắt cũng đúng với cuốn sách này.
    và nếu cần đến "phương pháp", thì ở đây cũng là một "introduction" hài hước (tích cực nhé!) và vô cùng thiết thực về "phương pháp".
    điều còn lại duy nhất cần phải tự làm chỉ đơn giản là đọc, một cách "liberalism", thôi.

    ReplyDelete
  7. Great blog here! Also your site loads up fast! What web host are you using?
    Can I get your affiliate link to your host? I wish my web site loaded up as fast as
    yours lol

    ReplyDelete
  8. Hi there, of course this piece of writing is actually fastidious and I have learned lot of things from it concerning
    blogging. thanks.

    ReplyDelete
  9. nhà phê bình cũng có thể cùng lúc là nhà sinh lý học, Lewes chẳng hạn

    ReplyDelete