Sau một thời gian nhìn ngắm, tôi nghĩ rằng bốn "yếu tố" trên đây có thể coi là ổn, đủ để có thể triển khai một số điều khác. Albert Béguin rất liên quan đến các nhà phê bình "Genève", những người nhìn văn chương bằng "ý thức", "chủ đề" hay "sympathie"; đây là những người có rất nhiều liên quan đến ngữ văn học cổ điển (nhất là Đức) và hiện tượng luận; các nhân vật sẽ được đặc biệt nhấn mạnh: Leo Spitzer, Hugo Friedrich, Georges Poulet, Jean Starobinski. Merleau-Ponty và Michel Foucault đã quá nổi tiếng, không cần nói thêm nữa. George Steiner là một con người đặc biệt "bách khoa thư", nhưng lại có độ sâu thẳm hết sức đặc biệt (hai điều này hết sức khó kết hợp ở một cá nhân).
Bốn yếu tố, như vậy cũng chính là thiết lập thực tại. Dĩ nhiên, đã có bốn yếu tố rồi, rất có khả năng bỗng xuất hiện "yếu tố thứ năm", nhưng điều này chưa cần nghĩ đến.
Merleau-Ponty thuộc thế hệ ngay sau thế hệ của Jean Paulhan và rất rành thế hệ đi trước mình; không ít lần Merleau-Ponty nhắc đến Paulhan, như ta đã thấy trong Văn xuôi thế giới. Paulhan là một trong những nhân vật độc đáo, một trong những "editor" lớn nhất trong lịch sử. Paulhan là người "tạo khuôn" rất chính yếu cho khuôn mặt toàn bộ văn chương Pháp, khuôn mặt ấy ngày nay về cơ bản vẫn tiếp tục như vậy, ở nhiều khía cạnh. Không thể kể xiết các nhà văn từng được Paulhan "đỡ đầu". Henri Michaux chẳng hạn, nếu không có Paulhan thì sau khi, tuổi trẻ, chạy trốn khỏi nước Bỉ quê hương, chẳng biết Michaux sẽ ra sao.
Trong Thế chiến thứ hai, Paulhan sẽ là một người kháng chiến lớn. Chính Paulhan là người đủ can đảm, ngay sau đó, viết thư công khai phản đối sự thanh trừng các nhà văn cộng tác với người Đức - hành động của Paulhan có vai trò rất lớn trong việc giảm bớt sự lan tràn của những hành động trả thù khát máu.
Les Fleurs de Tarbes là cuốn sách mà Paulhan cho in năm 1941. Nó có vị trí rất đặc biệt trong lịch sử văn chương Pháp. Phụ đề cuốn sách là "La Terreur dans les Lettres", tức là "terror" trong văn chương.
Cũng như Paul Valéry, Jean Paulhan hoàn toàn vắng mặt ở Việt Nam, và là một trong những sự vắng mặt đáng kể nhất. Càng ngày tôi càng thấy, sự trục trặc của nghiên cứu văn học (phần nước ngoài) tại Việt Nam nằm tại một số điểm then chốt, trong số những điểm này có sự thiếu vắng các nhân vật hết sức quan trọng.
Dường như, đồng thời tôi cũng nhìn ra hình bóng Phạm Quỳnh trong toàn bộ câu chuyện chung. Dường như Phạm Quỳnh là một mô hình, một mô hình về trí thức và hiểu biết. Nhưng, dường như, Phạm Quỳnh chẳng đọc được văn chương nào khác ngoài văn chương Paul Bourget.
Thế hệ sau của Phạm Quỳnh thì chỉ chăm chăm André Gide. Nhưng, Paul Valéry và Paul Claudel mới thực sự quan trọng của quãng thời gian ấy, chứ đâu phải Gide. Và cứ thế, câu chuyện cứ lặp đi lặp lại mãi trong toàn bộ độ dài lịch sử: các nhà nghiên cứu Việt Nam luôn luôn bỏ sót những gì nhiều ý nghĩa nhất (chuyện không khác mấy so với điều mà chính Paulhan nói ở đoạn đầu "Lầm lỗi của tư duy phê bình" dưới đây). Và cũng không đáng ngạc nhiên mấy khi những người chiêu tuyết nhiệt tình hơn cả cho Phạm Quỳnh lại là các "trí thức cấp tiến" của Việt Nam trong vòng khoảng hai mươi năm vừa rồi. Vì giống nhau, rất giống nhau.
Nhân tiện: đã viết xong bài "tiện bút" về Phố Hàng Lon
Les Fleurs de Tarbes
Jean Paulhan
[phần I, "Chân dung Terreur", 1, "Văn chương ở tình trạng hoang dã"]
LẦM LỖI CỦA TƯ DUY PHÊ BÌNH
Ai cũng biết rằng vào thời của chúng ta có hai loại văn
chương: văn chương tồi, loại đúng là không thể đọc nổi (và được đọc rất nhiều).
Và văn chương tốt, mà chẳng ai đọc. Đó chính là điều mà người ta đã gọi, ngoài
những cái tên khác, là cuộc ly dị của nhà văn với công chúng.
Thư viện nổi tiếng của các công tước de Brécé, nơi từng tiếp
nhận những cuốn sách lớn của thế kỷ 18, từ năm 1800 đến năm 1850 chỉ nhận vào
Chateaubriand, Guizot, Marchangy [chú thích trong sách: Cf. Anatole France, L’Anneau d’améthyste]. Sau năm 1850, thêm
dăm ba sách mỏng liên quan đến Pie XI [một ông giáo hoàng] và một bài xưng tụng
Jeanne d’Arc. Thật là ít. Charles Maurras giải thích rằng lỗi không nằm ở gia
đình Brécé, mà chỉ thuộc về nhà văn: thuộc về những lời tuyên bố vô chính phủ của
anh ta, cũng như các mật ngữ bí hiểm tối mù của anh ta, trong đó xã hội cao cấp
chẳng tìm được gì khiến nó thấy gắn bó hay quan tâm: chẳng thứ gì mà nó tự thấy
là phải khích lệ.
Có thể lắm. Thế nhưng tôi chẳng mấy khi thấy những gì đánh đố
hay mật ngữ bí hiểm - dẫu có tính chất vô chính phủ hay cách mạng - mà trước
tiên không nhận được sự tán đồng của xã hội cao cấp nhất. Những tờ tạp chí khó
nhằn ra trên giấy hảo hạng; những gì được đọc trên giấy nến lúc nào cũng thông
thái và rất sáng sủa. Và các công tước de Brécé ngày nay nổi tiếng vì các bộ
sưu tập thủ bút Sade cùng những chửi rủa siêu thực [tức là sản phẩm văn chương
của các nhà siêu thực, trong đó vô số là chửi rủa]. Mặt khác, cuộc ly dị còn trầm
trọng hơn nhiều so với Maurras nói, và không phải chỉ riêng nhà quý tộc, mà
cũng là cả nhà tư sản hay công nhân nữa, từ khoảng một trăm năm nay họ đọc và
ngưỡng mộ Feuillet, chứ không phải Flaubert; Gustave Droz, chứ không phải
[Léon] Bloy; Jean Aicard, chứ không phải Charles Cros; Madame de Noailles chứ
không phải Mallarmé và Guy de Pourtalès chứ không phải Marcel Jouhandeau [ở đây
ý đồ của Paulhan đã quá rõ ràng nên ta hiểu ngay tại sao lại có những sự đặt cạnh
nhau như vậy; tuy nhiên ai có hứng thú thì cũng nên tìm hiểu về các nhân vật được
nhắc đến]. Gì cơ! Sẽ thế nào nếu nhà phê bình lại chính là người đầu tiên từ bỏ
và phản bội văn chương.
Người ta từng đôi khi gọi thế kỷ 19 là thế kỷ của phê bình.
Chắc là một lối nói ngược: đó là cái thế kỷ nơi mọi nhà phê bình giỏi rất ít hiểu các nhà văn thời của mình.
Fontanes và Planche vùi dập Lamartine; và Nisard, Victor Hugo. Người ta chẳng
thể đọc mà không thấy xấu hổ những gì Sainte-Beuve viết về Balzac và
Baudelaire; Brunetière, về Stendhal và Flaubert; Lemaître, về Verlaine hay
Mallarmé; Faguet, về Nerval và Zola; Lasserre, về Proust và Claudel. Khi Taine
muốn khuyên người ta đọc một tiểu thuyết gia, thì đó là Hector Malot; Anatole
France mà khuyên một nhà thơ, thì đó là Frédéric Plessis. Tất cả, khỏi phải
nói, cho trôi qua trong im lặng Cros, Rimbaud, Villiers, Lautréamont. Tuy vậy,
một người thì tuyệt kỹ trong các Chân Dung, người khác thì trong những Tính
Cách. Người này viết các Tiểu Luận, người kia viết những Du Hành duyên dáng
(trong những cuốn sách). Chỉ duy nhất một thể loại văn chương khép kín đối với
họ: thể loại mà họ đòi phải có. Nếu quả đúng phê bình là đối trọng của các nghệ
thuật và giống như ý thức của chúng, thì cần phải thú nhận rằng Văn Chương thời
chúng ta không có ý thức tốt.
Đó không hề là lỗi của hiểu biết, cũng như của học thuyết.
Các nhà bác học đã làm hết sức mình. Có người vạch ra trong nhà văn sự gặp gỡ của
một dòng giống, một môi trường và một thời điểm [ý muốn nói Taine; lý thuyết của
Taine về “race”, “milieu” và “moment” rất hay được nhắc đến tại Việt Nam]. Người
khác lại coi tác phẩm nghệ thuật là một món chơi. Hoặc giả nữa, người ta nhìn
thấy ở đó tấm mai rùa trong đó con người nhét vào những ham muốn của anh ta.
Tôi xin bỏ lại không nhắc đến những người gọi nó, theo một cách thức rộng lượng,
nhưng hơi mơ hồ, là sự khải thị, hợp nhất với tâm hồn mọi sự, vân vân. Người
chu đáo hơn cả thì khuyên là nên đợi, để có thể biết văn chương, đến khi nào nó
đã ngừng biến đổi, và ngừng sống.
Dẫu có đa dạng đến mức nào, những học thuyết ấy cũng có hai
nét chung. Trước tiên là sự vô dụng của chúng: người ta chưa từng bao giờ thấy
có nhà văn nào bị rồ đến mức cố công sao cho mình giống với hình ảnh mà Taine,
Spencer hay Freud tạo ra về nhà văn. Điểm thứ hai là sự khiêm nhường của chúng:
chúng chấp nhận rất mực chuyện chúng vô tích sự.
Ông Pierre Audiat mới đây nêu nhận xét rằng các nhà phê bình
nghiêm túc (trong số đó có ông) từ lâu nay đã từ bỏ việc đánh giá các cuốn tiểu
thuyết hay các bài thơ. Hẳn rồi. Và có lẽ từ bỏ cả nhìn nhận chúng luôn. Sainte-Beuve tìm cách xếp loại các tinh thần;
đối với ông các tác phẩm thì đâu có nghĩa lý gì. Ông vạch ra tác động của một nếp
nhăn lên một bài thơ, chứ không phải của một bài thơ lên một nếp nhăn. Taine và
Freud, bị ám ảnh bởi những nhân và các quả, chỉ nghiên cứu tác phẩm, họ nói vậy,
nhằm biết con người. Brunetière, thật kỳ khôi, nhất quyết cho rằng Le Cid một phần là tác phẩm của
Corneille, nhưng ở một mức độ cao hơn nhiều nó là tác phẩm của Richelieu, của
Chapelain và của dư luận công chúng. Tư duy phê bình cứ tha hồ mà tự biến mình
thành sử gia hay nhà tâm lý. Tuy nhiên tác giả vuột thoát mất khỏi chúng ta sau
tác phẩm; và con người, sau tác giả.
NGƯỜI CÂM
Tôi đã nói về văn chương. Hẳn tôi cũng hoàn toàn có thể nói
đến ngôn ngữ: thảo luận, hét, thú nhận, truyện kể ban đêm. Tôi từng nói, ai
cũng biết, rằng Sainte-Beuve hiểu Baudelaire ngược; nhưng cũng không kém chuẩn
xác (tuy nhân vật này ít nổi tiếng hơn) khi ông hàng xóm Bazot của tôi lúng
búng vì phải nói chuyện với bà người hầu và rối trí trước những lời giải thích
- hơi bí hiểm - của người làm vườn nhà ông. Căn bệnh của Văn Chương, xét cho
cùng, hẳn không nặng mấy, nếu nó không hé lộ một căn bệnh mãn tính về biểu đạt.
Tôi xin không nói gì về một thế giới nơi các Chính Trị Gia
vĩ đại nói chuyện Hòa Bình trong lúc nghĩ tới Chiến Tranh; Trật Tự trong lúc
nghĩ tới Thảm Sát; và Sự Cao Quý, Lòng Tận Tâm hoặc Tinh Thần Hiệp Sĩ, trong
lúc nghĩ tới gì cũng chẳng ai biết nữa. Hẳn người ta sẽ trả lời tôi rằng đó là
một mưu mẹo, và tầm vóc lớn lao của một Chính Trị Gia được đo khá chuẩn xác
theo sự khinh bỉ mà ông tỏ ra đối với những lời nói chung tội nghiệp [chú thích
trong sách: Ông Molotov, bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, từng nêu nhận xét, ở một
trong những bài đít cua cuối cùng của ông (tháng Ba năm 1940) rằng từ gây hấn vừa đổi nghĩa, “bởi vì các sự kiện
đã trao cho nó một nội dung lịch sử mới trái ngược với nội dung cũ”]. Nhưng các
Chính Trị Gia không ma lanh đến mức ấy, cũng như những người trung hậu chẳng
ngây thơ như thế: tôi sẽ rất kinh ngạc nếu các từ không đặt vào đây sự khinh bỉ
của chúng. Bởi vì tôi thấy rõ rằng tôi thiếu thốn chúng. Và không chỉ các từ. Một
người bình thường có quyền nói vào bất kỳ lúc nào những gì anh ta nghĩ. Và thậm
chí còn có thể hát điều đó. Và thậm chí đặt thành các hình ảnh. Nhưng đã từ rất
lâu rồi, chúng ta cự tuyệt tất tật những quyền ấy.
Tôi không chỉ nghĩ tới hệ thống hình họa và sơ đồ - các đường
thẳng, hình tam giác, hình xoáy trôn ốc - mà đôi khi chúng ta tưởng có mang bên
trong mình và có những chuyển hóa khiến chúng ta nắm bắt khá rõ các chuyển đổi
và tiến bộ trong các công trình của chúng ta. Nhưng cả nghìn phăng te zi cá
nhân đến với chúng ta, và đôi khi ám ảnh chúng ta trước lúc đi khỏi. Tôi không
thể nhớ lại mà không thấy xấu hổ là từng có dạo bị giằng xé bởi một tình cảm,
khó khăn nhưng cụ thể, và hẳn tương ứng khá chuẩn xác với hình ảnh một thằng
người bé xíu bị dìm xuống rồi trôi sâu tới đáy bể cá. Thế nhưng, tôi chưa bao
giờ vẽ bức tranh đó. Nhưng tôi sẽ dẫn một chuyện chung hơn. Đó là cái mà hẳn
chúng ta có thể gọi là sự im lặng của
lính về phép. Ai cũng biết rằng những người lính hồi 1914, khi họ được về
phép thăm nhà, câm lặng suốt. Hệ thống tuyên truyền của phe chủ hòa đã tận dụng
điều này một cách dữ dội, nêu lên những nguyên do của sự im lặng: một mặt, nỗi
kinh hoàng của các cuộc chiến, hẳn chính là thứ không thể thốt nên lời; mặt
khác, là ý chí xấu xa của gia đình người lính, dẫu có thể nào thì cũng từ chối
không chịu hiểu. Nói tóm lại, người ta coi là nguyên ủy của sự im lặng hai lý
do mời gọi mọi con người bình thường cất tiếng nói (và thậm chí là tán nhảm): sự
kỳ khôi của những gì anh ta có sẵn để nói; và sự khó khăn trong việc thuyết phục
mẹ anh ta, hoặc vợ anh ta. Hẳn sẽ là thuần túy trung thực nếu nhìn thấy trong sự
im lặng này bí ẩn lớn, cùng nghịch lý của chiến tranh. Thế nhưng đó là theo điều
lệ, và các chiến binh chưa từng bao giờ được
công nhận trong những cuốn sách tìm cách giới thiệu công việc của họ. Cứ
như thể ai ai cũng bị mắc một chứng bệnh liên quan đến ngôn ngữ, theo đường lối
bí hiểm.
Ngôn ngữ, và cả văn chương nữa. Bởi vì cái này đi liền với
cái kia. Không chỉ trong các cuốn sách, mà cả khi trò chuyện, sự hoàn hảo vẫn
khiến chúng ta lo lắng. “Quá hùng biện nên không thể là thành thực được”, chúng
ta nghĩ. Và “Quá hay nên không thể đúng được”.
Không có lấy một ý nghĩ, cho tới những gì tinh tế nhất, mà đối
với chúng ta không có vẻ gọi biểu đạt tới. Nhưng không biểu đạt nào đối với
chúng ta không có vẻ cố ý lừa dối, hoặc sai. Kẻ nào nói đến các “câu” và các “từ”
đều chỉ chăm chăm than thở về tất tật những gì chúng không đủ sức diễn tả, và hẳn
đó chính, có thể tin như vậy, là điều quý giá nhất của bản thân chúng ta. - Vậy
thì, hãy cứ chấp nhận là người ta không hiểu được nhau!
[...]
2. Sự khốn cùng và cái đói
Vừa đặt chân đến nhà ông Sainte-Beuve, tôi liền khởi sự đọc Louisa ngay. Sau nửa tiếng đồng hồ, ông Sainte-Beuve
kêu lên: “Đây không phải là một cuốn tiểu thuyết!” Tôi sắp òa lên khóc thì ông
nói thêm, giọng không thay đổi: “Đây chính là cuộc đời.”
Hồi ký của Thérèse Thirion, II, 8
Người ta nhìn thấy, ở cổng công viên Tarbes, dòng chữ dưới
đây:
[hình chụp từ trong sách: ý muốn nói là cấm cầm hoa đi vào công viên; "fleurs" nghĩa là hoa, ở số nhiều; chỗ này cũng giải thích tại sao lại có nhan đề cuốn sách của Paulhan, Les Fleurs de Tarbes]
ĐOẠN TUYỆT VỚI SỰ NHÀM
Hẳn là đúng vậy; và xưa kia thì [nghệ thuật viết] là tin tưởng vào những từ được chấp nhận, đã được thử nghiệm, được nhào luyện. Thế nhưng vẫn cùng là các từ ấy, gần như thế. Lòng tin đã qua, mối nghi ngờ hiện tại, dường như chúng chiếm cùng một chỗ và nặng đúng như nhau, và vẫn có chung một đối tượng - cứ như thể toàn bộ bí ẩn của Văn Chương chỉ nằm trong một vấn đề duy nhất, mà chỉ lời giải hẳn có thể, tùy ý chúng ta, biến hóa khôn lường.
Hoặc nếu đó không phải bí ẩn, thì ít nhất cũng là cái phần ấy ở trong văn chương, thứ đòi nghiêm ngặt, các thao tác, sự thạo nghề. Bởi những quy tắc và thể loại cũng theo chân đám cliché đi phát vãng. Ai có ý định thử sức với lịch sử thơ, kịch hoặc tiểu thuyết từ một thế kỷ qua, trước hết thấy rằng kỹ thuật đã chậm rãi tan mủn, và rời rã; rồi, nó đã đánh mất các phương tiện riêng, và bị xâm chiếm bởi các bí mật hoặc thao tác của những kỹ thuật lân cận - bài thơ bởi văn xuôi, tiểu thuyết bởi sự trữ tình, kịch bởi tiểu thuyết. Maupassant từng ngây thơ mà nói rằng nhà phê bình (và tiểu thuyết gia) phải “tìm kiếm mọi thứ gì ít giống nhất với những tiểu thuyết đã được viết”. Thành thử rốt cuộc sân khấu hóa ra không tránh gì nhiều hơn là tránh tính chất sân khấu, tiểu thuyết thì tránh tính chất tiểu thuyết, thơ thì tránh tính thơ. Và văn chương nhìn chung, tránh tính chất văn chương. “Đôi khi nó bị rơi vào trò tiểu thuyết”, Sainte-Beuve từng nói (rất độc ác) về Indiana [tiểu thuyết của George Sand]. “Kịch quá”, Jules Lemaître về Trà hoa nữ [chú thích trong sách: “Dĩ nhiên ở đây đang nói đến vở kịch”]. Chẳng phải không kèm chút hạ cố.
Tôi không muốn nói rằng tiểu thuyết hay văn chương nhầm.
Chuyện ấy thì tôi biết sao được. Và thậm chí đối với tôi (cũng như đối với mọi
người) sự thiếu thốn là đáng mong muốn, thậm chí cần thiết, và tôi cảm thấy khá
rõ sự hạ cấp của mọi tác phẩm ra cái vẻ phớt lờ điều đó đi. Nhưng tôi sẽ không
đi xa đến mức thấy vậy thì vui vẻ gì. Chắc hẳn nó là phương thuốc mà sự sa đọa
của ngôn ngữ, hoặc cũng có thể suy nghĩ, chúng ta đòi hỏi. Nhưng đó là một
phương thuốc mô ve gu. Thật đáng nhục khi thấy mình bị lấy đi mất, mà chẳng nhận
được gì để đổi lại, các từ từng gây mê hoặc cho chúng ta từ lâu; và các vật
cùng luôn với các từ - bởi rốt cuộc té ra các viên đá thì quý; và những ngón
tay, thanh mảnh. Người ta chỉ muốn đoạn tuyệt với một thứ ngôn ngữ quá mức quy
chuẩn, thế nhưng người ta đã ở gần sát với sự đoạn tuyệt với toàn bộ ngôn ngữ
con người. Các nhà thơ cổ xưa đón nhận từ tứ phía ngạn ngữ, cliché và tình cảm
chung. Họ nhận sự dồi dào và trả lại nó ra xung quanh. Nhưng chúng ta, những kẻ
có quá ít, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có nguy cơ đánh mất đi sự ít kia. Vấn đề
chính là những bông hoa! Horace bảo các địa điểm là bánh mì và muối của Văn
Chương. Ai mà còn ngạc nhiên rằng hơn một nhà văn trượt vào đạo đức, vào việc
kinh doanh, vào chính trị, người ta phải trả lời rằng anh ta bỏ chạy như một di
dân bởi vì anh ta chẳng có gì để ăn. Và chẳng phải không kèm với những lý do vững
chắc mà chúng ta đã phong thánh cho Rimbaud, người ngừng viết - và lại còn di
cư nữa - ở tuổi hai mươi.
VỀ ALIBI THỨ NHẤT: TÁC GIẢ KHÁC
[“alibi”, như ai cũng biết, có nghĩa là ngoại phạm; ở đây sẽ
để yên không dịch ra tiếng Việt]
Tôi chẳng hề biết có phải tiếp tục viết hay không. Các trí
tuệ tuyệt hảo từng ngờ điều đó. Marcel Schwob không cách xa chuyện nghĩ, sau [Ernest]
Renan, rằng các nỗ lực của những thế hệ cổ điển và lãng mạn chỉ để lại cho
chúng ta độc nhất một lĩnh vực để khám phá, đó là văn chương bác học
[littérature érudite]. Mọi câu thơ, Fontanes từng nói, đều đã được viết [Louis
de Fontanes, nhà thơ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19]. Tuy nhiên dẫu có vậy ông vẫn
nhất quyết, và không hề muốn từ bỏ, tạo ra rất nhiều phương cách nhằm đánh lừa
sự cấm đoán.
Một sự mới mẻ dài lâu, hẳn rồi, chứ không phải vĩnh cửu. Nhà văn thời chúng ta, nếu ít nhất anh ta chu đáo và muốn theo sát sự thật - rốt cuộc tự thấy mình dính líu quá mức trực tiếp với sự nổi loạn và với mọi sự đảo lộn có thể buộc con người và thế giới phải đổi mới, thành thử chẳng thể không phải là nhà cách mạng trong bí mật, nếu anh ta không dám làm nhà cách mạng một cách công khai. Nhưng nỗi chán chường các cliché cứ tiếp diễn để biến thành lòng căm hận xã hội hiện tại cùng các tình cảm chung. Cứ như thể các Nhà Nước và tự nhiên không hoàn toàn khác với một thứ ngôn ngữ lớn, mà hẳn mỗi người đều dùng để nói với nhau, trong im lặng.
Có một sự độc đáo tức thì hơn, liên quan đến chủ đề thì ít hơn là đến biểu đạt. Anh em Goncourt, [Joris-Karl] Huysmans, [Pierre] Loti, với thành công khác nhau, sử dụng một phong cách có tính chất cách mạng thường trực: giải trừ viết (hay ít nhất họ muốn vậy). Tuy nhiên nhà văn quan sát khá nhanh, theo hướng này, và thấy rằng chẳng mấy từ hoặc câu không chực rơi vào nhàm. Bởi vì anh ta hoạt động xung quanh các cliché giống như một chứng bệnh lây. Nhà thơ đã không thoát khỏi bầu trời đầy sao sớm hơn bởi nếu thế anh ta buộc lòng nghi ngờ cả bầu trời lẫn sao, chúng khá đủ sức nhắc tới cái đó và có từ nó sự phản chiếu khó chịu và mờ nhạt khó mà xác định cho rõ. Trăng khơi dậy nơi Mallarmé các tranh luận nghiêm trang: rốt cuộc ông chọn cách chối bỏ nó luôn. Nếu khoái lạc đùa giỡn là thủ phạm, tôi không chắc khoái lạc còn có thể là vô tội lâu nữa hay không. Thung lũng mời gọi thung lũng tuyệt diệu. Cứ như vậy mọi từ đều trở nên khả nghi nếu nó từng phục vụ; mọi ngôn từ, nếu nó nhận được sự sáng sủa riêng từ một sự nhàm. Một trào lưu bí mật khác của văn chương - bí mật, nhưng từ đó nảy ra những tác phẩm sống động nhất mà người ta từng thấy vào thời chúng ta - đòi nhà thơ, thông qua một thứ giả kim thuật nào đó, một cú pháp khác, một văn phạm mới, và cho đến cả các từ chưa từng thấy nơi hồi sinh sự trong trắng nguyên thủy, và một sự cố kết mà tôi cũng chẳng biết rõ nữa, đã mất đi, của ngôn ngữ vào với các vật của thế giới. Đó là giấc mơ, và đôi khi là thành công, của Rimbaud, của Apollinaire, của Joyce. Một trường phái hiện đại, chẳng hề không đáng quan tâm [chú thích trong sách: “Đó là trường phái Les Mots en Liberté, mà chủ soái là Marinetti”; tức là “vị lai”], trao cho nhà văn bổn phận thứ nhất là “tách vật chất ra khỏi các câu”; một trường phái khác muốn tách vật chất khỏi các từ [chú thích trong sách: ““Nhà văn có quyền sử dụng các từ mà anh ta tự tay làm ra… Nhà văn biểu đạt, chứ không truyền thông.” (Tuyên ngôn của Transition, ký tên Georges Pelorson, Eugène Jolas, Camille Schuwer, v.v…)”]. Một trí tuệ cá nhân, ông Hiliase, còn đi xa đến mức làm phân rã các chữ: tác phẩm của ông thật thú khi nhìn - thậm chí sờ nắn, bởi các chữ mới mà ông sử dụng nổi hẳn lên.
VỀ MỘT ALIBI KHÁC: TÁC GIẢ VÔ TRÁCH NHIỆM
Người ta ngờ đến những cấm đoán khác, hoặc giả những trốn
chạy khác: những gì được gợi lên khá rõ bởi nhiều lời tuyên bố mà người ta phát
hiện, không quá mức thấy kinh ngạc, ở đầu của hơn một bài thơ hay cuốn tiểu
thuyết (và Chúa mới biết các tác giả, thời chúng ta, có mau mắn tự biện minh
hay không - cứ như thể chỉ cần làm thơ là đủ hiểu nó và nhà thơ hoặc tiểu thuyết
gia ở đây có một thứ quyền nào đó, nếu chẳng phải là bổn phận nào đó, trong việc
tự giải thích. Nhưng lỗi lầm của đám phê bình là vô tận). “Tôi xin nhất quyết
truyền đạt rằng…”, bọn họ nói. Hoặc giả: “Mọi sự là như vậy. Tôi có thể làm được
gì đây?… Tôi chỉ là một cái máy dùng để ghi nhận… Sự thành thực, người hướng lối
duy nhất của tôi… Một cái gương dọc theo một con đường [nhại Stendhal]… tác
nhân thụ động của các lực xa lạ… Tôi đã loại trừ toàn bộ tinh thần phê bình.”
Thực tại luận [réalisme], siêu thực [surréalisme] ở đây ngụ bên dưới cùng tấm biển hiệu. Cả hai đặt một hệ thống alibi kỳ quặc thành quy tắc. Chỉ đơn giản là nơi đây nhà văn tự xóa bỏ đi trước tài liệu con người, còn ở kia, tài liệu siêu con người. Cả khoảnh cuộc đời lẫn khoảnh giấc mơ đều cho phép anh ta nói: “Tôi đã không ở đó.” Với những ai chê trách Breton về những thiên thần mặt nhợt của ông, rồi thì những vòi phun huyền hoặc, tốc độ ve vuốt, ngực vú nở hoa của ông: “Tôi đã tuân theo, ông nói (giọng hơi có chút trang trọng) một bài ám tả do suy nghĩ đọc cho mà chép, ở bên ngoài mọi nhìn nhận thuộc cảm năng [esthétique]”; hoặc: “Thì đó chính là những lời thú nhận của tinh thần; về những gì xảy ra sau đó trong văn chương, thì tôi chẳng quan tâm mấy.” Francis Jammes [a, tôi chợt nhận ra là tôi đã lơ là Jammes quá mức, sẽ sửa chữa sớm] từng nói với André Gide: “Ở đây tôi đã viết hai câu thơ dở. - Thì sửa chúng đi. - Tôi cho là tôi không còn quyền làm việc ấy.” Tuy nhiên ở cuối vườn phía bên kia, ta thấy nhà tiểu thuyết mà sự thật, các sự kiện, sự quan sát khiến trở nên say mê và chiếm lĩnh tâm trí đến độ làm anh ta quên mất là mình đang viết: “Tôi chẳng hề có phong cách, Stendhal hoặc Zola nói. Chỉ các vật lôi kéo tôi, và tôi nghe lời chúng. Tôi đã nói nỗi bất hạnh đáng gờm, vầng trán trôi tuột, xúc cảm kìm nén à? Thì tôi có thể thay đổi gì đây? Đó là một sự đã rồi. Đó đúng là một vầng trán trôi tuột; một xúc cảm mà người ta kìm nén lại, chứ còn gì nữa.” Nơi đây tiểu thuyết gia, cũng thấy bực mình vì sự điên của phê bình, sẽ nói thêm: “Mọi sự đều đủ đẹp trong sự trần trụi của chúng, cần gì phải phủ khăn voan lên nữa. Tất tật biện pháp tu từ rồi phong cách của các vị đâu đáng giá bằng một cơn giông, nỗi sợ trên biển, một phụ nữ khóc.” Và nữa: “Hình thức thì đi qua. Người ta giành được sự bất tử bằng cách dựng đứng dậy các tạo vật sống” [chú thích trong sách: “Émile Zola, dĩ nhiên rồi”].
Văn Chương tiến triển như thế đấy, đong đưa từ ký giả tới medium thần bí. Đó là một khía cạnh khác, không kém phần kỳ quặc, của chứng bệnh mà chúng ta đang quan tâm, tức là ở đây người ta chỉ đồng ý cất tiếng nói nhằm tự xóa bỏ đi kỹ càng hơn trước cái gì cất lời bên trong chúng ta. Chẳng phải sự ám quẻ thần bí hay sự xóa bỏ bản thân của nhà bác học - cũng không phải cách mạng nốt, như trên đây đã nói - đối với tôi có điều gì đáng khinh. Hoàn toàn không. Tôi chỉ khiêu khích một sự nổi loạn, một sự đánh mất xuất hiện thật đúng lúc để kéo chúng ta ra khỏi nỗi bối rối. Rốt cuộc tôi kinh ngạc vì thấy các vị khởi đầu bằng một lời nói dối. Bởi vì xét cho cùng thì các vị cũng viết, dẫu có là như thế nào, và chẳng phải không biết điều đó.
Chúng ta đã không mấy để mất hút tấm biển của chúng ta [nhắc
đến lời cấm đoán mang hoa vào khu vườn, ở Tarbes]. Mà có phải người ta đã đánh
giá nó là khó hiểu không? Đây gần như (tôi nghĩ thế) là chuyện đã xảy ra: một
quý bà đi dạo với một bông hồng. Người gác vườn nói với bà: “Bà biết rõ là
không được phép hái hoa. - Tôi có sẵn nó từ khi vào đây, quý bà đáp. - Vậy thì,
không được cầm hoa vào.”
Nhưng trong số các nhà văn, có những người chọn các loại hoa
lạ thường nhất, ancolie hoặc pétunia: “Ông sẽ không thể nói là chúng mọc nơi mấy
cái bồn của ông.” Những người khác thì tưởng tượng mình bước đi với mấy mẩu giấy
xoắn lại giả làm hoa hồng. Nhưng những người ấy: “Hoa cài trên tóc tôi ấy hả?
Ông nghĩ thế à? A! tôi đâu có thể làm gì. Chuyện là sự máy móc thôi. Tôi đã
không thấy chúng là những bông hoa. Chắc chúng rụng từ trên cây xuống đấy.” Nói
tóm lại, vấn đề là lẩn tránh sự cấm đoán, chứ không phải xem xét các nguyên do
dẫn đến nó.
Không phải vì những nguyên do ấy có chút nào khó hiểu hay bị
che giấu. Mà thật ra còn ngược lại ấy chứ, rất ít nhà thơ hay nhà phê bình nào
không nêu chúng lên vào mọi lúc. Chúng rất cụ thể. Chúng gây nhiều choáng váng.
Chúng tự dâng tặng cho kinh nghiệm, cho sự quan sát. Và thế nhưng tôi không thấy
đã có bao giờ người ta xem chúng là nghiêm túc, hay thậm chí chỉ xem xét chúng.
3. Những từ gây sợ hãi
Tòa án cách mạng Arras trước hết sẽ xử các nghi phạm nổi bật vì tài
năng của họ.
Đại
biểu Joseph Lebon,
tháng Tám năm 1793.
Xưa kia người ta thấy mỗi tuần có một “nghệ thuật viết văn”
được xuất bản. Loại sách ấy, trong vòng hai mươi năm may ra người ta mới đọc một
cuốn. Có ai thấy lạ vì điều này không? Nếu đó không phải dạng lời khuyên chăm
chăm xoay thành sự nhàm, không phải sự tinh tế thành cliché, thì người ta gần
như không thể hình dung các bậc thầy về phong cách còn có gì để nói nữa. Rằng cần
phải là một nhà sáng tạo táo bạo, chẳng buồn quan tâm đến các quy tắc ư? Ngáng
chân thật dữ dằn các tác phẩm quá cố ư? Quên đi rằng người ta đang viết, để tự
tạo cho mình một trái tim thuần khiết nhằm có thể đón nhận sự thật ư? Rồi. Tất
tật những thứ đó tạo ra một thể loại khảo luận khá là ngắn, mà Maupassant hay
Zola, rồi thì Breton hay Aragon, hoặc Claudel hay Ramuz đều chẳng thể nào chịu
đựng nổi đến quá một lời tựa đầy trung hậu [chú thích trong sách: “…”; thôi,
không cần thiết lắm, cho nên bỏ qua]. Chỉ đơn giản là ngày nay người ta được chứng
kiến hình thành một thể loại văn chương mới, với thành công thật là lớn, có thể
mang tên “sự biện minh” hoặc “alibi”. Chủ đề chung hẳn đại khái sẽ là: “Tác giả
xin tuyên bố rằng, mặc cho vẻ bên ngoài, anh ta không phải là một tác giả.”
Cả ở đây nữa cũng cần phải né tránh sự khó. Ba [nhà] phê
bình đã làm được điều này khá là giỏi.
CLICHÉ, DẤU HIỆU CHO NGU NGỐC
(còn nữa)
George Steiner: Râu Xanh
Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ
phê bình thì có báo chí có trường có phái, nhà văn tốt thì phải đơn độc.
ReplyDelete"đít cua" hic hic
ReplyDeletetuyệt diệu! đây là thứ thơ của ý thức. nó bất tận. trong mỗi câu và đoạn.
ReplyDeletenhìn chung, dường như có thể coi Paulhan ở đúng cái ngưỡng của "irony", khó mà hiểu nổi tại sao làm được như thế (ý thức rất rộng chăng?)
ReplyDeletemỉa mai chẳng phải là biểu hiện tột cùng của nghiêm túc sao, nhưng lại, tới đó, gặp đúng một cơn "bệnh mãn tính về biểu đạt."
ReplyDeletechính xác hơn, vào khoảnh khắc đó, anh ta chợt phát hiện (may thay!) "sự kỳ khôi của những gì anh ta sẵn có để nói"
cự tuyệt và từ bỏ những chữ "nhàm" chẳng phải là "Cách tân" hay sao; chỉ có điều, đám này rơi, và ngày càng đông, rơi vào số "những kẻ có quá ít" "bánh mì và muối của văn chương."
ReplyDeletenhững-bông-hoa thì là những cơ quan sinh dục của cây cỏ. nên cái ẩn dụ "Những bông hoa" ở đây thật là tinh quái. chắc phải đọc đến cùng mới hiểu được.
"Một trí tuệ cá nhân, ông Hiliase, còn đi xa đến mức làm phân rã các chữ: tác phẩm của ông thật thú khi nhìn - thậm chí sờ nắn, bởi các chữ mới mà ông sử dụng nổi hẳn lên." lol. một lời bình luận đủ cho đề tài cho một luận án.
ReplyDeletethật ra Paulhan có một sự viết rất sensual, cho nên không lạ khi Paulhan có một vị trí không nhỏ trong văn chương erotic :p
ReplyDeletethật là rất nhiều thứ, nhưng trước hết cái này nhắc nhở rằng phê bình ở đây quá chìm sâu trong "nạn đói" tiếng cười cùng "sự khốn cùng" về hài hước.
ReplyDeletemột điều nữa, cũng nói chuyện ở đây thôi: phong cách nằm ở các từ hay các câu? mà tuyệt đại đa số "nhà văn nhà thơ" đều từ ko hiểu đến ko có ý thức về.
những phê phán này dẫn người ta, thường xuyên, liên tục, trực chỉ đến câu (tự) hỏi: tại sao mà viết văn? viết để làm cái gì thế?
Cháu đọc mà không thể "phân loại" nó từ cách nhìn của mình được, không làm được vậy thì cháu không thể hiểu ông ấy và chú dịch ra đang nói về cái gì, thôi thì như ông ấy viết "Không, dường như không vì bất kỳ điều gì mà người ta lại muốn cự tuyệt trước ngần ấy thất vọng. Lawrence, muốn tiến lại gần con người hết mức, cay đắng lấy thành công xã hội để đọ với thất bại ở phương diện con người". Đọc hết cả bài thì cháu thấy tâm đắc với cái động lực mà theo cháu nghĩ là không có nó thì chẳng thể là con người dù chỉ là cái người "đơn giản" nhất, như ông ấy viết:"... với bản thân anh ta, nếu không có một thứ tình cảm đòi hỏi, để trụ vững, rằng một con người phải biết tự nuôi dưỡng ở bên trong: cho tới sự nổi loạn và sự tìm kiếm Chúa". Từ lúc cháu đọc được cái đoạn đó rồi cháu cứ nhớ nó suốt và nhìn ra xung quanh những khuôn mặt vui vẻ tự tin đó có nghĩ giống như mình không?
ReplyDeletenói chung là nên tránh dùng những từ như "tâm đắc", đấy là một trong những điều mà Jean Paulhan (có vẻ) muốn nói
ReplyDelete