Dec 25, 2017

Caillois về Montesquieu

Tôi sẽ không để năm 2017 kết thúc mà chưa đưa được vào mục "đọc lý thuyết" một nhân vật: Roger Caillois.

Mất nhiều năm tôi mới bắt đầu nhìn nhận được một cách rõ ràng hơn về bộ ba Roger Caillois-Michel Leiris-Georges Bataille. Tôi nghĩ đương nhiên trong bộ ba này, Georges Bataille (cũng xem thêm ở kia) phải là nhân vật duy nhất, cho đến giờ phút này, từng xuất hiện tại Việt Nam. Bởi vì trong "bộ ba" ấy, Bataille kém rất xa Leiris và Caillois. Trong mọi khả năng, trí thức Việt Nam luôn luôn chọn những gì kém nhất (sắp tới đây tôi sẽ tập trung vào chủ đề Georges Bataille, từ L'Expérience intérieure đến La Part maudite; cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi xuất hiện trong tiếng Việt lại là La Littérature et le Mal, tức là Văn chương và cái ác, cuốn sách rất kém, kém cả so với chính Bataille).

Trong một cuốn sách mới in gần đây tại Việt Nam, một cuốn sách được gọi là triết học (khục khục) có một điều tôi nhận thấy lồ lộ: cả tác giả lẫn người dịch đều chưa bao giờ đọc Georges Bataille, thế mà dám nhắc đến Bataille. Sự vờ vịt, như các nhân vật Tam Quốc vẫn hay nói, đã vào đến cao hoang, trên bình diện toàn cầu: đó là món quà đặc sắc mà toàn cầu hóa tặng cho chúng ta.

Các "cặp" tạo ra mức độ khó tương đối cao về nhìn nhận: Nhất Linh và Khái Hưng (Khái Hưng mới là nhân vật lớn), Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng (Đinh Hùng lớn hơn), Xuân Diệu và Huy Cận (Huy Cận rất lớn và Xuân Diệu không hề lớn), Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền (chỉ Thanh Tâm Tuyền mới lớn), Jean-Paul Sartre và Paul Nizan (Nizan mới lớn, không phải Sartre). Các bộ ba đẩy mức độ khó lên thêm nhiều bậc nữa: giống như từ thế giới của hai chiều bước vào thế giới có thêm một chiều nữa. Tôi sẽ còn quay trở lại với những pha kẹp zít như thế này, một chủ đề gây kích thích rất lớn, kẹp đôi, kẹp ba, thậm chí còn hơn thế.

Roger Caillois nhận được lòng ngưỡng mộ vô song của Cioran, một người rất ít ngưỡng mộ ai. Cioran viết một tiểu luận tuyệt vời về Caillois con người say mê đá (đá í, tảng đá, hòn đá, bột đá, etc.), tôi sẽ quay trở lại với nó. Caillois là nhân vật rất lớn của một trong vài câu chuyện sâu sắc nhất của tinh thần thế kỷ 20: câu chuyện của sự chơi. Ở Việt Nam cách đây một thời gian "lý thuyết trò chơi" là cả một thứ mốt man rợ, cộng thêm cả một dây, trước đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường etc. liên mồm "homo ludens": ngay chuyện gọi đó là "lý thuyết trò chơi" đã sai toét. Và Caillois cần được nhìn nhận hết sức kỹ lưỡng.

Bài dưới đây, Caillois viết vào cuối thập niên 40 của thế kỷ 20. Đó là tiểu luận đặt làm "tựa" cho bộ toàn tập tác phẩm của Montesquieu (Mạnh Đức Thư Cưu, mà Nhượng Tống từng có thời liên tục trích dẫn), tủ sách "La Pléiade" của nhà xuất bản Gallimard.

Chọn bài này để mở đầu với Caillois, đồng thời tôi cũng mở đầu luôn được với Montesquieu. Tôi từng nói đến chuyện bộ ba (lại thêm "bộ ba") văn chương lãng mạn Pháp thế kỷ 19, Balzac, Hugo và Dumas, có một phản chiếu từ xa, tức là Stendhal, hoặc cũng có thể là Benjamin Constant, hoặc cũng có thể là Chateaubriand. Tức là, họ có một nguồn cảm hứng (trộn cả xung đột ghê gớm) từ cách một quãng. Sự thể của thế kỷ 18 thì sao? Cũng tương tự: ta có bộ ba Rousseau-Voltaire-Diderot, và (một trong những) nhân vật phát ra sự phản chiếu từ xa đối với họ chính là Montesquieu, con người vắt từ thế kỷ 17 (thế kỷ vĩ đại, thế kỷ bi kịch, cf. Paul Bénichou) qua thế kỷ 18.

Và trong bộ ba thế kỷ 18, đâu là nhân vật vĩ đại nhất? Không phải Voltaire, cũng không Rousseau nốt. Mà là Diderot. Diderot cũng sẽ sớm xuất hiện trong mục "đọc lý thuyết", đó dường như là nhân vật duy nhất của thế kỷ 18 thực sự đáng được coi là prototype cho tư duy lý thuyết. Và ở Việt Nam, người ta có thực sự biết Diderot hay không? Tất nhiên là không, lại không nốt.




Lời tựa



I. Sự thống nhất của một tác phẩm

Ta sẽ thấy ở đây, tập hợp lại, lần đầu tiên, tất cả các tác phẩm của Montesquieu, ngoại trừ phần Thư từ. Tôi không hề có ý ngay mào đầu vơ vào việc đã thực hiện được một công trình cho tới lúc này chưa được ai thử làm và có khả năng sẽ không thể tiến hành nếu không có một số mò mẫm loạn xạ. Chủ định chính của tôi nằm ở chỗ cho thấy sự thống nhất của tác phẩm ấy, rọi ánh sáng vào lề luật đặc biệt và như thể tự nhiên đã chủ trì sự phát triển của nó. Vậy nên tôi đã không gom vào một bên những cuốn sách được biết đến nhiều từ lâu và hay được xuất bản, còn bên kia là những gì, cũng quan trọng tương đương xét về độ rộng lớn và cả chất lượng, mà các tập sách quý hiếm in tại Bordeaux cách đây khoảng một trăm năm mươi năm, từng hé lộ cho một nhóm rất nhỏ những người sành sỏi ở địa phương, và mãi ngày nay công chúng nhiều học vấn vẫn mới chỉ lờ mờ cảm thấy được giá trị, nếu không phải là tiếp tục chẳng hề biết đến sự tồn tại. Ngược lại, tôi đã trộn hết vào với nhau: các tác phẩm lừng danh cùng các tác phẩm không được biết tới; các tác phẩm thành hình lâu dài, các tác phẩm tình thế, những công trình phụ lục, phác thảo và các tài liệu thô. Theo cách ấy, ba hay bốn kiệt tác mà người ta vẫn quen ngưỡng mộ xuất hiện trong sự kết nối với nhau bởi một bối cảnh không bị ngắt quãng trong đó chúng chỉ còn đại diện cho những điểm được ưu tiên. Ta đang ở trước một dạng kết cấu hữu cơ được phân dị theo cách thức rất không đồng đều, nhưng ở đó luôn luôn chuyển vận, qua vô số kênh cứ chẽ nhánh không hồi kết, một suy tư đặc biệt kiên trì.

Khi ta muốn bày ra ý niệm về một tác phẩm như vậy, các ẩn dụ vay mượn từ hệ thực vật sẽ là những thứ đầu tiên hiện ra cám dỗ tâm trí. Ta hình dung, ta nhận ra bộ rễ ăn sâu xuống những mảnh đất xa nhau đến kỳ lạ, chúng dẫn về nuôi nấng một thân cây duy nhất nơi nảy ra vài cành chính và rất nhiều cành con nhỏ xíu. Tổng thể tạo thành cái cây lộn xộn nhất, thiếu cân bằng nhất trên đời, một cái cây gần như quái vật, mang dáng vẻ gây rối trí và không phải lúc nào cũng giống với chính nó, nhưng dẫu thế nào thì vẫn cứ là cây, mà cùng một thứ nhựa chảy qua và đã lớn lên một cách bừa phứa nương theo luật của mọi cái cây. Ta thấy điều mà tôi muốn nói: có những tác giả mà những cuốn sách tạo thành đúng ngần ấy kiệt tác tách rời khỏi nhau, giống các tòa công trình đẹp nối tiếp nhau dọc một đại lộ. Ta sung sướng đi từ tòa này sang tòa kia. Đó là những công trình đã hoàn chỉnh, tự trị, nơi chắc chắn ta tìm lại được các thói tật hay phong cách của kiến trúc sư, nhưng ta yêu ở chúng chính sự độc lập tương hỗ đầy sung sướng. Các tác phẩm khác, ngược lại, thì liên tục: dường như chúng đã không ngừng lớn lên và trổ ra tùy ý trong suốt toàn bộ cuộc đời nhà văn, tuân theo bản tính của chúng thì nhiều hơn là theo ý chí của anh ta. Thỉnh thoảng, một công trình [“ouvrage” có thể là cuốn sách, tác phẩm, nghiên cứu, v.v… từ này, được Caillois sử dụng nhiều lần, sẽ được dịch ít nhiều tùy ý, theo bối cảnh] nào đó dày lên, được tổ chức riêng ra rồi tách khỏi toàn thể.

Chắc chắn là mỗi công trình đều có riêng một đích đến biệt lập, một bản thể đặc thù. Tuy nhiên dẫu tác giả có dụng công đến đâu nhằm nhốt kín chúng lại, chặt chúng đi khỏi khối tác phẩm của mình, thì anh ta cũng không sao mà đánh lừa được thế giới của anh ta: ta thấy rõ là anh ta không mang lại gì mà anh ta đã chủ ý làm ra, đầy đủ và để phục vụ tình thế; anh ta trao đi một nhành cành lá mà anh ta bẻ ra từ cái cây của mình.

Không được nghĩ rằng những tác phẩm thuộc dạng này đều nhất thiết phải giống nhau. Còn có gì đa dạng hơn các công trình của Montesquieu nữa? Các bản ghi nhớ [“mémoire”, cũng có thể có nghĩa luận văn, luận án, khảo luận] về những vấn đề đa dạng nhất của vật lý học và vạn vật học, về nguyên nhân của tiếng vọng, về cách sử dụng các hạch, về trọng lượng và sự trong suốt của các vật thể, và phăng te zi của Lettres Persanes [tên các tác phẩm của Montesquieu sẽ không được dịch; ở đây là tập thư “Ba Tư”]; các khảo luận lịch sử hoặc kinh tế về sự kỳ vĩ của Rome và tài sản Tây Ban Nha, và một chuyên luận [traité] thẩm mỹ học [tức là một tên gọi khác - rất đáng ngờ - của “cảm năng”]: Essai sur le goût; một tác phẩm giải trí mang hơi hướm Đông phương theo đúng mốt hồi ấy: Arsace et Isménie, và một bách khoa thư về các khoa học xã hội; một nghiên cứu về việc khai thác than tại hầm mỏ, một câu chuyện triết học, L’Histoire Véritable, và những bài phỏng vấn giả tưởng như Dialogue de Sylla et d’Eucrate [đây là một “texte” rất đặc biệt của Montesquieu, ta sẽ sớm đến với nó]; ngần ấy công trình nghiêm trang về chính trị và phong hóa, và sự phù phiếm của Temple de Gnide; đấy là còn chưa tính đến ba quyển sổ rất dày Pensées et Fragments, những bài tường thuật các thí nghiệm với côn trùng, ếch và các loài cây, một gallery chân dung những ông hoàng xuất chúng, vô số ghi chép du hành, các bài luận chiến, những đít cua long trọng và một catalog bảo tàng.

Các tác phẩm khoa học, về những chủ đề cách xa nhau nhất; các tác phẩm tưởng tượng, nơi tác giả đã không thử một thể loại nào đến lần thứ hai, các tác phẩm thoáng qua và các tác phẩm cho vĩnh cửu, các tác phẩm nghiêm khắc và các tác phẩm nhẹ bẫng, một số thật đồ sộ và đầy tính chất mê cung, những tác phẩm khác lại thu nhỏ, trong suốt và đặc giống như kim cương, cứ như thể lãnh địa Văn Chương đúng nghĩa là không đủ cho sự phàm ăn kỳ lạ nơi tác giả của chúng và ông đã chẳng thể tự kiềm chế mình không ngừng xâm phạm những lãnh địa lân cận. Quả thật, chúng tạo lập, chúng khai trương hoặc chúng làm rõ các bộ môn mới mẻ: kinh tế chính trị học, lịch sử thương mại và pháp định, dân số học, xã hội học hình thức và phương pháp của nó, xã hội học miêu tả và, ở bên trong nó, các nhánh khác nhau: nghiên cứu đối chiếu về luật, về tôn giáo, về các thiết chế, về các chế độ, và về các nguyên lý mà chúng dựa trên, về các dữ kiện cố kết chúng hoặc dẫn tới chỗ làm chúng suy sụp, nói tóm lại là những dội ngược bất tận mà các luật, châm ngôn tinh tế định quy tắc cho những mối quan hệ rối bời, lần lượt nằm vào vị trí khởi hành, điểm trung chuyển và đối tượng.

Sự đa dạng gần như không thể tin nổi này chỉ kéo theo những hệ quả hời hợt. Chất [substance: dấu vết của Spinoza] vẫn giữ nguyên như vậy ở khắp mọi nơi; mọi thứ đều có thể được hoán đổi trong những tác phẩm như vậy, và sự kiện, lập luận hay nghịch lý nào đó, thông tin, nhận xét phê phán, suy tư phẫn nộ nào đó được dùng cho các mục đích tương đương ở các công trình không có những tương quan hiển hiện với nhau. Ở chiều ngược lại, các yếu tố khác nhau, nhưng tương đương, phục vụ cho cùng mục đích ở mỗi dịp. Một cách thường hằng, vật chất giữ nguyên còn hình thức thì tan biến. Một nghiên cứu kỹ lưỡng luồn từ một cuốn sách này sang một cuốn sách khác. Montesquieu thấy bất ngờ trước chiều hướng nghèo đói của Tây Ban Nha: ông thấy sức mạnh của nó giảm đi vào đúng cái thời mà, từ các hầm mỏ bên Mỹ, tháng nào cũng có nhiều vàng và bạc được đưa về. Ông nhận ra lời giải cho vấn đề: quốc gia này thích những thứ của cải hư ảo mà ngay sự dồi dào cũng ngay tắp lự làm giảm giá trị, hơn so với những của cải thực, chúng, xuất phát từ lao động con người, cùng lúc đóng góp cho sự sinh sống và sung túc của họ. Ông để trong ngăn kéo bản thảo tác phẩm nhỏ nơi ông trình bày luận thuyết của mình, mãi năm 1910 nó mới được xuất bản. Ông lấy lại từ đó tài liệu và ý tưởng để đưa vào Réflexions sur la monarchie universelle, mà ông cho xếp chữ, mà ông sửa lại trên bản in thử, mà ông từ chối không cho in, và mãi đến năm 1892 mới được ra mắt. Tóm lại, ông hòa trộn cốt yếu của cả hai nghiên cứu vào L’Esprit des Lois [đây chính là Vạn lý tinh pháp hay Tinh thần pháp luật: gọi là “pháp luật” dường như không hề chính xác] nơi, được thêm vào với rất nhiều phân tích cùng kiểu, chúng cùng những phân tích ấy đóng góp vào một sự chứng minh tổng thể.

Có rất nhiều ví dụ cho những lấy lại như thế; tác giả khai thác từ một kho dự trữ rộng lớn mà ngày ngày những gì ông đọc, những quan sát của ông, những cuộc trò chuyện của ông cung cấp dưỡng chất. Ông ghi chép trong Spicilège các lời kể hoặc lời nhận xét của ông quan cai trị trở về từ Canada, của giáo sĩ thừa sai từ Trung Quốc, của vị bộ trưởng và của viên đại sứ, của quan thu thuế nông sản, của người lính và của nhà chính luận. Dọc ngang châu Âu, ông không chỉ thăm thú các triều đình và khách thính. Ông xuống những hầm mỏ, thăm các cơ sở sản xuất, hải cảng và công trường. Ông đòi người ta giải thích cho nghe cách vận hành của các thiết chế, tìm hiểu về hệ thống thuế, về các dịch bệnh và về các phương cách đã sử dụng để chống trả, về phong hóa và các định kiến, về cuộc sống văn chương và về các buổi diễn, về mốt, về tình trạng nông nghiệp và về sự khốn cùng của dân chúng. Trở về nhà, ông quan tâm đến việc trồng nho, kiểm soát bán rượu của mình, đích thân cai quản lãnh địa riêng, vừa làm những việc ấy vừa cắt từ các tờ báo tin tức thuộc đủ mọi loại, sự kiện lớn rồi thì tin vắn, mà ông hy vọng dùng được cho các tìm tòi của mình. Ông chép lại nhiều đoạn khiến ông hứng thú từ những cuốn sách ông đọc, chúng cung cấp cho ông một thông tin quý báu nào đó, một lập luận bất ngờ nào đó. Đôi khi, ông viết kèm vào những gì thu gặt được các bình luận riêng. Ông đã đoán định được cách sử dụng sắp tới của một mảnh nào đó. Khi ấy ông chuyển chúng vào những quyển sổ được đặt tên là Mes Pensées nơi nguyên liệu này được sắp xếp, sửa đổi, tổ chức. Một công cuộc lao động lớn đã chuyển hóa nó.

Bước thứ hai này giúp Montesquieu có được một sự lựa chọn rất rộng các văn bản đã gọt giũa. Ông sử dụng chúng dần dà tùy theo nhu cầu riêng, khi ông viết một cuốn sách riêng biệt và ông chẳng thấy hề hấn gì cái chuyện dùng chúng nhiều lần: ông chỉ việc gắn chúng vào dự đồ mới và thế là, tùy trường hợp, câu nói dí dỏm biến thành lời mắng mỏ, sự mỉa mai thành quyết định gan dạ, hoặc ngược hẳn lại, thành sự trang trọng, sự quá trớn và tràng giang, thành câu đùa đơn giản. Trong hoàn cảnh ấy, sẽ thật khó để đặt đối lập tác giả của Lettres Persanes với tác giả của L’Esprit des Lois: một người có sự sáng suốt cực đỉnh, bị giằng xé bởi một lòng hiếu kỳ phổ quát và, mặt khác, bởi một lòng tốt rất lớn, ngày nào cũng thu nhặt chiến lợi phẩm và, lúc nào thời điểm tới, can trường điều chỉnh chúng để phục vụ nhu cầu riêng. Cả đời mình, ông đã chỉ phụng sự duy nhất một lý tưởng. Các tác phẩm của ông chỉ tạo thành một bài biện hộ duy nhất, tại đó chúng quay trở lại cùng các lập luận: nhưng ông trình bày chúng theo cách khác đối với các khách thính và đối với hậu thế; vốn dĩ ham muốn thuyết phục cả phụ nữ thượng lưu lẫn các chính khách đàn ông, vốn dĩ sốt sắng áp đảo dư luận và các ông vua, ông hành động theo đó, và lúc thì tỏ ra vui thú, khi thì lại nghiêm khắc. Ngần ấy nỗ lực đã không phải là vô ích.

Con người ấy, đã không ngừng suy tư về lịch sử, dường như cự tuyệt việc đưa vào đó khái niệm tiến bộ. Nhưng ảnh hưởng lớn lao của tác phẩm của ông mang tới cho điểm này một dạng cải chính cho bản thân tác phẩm. Bởi vì ta biết rất ít tác phẩm từ đó thoát ra mau chóng đến vậy và rõ ràng đến vậy một sự cải thiện mạnh mẽ số phận con người. Một số trong những đòi hỏi mà nó kiên trì, nhằm làm lợi cho con người, đã sớm được thỏa mãn. Đến mức mà ngày nay nó khốn khổ vì thành công của chính nó. Hẳn có lẽ ta sẽ đọc nó nhiều hơn nếu nó bớt phần đi thẳng vào phong hóa như thế, nếu nó từng tỏ ra kém mức hiệu quả hơn, và nếu người ta không công nhận rộng rãi đến thế, rằng con người quả thật phải tận hưởng tài sản hoặc những đảm bảo mà tác phẩm ấy đã đòi về cho anh ta và đôi lúc cũng đã góp phần làm luôn việc đó cho anh ta.




II. Cuộc cách mạng xã hội học

Thành công về mặt trí năng của tác phẩm lại càng lớn hơn nữa và do đó đáng ngại hơn cho nó bởi cái cách thức sùng bái mà nó đã nhận từ lịch sử. Nó đã thiết lập các thói quen tinh thần, các cách nối và cách hiểu những sự kiện, chúng đã trở nên thông thường đến mức chúng như thể là hiển nhiên và đến mức sự thông thuộc [vulgarité] hiện nay của chúng ngăn cản việc đo lường đã cần bao nhiêu thiên tài để tạo ra chúng.

Tác phẩm toàn vẹn thông báo, bình luận, lấy lại hoặc hoàn chỉnh L’Esprit des Lois. Từ tổng này, Considérations, La Monarchie universelle, Essai sur les Causes chỉ còn là những chương tách biệt. Các ghi chép của Voyages, các Pensées, Spicilège thì tạo nên tập hồ sơ thường trực cho nó. Nói tóm lại, để mang tới cho công trình này biểu nghĩa đầy đủ của nó, trước hết đã phải viết Lettres Persanes, nghĩa là thành tựu đối với bản thân nó cuộc cách mạng xã hội học, đồng thời đặt các tác phẩm vào điều kiện đến lượt chúng cũng phải thành tựu nó. Ở đây tôi gọi là cách mạng xã hội học bước tiến của tinh thần, đồng nghĩa với giả vờ là xa lạ với xã hội nơi ta sống, với nhìn nó từ bên ngoài và cứ như thể thấy nó lần đầu tiên. Khi ấy trong khi xem xét nó giống như hẳn người ta sẽ làm với một xã hội Ấn Độ hay Papou, cần phải không ngừng tự kiềm chế để không thấy tại đó những cách sử dụng và các lề luật là tự nhiên. Vấn đề nằm ở chỗ phải cả gan coi như là ngoạn mục và khó hiểu những thiết chế ấy, những thói quen ấy, những phong hóa ấy, mà vốn dĩ ta đã quá quen ngay từ lúc mới sinh ra và ta hết sức tôn trọng, theo cách thức vô cùng bộc phát, đến độ phần lớn thời gian ta không thể hình dung chúng có thể khác đi. Cần phải có một trí tưởng tượng hùng mạnh để toan tính thực hiện một đảo chiều như thế và rất nhiều nhẫn nại nhằm giữ nó cho thật vững.

Nó hiếm, luôn luôn có tính chất rất muộn màng, và chứng tỏ một mức độ văn minh ngoại hạng, có lẽ cả hiểm nghèo nữa. Có thể sự xuất hiện của nó [tức là xuất hiện một cái nhìn vào một xã hội như thể xã hội quen thuộc ấy là xa lạ] tại một xã hội thuộc vào một điềm gở đối với xã hội đó, bởi vì như thế chính là thực sự hướng tới việc làm mất gắn bó với nó, khi kích động trí năng thấy kinh ngạc trước mọi điều gì bí mật giữ cho xã hội được cố kết và, trong nhiệm vụ ấy, chúng sẽ được hoàn thành tốt hơn nhiều nếu người ta ít biết về chúng [đây là một trong những điểm quan trọng nhất của tiểu luận: nói một cách khác, đối với Caillois, một xã hội hoạt động “bình thường” chính khi sự bình thường này được rất ít người hiểu; trong khi một cái nhìn như cái nhìn của Montesquieu thể hiện trong các bức thư Ba Tư nhằm chính vào sự bình thường ấy, miêu tả nó, gọi tên nó].

Người nào gọi tên chúng ra, đồng thời cũng tố cáo chúng và làm chúng suy yếu, do đó. Một xã hội dường như không được tạo ra để suy nghĩ về chính nó: nó sẽ càng mạnh mẽ hơn nếu có ít tấm gương đi và ít cơ hội để tự kinh ngạc về chính nó. Thêm nữa, cũng hoàn toàn giống thế đối với cá nhân, đối với hắn không phải một dấu hiệu của sức khỏe dồi dào nếu tự nhìn mình sống quá nhiều. Ở mức cực điểm, chỉ một số người bệnh mới nghĩ là mình ở bên ngoài cơ thể họ và theo dõi như thể từ bên ngoài các hành động cử chỉ, với rất nhiều tò mò. Những kẻ quá đắn đo ấy không còn hành động nữa và sớm tự tiêu hủy bản thân. Bằng cách tạo ra những người Ba Tư đặt chân đến Paris đó, Montesquieu bắt tất cả Paridiêng phải nhìn thành phố và cuộc đời của họ như cách họ chắc hẳn sẽ nhìn Ispahan và cuộc sống của người Ba Tư. Có một điều gì đó thật quỷ quái và cũng thật nhiều tính chất lật đổ trong thao tác này, mà bản thân các nhà xã hội học, thế nhưng đối với họ nó tạo ra một dạng nghĩa vụ tất yếu, không mấy tìm cách thử đổi mới: ta biết rằng họ ham nghiên cứu cách hành xử và những sự mê tín của người Bantou hay người Tlinkit hơn nhiều so với hành xử và mê tính của đồng bào họ. Quả thật, giáo sư Malinowski đã miêu tả phong hóa tình dục của cư dân nhóm đảo Trobriand rất lâu trước khi tiến sĩ Kinsey chăm lo đến phong hóa ấy của cư dân New York. Có ít công trình khách quan về việc thờ phụng Đức Mẹ Đồng Trinh hơn so với các công trình về Kali, Tlatzolteotl, Isis hay Aphrodite. Và các nhà bác học, những người không mệt mỏi bình luận những lễ nghi tôn giáo của người Canaque hay người Aztèque, lại nhất nhất lờ đi không thèm để tâm đến lễ mixa hay tục diễu hành Corpus Christi. Một sự kính trọng nào đó ngăn giữ họ là các nhà xã hội học cho đến cùng, cũng như ngăn giữ họ lập luận với tư cách người Ba Tư.

Nếu không có L’Esprit des Lois, hẳn sẽ khó lòng mà nhìn thấy trong Lettres Persanes có một *satire* khéo léo về xã hội Pháp thế kỷ 18. Nhưng có L’Esprit des Lois mà tuy nhiên Montesquieu còn chưa hình dung vào thời điểm ông cho xuất bản Lettres: và công trình mới này biến chúng thành một dạng bài tập tiền đề, thành một trò chơi mang lại sự mềm dẻo cho tinh thần và lôi kéo nó đến với những bước đi nghiêm trọng hơn. Như vậy người ta đã chuẩn bị cho nó để nó có thể bình thản băng qua tập hợp rộng lớn các pháp định của thế giới, rất nhiều tín ngưỡng đa dạng, nhiều chế độ khác nhau. Mỗi lần ta lại biết được từ nó lẽ sống và các hệ quả tất yếu, ta đẩy nó đến chỗ báo cáo về các điều kiện tự nhiên của chúng mà chẳng hề phán xét chúng một cách nhẹ dạ dựa trên một chi tiết mà ta đã chẳng buồn định vị. Bố cục của cuốn bách khoa thư ấy tối tăm, đầy rẫy ở trong đó các nhầm lẫn thuộc đủ mọi dạng: nhầm thời kỳ, dân tộc hoặc con người; các tài liệu bị xem xét ẩu tả, dịch sai, diễn giải kém; quá nhiều thong dong trộn lẫn vào với quá nhiều uyên bác; những giả thuyết bướng bỉnh cần phải cưỡng ép thì mới ăn nhập tiếp nối các điều tra tỉ mẩn mà ta khó mà nhìn thấy tầm vóc.

Từ cuốn bách khoa thư ấy, cho đến cuối cùng điều gì nảy ra? Nó chẳng khẳng định một điều gì một cách hiển ngôn, mà nó không ngừng khiến người ta hiểu rằng đâu phải một thần linh nào dạy dỗ cho con người những lề luật mà ta nhận thấy ở khắp nơi, khác nhau và mâu thuẫn với nhau. Cùng lúc, nó thường hằng nhấn mạnh rằng chúng không có xuất xứ từ sự tình cờ và chúng chỉ có vẻ phi lý nếu bị bứt đi khỏi bối cảnh riêng. Nó hé lộ chúng trong tùy thuộc vào khí hậu và hoàn cảnh đất nước, vào độ rộng và sự phong nhiêu của lãnh thổ, vào sự màu mỡ của đất, vào dạng cuộc sống của cư dân, vào số lượng của họ, vào phong hóa của họ, vào các tín ngưỡng của họ, vào một tinh thần chung nữa, nơi bản thân chúng bước vào để góp thêm sự trơ ì của chúng vào với sự trơ ì của tự nhiên. Montesquieu, ngay tắp lự, cố công lập ra cú pháp cho vô số kết nối đó. Công trình của ông, theo đường lối ngây thơ, hoàn chỉnh luôn bộ môn khoa học mà ông tưởng đâu mình khai trương [chính khi Montesquieu tưởng mình mở ra một cái gì đó, thì khi viết xong cuốn sách, Montesquieu đã hoàn thành luôn cái đó, sự hoàn thành đã nằm lại sau lưng: người kể chuyện của Proust tưởng mình sẽ viết văn, nhưng đúng vào khi chắc chắn là mình viết, thì đã viết xong, sự viết đã nằm ở sau lưng].

Một sự đẩy tới thật may mắn: bởi nếu nhiều cẩn trọng hơn thì chắc hẳn tác giả đã nản chí, không dám chịu mạo hiểm dấn vào toan tính tương tự. Chắc hẳn ông sẽ nhận ra con người bất lực không thể hoàn chỉnh một môn khoa học hướng vào lịch sử của chính anh ta. Kết luận mà ông mang tới cho nó nằm ở trạng thái quá sớm trong vĩnh cửu, lúc nào cũng vô cùng hiển nhiên phải làm lại đến nỗi có lẽ chắc hẳn bất kỳ ai cũng bước trở lui trước một công trình chẳng có gì chắc chắn ngoài sự thiếu chắc chắn định mệnh của kết quả, nếu như Montesquieu đã không giả vờ, khi bắt tay vào nó, là thấy nó đã xong rồi.

Trong L’Esprit des Lois, sự tư biện, thật lạ thường, lại sống lâu hơn khoa học. Bụi của các chuyên khảo tạo thành phần chính yếu của cuốn sách đã trở nên già nua. Về mọi chủ đề giới hạn mà ông đã xử lý, lịch sử thương mại và hình thức vay nợ thời cổ đại, các đạo luật La Mã về thừa kế, sự phát triển của luật định phong kiến, thông tin của Montesquieu đều tỏ ra vội vã, không đầy đủ, có thể bị phản bác. Và các nghiên cứu mới đã không ngừng cho thấy những phân tích đầu tiên của ông rất lảo đảo. Nhưng cảm hứng chung của công trình vẫn vững chắc, và nó vẫn còn có giá trị không phải bởi những gì mà nó có thể, vào thời ấy, chứa đựng ở khía cạnh khoa học, mà bởi một tổng thể chặt chẽ các định đề chẳng bao giờ khoa học một chút nào, nhưng lại mang đến ý tưởng về một môn khoa học bất khả và không dứt, mà vòng vương miện lý tưởng hẳn chính là công trình đó, nếu nó chạy theo thay vì vượt trước vương miện. Còn hơn thế, những nghiên cứu kỹ lưỡng từ đó ông trình bày các kết quả, bản thân chúng chỉ còn lại lợi ích nhằm tạo ra những chương rời nhau của một lịch sử văn minh nơi phương pháp thì quan trọng hơn so với đối tượng và sự cứng đầu nhất định phải khám phá thì nhiều tính chất thuyết phục hơn so với các kết luận của điều tra.

Montesquieu chắc hẳn đã nhầm về các chi tiết của sự phát triển các khám phá và công việc hàng hải thời cổ đại, nhưng ông không sai khi nhìn thấy trong thương mại lần lượt một tác nhân của hòa bình và một môtip cho chiến tranh, chỉ ra nó đóng góp như thế nào, tùy thuộc hoàn cảnh, vào việc làm băng hoại phong hóa hoặc giúp nó bớt đi sự tàn bạo, làm thế nào mà sự quá đà của thương mại lại dẫn đến tinh thần của giao thương, trong khi một thương mại không đủ thì lại làm nổ ra nạn cướp bóc, rốt cuộc làm thế nào mà nạn cướp biển lúc ban đầu, sự nhất thiết phải làm sản sinh cả một loạt tập quán quốc tế và rất sớm sủa một code maritime [Intercode, FOB, CIF?], nhờ đó tinh thần tương trợ đã vượt trội so với tinh thần gây hấn.

Từ hai cuốn sách viết về các luật thời phong kiến, tôi không biết chính xác những gì trong số các tư tưởng của Montesquieu còn lại được, về nguồn gốc tô tức, về chế độ chư hầu, về chế độ quân dịch của người tự do, về công lý của các lãnh chúa, về sự chuyển hóa từ lợi nhuận thành đất phong. Nhưng nguyên tắc của sự chứng minh còn xa mới đánh mất đi sự màu mỡ của nó, mà chắc hẳn ta sẽ dõi theo mà chẳng thu được lợi lộc gì trên các địa hạt khác và vào những giai đoạn khác, cùng bước chuyển ấy, mà nó soi sáng theo một cách thức đáng ngưỡng mộ, từ lòng trung thành của người sang sự truyền thừa của một món tài sản.

Chẳng thể không nói rằng với các chất liệu chuyển động và thiếu chắc chắn đó, những kết quả được thiết lập theo cách thức kỹ lưỡng nhất cũng lại là những thứ mong manh hơn cả. Dẫu người ta có thể hình dung lĩnh vực mà chúng hướng tới có đặc thù đến đâu, thì chúng cũng không thể làm ra vẻ đã hoàn toàn khai thác triệt để được, bởi lĩnh vực ấy là không thể khai thác cạn kiệt, vì con người dự phần vào đó và chẳng hề có hành động nơi hắn can thiệp nào mà không khiến nảy sinh bất tận những nhìn nhận. Và vậy là đủ để không có các bộ môn khoa học về con người theo nghĩa nghiêm ngặt của từ này. Không nên cho rằng ở đây cần phải hài lòng với một sự xấp xỉ trong những gì liên quan tới sự chuẩn xác khoa học, bởi vì nếu khoa học không phải chính là sự nghiêm ngặt, nó chẳng là gì hết; nó hoàn toàn ngừng là khoa học, ngay khi nào từ chối là như vậy, dẫu chỉ mảy may. Vậy nên chính tham vọng của Montesquieu thì đã còn lại, chứ chẳng hề là tổng số và sự đan kết các dữ liệu mà ông đã rất kiên nhẫn lập ra và tập hợp lại.




III. Những mối liên hệ nhất thiết thoát thai từ bản tính các vật

Bản thân ông cũng có ý thức về điều đó. Ông từng nảy ra ý tưởng là có một trật tự không hề thuộc trí năng, mà là khả tri, bên dưới sự hỗn độn bề ngoài của các pháp định mâu thuẫn với nhau ở khắp mọi nơi. Ông bắt tay vào tìm kiếm xem đâu là quy tắc và đâu là ngoại lệ, và lẽ sống của ngoại lệ, điều buộc nó phải phát ngôn một quy tắc mới, cụ thể hơn so với cái trước đó. Đến cuối cùng, ông có thể khẳng định: “Tôi đã vận đến một ví dụ, đó là nguồn gốc và sự nảy sinh các luật La Mã về thừa kế, và ví dụ này ở đây sẽ được dùng làm phương pháp… Nếu tôi đã lý thuyết hóa được các luật La Mã về thừa kế, thì người ta cũng sẽ có thể thông qua cùng phương pháp đó nhìn thấy sự ra đời các luật của phần lớn mọi dân tộc.” Ông làm sáng tỏ theo cách thức đáng ngưỡng mộ những mối liên hệ giằng chéo của các sự kiện xã hội: ông cho thấy rằng nếu Tây Ban Nha để cho thương mại của Ấn Độ được tự do, thì hẳn nó sẽ thu được những lợi ích lớn từ đó. Nhưng ông cũng ngay lập tức nói thêm: “Đó là những nguyên lý cần xem xét, nhưng không được tách chúng ra khỏi các nhìn nhận khác: an ninh của Ấn Độ, tính ích lợi của quan thuế duy nhất, các mối nguy của một thay đổi lớn, những điều bất tiện mà người ta dự đoán, và thường xuyên ít nguy hiểm hơn so với những gì mà người ta không thể dự đoán.”

Ông nhận xét rằng các dân tộc chỉ trở nên đáng lo ngại đối với hàng xóm của họ trong những cuộc nội chiến hoặc tiếp sau đó. Ông thiết lập các tương quan giữa sự xa xỉ, chế độ chính trị và điều kiện phụ nữ: ở chế độ quân chủ, nơi họ được hưởng một tự do cực điểm, có thể nói rằng họ trở thành chỗ dựa cho sự xa xỉ và thế là sự xa xỉ chủ yếu được dùng để trang hoàng cho họ; dưới chế độ cộng hòa, sẽ thích hợp nếu sự khiêm nhường trong phục sức của họ đi kèm với sự khiêm nhường trong phong hóa của họ; rốt cuộc, ở chế độ bạo chúa, họ là nô lệ và bản thân họ là các đồ vật xa xỉ. Ông nghĩ rằng tự do càng lớn thì các thứ thuế càng có thể cao, bởi vì cần phải mua sự tổ chức tự do và ông hình dung mỗi công dân sẵn lòng chi tiền rộng rãi nhằm chứng kiến quốc gia được quản lý bởi một giới công chức đủ khả năng, những người này giúp công dân phòng ngừa sưu cao thuế nặng của nền bạo chúa. Ông cho rằng chính trị hiện đại sinh ra từ phát minh ra bưu điện, nó, bằng cách rút ngắn các khoảng cách thông qua giảm bớt thời gian mà người ta cần để đi qua chúng, nới rộng tầm mức các hoạt động có hiệu quả lớn. Cái nhìn thật sâu sắc. Và lịch sử về sau đã xác nhận nó rõ ràng đến mức một phần tòa công trình của Montesquieu đã vì thế mà sụp đổ. Quả thật ông gán cho các đế chế một dạng kích thước cực hạn được đo lường bởi quyền lực của sự chỉ huy và kiểm soát thực tế của vị quân vương. Ông nhận xét rất đúng rằng một cuộc nổi loạn hoặc một cuộc xâm chiếm vào một tỉnh xa xôi của đế chế có mọi cơ may để thành công, nếu quân vương cần ba tháng để biết tin và ba tháng nữa để cử các đội lính trung thành đến đó.

Nhưng Montesquieu nhầm khi phán định từ trước tương lai và nói đến “độ mau chóng mà tự nhiên đã phú cho con người nhằm tự dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác”. Các thứ máy móc đã chẳng mấy chậm trễ làm đảo lộn những điều kiện mà dường như tự nhiên đã áp đặt ấy: điện thoại, điện tín, radio, đường tàu hỏa, ô tô, máy bay đã khiến chính quyền ở khắp nơi và thường trực hiện diện. Nó ngay lập tức được thông tin, và sự chóng vánh của một lời đáp trả, gần như hoàn toàn thoát khỏi khoảng cách và thời gian, kể từ nay tước bỏ sự gây hấn hay sự nổi loạn của các lợi thế xưa kia từng khiến chúng trở nên dễ dàng. Từ các dữ kiện mà ông cho là vĩnh cửu, nhưng đã bị các ngành công nghiệp của con người làm biến đổi nhanh chóng đến thế, Montesquieu rút ra bổn phận đối với các nền dân chủ là phải giữ cho mình chỉ có một độ rộng tầm thường và sự tất yếu của chế độ bạo chúa đối với những đế chế lớn: “Sự mau chóng của các quyết định, ông viết, cần phải bổ khuyết cho khoảng cách giữa các địa điểm nơi chúng được gửi đến, nỗi sợ hãi cần phải ngăn chặn sự lơ là của vị tổng trấn hoặc vị quan tòa ở xa.” Châm ngôn này đã chẳng phải không mang lại các hệ quả: nó làm nên điều khoản thứ X của Các chỉ dẫn do Catherine II, nữ hoàng và nhà lập pháp của mọi lãnh thổ Nga, trao cho ủy ban được lập ra để làm công việc dự thảo một Bộ Luật mới (Matxcơva, 1767). Điều thứ XI tiếp tục bằng những lời sau: “Mọi hình thức chính quyền khác hẳn đều sẽ không chỉ có hại cho nước Nga; chắc chắn cuối cùng nó còn đưa tới sự tàn phá hoàn toàn đất nước.”

Nhưng hẳn sẽ thật thiếu hợp lý nếu trách cứ Montesquieu vì đã không dự đoán được sự loại trừ khoảng cách. Trong vòng hơn một thế kỷ sau đó nó vẫn là một trong các thành tố nền tảng của chính trị. Đúng hơn cần phải ca ngợi ông vì đã nắm bắt được mối tương quan cho tới khi ấy buộc chính trị phải lệ thuộc vào độ rộng và đã đặt nó vào đúng chỗ giữa vô số những cái khác, mà ông làm rõ được những đồng phát tinh tế với một sự sáng suốt ngang bằng.

Hẳn sẽ còn kém thích hợp hơn nếu lên án ông về cách thức mà Nữ Hoàng đã sử dụng sự chứng minh nhằm củng cố quyền lực độc tôn của mình. Chắc hẳn Montesquieu sẽ khuyên bà chia nhỏ nước Nga ra, nhằm thu nó về với các kích thước cho phép giúp nó thoát khỏi chế độ bạo chúa. Về một chế độ như vậy, ta biết khá rõ ông nghĩ gì. Ông kết án nó bằng một hình ảnh duy nhất, mang tính chất quyết định, trong chương ngắn nhất của L’Esprit des Lois: “Khi những kẻ man dã ở Louisiane muốn có hoa quả, họ chặt cây ở gốc để hái quả. Đó là chính quyền bạo chúa.” Quả thật, ông kiên quyết căm ghét nó, đến mức thậm chí ông còn không biết rõ sức mạnh của nó. Ông đã tưởng rằng chỉ nỗi sợ cũng đã đủ để giải thích cho việc nó kéo dài được, bởi chẳng ai ở đó, theo ông, yêu quý vị quân vương cũng như Nhà Nước. Điều ngược lại mới đúng. Vị quân vương chuyên chế luôn luôn tìm được những bề tôi tận tụy và yêu quý ông ta. Không hiếm chuyện một bạo chúa được đưa lên nắm quyền lực nhờ sự cuồng tín của dân chúng và gần như không bao giờ thiếu những kẻ ủng hộ đầy nhiệt huyết, bọn họ sẵn lòng mất mạng vì ông ta.

Cách mạng Pháp hiểu rõ hơn các châm ngôn của ông. Khi tuyên cáo thành lập nền Cộng Hòa, nó muốn tạo dựng cùng lúc phong hóa cộng hòa, mà nếu không có, ông từng nói vậy, nền Cộng hòa không thể sống sót. Người ta đã không chỉ hủy bỏ các đặc quyền và danh hiệu, những dấu hiệu hiển hiện và thậm chí chói lòa của vinh dự ấy, mà ông đã nhìn nhận là nguyên tắc của nền quân chủ. Người ta còn thay thế chúng bởi bổn phận của đức hạnh, nghĩa là tình yêu nền cộng hòa, nơi ông từng nhận ra tình yêu các chính quyền của dân chúng. Đến nỗi mà sự hờ hững và sự nhạt nhẽo trở thành tội ác.

Tuy nhiên ông từng cảnh báo rằng sự gò bò chẳng bao giờ có tác dụng thúc đẩy tự do. Ông cũng đã tố cáo những mối nguy của tinh thần tự do cực điểm - cái thứ tràn lan khi mỗi người, vì muốn bình đẳng với những người mà anh ta đã chọn để chỉ huy anh ta, không còn chịu nổi ai là chủ mình nữa thay vì chỉ chịu cho làm chủ mình những người bình đẳng. Cuối cùng ông đã thông báo sẽ có một chính quyền quân sự ngày nào quân đội chỉ phụ thuộc vào cơ quan lập pháp. Và, rất mau chóng, đó sẽ là Bonaparte.

Theo cùng cách thức, ông từng chỉ ra một nền quân chủ tiêu tùng như thế nào: “Khi một quân vương tin rằng mình chứng tỏ được nhiều quyền năng hơn nếu thay đổi trật tự mọi sự thay vì tuân theo nó”; khi “bằng cách thu mọi thứ về mình, ông ta gọi Nhà Nước về thủ đô, thủ đô vào triều đình ông ta và triều đình vào độc nhất con người ông ta; khi, rốt cuộc, “danh dự đã bị đặt vào thế mâu thuẫn với các danh dự, và người ta có thể vừa bị phủ đầy sự ô nhục lại vừa được phủ đầy phẩm hạnh”.

Montesquieu, như vậy chăm chú miêu tả một cách đúng đắn các động lực của những chính quyền khác nhau, có các thiên ái, mà ông cảm thấy rõ là ông phải tự ngăn cấm mình nhằm bảo lưu sự khách quan cần thiết cho tác phẩm của ông. Nhưng ông không thể tự ngăn mình cảm nhận chúng và tôi không nghĩ ông sẽ đỏ mặt xấu hổ khi phải nói chúng ra. Chúng đến với ông từ một dạng nhận thức ngầm theo đó xét cho cùng chính trị phải phục vụ con người chứ không phải con người phục vụ chính trị. Ông biết, theo đường lối đáng ngưỡng mộ, thậm chí ông thuộc vào số những người đầu tiên nói ra được, rằng chính trị không phải là đạo đức và ở đó không phải chỉ cần muốn điều tốt là tức khắc điều tốt tới liền. Ông khám phá ra cái sẽ trở thành một trong những nguyên lý nền tảng của xã hội học: có thể xã hội khởi sự từ việc cấm đoán một điều bởi vì nó đánh giá điều đó là xấu, nhưng rất chóng vánh nó đánh giá điều đó là xấu chỉ bởi vì nó đã cấm điều đó. Ông còn đi xa hơn: ông lo ngại về việc sự trừng phạt đôi khi lại dẫn đến chỗ tạo ra tội ác và trong cái đoạn mà ông đã xóa đi khỏi L’Esprit des Lois, ông nói đến một biện pháp được sử dụng tại một Nhà Nước bên Đức, nó trừng phạt bằng những khổ hình khủng khiếp nhất bất kỳ ai nhảy múa trên một cây thánh giá. Ông tự nhủ mình biết chắc rằng nếu không có luật này chắc chẳng bao giờ có ai nảy ra ý định làm một trò nhố nhăng như vậy. Nhưng luật tồn tại, nó được biết, nó gây kinh ngạc, nó khiến lo lắng và kể từ nay người ta dễ dàng hình dung ra chuyện một cô gái lẳng lơ nào đó bị bỏ rơi bởi người tình hoặc bị dẫn dắt đến nỗi tuyệt vọng hoàn toàn bởi một bất hạnh lạ thường: giận dữ và trong cơn tìm kiếm một sự báng bổ gớm ghiếc, chợt nhớ đến, trong cơn cuồng loạn, sự phạm thánh kia, mà cô ta coi là khó tha thứ hơn cả, cô ta bèn ném thánh giá xuống đất và giẫm chân lên đó.

Ta sẽ không buộc tội Montesquieu vì đã không trả về cho xã hội những gì thuộc về nó. Chẳng phải ông không biết rằng nó tuân theo các quy luật đặc biệt, mà ông kể ra, mà ông phát hiện. Nhưng ông từ chối quyết định ủng hộ chúng. Ông công nhận sức mạnh của chúng, nhưng không phải công lý của chúng, hay nói đúng hơn ông chối từ thu giảm công lý về với các bản án trơ lì và có thể nói rằng ông từ chối dựa trên chúng để tạo ra công lý. Những quy luật mà ông công nhận là chủ trì sự vận hành và các chuyển hóa của các xã hội, ông gán chúng vào với các chuỗi nhân quả mà tính tất yếu không ý thức cũng chẳng ký ức điều hành vũ trụ vật lý, thì nhiều hơn so với vào các quy tắc mà con người thiết lập và họ vẫn được tự do đi theo hay lờ đi những chỉ thị của chúng. Ông không tin rằng người ta có thể đâm đầu trực diện vào chúng, nhưng ông cũng chẳng tin vào tính định mệnh của chúng. Ông nghĩ rằng chính trị có thể chiến đấu với chúng và thậm chí đánh lừa chúng. Và ông không nhất trí rằng đạo đức im tiếng tại nơi nào chính trị chỉ huy.

Thái độ phức tạp này, và là thứ được ngụ ý suốt dọc một tác phẩm rộng lớn, đã không phải lúc nào cũng được hiểu đúng. Đấy là bởi nó gây mếch lòng cho cả những người hoài nghi, họ cho rằng cái ngẫu nhiên dẫn dắt lịch sử hoặc, nếu muốn, để mặc cho nó, lẫn những người giáo điều, họ hy vọng nó [lịch sử] tương hợp với các quy tắc của đạo đức, rồi cả các lý thuyết gia, họ lại ủng hộ điều ngược lại, rằng đạo đức chẳng hề có gì chung với chính trị và ngoài ra chính trị chẳng là gì khác ngoài việc đọc thật chuẩn những tất yếu của lịch sử, thành thử nó được quy định bởi tiến trình không thể tránh khỏi của các tất yếu kia. Montesquieu đã quan niệm mọi sự theo một cách thức đa sắc thái đến độ ở đây cần phải đi theo thật sát các bước của ông, nắm lấy chúng ngay từ đầu rồi sau đó cụ thể hóa vào mọi thời điểm những gì mà ông nhất trí, những gì mà ông vứt bỏ, những gì mà ông định thiết lập.




IV. Chính trị là một cái giũa âm thầm

Trước hết, ông áp dụng vào lịch sử tham vọng của mọi nhà bác học, đó là loại bỏ cái ngẫu nhĩ đi khỏi một địa hạt nhất định. Ông chẳng bao giờ thấy sự tình cờ là một lời giải thích đầy đủ. Ông không hình dung mũi của Cléopâtre ngắn hay dài hơn thì có thể thay đổi số phận của Vũ Trụ: nói cho đúng, nếu ông hình dung như vậy, công trình của ông hẳn sẽ ngay lập tức trở nên vớ vẩn. Chắc chắn, ông công nhận một hoàn cảnh không thể đoán trước đã có thể quyết định kết quả của một trận đánh nhưng đấy chỉ là để ngay lập tức phản đối tầm quan trọng của một trận đánh như vậy. Một tai nạn chẳng bao giờ có thể tạo ra điều gì khác ngoài một tai nạn khác, có lẽ mang thể tích lớn hơn, nhưng với các hệ quả suy yếu nhanh chóng, mà đến chung cuộc tình hình chẳng hề bị đảo lộn, bởi khi đó chẳng gì nuôi dưỡng chúng, tiếp sức chúng, nhân bội chúng lên.

Không hề có chuyện Pultava khiến Charles tiêu vong [ở đây đang nhắc đến trận đánh vào đầu thế kỷ 18, Piotr Đại đế nước Nga chiến thắng vua Carl Thụy Điển]: nếu không bị tiêu diệt tại nơi này, thì ông ta cũng sẽ bị tiêu diệt ở một nơi khác. Các tai nạn thuộc vận may dễ dàng được sửa chữa; người ta không thể phòng chống các sự kiện cứ liên tục sinh ra từ bản tính mọi vật.

Trong Les Considérations, nguyên tắc được đưa ra:

Nếu sự tình cờ của một trận đánh, nghĩa là một nguyên nhân đặc biệt, làm suy sụp một Nhà Nước, thì có một nguyên nhân chung làm cho Nhà Nước ấy phải bị chết đi do một trận đánh duy nhất.

Cũng vậy, tại Rome, vào thời các cuộc nội chiến, chẳng có ích gì khi Sylla từ chức hay César bị sát hại:

Không thể có chuyện nền cộng hòa tái lập được, đến nỗi xảy đến, điều mà ta còn chưa bao giờ thấy, không còn nhà bạo chúa, và không còn tự do: bởi các nguyên nhân đã phá hủy nó vẫn luôn luôn có đó.

Ngược lại, tại Anh, trong trường hợp xảy ra một nguy hiểm cực điểm, toàn bộ quyền lực có thể được hội tụ lại trong một bàn tay, mà tự do chẳng hề bị đe dọa.

Hẳn sẽ có một cuộc cách mạng không làm thay đổi hình thức chính quyền cũng như hiến pháp của nó: bởi vì các cuộc cách mạng mà tự do hình thành chỉ là một sự xác nhận cho tự do. Một quốc gia tự do có thể có một người giải phóng; một quốc gia thần phục thì chỉ có thể có một kẻ áp bức mới. Bởi mọi con người, vốn dĩ đủ sức đuổi đi kẻ từng là ông chủ tuyệt đối tại một Nhà Nước, thì cũng đủ sức tự mình trở thành cái ông chủ tuyệt đối ấy… Một cách bộc phát một quốc gia như vậy hẳn sẽ hy sinh tài sản của nó, sự sung túc của nó, các lợi ích của nó, hẳn nó sẽ sẵn sàng gánh lấy những khoản thuế nặng nề nhất, các thứ thuế mà vị quân vương chuyên chế nhất hẳn cũng sẽ không dám buộc thần dân của mình phải chịu.

Đó là những nguyên nhân chung ấy, nơi sự tình cờ chẳng có vai trò gì và là nơi ý chí con người chỉ có tác động rất chậm chạp. Các dữ kiện đa dạng mà Montesquieu đã lần lượt phân tích ảnh hưởng và là những thứ, từ khí hậu cho tới pháp chế, luôn luôn hình thành những kết quả của chúng, tạo ra một địa điểm có mật độ ngoại lệ, với một sự cố kết hoàn hảo, mà sự đặc thù tuyệt đối làm cho một xã hội luôn luôn khác với một xã hội khác hoặc giả nó khác với chính nó ở một khoảnh khắc khác trong lịch sử của nó. Ở đây có sự trơ ì cốt yếu của các xã hội. Chính vì thế thật khó mà cải cách ở đó điều gì dẫu nhỏ nhặt đến đâu: các luật chẳng là gì nếu không có phong hóa và các phong hóa thì lại tùy thuộc chính vào một sự hội tụ vô cùng đặc biệt của những điều kiện tự nhiên hoặc mang sức mạnh của tự nhiên, thành thử thật không hữu lý, vô vọng hoặc nguy hiểm nếu nghĩ tới chuyện biến đổi một cách đột ngột. Các chỉ dụ kiên quyết nhất của chế độ bạo chúa, chỉ riêng về điểm này, phải tự thú nhận là bất lực: chúng chỉ dẫn đến việc kích động một sự kháng cự mà những thuế má tồi tệ nhất đã khẳng hề khới lên. Người ta dễ dàng dung thứ cho việc nhà bạo chúa chặt những cái đầu hay tịch thu tài sản. Người ta nổi loạn nếu ông ta định cắt ngắn các bộ râu.

Vậy có phải là cần kết luận là có một dạng định mệnh xã hội học? Con người không có lựa chọn, hoặc giả ít đến mức chẳng ích gì khi nhắc đến. Anh ta không thể làm ra luật theo cách thức mà anh ta thấy là tốt. Dẫu sinh ra ở đâu, anh ta cũng ở trong một hoàn cảnh nơi gần như mọi thứ đều đã được quyết định chẳng lý gì tới anh ta. Anh ta đây, chỉ có mỗi một việc là quản lý sao cho thật tốt đẹp phần mà anh ta đã nhận từ số phận. Tha hồ cho anh ta quẫy đạp. Anh ta bị kết án vẫn cứ phải là nô lệ cho các xác quyết, một số cố định, những cái khác thì biến đổi, mà tổng số luôn luôn uy nghiêm vạch ra từ trước theo cách thức hết sức chặt chẽ những đường ranh giới cho hành động của anh ta. Tuy nhiên, anh ta không bị tước mất vũ khí: anh ta chỉ cần phải đi xiên hẳn đi, nắm lấy mọi sự đúng thời điểm và nghĩ tới việc lấy những cái này chống lại những cái khác. Các lực mà anh ta sở hữu thì nực cười, nhưng thuộc về anh ta khả năng nhân bội chúng lên theo con đường trí tuệ, bằng cách cung cấp cho chúng điểm tựa ngay cả từ các chướng ngại vật mà sau cùng cần phải vượt qua. Anh ta bị đánh đập từ trước nếu thẳng thớm tấn công vào sức mạnh gắn kết của các thành tố o ép anh ta. Nhưng anh ta có thể đối nghịch với chúng ở chi tiết, cấu tạo chúng tùy nghi, đoạt lấy chúng làm của riêng một cách dần dà, thuần hóa chúng và sớm vận hành chúng sao cho có lợi cho mình. Thay vì để mặc cho dòng thác cuốn trôi các tảng đá, anh ta dùng đá sỏi dựng một con đê chặn nó lại khi đó mới chỉ là một dòng nước mảnh. Cùng lúc anh ta tự đảm bảo cho mình một kho trữ năng lượng, mà anh ta sẽ sử dụng nhằm xử lý các lực còn bất trị hơn.

Sự yếu ớt của con người chẳng phải không thể chữa trị: bởi đó là một sự yếu ớt cơ động mà anh ta sử dụng tùy ý, mà anh ta áp dụng vào chỗ nào anh ta muốn, khi nào anh ta muốn, như anh ta muốn, thành thử nếu anh ta dẫn dắt nó đủ lâu và đủ khéo léo, sẽ chẳng có gì ngăn cản anh ta dần dà mở rộng quyền lực công lý của anh ta và lý lẽ của anh ta lên một vũ trụ chỉ tuân theo mỗi trọng lực đơn giản. Chỉ phụ thuộc vào anh ta việc biến ý chí của mình trở thành một nguyên nhân chung: anh ta phải hiện thân cho nó với đủ mức độ vững chãi trong số lượng thiết chế đầy đủ để nó trung hòa các kết quả của những nguyên nhân khác và để nó thu hút chúng tới một mục đích khác. Cũng vậy, trọng lực không ngăn cản người ta dựng những cái vòm. Nhưng nó buộc họ phải xây chúng theo một số quy tắc nhất định.

Khí hậu là một thế lực thứ nhất. Thành thử bắt buộc Montesquieu, người chỉ ra sức mạnh của nó, cùng lúc cho rằng ta phải tuân phục nó. Bởi có thể xảy ra chuyện sức mạnh này là xấu xa. Ở phương Đông, cái nóng quá mức gây căng thẳng và áp chế, nó khiến con người lơi là lao động; sự nghỉ ngơi thật tuyệt, còn chuyển động thì mệt nhọc. Ngoài ra, tôn giáo xem hư vô như là nền của mọi vật và thấy trong sự không hoạt động trạng thái hoàn hảo tuyệt vời. Thứ siêu hình học này dường như là hiển nhiên. Quả thật, “sinh ra từ sự lười biếng của khí hậu, đến lượt mình lại tạo điều kiện thuận lợi cho sự lười biếng ấy”, nó gây ra cả nghìn điều xấu xa. Nó thêm vào những kết quả tồi tệ mà lẽ ra nó phải sửa chữa. Cần phải nhận ra rằng “các nguyên nhân vật lý càng đẩy con người đến với sự nghỉ ngơi, các nguyên nhân tinh thần lại càng phải tách họ xa khỏi đó”. Cũng vậy, các luật, bên Ấn Độ, trao đất cho các ông hoàng và như vậy tước đi khỏi các cá nhân tinh thần sở hữu, làm tăng thêm sự lười biếng tự nhiên của dân chúng, thay vì mang lại cho họ các lý do phụ để cày bừa đất đai.

Thế nên các luật không phải là một phản chiếu giản đơn của những điều kiện tự nhiên; nhất thiết nhà lập pháp phải tính đến chúng, nhưng, tùy theo từng trường hợp, tận dụng chúng cho có lợi hoặc điều chỉnh để giảm bởi ảnh hưởng xấu của chúng. Các luật, các thiết chế, các phong hóa không chỉ được xác định, chúng còn là những phương tiện mà con người có được nhằm chiến thắng sự trơ ì của tự nhiên và của lịch sử. Đó là các công cụ cho tự do của anh ta. Montesquieu ca ngợi người La Mã đến vậy là bởi họ là “dân tộc trên thế giới biết rõ hơn cả việc làm cho các luật của họ hòa hợp với những dự đồ của họ”. Khi ấy ta hiểu được tự nhiên, khả năng và độ lớn lao của chính trị. Nhưng trước tiên là phải hình dung được các hệ lụy xấu của nó đã: “Chính trị là một cái giũa âm thầm mòn dần và chậm rãi đi tới kết cục của nó.” Xét cho cùng, nó tạo ra thứ vật dụng duy nhất mà con người có thể dùng để tự giúp mình cải tạo xã hội như anh ta mong muốn và vật dụng này không nhanh cũng chẳng mạnh. Ngoài ra, nó lại còn phản phúc, bởi mọi hoàn cảnh được tạo ra bởi chính trị đến lượt chúng lại sở hữu một sự trơ ì riêng, cần phải để ý đến điều này, vốn dĩ nó, nếu ta không để tâm, cộng thêm vào sự trơ ì từng đã cần vượt qua.

Thật ra, con người không ngừng mắc nguy cơ làm trầm trọng hóa trường hợp của anh ta. Anh ta đó, được trang bị bởi độc một cái giũa âm thầm và rơi vào mối nguy rất lớn là dùng nó theo đường lối tồi tệ, đến mức Montesquieu khuyên anh ta sử dụng nó càng ít càng tốt. Bởi nhát nào cũng đều là không thể sửa chữa. Nhưng rốt cuộc, con người vẫn phải làm một cái gì đó với cây giũa âm thầm của anh ta. Tuy nhiên, giao cho anh ta một nhiệm vụ dẫu là nhỏ nhất cũng đồng nghĩa với việc trao một trách nhiệm đáng gờm và mới mẻ. Đó chính là quyết định những mục đích, chứ không còn là tìm kiếm các nguyên nhân. Đó là đoạn tuyệt, đầy đủ chủ ý, với chương trình của sự miêu tả hoàn toàn có tính cách khoa học, thứ mà dường như Montesquieu rất muốn bám chặt lấy. Ông từng có dự định cho thấy những mối quan hệ nhất thiết miêu tả bản tính mọi vật; ông chỉ ra chúng, cùng lúc ông phát hiện những quan hệ ấy không phải là tuyệt đối nhất thiết và con người có thể chỉnh sửa chúng ở một mức độ nào đó, nói cho đúng thì rất nhỏ, nhưng nó, xét về lâu dài, thế nào cũng chuyển hóa bộ khung chung của thế giới; không có công việc nặng nhọc đáng kể đến đâu mà ta không thể hoàn thành với sự trợ sức của một cái giũa âm thầm, nếu đặt vào đó đủ kiên nhẫn và sự bướng bỉnh. Ở điểm này, Montesquieu được dẫn dắt đến chỗ lựa chọn, mà vả lại cũng như sau ông phần lớn các nhà xã hội học đều sẽ làm. Họ không cam chịu chỉ làm công việc giải thích mọi vật là như thế nào, họ sớm nói mình muốn chúng như thế nào. Nhưng dựa trên nguyên tắc nào? Một nhà bác học tự cấm mình có các thiên ái. Montesquieu cảm thấy rõ là ông ở đó nhằm miêu tả thật đúng chế độ bạo chúa, hoàn toàn không phải để nói thêm rằng, theo ý ông, chế độ bạo chúa là một điều đáng phàn nàn, hay chế độ nô lệ, hay sự bất khoan dung, hay sự tra tấn, hay Tòa án Dị giáo hay bất kỳ điều xấu nào mà tuy nhiên ông đã tố cáo lớn tiếng đến vậy sự nhơ nhớp và sự lố bịch tới mức một số đã không sống sót được lâu sau khi cuốn sách của ông được in. Quả thật, thường xuyên nhất, ông tránh đổ tội và thậm chí tránh nói thẳng về nó. Chống lại các quan tòa Dị giáo, ông trao lời cho một tác giả tưởng tượng và người này cứ liên tục kinh ngạc: tại sao người Ki-tô lại càm ràm về các khổ hình mà người Nhật Bản bắt họ phải gánh chịu, trong khi bản thân họ vì các nguyên do tương tự cũng bắt người Do Thái phải chịu những thứ tàn nhẫn tương đương? Theo cùng cách thức, khi xử lý vấn đề nô lệ, ông để cho một người da đen cất lời:

Chắc đường sẽ quá đắt nếu người ta không bắt những người nô lệ làm lụng để trồng cái cây làm ra nó. Những ai đang được nhắc tới ở đây mang bộ da đen từ chân lên đến đầu; và họ có cái mũi tẹt đến nỗi gần như không thể nào thương cho nổi. Người ta chỉ có thể nghĩ rằng Chúa, vốn dĩ là một người hết sức thông thái, đã đặt một tâm hồn, nhất là một tâm hồn tốt đẹp, vào trong một cơ thể đen thui…

Ông kinh tởm việc phán xét: ông muốn rằng bản án của ông có vẻ không xuất phát từ trái tim, mà từ trí năng. Những lập luận của người da đen làm giảm giá lý tưởng mà họ được coi là đang bảo vệ, những trách móc của người Do Thái đặt các quan tòa Dị giáo vào thế mâu thuẫn với bản thân họ. Theo một cách thức gần giống, khi Montesquieu cho thấy các triệu chứng ban đầu của sự chạy đua vũ trang, ngay trước hết ông chỉ trích sự phi lý của nó:

Một căn bệnh mới đang lan tràn ở châu Âu; nó đã chụp lấy các ông hoàng của chúng ta, và khiến họ duy trì một số lượng hỗn tạp các đội quân. Nó được nhân lên, và tất yếu có thể lây lan mạnh: bởi vì, ngay khi một Nhà Nước tăng cái mà nó gọi là các đội quân của mình, các Nhà Nước khác cũng đột nhiên tăng những đội quân của họ, thành thử qua đó người ta chẳng thu được gì hết ngoài sự đổ nát chung… Vị quân vương nào cũng nuôi tất tật quân đội mà ông ta hẳn sẽ có thể có nếu các Dân Chúng của ông ta lâm vào mối nguy bị tiêu diệt và người ta gọi là Hòa Bình cái trạng thái nỗ lực của tất cả chống lại tất cả ấy… Chúng ta nghèo với những của cải và thương mại của toàn Vũ Trụ, và rất sớm vì cứ có nhiều lính, chúng ta sẽ chỉ có toàn lính là lính, và chúng ta sẽ giống như những người Tartare… Thật chẳng hay ho gì khi chứng kiến các Nhà Bước thế chấp tài sản của họ ngay trong lúc Hòa Bình, và sử dụng nhằm tự gây lụn bại cho bản thân mình những phương cách mà họ gọi là ngoạn mục và chúng là ngoạn mục rất mực đến nỗi đứa con trai đầu óc bấn loạn nhất trong gia đình cũng khó mà hình dung nổi.

Thế nhưng rồi cũng đến thời điểm khi những mưu mẹo như thế, nhất định là không đủ, chẳng còn biết ngụy trang sự phân ly giữa luân lý gia và nhà xã hội học nữa: nhà xã hội học, người vốn dĩ coi nỗi sợ như là động lực dẫn tới chế độ bạo chúa, hẳn phải nhận rõ sự ích lợi của các khổ hình trong cái chính quyền đó. Và ông ta làm thế. Và luân lý gia ngay tắp lự nổi loạn: “Nhưng tôi nghe thấy giọng nói của tự nhiên, nó hét lên chống lại tôi…”

Lời thú nhận thống thiết, duy nhất, tôi thấy vậy, trong toàn bộ L’Esprit des Lois, nhưng hé mở rất nhiều. Các bộ môn khoa học con người cần phải có một nguyên tắc, nó, nhằm cứu lấy con người, sửa chữa sự tàn nhẫn tự nhiên nơi các khoa học.




V. Bằng cách tạo ra con người các vị thần đã chấp hành nhiều hơn so với thực thi

Trên thực tế, tác phẩm của Montesquieu được chống đỡ bởi một sự tôn trọng lạ thường đối với con người. Lòng tôn trọng này hoàn toàn không hề là ngây thơ. Montesquieu không tin rằng con người thì đức hạnh. Thậm chí ông còn bày tỏ về phía anh ta một sự vô sỉ hiếm thấy. Trong những phần đầu tiên của L’Histoire Véritable, ông họa ra anh ta tham lam vô độ và vô cùng phản phúc, cùng lúc lại ngu xuẩn và hèn nhát đến độ gần như không có tác giả nào tạo ra một hình ảnh về con người tỉnh táo tới mức ấy. Cũng vậy, trong La Poétique des Romains dans la Religion, xuất hiện một sự khéo léo gần như rồ dại nhằm quy giảm về các ma nớp lệch lạc và bẩn thỉu phần chính yếu của nghệ thuật cai trị: đối với tác giả việc tôn giáo La Mã thì phi lý vẫn chưa đủ, mà nó còn cần như vậy có chủ đích: hẳn mọi lợi thế đều sẽ mất đi, ông viết, nếu, được dành để lừa dối dân chúng, nó lại cũng mạo hiểm đánh lừa luôn những người cầm đầu. Vì vậy cần phải có các tín ngưỡng vô cùng thô thiển “nhằm thực thi sự mê tín của những người này và bước vào chính trị của những người khác”.

Thứ machiavel luận về mặt nguyên tắc này sớm giảm nhẹ đi nơi ông nhờ sự quan sát và nhờ kinh nghiệm. Song song với, và theo đà hiểu biết con người của ông trở nên rộng lớn hơn và sâu sắc hơn, nhưng không nghĩ họ tốt đẹp hơn, ông bắt đầu coi trọng họ hơn và nhìn thấy ở đức hạnh, không phải tình trạng của họ, mà đích đến tự nhiên của họ. Trong lúc trước tiên ông có khuynh hướng giải thích mọi sự bằng ác tâm trong chính trị cũng như trong đạo đức, nghĩa là trong mọi điều công cộng cũng như mọi điều riêng, rồi một ngày nọ những cái đó và những cái kia đối với ông trở nên không sao mà giải thích nổi nếu thiếu đức hạnh. Nhưng không phải vì vậy mà ông bị cám dỗ coi thường phần của ác tâm, của sự ngu xuẩn hay của sự phù phiếm. Nhưng kể từ nay đức hạnh là thứ mà ông thấy như thể là chìa khóa cho phép mầu, yếu tố khó giải thích, nhưng chỉ mình nó mới mang lại một nghĩa cho hành xử của con người và trước hết là cho nỗ lực dài, nặng nề và dai dẳng về văn minh.

Thành thử tiến trình của ông ngược lại so với tiến trình chung: sự vô sỉ là một điểm xuất phát của ông; ngay lập tức, ông thấy con người là đáng khinh bỉ, cứng rắn và thiếu trung thực; ông thích thú ghi nhận mọi thứ thông qua bản tính đáng buồn của chúng. Ông dễ dàng làm được việc này, bởi ông vừa tinh quái lại vừa trơ trẽn. Nhưng ta đã hiểu thấu điều này hay chưa? Ông vô sỉ do chân thành và mãi cho tới lúc đã già đi nhiều, tiến thêm lên trong thông tin và sự thông thái, thì ông mới rời bỏ cái phương tiện quá mức khó sai lầm đó trong việc đánh giá các hành động của con người. Ông nhận ra ở đó một dấu vết của mốt. Ông từng có lần miêu tả một cái thời nơi, xét về phương diện đê tiện, “mọi điều người ta dám làm đều được thú nhận”, nơi “sự thiếu lịch thiệp duy nhất là không dám, không muốn, hoặc không thể”. Ông nghĩ mình là nạn nhân của một định kiến giống thế. Ông có con mắt khá sắc bén. Các chuyến đi của ông, những gì ông đọc, những cuộc gặp gỡ đã dạy cho ông nhiều điều. Ông từng miêu tả Louis XI, sắt đá hơn khi nghĩ mình mộ đạo hơn; ở Louis XIII, không có gì để làm nên một con người vĩ đại ngoài một mong muốn mơ hồ trở thành con người vĩ đại; Mithridate, bị phản bội bởi một quân đội khiếp sợ trước sự kỳ vĩ nơi các dự đồ của ông và những mối nguy mà ông từng hình dung; các sủng thần của François Đệ nhất, ghen tị cả đến những tật xấu của nhau; Henri III, bất mãn với việc người ta không trao cho người bảo vệ tự do toàn bộ sức mạnh của chế độ bạo chúa; Philippe II, mà một sự che giấu không biết rào chắn cho khéo chẳng giúp ích được bao nhiêu; và còn biết bao nhân vật có thực hoặc hư cấu mà ông đã vẽ chân dung bằng một công thức cả quyết và không chút khoan dung.

Quan tâm tới sự hà tiện, ngay lập tức ông thấy ở đó nghịch lý: kẻ hà tiện, tỉ mẩn trước các khoản nhỏ, dễ dàng hơn nhiều trong việc chấp nhận tiêu đi những món lớn: đó là vì trước hết hẳn là nhà sưu tầm và lo lắng cho việc thu nhặt, chẳng hề quan tâm tới mục đích và giống với đám lính của Antoine, những kẻ, dưới ảnh hưởng của một thứ ma túy, tạo ra các đống đá mà chỉ giây lát sau đã chẳng còn để tâm nữa. Suy nghĩ về chiêm tinh học, ông chỉ thấy ở đó độc một sự kỳ quặc kiêu ngạo: “Chúng ta cứ tưởng các hành động của chúng ta đủ quan trọng để xứng được viết trong quyển sách lớn trên Trời. Và không có đến nghệ nhân thảm hại nhất nào không nghĩ rằng các thiên thể to lớn và rực sáng trôi qua trên đầu anh ta được tạo ra chỉ với mục đích thông báo cho Vũ Trụ giờ nào anh ta rời khỏi cửa hiệu.”

Sự sáng suốt hiếm khi nào thiếu vắng này, chính nó, mở ra cho ông các chân trời mới. Ông không còn coi lịch sử thế giới rút gọn lại thành sự lừa đảo của những người này và thành tính cả tin của những người khác. Chắc chắn sự giàu có, xuất thân, vinh quang, ưu tiên của thế giới và sức mạnh chẳng chứng tỏ điều gì. Không có sự kỳ vĩ bên ngoài nào mà sự gian ác đoạt lấy mau chóng và chắc cú hơn so với đức hạnh. Ở đây vẫn là một kết quả tất yếu của bản tính các vật và đức hạnh thậm chí còn không có cơ sở để đòi được đối xử với một sự ưu tiên nào dẫu nhỏ đến đâu. Nó sở hữu phần thưởng ở trong chính nó và tại nơi những thứ tài sản không thể tha hóa từ đó nó thu lấy sự hân hưởng. Các tài sản ấy không đặt trên sự khốn cùng cũng như trên nỗi nhục của người khác. Chỉ duy nhất sự xứng đáng mới chinh phục được chúng và chẳng biến cố nào có thể tước chúng đi khỏi bất kỳ ai, thành thử chúng hoàn toàn thoát khỏi những trắc trở của số phận. Kẻ bất lương của L’Histoire Véritable, kẻ có câu trả lời cho mọi sự và là kẻ chẳng nỗi đắn đo nào khiến bối rối, cũng nhận ra sự tuyệt hảo của nó sau khi thực hiện hết vô số hóa thân của hắn: các ông hoàng, các ông vua và cả đến các nhân vật siêu nhiên cũng được dạy dỗ nhờ sự thông thái hoàn toàn mang tính cách người. Ở cực bên kia, Sylla không tôn trọng con người nhiều hơn, ngay cả khi ông ta nghĩ mình đang phụng sự họ. Ở ông ta, có hiện thân một ý chí quyền lực gần như trừu tượng mà chẳng một dục vọng nào đỡ ở bên dưới, dẫu cho là lòng yêu nước. Tham vọng này, tổng thể tàn nhẫn và u tối, như thể được thăng hoa nhờ một sự quá mức của tinh tế. Rốt cuộc, Sylla phát điên với chế độ tổng tài, không thèm cai trị những kẻ nô lệ: ông ta đã nhầm lẫn tận hai lần. Vì muốn ép buộc người La Mã đến với tự do, ông đã chỉ làm được một việc là khiến họ quen với sự quy phục. Thời điểm đã chín muồi đối với César: áp đặt cho con người một tự do mà họ không muốn thì không phải là giải phóng họ. Mà đó là làm họ quen với việc trông đợi mọi sự, chấp nhận mọi thứ từ một ông chủ. Sylla muốn cho ông ta vinh quang thuần khiết nhất của các anh hùng. Để giành được nó, ông ta đã tống cổ đi phát vãng những người duy nhất có thể nhất trí trao nó cho ông và chỉ còn lại xung quanh, để công nhận các phẩm giá của ông, những kẻ chẳng chút kiêu hãnh, bọn họ sẽ xưng tụng theo cùng cách thức bất kỳ nhà bạo chúa nào. Vậy nên, quá mức chán nản, ông rời bỏ quyền lực và chỉ mãi đến lúc ấy sự kỳ vĩ của ông mới bùng nổ: bởi, ngay cả không còn các vệ sĩ vác phủ việt, thì ông vẫn không bớt là Sylla. Sylla, chắc chắn, người mà chẳng ai dám đòi thanh toán, nhưng lại cũng là người mà chẳng ai dám lại gần; Sylla lúc nào cũng đáng gờm, Sylla cô độc, thất vọng và bất hạnh.

Thế nhưng chỉ mình ông ta phải chịu trách nhiệm về thất bại của ông ta: vốn dĩ khinh bỉ con người thay vì tôn trọng họ, ông đã tìm kiếm cái dạng vinh quang ấy, nó, để một con người vươn lên cao hơn những kẻ khác, bắt nhân loại phải tốn kém quá mức. Vinh quang này có tính cách mù mờ. Vốn dĩ là phần thưởng cho những đức hạnh của một người anh hùng, và ở lại với anh ta chừng nào anh ta đã mất đi mọi thứ, chắc hẳn nó thuộc vào các tài sản rất thực. Nhưng được dựa trên thanh thế, được nuôi dưỡng bằng những hạnh phúc bên ngoài, sinh ra từ các chiến thắng, từ các bạo lực và từ cái gì đó không thể cứu chuộc nào không rõ, nó cũng ăn giơ với những sự kỳ vĩ về hình ảnh mà đám đông ghen tị, mà nó sửng sốt choáng váng, nhưng nhà thông thái thì lại từ chối tán thành. Montesquieu đã mạnh tay với lòng ngưỡng mộ dành cho Sylla đến mức những hành động của vị tổng tài trông có vẻ thật xỉn màu bên cạnh các lời lẽ đáng kinh ngạc mà ông gán cho ông ta nhằm bình luận chúng. Nhưng ông không ngưỡng mộ mà không kèm e dè: ông phát biểu nguyên do cho các dè dặt của mình trong một chương hẻo lánh lẫn trong cái đống khổng lồ của L’Esprit des Lois:

Bởi một bất hạnh gắn chặt với thân phận con người, những người vĩ đại mà ôn hòa thì rất hiếm; và, vì luôn luôn là dễ dàng hơn khi theo sức mạnh của nó so với chặn nó lại, có lẽ, trong tầng lớp của những người vượt trội, dễ tìm thấy những người đức hạnh cực đỉnh hơn so với những người thông thái cực đỉnh. Tâm hồn được nếm trải biết bao khoái thú khi được thống ngự các tâm hồn khác; bản thân những ai yêu quý cái thiện cũng tự yêu bản thân mình đến mức chẳng ai đủ mức bất hạnh để còn dám thách thức những dự định tốt đẹp của nó: và, đúng vậy, các hành động của chúng ta dính vào với nhiều điều đến mức làm việc tốt sẽ dễ dàng hơn cả nghìn lần so với làm tốt việc.

Vậy nên Montesquieu không chọn, cho hình ảnh và nguyên tắc của sự kỳ vĩ tối cao, tâm hồn hào phóng và các châm ngôn cao vời của một nhà tổng tài tỉnh táo. Ông tìm được nó nơi một triết gia, què cụt và bị Alexandre nhốt vào một cái lồng sắt mà người ta kéo đi sau đội quân. Callisthène chẳng hề than vãn: “Khi tôi, ông nói, ở vào một hoàn cảnh đòi hỏi sức mạnh và lòng can đảm, tôi thấy như thể mình gần như được ở chỗ của mình… Tận hưởng các lạc thú của ngũ quan là một điều mà tất cả con người đều dễ dàng đủ khả năng; và nếu các vị thần đã chỉ tạo ra chúng ta cho mỗi việc đó, thì họ đã thực hiện một công việc hoàn hảo hơn so với mức họ muốn, và họ đã chấp hành thì nhiều hơn là thực thi.”

Một sự đảo ngược thật kỳ lạ của thần học: con người chỉ còn sợ sự thiếu hoàn hảo có tính cách quyết định của anh ta, hoặc một thứ tội lỗi ban đầu khiến anh ta không xứng với các Vị Thần. Anh ta sợ điều ngược lại và một sự không đầy đủ định mệnh nào đó của Thần Linh hẳn làm cho nó trở nên kém tham vọng hơn anh ta và kém lo âu hướng đến sự tuyệt bích hơn. Đột nhiên anh ta ngờ là mình tự áp đặt nhiều bó buộc hơn mức người ta yêu cầu anh ta phải tuân thủ. Nếu bầu trời thì hoang vắng hoặc nếu các Vị Thần đã chẳng hề giao cho anh ta một số phần đặc biệt nào, thì ích gì đây đối với anh ta cái việc vươn lên cao hơn tự nhiên và bắt tay vào sửa chữa sự tàn bạo ngu xuẩn của nó? Đức hạnh này, cảm giác về công lý này, mà ngày hôm qua anh ta còn tán dương như một ân sủng đầy nặng nề, nhưng cũng đầy vinh quang, giờ đây nó hiện ra với anh ta giống như một nhiệt hứng phi lý, giống như một sai lầm rỗng tuếch rồi sẽ chỉ dẫn tới việc biến anh ta thành một con vật khá là ngu. Một giọng nói cứ không ngừng thì thầm với anh ta là anh ta tiêu đời vì kiêu ngạo rồi, là ngần ấy dây cương vô vọng mà anh ta cố kiềm giữ mà chẳng được lợi lộc gì, không biến anh ta trở nên cao quý, mà thô kệch, rằng chúng tước đi khỏi anh ta các khoái lạc mà chẳng hề mang tới cho anh ta sự kỳ vĩ.

Nhưng nghi ngờ sự tồn tại hay sự hoàn hảo của các Vị Thần thì dễ hơn so với giật ra từ trái tim con người sở thích lòng chính trực. Ai mà chẳng biết sự chính trực hiếm khi nào thắng lợi? Ai mà chẳng thấy trật tự thế giới tuân theo các điều luật khác hẳn? Nhưng sự bất công là không thể chịu đựng đối với cái con thú biến thái kia, đến nối nó không sao tuân phục nổi. Kinh nghiệm, lý trí và bản năng có nhắc đi nhắc lại với anh ta rằng đó là chuẩn mực, sự thật và cuộc đời: anh ta vẫn chẳng hề muốn tin gì ở đó. Và nếu đó đã là sự thật của các Vị Thần, thì các Vị Thần là vô tích sự, các Vị Thần là đám gây phiền nhiễu. Nếu họ không phê chuẩn lòng quả cảm và phẩm giá của con người, thì chính con người nên đỏ mặt xấu hổ vì họ. Bởi anh ta chẳng thể nào coi giả định của mình là đúng đắn. Đối với anh ta nó dường như có giá trị chống lại bản thân các Vị Thần. Nếu họ đã không biết dự đoán nó cũng như đòi hỏi nó, thì lỗi nằm ở chỗ họ thiếu trí tưởng tượng. Và còn có khiếm khuyết nào trầm trọng hơn đây, mà người ta còn có thể đổ lỗi cho những hữu thể duy nhất chỉ cần hình dung các vật là đã tạo ra chúng? Ngay từ đó, chẳng còn quan trọng mấy nữa đối với con người việc họ có được tồn tại là do phán quyết của một sức mạnh vượt trội hoặc giả việc một thứ hóa học mù quáng đã khiến anh ta ra đời ở cuối một loạt biến cố khó hiểu: anh ta không cần đến ai để quyết định mình công bằng. Mặc kệ nếu lựa chọn của anh ta gây phiền cho những Vị Thần đãng trí hoặc nhút nhát kia, những kẻ đã vượt quá mục đích của họ bằng cách dùng đất sét nặn ra anh ta. Nếu vật chất đã tạo ra anh ta, thì hẳn lẽ ra nó đã chẳng thể làm kém hơn, bởi cũng có khả năng các thần tượng chấp hành thì nhiều hơn là thực thi.




VI. Kết luận

Đó là đoạn kết của chuyến đi: dẫu con người có làm gì, thì cũng không tồn tại đối với anh ta phương cách để cự tuyệt lại trước công lý mà có lẽ anh ta bịa ra. Dẫu chẳng được trên cao kia ủng hộ, hẳn anh ta sẽ chẳng thể làm ra vẻ không tiếp tục đòi nó. Đó là nghĩa của L’Esprit des Lois và của mọi tác phẩm của Montesquieu. Sự sáng suốt nơi ông càng trở nên sắc nhọn, tình cảm công lý của ông đã trở nên vừa gan dạ hơn vừa mang nhiều sắc thái hơn, thành thử thiên tài của ông vốn dĩ không lùi bước trước bất cứ cái gì, vào thời điểm người ta sửng sốt trước sự táo bạo của ông, người ta cũng sửng sốt trước sự cẩn trọng của ông, vì ông nhìn thấy lý do của mỗi người, mỗi tư tưởng, mỗi đoạn, mỗi chế độ. Ông dõi theo nó tới cùng, nhưng cũng không để lọt khỏi tầm mắt lý do cho những thứ khác, mà hẳn ông thấy sẽ không chính trực nếu bỏ bẵng đi. Sự không thiên vị của ông, ở mức cực điểm, đã khiến ông quay lưng khỏi sự cuồng tín mà không khuyên ông chọn lấy sự thờ ơ. Ông cung cấp ví dụ hiếm hoi về một chủ soái của rộng lượng, người không kết tội những kẻ hành hạ ông, nhưng cũng là người giải thích giỏi đến vậy hành xử của họ thông qua phong hóa hoặc các sự kiện, cho nên rốt cuộc nó như thể là không thể tránh khỏi và dường như ông tha thứ cho nó khi chỉ làm độc một việc là hiểu nó.

Tuy nhiên, ta không được để cho mình bị đánh lừa bởi những vẻ bên ngoài: ông giải thích chứ không biện minh. Ông biết mọi động cơ nhảm nhí và xấu xa của vở hài kịch con người [Montesquieu, như vậy, đối với Caillois, cũng là tác giả một Vở kịch con người]. Ông không phẫn nộ vì nó. Ông biết đó là một kết quả của cái trật tự vậy đó, mà ông chính là người đầu tiên có ý tưởng thiết lập một địa dư nghiêm ngặt. Ông không tin vào tính chất phi lý phổ quát. Thay vào đó ông tin vào mọi quy tắc khả tri. Chắc chắn, sự đa dạng này tạo nên một hỗn loạn đẹp, nhưng chẳng phải là không thể hiểu cú pháp của nó nhờ vào vài nguyên tắc đơn giản. Chỉ có thể chắc chắn ở độc một điểm: công lý, nghĩa là sự tôn trọng con người, và do vậy là sự chừng mực. Với sự trợ giúp của những từ to tát, người ta dễ dàng lừa mị các trái tim và các tinh thần. Trong số các từ to tát đó, do bản tính những gì quyến rũ nhất là những thứ nhiều khả năng nhất trong việc đánh lừa đám ngây thơ, bởi người ta không thể dùng giấm bắt ruồi và những kẻ nhiều tham vọng biết rõ điều đó. Nhưng học cách tôn trọng trong thực hành, ở mọi hoàn cảnh, tự do và phẩm giá của con người, đây là một nhiệm vụ thuộc hàng sáng sủa nhất, dẫu rất dài hơi và vả lại luôn luôn phải luyện tập. Nó là chuyện của mỗi ngày. Bất kỳ ai, dẫu không tìm kiếm, nhìn thấy các phương cách hoàn thành nó về phần mình và thường mất nhiều công để tránh nhìn thấy chúng hơn so với trông rõ chúng. Chẳng hề cần tới án quyết siêu nhiên nào, tiền giả định siêu hình nào thì mới có thể hình dung và giữ lấy ham muốn đóng góp cho thành công của công trình chung: chỉ cần có tình cảm đoàn kết của giống loài. Cũng không cần sở hữu những tài năng đặc biệt, các nguồn đáng kể, những hiểu biết thật rộng, các công cụ phức tạp; chỉ cần biết và muốn sử dụng cho thành thạo một cây giũa đơn sơ, thuộc vào số những cái giũa không gây ồn ào, không thu hút sự chú ý bởi tiếng ken két của chúng và là thứ được người ta nhét vào, người ta hay nói thế, một ổ bánh mì rồi tuồn cho các tù nhân mơ đến chuyện đào thoát.





Roland Barthes: "Sociologie và socio-logique"
Leo Spitzer: Phong cách của Marcel Proust
Jean-Pierre Richard: Hiểu biết và dịu dàng ở Stendhal
Sur Barthes (1)
Roland Barthes: "Michelet, Lịch Sử và Chết"
Roland Barthes: "Văn hóa và bi kịch"
Octavio Paz về André Breton
Jean Paulhan: Les Fleurs de Tarbes
George Steiner: Râu Xanh
Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Lý thuyết văn học và triết học
Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ
Nhìn lại lý thuyết

6 comments:

  1. "Bởi vì ta biết rất ít tác phẩm từ đó thoát ra mau chóng đến vậy và rõ ràng đến vậy một sự cải thiện mạnh mẽ số phận con người." - có lẽ chính vì thế nên Ông ấy có sự hoài nghi cái sau này gọi là "tiến bộ".
    cuối cùng thì "cái cây" này với người-trồng-cây lại khiến tin rằng có Thượng Đế, ít nhất ở phương diện The Maistre đúng là mẫu gốc của thiên tài.

    ReplyDelete
  2. không phải ngẫu nhiên khi Roger Caillois thuộc vào số các nhân vật làm ro được nhiều phương diện của "huyền thoại" và "nghi lễ"

    ReplyDelete
  3. Bác ơi tôi chả biết tiếng Pháp nên không biết là quyển Văn chương và cái ác dịch đúng sai thế nào nhưng bản tiếng Việt đọc câu cú lung tung quá, nhiều chỗ cực kì tối nghĩa nữa, hay là do tôi thiếu kiến thức nên mới thấy thế. Chả lẽ cỡ Georges Bataille mà viết tù mù vậy hay sao?

    Trần Bình

    ReplyDelete
  4. tôi sẽ sớm đề cập Bataille thôi; toàn tập Bataille dày khủng khiếp

    nhưng tôi sẽ né quyển "cái ác"

    ReplyDelete
  5. "Chắc hẳn ông sẽ nhận ra con người bất lực không thể hoàn chỉnh một môn khoa học hướng vào lịch sử của chính anh ta." - lại một tiên đề nữa cho xã hội học. và một châm ngôn cho thấy rằng nó đúng: “Khi những kẻ man dã ở Louisiane muốn có hoa quả, họ chặt cây ở gốc để hái quả. Đó là chính quyền bạo chúa.”
    chỉ với hai kích thước đó thì ông cũng đủ là hiện đại rồi.

    ReplyDelete
  6. "Chẳng phải ông không biết rằng nó tuân theo các quy luật đặc biệt, mà ông kể ra, mà ông phát hiện. Nhưng ông từ chối quyết định ủng hộ chúng. Ông công nhận sức mạnh của chúng, nhưng không phải công lý của chúng, hay nói đúng hơn ông chối từ thu giảm công lý về với các bản án trơ lì và có thể nói rằng ông từ chối dựa trên chúng để tạo ra công lý. " - cùng một nguyên lý cho toàn bộ "xã hội học" và làm một bước nhảy ra khỏi vị nữ thần bịt mắt bắt dê.

    ReplyDelete