Dec 26, 2014

Bùi Ngọc Tấn và Chuyện kể năm 2000

Số phận một tác phẩm văn chương lớn lúc nào cũng phải bao gồm đầy đủ cả hạnh phúc và bất hạnh. Chuyện kể năm 2000 là một sự kiện hạnh phúc của nền văn chương Việt Nam, và kể từ đó, tức là trải hết năm “lệnh” - theo cách tính đầy hào phóng của những người tù - thật bất hạnh, nó vẫn cứ là sự kiện lớn nhất của nền văn chương ấy.

Năm 2000, chắc là khoảng giữa năm, qua những mối quan hệ mà tôi chỉ nhớ là rất loằng ngoằng và thật ra không còn muốn nhớ cụ thể nữa, một nhà văn ở Hà Nội đồng ý cho mượn hai quyển Chuyện kể năm 2000. Phải đến tận nhà ông, đâu đó ở mạn Bà Triệu-Triệu Việt Vương ngay lập tức để lấy mang về. Thời ấy, đến gõ cửa nhà một người không quen vào đúng giờ cơm tối vẫn còn chưa trở thành một điều gì vi phạm quá đáng lắm đối với tập quán sống vẫn chưa trôi hết khỏi quán tính làng xã, phố huyện.

Dec 11, 2014

Nguyễn Tuân: Văn chương của đứt đoạn

Năm 1941 ngoài Chiếc lư đồng mắt cua Nguyễn Tuân còn in Một chuyến đi viết về cái lần đi sang Hương Cảng cùng một nhóm người trong đó có Đàm Quang Thiện và Nguyễn Doãn Vượng; bộ “dầu lạc” thì chắc chắn Tàn đèn dầu lạc cũng in năm 1941 này nhưng còn Ngọn đèn dầu lạc thì sao? khó xác định, có nơi bảo in năm 1939 nhưng cũng khó tin, rất có thể nó cũng là của năm 1941 này, cái năm kỳ diệu (annus mirabilis) của Nguyễn Tuân, cũng là năm kỳ diệu của nền văn chương Việt Nam, vì cho đến thời điểm ấy, rốt cuộc đã xuất hiện một văn chương của sự đứt đoạn đúng nghĩa.

Dec 10, 2014

Patrick Modiano

Hai cửa sổ trổ vào quá khứ - nếu có tồn tại những cửa sổ như vậy - Patrick Modiano luôn luôn chọn cửa sổ hẹp hơn, tối hơn, và có ô kính nhiều vết rạn. Đó là một cái nhìn vào quá khứ rất không đơn giản, nó đòi hỏi những nỗ lực ghê gớm, những nỗ lực rất dài.

Trong Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier, cuốn tiểu thuyết mới nhất, Modiano, ở giọng kể của một nhà văn đã già, bỗng có một nhận xét: ta rất không nên đưa một người thân thiết vào tác phẩm của mình, vì khi làm vậy, giống như ta đưa người ấy đi qua một tấm gương, và rồi người ấy sẽ biến mất vĩnh viễn. Mối quan hệ giữa nhà văn và cuốn sách có lẽ giống mối quan hệ của một người với tấm gương soi: rất có thể một ngày, như cô bé Alice, ta bỗng nhận ra rằng tấm gương có thể hút ta vào; đằng sau tấm gương là một thế giới kỳ bí không thể thăm dò. Những gương kính trên cõi đời này, rất không nên đùa với chúng.

Nov 20, 2014

Nhặt những vụn vặt

Một tác phẩm nghệ thuật không thể không vị kỷ, nếu không vị kỷ nó sẽ không là tác phẩm nghệ thuật.

Nov 8, 2014

Marcel Proust - Thời gian tìm thấy lại (1)

Tập cuối Le Temps retrouvé của bộ Đi tìm thời gian đã mất. Ở các ấn bản gần đây, đoạn dưới đây hay được đặt ở cuối tập 6 trước đó, về Albertine biến mất.

Còn trước đây, đoạn này hay nằm ở đầu tập 7, Thời gian tìm thấy lại (Le Temps retrouvé)

Oct 18, 2014

Những đám mây sẽ còn ở lại

Tại sao văn chương Nguyễn Bình Phương khác biệt?

Độc giả chuyên nghiệp hay không chuyên dễ dàng quy văn chương Nguyễn Bình Phương vào một chữ “lạ” (hay ít thiện chí hơn thì “khó hiểu”) rồi yên tâm với cách sắp xếp xét cho cùng rất yên ổn như vậy. Nhưng hết cuốn tiểu thuyết này đến cuốn tiểu thuyết khác, văn chương ấy cứ cựa quậy không ngừng, giống những cặp rắn trở đi trở lại mãi kể từ tác phẩm rất sớm như Bả giời, lúc nào cũng đe dọa vùng thoát khỏi một cách nghĩ hợp lý này hay một nhận định hợp lý khác. Nó sẵn sàng đi vào những khoảng trống phi lý, như thể liên tục nhắc nhở người ta nhớ rằng quả thật có tồn tại những khoảng khuất, và văn chương thật ra chia làm hai nửa: một nửa nỗ lực miêu tả phía bên này của mặt trăng, nửa kia thì tìm cách lấn vào quãng tối tăm khó dò còn lại.

Oct 13, 2014

Ngô Thúc Địch: Điếu văn Nhượng Tống

Ngày 8/9/1949, Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân chết ở Hà Nội.

Hôm sau, đám tang Nhượng Tống được tổ chức.

Người đọc điếu văn là ông cử Ngô Thúc Địch, bài điếu văn như dưới đây.

-----------


Thưa các Cụ, các Bà, các Ông, nhân danh là một bạn đồng chí cũ của bạn Nhượng Tống, tôi xin thay mặt tang gia và các anh em đồng chí cảm tạ các ngài đã không quản khó nhọc, quá bộ đi đưa người bạn không may của chúng tôi đến nơi yên nghỉ cuối cùng này.

Sau nữa, xin phép các ngài cho tôi nói một lời với bạn Nhượng Tống trước khi vĩnh biệt.

Anh Nhượng Tống,

Oct 4, 2014

Đào Trinh Nhất viết báo

Trong Istanbul, Orhan Pamuk dành rất nhiều trang cho các nhà bỉnh bút chuyên về thành phố Istanbul, nhất là Ahmed Rasim. Các nhà bỉnh bút giữ mục (giữ cột - columnist, hay feuilletonniste) cứ ngày ngày, trong hàng chục năm, viết về đủ thứ trên đời, về những thứ họ nhìn thấy, đọc được hay nghĩ ra. Trong cuốn tiểu thuyết mới, Bảo tàng Ngây thơ của Pamuk cũng có một nhân vật bỉnh bút có biệt hiệu "Cẩm Chướng" gì đó. Các bỉnh bút báo chí, cái loài kỳ quặc ở thời điểm tồn tại, nhiều chục năm sau này ta mới thấy được giá trị của họ, khi mà khung cảnh chung mà họ sống ở trong không còn nữa, hình dung lại vô cùng khó nhọc. Nhất là ta đọc ra ý vị trong những câu chuyện họ kể và ngôn từ họ dùng.

Ở Việt Nam trước đây cũng từng có những nhà bỉnh bút như thế, trong đó Đào Trinh Nhất là một. Ngày nay phần lớn sách của Đào Trinh Nhất đã được in lại, nhưng cái ngòi bút gọn ghẽ và sự châm biếm nhẹ nhàng, bỡn cợt ấy phải tìm trong các bài báo. Đào Trinh Nhất sinh đúng vào năm 1900, con trai của Đào Nguyên Phổ nên dễ dàng có mối quan hệ với Đông Kinh Nghĩa Thục và Phan Chu Trinh, sau này có mười năm làm báo huy hoàng ở Nam Kỳ (1929-1939).

Dưới đây là mấy bài báo Đào Trinh Nhất đăng trong mục "Chuyện thị phi" của tờ Đuốc Nhà Nam, tờ báo tồn tại vào cuối thập niên 20 cho đến giữa thập niên 30. Bút danh của Đào Trinh Nhất cho mục này là Nam Chúc ("chúc" là đuốc, "nam" ý nói nước Nam). Đào Trinh Nhất nói đến vụ toàn quyền Pasquier bị rơi máy bay bỏ mạng đầu năm 1934 và gợi lại một lịch sử đi sứ của Việt Nam. Đặc biệt, Đào Trinh Nhất rất ghét Tàu; tác phẩm đầu tiên của Đào Trinh Nhất tên là Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ xuất bản rất sớm trong đời Đào Trinh Nhất, vào năm 1924; ông cũng đối chiếu kiểu khinh người của dân Tàu với chính sách bài Do Thái của nước Đức thời Hitler (gọi là Hách-lê). Bài báo thứ ba dùng để chế nhạo tờ Công luận, cụ thể hơn là chĩa mũi dùi vào Diệp Văn Kỳ, một nhà báo nổi tiếng thời ấy.

Phát hiện ra Đào Trinh Nhất từng đọc báo Je suis partout, tờ báo cực hữu với yếu nhân là Lucien Rebatet.

nguồn tư liệu: courtesy of THC


Oct 2, 2014

Phạm Quỳnh và Charles Maurras

Bàn về “ảnh hưởng” - bản thân “ảnh hưởng” đã là một khái niệm giàu tính chất bất định[1] - không bao giờ là chuyện đơn giản. Sự khó khăn dường như không nằm ở chỗ rất khó tìm ra các ảnh hưởng mà, thật nghịch lý, lại nằm ở chỗ có vẻ như các ảnh hưởng quá dễ thấy. Ta rất dễ yên tâm quá mức nhanh chóng với các nhận định theo kiểu thơ tượng trưng, siêu thực ảnh hưởng lên Bích Khê hay nhóm Xuân Thu Nhã Tập, Vũ Hoàng Chương chịu ảnh hưởng của Đường thi hay Hoài Thanh mang nhiều dấu vết của Jules Lemaître, vân vân và vân vân. Ta dễ nhận ra rằng, như Harold Bloom đã lập luận (nhưng là đối với các nhà thơ), ở nhà nghiên cứu hay có một “nỗi âu lo” tìm ra các ảnh hưởng mà đối tượng của họ có thể từng nhận lấy; xét cho cùng đây là “nỗi âu lo” hướng lối cho nhu cầu tìm đến một ý hướng ít nhiều nhất quán, một tính chất liên tục, một tính mục đích nào đó ngõ hầu giúp hình dung quá khứ của ta thoát khỏi hư vô và hỗn loạn; tuy nhiên, những chuyện đã xảy ra trong lịch sử hoàn toàn có thể không đơn giản như vậy, hoặc còn tệ hơn, hoàn toàn có thể không phức tạp như vậy. Trong khi đó, một vẻ hao hao về ý tưởng hay tinh thần chung chưa chắc đã thể hiện một sự tiếp nhận có thực (điều kiện căn bản để xảy ra ảnh hưởng đúng nghĩa), thậm chí nhiều khi công việc khảo cứu còn chưa chỉ ra được phía nhận ảnh hưởng trên thực tế có am hiểu và hướng tinh thần của mình theo phía gây ảnh hưởng hay không, và nhiều lúc có ngay sự “quy kết” về ảnh hưởng chỉ vì nhận ra một sự nhắc tên nào đó, trong khi ở các hoạt động trước tác và nghiên cứu, dẫu là văn chương hay chính trị, “name dropping” là một việc thường gặp và rất có thể không mang ý nghĩa gì quan trọng. Khi một nhà văn Việt Nam có đọc một tác giả nước ngoài nào đó thì việc bàn đến ảnh hưởng và mức độ của ảnh hưởng ấy cũng vẫn quá khó; chưa kể nhà văn hoàn toàn có thể “nhào nặn ký ức” để tạo ấn tưởng về những ảnh hưởng tưởng tượng. Kể cả nếu một nhà văn hay bàn về một tác giả nước ngoài, thì vẫn có nhiều khả năng không hề có ảnh hưởng đích thực, mà lắm khi công việc nhất thời có thể buộc nhà văn phải có bài viết về một đề tài nào đó hoặc một tác giả nào đó. Lại có khả năng sự ảnh hưởng chỉ xuất hiện ở một hoặc một vài phương diện nhỏ bé, tùy theo sở đọc và cách tiếp cận của nơi nhận ảnh hưởng. Hoặc nữa: chủ thể chịu ảnh hưởng hiểu nguồn ảnh hưởng đến mức độ nào? Nghiên cứu ảnh hưởng hẳn không phải là bất khả thi, nhưng cần hết sức thận trọng, và ngay cả khi thận trọng vẫn có thể không dẫn đến đâu. Bài viết dưới đây không nhằm chứng minh về một ảnh hưởng từ Charles Maurras lên Phạm Quỳnh, mà cố gắng chỉ ra Phạm Quỳnh từng bàn đến tư tưởng của Charles Maurras, ít nhất là không dừng ở mức chỉ nhắc đến tên theo lối thoáng qua, tức là khác với bình luận của một số nhà nghiên cứu trước đây; như các đoạn sau sẽ chỉ rõ, Phạm Quỳnh đã thực sự nghiên cứu Charles Maurras, và vấn đề này dường như không được quan tâm mấy trong các nghiên cứu về Phạm Quỳnh cho tới nay, mặc dù đây là tác giả quan trọng trong tư duy quốc gia chủ nghĩa và thuyết bảo hoàng, quân chủ hay tôn quân, là những thứ gắn kết với Phạm Quỳnh nhà chính trị.

Oct 1, 2014

Phan Khôi và Đào Trinh Nhất: hai “cách tồn tại” trong báo chí văn chương Việt Nam trước 1945

Báo chí Việt Nam đã lớn mạnh vượt bậc ở giai đoạn sung sức nhất của Phan Khôi và Đào Trinh Nhất (với Phan Khôi có thể coi là đoạn từ 1928 đến 1933 còn với Đào Trinh Nhất là lúc ông từ Pháp trở về rồi bắt đầu ở hẳn Sài Gòn cộng tác với nhiều tờ báo, nghĩa là từ 1929 cho đến mấy năm sau đó - ta có thể thấy họ đạt tới độ chín của năng lực làm báo vào cùng một khoảng thời gian; điều này có ý nghĩa rất lớn vì chính ở giai đoạn này Phan Khôi và Đào Trinh Nhất đã cùng nhau giúp tờ Phụ nữ tân văn khiến cho nó nhanh chóng trở thành tờ báo quan trọng bậc nhất Việt Nam). Nó đóng vai trò rất lớn trong quá trình đào luyện chữ Quốc ngữ, đấu tranh xã hội, xiển dương, đấu tranh và tạo môi trường ấn hành cho tiểu thuyết và Thơ Mới. Báo chí thực sự trở thành một trung tâm thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, và không đáng ngạc nhiên lắm khi báo chí dần dà trở thành một thế lực đáng kể[1]. Các nhà báo quan trọng của thời ấy (nếu chỉ tính riêng khu vực Nam Kỳ thì nổi bật “tứ đại làng báo”: Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ, những người làm sôi động làng báo Việt Nam với sự điều hành cũng như những bài viết trên các tờ báo như Đông Pháp, Thần chung, Trung lập, Phụ nữ tân văn); họ được quan tâm và chờ đón hết sức, đến mức tờ Trung lập từng phải vội vã công khai thanh minh rằng lời đồn Phan Khôi không còn cộng tác với mình là sai, vì bài viết Phan Khôi rất được độc giả đón đợi, lời đồn đại ông không còn viết cho Trung lập nữa rất có thể làm sụt giảm doanh số bán báo[2].

Sep 30, 2014

Sách tháng Tám 2014

- Heinrich Böll, Nàng Anna xanh xao và nhiều truyện ngắn khác, Phạm Hải Hồ tuyển chọn và dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 235tr., 60.000đ

Nước Đức đã sản sinh ra những nhà văn kiệt xuất trong quãng Thế chiến thứ nhất (1914-1918) như Ernst Jünger hay Erich Maria Remarque. Thế chiến thứ hai khủng khiếp với lãnh tụ Hitler là giai đoạn nghèo nàn đặc biệt của văn chương Đức; đã không thể sánh được với những giai đoạn rực rỡ trước đó, văn học Đức Thế chiến thứ hai càng không thể so sánh được với thời Thế chiến thứ nhất. Nhưng Heinrich Böll đã xuất hiện, làm thay đổi mọi thứ. Độc giả Việt Nam trước đây từng biết đến ông với các tiểu thuyết như Lạc lối về, Chuyến viễn hành trong đêm hay câu chuyện về anh hề, câu chuyện về Katharina Blum. Nhưng Heinrich Böll xuất sắc hơn cả trong lĩnh vực truyện ngắn. Tập Nàng Anna xanh xao này là một minh chứng cho một ngòi bút vô cùng đặc biệt về thời hậu chiến của nước Đức thua cuộc buồn bã. Cuộc sống hậu chiến ấy được Böll chiếu rọi vào một cái nhìn tinh tế đến cùng cực, nhặt từ trong đó ra những chi tiết đắt giá và thổi vào một tinh thần chưa bao giờ có. Chưa nhà văn nào viết hay như Heinrich Böll về người lính trở về sau chiến tranh.


Sep 29, 2014

Mười ngày: Lời đầu

Bản dịch Mười ngày mới đây của Hồ Thiệu (tôi lại hết sức khuyến khích các bác đọc đi, thêm một lần nữa :p) tuy là bản dịch đầy đủ tác phẩm Il Decameron nhưng lại thiếu mất "Vie de Boccace" giới thiệu tiểu sử của Boccaccio do chính dịch giả Sabatier de Castres viết, và "Lời đầu" chung cho cả cuốn sách. Thế nên dưới đây tôi dịch phần "Lời đầu" này để bổ sung.


Lời đầu


Phải an ủi những ai sầu muộn: đó là một cái luật của loài người; bất kỳ người nào cũng phải biết cảm thông, nhất là những ai từng cần đến lòng cảm thông và đã được hưởng những êm ái của nó. Từng có một người biết rõ ân sủng đó, ấy là tôi. Khi còn rất trẻ, tôi đem lòng yêu thiết tha một phụ nữ vô cùng cao quý, dòng dõi xuất chúng, có lẽ hơi quá xuất chúng so với hạng người thấp kém như tôi; dẫu có thế nào, những con người kín đáo được tôi gửi gắm tâm sự về nỗi đam mê đã không hề chê trách mà ca ngợi tình cảm của tôi hết lời, càng coi trọng tôi hơn; thế nhưng tôi bị giày vò mãnh liệt, không phải vì quý bà ấy ác độc với tôi, mà bởi ngọn lửa ngùn ngụt trong tôi gây nên những nồng nàn không thể dập tắt: không thể thỏa mãn chúng vì chúng lớn quá, tôi phải gánh chịu những đau đớn kinh người. Hẳn tôi đã chết vì thế nếu không có những an ủi của một người bạn, anh đã giải khuây cho tôi bằng cách kể những câu chuyện thú vị và dễ chịu.

Sep 20, 2014

Mười ngày - Boccaccio

Đúng như tôi đã nghĩ, Mười ngày của Giovanni Boccaccio chẳng thấy tăm hơi đâu trên báo chí Việt Nam.

Báo chí văn hóa Việt Nam, tính riêng mảng sách (tất nhiên không chỉ mảng này nhưng thôi) nhảm nhí ở chỗ gần như không hiểu được hiện trạng phát triển của xuất bản sách tại Việt Nam và liên tục thể hiện những quan điểm tụt hậu, xấu xí, ấu trĩ. Lại thêm thói bè đảng, cánh hẩu, thể hiện đậm đà hơn cả chính ở tờ báo lớn hơn cả, là tờ Tuổi trẻ. Khỏi cần nói là sự yêu ghét cá nhân này người kia nọ làm cho báo chí thiên lệch méo mó hẳn, vì điều đó quá rõ rồi. Tuổi trẻ có một số đối tượng được nâng niu, kể cả khi những đối tượng ấy không hề đóng góp chút nào cho sự phát triển của công cuộc sách vở Việt Nam, và tất nhiên ngược lại, những đóng góp đích thực thì bị lờ đi. Sự yêu ghét cảm tính ngu xuẩn ấy sẽ còn làm nhiều thứ bé tí nhỏ mọn đi nhiều lắm.

Thôi chẳng nói nữa, vì đã quá chán, thích chui xuống hố thì cứ tự nhiên mà chui thôi :p

Sep 18, 2014

Tác phẩm đầu tay của Vũ Trọng Phụng

Hơi khó ngờ vì tác phẩm đầu tay của Vũ Trọng Phụng lại là thơ.

Nhưng cũng không hẳn khó ngờ, vì nhà văn vẫn thường khởi đầu bằng (ít nhất là mấy bài) thơ.

Thông tin dựa thêm vào ở đây.


Sep 11, 2014

Nhân Đèn cù, Bên thắng cuộc và etc: Huyền thoại "sự thật Bắc Việt"

Chuyện đã từ lâu lắm rồi. Năm xưa, Xuân Vũ vào Nam (đi B) rồi bỏ chạy sang phía bên kia. Rồi cuốn sách Đường đi không đến được giải thưởng văn chương của Việt Nam Cộng Hòa. Xuân Vũ với Đường đi không đến, Xương trắng Trường Sơn, rồi Kim Nhật và etc etc.

"Sự thật Bắc Việt" trở thành một món hàng nóng, rất ăn khách. Nó trở thành một huyền thoại, một nhu cầu khôn nguôi. Chưa nói đến gì khác (và tất nhiên ở chiều ngược lại, "sự thật về cuộc sống đồi trụy ở Sài Gòn" cũng ghê gớm chẳng kém), hẵng cứ nhìn nhận đơn giản như vậy đã.

Sep 8, 2014

Bonjour tristesse: bản dịch tiếng Việt (có lẽ là) thứ sáu

Như hôm trước đã đưa tin :p Bonjour tristresse của Françoise Sagan thu hút giới dịch thuật Việt Nam đến nỗi đã sắp có bản dịch thứ sáu, hơn nửa thế kỷ sau bản dịch (có lẽ là) đầu tiên của Nguyễn Vỹ dưới bút danh Cô Diệu Huyền đăng nhiều kỳ trên những số đầu của tạp chí Phổ thông.


Bản dịch mới này của Lê Ngọc Mai.

Sep 7, 2014

Saigon-Hanoi

Hai nơi ấy không chỉ khác nhau về cách gọi các thứ quả (à quên trái cây) (“roi” và “mận”) hay các thứ lá (“bạc hà” và “dọc mùng”). Mà hai nơi ấy còn không nhất trí trong cách gọi một đối tượng trừu tượng hơn.

“Thương” không phải là “yêu” nhưng mà “thương” lại là “yêu”.

Sep 4, 2014

Thi thoại Việt Nam

Trái ngược với lời khẳng định của một nhà phê bình văn học nào đó, Việt Nam, dù xét dưới khía cạnh nào, chưa từng có "truyền thống thi thoại", kể cả và nhất là giai đoạn trước 1945. Lịch sử văn chương Việt Nam gồm một khối lượng thơ khổng lồ, nhưng nếu muốn đọc thi thoại thì người ta đọc thi thoại Tàu. Muốn học làm thơ, phép tắc các thứ thì học Tàu, muốn đọc thi thoại thì đọc Tàu luôn cho tiện, có lẽ đấy mới là nét tâm lý chủ yếu của văn nhân Việt Nam thuở xưa.

Giờ đây khi sự nghiệp trước tác của Phan Khôi đã gần trở (lại) thành một bức tranh toàn vẹn, ta cần phải khẳng định vai trò đặc biệt lớn của Phan Khôi trong riêng mảng "thi thoại".

Sep 1, 2014

Những câu chuyện rất là khác


Không chỉ văn chương thường xuyên phải nằm ở những đoạn khác, đến cả lịch sử, cái thứ tưởng chừng đâu "khách quan" và "công bằng", lại cũng như vậy luôn.

Lịch sử nên là một chốn "thanh hoa" (xem thêm ở đây và ở đây :p), nhưng tôi thấy lịch sử giống một cái bể phốt hơn

.

Aug 30, 2014

Lửa Thiêng: Một kinh nghiệm đọc thơ (mới)

“Lửa. - Lửa là vật chất hân hoan, biến thành một niềm tín mộ. Phải chăng lửa là nơi vật chất và tinh thần phân tranh, là nơi đất đá vô tri vì một niềm phấn khởi đã được có linh hồn? Lửa: đó là kinh cầu tự của toàn Vũ trụ từ buổi sơ khai đến ngày tận thế.”
(Huy Cận - Kinh cầu tự)


Các nhà nghiên cứu Lửa Thiêng trước đây đã khám phá được quá nhiều điều giống nhau. Nhưng văn chương dường như nằm ở chỗ khác chứ không phải chỗ giống. Những điều đã được phát hiện lại luôn luôn quá đúng (nên mới được đồng thuận cao như vậy). Nhưng thơ ca có vẻ chẳng mấy khi nằm ở các khoảng tuyệt đối đúng. Vốn dĩ đặc trưng của thơ là độ hàm súc ngôn từ khiến cho mọi phát ngôn của thơ (hay) đều là chân lý, nên phê bình thơ nhằm đến các phát ngôn chân lý đơn thuần là một tautology nhàm chán.

Aug 29, 2014

Huy Cận: Lửa Thiêng

Huy Cận: Lửa thiêng 1940 và Kinh cầu tự 1942:




Trước 1945, tiểu thuyết gia lớn là ai? là Khái Hưng (chứ không phải Vũ Trọng Phụng).

Còn nhà thơ lớn là ai? là Huy Cận.



[tiện bút] Những ngôi nhà ấy đã

Những ngôi nhà ấy đã còn, nhưng những ngôi nhà ấy cũng đã mất.

Năm lên năm tuổi, lúc nào tôi cũng thường trực nỗi thúc giục cấp kíp là nằm trên giường úp mặt vào vách; vách đất trộn trấu, dứt dứt đầu mẩu trấu và lấy đầu ngón tay miết rồi chọc vào đất, lẽ dĩ nhiên tôi chỉ mường tượng êm ả ngái ngủ về một cảm giác đê mê đần độn chứ không nuôi dưỡng chút khoái thú nào về phá hoại.

Aug 19, 2014

a và b và c về me tây - trịnh hữu tuệ

Bài của Trịnh Hữu Tuệ về "me Tây", mà bản chí coi là một dẫn nhập vào cái thế giới đã được bay bướm hình tượng hóa từ cách đây rất lâu bằng cụm từ "thế là mợ nó đi Tây".

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, tuy nhiên bản chí chia sẻ không ít với các ý kiến ở trong đó.

Bài viết cũng sử dụng lối trình bày rất cá nhân; về mặt này, bản chí xin phép không nói rõ mình có đồng tình hay không.


a và b và c về me tây

trịnh hữu tuệ


Aug 15, 2014

Bonjour tristesse: bản dịch tiếng Việt thứ năm

Tôi mới tìm ra một bản dịch tiếng Việt nữa của Bonjour tristesse của F. Sagan:


Bản dịch của Sài Gòn trước 1975, dịch giả là Nguyễn Thạch Kiên, tuy ghi "phóng tác" nhưng dịch sát. Cuốn sách này gồm Bonjour tristesse (nhan đề được dịch thành Buồn ơi xa vắng) và bản dịch một tác phẩm của Stefan Zweig.

Aug 9, 2014

Sách tháng Sáu và tháng Bảy 2014

Kẽo kẹt mãi rồi cũng tới được điểm chót của nửa tháng Bảy âm.

- Mọi thứ, trong cơn ảm đạm này, vẫn nên được bắt đầu một cách tươi sáng :p thế cho nên đầu tiên sẽ là cuốn sách tuyệt vời này:


Từng có một ít về Beatrix Potter ở đây.

Aug 3, 2014

[tiện bút] Hà Nội và những cơn mưa

Hồi tôi còn đi học (hehe) từng có một câu chuyện rất rùng rợn: bọn bạn tôi đồn đại về một trang thiếu hiệp thích dầm mình dưới mưa để tìm cảm giác, có thể cả cảm hứng nữa, và dĩ nhiên thường bị cảm lạnh.

Hòa chung vào với tinh thần của cái tuổi mọi thứ lông mới bắt đầu dàn trải đều trên các dạng địa hình khác nhau, tôi khi ấy đã cười hô hố vào trang thiếu hiệp đó.

Cười mà lòng đau xót ghen tị nghĩ rằng thằng cha ấy dám để người khác biết chuyện điên rồ của nó, còn mình thì phải phải cười hô hố mà lòng đầy đau xót như thế này.

Mà trang thiếu hiệp ấy đích thị một phần cũng là tôi.

Hà Nội còn lại gì nữa nếu không có những cơn mưa.

Xác phàm - Nguyễn Đình Tú

Đi mua sách đọc, thấy có Xác phàm của Nguyễn Đình Tú, tuy rất hãi các thể loại tiểu thuyết Việt Nam có những cái tít như thế (điển hình là Hoang tâm, tác phẩm ngay trước của chính Nguyễn Đình Tú - tức là đi vào hệ thống rồi nhá), nhưng vì nhiều thứ, trong đó có quyết tâm sắt đá thúc đẩy sự phát triển của ngành phát hành sách đất nước (mình có tiền nên mình có quyền mua sách, các bác đừng ngăn cản hehe) mình vẫn mua về đọc.

Nhân vật trong í tên là Nam và Việt, hai anh sang Thái để anh Nam làm phẫu thuật chuyển giới tính, nôm na là lắp lỗ.

Trong khi phẫu thuật thì bác sĩ Tha người Thái (chắc lấy cảm hứng từ anh Thặc xỉn) phải bật bài hát của Trịnh Công Sơn cho anh chuyển giới "mộng mị tái sinh" nghe, nếu không anh í không chịu cho lắp lỗ.

Mình có một tình cảm rất là ấy với Lưu Quang Vũ, nhưng mình công nhận Lưu Quang Vũ ấy mà, lắm lúc ông ấy cực tiên tri, cực Cassandra:

"Người ta còn làm gì người nữa Việt Nam ơi"

Jul 31, 2014

Văn chương ấy mà

Đến tiểu thuyết Ba ngôi của người, nhà văn Nguyễn Việt Hà đã chính thức làm được một chuyện:

Khẳng định sự cáo chung tệ hại của văn chương làm ra bởi các nhà văn Việt Nam sinh ra trong thập niên 60 của thế kỷ XX. Không phải tất cả các nhà văn thế hệ những năm 60, nhưng là tuyệt đại đa số. Thêm một thế hệ nữa đã nản chí, thêm một thế hệ nữa đã xác nhận văn chương là chuyện quá khó. Thật ra cũng đâu phải chuyện lạ, vì thế hệ trước họ cũng từa tựa vậy thôi.

Tôi sẽ không nói quá sâu vào "chuyên môn", tức là cấu trúc của truyện, câu từ, ngôn ngữ vân vân, mặc dù tôi biết, Nguyễn Việt Hà rất ưa "áp dụng" những cấu trúc lạ mà anh nghĩ là tiên tiến vào tác phẩm của mình. Đây là một điểm son, và nó dễ dàng đến đáng kinh ngạc: thủ pháp "truyện trong truyện" (mise en abîme) mà bọn phê bình có chút học hành đơn sơ như tôi phải bỏ ra rất nhiều năm mới tạm gọi là nắm được, thì anh giản dị cho nó vào Khải huyền muộn. Đó là một tiểu thuyết không xuất sắc, nhưng cũng không tệ, quyển thứ hai như vậy thì hoàn toàn chấp nhận được. Ngay quyển thứ ba này, Ba ngôi của người, với rất nhiều độc giả, vẫn là một tác phẩm hay. Tôi chẳng quan tâm đến độ hay dở nữa, giờ đây sự nghiệp văn chương của Nguyễn Việt Hà đã đầy đặn rồi, ta chuyển qua nói những chuyện khác.

Mà cũng nên nói chuyện hơi khác đi chút, vì với tôi, ở Nguyễn Việt Hà, văn chương cũng chỉ là một chuyện tương đối phụ và nông nổi đáng chán. Nguyễn Việt Hà cũng không phải người thẩm văn tốt, nên nói ba cái chuyện kỹ thuật viết văn sẽ gây cảm giác mông lung hời hợt trộn lẫn với vờ vịt sâu sắc. Chán đéo chịu được, nhỉ (trong Ba ngôi của người, từ "đéo" xuất hiện ba lần và từ "mặt l…" xuất hiện một lần, không dám hẳn thành "mặt lồn").

Jul 24, 2014

Văn học miền Nam: Một số "tác giả lẻ"

Họ là những người không có rất nhiều tác phẩm, và rất thường xuyên họ ngồi ở toa đầu tiên trong đoàn tàu đi tới sự lãng quên.


Jul 17, 2014

Cioran: Giã biệt triết học

Tôi ngoảnh lưng lại triết học khi thấy mình không còn tìm nổi ở Kant chút yếu đuối con người, chút dấu ấn thực nào của nỗi buồn; ở Kant cũng như ở mọi triết gia khác. Về âm nhạc, về sự thần bí và về thơ ca, hoạt động triết học biểu lộ hào hứng sụt giảm và chiều sâu đáng ngờ, duy chỉ còn hào quang đối với những kẻ nhút nhát và những kẻ nhạt nhẽo. Vả lại, triết học - nỗi lo âu vô nhân xưng, chốn trú ngụ cận kề những tư tưởng thiếu máu - là món cậy nhờ của tất cả những kẻ đào thoát sự sum suê bại hoại của cuộc đời. Gần như mọi triết gia rốt cuộc đều ổn thỏa: đây chính là lập luận tối cao chống lại triết học. Bản thân kết cục của đời Socrate chẳng có gì là bi kịch: đây chỉ là một nhầm lẫn, cái kết của một nhà giảng dạy - và Nietzsche chìm khẳm là ở trong tư cách nhà thơ và nhà thấu thị: ông chuộc tội cho những phấn hứng của mình, chứ không phải cho các suy luận.

Jul 11, 2014

Nathaniel Hawthorne ở Việt Nam

Một nhà văn cổ điển và tình hình dịch thuật ở cả miền Nam trước 1975 rồi sau này.



Jul 9, 2014

Từ Pan thành sói

Bài viết dưới đây về Sói thảo nguyên là của một cộng tác viên :p

Lâu lâu rồi nhắc lại về một cuốn sách ra đã lâu lâu kể cũng hay.

(bài viết có chút biên tập theo ý của chủ blog :p)


Từ Pan thành sói
Tabby Chino


Hesse từng tuyên bố Steppenwolf là cuốn sách bị hiểu lầm nhiều nhất bởi độc giả của ông. Khi tìm hiểu về cuốn sách, hoàn cảnh ra đời của nó và ý kiến của các nhà phê bình, bản thân tôi thấy thế giới này đang cố gắng một cách khá vô vọng để phân tích Steppenwolf, phân tích Hesse, cố mang lại cho tác phẩm này một ý nghĩa và kết cục mà họ mong chờ và có thể hiểu được. Tôi đổ lỗi cho họ đã quá khắt khe và định kiến với Hesse.

Jul 6, 2014

Văn học miền Nam: Nguyễn Mộng Giác

Sau năm 1965, hình như văn chương miền Nam có thêm một năm 1973 bùng phát.

Tập truyện ngắn Bão rớt này của Nguyễn Mộng Giác in vào năm 1973 ấy:


Jul 3, 2014

Phê bình văn học Việt Nam trước 1945: lãng quên và tàn dư

Thời "tiền chiến" của văn chương Việt Nam, người ta thường cho đó là một giai đoạn rực rỡ, là cách mạng, là đỉnh cao. Nhưng với tôi, thời tiền chiến ấy là ngọn nguồn cho rất nhiều lãng quên, hiểu nhầm, và người ta luôn luôn có xu hướng nhìn nó rất méo mó.

Như trong lĩnh vực phê bình văn học: ngày nay Hoài Thanh cứ trở thành một khuôn mặt độc tôn một cách hết sức đáng ngờ. Rồi người hiểu biết hơn sẽ nói còn có Vũ Ngọc Phan, rồi Thiếu Sơn, vân vân.

Nhưng đâu phải là như vậy.

Ví dụ, Hoàng Ngọc Phách có thể như thế này, những thứ sau này rất ít người còn nhớ:


Thế cho nên, trong bài này, tôi sẽ "kể lại câu chuyện phê bình văn học Việt Nam trước 1945" thông qua một số nhân vật. Chỉ cần xem qua một cách thực sự nghiêm túc là biết, Hoài Thanh không thể là khuôn mặt độc tôn. Thậm chí, Hoài Thanh còn là một nhà phê bình thuộc "chiếu dưới", nếu như trong văn chương nói chung và phê bình văn học nói riêng có chiếu cói hay chiếu tatami.

Jul 2, 2014

Pierre Teilhard de Chardin ở Việt Nam

Teihard de Chardin: bản dịch cũ của Sài Gòn (Phạm Văn Kha, 1971) chỉ gồm một phần tác phẩm vừa được nhà xuất bản Tri Thức dịch đầy đủ và ấn hành:


Sách liên quan đến Công giáo thật ra không dễ tìm hiểu, vì đó là một "ngạch" riêng.

Đã có nhiều tác phẩm của Teilhard de Chardin được dịch sang tiếng Việt, có thể nói rằng mọi cuốn sách quan trọng của nhà tư tưởng độc đáo này đều đã được dịch.

Jun 30, 2014

[tiện bút] Phụ nữ cứng và mềm, và phụ nữ sai lầm

Cứng và mềm

Không có phụ nữ xấu - điều này là chân lý, cùng dạng với cái chân lý nói rằng trái đất đứng im vào thuở xa xưa rồi sau này lại bảo nó quay tít - nhưng dẫu sao toàn thể đàn ông vẫn thầm mong muốn người phụ nữ của mình nên mềm đúng nơi và cứng đừng sai chỗ. Một bờ môi mềm mại lẽ dĩ nhiên không mang lại điều tương đương cảm giác hơi ớn lạnh khi tưởng như ta đang áp miệng vào một đoạn săm xe đạp Sao Vàng, nhưng bụng và mông mà hơi cứng và có độ nhún hợp lý thì lại tuyệt vời, và cầu mong sao một ngày đẹp trời ta không phải bàng hoàng phát hiện ở một vùng hiểm trở khó nói cô ấy lại có một cấu tạo xương sao đó khiến ta liên tục bị đau đến toát mồ hôi mà không dám mở mồm kêu la than vãn.

Jun 28, 2014

Trương Tửu

Dần dà, Trương Tửu đã "lộ diện" trở lại.

Thời kỳ đầu của Trương Tửu, trong tư cách tiểu thuyết gia:


- Khi chiếc yếm rơi xuống, Minh Phương, 1939
- Trái tim nổi loạn, Văn Thanh, 1940
- Một chiến sĩ, Minh Phương, 1938

Nam Cao

Sống mòn, câu chuyện rất nhiều liên quan đến Chí Phèo, có một số phận bản thảo và xuất bản hết sức đặc biệt.

Bản bên trái là bản in lần thứ tư, 1976, còn bản bên phải là bản đầu tiên, hai mươi năm trước đó, 1956. Tuy nhiên, Nam Cao đã viết xong Sống mòn từ 1944.

1956 không phải là một niên đại gì quá ghê gớm, nhưng bản Văn Nghệ 1956 này thực sự, thực sự hiếm, rất ít khi gặp.


Sau nhiều tìm hiểu, tôi thấy cái chết của Nam Cao vào năm 1951 rất đáng ngờ.

Jun 23, 2014

[tiện bút] Costa Rica đá bóng, và tinh thần tự do

Hòa chung với tinh thần lè phè của đàn ông Việt Nam tay cầm chai bia ngồi thủng thỉnh trước ti vi hét "vào vào" và chửi "mẹ thế mà cũng không sút nổi", tôi đã xem được hai trận đấu ở World Cup lần này, là trận Columbia-Hy Lạp và trận Ý-Costa Rica.

Còn thêm một trận nữa xem vì được à quên bị rủ, trận Đức-Bồ Đào Nha, lần ấy xem có nhiều người tôi mới bần thần nhận ra, cũng như trong "giới" của tôi, nhiều người không biết viết văn nhưng vẫn mỗi năm ra một cuốn tiểu thuyết, nhiều người không biết đọc nhưng bình luận rất rôm rả về tác giả này cuốn sách kia, mấy ông xem cùng tôi chẳng bao giờ đá bóng nhưng bình luận thì chuyên nghiệp hơn cả anh Vũ Quang Huy lẫn anh Tạ Biên Cương cộng lại.

Vũ Trọng Phụng trong lịch sử văn chương Việt Nam: một số nhìn nhận mới

“… trong văn chương tiền chiến khuôn mặt thời đại không phải chỉ có trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, nó có mặt trong rất nhiều tác phẩm của nhiều tác giả, nhưng nó kết tinh, nó điển hình nhất trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, nó điển hình đến độ vượt thoát ra khỏi chính thời đại nó…”
(Dương Nghiễm Mậu)



Người ta hay nghĩ, theo định kiến, rằng khi đã có nhiều thời gian, có “độ lùi thích hợp”, mọi thứ sẽ được nhìn nhận chính xác và thấu đáo hơn, ta có thể hiểu sâu sắc hơn nhiều đối tượng; nhưng điều đó sai, hay ít nhất là không luôn luôn đúng. Kể từ “cột mốc” bài viết của Lê Tràng Kiều, “Vũ Trọng Phụng, một trong những người mở đầu cho nghề phóng sự ở nước ta”[1], gần 80 năm qua những công trình nghiên cứu, bình luận về Vũ Trọng Phụng và tác phẩm của ông đã tích tụ lại khổng lồ, trong đó ta đếm được tên tuổi của hầu như mọi nhà phê bình tên tuổi đã làm nên lịch sử phê bình văn học Việt Nam. Khối công trình ấy, rất nghịch lý, càng làm nổi lên một vấn đề: Vũ Trọng Phụng và tác phẩm của ông rất khó nắm bắt, càng đọc thêm những bình luận về ông càng như thể thấy mông lung hơn một hiện tượng văn học. Kiều là “đá thử vàng phê bình” của rất nhiều thế hệ thì Vũ Trọng Phụng và tác phẩm của ông cũng là một đá thử vàng khác của những thế hệ hoặc tiếp sau hoặc đồng thời, nơi giới thiệu, trình bày và triển khai của rất nhiều ý tưởng, cách tiếp cận, bút pháp và lý thuyết. Càng chất thêm sự diễn giải vào giữa, càng tăng độ mờ giữa đôi mắt chúng ta và đối tượng cần khảo sát.

Jun 17, 2014

Sách tháng Năm 2014

- Cuốn sách của tháng: Nghĩa địa Praha (Umberto Eco, Lê Thúy Hiền dịch)

- Thông báo nhanh:

Bộ manga Itto - Sóng gió cầu trường (thời Itto học cấp ba) đã được nhà Kim Đồng ra trọn bộ 26 tập. Đây là hình ảnh:


Jun 8, 2014

[tiện bút] thời điểm nào cũng thiếu rỗng hoang vu

Cho em xin một chiều vui thứ Bảy
Có nhạc phòng trà có lá me bay


May 31, 2014

Chu Giang Nguyễn Văn Lưu và huynh đệ bằng hữu

Dưới đây chỉ có hình ảnh, không có bình luận.

Nguồn gốc: đồng nát (lưu ý: trong Nam hay gọi là ve chai).

Đà Linh Nguyễn Đức Hùng:


về anh Nguyễn Đức Hùng

May 29, 2014

Umberto Eco: Nghĩa địa Praha

Umberto Eco đưa các nhân vật có thực vào một câu chuyện, chỉ "hư cấu" rất ít ở phương diện nhân vật. Thế cho nên, không khó đoán khi Alexandre Dumas xuất hiện rất sớm, dĩ nhiên cũng với tư cách một nhân vật. Dumas từng đưa Colbert, Turgot (à có Turgot không nhỉ, tôi không nhớ lắm), Richelieu vân vân và vân vân vào tiểu thuyết của mình, thì bây giờ đến lượt Dumas bị Eco vẽ cho một bức chân dung giễu cợt nhẹ nhàng, gã lai đen to lớn trên con tàu Emma phi đến hỗ trợ người anh hùng hớn hở Garibaldi trong cuộc chiến đấu giành độc lập cho nước Ý. Cũng không lạ khi để tạo ra màn "nghĩa địa Praha" trung tâm của toàn bộ cuốn tiểu thuyết, Eco đã sử dụng lại mô hình của Joseph Balsamo.

Bộ Joseph Balsamo tiếng Việt bốn tập này từng là một mối tình nồng cháy của tôi hồi nhỏ. Những huyền hoặc, bí hiểm, mê đắm, âm mưu, tôi học được phần nhiều từ đó.

Thế cho nên, bởi vì lịch sử văn chương được tiếp tục một cách xuất chúng bởi những con người như Umberto Eco, ngày nay Alexandre Dumas chứ không phải tiểu thuyết gia Victor Hugo mới là "dòng chính của quá khứ".

May 21, 2014

Những mối quan hệ nguy hiểm, Laclos (phần 1)

[thư I-thưXXIV]


NHỮNG MỐI QUAN HỆ NGUY HIỂM

hay

Những Bức Thư
được tuyển lục trong một xã hội
và xuất bản để huấn thị cho vài xã hội khác


“Tôi đã thấy phong hóa của thời đại tôi, và tôi đã xuất bản những bức thư này.*
J.-J. ROUSSEAU
(Lời tựa cho Nàng Héloïse mới)

* Theo bản dịch Juyli hay Nàng Êlôidơ mới của Hướng Minh, NXB Văn học, 1981.

May 17, 2014

[tiện bút] Sáng Chủ nhật thời bình đưa hai con trai đi cắt tóc nhớ đến mấy câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn


Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ
Ba nghìn thế giới cũng chưa to
(Nguyễn Bắc Sơn)


Thời tiết Hà Nội tệ hại thật, đợi mãi đến gần giữa tháng Năm mới có một Chủ nhật nắng đẹp (tức là Chủ nhật tuần trước) để đưa hai ông con trai đi cắt tóc.

Cô thợ cắt tóc ở tiệm là mẹ một đứa bé gái học cùng trường với con trai cả của tôi, cùng khóa luôn nhưng khác lớp; bao nhiêu buổi sáng buổi chiều đi đưa đón con cô ấy và tôi giáp mặt nhau, cũng đã nhiều lần thằng lớn của tôi đến đây cắt tóc nhưng cô ấy và tôi bao giờ cũng chỉ gật đầu chào nhau từ xa, có nói chuyện thì cũng chỉ tối thiểu nói muốn cắt tóc như thế nào (bản thân con trai tôi tuyệt đối chỉ cho cắt bằng kéo, không bao giờ cho tondeuse chạm vào đầu, mà tự nó nghĩ ra thế, công nhận, riêng khoản này thì phải nói là nó có gu sớm).


May 15, 2014

[tiện bút] Trai (gái) nước Nam làm gì

Tôi sinh vào quãng thời gian nền hòa bình mà Việt Nam vừa có được mong manh lại bị đe dọa. Sau này mẹ tôi kể, thời ấy, vì sau khi ra trường bị điều ngay đi dạy học ở một nơi chỉ cách biên giới phía Bắc vài chục cây số, lúc nào mẹ tôi và những người xung quanh cũng chuẩn bị sẵn tinh thần bỏ chạy, mà nếu bỏ chạy thì hành lý cũng sẽ chỉ là những đứa trẻ con, vì thật ra chẳng ai có chút của cải nào.

May 13, 2014

Sách tháng Tư 2014

Như lần trước tôi đã nói, Hội sách Sài Gòn là một cơn lũ sách mới. Phải chụp quả ảnh kiểu này để miêu tả chút chút những gì chúng ta đang phải đối mặt :p


(mà đây là vẫn còn thiếu khoảng gần chục quyển nữa, đang đọc dở vứt lung tung ngại tìm)

May 10, 2014

Hoàng Cầm và Kiều Loan

Từ nay, 5/5 sẽ là một ngày đáng nhớ, nhưng 6/5 cũng là một ngày rất đáng nhớ, tôi còn rất nhớ ngày 6/5 cách đây bốn năm, vì nhiều sự kiện chỉ liên quan đến tôi, và cả vì ngày hôm đó, Hoàng Cầm qua đời.

Về cơ bản, cách nhìn nhận của tôi đối với các nhân vật của Nhân Văn-Giai Phẩm là: chỉ Trần Dần và Hoàng Cầm không cần Nhân Văn-Giai Phẩm vẫn là nhà thơ lớn, và hai con người ấy, một cứng một mềm, một sừng sững im lặng một linh hoạt ảo diệu, là hai cực, hai cực đó bao trùm tất cả, quãng giữa có cũng được không có cũng được.


May 7, 2014

Roberto Bolaño (2): Mắt Silva

Tặng Rodrigo Pinto
và María và Andrés Braithwaite

Chuyện là thế này: Mauricio Silva, biệt danh Mắt, tìm cách tránh né bạo lực dù cho làm vậy thì có thể bị coi là một kẻ hèn nhát, nhưng bạo lực, bạo lực đích thực thì ai mà tránh nổi, ít nhất là chúng tôi, những kẻ sinh ra ở Mỹ Latinh trong thập niên năm mươi, những người tới lứa đôi mươi khi Salvador Allende chết.

May 4, 2014

García Márquez

Không phải đến giờ khi Gabriel García Márquez đã mất đi, chủ đề García Márquez và văn chương Mỹ Latinh (ở Việt Nam về cơ bản được khái quát hóa, thật ra là thu giảm kiệt cùng, thành "chủ nghĩa hiện thực huyền ảo") mới là đáng nói, bởi nói gì thì nói, García Márquez là nhà văn nước ngoài hiện diện mạnh mẽ nhất ở Việt Nam trong vòng ba mươi năm vừa rồi.

May 2, 2014

Tác phẩm thứ hai của Nguyễn Dương Quỳnh


Tác phẩm thứ hai của Nguyễn Dương Quỳnh, Thị trấn của chúng ta.


Apr 12, 2014

[tiện bút] Thương hoài ngàn năm

(thừa thắng xông lên, triển khai thể loại mới thành một thứ có da có thịt hẳn hoi :p)

(câu chuyện dưới đây có liên quan đến vài mảnh nhỏ cuộc đời thật của tôi, nhưng cần và nên đọc với tinh thần hư cấu, vì có hư cấu thì cuộc đời mới có thể trở thành cuộc đời đúng nghĩa được, nếu không nó chỉ là các sự kiện không nhất thiết liền mạch với nhau)

Apr 10, 2014

[tiện bút] Ở quán cà phê

(ngó nghiêng khắp nơi, thấy từ "tiện bút" hình như chưa có ai dùng bao giờ, thế cho nên tùy tiện coi như một thể loại mới đã được khai sinh :p à mà thật ra "tiện phím" thì miêu tả chính xác hơn, nhưng âm "ím" nghe có vẻ không được nhã cho lắm hehe)

(NB. Võ Phiến chính là người đặt dấu ấn cho nhiều thể loại kiểu như thế này: "tạp bút", "tiểu luận", "tạp luận" v.v…)


Apr 7, 2014

Văn học miền Nam: Nguyễn Đình Toàn

Văn học miền Nam như thể khi đến một thời điểm, đã "chịu tác động" của hai "lực" một cách mãnh liệt: thứ nhất là sự tích tụ, thứ hai là một dự cảm về kết thúc.

Hai điều có thể nói là trái ngược nhau đó dường như đã làm văn học miền Nam tăng tốc khủng khiếp. Có sự tăng tốc để "về đích", nhưng cũng có sự tăng tốc đến với vực thẳm khủng khiếp nhưng cũng không kém phần quyến rũ.

Apr 3, 2014

Salman Rushdie (6) Quốc gia Ấn Độ và bên ngoài Ấn Độ

Giờ, sau khi đã đề cập Salman Rushdie và Những đứa con của nửa đêm từ vài khía cạnh: thói lắm lời và màn múa chữ của Salman Rushdie :p, Ấn Độ rồi Pakistan trong cái nhìn của một người con Ấn Độ lủi thủi xa xứ, nhìn mọi thứ trong ký ức, qua những mảnh gương vỡ, fatwa và hệ lụy của nó lên một người theo đạo Hồi, trong một giọng văn nhìn chung là kể lể :p, ta chuyển sang một registre ngôn ngữ khác. Sẽ không nhẹ nhàng bay bổng lắm đâu nhé.

Apr 1, 2014

Salman Rushdie (5) Một cuộc đời

Tiểu thuyết của Salman Rushdie, đặc biệt Những đứa con của nửa đêm (những ai kịp đọc xong rồi hẳn sẽ thấy ngay), thuộc dạng "loquacious", vô cùng lắm lời, ngôn từ tuôn ra, trào ra, phọt ra, như những màn pháo hoa liên tu bất tận.

Nhưng tiểu luận của Salman Rushdie, như ví dụ ở đây (bài dài quá, tôi è ra dịch mãi chưa xong :p) sẽ cho thấy một Salman Rushdie khác. Kiệm lời hơn, và như thể chín chắn hơn nhiều.

Mar 30, 2014

Salman Rushdie (4) Quê nhà tưởng tượng

"Imaginary Homelands" là bài tiểu luận được Salman Rushdie viết không lâu sau khi Những đứa con của nửa đêm được ấn hành, và trở thành nhan đề chung cho tập tiểu luận giai đoạn 1981-1991.


Quê nhà tưởng tượng

Mar 27, 2014

Salman Rushdie (3) Fatwa, hay là văn chương trước áp chế và kiểm duyệt

Nói đến cuộc đời và văn nghiệp Salman Rushdie, nếu muốn toàn diện một cách tương đối, lẽ dĩ nhiên không thể bỏ qua “án fatwa” mà ông từng phải gánh chịu. Tuy nhiên nếu quá nhấn mạnh vào yếu tố này thì ta sẽ dễ đi đến chỗ thu giảm Salman Rushdie thành “nhà văn từng chịu fatwa”, điều này cũng bất công không kém nếu bàn về Salman Rushdie mà né tránh fatwa.

Fatwa do lãnh tụ Khomeini tuyên vào năm 1989 đẩy Salman Rushdie vào một tình thế nguy hiểm đến tính mạng thường trực. Nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống riêng của Rushdie, như ta thấy rõ trong hồi ký Joseph Anton. Sống ở một đất nước xa lạ nhưng thật ra gần gũi vì đã gắn bó từ thuở nhỏ, tại một xứ tự do nhưng thường xuyên phải được cảnh sát chăm sóc, Salman Rushdie rơi vào một tình thế nghịch lý kép.

Điều đó khiến cho cuộc xa nhà thực sự trở thành lưu vong (The Satanic Verses cũng nhanh chóng bị cấm ở Ấn Độ), và điều kiện cuộc sống tự do (thân thể và ngôn luận) bị phá hỏng. Giống như là hiện tại bỗng dưng bị quá khứ đuổi kịp, mà quá khứ thì lại to lớn khổng lồ hơn hẳn hiện tại; hoặc giả giống như “hợp đồng với quỷ” (Faustian contract) do không xem xét kỹ nên Rushdie đã bỏ sót mất một điều khoản về “sự quá đà”.

Mar 26, 2014

Salman Rushdie (2) Ở giữa

Sau những cái tên riêng luôn luôn có ý nghĩa, nhiều khi có ý nghĩa lớn, như đã thấy, ta chuyển đến khái niệm "ở giữa", khái niệm hết sức quen thuộc ở Salman Rushdie (Rushdie đã bắt đầu bài tiểu luận danh tiếng "Imaginary Homelands" với một đoạn văn có trích dẫn câu mở đầu của tiểu thuyết The Go-Between của Hartley).

 giữa quá khứ và hiện tại, ở giữa Ấn Độ và nước Anh, ở giữa man rợ và văn minh, ở giữa tự do và áp chế.

Bài tiểu luận này, đặt ở đầu tập tiểu luận cùng tên Imaginary Homelands - thực sự là một tác phẩm quan trọng trong văn nghiệp Salman Rushdie (kiểu như Crowds and Power đối với Canetti, Inner Workings đối với Coetzee hay The Captive Mind đối với Milosz) - được Salman Rushdie trình bày năm 1982 tại London, Festival of India. (tức là không lâu sau khi Những đứa con của nửa đêm được ấn hành)

Câu trích dẫn cuốn tiểu thuyết của L. P. Hartley: "The past is a foreign country", quá khứ là một đất nước xa lạ. Một đất nước xa là mà ta phải tìm về, trong toàn bộ sự bất toàn của thời gian và ký ức lộn xộn như một tấm gương vỡ.

Salman Rushdie (1): Những tên riêng

Ta có thể bắt đầu với Salman Rushdie bằng cách đi ngược, với tác phẩm (lớn) gần đây nhất: Joseph Anton. A Memoir; trong cuốn sách này, sự "đi ngược" cũng được Rushdie nhấn mạnh bằng tên chương "A Faustian Contract in Reverse": trong khi viết The Satanic Verses, phía trên bàn viết Rushdie dán một mảnh giấy ghi dòng chữ "To write a book is to make a Faustian contract in reverse".

Người như Salman Rushdie, từng trải qua những năm tháng khó khăn vật lộn, không hẳn về vật chất mà vì những đau khổ nội tâm do không viết văn được cho ra hồn, phải lay lắt sống đời copywriter cho  hãng Ovilgy, hẳn hiểu rất rõ hợp đồng với quỷ tức là thế nào; nhất là khi đề tài cuốn sách nổi tiếng nhất của Rushdie (nhưng chưa hẳn là cuốn sách vĩ đại nhất) là về "satanic verses", nguyên gốc là lời mặc khải "dỏm" mà Muhammad nhận được.


Mar 24, 2014

Sách tháng Ba 2014

Tôi phải kết thúc sớm mục sách trong tháng, sớm hơn nhiều so với thường lệ, trước khi đống sách mới của Hội chợ Sài Gòn kịp thực sự ập xuống :p

Cho đến giờ đã lũ lượt đổ về nhiều lắm rồi.

- Trần Hậu Yên Thế, Song xưa phố cũ, NXB Thế giới, 351tr. (sách khổ vuông), 150.000đ.

Không nghi ngờ gì nữa, đây là một công trình nghiên cứu lịch sử-mỹ thuật mà chúng ta muốn có từ rất lâu, nó rất có giá trị trong lựa chọn đề tài (cửa, ban công, các chi tiết nhỏ) của nhà ở Hà Nội, giá trị trong công phu sưu tầm tư liệu, hình ảnh, rất kỳ công phân loại (tuy rằng cách phân loại của tác giả có thể không thuyết phục được mọi độc giả). Với những người sống ở Hà Nội lâu năm (như tôi), cuốn sách còn đem lại những hiểu biết mới về một số ngôi nhà mà mình biết khá rõ, thậm chí quen biết chủ nhà. Tóm lại, đây là một cuốn sách hay trên nhiều phương diện.

Mar 23, 2014

Phạm Xuân Ẩn (tiếp)

Cuốn sách xuất sắc nhất về Phạm Xuân Ẩn cho tới thời điểm này là của Thomas Bass, The Spy Who Loved Us. The Vietnam War and Pham Xuan An's Dangerous Game; để xuất hiện ở Việt Nam, cuốn sách đã phải mang cái tên lệch đi, Điệp viên Z21, Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ.

Perfect Spy chứa đựng câu chuyện mà Phạm Xuân Ẩn muốn có; là một cuốn tiểu sử "chính thức", tác giả Larry Berman đã được Phạm Xuân Ẩn cung cấp một version "kiểu Phạm Xuân Ẩn" (kiểu Phạm Xuân Ẩn có lẽ then chốt nhất nằm ở chỗ: lúc nào cũng nói sự thật; kể cả khi cùng một lúc gửi báo cáo về Bắc Việt và viết bài cho Time, với cả hai bên Phạm Xuân Ẩn đều nói sự thật), một version hoàn hảo, nhưng đầy "mất mát". Trong những thứ quá mức phức tạp, hướng đến bức tranh chung hoàn hảo là một cách tốt nhất để hứng lấy những thất thoát to lớn.


Wladimir Ashkenazy ở Hà Nội

Cuộc đời này thật trớ trêu, lần đầu tiên tôi được nghe Ashkenazy chơi nhạc hóa ra lại là ở Hà Nội.

Vì vội vã chưa kịp nghiên cứu từ trước, khi nhìn thấy hai cây đàn trên sân khấu, tôi mới hiểu ra, bản Divertissement à la hongroise (à mà thật ra là "à la hongroise" hay "à l'hongroise" nhỉ, chưa bao giờ tôi chắc được chỗ này) sẽ không được chơi bốn tay theo cách truyền thống.

Wladimir Ashkenazy ở Hà Nội, tôi nhớ đến Hennessy lần thứ nhất, tôi 16 tuổi, Rostropovich đã chơi ở đây, cho đến tận bây giờ mới lại có thêm một tượng đài tầm cỡ ấy; giữa hai mốc thời gian, tôi từng đi nghe nhiều người khác, nhưng phải gần năm năm nay tôi không còn đến Nhà hát lớn, thú thực tôi nghĩ mình sẽ chịu không thấu cái cảnh ngồi nghe các concerto của Rachmaninov hay các bản nhạc của Traikovsky.



Mar 19, 2014

Đảo: hổn hển hay không hổn hển

Tập truyện Đảo của Nguyễn Ngọc Tư gồm toàn những thứ rất khó viết, vì nó viết về các cảm giác.

"Hổn hển hay không hổn hển" là sự tình rối bời của người vợ khi làm tình với chồng, trong truyện "Xác bụi": hổn hển thì chồng vui, nhưng không hổn hển thì người tình cũ đang là vong hồn lẩn quất ngoài kia sẽ vui. Biết làm thế nào đây, cuộc đời người phụ nữ là một cái bẫy, tình ái cũng là một cái bẫy.

Mar 15, 2014

Trọn vẹn một tình yêu

Văn chương có thể tạo ra những câu chuyện tình yêu, và tình yêu cũng có thể trơ thành một đối tượng dạng trừu tượng để được phân tích (dưới dạng hay được gọi là triết học).

Còn Alain de Botton gộp cả hai vào, trong cuốn Essays in Love.

Mar 14, 2014

Khen, chê và kỷ niệm

Một nhà phê bình văn học thông thường sẽ làm gì?

Làm những việc như Marcel Reich-Ranicki đã thể hiện một cách tuyệt vời, ở tầm mức cao nhất: khen, chê và kỷ niệm.

Mar 13, 2014

Thế chiến thứ nhất: những ngôi sao

Như hôm trước đã nói, trong Thế chiến thứ nhất, Henri Barbusse là một nhà văn quan trọng, với cuốn tiểu thuyết Khói lửa (Le Feu). Bản dịch Khói lửa là sản phẩm của dịch thuật miền Bắc.

Nhưng Henri Barbusse chưa phải ngôi sao của văn chương Thế chiến thứ nhất. Hai ngôi sao lớn nhất của giai đoạn đó là một người Mỹ, Ernest Hemingway, và một người Đức, Erich Maria Remarque. Hai ngôi sao đích thực này hết sức thu hút dịch thuật miền Nam một thuở.

Hemingway:

Mar 9, 2014

Xung quanh Salammbô

Cuốn tiểu thuyết thứ hai của Flaubert, Salammbô, không gây nhiều sóng gió như Madame Bovary, những sóng gió khiến Flaubert thậm chí còn phải ra tòa. Salammbô lại còn là một thành công thương mại rất lớn. Sau đó thì các cuốn tiểu thuyết còn lại, L'Éducation sentimentale, La Tentation de saint Antoine và Buvard et Pécuchet, đương nhiên được coi là tác phẩm của một nhà văn lớn.

Không gây rất nhiều sóng gió cho Flaubert, nhưng Salammbô cũng không yên bình.

Mar 4, 2014

Văn chương và Thế chiến thứ nhất

Năm nay, tròn 100 năm bùng nổ Thế chiến thứ nhất, các chuyên gia văn học cũng có công việc phải làm. Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn tờ Lire số tháng Ba 2014 của Antoine Compagnon.


“Chiến tranh đã đóng góp cho tính hiện đại văn chương”

Xoay xở trong thế giới sách cổ

Câu lạc bộ Dumas, mặc dù rất khôn ngoan với một cái nháy mắt đến đỉnh cao của thể loại truyện trinh thám lặn ngụp trong sự kỳ bí của thế giới sách, Tên của đóa hồng (bằng việc nhắc đến tên huynh William Baskerville), không phải là một tác phẩm lớn về mặt văn chương. Nó có kiểu rất thô đặc trưng của văn chương Latinh (Tây Ban Nha, Ý và Mỹ Latinh) nhưng lại không có những quật khởi ghê người của các mường tượng lạ lùng; nó cung cấp một hình dung sơ giản về thế giới ma quỷ; nó tạo ra những nhân vật không quyến rũ, dẫu cho có cô gái bí ẩn (Irene Adler: nhân vật này thì lại thuộc thế giới Sherlock Holmes, là tên một nhân vật xuất hiện trong một truyện của Conan Doyle và địa chỉ ghi trong hộ chiếu là 221B phố Baker; nhân tiện đã bác nào đến cái nhà trên phố Baker này chưa?) được miêu tả là đẹp; nó nhiều lúc vụng về trong cuộc chạy theo cốt truyện Ba người lính ngự lâm; nó lại rất hời hợt trong việc xử lý mấy cái chết, một tội ác khó có thể tha thứ, một sự bỏ qua khó có thể chấp nhận trong một cuốn tiểu thuyết tự muốn mình được coi là trinh thám.

Nhưng Câu lạc bộ Dumas lại vẫn hấp dẫn.

Mar 2, 2014

Sách tháng Giêng và tháng Hai 2014

đây, chụp tạm một bức ảnh để các bác thấy


Feb 20, 2014

Dazai Osamu

Tập Nữ sinh của Dazai Osamu (Hoàng Long dịch) gồm sáu truyện ngắn, thì ba truyện về chủ đề viết văn và nhà văn: "Nữ tác gia" về một cô bé từng được đăng "tác phẩm" trên trang nhất một tờ tạp chí, "Một chuyến đi" kể về Kasai Hajime một nhà văn xuống dốc, gần như phát điên ở quãng gần bốn mươi tuổi, và "Một ngày trọng đại", nhân vật không phải nhà văn mà là một phụ nữ bình thường, nhưng phụ nữ ấy là vợ một nhà văn (rất dốt địa lý) và bản thân bà viết lại đoạn đầu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương nhằm tạo ra một "tư liệu lịch sử".

Nói chung các tác giả nữ và những người lỡ có năng khiếu văn chương từ nhỏ nên đọc "Nữ tác gia" :p

Feb 8, 2014

Borges: Người ở góc phố hồng

Dẫn đầu. “Người ở góc phố hồng” là truyện ngắn nổi tiếng nhất trong thời kỳ đầu của Borges, được viết trong một hoàn cảnh cũng hết sức đặc biệt. Giới thiệu hoàn cảnh ấy có lẽ không gì thích hợp hơn những lời của chính nhà văn trong cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh với Ronald Christ, đăng trên mục “The Art of Fiction No. 39”, tạp chí Paris Review số 40, 1967:

“… Tôi rất rụt rè [về việc viết truyện ngắn] vì hồi trẻ tôi coi mình là nhà thơ. Vậy nên tôi nghĩ, nếu mình viết truyện, ai cũng biết mình là kẻ ngoại đạo, là mình đang xâm phạm vào đất cấm. Rồi thì tôi bị tai nạn. Sẹo vẫn còn sờ thấy đây. Nếu anh sờ vào đầu tôi đây này, anh sẽ thấy. Có thấy đồi núi gồ lên đây không? Tôi phải nằm bệnh viện mất hai tuần. Tôi bị ác mộng rồi bị mất ngủ. Đến lúc ra họ bảo tôi đã gặp nguy cơ, ừm, tử vong, bảo thật phi thường là ca mổ lại thành công. Tôi bắt đầu sợ mình không còn minh mẫn, tôi nghĩ có thể mình không sáng tác được nữa. Nếu thế thì đời tôi kể như xong, vì viết văn rất quan trọng với tôi. Không phải là tôi nghĩ mình viết rất hay hay gì, nhưng tôi biết mình không sống được nếu không viết. Nếu không viết tôi sẽ cảm thấy, hừm, thấy hối hận, anh hiểu không? Rồi tôi nghĩ giờ viết một bài báo hay bài thơ thử xem. Nhưng tôi lại nghĩ,mình đã viết hàng trăm bài báo và thơ rồi, nếu giờ không viết được nữa, mình sẽ biết ngay thế là mình hỏng rồi, là xong hẳn rồi. Thế là tôi nghĩ hay là viết thứ gì đó chưa từng thử bao giờ: nếu không làm được thì cũng không có gì bất thường, vì tôi đâu có đi viết truyện ngắn làm gì? Như thế tôi sẽ được chuẩn bị cho đòn kết liễu, là biết rằng mình đã đến lúc hết. Tôi viết một truyện ngắn tên là, để tôi nghĩ xem, là ‘Hombre de la esquina rosada’, và mọi người rất thích truyện đấy. Lúc đó đúng là nhẹ cả người. Nếu không phải vì bị đập đầu cú đó, có thể tôi sẽ chẳng bao giờ đi viết truyện ngắn cả.”

- AL


Người ở góc phố hồng
Tặng Enrique Amorin

An Lý dịch

Feb 7, 2014

Phạm Quỳnh viết điểm sách

Khi cho in Thượng Chi văn tập, Phạm Quỳnh đã rút từ Nam Phong đưa vào đây một số bài điểm sách, tuyệt đại đa số là dài (NB. các bài viết trong Thượng Chi văn tập bao trùm quãng trước tác 1917-1922 của Phạm Quỳnh).

Bộ sách này in làm năm tập, từ 1943 đến 1945, tại NXB Alexandre de Rhodes. Riêng tập 5 ghi Đắc Lộ thư xã; Đắc Lộ là cách gọi phiên âm cố de Rhodes. Tình trạng cụ thể của bộ sách: ba tập đầu in giấy đẹp, nặng, hai tập sau in bằng giấy dó, nhẹ. Hiện tại, tôi vẫn chưa xác định được chính xác niên đại từng quyển, chỉ chắc chắn tập 1 in 1943, tập 5 in 1945. Tra cứu kho của Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng chẳng ích gì, như thường lệ. NXB Alexandre de Rhodes (hay Đắc Lộ thư xã) nằm ở Hà Nội, in được tương đối ít sách, nhưng có một số bộ rất nổi tiếng.

Bởi Thượng Chi văn tập là bộ sách để đời của Phạm Quỳnh, được chính Phạm Quỳnh lựa chọn bài vở, nên ta có thể hiểu các lựa chọn của Phạm Quỳnh thể hiện nhân vật Phạm Quỳnh mà Phạm Quỳnh muốn người đời sau nhìn nhận. Nhân vật Phạm Quỳnh của Thượng Chi văn tập có không ít khía cạnh, tôi từng nói đến chuyện Phạm Quỳnh dịch thơ Baudelaire (một khía nhỏ trong hình ảnh Phạm Quỳnh nhà dịch thuật). Còn ở tư cách nhà điểm sách thì sao?

Những lựa chọn cho thấy tầm hiểu biết, gu thẩm mỹ và những dạng văn chương mà Phạm Quỳnh hướng tới. Cách phân tích cho thấy những gì ở văn chương được Phạm Quỳnh lưu tâm. Lối viết thì cho thấy khả năng nhà phê bình văn học ở Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh nhà phê bình văn học không phải một điều quá nổi bật ở Phạm Quỳnh xét một cách toàn diện, nhưng là thứ hoàn toàn không thể bỏ qua.

Feb 3, 2014

Phạm Quỳnh dịch Baudelaire

Phạm Quỳnh chắc hẳn là một trong những người đầu tiên dịch thơ Baudelaire, nếu không muốn nói là người đầu tiên. Đó là tầm năm 1917, những số đầu của Nam Phong. Trong một bài viết về thơ Baudelaire, Phạm Quỳnh chọn dịch ba bài (dịch nghĩa). Cả ba bài đều rút từ tập Les Fleurs du mal, mà Phạm Quỳnh gọi là Ác hoa.

dưới đây trích từ Thượng Chi văn tập, tập 1, nxb Alexandre de Rhodes, Hà Nội, 1943


Jan 27, 2014

Thái Bá Tân, Hoàng Phong, Nguyễn Trung Đức etc

Tôi chưa bao giờ ưa Thái Bá Tân, tôi thấy truyện ngắn của ông cực dở, thơ thì như vè chẳng có mấy giá trị thì khỏi phải nói, lại thêm cái thói megalomania cứ in ra từng tập sách to tướng cứ như thể ông là một văn nhân hạng nhất (tôi cũng mua vài quyển trong số đó, tôi biết mình đang nói gì).

Tôi cũng biết chắc Epghênhi Ônhêghin hay Byron, rồi haiku, thơ Ba Tư cổ bản dịch của Thái Bá Tân rất dở. Nhưng tôi không coi Thái Bá Tân là một dịch giả dở.

Jan 24, 2014

Trăm năm là ngắn

trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê, trăm năm đi dễ khó về, trăm năm là những cỏ vê mệt người

Jan 23, 2014

Dương Tường: Dịch giả giỏi nhất

Ai là dịch giả giỏi nhất nửa thế kỷ qua? Với tôi câu trả lời rất đơn giản: đó là Dương Tường.

Yên tâm đi, tôi không đi vào những lý luận vớ vẩn như ai chẳng có lúc sai này sai nọ, phải tính đến bề dày các thứ chứ etc. Tôi không muốn biện hộ, mà tầm vóc của Dương Tường không cần biện hộ. Tôi làm một việc khác, một việc tôi rất ghét làm: tiên tri.

Jan 22, 2014

Trăm năm

Ai rồi cũng sẽ trăm tuổi. Chỉ là còn sống hay đã chết.

Năm nay, Romain Gary đạt đến cái mốc ấy. Tôi từng nói đến chứng mythomania ở văn chương. Nó là yếu tố tất nhiên phải có của những nhà văn giỏi nhất. Bệnh cuồng viết và chứng nói dối bệnh lý làm nên hư cấu. Romain Gary là một đỉnh cao của những điều đó. Hứng thú với các fiasco, những trò mạo danh, cách thể hiện niềm phẫn nộ với thế giới, một ngón tay giữa giơ lên, hỗn xược cộng với đau lòng.

Romain Gary và Émile Ajar, một vụ án văn chương rất đặc trưng của trò chơi mạo danh này. Không lâu sau khi tạo ra Émile Ajar, Romain Gary tự sát.

Dưới đây là Cuộc đời và cái chết của Émile Ajar, Romain Gary tự mình kể lại câu chuyện của nhà văn duy nhất từng hai lần đoạt giải Goncourt.

Jan 19, 2014

Borges: Thư viện Babel

Tổng thể tác phẩm của Borges tạo nên một huyền thoại trong lịch sử văn chương thế giới, nhưng có những tập sách huyền thoại hơn những tập sách khác: một trong số đó là Fictions. Trong Fictions, lại có những đơn vị truyện huyền thoại hơn những đơn vị truyện khác. Một trong những truyện huyền thoại nhất của Borges ở Fictions chính là "Thư viện Babel" dưới đây. Nó thể hiện cái nhìn vũ trụ và/cùng/như/chính là sách của Borges, nó cũng biểu lộ rất nhiều khía cạnh huyền hoặc trong sự viết của Borges.

Truyện này chứa đựng câu tôi đã trích dẫn vài lần, "mở miệng nói tức là đã rơi vào trùng ngôn" - đố các bác tìm được câu ấy trong bản dịch dưới đây của An Lý :p (mỗi bản dịch là một khả thể văn bản, nằm trên một giá sách ở một căn phòng lục giác nào đó ở tầng nào đó của Thư viện Babel này hehe).



Thư viện Babel

By this art you may contemplate the variation of the 23 letters…
The Anatomy of Melancholy, part. 2, sect. II, mem. IV.

An Lý dịch