May 21, 2012

Gặp lại Bình Nguyên Lộc


Ai từng mải mê theo những câu chuyện và câu văn của Đò dọc, Nhốt gió và truyện ngắn “Rừng mắm” là các tác phẩm tương đối dễ tìm của nhà văn Bình Nguyên Lộc trong thời gian gần đây, sẽ tha hồ được thưởng thức thứ văn chương đặc chất miền Nam này trong tập Bình Nguyên Lộc truyện ngắn in trong tủ sách “Mỗi nhà văn - Một tác phẩm” do NXB Trẻ mới ấn hành.

Tủ sách “Mỗi nhà văn - Một tác phẩm” trước đây cũng đã mang trở lại cho độc giả yêu ngôn ngữ miền Nam một nhà văn hết sức độc đáo: Trang Thế Hy, giờ đến lượt nhà văn Bình Nguyên Lộc, người vốn được Sơn Nam, một nhà văn khổng lồ nữa của xứ sở này, ngưỡng mộ và bình luận đầy xúc cảm. Trong tập sách này, ngoài Ký thác là một tập từng được tái bản, ta có thêm hai tập sách in lần đầu cách nay ngót nửa thế kỷ, không còn dễ tìm: Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (thật ra thì đây là một tập tản văn, ghi chép - những ghi chép rất tinh tế - về thành phố Sài Gòn) và Cuống rún chưa lìa.
Người ta có thể in nhiều dạng tác phẩm của Bình Nguyên Lộc vào cùng một tập mà vẫn thấy có một sự thống nhất, một độ gắn kết cao nhờ một kiểu nhìn xuyên suốt đời văn Bình Nguyên Lộc, những miêu tả luôn luôn mới mẻ và với nhiều nỗ lực độc đáo (nỗ lực này thường xuyên “như không” vì có cảm giác như tác giả không cần phải dụng công nhiều), và nhất là giọng văn lúc nào cũng có chút gì châm chọc, mỉa mai nhưng không bao giờ quá đà, “quá đạm”; dù cho tác giả viết về một hàng me bên đường hay về những thây ma dưới bàn tay tinh quái của lũ sinh viên trường thuốc, những ngôi mộ ảm đạm đáng sợ, thì vẫn cứ là sự trìu mến ấy, nỗi quyến luyến nồng ấm ấy, và chút u hoài rất khó nói cho rõ về một cái gì đó chênh vênh, xộc xệch của thời gian (quá khứ và hiện tại) và không gian (thành thị và bên ngoài thành thị).

Bình Nguyên Lộc lại còn là một tác giả rậm rạp, với vô cùng nhiều tác phẩm - ông còn từng được người ta so sánh với một Lê Văn Trương, tác giả của vô số tiểu thuyết. Bình Nguyên Lộc không chỉ viết văn, mà các tác phẩm khảo cứu của ông ngày nay vẫn còn nhiều điểm khả dụng, nhất là Lột trần Việt ngữNguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt. Nhưng lẽ dĩ nhiên Bình Nguyên Lộc trước hết là một nhà văn, và trước hết ông là một nhà văn viết truyện ngắn, dù rằng những lúc “lạc bước” sang tiểu thuyết, Bình Nguyên Lộc cũng để lại nhiều điều đáng nhớ, như một Lữ đoàn mông đen hết sức sành điệu thời thượng về một cuộc sống ăn chơi nơi thành phố.

Từ truyện “Rừng mắm” mở đầu tập Bình Nguyên Lộc truyện ngắn cho tới truyện cuối, “Những ngôi mả tổ” về cái xóm nhỏ tên Sỏi, độc giả được tác giả dẫn đi qua những phong cảnh và những con người nhỏ bé nhưng độc đáo, độc đáo cũng chính vì nhỏ bé, và cho đến lúc thấm nhuần giọng văn ấy, ta hiểu ra rằng sẽ không hẳn là chính xác nếu gọi văn Bình Nguyên Lộc là “văn chương miền Nam”, bởi đã là văn chương đích thực thì tính chất vùng miền không còn mấy giá trị gì nữa.

5 comments:

  1. Bác Linh cho xin bài này để đăng trên mục giới thiệu sách của www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn nhé.

    ReplyDelete
  2. Thân chào Dũng,

    Tôi là Nguyễn Thành Nhân, dịch To the Lighthouse. Tôi cám ơn Dũng đã chỉ ra các sơ sót (chính xác, hoặc tùy theo quan điểm mỗi ngườ). Cụ thễ đó là từ Bloomsburry (2 chữ r- nghĩa là dư một chữ r); cách dịch các adv. tiếng Anh quá đơn sơ với từ "một cách; và việc ngắt một câu dài thành một số câu ngắn trong bản dịch của tôi.

    Ở đây tôi không muồn tranh luận, chỉ muốn giải thích về quan điểm dịch thuật của mình đôi chút.

    - Bloomsbury sai "một chuỗi" là do tật tôi làm biếng, từ nào hơi dài tôi chỉ type một lần rồi những lần sau cứ thế copy. Thế nên mỗi lần copy là thêm một lần sai. :) Sai này là 100%, chỉ có việc sửa thôi. Tôi cũng đọc đi đọc lại bản dịch nhiều lần mà không phát hiện ra. Thành ra rất cám ơn Dũng.

    - Từ "một cách " nghe có vẻ quê mùa nhưng vẫn cần thiết, nhiều khi tối cần. Ngay cả những từ dung tục nhất trong tự điển Việt Nam vẫn có chỗ đắc dụng của nó mà, thành ra, "một cách" với tôi hoàn toàn không phải là sự dư thừa.

    - Tách một câu dài thành nhiều câu ngắn là trường hợp bất khả kháng, tôi chỉ áp dụng ở To the Lighthouse (tôi dịch cũng khá nhiều tác phẩm, và tôi cũng không hề lạm dụng mà chỉ vận dụng cách này tối đa hai, hoặc ba lần trong bản dịch. Lý do thì như tôi đã nói, là quan điểm dịch của tôi.

    Tôi xin có đôi lời tâm tình với Dũng như vậy. Tôi nhận thấy Dũng là một trí thức trẻ có kiến thức khá rộng (nhưng sâu hay không thì tôi chưa dám khẳng định). Tiếc là vừa qua có quá nhiều thông tin trao đổi trên mạng không hay cho công việc của Dũng. Và tiếc thêm một điều là các thông tin ở Tienve hoàn toàn chính xác, tuy là người nhận xét hơi gay gắt.

    Tôi thật tâm chúc Dũng khắc phục được những sơ suất đó, nhìn nhận những sơ suất của mình và không lặp lại.

    PS: Tôi cũng vừa đọc lại hầu hết truyện của nhà văn Bình Nguyên Lộc trên mạng. Và tôi yêu mến ông. Truyện đầu tiên của BNL mà tôi đọc là một tập truyện ngắn, trong đó có vài truyện đã ghi đậm trong ký ức tôi. Đó là trước năm 1975.

    Thân ái.

    ReplyDelete
  3. Cám ơn anh :)

    Anh muốn nhắc tới hai cái này phải không:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2011/02/co-on-nhu-ngon-hai-ang.html

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2011/01/ouf-woolf.html

    Anh cũng thấy ở đây tôi viết điểm sách, tôi chỉ nêu "ngoài rìa" vài điểm nhận xét của tôi, không một chút ác ý nào. Rất xin lỗi nếu có làm anh mếch lòng.

    Rất hân hạnh. Nếu anh có nhã ý tôi cũng rất muốn được trò chuyện với anh về bản dịch "Phúc lành của đất". Knut Hamsun là nhà văn tôi ưa thích từ lâu rồi.

    ReplyDelete
  4. Cám ơn Dũng đã hồi âm.

    Về các nhận xét của Dũng đối với TTL, dù có xác đáng hay không tôi vẫn cám ơn, không có mích lòng chút nào đâu.:)
    Vâng, nếu Dũng có hứng thú thì xin cứ trao đổi về PLCĐ.
    Chúc an vui.

    ReplyDelete