Sep 20, 2014

Mười ngày - Boccaccio

Đúng như tôi đã nghĩ, Mười ngày của Giovanni Boccaccio chẳng thấy tăm hơi đâu trên báo chí Việt Nam.

Báo chí văn hóa Việt Nam, tính riêng mảng sách (tất nhiên không chỉ mảng này nhưng thôi) nhảm nhí ở chỗ gần như không hiểu được hiện trạng phát triển của xuất bản sách tại Việt Nam và liên tục thể hiện những quan điểm tụt hậu, xấu xí, ấu trĩ. Lại thêm thói bè đảng, cánh hẩu, thể hiện đậm đà hơn cả chính ở tờ báo lớn hơn cả, là tờ Tuổi trẻ. Khỏi cần nói là sự yêu ghét cá nhân này người kia nọ làm cho báo chí thiên lệch méo mó hẳn, vì điều đó quá rõ rồi. Tuổi trẻ có một số đối tượng được nâng niu, kể cả khi những đối tượng ấy không hề đóng góp chút nào cho sự phát triển của công cuộc sách vở Việt Nam, và tất nhiên ngược lại, những đóng góp đích thực thì bị lờ đi. Sự yêu ghét cảm tính ngu xuẩn ấy sẽ còn làm nhiều thứ bé tí nhỏ mọn đi nhiều lắm.

Thôi chẳng nói nữa, vì đã quá chán, thích chui xuống hố thì cứ tự nhiên mà chui thôi :p

Bản thảo viết tay Mười ngày (Il Decameron) của Boccaccio:



Bản dịch lần này (Hồ Thiệu dịch, Đông Tây ấn hành) được thực hiện từ bản tiếng Pháp của Sabastier de Castres, một bản dịch đầy đủ một trăm câu chuyện. Trước đây, nhóm Hướng Minh cũng đã dịch Mười ngày, cũng từ tiếng Pháp, nhưng không đầy đủ.

Mười ngày là Nghìn lẻ một đêm của phương Tây, là tác phẩm cực lớn của mạt kỳ Trung cổ sơ kỳ Phục hưng, một trong những thứ làm nên nền tảng của nền văn chương châu Âu hiện đại.

Lẽ ra khi xuất hiện ở Việt Nam một cách đầy đủ, nó phải được đặc biệt chú ý. Vì đó là một công trình dịch thuật quan trọng.

Với riêng tôi, bản dịch này đã đủ sức khiến tôi đọc một mạch hết toàn bộ cuốn sách rất dày. Nếu không có nó chắc chẳng bao giờ tôi đọc hết nổi Mười ngày mà sẽ chỉ đọc lỗ chỗ, cần để ý đến truyện nào thì tập trung vào đó. Nhưng đọc được hết một cuốn sách như Mười ngày mang lại nhiều thứ lắm: hiểu biết về phong tục thế kỷ XIV, tinh thần nhẹ nhõm của một thời, đối nghịch hẳn với sự nặng nề của bệnh dịch lan tràn hồi ấy, ý nghĩa văn chương trong những truyện kể, trong đó nhiều truyện vô cùng xuất sắc hoặc hài hước, hoặc vừa xuất sắc vừa hài hước.

Thế cho nên, tuy thấy rõ bản dịch Mười ngày của Hồ Thiệu lẽ ra cần được đầu tư nhiều công sức hơn nữa nhưng tôi vẫn cảm thấy cần phải lưu ý các độc giả mà tôi tin là chín chắn rằng đã có đầy đủ Mười ngày của Boccaccio trong tiếng Việt rồi, đọc đi mà đỡ thời gian rảnh, rồi lại đi làm những việc linh tinh vớ vỉn. Một mình báo chí Việt Nam đã đủ vớ vỉn lắm rồi hehe.

6 comments:

  1. Lược đồ của Il Decameron có thể coi như việc chạy từ khái niệm ra văn bản. mỗi một ngày cả nhóm sẽ thống nhất một "theme" chung, sau đó mỗi nhân vật sẽ kể một câu chuyện nhằm diễn giải "theme" này.

    Tức là có thể truy về Cái hang của Plato, cũng là một nhóm người nhìn thấy thế giới được phóng chiếu lên vách. Ở Il Decameron, cái vách là những khái niệm, đồng thời là những chuẩn mực của họ.

    "cả ngàn trang không gặp từ tả nhớ,
    bới khoảng không sau cuốn sách khép hờ
    tìm một từ to bằng một ngàn trống trải, lại nhỏ như một cái xiên dính chặt tim vào xương ức
    mỗi nhịp đập mỗi đau
    không chết được "
    -Nguyễn Ngọc Tư, nghĩ quanh từ điển

    ReplyDelete
  2. hoàng phong tuấnOct 2, 2014, 11:41:00 PM

    Thế ở Il Decameron có cái lỗ thoát ra khỏi hang không nhỉ? Vì có cái lỗ ấy, thì mới coi mấy thứ ở trong là ở trong cái hang được. hi hi....

    ReplyDelete
    Replies
    1. Có chứ ạ :d

      "cái lỗ" ấy thường là thường là manh nha xuất hiện, ở những trang cuối, dòng cuối của cuốn sách, còn với con người, là trước cái chết. Meursault, [trong Kẻ Xa Lạ của Camus] mở lòng ra trước vẻ xa lạ dịu dàng của cuộc đời: Je m’ouvrais pour la première fois à la tendre indifférence du monde.

      Delete
  3. Em chưa đọc Mười Ngày nên phải cảm ơn anh đã nhắc lại.

    ReplyDelete
  4. Bản trên nhăca đến có thể tải ở đâu vậy? Có thể gửi mail được không ah? Dh07cb@gmail.com.
    Thanks.

    ReplyDelete
  5. Bản của Hồ tThiệu ở trên cơ thể tải về ở đâu vậy? Có thể cho tôi xin và gửi vào mail được không?
    Dh07cb@gmail.com.
    Thanks.

    ReplyDelete