May 29, 2014

Umberto Eco: Nghĩa địa Praha

Umberto Eco đưa các nhân vật có thực vào một câu chuyện, chỉ "hư cấu" rất ít ở phương diện nhân vật. Thế cho nên, không khó đoán khi Alexandre Dumas xuất hiện rất sớm, dĩ nhiên cũng với tư cách một nhân vật. Dumas từng đưa Colbert, Turgot (à có Turgot không nhỉ, tôi không nhớ lắm), Richelieu vân vân và vân vân vào tiểu thuyết của mình, thì bây giờ đến lượt Dumas bị Eco vẽ cho một bức chân dung giễu cợt nhẹ nhàng, gã lai đen to lớn trên con tàu Emma phi đến hỗ trợ người anh hùng hớn hở Garibaldi trong cuộc chiến đấu giành độc lập cho nước Ý. Cũng không lạ khi để tạo ra màn "nghĩa địa Praha" trung tâm của toàn bộ cuốn tiểu thuyết, Eco đã sử dụng lại mô hình của Joseph Balsamo.

Bộ Joseph Balsamo tiếng Việt bốn tập này từng là một mối tình nồng cháy của tôi hồi nhỏ. Những huyền hoặc, bí hiểm, mê đắm, âm mưu, tôi học được phần nhiều từ đó.

Thế cho nên, bởi vì lịch sử văn chương được tiếp tục một cách xuất chúng bởi những con người như Umberto Eco, ngày nay Alexandre Dumas chứ không phải tiểu thuyết gia Victor Hugo mới là "dòng chính của quá khứ".

Nghĩa địa Praha xuất hiện trong tiếng Việt, đối với tôi, cũng là một cách để phá tung cái huyền thoại gắn chặt tên tuổi Umberto Eco vào riêng một Tên của đóa hồng. Eco không chỉ là tác giả của Tên của đóa hồng, Eco (tức Kim Dung của phương Tây - ở Nghĩa địa Praha điều tôi từng nói hơn một lần này lại càng đúng hơn: đây chính là Lộc đỉnh ký phiên bản tiếng Ý) không chỉ là một chuyên gia sừng sững về thời Trung cổ. Gắn chặt Eco với Trung cổ thì thật là thiệt thòi cho Eco, à quên, thiệt thòi cho thời Trung cổ.

Nghĩa địa Praha đòi hỏi người đọc một số kiến thức về lịch sử châu Âu cuối thế kỷ XIX: Công xã Paris, vụ Dreyfus (L'Affaire Dreyfus), Édouard Drumont và phong trào bài Do Thái, cùng một số bước tiến của khoa nghiên cứu tâm lý, dính dáng tí chút đến tâm phân học phôi thai.

Và tại sao các tiểu thuyết của Umberto Eco luôn luôn gắn chặt vào lịch sử, tùy tác phẩm mà theo từng giai đoạn nhất định?

Vì nhiều lý do, nhưng tôi bỗng nhận ra: Eco là một tài năng không thể phủ nhận về trình bày các lý thuyết (ta thấy rõ trong Tên của đóa hồng), về đặt ra các giả thuyết để giải thích cho nhiều sự kiện lịch sử (trong Nghĩa địa Praha). Giáo sư Eco cũng thể hiện năng lực tuyệt vời trong các tác phẩm lý thuyết hết sức quan trọng.

Nhưng Eco tuyệt đối phải dựa vào lịch sử và các lý thuyết, vì một lẽ rất đơn giản: Eco viết văn rất dở, văn chương của Eco nếu không có các bệ đỡ kia (hiểu biết lịch sử và năng lực lý thuyết) thì không đọc nổi. Mãi chẳng thấy có câu nào hay.


về Tên của đóa hồng (1)
về Tên của đóa hồng (2)
một tác phẩm khác của Eco

1 comment:

  1. I like the valuable info you provide in your articles.
    I will bookmark your blog and check again here frequently.

    I am quite certain I'll learn many new stuff right here!

    Best of luck for the next!

    ReplyDelete