Jun 16, 2017

Cách một

"Cuộc phiêu lưu Balzac" của tôi xuất phát từ một câu hỏi hết sức đơn giản: Balzac đã xử lý thời đại của mình như thế nào? Đây là một câu hỏi mà mỗi lúc tôi mỗi thấy thêm "có lý", bởi vì Vở kịch con người là một sự kiệt cùng đúng nghĩa (về "kiệt cùng", xem ở kia): trước Balzac, không có cái gì tương tự, sau Balzac thì sao? tôi nghĩ rằng sau Balzac cũng không có gì tương tự; ở riêng điểm này, một gợi ý lớn là so sánh Vở kịch con người với bộ Les Rougon-Macquart của Émile Zola, việc mà có lẽ rồi một ngày tôi cũng sẽ làm.

Nhưng, tôi nhanh chóng thấy xuất hiện thêm một câu hỏi: Balzac giữ khoảng cách như thế nào với thời của mình? để xử lý thời đại của mình, người ta phải ở trong đó, nhưng cùng lúc phải biết cách, phải tìm mọi cách để có được một cái nhìn từ bên ngoài; một cái nhìn từ bên ngoài lại nhất thiết đòi hỏi khoảng cách. Cơ chế hoạt động của Balzac có thể là như thế nào?

Tôi bắt đầu thấy lờ mờ hiện ra một nguyên tắc, mà tôi (tạm) đặt tên là "cách một". Balzac có coi trọng thế kỷ 18 không? Tôi nghĩ là không hề, không một chút nào; ta có thể thấy điều này tương đối rõ trong Ursule Mirouët; con người của thế kỷ 20 có thể sùng bái Rousseau hay nhất là Voltaire, nhưng một người như Balzac chẳng coi Voltaire là cái gì. Stendhal cũng vậy: trong Nhật ký, Stendhal cho thấy mình chẳng hề nghĩ thậm chí Voltaire có đủ tài năng dẫu chỉ để viết một vở kịch cho ra cái hồn người.

Nhưng, trước đó, Voltaire, chính Voltaire, cũng đâu có coi Pascal ra gì; khi viết về các Pensées của Pascal, Voltaire cho thấy rất rõ rằng mình thấy Pascal rất tầm thường, các "pensée" về cơ bản phải viết lại hết, bởi vì quá mức vớ vẩn.

Vậy, tức là như thế nào? Tức là, rất có thể, chuyện chỉ là: khi ở quá gần, người ta chẳng thấy gì hết cả. Nếu không có khoảng cách, chẳng ai nhìn được bất cứ cái gì. Nếu không đủ khoảng cách.

Một điều dường như không phải là không liên quan với những gì đã nói ở trên: chúng ta, người của thế kỷ 20, sẽ biết rõ nhất thế kỷ 19 là thế kỷ dường như ngay trước chúng ta, mà chúng ta là người nối tiếp. Nhưng biết rất nhiều là một chuyện, có hiểu nó không lại là một chuyện hoàn toàn khác. Hiểu, đó là một câu chuyện liên quan đến yếu tính. Chắc rất nhiều người đã thấy quá chán cái "yếu tính, yếu tính" này: chính vì thế, chúng ta sẽ càng ngày càng phải nói nhiều đến nó, đến chính cái yếu tính ấy.

[điều gì là lớn lao nhất - yếu tính, có thể nói vậy - của hiện tượng luận (đừng bao giờ gọi đó là "hiện tượng học")? rất có thể điều này nằm ở chỗ hiện tượng luận, kể từ Edmund Husserl, xoay cái nhìn đi; trước đây, người ta nhìn nhận thông qua cặp bản chất và thuộc tính, kể từ hiện tượng luận cái nhìn, hay nói đúng hơn là điểm nhìn, chỉ xoay đi một chút khỏi đó, một chút thôi nhưng hiệu ứng và hệ quả rất lớn: từ "bản chất và thuộc tính" ta bước sang cái nhìn hướng vào "yếu tính và hiện tượng" (câu chuyện này, rất đơn giản, hoàn toàn có thể xem là một cái gì thuần túy hình học không gian, chẳng có gì đáng nói; và tại sao cần phải xoay đi như vậy? một câu do chính Balzac phát biểu nói chính xác về điều này, tuy rằng cách diễn đạt thoạt nhìn chẳng liên quan: "các vấn đề mà giải pháp chỉ được biết đến bởi Chúa", xem ở kia; một số thứ, chẳng hạn "bản chất", là chuyện của Chúa)]

Thế nhưng, trong thế kỷ 20, người ta nhìn nhận thế kỷ 18 hết sức tài tình: cái nhìn đã đầy đủ hơn rất nhiều, bởi vì không chỉ còn khăng khăng khẳng định thế kỷ 18 tức là Ánh Sáng (nói đúng hơn, Ánh Sáng chỉ là một trong các yếu tính, thậm chí chỉ là thuộc tính, của quãng thời gian ấy). Thế kỷ 20 là thời đại của marquis de Sade, là khi người ta đã bớt bị Bách Khoa Thư án ngữ tầm nhìn (do đã ở xa hơn: chỉ là một cách khác để nói đã đủ khoảng cách), để thấy rằng phần đối trọng của Encyclopédie, Saint-Martin, không hề kém quan trọng. Từ xa thì nhìn thấy không chỉ phần sáng, mà cả phần tối, bóng của nó (hoặc giả, phần sáng chỉ là cái bóng của phần tối - như vậy có lẽ còn đúng hơn). Thế kỷ 20, các thần tượng thoát thai từ thế kỷ 18 không còn là Voltaire, Rousseau, Diderot, mà, ngoài Sade (trong thế kỷ 19, Sade lại có vị trí hết sức lu mờ, nhưng Pascal ngập tràn, và Racine, và Molière: Marcel Proust, con người của thế kỷ 19 thì nhiều hơn là của thế kỷ 20, đóng góp rất lớn vào điều này), là Laclos, Vivant Denon, etc. Thế nhưng, Balzac đã ngay lập tức ngưỡng mộ Saint-Martin, kẻ thù của các nhà Bách Khoa Thư, thay vì Voltaire hay Rousseau.

Nhân vật nào cùng thế hệ với Balzac có tầm vóc văn chương lớn nhất, ít nhất được coi là nhà văn lớn nhất của một thời, của "chủ nghĩa lãng mạn Pháp", của thế kỷ 19? Đương nhiên đó là Victor Hugo. Và không một điều gì không nói lên rằng, Hugo là người hoàn toàn thuộc về thời ấy.

Ta có Balzac sinh năm 1799 (hãy nhớ kỹ điều này: Balzac sinh ngày 20 tháng Năm năm 1799 tại thành phố Tours). Ta có Hugo và Alexandre Dumas đều sinh năm 1802. Như thể Balzac kẹp vào giữa hai cặp nhân vật (tổng cộng: bốn) về sau sẽ có hậu thế vô cùng huy hoàng, theo đủ mọi cách khác nhau. Bởi vì không chỉ có Hugo và Dumas đều kém Balzac ba tuổi. Ta có cùng một lúc hai nhân vật rất lớn sinh năm 1798, hơn Balzac một tuổi: Auguste Comte và Jules Michelet.

Cái nhìn về đầu thế kỷ 19 bắt đầu trở nên rõ hơn nhiều, nếu xếp được các nhân tố chính yếu (các nhân tố chính yếu thì chứa đựng yếu tính, có vẻ như vậy, ít nhất thì cũng nên hy vọng chuyện là như vậy) vào đúng chỗ: Balzac kẹp vào giữa cặp Comte-Michelet và cặp Hugo-Dumas, thêm vào đó, ta lại còn có thêm một cặp cùng sinh năm 1804, cũng vô cùng nổi tiếng: George Sand và Sainte-Beuve.

Trong số bảy nhân vật trên đây, người nào thoát khỏi thời đại, nhưng lại nhìn sâu nhất được vào thời đại của họ? Tôi nghĩ đó chính là Balzac.

Và tại sao lại như vậy? Chính là vì Balzac đặt vào giữa mình và thời đại của mình một khoảng cách. Khoảng cách đó bắt nguồn từ đâu? Từ chính độ lớn khủng khiếp, phì đại, không thể tưởng tượng nổi, phi lý, vô cùng phi lý, của bộ tiểu thuyết. Nó bóp nghẹt, nó chiếm hết chỗ, và, rất nghịch lý, nó bắt đầu tạo ra khoảng cách giữa người tạo ra nó và những gì người đó hướng đến. Vở kịch con người có một ý nghĩa như thế. Và ở đây, ta càng thấy rõ hơn, nó không thể có chút quan hệ nào với "cuộc đời", để mà có thể được gọi là "Tấn trò đời".

Balzac, đó là: l'art d'être grand sans tomber dans le grandiose. Văn chương của Balzac hùng biện, văn chương của Balzac hướng tới cái kỳ vĩ, đúng. Nhưng đó chỉ là một mặt. Luôn luôn có mặt bên kia, trong thế giới của Balzac, thế giới mà Balzac tạo ra, ở một khoảng cách so với thế giới của La Comédie humaine, một "mặt bên kia", envers, như thể hiện rất rõ ở kia.

Còn Victor Hugo? Victor Hugo là một sự ở trong hoàn toàn. Cũng một "grandiose", nhưng rất khác, nếu so với Balzac.

Tại sao vinh quang hậu thế của Hugo lớn đến vậy? Vì văn chương? tất nhiên, nhưng điều đó đâu có là gì? Hugo vinh quang đến vậy là bởi hình ảnh do Hugo tạo ra tương ứng chuẩn xác với huyễn tưởng con người phóng chiếu vào văn chương. Người ta tưởng rằng phải như thế.

Một trong những hình ảnh mơn trớn nhiều nhất cho hình dung về văn chương của con người nằm trong hiện thân Hugo. Một Hugo khác về sau, ta thử tìm xem: đó chính là Albert Camus. Thêm một ví dụ: đó chính là Tố Hữu. Nếu không có Hugo từ trước, Camus là không thể, và Tố Hữu cũng là không thể nốt.


Hehe, đã tìm ra một "mạch". Sẽ còn viết tiếp về riêng vấn đề này. Tạm thời thế cái đã.




XIII. Vĩnh biệt
XII. Một người con gái của Eva
XI. Rực rỡ và khốn cùng của kỹ nữ
X. Ursule Mirouët
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)

(phần 3)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac

4 comments:

  1. nghĩ hay! nhưng thí dụ như đoạn tả Napoleon ( Người phụ nữ tuổi ba mươi nhỉ? ) với cuộc duyệt binh, gieo một ấn tượng "trực họa" và thấu suốt, rất là "đương thời" chứ nhỉ?
    liệu có phải Balzac có chính cái đôi mắt lạnh lùng của Hoàng đế ko?

    ReplyDelete
  2. ở chỗ này chắc cần lấy Hugo ra làm căn cứ và so sánh, để mai viết nốt cái này :p bắt đầu thấy rõ hơn rồi (vả lại, tại sao các miêu tả của Hugo, hay rộng hơn là "trường phái hugothique", chỉ cần qua tuổi trẻ con là bắt đầu thấy rất ngu?)

    ReplyDelete
  3. chừng nào cái "ngu" đó chưa làm phiền các homo sapiens :))
    mệnh đề về văn chương Balzac rất khơi gợi. có vẻ nó cho biết một yếu tính vật lý của văn chương: để không "rơi vào," thì hẳn, bằng cách nào đấy, phải biết về gia tốc trọng trường.

    ReplyDelete
  4. nếu nói huyễn tưởng con người phóng chiếu vào văn chương thì có lẽ không thể thiếu cái tên Nguyễn Nhật Ánh

    ReplyDelete