Trong rất, rất nhiều năm, tôi không đọc lại Madame Bovary; ngay sau đây, tôi sẽ nói một điều báng bổ, thậm chí vô cùng báng bổ: tôi thấy Bovary chán khủng khiếp, hơn thế nữa, đối với tôi, trong một thời gian cực dài, đó là thứ kém nhất mà Flaubert từng viết. Điều ấy, ngoài một số chuyện khác, thật ra muốn nói lên rằng tôi thuộc về phía bên kia, cái phía của L'Éducation sentimentale và Bouvard et Pécuchet, sẵn sàng bỏ Bovary lại ở phía bên này.
Trước khi tiếp tục câu chuyện, một câu hỏi hẳn đã trở nên hết mức nhàm chán: ở Việt Nam có chuyên gia về Flaubert hay không? Chuyên gia về Flaubert nghĩa là, để tiện hình dung, có thể viết về Flaubert giống như Mario Vargas Llosa từng viết, xem ở kia. Tôi sẽ không trả lời câu hỏi ấy (thóc đâu mà đãi gà rừng lắm thế), mà sẽ chỉ nêu một nhận xét: không khác mấy ở trường hợp Balzac, Flaubert không hề thiếu ở Việt Nam. Từng có ít nhất hai bản dịch tiếng Việt Bà Bovary, từng có ít nhất hai bản dịch tiếng Việt Salammbô và từng có ít nhất hai bản dịch tiếng Việt Trois contes (ít nhất là cái truyện về "Julien"). Nhưng dường như (gần như chắc chắn) chưa bao giờ có bản dịch L'Éducation sentimentale, chưa bao giờ có bản dịch Bouvard et Pécuchet, chưa bao giờ có bản dịch Saint-Antoine, và chắc chắn chưa bao giờ có cái gì thuộc phần "Correspondance" của Flaubert.
Mỗi cuộc đọc lại phải là một phát hiện mới. Mallarmé nói, ai cũng biết Racine, ai cũng biết Phèdre của Racine kể chuyện gì, nhưng chỉ các nghệ sĩ mới đọc lại Phèdre của Racine, vì (điều này là tôi muốn nói thêm) chỉ với các nghệ sĩ Racine mới là xa lạ. Racine không thân thuộc, vì Racine không thể trở nên thân thuộc được. Sự thân cận giết chết giá trị và ý nghĩa. Sự thật cần khoảng cách (Nietzsche).
(Phèdre là thêm một nhất thiết nữa, nếu muốn đi được vào thế giới của À la recherche du temps perdu; nhưng tại sao Marcel Proust lại khó thế? thì là bởi vì Proust chính là con đường Pháp, là vòng tròn Pháp; vả lại, những ai, thậm chí, đã đọc hết À la recherche du temps perdu rồi, mà chưa đọc lại bao giờ, thì cũng là chưa đọc: về đọc lại Proust, xem ở kia)
Tóm lại, rốt cuộc đến một ngày tôi đã đủ can đảm đọc lại Madame Bovary, giữa quãng thời gian ấy tôi đã đọc không biết bao nhiêu lần L'Éducation sentimentale và Bouvard et Pécuchet.
Mọi cuộc đọc lại ngoài chuyện phát hiện còn phải là một tiếng sét. Tình yêu sét đánh ư? đúng, nhưng vấn đề là sét phải đánh đi đánh lại không bao giờ ngừng ấy chứ, một phát rồi thôi thì có ý nghĩa quái gì?
Dưới đây là incipit của Madame Bovary, câu đầu tiên:
"Nous étions à l'étude, quand le Proviseur entra, suivi d'un nouveau habillé en bourgeois et d'un garçon de classe qui portait un grand pupitre."
Câu mở đầu Anna Karenina được quan tâm nhiều như thế nào, và có dáng vẻ rực rỡ như thế nào thì câu mở đầu Madame Bovary nhợt nhạt như thế. Đại ý câu trên (cho những người, mà tôi hy vọng là hiếm hoi, còn chưa bao giờ đọc Bovary): bọn trẻ con đang học thì giám thị dẫn tới một học sinh mới, đi theo đuôi còn có một người vác theo "pupitre" (puy-pít).
Câu ngay tiếp theo đó, và cũng khép lại paragraph đầu tiên, sống động hơn nhiều:
"Ceux qui dormaient se réveillèrent, et chacun se leva comme surpris dans son travail."
(Những đứa nào đang ngủ choàng tỉnh, đứa nào cũng đứng bật dậy như thể bị bắt chợt trong lúc đang học bài.)
Hai câu này có một mối tương quan tạo nên cân xứng - tức là cấu trúc. Flaubert có một ám ảnh tỉ mẩn lừng danh lịch sử - sự tỉ mẩn theo tôi chỉ có thể so sánh với Céline, đúng, chính Céline, mà người ta cứ hay nghĩ là viết một thứ "ngôn ngữ nói", thế nhưng Céline tự nói (và tôi nghĩ là nói rất đúng) là mình phải viết 80.000 trang để có 800 trang bản thảo cuối cùng cho một cuốn sách.
Sự cân xứng ấy nằm ở "imparfait" - Flaubert trước hết gây nghi hoặc to lớn vì cách sử dụng "thời ngữ pháp" imparfait.
Câu đầu tiên có hai "imparfait", "étions" và "portait", cộng thêm một "passé simple" (đây là thời phổ biến nhất trong văn tự sự tiếng Pháp): "entra".
Câu thứ hai đảo ngược, hai passé simple và một imparfait. Và cả hai câu, vẫn ở phương diện động từ, dùng rất nhiều "participe", điều này tạm bỏ qua.
Cách dùng "imparfait" của Flaubert được phân tích thành cả núi sách vở, nhưng có thể tóm tắt rằng "imparfait" thông thường để "miêu tả" thì ở Flaubert, nó không hoàn toàn "miêu tả" mà có thể là "hành động", là cái thông thường vẫn được "passé simple" đảm trách (incipit của À la recherche du temps perdu lại là một ca lớn nữa, vì đột nhiên Proust không dùng passé simple mà sử dụng một nhát passé composé gây xao xuyến kinh điển).
Tôi nghĩ, dường như Flaubert, trong sự chế nhạo thường trực của mình, sự chế nhạo lắng rất sâu, cho thấy rằng, bố tiên sư bọn hâm, miêu tả và hành động đâu có khác nhau như chúng mày tưởng.
"Tiểu Thuyết Mới", cái "phong trào" rởm đời hạng nhất, Alain Robbe-Grillet các thứ (Céline gọi là "Robe Grillée", cái váy bị cháy), sử dụng miêu tả (descriptif) tràn ngập.
Những ai học ngành văn chương tại Pháp trong vòng ba mươi năm vừa rồi đều đã phải lội qua cái thứ "descriptif" này, tôi từng phải qua một bài thi liên quan đến chính nó, déictique, lieu, milieu, naturel etc., bố tiên sư, và ai cũng biết rằng Philippe Hamon là chuyên gia hạng nhất về "descriptif"; Hamon là giáo sư hướng dẫn của một thằng bạn tôi, Alexandre - bây giờ mày thế nào rồi?
Nhưng, ai đã đọc Louis Lambert của Balzac đều thấy ngay rằng hai câu làm nên paragraph đầu tiên Madame Bovary chính xác đã xuất hiện ở thế giới của Balzac, khi Louis Lambert xuất hiện tại trường Vendôme. Đoạn tiếp sau của Bovary còn cho thấy rõ hơn nữa: đây cũng là một thằng bé "nhà quê" (mặc dù câu đầu miêu tả nó "ăn mặc kiểu tư sản"), nó cũng là một thằng lớn (chừng mười lăm tuổi) và lẽ ra nó phải vào phân khu "Lớn" nhưng lại bị nhét vào phân khu "Bé", chính xác hơn là "lớp năm", đợi xem nó thể hiện khả năng như thế nào, nếu ngon thì sẽ chuyển lên khu "Lớn".
Tiểu thuyết quan trọng đầu tiên của Flaubert, trước hết, là một viết lại Balzac. Thế nhưng, chuyện chưa dừng ở đó: Louis Lambert chính là khi Balzac kể chuyện chính mình, vậy nên, khi Flaubert hướng vào Louis Lambert, thì ngoài chuyện hướng vào văn chương Balzac, đó còn là hướng thẳng vào chính bản thân Balzac. Không ai ngờ vực rằng Balzac tự kể câu chuyện của chính mình trong Louis Lambert.
Thế nhưng, tất nhiên, vẫn chưa hết, cứ như là "anodin", là chẳng gì hết, Madame Bovary có một "phụ đề", và đó là "Moeurs de province": Phong hóa tỉnh. Cứ như thể Flaubert cho rằng phần "Scènes de la vie de province" (loạt các "cảnh" về cuộc sống ở tỉnh, thuộc các "ê-tuýt phong hóa" của Vở kịch con người; phần này chứa đựng những kiệt tác lớn của Balzac) cần phải được viết lại. Đó, chính đó, là tham vọng văn chương.
Flaubert chết sau Balzac 30 năm, như tôi đã nói ở kia. Và Flaubert sinh sau Balzac 22 năm. Đây chính là khoảng cách đáng sợ nhất: khoảng cách chính xác giữa hai thế hệ kế tiếp nhau. Thế nhưng, nếu Flaubert tự biết là mình lớn, thì còn có cái đích ngắm nào khác đây, ngoài Balzac? Sẽ hết sức nực cười nếu nghĩ Flaubert sẽ tấn công (tất nhiên, theo cách riêng của mình) Hugo hay Dumas. Tuy nhiên, Balzac, ở thời của mình, đã ngắm ngay vào Chateaubriand cũng như bà de Staël, hai nhân vật chính xác thuộc cùng một thế hệ, thế hệ đi trước Balzac.
Balzac khiến Louis Lambert xuất hiện ở lớp học với tư cách "học sinh mới" - trong câu đầu Madame Bovary, chính từ "học sinh mới" này được in nghiêng - huy hoàng như thế nào, thì Flaubert tạo ra một sự xuất hiện tầm phào ghê gớm đến thế. Flaubert, ở một khía cạnh quan yếu, là Balzac trừ đi sự rực rỡ của chủ nghĩa lãng mạn giai đoạn đầu. Chủ nghĩa lãng mạn của Flaubert (đừng quan tâm đến "chủ nghĩa tự nhiên" các thứ) là một chủ nghĩa lãng mạn của sự tầm thường, trong tương quan với chủ nghĩa lãng mạn huy hoàng và rất hùng biện của Balzac.
Tôi từng nói đến "nỗi ám ảnh Proust" ở Céline: và, cứ như thể là tình cờ, Proust sinh năm 1871, Céline sinh năm 1894, tức là Céline kém Proust đúng 23 tuổi. Thêm một "khoảng cách đáng sợ" nữa. Proust là hạnh phúc ư? vậy thì Céline sẽ là bất hạnh (tất nhiên, chuyện không đơn giản đến mức ấy, nhưng có thể nghĩ đại khái thế).
Tôi tìm thấy vô số dấu vết của Proust, ở mọi dạng, trong các tiểu thuyết của Céline, và tôi cũng tìm thấy vô số dấu vết của Balzac, cũng ở mọi dạng, trong các tiểu thuyết của Flaubert. Những dấu vết như thể tẩm thuốc độc. Mìn đấy.
Bouvard và Pécuchet từng bình luận văn chương Balzac. Sénécal, nhân vật "vô sản" của L'Éducation sentimentale dè bỉu Balzac, nhưng Frédéric Moreau cũng của L'Éducation sentimentale thì tuyên bố, khi ở độ tuổi hai mươi, rằng mình chỉ thích "phụ nữ tuổi ba mươi". Điều này như thể giải thích mối quan hệ mà Frédéric có với bà Arnoux và bà Dambreuse.
Và, quay trở lại với câu đầu tiên Madame Bovary: mệnh đề đầu tiên: "Nous étions à l'étude"; cứ như là tình cờ, ta gặp lại từ "étude" vang và bóng đến thế từ một dĩ vãng balzacien, ở nghĩa thứ tư của nó: nghĩa thứ nhất là nghiên cứu, học tập, và các nhà dịch thuật Việt Nam đã nắm lấy nghĩa này khi dịch các "étude" thành "khảo luận"; nghĩa thứ hai là một bản "étude" trong âm nhạc; nghĩa thứ ba, ta có "étude de notaire" hay "étude d'avoué", nghĩa là văn phòng, cũng có thể hiểu là chức vụ, của chưởng khế hay trạng sư, là thứ có thể mua được nếu đủ bằng cấp và nhất là nếu có đủ tiền; và nghĩa thứ tư, là phòng học nhóm tại các trường học Pháp.
Và, cứ như là tình cờ, Balzac nhắm vào quý tộc, Flaubert nhắm vào tư sản, Proust nhắm vào cả quý tộc và tư sản, còn Céline nhắm vào "vô sản".
đọc blog này mới để ý bác nhị linh prolific cỡ nào, sức lao động thật đáng nể
ReplyDeletecó lẽ những "khoảng cách" và "hành động" bạn NL kể trên kết và nối thành cái được gọi là cấu trúc của tồn tại. nếu thế, thật buồn cho những cái tồn tại ko cấu trúc.
ReplyDeletenhưng mọi thứ gì, nếu tồn tại, đều tồn tại bởi và bằng cấu trúc của nó, điều này là không ngoại lệ, cho nên chuyện "buồn" hay "đáng buồn" không cần đặt ra :p
ReplyDeletengược lại, từ đó có thể dễ dàng thấy rằng những thứ tưởng chừng "hỗn loạn" chỉ hỗn loạn trong phạm vi chưa tìm ra được một perspective đúng
trong văn chương, Raymond Carver tạo ra một trong những ca khó nhất, đặc biệt nhất về cấu trúc, chưa ai nhìn ra được đâu, thử sức đi :p
vụ flaubert viết lại balzac không thuyết phục
ReplyDeletecó một điều bí mất nho nhỏ là tôi không định thuyết phục ai về cái gì
ReplyDeletethêm một điều nho nhỏ: có mù mới không thấy ở "Bovary" dấu vết của, ngoài "Louis Lambert", ít nhất "Le Médecin de campagne" và "Ursule Mirouët"
tất nhiên đấy là giả dụ có đọc