May 21, 2014

Những mối quan hệ nguy hiểm, Laclos (phần 1)

[thư I-thưXXIV]


NHỮNG MỐI QUAN HỆ NGUY HIỂM

hay

Những Bức Thư
được tuyển lục trong một xã hội
và xuất bản để huấn thị cho vài xã hội khác


“Tôi đã thấy phong hóa của thời đại tôi, và tôi đã xuất bản những bức thư này.*
J.-J. ROUSSEAU
(Lời tựa cho Nàng Héloïse mới)

* Theo bản dịch Juyli hay Nàng Êlôidơ mới của Hướng Minh, NXB Văn học, 1981.



NHÀ XUẤT BẢN KÍNH CÁO

Chúng tôi cho rằng cần khuyến cáo Độc Giả rằng, mặc dù nhan đề Tác Phẩm và những gì Người Chấp Bút nói trong Lời Tựa của mình, chúng tôi không đảm bảo độ chân thực của Tuyển Lục này, thậm chí chúng tôi còn có những lý do nhiều cơ sở để nghĩ rằng đây chỉ là một cuốn Tiểu Thuyết.

Thêm vào đó, chúng tôi thấy dường như Tác Giả, tuy có vẻ đã đi tìm sự giống thực, đã tự tay phá bỏ sự giống thực ấy đi, theo một cách thức thật vụng về, nếu xét theo thời kỳ ông đặt các sự kiện trong sách. Quả thật, nhiều nhân vật ông dựng nên có phong hóa quá sức tồi tệ đến nỗi không thể nào nghĩ họ từng sống cùng thế kỷ với chúng ta; cái thế kỷ của triết học này, nơi các luồng ánh sáng tỏa rạng muôn phương, đã khiến cho, điều này ai cũng biết, mọi đàn ông trở nên trung hậu và mọi đàn bà trở nên khiêm cung và nết na.

Vậy nên ý kiến của chúng tôi là nếu những cuộc phiêu lưu được thuật lại trong Tác Phẩm này được dựa trên sự thật, thì những cuộc phiêu lưu ấy hẳn là chỉ có thể diễn ra tại những nơi khác hoặc vào thời đại khác; và chúng tôi kịch liệt lên án Tác Giả vì dường như ông đã bị lôi cuốn bởi niềm hy vọng thu hút nhiều người đọc hơn nên mới để câu chuyện xảy ra gần đến vậy với thế kỷ của ông và đất nước của ông, bởi vậy ông đã cả gan cho xuất hiện những phong hóa xa lạ đến vậy với chúng ta dưới lớp vỏ tập quán của chúng ta, những thói quen của chúng ta.

Ít nhất là trong vòng thẩm quyền của mình, để phòng ngừa giúp Độc Giả quá mức cả tin trước tất cả những nỗi kinh ngạc trong chủ đề này, chúng tôi xin được đặt ý kiến của mình dựa trên một lập luận mà chúng tôi xin tin tưởng trình bày với quý Độc Giả ấy, bởi lập luận này dường như đầy vẻ vang và hết sức thuyết phục; đó là: chắc hẳn cùng nguyên nhân thì sẽ có chung các hệ quả, thế mà ngày nay chúng tôi đâu có thấy Quý Cô nào có sáu mươi nghìn quan lợi tức lại đi làm Nữ Tu, cũng chẳng bao giờ thấy Bà Chánh Tòa trẻ trung và xinh đẹp nào bị chết vì sầu muộn.



PHẦN MỘT

Thư I

CÉCILE VOLANGES GỬI SOPHIE CARNAY ở Tu Viện dòng Ursulines tại

Chị thấy đấy, chị yêu quý, em đã giữ lời, và đâu có phải em tiêu tốn hết thời gian vào mấy chuyện áo xống điểm trang; em sẽ vẫn luôn luôn dành thời gian cho chị. Thế nhưng chỉ duy nhất hôm nay thôi em đã thấy nhiều đồ trang sức hơn bốn năm chị em ta ở bên nhau; và em nghĩ Tanville* mỹ lệ sẽ phải sầu khổ lắm khi nào đến thăm em, em sẽ yêu cầu chị ấy đến, hơn nhiều so với chị ấy từng tưởng gây cho chúng ta tất cả những lần chị ấy ăn vận diêm dúa đến gặp chúng ta. Mẹ em đã hỏi ý kiến em về mọi thứ; bà đã bớt hẳn coi em là học sinh trường dòng như trước đây rồi. Em có riêng một Cô Hầu Phòng; em có phòng riêng và một bàn trang điểm toàn ý sử dụng, và em đang viết thư cho chị từ một cái bàn có ngăn kéo rất xinh, chìa khóa em giữ, trong đó em có thể cất tất cả những gì em muốn giấu kín. Mẹ đã bảo em hằng ngày đến vấn an bà lúc bà ngủ dậy; em chỉ cần sửa soạn đầu tóc cẩn thận cho bữa tối, bởi vì lúc nào cũng chỉ có hai mẹ con em mà thôi, và rồi thì hôm nào bà cũng sẽ bảo em giờ nào phải đến chỗ bà trong buổi chiều. Phần thời gian còn lại em cứ tùy ý, và em có cây đàn thụ cầm của em, tranh vẽ của em và những quyển sách như hồi còn ở Tu Viện; khác mỗi ở chỗ Mẹ Perpétue không có ở đây để quở mắng em, và em được mặc sức quyết định chẳng bao giờ thèm làm gì; nhưng bởi không có chị Sophie để hàn huyên và để cười đùa, thành ra em thấy thà phải bận bịu như thế còn hơn.

Vẫn chưa đến năm giờ; bảy giờ em mới phải đến chỗ Mẹ: còn tha hồ thời gian, nếu em có điều gì để kể cho chị! Nhưng người ta vẫn chưa nói gì với em hết cả; nếu không có những sửa soạn mà em thấy đang được làm, và cả đống Cô Thợ đến chỉ để phục vụ một mình em, thì hẳn em đã cho rằng người ta chẳng hề nghĩ đến chuyện cưới chồng cho em, và rằng đó lại là thêm một trò lẩm cẩm nữa của Joséphine** chất phác. Tuy nhiên Mẹ vẫn thường xuyên bảo một Tiểu Thư thì phải ở Tu Viện cho đến khi nào đi lấy chồng, và rằng vì mẹ đã cho em ra khỏi đó, cho nên chắc hẳn Joséphine đã nói đúng.

Vừa có một cỗ xe ngựa dừng lại ngoài cửa, và Mẹ cho người sai em đến chỗ bà ngay bây giờ. Nếu đó là Ông Ấy thì sao? Em còn chưa mặc quần áo đẹp, tay em run lên và tim đập thình thịch. Em đã hỏi Cô Hầu Phòng xem có biết ai đang ở chỗ Mẹ không: “Thì, cô ta bảo em, chính là Ông C*** đấy thôi.” Rồi cô ta cười. Ôi chao! em nghĩ là ông ấy đấy. Chắc chắn em sẽ quay về kể cho chị chuyện sẽ xảy ra. Tên ông ấy vẫn vậy. Không được để người khác đợi lâu. Tạm biệt chị nhé, hẹn chị một chốc nữa thôi.

Chắc là chị sẽ chế nhạo Cécile tội nghiệp của chị ghê lắm đây! Ôi! em đã ngượng làm sao! Nhưng chắc là chị cũng sẽ bị hố giống em thôi. Lúc bước vào chỗ Mẹ, em đã thấy một Ông vận đồ đen đứng sẵn ở đó, ngay gần Mẹ. Em đã chào kính cẩn hết mức mà em có thể, và em cứ ở yên đó không sao nhúc nhích cho nổi. Chị cũng đoán được em đã săm soi ông ấy như thế nào! “Thưa bà”, ông ấy nói với Mẹ trong lúc chào em, “một Tiểu Thư mới duyên dáng làm sao, và hơn bao giờ hết tôi thấu hiểu bà tốt đến nhường nào.” Nghe câu nói khích lệ quá, em run lên đến nỗi không sao đứng vững nổi nữa; em tìm được một cái ghế bành và ngồi xuống đó, đỏ lựng mặt và rối trí cùng cực. Em vừa ngồi xuống thì người đàn ông ấy đã quỳ xuống trước đầu gối em rồi. Thế là Cécile tội nghiệp của chị quay cuồng đầu óc ngay; em đã, như Mẹ nói ấy, phát hoảng cả lên. Em đứng bật dậy, hét toáng lên; … kìa, giống như hôm trời nổ sấm ấy. Mẹ phá lên cười và bảo em: “Nào, nào! con làm sao thế hả? Ngồi xuống đi và chìa chân cho Ông đây đi.” Hóa ra, chị yêu quý ạ, Ông Ấy là một Thợ Giày. Em không thể nói cho chị biết mình ngượng ngùng đến thế nào: thật may mắn là chỉ có mỗi Mẹ ở đó. Em nghĩ rằng chừng nào lấy chồng, em sẽ không dùng cái ông Thợ Giày ấy nữa.

Hãy công nhận với em là chúng ta rõ thật khôn ngoan! Tạm biệt chị nhé. Đã gần sáu giờ rồi, và Cô Hầu Phòng bảo em phải mặc quần áo đẹp. Tạm biệt chị nhé, Sophie thân mến; em yêu chị như vẫn còn ở Tu Viện ấy.

T.B. - Em chẳng biết phải nhờ ai chuyển hộ Bức Thư này: thế nên em sẽ chờ Joséphine đến.

Paris, 3 tháng Tám 17**

* Tên một nữ sinh trường dòng khác cùng Tu Viện.
** Bà xơ phụ trách các công việc bên ngoài Tu Viện.


Thư II

NỮ HẦU TƯỚC DE MERTEUIL GỬI TỬ TƯỚC DE VALMONT ở Lâu Đài

Về đây đi, Tử Tước thân mến, về đây đi: anh làm gì thế, anh có thể làm gì ở nhà một người bà già nua mà tất cả tài sản đã được để lại cho anh? Đi khỏi đó ngay; tôi đang cần anh. Tôi vừa nảy ra một ý tưởng tuyệt vời, và tôi muốn bàn với anh việc thực thi nó. Chắc vài lời như thế này là đủ rồi; và, vì quá vinh hạnh được tôi chọn, anh sẽ phải đến thật gấp, quỳ gối mà nhận mệnh lệnh của tôi: nhưng anh đang lạm dụng lòng tốt của tôi đấy, ngay cả khi anh đã thôi không được sử dụng nó từ lâu rồi; và trong sự dùng dằng giữa một niềm căm hận vĩnh viễn hay một sự bao dung quá đà, niềm hạnh phúc của anh vẫn mong muốn lòng tốt của tôi được chiến thắng. Thế nên tôi rất muốn thông báo cho anh về các dự đồ của tôi: nhưng hãy lấy danh dự Hiệp Sĩ trung thành ra mà thề với tôi rằng anh sẽ không theo đuổi cuộc phiêu lưu nào trước khi kết thúc cuộc phiêu lưu này đã. Nàng ta xứng với một Anh Hùng: anh sẽ được phụng sự tình yêu và sự trả thù: sau rốt đó sẽ là một vụ trăng hoa nữa để anh thêm vào Hồi Ký: đúng, trong Hồi Ký của anh, bởi vì tôi muốn ngày nào đó nó sẽ được in ra, và tôi sẽ chấp bút cho nó. Nhưng hẵng để chuyện đó lại sau, giờ ta quay về với mối bận tâm của tôi đã nhé.

Bà de Volanges đang muốn cưới chồng cho con gái: đây vẫn còn là một bí mật; nhưng hôm qua bà ấy đã báo cho tôi. Và anh có tin nổi là bà ta chọn ai làm con rể không? Là Bá Tước de Gercourt đấy. Ai dám bảo có ngày tôi sẽ trở thành họ hàng với de Gercourt? Vì chuyện đó mà tôi đang nổi xung lên đây!… Nào! anh còn chưa đoán được à? ôi! trí óc anh sao mà chậm chạp! Anh đã tha thứ cho hắn về cuộc phiêu lưu với Bà Giám Quản rồi ư*? Còn tôi, tôi lại chẳng có nhiều điều hơn để phàn nàn về hắn ư, cái đồ quái vật nhà anh? Nhưng tôi hạ hỏa đây, và niềm hy vọng trả được mối thù khiến tâm hồn tôi dịu lại.

Anh đã phải bực bội cả trăm lần, giống như tôi, về tầm quan trọng mà Gercourt đặt lên cho người đàn bà mà hắn sẽ có, và về sự đoan chắc ngu xuẩn khiến hắn tin rằng mình sẽ thoát được khỏi số phận không thể tránh khỏi. Anh đã biết sự đề phòng nực cười của hắn đối với sự giáo dục trong tu viện kín rồi đấy, cả định kiến của hắn, lại càng nực cười hơn, ủng hộ phải nhốt đám con gái tóc vàng lại. Quả thật, tôi sẵn sàng đánh cược rằng, mặc cho sáu mươi nghìn quan tiền lợi tức của con bé Volanges, hắn sẽ chẳng bao giờ đâm đầu vào cuộc hôn nhân này, nếu như con bé tóc nâu, hoặc giả chưa từng bao giờ sống ở Tu Viện. Vậy nên ta hãy chứng tỏ cho hắn thấy rằng hắn chỉ là một thằng ngu: chắc hẳn rồi sẽ đến ngày hắn biết như vậy thôi; điều đó thì tôi chẳng hề nghi ngờ; nhưng sẽ thật hay ho nếu mọi chuyện bắt đầu từ đây. Ta sẽ vui thích nhường nào vào ngày hôm sau khi nghe hắn tự tán tụng! bởi vì hắn sẽ tự tán tụng; và rồi, nếu một khi anh đào tạo cho cái con bé ấy, sẽ chẳng thể có chuyện gã Gercourt kia không trở thành câu chuyện cười của cả Paris, giống bao kẻ khác.

Thực tình, Nữ Nhân Vật Chính của cuốn Tiểu Thuyết mới này xứng đáng được anh chăm lo hết sức mình: con bé thực sự rất xinh; nó lại mới tròn mười lăm, một nụ hồng mới hé; vụng về, thật là thế, vụng lắm, và chưa hề biết làm điệu: nhưng, đàn ông các anh, các anh đâu có ngại điều đó; thêm nữa, lại có một ánh mắt trễ nải hứa hẹn thật nhiều: hãy thêm vào đó là tôi đề cử nó cho anh; anh chỉ còn phải làm một việc là cảm ơn tôi và nghe theo lời tôi nữa mà thôi.

Sáng mai anh sẽ nhận được Bức Thư này. Tôi đòi hỏi anh, ngày mai vào lúc bảy giờ tối, phải có mặt ở nhà tôi. Tôi sẽ không tiếp ai cho đến tám giờ, kể cả Hiệp Sĩ đương nhiệm cũng không tiếp: anh ta không đủ đầu óc cho một vụ lớn như thế này. Anh thấy rõ là tình yêu không làm tôi quáng mắt rồi nhé. Tám giờ tôi sẽ trả lại tự do cho anh, và mười giờ anh sẽ quay trở lại dùng bữa đêm với cái tạo vật đẹp đẽ; bởi vì bà mẹ và cô con gái sẽ tới nhà tôi ăn bữa đêm. Tạm biệt, đã quá ngọ rồi: tôi sắp không còn đoái hoài đến anh rồi.

Paris, 4 tháng Tám 17**

* Trước đây, Bá Tước de Gercourt từng bỏ Nữ Hầu Tước de Merteuil để theo Bà Giám Quản tên là ***, còn Bà Giám Quản thì bỏ Tử Tước de Valmont; chính đó là lúc Valmont và Merteuil bắt đầu liên kết với nhau.


Thư III

CÉCILE VOLANGES GỬI SOPHIE CARNAY

Em vẫn chưa biết gì hết cả, chị yêu quý ơi. Hôm qua Mẹ tiếp rất nhiều khách khứa trong bữa đêm. Em đã thấy thật buồn chán mặc dù rất háo hức nhìn ngó, nhất là đám đàn ông. Đàn ông cũng như phụ nữ, ai cũng hay nhìn em, rồi sau đó họ thì thầm vào tai nhau; em thấy rõ là họ xì xào về em: điều đó khiến mặt em đỏ lựng lên; em không sao ngăn nổi mình đỏ mặt. Mà em hết lòng mong mình không đỏ mặt, vì em nhận ra rằng những người phụ nữ khác đâu có đỏ mặt những lúc được người khác nhìn; hoặc giả cũng có thể là do họ thoa son, màu đỏ ấy không cho người ta nhìn thấy màu đỏ của sự bối rối; bởi chắc là phải khó khăn lắm mới không đỏ mặt khi có một người đàn ông cứ chằm chằm nhìn ta.

Tối hôm qua điều mà em lo lắng nhất là không biết người khác nghĩ gì về mình. Nhưng em nghĩ mình cũng đã dăm bận nghe thấy từ xinh: nhưng em cũng nghe thấy rất rõ từ vụng; và chắc hẳn sự ấy đúng lắm, vì người nói là một bà họ hàng đồng thời là bạn của Mẹ; thậm chí còn có vẻ như là ngay lập tức bà ấy đã rất thân ái với em. Đó là người duy nhất có nói chuyện với em một chút trong suốt buổi tối hôm qua. Tối mai mẹ con em sẽ dùng bữa đêm ở nhà bà ấy.

Em cũng nghe thấy, lúc đã xong bữa, một người đàn ông, em chắc chắn là nói về em, nói với một ông khác: “Cứ để cho chín đã, rồi tới mùa đông này ta sẽ thấy.” Có lẽ đó chính là người sẽ cưới em đấy; nhưng nếu đúng thế thì còn tận bốn tháng nữa cơ! Em những muốn biết rõ nội tình câu chuyện.

Joséphine đến rồi, bà bảo em là bà đang vội. Thế nhưng em còn muốn kể thêm cho chị một điều vụng nữa của em. Ôi! em nghĩ bà kia nói đúng rồi!

Sau bữa ăn, mọi người chơi bài. Em được xếp ngồi cạnh Mẹ; em chẳng biết là tại làm sao nữa, em đã ngủ thiếp đi gần như ngay lập tức. Một tràng cười rộ lên đánh thức em dậy. Em chẳng biết liệu có phải người ta cười em hay không, nhưng em nghĩ đúng vậy đấy. Mẹ đã cho phép em lui về phòng, em rất mừng vì bà làm vậy. Chị có thể tưởng tượng được rằng lúc đó đã quá mười một giờ rồi không. Tạm biệt, chị Sophie thân yêu của em; hãy luôn luôn yêu quý Cécile của chị. Em đảm bảo với chị là thế giới không vui tươi như chúng ta từng nghĩ đâu.

Paris, 4 tháng Tám 17**


Thư IV

TỬ TƯỚC DE VALMONT GỬI NỮ HẦU TƯỚC DE MERTEUIL ở Paris.

Những mệnh lệnh của bà thật duyên dáng; cách bà ban lệnh lại càng đáng yêu hơn nữa; bà sẽ làm người ta đâm mến mộ sự chuyên chế đấy. Đây chẳng phải lần đầu tiên, bà cũng đã biết, tôi thấy tiếc vì mình không còn là nô lệ của bà; và trong cái lốt quái vật mà bà đoan chắc là đúng với con người tôi, tôi chẳng thể nào không khoái trá những lúc nhớ lại thời bà từng làm tôi vinh dự bằng những cái tên êm tai hơn nhiều. Thậm chí tôi còn thường xuyên muốn lại được hưởng chúng, và rồi cùng với bà, đôi ta chung sức tạo nên một hình mẫu về tình keo sơn cho thiên hạ ngắm. Nhưng còn có những lợi ích lớn hơn vẫy gọi chúng ta; số phận chúng ta là đi chinh phục; ta phải nương theo cái duyên cái số thôi: có thể đến hồi kết của sự nghiệp ta sẽ còn gặp nhau; bởi lẽ, nói ra điều này không phải để chọc giận bà đâu, thưa Bà Hầu Tước vô cùng xinh đẹp của tôi, bà theo sát gót tôi, ít nhất thì cũng phải cùng nhịp bước với tôi; và kể từ khi, bởi hai ta tách khỏi nhau vì hạnh phúc của thế giới, mỗi người chúng ta rẽ một ngả để đi truyền đạo, tôi thấy như thể rằng trong sứ mệnh yêu đương này, bà đã thu nhận được nhiều tín đồ mới hơn cả tôi. Tôi biết rõ nhiệt tâm ở bà, sự say sưa nồng cháy của bà; và nếu vị Chúa kia phán định chúng ta theo các công trình của chúng ta, thì hẳn rồi một ngày bà sẽ trở thành Bà Thánh Bảo Trợ của một thành phố lớn nào đó, còn bạn của bà đây chắc cùng lắm cũng chỉ đến cỡ Thần Làng. Giọng lưỡi này khiến bà sửng sốt, có phải không nhỉ? Nhưng đã tám ngày nay rồi tôi không nghe cũng không nói bằng thứ giọng lưỡi nào khác; và chính là để hoàn thiện hóa ở bộ môn này, tôi tự thấy mình buộc phải không tuân mệnh bà.

Xin bà hãy khoan giận dữ mà hãy nghe tôi nói đây. Hỡi người chứa chấp mọi bí mật trong trái tim tôi, tôi sẽ kể cho bà dự định lớn nhất mà tôi chưa từng bao giờ tạo hình ra nổi. Bà đề nghị tôi làm gì nhỉ? quyến rũ một cô gái trẻ còn chưa nhìn thấy gì, chẳng có hiểu biết gì; là người, có thể nói vậy, sẽ tự giao phó mình vào tay tôi mà chẳng chống cự được chút nào; người mà chỉ cần một lời xưng tụng cũng là đủ để làm cho ngây ngất cả lên, cái người rất có thể được lòng hiếu kỳ dẫn dắt mau chóng hơn cả tình yêu. Hai mươi kẻ khác cũng có thể thành công trong vụ ấy giống như tôi. Dự đồ tôi đang ấp ủ đây thì khác hẳn; nếu thành công tôi sẽ nhận về vinh quang ngang với khoái lạc. Thứ tình yêu chuẩn bị sẵn cho vương miện của tôi, bản thân nó dùng dằng chọn giữa cành lá sim mua và vòng nguyệt quế, hay nói đúng hơn là nó sẽ tụ hội cả hai lại để choàng vinh quang lên chiến thắng của tôi. Ngay cả bà, bà bạn xinh đẹp của tôi ạ, bà cũng sẽ phải dành cho tôi một niềm kính trọng thánh thiện, bà sẽ phải nồng nhiệt mà nói rằng: “Đây chính là con người trái tim tôi sùng kính.”

Bà đã biết Bà Chánh Tòa de Tourvel rồi đấy, lòng mộ đạo của nàng ấy, mối tình thủy chung với chồng, cùng những nguyên tắc cẩn mật. Tôi sẽ tấn công nàng; đó mới là kẻ thù xứng với tôi. Đó là cái đích mà tôi muốn đạt đến:

Ngôi khôi nguyên bằng không đoạt được
Vinh quang thay tôi đã dốc lòng*

Ta được phép trích những câu thơ tồi, nếu đó là thơ của một Thi Sĩ lớn.

Tôi sẽ nói cho bà biết rằng Ông Chánh Tòa đang ở Bourgogne để theo một vụ kiện lớn (tôi hy vọng trong vụ kiến ấy ông ta sẽ hạ gục một kẻ rất quan trọng). Suốt thời gian ấy nửa kia của ông ta ôm tấm lòng không thể khuây khỏa mà sống tình trạng góa bụa đáng buồn ở đây. Ngày ngày là một lễ mi-xa, vài chuyến thăm Người Nghèo trong tổng, sáng ra và tối đến thì cầu nguyện, những chuyến dạo chơi cô độc, những cuộc chuyện trò sùng đạo với bà trẻ tôi, và thảng hoặc là một ván bài Wisk buồn bã, chừng ấy là tất tật trò giải trí của nàng. Tôi đang chuẩn bị cho nàng những trò giải trí hay ho hơn nhiều. Thiên Thần lòng lành của tôi đã chỉ lối cho tôi tới đây, để phụng sự hạnh phúc của nàng và cả hạnh phúc của tôi nữa. Thật là quá đáng! tôi thấy tiếc hai mươi tư tiếng phải hy sinh cho những tính toán thực dụng. Đòi tôi phải quay về Paris là trừng phạt tôi nặng nề lắm đấy! Thật may là cần bốn người để chơi bài Wisk; và bởi nơi đây chỉ có ông Mục Sư giáo xứ, người bà vĩnh cửu của tôi đã thúc ép tôi rất ghê để tôi dành cho nàng vài ngày. Bà đã đoán đúng, tôi nhận lời làm vậy. Bà không thể hình dung nổi kể từ lúc ấy trở đi nàng chiều chuộng tôi dữ dội đến chừng nào đâu, đặc biệt cứ nhất quyết bằng được rằng tôi phải có mặt những lúc nàng cầu nguyện và trong lễ Mi-Xa. Nàng ấy không ngờ được tôi thờ kính vị thần nào ở đó.

Thế là tôi đây, đã bốn ngày nay rồi, lao vào một niềm đam mê thật mạnh mẽ. Bà đã biết tôi ham muốn ghê gớm ra sao, tôi nuốt chửng những trở ngại ra sao: nhưng điều mà bà còn chưa biết, ấy là sự cô độc thêm nếm nhiều thế nào cho mãnh lực của ham muốn. Tôi chỉ còn luẩn quẩn với một ý nghĩ duy nhất; ngày tôi nghĩ đến nó, đêm tôi mơ thấy nó. Tôi rất cần chiếm được người đàn bà này, để tự cứu mình thoát khỏi sự lố bịch vì đem lòng yêu bà ta: bởi làm gì có chốn nào mà một ham muốn bị trái ý không dẫn ta tới được? Hỡi ôi sự nếm trải ngọt lành! Tôi ái ngại cho bà vì niềm hạnh phúc của tôi và nhất là sự ngơi nghỉ của tôi. Ta sung sướng ngần nào khi mà đám phụ nữ tự vệ kém cỏi đến thế! lẽ ra ở bên cạnh họ ta chỉ là những kẻ nô lệ chăm chăm hoảng sợ. Vào lúc này tôi cảm thấy thật biết ơn những người phụ nữ dễ dãi, lẽ dĩ nhiên cảm xúc ấy dẫn tôi đến dưới chân bà. Tôi quỳ gối ở đó để xin được bà tha thứ, và tôi xin dừng Bức Thư quá dài này tại đây. Từ biệt nhé, bà bạn xinh đẹp tuyện trần của tôi: đừng hận tôi đấy.

Từ Lâu đài… 5 tháng Tám 17**

* Hai câu thơ của La Fontaine trong lời đề tặng tập Ngụ ngôn của mình cho Thái Tử Louis de France (con vua Louis IV); có vẻ như 16 câu thơ đề tặng này chưa được dịch sang tiếng Việt, mặc dù đã có nhiều người dịch thơ La Fontaine: Nguyễn Văn Vĩnh, Tú Mỡ, Huỳnh Lý, Nguyễn Đình…


Thư V

NỮ HẦU TƯỚC DE MERTEUIL GỬI TỬ TƯỚC DE VALMONT

Anh có biết, Tử Tước ơi, rằng Bức Thư của anh hỗn hào hiếm thấy đấy, và rằng có nổi giận vì nó hay không là chuyện chỉ liên quan đến mình tôi thôi? nhưng nó chứng tỏ rõ ràng cho tôi thấy là anh đã mất trí rồi, và chỉ điều đó mới cứu anh thoát được cơn thịnh nộ của tôi. Là một người bạn gái rộng lượng và tinh nhạy, tôi đã quên đi lời rủa xả để chỉ bận tâm nghĩ đến mối nguy anh đang mắc phải, và mặc dù phải rất mệt mỏi thì mới cố mà suy nghĩ thấu đáo được, tôi cũng đành phải chiếu cố rằng anh đang rất cần điều đó vào lúc này.

Anh, chiếm được Bà Chánh Tòa Tourvel! nhưng mà sao lại có sự chơi chỏi nực cười như thế nhỉ! Tôi sẵn sàng công nhận rằng trong chuyện này cái đầu óc xấu xa của anh chỉ biết chăm chăm ham muốn những gì mà nó tưởng chừng như sẽ chẳng bao giờ đạt được. Cái người đàn bà ấy là gì nào? có những đường nét cân đối, nếu anh muốn thế thì cũng được đi, nhưng đâu có biểu cảm gì đâu: cũng tàm tạm, nhưng chẳng một tí duyên: lúc nào cũng chỉ chực phá lên cười! rồi lại còn cái cổ ngấn ơi sao là ngấn thế nữa, cằm với thân người bên dưới dính tịt vào với nhau! Chỗ bạn bè tôi nói thật với anh nhé, chẳng cần đến hai ả như thế cũng đủ khiến cho anh đánh mất đi mọi mối trọng thị rồi. Anh hãy nhớ lại cái ngày ả bám riết lấy Saint-Roch, anh từng rất biết ơn tôi vì tôi đã thuật lại cho anh nghe cảnh tượng đó. Tôi như vẫn nhìn thấy ả, chìa tay cho cái con sếu vườn cao nghễu nghện để tóc dài thượt ấy, mỗi bước đi là mỗi bước ả như sắp ngã lăn đến nơi, mặt thì vác ngược lên, và đỏ lựng mặt trước bất kỳ sự trọng vọng nào. Anh nói ai ấy nhỉ: anh ham muốn ả đàn bà đó? Nào, Tử Tước ơi, anh hãy đỏ mặt lên, rồi hồi tâm tỉnh trí đi. Tôi hứa sẽ giữ bí mật cho anh.

Rồi thì, hãy thử tính đến những phiền toái đang đợi sẵn anh! anh sẽ phải chiến đấu với đối thủ như thế nào? một đức ông chồng! Anh không cảm thấy phát nhục nhã khi nghe dù chỉ riêng một từ đó thôi ư? Sẽ xấu hổ chết mất nếu mà anh thất bại! và nữa, vinh quang sẽ ít ỏi ra sao trong trường hợp anh thành công! Tôi xin nói thêm: đừng hoài công hy vọng có chút lạc thú nào ở chuyện ấy. Có thể nào như vậy được với hạng đàn bà trung trinh không? ý tôi muốn nói những mụ đích thực trung trinh ấy: ở ngay giữa khoái lạc mà vẫn khép nép, bọn họ chỉ cho anh được những hứng thú nửa vời. Cái sự buông bỏ bản thân toàn diện ấy, cơn khùng của thèm muốn ấy, nơi khoái lạc được thanh tẩy trong chính sự quá quắt của nó, những châu báu của tình yêu, bọn họ đâu có biết tí ti gì. Tôi dự đoán trước hộ anh luôn đây; ở giả định tốt đẹp nhất, Bà Chánh Tòa của anh sẽ tin nếu đối xử với anh y như với chồng ả thì tức là ả đã làm tất tật mọi điều cho anh, và trong sự cận kề chồng vợ âu yếm nhất, ta vẫn là ta mà đối phương vẫn là đối phương thôi. Ở đây thì còn tệ hơn nhiều; ả trung trinh của anh sùng đạo, và từ cái sự sùng đạo nơi một con mụ phụ nữ đoan chính chỉ chăm chăm kết tội tới một tâm tính trẻ con mãn kiếp thì có mấy hồi. Có thể anh sẽ vượt được cửa ải đó, nhưng anh đừng có tự phụ là phá hủy được nó đi: kẻ đoạt được tình yêu Chúa sẽ không thể làm như vậy đối với nỗi sợ Quỷ; và chừng nào, ôm Tình Nương của anh trong vòng tay, cảm nhận trái tim nàng đập thổn thức, thì đó sẽ là thổn thức vì sợ hãi chứ chẳng phải vì tình yêu. Có thể, nếu anh biết con mụ ấy sớm hơn, thì chắc hẳn anh cũng làm được một điều gì đó với ả đấy; nhưng cái của ấy đã hăm hai mất rồi, và đã lấy chồng được gần đôi năm. Tin tôi đi, Tử Tước ơi, khi một phụ nữ đã chảy sệ đến mức đó, thì phải để mặc ả cho số phận của ả thôi; vĩnh viễn đó sẽ chỉ là một thứ bỉ thử.

Thế nhưng vì cái tạo vật đẹp đẽ đó mà anh cự tuyệt không chịu vâng lời tôi, mà anh tự chôn anh vào nấm mồ của bà trẻ anh, lại còn từ bỏ luôn cuộc phiêu lưu ngọt ngào nhất và thích hợp nhất để mang lại vinh dự cho anh. Định mệnh nào đã khiến cho Gercourt lúc nào cũng chiếm thế thượng phong so với anh thế? Này, tôi nói vậy với anh mà không có chút hậm hực nào đâu nhé: nhưng, vào lúc này, tôi đang định nghĩ rằng anh không xứng được với danh tiếng của anh; nhất là tôi còn định rút đi lòng tin tôi vẫn đặt vào anh. Tôi sẽ không bao giờ quen nổi với cái chuyện đem những bí mật của mình nói cho tình nhân của Bà de Tourvel.

Tuy vậy hãy biết rằng con bé Volanges đã kịp làm điên đảo một tâm trí rồi. Anh chàng Danceny đang phát điên lên vì nó. Anh ta đã hát với nó; và quả thật nó hát hay hơn một Nữ Sinh Trường Dòng thông thường. Chắc anh với chị phải tập hát Song Ca nhiều lắm, và tôi nghĩ con bé sẽ sẵn sàng cho chuyện hòa ca: nhưng tay Danceny này chỉ là một đứa trẻ, anh ta sẽ mất thời gian chơi trò tình ái mà chẳng thu gặt được gì. Còn cái con ranh kia về phần mình khá là hoang dã; và, xem xét cho cặn kẽ, câu chuyện sẽ mãi kém hay ho hơn nhiều so với nếu như phải tay anh: thế nên tôi bực rồi, và chắc chắn tôi sẽ cãi cọ với Hiệp Sĩ khi anh ta tới đây. Tôi khuyên anh ta nên dịu dàng; bởi vì, vào lúc này, cắt đứt với anh ta thì tôi cũng chẳng mất mát gì sất. Tôi chắc chắn rằng nếu mình bỏ phứt anh ta luôn lúc này, anh ta sẽ tuyệt vọng lắm lắm; và chẳng gì khiến tôi vui thú hơn một niềm tuyệt vọng vì tình. Anh ta sẽ gọi tôi là kẻ tráo trở, và cái từ “tráo trở” ấy vẫn luôn luôn làm tôi thích chí; đó chính là, sau từ “tàn nhẫn”, từ êm ái nhất cho đôi tai phụ nữ, mà lại còn đỡ nặng nề hơn. Nói rất nghiêm túc nhé, tôi sẽ lo sao cho vụ đoạn tuyệt này xảy ra. Và thế nhưng anh lại chính là nguyên do đấy! thế nên tôi sẽ bắt lương tâm anh phải vác lấy nó. Tạm biệt nhé. Hãy nhờ Bà Chánh Tòa của anh cầu nguyện cả cho tôi với.

Paris, 7 tháng Tám 17**


Thư VI

TỬ TƯỚC DE VALMONT GỬI NỮ HẦU TƯỚC DE MERTEUIL

Té ra chẳng hề tồn tại một người phụ nữ nào không tận dụng hết mức thứ quyền lực tối cao mà họ đã biết cách giành lấy! Cả bà nữa, người mà tôi vẫn thường gọi là bà bạn bao dung, rốt cuộc bà đã ngừng bao dung, và bà chẳng e dè tấn công thẳng vào đối tượng mà những tình cảm trìu mến của tôi đang hướng tới! Bà mới táo tợn làm sao khi vẽ nên hình ảnh Bà de Tourvel bằng những đường nét như thế!… làm gì có thằng đàn ông nào không lấy tính mệnh mình ra mà đáp trả lại một sự cả gan hỗn xược nhường ấy? có người đàn bà nào khác ngoài bà lại đi bắt nàng phải gánh chịu dù chỉ một chút ít bôi bẩn như vậy không? Xin bà nhé, đừng có bắt tôi phải kinh qua những thử thách ghê người như thế nữa; tôi sẽ không chịu lãnh lấy chúng đâu. Nhân danh tình bạn, hãy đợi cho tới lúc tôi chiếm được người phụ nữ ấy, nếu như bà muốn nói xấu nàng. Bà không biết rằng chỉ lạc thú mới có quyền cởi tấm băng bịt mắt tình yêu thôi à?

Nhưng tôi đang nói gì nhỉ? Bà de Tourvel có cần ảo tưởng không? không; nàng chỉ cần là chính mình thôi là tức khắc đã trở nên khả ái rồi. Bà chê trách nàng ăn vận kém cỏi; điều đó thì tôi tin: mọi thứ đồ điểm trang đều làm giảm giá trị của nàng; mọi thứ che giấu nàng cũng làm nàng xấu đi: phải ở trong sự buông thả của lơ là nàng mới thực sự rực rỡ. Vì trời nóng quá mức ở chỗ chúng tôi đây, chỉ cần nàng cởi bỏ một lớp áo là tôi đã nhìn thấy thân hình thon thả và mềm mại của nàng. Chỉ còn một lần vải mút-xơ-lin mỏng tang che trên cổ nàng, và những cái nhìn vụng trộm nhưng thấu suốt của tôi đã nắm bắt được những tạo hình mê đắm. Khuôn mặt nàng, bà đã nói, không hề biểu cảm. Thế nó biểu cảm gì đây, vào những lúc chẳng có gì chạm tới trái tim nàng? Không, hẳn rồi, nàng không hề có cái ánh mắt điêu trá đôi khi quyến rũ và thường xuyên lừa mị chúng ta như ở bọn đàn bà đỏng đảnh. Nàng không biết lấp đầy khoảng trống trong một câu nói bằng một nụ cười được toan tính từ trước; và mặc dù có hàm răng đẹp nhất trần đời, nàng chỉ cười khi có những thứ làm nàng thấy vui thích. Nhưng phải nhìn cơ, nàng tạo nên một hình ảnh tươi vui ngây thơ và ngay thẳng trong các trò chơi tinh nghịch! tỉ như, ở bên một con người bất hạnh mà nàng sốt sắng cứu vớt, cái nhìn của nàng tuyên cáo niềm vui thuần khiết và sự tốt lành đầy cảm thông! Phải nhìn cơ, nhất là trước bất kỳ lời ca ngợi hay mơn trớn nhỏ nhất nào, trên khuôn mặt thiên hậu của nàng, hiện dần lên cái vẻ bối rối đầy cảm động của một sự khiêm nhường không hề là diễn vở!… Nàng trung trinh và nàng sùng đạo, nhưng từ đó mà bà xét đoán là nàng lạnh lùng trơ khấc ư? Tôi nghĩ khác hẳn. Phải có một sự nhạy cảm đáng kinh ngạc nhường nào thì mới đủ để vươn tới cả người chồng của nàng, và để mãi yêu một kẻ luôn luôn đi vắng? Bà còn có thể muốn thấy bằng chứng nào mạnh mẽ hơn nữa đây? Thế nhưng tôi đã biết tự tìm ra thêm một bằng chứng nữa.

Tôi đã dẫn dắt cuộc đi dạo của nàng sao cho nó phải vượt qua một cái hố; và, mặc dù hết sức nhẹ nhõm, nàng lại còn e thẹn hơn thế: hẳn bà sẽ cho một người phụ nữ trung trinh sợ phải nhảy qua hố. Thế nên nàng đã phải nhờ cậy đến tôi. Tôi đã ôm lấy người phụ nữ khiêm nhường đó. Người Phụ Nữ Sùng Đạo tươi vui đã phá lên cười rất thoải mái lúc chúng tôi chuẩn bị rồi tôi đưa bà trẻ qua cái hố: nhưng, ngay khi tôi chuyển sang nàng, do một sự vụng về khéo léo, cánh tay chúng tôi đan vào với nhau. Tôi ép ngực nàng sát vào ngực tôi; và, trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, tôi cảm thấy tim nàng đập nhanh hẳn lên. Thoáng sắc đỏ khả ái điểm tô trên khuôn mặt nàng, và nỗi bối rối khiêm nhường của nàng đã cho tôi biết đầy đủ rằng trái tim nàng đã thổn thức vì tình yêu chứ không phải vì sợ hãi. Thế nhưng bà trẻ tôi cũng nhầm lẫn y như bà, bà trẻ tôi đã nói: “con bé sợ kìa”; nhưng sự ngay thẳng duyên dáng của con bé không cho phép nàng nói dối, thế là nàng đã dại dột đáp lời: “Ôi không, nhưng…” Chỉ mấy từ đó thôi đã giúp tôi soi tỏ mọi thứ. Ngay từ lúc ấy trở đi, niềm hy vọng êm ái đã thế chỗ cho nỗi lo âu tàn nhẫn. Tôi sẽ chiếm được người phụ nữ ấy; tôi sẽ cướp nàng khỏi tay tên chồng đang phàm tục hóa nàng: tôi dám mình sẽ cưỡng đoạt nàng khỏi chính vị Chúa mà nàng thờ kính. Thật khoái hoạt làm sao khi lần lượt được là đối tượng rồi kẻ chiến thắng những niềm hối hận của nàng! Tôi thấy rất xa lạ với mình cái ý tưởng phá bỏ đi những định kiến vây hãm nàng! chúng sẽ thêm nếm cho hạnh phúc và vinh quang của tôi chứ. Nàng ấy cứ đi mà tin tưởng vào đức hạnh, nhưng nàng vẫn tự mình dâng hiến cho tôi; cứ để những lầm lỗi của nàng khiến nàng khiếp sợ mà không sao chặn nổi nàng lại; và bị hành hạ bởi cả nghìn sai lầm, nàng ấy sẽ chỉ có thể quên chúng đi, chiến thắng chúng khi ở trong vòng tay tôi. Và rồi khi đó, tôi cho phép nàng được nói với tôi rằng: “Em tôn kính anh”; chỉ nàng, trong số mọi phụ nữ, xứng đáng được nói ra cái từ đó. Tôi sẽ thực sự là vị Chúa mà nàng ấy yêu quý nhất.

Ta hãy trung thực nào; trong những dàn xếp của chúng ta, vừa lạnh lùng vừa dễ dàng, điều mà chúng ta gọi tên hạnh phúc thật ra mới chỉ là một khoái cảm. Tôi có nên nói với bà điều này không nhỉ? tôi từng tin trái tim mình đã tàn úa, và vì chỉ còn thấy các suy lý, tôi đã lo mình sẽ sớm già. Bà de Tourvel đã trả cho tôi những ảo tưởng duyên dáng của tuổi trẻ. Ở bên cạnh nàng, tôi chẳng cần phải tận hưởng thì mới được hạnh phúc. Điều duy nhất mà tôi e ngại là thời gian tôi sẽ phải bỏ ra cho cuộc phiêu lưu này; bởi vì tôi đâu có dám giao phó điều gì cho sự ngẫu nhiên. Có nhớ lại những sự táo gan sung sướng của mình đến như thế nào thì tôi vẫn không sao quyết định được là mình sẽ sử dụng đến chúng. Tôi chỉ thực sự được hạnh phúc nếu nàng tự hiến mình cho tôi; và đó không phải là một sự vụ nhỏ nhoi.

Tôi chắc chắn là bà sẽ ngưỡng mộ sự thận trọng của tôi. Tôi vẫn còn chưa thốt ra từ “tình yêu”; nhưng hai chúng tôi đã trở thành người tâm giao và gần gũi với nhau. Để chỉ phải đánh lừa nàng càng ít càng tốt, và nhất là để phòng trước hậu quả những lời lẽ có thể bay đến tai nàng, tôi đã tự kể cho nàng, và cũng đã tự buộc tội mình vài thứ nổi bật nhất ở tôi. Bà sẽ cười khi thấy nàng đã rao giảng cho tôi một cách ngay thẳng như thế nào. Nàng bảo nàng muốn cải đạo cho tôi. Nàng còn chưa ngờ được nàng sẽ phải trả giá như thế nào nếu định làm thế. Nàng hoàn toàn không nghĩ rằng khi bảo vệ, như nàng nói, những người phụ nữ xấu số mà tôi đã để mất, chính là nàng đang nói trước về bản thân mình. Ý nghĩ này vừa nảy đến với tôi ngày hôm qua ngay giữa lúc nàng đang bảo ban tôi, và tôi không thể tự ngăn mình hưởng cái thú được ngắt lời nàng, để đảm bảo với nàng rằng nàng nói như một nhà tiên tri. Tạm biệt nhé, bà bạn xinh đẹp tuyệt trần của tôi. Bà thấy rõ là tôi đã không đánh mất đi mọi thứ.

T. B. - Nhân tiện, chàng Hiệp Sĩ tội nghiệp kia, chàng ta có tự tử vì tuyệt vọng không? Quả thật, bà là kẻ trăm lần tệ hại hơn tôi, và hẳn bà đã làm tôi tự ái lắm nếu như mà tôi biết tự ái là gì.

Từ Lâu đài… 8 tháng Tám 17**


Thư VII

CÉCILE VOLANGES GỬI SOPHIE CARNAY

Em đã không nói gì với chị về chuyện hôn nhân của em là bởi cho đến lúc này em vẫn chưa biết nhiều hơn ngày đầu tiên. Em đã quen với việc không còn nghĩ đến nó nữa và thấy cuộc sống hiện tại của mình khá ổn. Em rất chuyên cần học hát và học đàn thụ cầm; em thấy hình như mình yêu thích đàn hát hơn hẳn kể từ khi không còn các Thầy nữa, hay nói đúng hơn là em đã có một ông thầy giỏi hơn nhiều. Ngài Hiệp Sĩ Danceny, cái Ngài mà em đã kể với chị, người hát cùng em ở nhà Bà de Merteuil, rất thân ái đến đây ngày ngày, hát song ca với em hàng giờ liền. Ông ấy đáng yêu lắm. Ông ấy hát hay như Thiên Thần và sáng tác những bản nhạc rất tuyệt, soạn cả lời luôn. Thật tiếc là ông ấy lại là Hiệp Sĩ de Malte! Em cảm thấy rằng nếu ông ấy lấy vợ, vợ ông ấy hẳn sẽ phải sung sướng lắm… Ông ấy có vẻ dịu dàng rất duyên dáng. Không bao giờ ông ấy tỏ vẻ khen ngợi, thế nhưng mọi điều ông ấy nói đều êm ái lắm lắm. Ông ấy chỉnh em suốt, cả về âm nhạc cũng như những thứ khác; nhưng ông ấy trộn lẫn vào những lời chỉ trích thật nhiều quan tâm và sự vui tươi, thành thử không tài nào không cảm thấy rất biết ơn sự phê phán của ông ấy. Chỉ có điều khi nhìn ta, cứ như thể ông ấy đang thầm nài nỉ một điều gì. Ngoài những điều đó ông ấy lại còn giỏi chiều chuộng nữa. Chẳng hạn như hôm qua, ông ấy được người ta khẩn thiết mời tới một buổi hòa nhạc lớn; thế nhưng ông ấy lại thích ở nhà Mẹ cả buổi tối hơn. Điều này khiến em vui thích lắm; bởi vì khi ông ấy không ở đây, chẳng ai nói chuyện với em, em thấy buồn chán kinh lên được: còn những lúc ông ấy ở đây, bọn em hát và bọn em nói chuyện với nhau. Lúc nào ông ấy cũng có chuyện gì đó để nói với em. Em chỉ thấy mỗi ông ấy và Bà de Merteuil là người đáng mến. Nhưng em phải tạm biệt chị đây, bạn yêu quý: em đã hứa hôm nay sẽ chơi một bản a-ri-ét có phần nhạc đệm rất khó và em không muốn thất hứa. Em sẽ tập thật chăm cho đến khi nào ông ấy tới.

Từ… 7 tháng Tám 17**


Thư VIII

BÀ CHÁNH TÒA DE TOURVEL GỬI BÀ DE VOLANGES

Không ai có thể cảm kích hơn tôi, thưa Bà, trước lòng tin tưởng bà dành cho tôi, cũng như không ai sốt sắng hơn tôi với chuyện thành hôn của Cô de Volanges. Bằng cả tấm lòng tôi cầu chúc cô bé thật nhiều hạnh phúc mà tôi chẳng hề nghi ngờ là cô bé xứng đáng được hưởng, và điều này hẳn có thể trông cậy vào sự cẩn trọng của bà. Tôi không hề quen biết Bá Tước de Gercourt; nhưng, tôi chỉ có thể nghĩ rất tốt đẹp về ông ấy, một khi ông ấy đã có vinh dự được bà lựa chọn. Thưa Bà, tôi vô cùng mong muốn cuộc hôn nhân này được thành công và sung sướng như cuộc hôn nhân của tôi, cả nó cũng nhờ công sức của bà, và mỗi ngày tôi lại càng thêm biết ơn bà vì điều đó. Cầu sao hạnh phúc của Tiểu Thư con gái bà chính là phần thưởng từ hạnh phúc mà bà đã tạo dựng cho tôi; và mong cho người bạn gái tốt bụng nhất cũng sẽ trở thành bà mẹ hạnh phúc nhất!

Thật lòng tôi rất áy náy vì không thể trực tiếp nói lời chúc tụng thành thực này với bà, cũng như vì còn chưa được làm quen với Cô de Volanges, điều tôi mong sẽ sớm thực hiện. Sau khi đã cảm nhận được từ bà sự che chở của người mẹ, tôi có quyền hy vọng có được từ cô bé tình cảm thân thiết của một người em gái. Thưa bà, tôi xin nhờ bà chuyển giùm tới cô bé lời khẩn cầu của tôi, trong lúc chờ đợi tôi xứng đáng với tình cảm ấy.

Tôi dự định ở lại nông thôn suốt thời gian Ông de Tourvel đi vắng. Tôi đã dùng quãng thời gian vừa rồi để giải trí và tận hưởng sự bầu bạn của Bà de Rosemonde đáng kính. Bà ấy lúc nào cũng thật duyên dáng: tuổi tác như vậy nhưng bà ấy chưa để mất gì hết; bà ấy vẫn giữ được toàn vẹn trí nhớ và sự vui tươi của mình. Cơ thể của bà ấy tám mươi tư tuổi nhưng trí lực của bà ấy thì mới hai mươi thôi.

Cuộc sống ẩn dật của chúng tôi trở nên tươi tắn nhờ Tử Tước de Valmont cháu bà ấy, ông ấy đã vui lòng dành cho chúng tôi vài ngày. Xưa nay tôi mới chỉ văn kỳ thanh mà chưa kiến kỳ hình, và những gì nghe được từng khiến tôi không muốn biết ông ấy thêm nữa: thế nhưng dường như ông ấy khá hơn nhiều so với điều tiếng bên ngoài. Ở đây, nơi gió bụi cuộc đời không làm hư ông ấy, ông ấy nói năng chừng mực với một phong thái thoải mái đến đáng kinh ngạc, và ông ấy tự buộc tội những lầm lạc của mình với một sự ngay thẳng hiếm có. Ông ấy đã rất tin tưởng mà trò chuyện với tôi, và tôi bảo ban ông ấy một cách hết sức nghiêm khắc. Bà, người có quen biết ông ấy, chắc hẳn bà sẽ nói rằng sự cải đạo này quá mức hay ho: nhưng tôi chẳng hề nghi ngờ, mặc cho những lời ông ấy hứa, rằng tám ngày ở Paris sẽ làm ông ấy quên sạch mọi lời giáo huấn của tôi. Ít nhất thì đợt lưu lại đây cũng giúp ông ấy đoạn tuyệt được một thời gian với lối hành xử thông thường của ông ấy: và tôi tin rằng, căn cứ vào cách sống của ông ấy, điều tốt nhất mà ông ấy có thể làm là không làm gì hết cả. Ông ấy biết rằng tôi hay viết thư cho bà, và ông ấy nhờ tôi gửi đến bà những lời chào kính trọng. Xin bà cũng hãy vui lòng nhận lấy lời chào của tôi, và đừng bao giờ nghi ngờ những tình cảm thành thực ở tôi. Rất hân hạnh.

Từ Lâu đài… 9 tháng Tám 17**


Thư IX

BÀ DE VOLANGES GỬI BÀ CHÁNH TÒA DE TOURVEL

Tôi chưa bao giờ nghi ngờ, cô bạn trẻ xinh đẹp của tôi ạ, cả tình bạn của cô đối với tôi lẫn mối quan tâm chân thành mà cô dành cho mọi thứ gì quan hệ với tôi. Cho nên không phải là để làm sáng tỏ điểm này, cái điều tôi hy vọng chúng ta đã nhất trí mãi mãi, mà tôi phúc đáp Thư Phúc Đáp của cô: nhưng tôi nghĩ mình không thể không nói chuyện với cô về Tử Tước de Valmont.

Tôi đã không trông đợi, xin thú nhận như vậy, là có lúc nào nhìn thấy cái tên này trong những Bức Thư của cô. Thật thế, có thể có điều gì chung giữa cô và hắn? Cô không biết gã đàn ông này; từ đâu mà cô nảy sinh ý nghĩ rằng một kẻ phong tình lại có tâm hồn? Cô nói với tôi về lòng ngay thẳng hiếm có của hắn: ồ! phải; lòng ngay thẳng của Valmont hẳn phải là hiếm hoi lắm, thật thế đấy. Giả dối và nguy hiểm còn hơn mức độ khả ái và quyến rũ, chưa bao giờ, kể từ khi còn rất trẻ, hắn từng làm một việc gì hay nói một lời nào mà không có chủ ý, và chưa từng bao giờ có chủ ý nào của hắn không bất lương hay tội lỗi. Bạn ơi, cô biết rõ tôi mà; cô hay rằng tôi cố trau dồi các đức hạnh nhưng sự dung thứ không phải đức hạnh mà tôi chăm bẵm nhất. Thế nên, nếu Valmont bị lôi kéo bởi những đam mê dữ dội; nếu, cũng như cả nghìn kẻ khác, hắn bị quyến rũ bởi những lầm lạc thường thấy ở độ tuổi đó, thì khi phê phán hạnh kiểm của hắn tôi sẽ chỉ trích con người hắn, và trong im lặng tôi sẽ đợi đến cái lúc một sự hồi chuyển đáng mừng khiến hắn được những con người trung hậu coi trọng. Nhưng Valmont không phải như thế: hạnh kiểm của hắn chính là kết quả của những nguyên tắc của hắn. Hắn biết tính toán tất cả những điều khủng khiếp mà một người đàn ông có thể tự cho phép mình, mà không để lụy đến bản thân; và để có thể tàn nhẫn với độc ác mà không gặp nguy hiểm, hắn đã chọn phụ nữ làm nạn nhân. Tôi vẫn chưa đếm hết được những người phụ nữ đã bị hắn quyến rũ: nhưng trong số đó bao nhiêu người hắn vẫn còn chưa buông tha?

Trong cái cuộc sống êm ả và khuất nẻo mà cô đang sống, cô không nghe được về những cuộc phiêu lưu đầy bê bối đó. Tôi hoàn toàn có thể kể cho cô những vụ sẽ làm cô phát run rẩy; nhưng ánh mắt của cô, cũng trong sáng như tâm hồn cô, sẽ bị lấm bẩn vì những bức tranh như thế: vì chắc chắn rằng Valmont sẽ không bao giờ nguy hiểm với cô, cô không cần đến những thứ vũ khí ấy để tự vệ đâu. Điều duy nhất tôi muốn nói với cô là, trong số tất tật những người đàn bà mà hắn đã chăm lo, dù thành công hay không, chưa từng ai có điều gì phải phàn nàn về hắn. Chỉ Bà Hầu Tước de Merteuil là ngoại lệ của quy tắc chung này; chỉ mình bà ấy từng biết cách kháng cự lại hắn và trói buộc sự độc ác của hắn lại. Tôi xin thú nhận rằng cái đặc điểm đó trong đời bà ấy là thứ trong mắt tôi khiến bà ấy đáng được trọng nhất: vậy nên như thế đã là quá đủ để biện minh cho bà ấy trong mắt mọi người về một số sự việc không hay mà người ta có thể trách cứ bà ấy khi bắt đầu sống quãng đời góa bụa.

Dù có thế nào thì, cô bạn xinh đẹp của tôi ơi, những gì mà tuổi tác, kinh nghiệm và nhất là tình bạn cho phép tôi nói với cô, là ở đây người ta đã bắt đầu nhận ra sự vắng mặt của Valmont rồi; và nếu họ biết hắn đang sống một thời gian với vai trò người bên cạnh bà trẻ hắn và cô, thì danh tiếng của cô sẽ rơi vào tay hắn đấy; đó là điều bất hạnh lớn nhất có thể xảy đến với một người phụ nữ. Vậy nên tôi khuyên cô thúc giục bà hắn đừng giữ hắn lại lâu hơn nữa; và nếu hắn cứ bướng bỉnh đòi ở lại, tôi nghĩ rằng cô không nên do dự mà nhường luôn chỗ cho hắn. Nhưng tại sao hắn lại ở đó? hắn đang làm gì ở dưới vùng nông thôn ấy? Nếu trước đây cô từng theo dõi hành trạng của hắn, tôi chắc rằng cô sẽ phát hiện ra rằng tất cả những gì hắn sẽ làm phải là tìm một chỗ ở tiện nghi hơn trong vùng để mà nghiền ngẫm một kế hoạch đồi bại nào đó. Nhưng, vì chẳng thể làm gì cứu chữa cho sự xấu xa, ta đành phòng xa nó thôi.

Tạm biệt, cô bạn xinh đẹp của tôi; cuộc hôn nhân của con gái tôi bị muộn lại một chút rồi. Bá Tước de Gercourt, người mà chúng tôi chờ đợi hết ngày này đến ngày khác, gửi thư báo cho tôi rằng Trung Đoàn của ông ấy đang sang bên đảo Corse; và vì chiến tranh vẫn tiếp diễn, ông ấy sẽ không thể về phép trước mùa đông. Điều này khiến tôi bực bội; nhưng điều này cũng khiến tôi hy vọng chúng ta sẽ có được niềm vui gặp nhau vào lễ cưới, và tôi sẽ rất không vừa lòng nếu cô không có mặt ở đó. Tạm biệt; tôi hoàn toàn là của cô, nói vậy chẳng phải để khen ngợi hay giữ kẽ gì đâu.

T.B. - Hãy nhắc cho Bà de Rosemonde nhớ đến tôi, tôi vẫn hằng yêu quý bà ấy đúng như bà ấy xứng đáng.

Từ… 11 tháng Tám 17**


Thư X

NỮ HẦU TƯỚC DE MERTEUIL GỬI TỬ TƯỚC DE VALMONT

Anh dỗi tôi đấy à, hả Tử Tước? hay anh chết rồi? hoặc là, dám thế lắm, anh chỉ còn sống cho Bà Chánh Tòa của anh? Cái ả đàn bà ấy, kẻ đã trả lại cho anh những ảo tưởng của tuổi trẻ, cũng sẽ sớm trả cho anh cả những định kiến lố lăng nữa cho mà xem. Chưa gì anh đã rụt rè và nô lệ rồi; yêu với cả đương là ra thế đó. Anh khước từ những hành động bạo gan may mắn của anh. Tức là anh đang hành xử chẳng có nguyên tắc gì, phó mặc mọi thứ cho sự ngẫu nhiên, hay đúng hơn là cho thói thất thường. Anh không còn nhớ nữa à, rằng tình yêu, cũng như nghề y, chỉ là nghệ thuật giúp trợ cho Tự Nhiên? Anh cũng thấy rằng tôi đang chơi anh bằng chính vũ khí của anh: nhưng tôi chẳng lấy gì làm kiêu hãnh vì điều đó; bởi đánh một gã đàn ông đã ngã xuống đất thì đâu có hay hớm nỗi gì. Nàng phải tự hiến mình cho tôi, anh bảo vậy: này! hẳn rồi, phải thế; ả cũng sẽ tự hiến dâng như mọi ả thôi, khác mỗi một chỗ là làm thế ả sẽ mang lại điềm gở. Nhưng, để rốt cuộc ả phải tự hiến dâng, phương cách đích thực là phải túm chặt lấy ả đi chứ. Sự phân biệt gàn dở này thực là dấu hiệu điên rồ của tình yêu! Tôi nói tình yêu đấy; bởi vì anh yêu mất rồi. Nói khác với anh sẽ là phản bội anh; nói khác sẽ là che giấu anh sai lầm của chính anh. Nói tôi nghe nào, hỡi người tình thảm hại, những ả đàn bà mà anh từng chiếm được, anh có nghĩ mình đã cưỡng đoạt họ không? Nhưng, dù cho ham muốn được hiến dâng có lớn đến mấy, dù cho sốt sắng làm việc đó đến thế nào, thì cũng cần phải có một cái cớ; với chúng tôi còn cái cớ nào thuận tiện hơn là làm ra vẻ phải khuất phục trước sức mạnh? Về phần mình, tôi xin thú nhận, một trong những thứ khiến tôi thích thú nhất là một sự tấn công mạnh mẽ và chu đáo, ở đó mọi thứ tiến triển tiếp nối theo thứ tự, dẫu rằng rất mau chóng; nó không bao giờ đặt chúng tôi vào sự lúng túng nặng nề vì phải tự sửa chữa một hành động vụng về mà lẽ ra ngược lại chúng tôi đã phải tận dụng được; nó biết cách giữ cái bề ngoài của cưỡng ép cả trong những điều mà chúng tôi thuận tình, và khéo léo phỉnh nịnh hai niềm đam mê mà chúng tôi ưa hơn cả, vinh quang của sự tự vệ và khoái cảm của thất bại. Tôi nhận rằng thứ tài năng này, hiếm hơn là người ta tưởng, tôi vẫn luôn luôn ưa chuộng, ngay cả những lúc nó không quyến rũ được tôi, và thỉnh thoảng tôi còn chủ động chịu thua, chỉ với mục đích trao phần thưởng. Cũng như ở các Cuộc Đua xưa kia của chúng ta, Cái Đẹp trao phần thưởng cho giá trị và sự khéo léo.

Nhưng anh ấy mà, anh đâu còn là anh nữa, anh cư xử như là anh sợ thành công vậy. Này! từ bao giờ anh đi vào những đường ngang ngõ tắt mà tránh đường cái quan đấy hả? Bạn ơi, nếu mà muốn tới nơi, thì cứ ngựa trạm và đường lớn mà thẳng tiến thôi! Nhưng thôi ta bỏ chủ đề này đi, nó làm tôi càng thấy bực bõ hơn bởi nó tước mất đi của tôi niềm thích thú được gặp anh. Ít nhất thì cũng phải viết thư cho tôi thường hơn chứ, và cho tôi biết về những tiến bộ của anh. Anh có biết là đã mười lăm ngày nay anh đã bị hút vào cuộc phiêu lưu nực cười kia và đã lơ là tất cả mọi người không?

Nhân đang nói chuyện lơ là, anh thật giống những kẻ đều đặn gửi thư hỏi thăm tin tức bạn bè bị ốm, nhưng lại chẳng buồn đoái hoài đến lời phúc đáp. Bức Thư trước của anh kết thúc ở câu hỏi Hiệp Sĩ đã chết hay chưa. Tôi không trả lời, thế là anh chẳng để tâm thêm nữa. Anh không còn biết rằng tình nhân của tôi sinh ra là để làm bằng hữu của anh nữa đấy à? Nhưng anh hãy yên tâm, anh ta còn chưa chết đâu; hoặc giả nếu anh ta đã chết rồi, thì là vì vui quá đấy mà thôi. Chàng Hiệp Sĩ tội nghiệp này sao mà dịu dàng đến thế! như là được tạo ra cho tình yêu ấy! sao mà chàng giỏi cảm nhận nồng nhiệt đến vậy! đầu óc tôi quay cuồng vì chàng. Rất nghiêm túc nhé, chính niềm hạnh phúc toàn hảo mà chàng cảm thấy khi được tôi yêu đã thực sự buộc chặt tôi vào với chàng đấy.

Cũng cái hôm tôi viết cho anh bảo là tôi sẽ sớm làm cho hai chúng tôi đoạn tuyệt, tôi đã khiến chàng vô cùng hạnh phúc! Tôi còn đang mải nghiền ngẫm những phương cách làm chàng tuyệt vọng thì nghe tiếng người ta báo là chàng đến. Chẳng biết vì thói thất thường hay vì lý trí nữa, nhưng chưa từng bao giờ tôi thấy chàng tuyệt đến thế. Tuy nhiên tôi đã tiếp đón chàng đầy bực bội. Chàng hy vọng được ở bên tôi hai tiếng, trước khi đến giờ tôi mở cửa nhà tiếp đón mọi người. Tôi bảo chàng rằng mình sắp ra ngoài: chàng hỏi tôi đi đâu; tôi từ chối nói cho chàng biết. Chàng cứ khăng khăng hỏi; nơi nào không có anh, tôi đáp, rất chát chúa. Thật may cho anh ta, anh ta bị tê liệt bởi câu trả lời ấy; bởi vì, chỉ cần anh ta nói một lời thôi thì nhất định tiếp sau đó sẽ là một màn kịch dẫn tới cuộc đoạn tuyệt mà tôi đã định sẵn. Ngạc nhiên trước sự im lặng của anh ta, tôi quay qua nhìn anh ta mà không có chủ định gì, tôi thề với anh đấy, ngoài việc thử xem vẻ mặt anh ta ra sao. Trên khuôn mặt điển trai ấy tôi đã tìm thấy lại nỗi buồn bã vừa sâu sắc vừa dịu dàng, trước nó thì ngay bản thân anh cũng phải nhất trí là thật khó mà cưỡng lại cho nổi. Cùng nguyên nhân sẽ dẫn tới cùng hậu quả; tôi đã thua cuộc lần thứ hai. Ngay từ giây phút đó, tôi chỉ còn chú tâm đến những cách thức tránh sao đừng để anh ta tức giận với tôi. “Em ra ngoài lo việc, giọng tôi nói với anh ta trở nên mềm mỏng hơn, và thậm chí việc này còn quan hệ đến anh đấy; nhưng đừng hỏi em nhé. Em sẽ ăn tối ở nhà; lúc đó anh hãy quay lại, em sẽ nói cho anh biết.” Khi ấy anh ta mới lại nói được; nhưng tôi không cho phép anh ta lên tiếng. “Em đang rất vội, tôi nói tiếp. Để em lại một mình đi; hẹn gặp anh tối nay nhé.” Anh ta hôn tay tôi rồi đi ra.

Ngay lập tức, để đền bù cho anh ta, có thể cũng là để tự đền bù cho mình nữa, tôi quyết định hé cho anh ta biết về ngôi nhà nhỏ của tôi mà anh ta chưa hề mảy may biết đến sự tồn tại. Tôi gọi Victoire trung thành của tôi. Tôi bị thiên đầu thống; với mọi người thì tôi phải đi nằm nghỉ; và, rốt cuộc cũng được ở lại một mình với người tâm phúc, cô ấy đóng giả thành Gã Hầu còn tôi thì vận đồ Cô Hầu Phòng lên người. Sau đó cô ấy gọi một cỗ xe ngựa tới cổng vườn, và chúng tôi lên đường. Tới ngôi đền tình yêu ấy, tôi chọn trang phục lơi lả nhất. Nó thật là tuyệt diệu; là sáng chế của chính tôi đó: nó không để hở gì hết, thế nhưng nó lại cho phép người ta đoán định được mọi thứ. Tôi hứa sẽ làm tặng anh một bộ để anh tặng Bà Chánh Tòa của anh, chừng nào anh đã khiến ả ta trở nên xứng đáng để được mặc nó.

Sau khi đã chuẩn bị xong xuôi, lúc Victoire chăm chút những chi tiết khác, tôi đọc một chương trong Sopha, một Bức Thư của Héloïse và hai Truyện của La Fontaine, để ghi nhớ những giọng điệu khác nhau mà tôi muốn sử dụng. Trong khi ấy Chàng Hiệp Sĩ của tôi tới cửa, với dáng vẻ vội vã cố hữu của chàng. Anh Gác Cửa từ chối không cho chàng vào, báo cho chàng biết là tôi đang ốm: sự cố đầu tiên. Cùng lúc đó anh gác cửa trao cho chàng một bức thư từ tôi, nhưng không viết bằng nét chữ của tôi, theo đúng quy tắc thận trọng lâu nay tôi vẫn áp dụng. Chàng mở nó ra và đọc được những dòng do Victoire viết: “Hẹn đúng chín giờ, trên Đại Lộ, trước dãy Quán Cà Phê.” Chàng đến đó; và tại đó, một Gã Hầu nhỏ thó mà chàng chưa gặp bao giờ, ít nhất thì chàng cứ tưởng mình chưa gặp bởi đó vẫn là Victoire, tới thông báo với chàng là phải bảo xe chàng về rồi đi theo anh ta. Toàn bộ chuyến đi lãng mạn này khiến tinh thần chàng rộn lên, và tinh thần rộn ràng thì chẳng có gì là tai hại cả. Cuối cùng chàng cũng tới nơi, rồi thì niềm kinh ngạc và tình yêu đã thực sự mê hoặc chàng. Để chàng có thời gian hồi tâm, tôi rủ chàng đi dạo một vòng trong khoảnh rừng nhỏ; rồi tôi dẫn chàng về nhà. Trước hết chàng nhìn thấy trên bàn hai bộ đồ ăn sắp sẵn; tiếp đến là một cái giường đã trải. Chúng tôi vào phòng riêng trang trí mỹ lệ. Ở đấy, nửa vì suy tính, nửa vì tình cảm, tôi choàng tay ôm lấy người chàng và buông mình quỳ xuống chân chàng. “Ôi bạn ơi! tôi bảo chàng, vì muốn mang lại cho anh niềm kinh ngạc của giây phút này, em tự trách mình đã làm anh phải khổ vì tỏ ra bực bội với anh; vì trong một phút giây đã có thể phong kín trái tim mình lại trước cái nhìn của anh. Anh hãy tha thứ cho những lầm lạc của em: em muốn được chuộc lại chúng bằng sức mạnh của tình yêu.” Anh cứ tự đi mà đánh giá hiệu quả của lời thổ lộ tình cảm này nhé. Chàng Hiệp Sĩ sung sướng đỡ tôi đứng dậy, và sự tha thứ của tôi đã được đóng dấu chứng nhận trên cái giường ấy, chính cái giường anh và tôi cũng từng vui vẻ đóng dấu, rồi cũng vui vẻ mà đóng dấu luôn sự đoạn tuyệt vĩnh viễn của chúng ta.

Vì chúng tôi có tới sáu tiếng bên nhau, và bởi tôi đã quyết toàn bộ thời gian ấy với chàng đều phải thật ngọt ngào, tôi đã kiềm chế sự hớn hở của chàng, dùng đỏng đảnh khả ái thay thế cho sự dịu dàng. Tôi không nghĩ đã từng bao giờ mình chăm chút đến thế để làm người khác ưa thích, cũng như đã từng bao giờ mình hài lòng với bản thân đến vậy chưa. Sau bữa đêm, hết trẻ con rồi lại đầy suy tính, hết điên rồ lại nhạy cảm, thậm chí đôi khi còn phóng đãng, tôi thích thú coi chàng như một vị Sultan trong Cung Điện của mình, ở đó tôi lần lượt là những Ái Phi khác nhau. Quả thật, những động thái xưng tụng liên tiếp của chàng, mặc dù lúc nào cũng rơi vào chỉ một người đàn bà, mỗi lần lại được đón nhận bởi một Tình Nương mới.

Rốt cuộc khi bình minh lên, chúng tôi phải chia tay nhau; và, mặc cho chàng nói gì, thậm chí mặc cho chàng làm gì để chứng tỏ điều ngược lại, chàng đã cần sự chia tay lắm rồi, ham muốn thì tụt xuống chỉ còn tí xíu thôi. Lúc chúng tôi đi ra và để từ biệt lần cuối, tôi cầm lấy chìa khóa động hoan lạc đặt vào tay chàng: “Em chỉ có nó là để cho anh, tôi bảo chàng; chỉ anh là chủ của nó mà thôi: Người Dâng Hiến mới được giữ Ngôi Đền.” Chính nhờ cái mẹo ấy mà tôi chặn trước được những suy nghĩ có thể nảy sinh ở chàng về việc sở hữu một ngôi nhà nhỏ, một sự sở hữu thật là khả nghi. Tôi biết rõ chàng, đủ để chắc chắn rằng chàng chỉ dùng nó khi có tôi; và nếu ở tôi xuất hiện cái ý muốn bất chợt là đến đó mà không có chàng, thì tôi vẫn còn chìa khóa dự phòng. Chàng cứ nhất định đòi hẹn ngày để quay lại nơi đó; nhưng tôi còn rất yêu chàng, đến nỗi không muốn vắt kiệt chàng mau đến vậy. Chỉ được tự cho phép mình quá đà với những người mà ta muốn mau chóng từ bỏ. Chàng thì không biết điều đó; nhưng, vì hạnh phúc của chàng, mình tôi biết là đủ cho cả hai chúng tôi.

Tôi nhận ra là đã ba giờ sáng mất rồi, và tôi đã viết cả một xấp thư dày, thế mà ban đầu tôi định chỉ viết vài dòng thôi đấy. Đây chính là chỗ khả ái của tình bạn tâm giao: chính nó khiến cho lúc nào anh cũng là người tôi yêu quý nhất, nhưng, trên thực tế, tôi thích Hiệp Sĩ hơn nhiều.

Từ… 12 tháng Tám 17**


Thư XI

BÀ CHÁNH TÒA DE TOURVEL GỬI BÀ DE VOLANGES

Bức Thư nghiêm khắc của bà chắc hẳn đã làm tôi hoảng sợ lắm, thưa Bà, nếu chẳng may tôi không thấy ở đó có nhiều thúc giục cho sự yên ổn hơn là nỗi e ngại. Cái Ông de Valmont khủng khiếp ấy, người hẳn phải là nỗi kinh hoàng cho mọi phụ nữ, dường như đã tháo bỏ những thứ vũ khí hung hiểm trước khi đặt chân vào Lâu Đài này. Đã không hề có toan tính gì ở đây, thậm chí ông ấy còn chẳng nuôi ý định nào; và phẩm chất con người khả ái nơi ông ấy, mà ngay kẻ thù cũng phải công nhận, gần như đã biến mất hoàn toàn ở chốn này, chỉ để lại nơi ông ấy phẩm chất của đứa trẻ ngoan. Có vẻ như không khí thôn dã đã tạo ra phép màu này. Điều mà tôi có thể đảm bảo với bà là mặc dù lúc nào cũng ở bên tôi, lại thậm chí còn tỏ ra thích điều đó, ông ấy chưa hề buột miệng một lời nào hao hao tình yêu, cũng không có đến cả một trong những câu mà người đàn ông nào cũng tự cho phép mình thốt ra, mà không có đủ những thứ để biện minh cho những câu nói đó như ông ấy. Mà ông ấy đâu có buộc phải dè dặt như vậy, sự dè dặt mà mọi phụ nữ biết tự trọng ngày nay đều phải trau dồi, để kìm giữ những người đàn ông vây quanh mình. Ông ấy không hề lạm dụng sự vui vẻ mà ông ấy tạo ra. Có thể ông ấy hơi có chút thích tán tụng người khác; nhưng thật tế nhị làm sao khi những lời ca ngợi của ông ấy cũng đậm nét khiêm nhường. Sau rốt, nếu có một người anh trai, tôi rất muốn anh trai tôi giống như những gì ông de Valmont thể hiện ở đây. Có thể nhiều phụ nữ muốn ở ông ấy sự bặt thiệp tao nhã hơn; và tôi xin thú nhận rằng tôi rất biết ơn ông ấy vì đã biết đánh giá tôi cho đúng, để không xếp tôi vào chung hạng với bọn họ.

Chắc hẳn bức chân dung này rất khác với chân dung mà bà đã vẽ cho tôi xem; và, mặc dù vậy, hai chân dung đó có thể rất giống nhau nếu xét thêm về thời điểm. Bản thân ông ấy cũng nhận mình đã làm nhiều điều sai trái, và hẳn người ta cũng gán thêm cho ông ấy một ít nữa. Nhưng tôi mới chỉ gặp rất ít đàn ông nói về những người phụ nữ đoan chính với ngần ấy tôn kính, tôi có thể nói là hết sức sùng mộ. Bà cho tôi biết rằng ít nhất về điều này ông ấy không nhầm lẫn. Hành xử của ông ấy với Bà de Merteuil là một bằng chứng cho điều đó. Ông ấy nói rất nhiều với chúng tôi về bà ấy; và lúc nào cũng là với rất nhiều lời ca tụng và có vẻ thân thiết rất thật, khiến cho tôi cứ tưởng, cho đến khi đọc Bức Thư của bà, rằng cái mà ông ấy gọi là tình bạn giữa họ thực chất là tình yêu. Tôi tự trách mình về lời xét đoán quá trớn ấy, trong đó tôi lại càng sai hơn khi mà bản thân ông ấy thường xuyên chịu khó biện hộ cho nó đến vậy. Tôi thú nhận rằng mình từng chỉ nhìn nhận sự chân thành đích thực ở ông ấy như là sự khéo léo mà thôi. Tôi cũng chẳng biết nữa; nhưng tôi thấy chắc hẳn một con người đủ khả năng có được một tình bạn dài lâu đến thế với một người phụ nữ đáng trọng như vậy thì hẳn không thể là một kẻ phong tình không thể hồi tâm chuyển ý. Vả lại tôi không biết liệu có phải chúng tôi được hưởng cách cư xử tuyệt vời của ông ấy ở nơi đây là vì vài dự đồ mà ông ấy tính thực hiện trong vùng này như bà gợi ý hay không. Có vài phụ nữ khả ái không xa đây; nhưng ông ấy ít khi ra ngoài, trừ buổi sáng, và bảo là đi săn. Quả thật hiếm khi ông ấy mang thú săn về; nhưng ông ấy bảo trong cái ngạch này ông ấy vụng về lắm. Thêm nữa, tôi không mấy để ý đến những gì ông ấy có thể làm ở bên ngoài; và tôi chỉ muốn biết điều đó để có thêm một lý do để nhích về ý kiến của bà hoặc giả là kéo bà về ý kiến của tôi mà thôi.

Về việc bà đề nghị tôi lo sao rút ngắn quãng thời gian Ông de Valmont tính ở lại đây, tôi thấy mình thật khó mà cả gan yêu cầu bà trẻ ông ấy không giữ cháu mình ở nhà, mà bà lại còn yêu ông ấy lắm. Tuy nhiên tôi cũng xin hứa với bà, nhưng chỉ vì lòng tôn kính chứ không phải vì cần thiết, tìm cơ hội để nói ra yêu cầu này, hoặc với bà ấy, hoặc với chính ông ấy. Về phần tôi, Ông de Tourvel đã được thông báo là tôi dự định ở lại đây cho tới lúc nào ông ấy về, thế nên hẳn ông ấy sẽ ngạc nhiên lắm, mà thế là có lý, nếu mà tôi nổi hứng thay đổi kế hoạch.

Vậy đó, thưa Bà, trên đây là những lời giải thích tỏ tường rõ dài: nhưng tôi tin là vì sự thật tôi phải có một lời chứng nhận có lợi cho Ông de Valmont, và hình như điều đó đối với bà là hết sức cần thiết. Trong điều đó tôi cũng không kém phần cảm kích tình bạn, chính nó đã thúc giục bà khuyên nhủ tôi. Tôi cũng nhận thấy tình bạn ở những gì bà thân ái nói với tôi liên quan đến việc hoãn cuộc hôn nhân của Tiểu Thư con gái bà. Tôi chân thành biết ơn bà rất nhiều vì điều đó: nhưng, mặc dù niềm vui sướng mà tôi tự cho phép mình cảm thấy khi được ở cùng bà lúc đó có lớn đến đâu, tôi cũng sẵn sàng hoan hỉ hy sinh nó cho niềm mong muốn được biết rằng Cô de Volanges sẽ được hưởng hạnh phúc sớm hơn, nếu như em ấy còn có thể được như vậy khi đã có một người mẹ xứng đáng đến thế với toàn bộ tình dịu dàng và sự tôn kính của em ấy. Tôi chia sẻ với em ấy hai cảm xúc này, chúng gắn bó tôi với bà, và tôi xin bà vui lòng đón nhận chúng từ tôi.

Rất hân hạnh.

Từ… 13 tháng Tám 17**


Thư XII

CÉCILE VOLANGES GỬI NỮ HẦU TƯỚC DE MERTEUIL

Thưa Bà, mẹ con đang khó ở; mẹ con sẽ không ra ngoài, và con phải ở nhà để chăm sóc: thế nên con sẽ không có được hân hạnh đi cùng bà đến nhà hát Opera. Con xin thành thực thưa với bà là con tiếc vì không được đi cùng bà hơn là tiếc Buổi Biểu Diễn. Con xin bà hãy tin là như vậy. Con rất yêu quý bà! Bà có thể vui lòng chuyển lời con đến Ngài Hiệp Sĩ Danceny rằng con vẫn chưa có Tập Nhạc mà ông ấy đã nói với con, và nếu ông ấy có thể mang nó tới cho con vào ngày mai thì con sẽ hết sức vui sướng. Nếu ông ấy đến hôm nay, người nhà sẽ nói là mẹ con và con không có nhà; nhưng đấy là vì Mẹ không muốn tiếp ai cả. Con hy vọng đến mai mẹ con sẽ khỏe hơn.

Rất hân hạnh.

Từ… 13 tháng Tám 17**


Thư XIII

NỮ HẦU TƯỚC DE MERTEUIL GỬI CÉCILE VOLANGES

Tôi rất phật lòng, cô bé xinh đẹp của tôi ạ, vì để mất dịp được gặp cô, cũng như vì nguyên nhân dẫn tới điều đó. Tôi hy vọng sẽ lại có cơ hội. Tôi sẽ hoàn thành sứ mệnh mà cô giao phó đối với Hiệp Sĩ Danceny, ông ấy chắc chắn sẽ rất buồn khổ khi biết Mẹ cô bị ốm. Nếu ngày mai bà ấy muốn gặp tôi, tôi sẽ đến thăm. Chúng tôi sẽ cùng nhau tấn công Hiệp Sĩ de Belleroche ở trò pi kê; và, thắng được tiền của ông ấy rồi, để tăng thêm niềm vui thú, chúng tôi sẽ lại còn được nghe cô hát cùng Ông Thầy khả ái của cô nữa, tôi sẽ đề nghị ông ấy làm thế. Nếu Mẹ cô và cô thấy tiện, tôi xin được trả lời cho tôi và thay mặt cả hai Hiệp Sĩ của tôi nữa. Tạm biệt nhé, cô bé xinh đẹp của tôi; nhờ cô gửi tới Bà de Volanges yêu quý của tôi những lời chúc tụng. Thân ái hôn cô.

Từ 13 tháng Tám 17**


Thư XIV

CÉCILE VOLANGES GỬI SOPHIE CARNAY

Hôm qua em đã không viết thư cho chị, Sophie yêu quý: nhưng không phải vì một điều gì sung sướng đâu; em xin đảm bảo với chị như vậy đấy. Mẹ đang ốm, em đã không rời khỏi mẹ suốt cả ngày. Tối đến, khi đã rút về phòng thì em chẳng còn lòng dạ nào cho bất kỳ thứ gì nữa; em đã sớm đi nằm, để chắc chắn rằng ngày đã hết; chưa từng bao giờ em thấy có ngày nào dài đến thế. Không phải là em không yêu Mẹ; nhưng em chẳng biết là gì nữa. Lẽ ra em đã phải đi Nhà Hát Opera cùng Bà de Merteuil; chắc Hiệp Sĩ Danceny cũng ở đó. Chị biết rõ rằng đó là hai người mà em ưa nhất. Đến cái giờ lẽ ra em phải ở đó, mặc dù không muốn tim em vẫn se thắt lại. Em khó chịu với mọi thứ, và em đã khóc, khóc mãi, không sao mà nín nổi. Thật may là Mẹ đã đi nằm nên không thể nhìn thấy em. Em rất chắc rằng Hiệp Sĩ Danceny cũng sẽ phật ý lắm; nhưng ông ấy sẽ được giải trí bởi Buổi Biểu Diễn và bởi mọi người; như thế thì khác hẳn với em.

Thật may mắn, hôm nay Mẹ đã khỏe lên, và Bà de Merteuil sẽ tới cùng một người nữa và Hiệp Sĩ Danceny; nhưng lúc nào bà ấy cũng đến rất muộn, Bà de Merteuil ấy; và khi con người ta đã ở một mình lâu đến thế, điều đó thật đáng chán. Mới mười một giờ thôi. Đúng là em phải chơi đàn thụ cầm; và rồi ăn vận điểm trang cũng mất một ít thời gian nữa, vì em muốn hôm nay tóc tai phải thật đẹp. Em tin rằng Mẹ Perpétue nói đúng, ta trở nên diêm dúa ngay khi ở giữa chốn đông người. Chưa bao giờ em thấy muốn được xinh đẹp như vài hôm nay, và em thấy rằng em không được xinh đẹp như em từng tưởng; và rồi, ở bên cạnh những người phụ nữ thoa son, ta mất đi rất nhiều lợi thế. Chẳng hạn như Bà de Merteuil, em thấy rõ là mọi người đàn ông đều thấy bà ấy xinh hơn em: điều này không làm em phật lòng lắm, vì bà ấy rất yêu quý em; và rồi bà ấy đoan chắc rằng Hiệp Sĩ Danceny thấy em xinh hơn bà ấy. Bà ấy thật là trung thực làm sao thì mới nói được như thế! thậm chí bà ấy còn có vẻ hết sức thoải mái với điều đó. Em không sao hình dung nổi như thế. Ấy là bởi bà ấy vô cùng yêu quý em! và ông ấy nữa!… ôi! em thấy sung sướng lắm! bởi vì, em thấy như thể chỉ cần ngắm ông ấy thôi là mình đã đẹp hẳn lên rồi! Em sẵn sàng ngắm ông ấy suốt thôi, nếu mà em không ngại bắt gặp ánh mắt của ông ấy nhìn em; bởi vì, lần nào như thế, em cũng thấy rối tinh đầu óc, và đau lòng nữa; nhưng không sao cả đâu.

Tạm biệt nhé, chị thân mến; em sẽ phải chuẩn bị trang phục đây. Em vẫn luôn luôn rất yêu quý chị.

Paris, 14 tháng Tám 17**


Thư XV

TỬ TƯỚC DE VALMONT GỬI NỮ HẦU TƯỚC DE MERTEUIL

Bà thật là rất lòng lành thì mới không bỏ mặc tôi cho số phận đáng buồn của tôi. Cuộc sống của tôi ở nơi đây thật mệt mỏi, vì quá nhiều ngơi nghỉ và sự đều đều nhạt nhẽo của nó. Đọc Bức Thư của bà cùng bao nhiêu chi tiết về cái ngày duyên dáng của bà, đến hai mươi lần tôi định bịa ra một công chuyện để bay ngay tới phủ phục dưới chân bà, quỳ ở đó mà cầu xin bà vì tôi mà cắm một cái sừng cho chàng Hiệp Sĩ của bà, cái kẻ, xét cho cùng, đâu có xứng với hạnh phúc mà hắn được hưởng. Bà có biết là bà đã làm cho tôi phát ghen với hắn không? Bà cứ nói gì suốt với tôi về đoạn tuyệt vĩnh viễn thế? Tôi rũ bỏ lời thệ ấy đây, nó đã được nói ra trong lúc trí hoảng: đôi ta đâu có xứng để thề nguyền như vậy, nữa là giữ lời thệ đó. A! mong sao có ngày tôi có thể ở trong vòng tay của bà để trả thù nỗi tức tối vô ý mà hạnh phúc của Hiệp Sĩ đã gây ra cho tôi! Tôi thú nhận là tôi rất phẫn khi nghĩ đến cái kẻ ấy, chẳng hề biết suy tính, chẳng buồn gánh chịu một gian lao nào, mà chỉ xuẩn ngốc đi theo bản năng của trái tim hắn, thế mà lại được hưởng một phúc lành mà tôi không đạt tới được. Ôi! tôi sẽ phá rối nó… Hãy hứa với tôi là tôi sẽ phá rối nó. Bản thân bà không thấy bị làm nhục ư? Bà cố công đánh lừa hắn, thế mà hắn lại hạnh phúc hơn bà. Bà tưởng đã giam được hắn vào những xiềng xích của bà! Là bà đang ở trong vòng xiềng xích của hắn đấy chứ. Hắn ngủ pho pho, còn bà thì phải thức để lo chuẩn bị cho những khoái lạc của hắn. Còn có thể làm gì hơn để trở thành nô lệ của hắn nữa nào?

Này, bà bạn xinh đẹp của tôi, chừng nào bà còn tự xẻ mình ra cho nhiều người, thì tôi chẳng hề thấy ghen tuông đâu: lúc ấy ở các Tình Nhân của bà tôi chỉ nhìn thấy những kẻ kế tục Alexandre, không đủ khả năng giữ nổi cái đế chế nơi một mình tôi từng cai trị. Nhưng khi mà bà tự hiến dâng trọn vẹn cho chỉ một kẻ trong số đó thì! tức là có một thằng đàn ông được hạnh phúc hơn tôi! tôi sẽ không khổ lòng vì hắn nữa; đừng hy vọng rằng tôi khổ lòng vì hắn. Hãy quay trở lại với tôi, hoặc ít nhất hãy chọn một kẻ khác đi; và xin đừng vì một thói thất thường kỳ khôi mà phản bội tình bạn bất khả xâm phạm mà chúng ta đã thề nguyền cho nhau.

Hẳn rằng tôi than van về tình yêu như thế là quá đủ rồi. Bà cũng thấy rằng tôi đã sẵn sàng theo ý bà, rằng tôi thú nhận những lầm lạc của mình rồi đấy. Quả thật, nếu yêu là không thể sống mà không được sở hữu những gì mình ham muốn, phải hy sinh thời gian của mình vào đó, rồi thì những khoái lạc của mình, cả cuộc đời mình, thì đúng là tôi đang yêu đây. Tôi đã không tiến xa được bao nhiêu ở đó. Lẽ ra tôi đã không cho bà biết chút gì về chuyện này, nếu như không có một sự kiện khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều, một điều tôi chẳng biết là phải e sợ hay hy vọng nữa.

Bà cũng biết Anh Hầu của tôi rồi đấy, cả một kho tin tức quý báu, một tên hầu hài kịch đích thực: bà đã đoán đúng rằng hắn đã nhận lệnh đi yêu Cô Hầu Phòng và chuốc rượu cho mọi người. Kẻ đê tiện ấy đã may mắn hơn tôi; hắn đã thành công. Hắn vừa phát hiện rằng Bà Tourvel đã giao cho một người của nàng thu thập thông tin về hạnh kiểm của tôi, và thậm chí còn đi theo tôi những lúc tôi đi chơi buổi sáng, càng nhiều càng tốt, mà không để bị nhận ra. Người phụ nữ ấy định làm gì nhỉ? Vậy tức là người phụ nữ khiêm nhường hơn cả cũng cả gan đánh bạo làm những việc mà ngay chúng ta cũng chẳng dám tự cho phép mình!… Tôi xin thề… Nhưng, trước khi nghĩ đến chuyện trả thù cái mưu mẹo đàn bà này, ta hãy nghĩ cách xoay nó thành ra có lợi cho chúng ta. Cho đến giờ những lần tôi ra ngoài dạo chơi mà người ta nghi ngờ ấy chẳng hề có đối tượng nào hết cả; cần phải cung cấp cho nó đối tượng vậy. Điều này xứng để tôi chú tâm hoàn toàn, và tôi xin chia tay bà ở đây để suy nghĩ thêm. Tạm biệt nhé, bà bạn xinh đẹp của tôi.

Vẫn từ Lâu đài… 15 tháng Tám 17**


Thư XVI

CÉCILE VOLANGES GỬI SOPHIE CARNAY

A! chị Sophie của em ơi, em có bao nhiêu là tin mới đây! có thể lẽ ra em không nên kể hết cho chị: nhưng em phải nói chuyện với một ai đó; điều đó mạnh hơn bản thân em. Cái ông Hiệp Sĩ Danceny ấy… Em đang rối tinh cả đầu óc đến độ không sao mà viết nổi nữa: em không biết phải bắt đầu từ đâu. Từ lúc em kể cho chị về buổi tối hay ho mà em trải qua ở nhà Mẹ cùng ông ấy và Bà de Merteuil, em đã chưa nói chuyện với chị: đấy là bởi vì em không còn muốn nói chuyện với ai về ông ấy nữa; thế nhưng lúc nào em cũng nghĩ đến ông ấy. Kể từ đó ông ấy đã trở nên rất buồn, rất buồn, rất rất buồn, khiến em phải động lòng thương; và khi em hỏi ông ấy là tại sao, ông ấy bảo ông ấy có buồn đâu: nhưng em thấy rõ là ông ấy có buồn. Rốt cuộc hôm qua ông ấy còn buồn bã hơn thường lệ nữa. Điều ấy đã không ngăn cản ông ấy tỏ lòng tốt là hát với em như bình thường; nhưng, cứ hễ nhìn ông ấy là tim em thắt lại. Bọn em hát xong rồi, ông ấy cho cây đàn thụ cầm của em vào túi đựng; và, lúc mang chìa khóa túi đưa cho em, ông ấy cầu xin em hãy chơi tiếp trong buổi tối, ngay khi nào em còn lại một mình. Em đã không ngờ điều gì hết cả; thậm chí em còn không muốn: nhưng ông ấy đã cầu xin em dữ quá, nên cuối cùng em phải đồng ý. Hóa ra ông ấy có những lý do riêng của mình. Đúng thế thật, lúc em lui về phòng và Cô Hầu Phòng đã ra ngoài, em đi tới chỗ cây đàn. Em tìm thấy một Bức Thư gài giữa các sợi dây đàn, chỉ được gấp lại chứ không dán xi, và đó là thư của ông ấy. A! giá như chị biết được mọi thứ mà ông ấy đề nghị em! Kể từ khi đọc Bức Thư của ông ấy, em sung sướng quá đi mất, đến nỗi không còn có thể nghĩ đến chuyện gì khác nữa. Ngay lúc ấy em đã đọc lại nó đến bốn lần, và rồi em giấu nó vào trong ngăn kéo bàn viết. Em thuộc lòng nó rồi; và, khi đã đi nằm, em nhẩm đi nhẩm lại nó đến nỗi không cả nghĩ đến ngủ nghê nữa. Nhắm mắt vào là em lại thấy ông ấy, tự nói với em tất cả những gì em vừa đọc. Mãi rất muộn em mới thiếp đi; và ngay khi tỉnh dậy (hẵng còn rất sớm), em đã đi lấy lại Bức Thư của ông ấy để đọc cho thỏa thích. Em mang nó về giường, và rồi em hôn nó như thể… Có lẽ thật không hay khi hôn một Bức Thư như vậy, nhưng em không sao tự ngăn mình lại được.

Lúc này, chị yêu quý ơi, em rất thư thái, mà em cũng rất bối rối; bởi vì chắc chắn em không được phép hồi đáp Bức Thư ấy. Em biết rõ rằng không được làm thế, vậy nhưng ông ấy lại yêu cầu em trả lời; và, nếu em không trả lời, em chắc chắn ông ấy sẽ tiếp tục buồn bã. Thế nhưng mà bất hạnh thay cho ông ấy! Chị khuyên em nên làm gì đây? nhưng chị đâu có biết về chuyện này nhiều hơn em. Em rất muốn đem chuyện này đi hỏi Bà de Merteuil, bà ấy rất quý em. Em những muốn an ủi ông ấy; nhưng em không muốn làm điều gì sai trái. Ta đã được huấn thị suốt là phải có một tấm lòng lành! và rồi ta lại bị cấm làm theo những gì lòng ta mách bảo, nếu chuyện liên quan đến một người đàn ông! Điều ấy cũng không đúng nữa. Chẳng phải một người đàn ông cũng là đồng loại của ta giống như một phụ nữ, và còn hơn thế nữa? bởi vì nói cho cùng đâu có phải ta không có cha cũng như có mẹ, anh em trai cũng như chị em gái? đã thế lại còn có cả người chồng nữa chứ. Tuy nhiên nếu em làm điều gì đó không tốt, có thể bản thân Ông Danceny cũng sẽ chẳng còn nghĩ tốt về em nữa! Ôi! chẳng hạn như là em còn thích hơn nhiều nếu mà ông ấy cứ buồn bã. Và rồi, xét cho cùng, em vẫn còn nhiều thời gian. Vì ông ấy viết thư vào hôm qua, nên em không buộc phải viết thư vào hôm nay: may quá tối nay em sẽ gặp Bà de Merteuil, và nếu có đủ can đảm, em sẽ kể hết mọi chuyện cho bà ấy. Nếu em nhất quyết chỉ làm theo những gì bà ấy bảo em, thì em sẽ chẳng có gì để tự trách cứ mình hết. Và rồi có thể bà ấy sẽ nói cho em rằng em có thể trả lời ông ấy một chút, để ông ấy đừng buồn đến thế nữa! Ôi! em đau lòng quá.

Tạm biệt, chị thân mến của em. Chị hãy cứ nói cho em mọi điều chị nghĩ nhé.

Từ… 19 tháng Tám 17**


Thư XVII

HIỆP SĨ DANCENY GỬI CÉCILE VOLANGES

Thưa Tiểu Thư, trước khi buông mình vào niềm sung sướng hay sự cấp bách phải viết thư cho cô, tôi xin được cầu xin cô lắng nghe tôi. Tôi cảm thấy là để có thể cả gan trút nỗi lòng của mình cho cô, tôi cần tới lòng bao dung; với tôi lòng bao dung ấy sẽ không ích gì mấy nếu tôi chỉ muốn thanh minh cho nỗi lòng tôi. Tôi sẽ làm gì đây ngoài việc trưng ra cho cô thấy tác phẩm của chính cô? Và tôi có gì để nói với cô đây, nếu không phải những gì ánh mắt tôi, sự bối rối của tôi, cách cư xử của tôi và ngay sự im lặng của tôi đã nói với cô trước cả rồi? À nhưng! tại sao cô lại có thể phật ý trước khối tình cảm mà chính cô đã làm nảy sinh? Tỏa ra từ cô, hẳn nó xứng đáng được trao gửi cho cô; nó cháy bỏng như tâm hồn tôi đây, nhưng nó cũng thuần khiết như tâm hồn cô. Liệu có phải là một tội lỗi không khi đã biết trân trọng khuôn mặt xinh đẹp của cô, cái tài cuốn hút của cô, những nét duyên mê hoặc của cô, và rồi sự ngay thẳng gây cảm động còn thêm một phần thưởng vô giá vào cho những phẩm chất vốn dĩ đã rất quý giá rồi? không, hẳn rồi; nhưng, dẫu không phải là thủ phạm thì con người ta lại có thể bất hạnh; và số phận đã chờ sẵn tôi, nếu cô từ chối nhận lời xưng tụng của tôi. Đây là lời xưng tụng đầu tiên mà trái tim tôi từng trao tặng. Nếu không có cô tôi sẽ vẫn bình lặng, dẫu không phải là hạnh phúc. Tôi đã gặp cô; sự thư thái đã cao chạy xa bay khỏi tôi, và niềm hạnh phúc của tôi thật là bất định. Tuy nhiên cô lại kinh ngạc trước vẻ buồn bã của tôi; cô hỏi tôi nguyên do của nó: thậm chí đôi khi tôi còn dám tin mình thấy nó làm cô khổ tâm. A! hãy nói một lời, phúc lành của tôi sẽ nằm trong bàn tay cô. Nhưng, trước khi lên tiếng, cô hãy biết rằng một lời của cô cũng có thể làm nỗi bất hạnh tràn đầy trong tôi. Vậy nên hãy làm người phân xử cho số mệnh tôi. Nhờ cô tôi sẽ vĩnh viễn được hạnh phúc hoặc vĩnh viễn bất hạnh. Tôi còn có thể đặt một lợi ích lớn đến vậy vào những bàn tay thân yêu nào hơn đây?

Tôi xin kết thúc, cũng như đã bắt đầu, bằng cách van xin ở cô sự bao dung. Tôi đã yêu cầu cô lắng nghe tôi; tôi còn cả gan hơn thế, tôi xin cô hãy trả lời thư tôi. Nếu cô từ chối làm như vậy thì cũng có nghĩa cô muốn làm cho tôi nghĩ cô cảm thấy bị xúc phạm, và trái tim tôi đảm bảo với tôi rằng sự tôn trọng của tôi cũng ngang bằng với tình yêu của tôi.

T.B. - Để trả lời tôi, cô có thể dùng đúng cách thức tôi đang sử dụng đây để gửi tới cô Bức Thư này; tôi thấy cách ấy vừa chắc chắn vừa thuận tiện.

Từ… 18 tháng Tám 17**


Thư XVIII

CÉCILE VOLANGES GỬI SOPHIE CARNAY

Gì thế! Chị Sophie ơi, chị phê phán từ trước những gì em còn chưa làm! Em thì đã phải trĩu nặng lo âu như thế rồi; thế mà chị lại còn làm tăng chúng thêm nữa. Chị bảo rằng rành rành em không được trả lời thư. Sao mà chị nói điều đó thoải mái vậy; vả lại, nói cho đúng chị đâu có biết chuyện là như thế nào: chị đâu có ở đây mà chứng kiến. Em chắc chắn rằng nếu ở vào địa vị của em, chị cũng sẽ làm giống như em thôi. Chắc rồi, thông thường thì ta không được trả lời; và chị đã nhìn nhận rất đúng, thông qua Bức Thư hôm qua của em, rằng em cũng không muốn làm thế: nhưng ấy là vì em tin chắc chưa từng có ai rơi vào trường hợp của em đây.

Và rồi lại em lại còn phải tự quyết định một mình nữa chứ! Bà de Merteuil, người mà em nghĩ tối hôm qua sẽ gặp được, đã không thấy tới. Mọi thứ đều bày ra chống lại em: chính bà ấy là nguyên do khiến em quen biết ông ấy. Gần như lần nào em gặp ông ấy, nói chuyện với ông ấy, cũng có mặt bà ấy cả. Không phải là em định nói điều gì xấu về bà ấy đâu: nhưng bà ấy đã bỏ mặc em vào đúng lúc em thật bối rối. Ôi! em có thật nhiều điều để mà phàn nàn đây!

Chị cứ hình dung là hôm qua ông ấy đã đến đây như thường lệ. Em đã rối trí đến mức không dám nhìn ông ấy. Ông ấy không thể nói chuyện với em, vì có Mẹ ở đó. Em rất sợ là ông ấy đã phật ý, khi thấy rằng em đã không viết thư phúc đáp. Em chẳng biết mình phải tỏ ra như thế nào nữa. Một lúc sau ông ấy hỏi em có muốn ông ấy đi lấy hộ cây đàn thụ cầm không. Tim em đập thình thịch, đến nỗi tất cả những gì em đã có thể làm là đồng ý. Khi ông ấy quay trở lại, mọi chuyện còn tệ hơn nhiều. Em chỉ nhìn thoáng ông ấy một cái. Còn ông ấy thì chẳng hề nhìn em; nhưng ông ấy có một dáng vẻ như thể là đang bị bệnh vậy. Em thấy đau lòng khủng khiếp. Ông ấy bắt đầu lên dây đàn, rồi sau đó, lúc mang nó lại cho em, ông ấy nói: “A! Thưa Cô!…” Ông ấy chỉ nói với em có hai từ ấy thôi; nhưng là nói bằng một cái giọng khiến cả người em chao đảo ghê gớm. Em dạo qua đàn, không còn biết mình đang làm gì. Mẹ hỏi ông ấy và em không hát à. Ông ấy cáo lỗi, bảo là mình hơi ốm; còn em, vì không có cái cớ nào, em buộc phải hát. Em những muốn mình chưa từng bao giờ biết hát. Em cố tình chọn một bản mà em không biết; bởi vì em chắc chắn đằng nào mình cũng chẳng thể hát nổi bài nào hết, và mọi người sẽ phát hiện điều gì đó. Thật may, đúng lúc ấy có khách; và, ngay khi nghe tiếng một cỗ xe ngựa đi vào, em ngừng luôn, và em xin ông ấy mang cái đàn đi. Em đã rất sợ ông ấy đi khỏi luôn; nhưng ông ấy đã quay lại.

Trong lúc Mẹ và cái Bà vừa đến nói chuyện với nhau, em muốn nhìn ông ấy thêm một chút nữa. Em bắt gặp ánh mắt của ông ấy, và em không sao quay mắt mình đi chỗ khác được. Một lúc sau em thấy ông ấy chảy nước mắt, và ông ấy buộc phải quay mặt đi để khỏi bị để ý. Đến nước này thì em không sao chịu nổi nữa; em cảm thấy mình cũng sắp khóc đến nơi. Em đi ra, và ngay lập tức em lấy một cây bút chì viết lên một mẩu giấy: “Đừng buồn bã như vậy, em xin ông ấy; em hứa sẽ viết thư trả lời ông.” Chắc chắn, chị không thể bảo trong chuyện này có chút gì xấu xa; và rồi điều đó mạnh hơn bản thân em. Em gài mẩu giấy vào dây đàn, giống như Bức Thư của ông ấy lúc trước, rồi quay trở lại phòng khách. Em cảm thấy mình yên ổn hơn hẳn. Mãi rồi cái Bà kia mới chịu đi. Thật may là bà ấy chỉ ghé qua thăm thôi; sau một lúc thì bà ấy cáo từ. Ngay khi bà ấy đi ra, em nói rằng em lại muốn chơi đàn, và em nhờ ông ấy đi lấy hộ. Căn cứ vào dáng vẻ của ông ấy, em có thể thấy rõ là ông ấy không hề nghi ngờ điều gì. Nhưng khi quay trở lại, ồ! trông ông ấy sao mà sung sướng thế! Đặt cây đàn xuống trước mặt em, ông ấy cố tình đứng sao để Mẹ không nhìn thấy, và ông ấy cầm lấy tay em siết chặt… nhưng mà cái cách siết chặt ấy!… chỉ một thoáng chốc thôi: nhưng em không sao mà tả nổi cho chị mình đã thấy sướng lịm đi như thế nào. Tuy nhiên em đã rút tay về; vậy nên em chẳng có gì để tự trách cứ hết cả.

Lúc này, bạn tốt của em ơi, chị đã thấy rằng em không thể không viết thư cho ông ấy, bởi vì em đã hứa mất rồi; và nữa, em sẽ không gây phiền não cho ông ấy nữa; bởi em đau khổ vì điều đó còn hơn cả ông ấy. Nếu là vì một điều gì đó xấu xa, chắc chắn em đã không làm. Nhưng có thể có gì xấu khi viết thư cơ chứ, nhất là mục đích là để ngăn một ai đó khỏi cảm thấy bất hạnh? Điều khiến em thấy bối rối là em không biết phải viết Thư thế nào cho hay: nhưng ông ấy sẽ cảm thấy rõ rằng đó không phải lỗi ở em; và rồi em cũng chắc rằng chỉ riêng việc nó là của em đã khiến ông ấy vui sướng rồi.

Tạm biệt, chị yêu quý của em. Nếu chị thấy rằng em đã nhầm lẫn thì hãy nói cho em biết; nhưng em không nghĩ thế đâu. Thời điểm phải viết thư cho ông ấy càng gần, tim em càng thổn thức dữ dội vì chỉ sợ không sao viết nổi. Thế nhưng em phải làm thôi, vì em đã hứa mất rồi. Tạm biệt.

Từ… 20 tháng Tám 17**


Thư XIX

CÉCILE VOLANGES GỬI HIỆP SĨ DANCENY

Hôm qua trông ông buồn bã quá chừng, thưa Ông, và tôi rất đau lòng vì thế, đến nỗi đã tự buông thả mình đi hứa với ông là sẽ hồi âm Bức Thư mà ông gửi cho tôi. Thế nhưng hôm nay tôi thấy mình không được phép làm như vậy: tuy nhiên, vì đã trót hứa, tôi không muốn sai lời, và điều này hẳn chứng tỏ cho ông thấy rõ tình bạn mà tôi dành cho ông. Lúc này ông đã biết thế rồi, tôi hy vọng ông sẽ không đòi tôi viết thêm cho ông nữa. Tôi cũng hy vọng rằng ông sẽ không nói cho ai biết rằng tôi đã viết cho ông; bởi vì chắc chắn người ta sẽ lên án tôi, và điều đó hẳn sẽ làm tôi vô cùng buồn lòng. Điều tôi hy vọng nhất là không vì vậy mà ông nghĩ xấu về tôi, đó mới là cái gây nhiều phiền muộn nhất cho tôi. Tôi có thể đảm bảo với ông rằng tôi không có mối ưu ái ấy cho bất kỳ ai khác ngoài ông. Tôi rất muốn ông cũng ưu ái tôi mà đừng buồn bã nữa như ông từng buồn bã; điều đó tước đi khỏi tôi mọi niềm sung sướng khi được gặp ông. Ông cũng thấy, thưa Ông, rằng tôi nói chuyện này với ông rất đỗi chân thành. Tôi chẳng hề đòi hỏi gì hơn là tình bạn của chúng ta sẽ được kéo dài mãi mãi; nhưng, xin ông, đừng viết thư cho tôi nữa nhé.

Rất hân hạnh.

CÉCILE VOLANGES.
Từ… 20 tháng Tám 17**


Thư XX

NỮ HẦU TƯỚC DE MERTEUIL GỬI TỬ TƯỚC DE VALMONT

A! đồ xấu xa, anh chiều nịnh tôi, vì sợ tôi đem anh ra mà chế nhạo! Nào, thôi để tôi ban ân sủng cho anh nhé: anh đã viết cho tôi đến ngần ấy sự điên rồ, thành thử tôi đâm phải tha thứ cho cái đức hạnh nơi Bà Chánh Tòa của anh đã đặt anh vào. Tôi không nghĩ chàng Hiệp Sĩ của tôi bao dung được đến như tôi đâu; chàng sẽ không phải người chuẩn y cho điều khoản kéo dài khế ước giữa chúng ta, và cũng không tìm ra nổi điều vui thú nào trong cái ý nghĩ điên khùng của anh. Tuy nhiên tôi đã cười rất nhiều về ý nghĩ đó, và tôi đã thực sự bực mình vì phải cười một mình. Nếu mà anh có ở đây, tôi không biết sự vui vẻ ấy còn có thể dẫn tôi đến tận đâu nữa: nhưng tôi đã có thời gian để suy nghĩ và tôi thì nghiêm khắc lắm đó. Chẳng phải là tôi cự tuyệt mãi mãi đâu; nhưng tôi lùi thời hạn, và tôi có lý khi làm vậy. Có lẽ tôi nên tô điểm chút phù phiếm vào đó và, một khi đã bước chân vào trò chơi, ta chẳng biết mình sẽ dừng ở đâu nữa. Tôi sẽ lại trở thành người trói buộc anh, làm anh quên đi Bà Chánh Tòa của anh; và nếu như, cái đồ nhơ bẩn là tôi đây khiến cho anh chán ghét đức hạnh, hãy xem bê bối sẽ lớn tới cỡ nào! Để tránh mối nguy ấy, sau đây là những điều kiện của tôi.

Ngay khi nào anh chiếm được Giai Nhân Sùng Đạo xinh đẹp của anh, có bằng chứng rõ ràng, anh hãy đến đây, và tôi sẽ thuộc về anh. Nhưng anh không thể không biết rằng trong những áp phe quan trọng, các bằng chứng đều phải ở dưới dạng văn bản. Thỏa thuận như vậy, một mặt, tôi sẽ trở thành một món phần thưởng thay vì một sự an ủi; và còn ý tưởng này mà tôi thích hơn nhiều: mặt khác thành công của anh càng có thêm nhiều hương vị khi bản thân nó trở thành một phương tiện cho sự thiếu chung thủy. Thế nên hãy đến đây, đến càng sớm càng tốt, mang theo cùng vật chứng cho thắng lợi của anh: giống những chàng Hiệp Sĩ oai hùng của chúng ta, đến quỳ dưới chân Tình Nương của mình dâng tặng những thành quả xuất chúng từ chiến thắng của họ. Nói nghiêm túc nhé, tôi hiếu kỳ muốn biết một Ả Trung Trinh có thể viết gì sau một thời điểm như thế, có thể phủ tấm khăn gì lên lời lẽ của ả, sau khi tấm khăn ấy đã chẳng còn có thể nằm ở trên người ả được nữa. Tùy anh phán xét tôi có đặt giá cao quá hay không; nhưng tôi báo trước với anh, không có chuyện mặc cả giảm bớt đi đâu đấy nhé. Cho tới lúc ấy, Tử Tước yêu quý của tôi ạ, anh sẽ phải chấp nhận tôi chung thủy với chàng Hiệp Sĩ của tôi thôi, chấp nhận tôi vui thú với việc làm cho chàng hạnh phúc, mặc cho cái nỗi sầu nho nhỏ mà việc đó gây ra cho anh.

Tuy nhiên, giả sử luân lý của tôi kém nghiêm cẩn hơn thì tôi tin rằng vào lúc này chàng ta đang có một đối thủ nguy hiểm: đấy chính là con bé Volanges. Tôi đang phát điên lên với đứa trẻ ấy: đó là một niềm đam mê đích thực. Hoặc tôi nhầm, hoặc nó sẽ trở thành một trong những ả đàn bà được đàn ông chạy theo nhiều nhất. Tôi đang chứng kiến trái tim nó nảy nở, và đó là một cảnh tượng vô cùng ưa nhìn. Nó đã yêu Danceny của nó điên cuồng rồi; nhưng nó vẫn còn chưa biết gì về điều đó. Bản thân hắn, mặc dù đã yêu lắm, vẫn mang sự rụt rè của lứa tuổi hắn, và chưa dám nói cho con bé quá nhiều về điều ấy. Nhất là con bé cực kỳ muốn nói cho tôi về bí mật của nó; đặc biệt từ vài hôm nay tôi thấy nó thực sự cảm thấy nặng nề và lẽ ra tôi đã giúp được nó rất nhiều nếu chịu nhúng tay vào một chút: nhưng tôi không quên rằng nó chỉ là một đứa trẻ, và tôi không muốn tự làm hại mình. Danceny thì đã nói với tôi rõ ràng hơn một chút; nhưng, với cậu chàng thì lòng tôi đã quyết, tôi chẳng hề muốn nghe hắn nói. Về phần con bé, tôi vẫn thường xuyên định chọn nó làm học trò để truyền dạy; đó là một điều mà tôi muốn trả cho Gercourt. Tôi vẫn còn thời gian, vì hắn đang ở đảo Corse, đến tháng Mười mới về. Tôi đang có ý tưởng sẽ tận dụng quãng thời gian này, và rồi chúng ta sẽ trao cho hắn một người phụ nữ đã được huấn luyện xong xuôi, thay vì cô Nữ Sinh Trường Dòng trong trắng của hắn. Thật ra cái sự an tâm hỗn láo của gã đàn ông đó là gì đây, hắn dám ngủ ngon, trong khi một người phụ nữ, người có lý do để chỉ trích hắn, vẫn còn chưa trả thù được? Này, nếu lúc này con bé đang ở đây, tôi chẳng biết sẽ còn gì mà tôi không nói với nó đâu đấy.

Tạm biệt, Tử Tước; buổi tối tốt lành nhé, và chúc thành công: nhưng, vì Chúa, hãy tiến lên đi chứ. Hãy nghĩ rằng nếu anh không chiếm được ả đàn bà ấy, những người đàn bà khác sẽ phải đỏ mặt vì từng chiếm được anh.

Từ… 20 tháng Tám 17**


Thư XXI

TỬ TƯỚC DE VALMONT GỬI NỮ HẦU TƯỚC DE MERTEUIL

Cuối cùng thì, bà bạn xinh đẹp của tôi ơi, tôi cũng tiến được một bước về phía trước, nhưng đó là một bước thật dài; và nó, nếu không dẫn tôi thẳng tới đích, thì ít nhất cũng làm cho tôi hiểu mình đang đi đúng hướng, nó đánh tan đi nỗi e ngại nhầm đường. Rốt cuộc tôi đã tỏ tình; và mặc dù sự im lặng vẫn bướng bỉnh ngự trị, tôi cũng đã nhận được lời hồi đáp có lẽ ít mù mờ nhất và đáng trông chờ nhất: nhưng thôi ta đừng đẩy các sự kiện đi quá nhanh, mà nên quay trở lại từ một thời điểm sớm hơn.

Chắc bà còn nhớ tôi bị bám theo xem hay lai vãng nơi đâu. À thì! tôi đã quyết định biến cái cách thức gớm tởm ấy thành ra một hành động có tính chất khuyến thiện nhân quần, và tôi đã làm như sau. Tôi giao cho anh người hầu tâm phúc đi tìm trong vùng xem có kẻ bất hạnh nào đang cần giúp đỡ không. Nhiệm vụ này chẳng khó khăn gì mấy. Chiều qua, anh ta báo cho tôi là trong buổi sáng hôm nay cả một gia đình không có tiền nộp thuế sẽ bị tịch biên tài sản. Tôi bèn kiểm tra để chắc chắn rằng trong nhà đó không có cô gái hay người phụ nữ nào ở độ tuổi hay có khuôn mặt ngõ hầu khiến cho hành động của tôi trở nên đáng ngờ; thế rồi, đã thu thập đủ thông tin, trong bữa tối tôi thông báo hôm sau mình sẽ đi săn. Đến đây thì tôi phải trả lại công bằng cho Bà Chánh Tòa của tôi: hẳn nàng có chút hối hận về những mệnh lệnh đã ban xuống; và, tuy không đủ sức chiến thắng lòng hiếu kỳ của mình nhưng ít nhất nàng cũng đủ sức làm trái ham muốn của tôi. Trời sẽ nóng ghê gớm đấy; tôi phát ốm mất thôi; tôi sẽ chẳng săn được con thú nào mà chỉ tự làm mình mệt mỏi một cách vô ích; và, trong lúc trò chuyện, đôi mắt nàng, có lẽ nói còn nói hay hơn nàng chủ định, khiến tôi biết được khá rõ rằng nàng muốn tôi coi những lý do dở ẹc đó là những lý do thật thuyết phục. Như bà cũng có thể nghĩ ra, tôi đã chẳng thuận theo, và tôi cũng kháng cự lại được một bài đả kích săn bắn và các Thợ Săn nho nhỏ, kháng cự cả một đám mây mờ bực bội suốt buổi tối cứ giăng mắc trên khuôn mặt yêu kiều thánh thiện ấy. Có một lúc tôi sợ nàng rút bỏ các mệnh lệnh, rằng sự tế nhị của nàng ấy sẽ gây ra điều tai hại cho tôi. Tôi đã không ước lượng nổi một cách chuẩn xác lòng hiếu kỳ của một phụ nữ; thế nên tôi đã nhầm. Người của tôi xác nhận thông tin ngay trong buổi tối, và tôi hởi lòng hởi dạ mà đi nằm.

Sáng sớm, tôi tỉnh dậy, lên đường. Đi cách Lâu Đài được năm mươi mét tôi đã nhìn thấy tên gián điệp bám theo. Tôi bắt đầu đi săn, và rảo bộ qua cánh đồng tiến về phía Ngôi Làng mà tôi định đến; trên đường đi tôi chẳng có niềm thích thú nào khác ngoài chuyện bắt cái thằng dở người đi theo tôi phải hớt hải chạy, nhiều khi hắn phải ba chân bốn cẳng một quãng đường dài gấp ba quãng đường của tôi, vì sợ để mất dấu. Cứ hành hạ hắn ta mãi, rốt cuộc bản thân tôi cũng thấy nực hết cả người, thế là tôi bèn tới ngồi dưới một gốc cây. Hắn ta hỗn đến nỗi vòng ra đằng sau một bụi cây cách chỗ tôi ngồi chừng hai mươi bước chân mà núp. Đã có lúc tôi rất muốn lấy khẩu súng dài bắn cho hắn một phát, phát đạn ấy, mặc dù dùng đạn chì nhỏ thôi, hẳn cũng đủ dạy cho hắn một bài học đắt giá về những mối nguy mà sự tò mò mang lại; thật may cho hắn, tôi chợt nhớ ra là hắn đang có ích và thậm chí cần thiết cho các kế hoạch của tôi; chính ý nghĩ ấy đã cứu đời hắn.

Rồi tôi đến Ngôi Làng; tôi thấy người ta bàn tán xôn xao; tôi tiến vào; tôi hỏi han; tôi nghe người ta kể lại chuyện. Tôi gọi Quan Thu Thuế đến; và, xuất phát từ lòng cảm thông bao la của mình, tôi rút phắt năm mươi sáu quan ra trả hộ thuế, chỉ vì có ngần ấy mà người ta định dồn năm con người vào cuộc sống rơm rạ đầy tuyệt vọng đó. Sau hành động quá ư giản dị ấy, bà không thể hình dung nổi những người có mặt cất lên một dàn đồng ca ân phước như thế nào đâu! Những giọt lệ trĩu đến là nặng nỗi hàm ơn chảy ra từ cặp mắt người cha già của cái gia đình ấy, làm tôn thêm vẻ đẹp của khuôn mặt Thủ Lĩnh ấy, mới chỉ một lúc trước thôi còn rất là xấu xí vì hằn sâu dấu ấn dữ dội của niềm tuyệt vọng! Tôi đang chăm chú ngắm nhìn cảnh tượng đó thì một nông dân khác, trẻ hơn, dẫn theo một người phụ nữ và hai đứa trẻ, sấp ngửa tiến về phía tôi, bảo với những người khác: “Mọi người quỳ gối xuống dưới chân Thượng Đế hiện hình đi”; và cùng lúc, vây quanh tôi là cả gia đình ấy, quỳ rạp trước đầu gối tôi. Tôi sẽ thú nhận ngay sự yếu đuối của mình đây; mắt tôi rưng rưng lệ, và trong lòng tôi cảm nhận một chuyển động vô ý, nhưng tuyệt diệu. Tôi đã rất kinh ngạc trước khoái cảm mà ta có được khi làm việc thiện; và thiếu điều tôi đã tin rằng những kẻ ta vẫn hay gọi là người đạo hạnh chẳng xứng đáng đến như người ta hay nói đâu. Dù gì đi nữa, tôi cũng đã đưa cho những con người nghèo khổ kia một khoản vừa đủ trang trải cho khoái cảm mà họ dâng cho tôi. Tôi cầm theo mười đồng louis; tôi bèn đưa cả cho họ. Đến đây những lời cảm tạ lại dậy lên, nhưng đã không còn cùng mức độ thống thiết như lúc trước nữa: tính chất thiết yếu đã tạo ra hiệu ứng to lớn và đích thực; phần còn lại chỉ là một biểu hiện đơn giản của lòng biết ơn và ngạc nhiên trước những món tặng phẩm trời ơi đất hỡi.

Tuy nhiên, ở giữa những lời nói ngập tràn ân phước lảm nhảm của cái gia đình ấy, tôi khá là giống Anh Hùng của một vở Bi Kịch, ở cảnh mở nút kết thúc. Hẳn bà cũng để ý thấy rằng trong đám người đó chủ yếu có tên gián điệp trung thành. Mục đích của tôi đã hoàn thành mỹ mãn: tôi rời khỏi bọn họ rồi quay về Lâu Đài. Nhẩm tính lại mọi sự, tôi tự khen ngợi vì sáng kiến. Hẳn nhiên là người phụ nữ ấy xứng đáng nhận từ tôi ngần ấy chăm chút; rồi ngày nào đó trong tay nàng chúng sẽ trở thành chứng khoán sinh lời; và một khi đã, theo một cách nào đó, chịu chi trước như vậy, hẳn tôi sẽ có quyền sử dụng chúng tùy theo trí tưởng tượng phóng túng của tôi, mà chẳng việc gì phải đi tự trách cứ.

Tôi đã quên không nói với bà rằng để tận thu đến cùng, tôi đã nhờ những con người chất phác đó cầu Chúa cho các dự định của tôi được thành công. Bà sẽ thấy liệu có phải những lời cầu nguyện của họ được đáp ứng ngay lập tức hay không… Nhưng tôi vừa được thông báo là bữa tối đã dọn, và sẽ quá muộn không kịp gửi Bức Thư này nếu đợi sau bữa mới viết nốt. Thế nên, phần còn lại hẹn hồi sau quen thuộc nhé. Tôi rất bực vì điều này, bởi phần còn lại hay hơn nhiều. Tạm biệt, bà bạn xinh đẹp của tôi. Bà đã đánh cắp mất của tôi một chút thời gian dành cho khoái lạc được nhìn thấy nàng ấy đấy.

Từ… 20 tháng Tám 17**


Thư XXII

BÀ CHÁNH TÒA DE TOURVEL GỬI BÀ DE VOLANGES

Thưa Bà, hẳn bà sẽ vui lòng nghe tôi kể một đặc điểm ở Ông de Valmont, cái đặc điểm tương phản hẳn, tôi thấy như vậy, với mọi đặc điểm người ta từng mô tả với bà. Thật khó nhọc nếu phải nghĩ những điều bất lợi về bất kỳ một ai, thật đáng bực nếu chỉ tìm ra những khiếm khuyết nơi những con người lẽ ra có đủ mọi phẩm chất cần thiết để phụng sự cho tình yêu đức hạnh! Rồi thì, vốn dĩ bà ưa dụng đến lòng bao dung lắm cơ mà, vậy nên tôi xin bà cho phép đưa ra những bằng chứng hòng thay đổi một lời phán định quá nghiêm khắc. Theo tôi, dường như Ông de Valmont rất thiết tha hy vọng có được ân huệ này, hay tôi còn có thể nói, sự công bằng này; và sau đây là những chuyện khiến tôi nghĩ vậy.

Sáng nay ông ấy có một chuyến đi ra ngoài, những chuyến đi ấy khiến ta có thể nghĩ ông ấy đang ôm ấp một ý đồ nào đó quanh đây, như bà cũng từng nghĩ ấy; cái ý nghĩ mà có lẽ tôi đã vin vào một cách hơi quá nhiệt tình, nó khiến tôi phải tự trách móc bản thân. Thật may cho ông ấy, và nhất là thật may cho chúng ta, bởi vì chính điều này đã giúp chúng ta khỏi trở thành những kẻ bất công, một người của tôi đã đi cùng đường với ông ấy; và chính nhờ vậy mà lòng hiếu kỳ đáng trách nhưng may mắn của tôi đã được thỏa mãn. Anh ta về báo lại rằng Ông de Valmont, khi thấy ở Làng... có một gia đình bất hạnh đang bị lấy mất của nả vì không có tiền trả thuế, đã không chỉ mau mắn trả món nợ cho những con người nghèo khó kia, mà thậm chí còn cho họ một khoản tiền khá lớn. Anh Gia Nhân của tôi đã có mặt chứng kiến hành động đức hạnh ấy; và thêm vào đó anh ta còn kể rằng những người nông dân, nói chuyện với nhau và với anh ta, bảo rằng một Anh Hầu mà sau khi họ miêu tả thì anh Gia Nhân của tôi nghĩ rằng đó là Anh Hầu của Ông de Valmont, hôm qua đã đến tìm hiểu xem ở Làng có những ai cần giúp đỡ. Nếu quả đúng là như vậy, đây thậm chí còn không chỉ là một sự cảm thông thoáng qua, chỉ do hoàn cảnh mà nảy sinh: đó là dự định làm việc thiện rất bền bỉ; là lòng mong mỏi được tốt lành; đó là đạo hạnh đẹp nhất nơi những tâm hồn cao quý nhất: nhưng, dù cho là tình cờ hay dự định dài lâu, thì đó vẫn cứ là một hành động trung thực và đáng khen, và chỉ cần nghe thuật lại tôi đã muốn òa lên khóc vì cảm động rồi. Tôi sẽ nói thêm nữa, và vẫn vì lẽ công bằng thôi, rằng lúc tôi hỏi ông ấy về hành động đó, thì ông ấy đã không chịu nói gì, thoạt đầu ông ấy còn chối phắt, và có vẻ chỉ coi chuyện đó thật ít giá trị, chỉ vì tiện tay mà làm thôi, đến nỗi sự khiêm nhường của ông ấy đã làm tăng gấp đôi phẩm cách câu chuyện.

Giờ thì, xin hãy nói cho tôi, thưa bạn tôn kính, liệu có thật Ông de Valmont là một kẻ phong tình không thể hồi tâm chuyển ý hay chăng? Nếu ông ấy chỉ là như thế rồi thì hành xử như vậy, liệu ông ấy sẽ còn lại gì đối với những người thuần hậu? Gì cơ! lại có chuyện kẻ độc ác cùng chung với người tốt lành cái sở thích từ thiện thiêng liêng nữa ư? Có chuyện Chúa cho phép một gia đình đức hạnh nhận từ tay một kẻ xấu xa sự giúp đỡ mà họ cho rằng chính là ân huệ của Cõi Trên được chăng? và liệu Người có thể nào vui lòng khi nghe từ những miệng người thanh sạch lời xin ân phước cho một kẻ đồi bại được chăng? Không. Điều tôi thích nghĩ hơn là những lầm lỗi, mặc dù kéo dài, không phải vĩnh viễn; và tôi không thể nghĩ đến chuyện người từ tâm lại trở nên kẻ thù của đạo hạnh. Có lẽ Ông de Valmont chỉ là một nạn nhân nữa từ mối nguy hiểm của các quan hệ mà thôi. Tôi xin dừng lại ở cái ý nghĩ khiến tôi khoan khoái này. Nếu một mặt nó có thể dùng để biện minh cho ông ấy trong tâm trí bà, thì mặt khác nó càng lúc càng khiến tôi thêm trân quý tình bạn dịu dàng đã kết hợp hai chúng ta với nhau suốt đời.

Rất hân hạnh.

T. B. - Bà de Rosemonde và tôi lát nữa cũng sẽ gặp cái gia đình trung hậu và bất hạnh ấy, và đóng góp muộn màng vào sự giúp đỡ của Ông de Valmont. Chúng tôi sẽ dẫn ông ấy cùng đi. Ít nhất chúng tôi cũng sẽ cho những người ấy cơ hội sung sướng gặp lại ân nhân của họ; tôi tin rằng đó là tất tật những gì ông ấy chịu để cho chúng tôi làm.

Từ… 20 tháng Tám 17**


Thư XXIII

TỬ TƯỚC DE VALMONT GỬI NỮ HẦU TƯỚC DE MERTEUIL

Thư trước dừng ở lúc tôi về tới Lâu Đài: bây giờ tôi xin kể tiếp câu chuyện.

Tôi chỉ kịp có thời gian chỉnh trang qua loa là phải tới thẳng phòng khách, tại đó Giai Nhân của tôi dệt thảm, còn ông Mục Sư giáo xứ đọc tin tức trên tờ Gazette cho bà trẻ tôi nghe. Tôi đến ngồi cạnh khung cửi. Những ánh mắt, còn dịu dàng hơn lệ thường, gần như ve vuốt, khiến tôi sớm nhận ra rằng tay Gia Nhân đã báo lại cho nàng về việc tôi vừa làm. Quả thật, Người Phụ Nữ Hiếu Kỳ khả ái của tôi không thể giữ lâu hơn nữa cái bí mật mà nàng vừa mới thó được của tôi; thế là, chẳng nề hà việc ngắt lời một Đấng Chăn Chiên khả kính có giọng đọc không khác nào đang giảng đạo: “Con cũng có tin tức để kể đây”, nàng cất lời; và ngay lập tức nàng kể lại cuộc phiêu lưu của tôi, hết sức chính xác như thể để vinh danh trí tuệ linh mẫn của Sử Gia nơi nàng. Chắc bà cũng đoán được rằng tôi đã ra sức phô diễn sự khiêm cung của bản thân: nhưng ai mà ngăn cản nổi một người phụ nữ đang thực tâm ngợi ca những gì mà nàng yêu quý đây? Thế nên tôi chọn cách để mặc cho nàng làm gì thì làm. Cứ như thể nàng rao truyền lời tụng một Ông Thánh vậy. Trong lúc đó, lòng đầy ấp ủ, tôi quan sát tất cả những gì hứa hẹn cho tình yêu xuất phát từ ánh mắt sôi nổi của nàng, cử động khoái hoạt của nàng, và nhất là âm điệu giọng nói đã hơi lạc đi của nàng, nó để lộ cảm xúc tràn ngập tâm hồn nàng. Nàng vừa nói dứt lời thì: “Lại đây nào, cháu của ta, Bà de Rosemonde nói; lại đây để bà ôm hôn cháu nào.” Tôi cảm thấy ngay là Nhà Thuyết Giáo tuyệt mỹ cũng sẽ không thể ngăn cản chuyện tôi ôm hôn nàng. Tuy nhiên nàng đã muốn bỏ chạy; nhưng nàng đã mau chóng ở trong vòng tay tôi; và, thay vì dồn sức kháng cự, nàng chỉ còn chút sức lực cố sao đứng vững cho khỏi ngã. Càng ngắm nhìn người phụ nữ ấy, tôi lại càng thèm muốn nàng nhiều hơn. Nàng vội vã quay lại khung cửi, và làm ra vẻ lại tiếp tục dệt thảm, nhưng đấy chỉ là trong mắt mọi người; riêng tôi, tôi thấy rõ tay nàng run lên đến nỗi nàng không thể tiếp tục làm việc được nữa.

Dùng bữa xong, các Quý Bà nhất định muốn đến gặp những kẻ xấu số mà tôi đã vì lòng kính Chúa mà giúp đỡ; tôi đi cùng họ. Thôi tôi tha cho bà khỏi phải chịu đựng nỗi nhàm chán lần thứ hai phải đọc về màn biết ơn và ca ngợi ấy. Trái tim tôi, mang nặng một kỷ niệm dịu ngọt, chỉ mong sao sớm đến lúc trở lại Lâu Đài. Trên đường về, Bà Chánh Tòa xinh đẹp của tôi, vẻ mơ mộng hơn lệ thường, không thốt ra dù chỉ một lời. Tôi thì toàn tâm toàn ý nghĩ cách tận dụng tác động từ sự kiện trong ngày nên cũng câm như hến. Còn mỗi mình Bà de Rosemonde nói, bà chỉ gợi được từ hai chúng tôi lác đác vài lời đáp ngắn ngủn. Hẳn chúng tôi đã làm bà ấy chán: đó chính là ý đồ của tôi, và ý đồ ấy đã thành tựu. Thế nên lúc xuống xe, bà trẻ tôi về thẳng buồng, để lại Giai Nhân và tôi mặt đối mặt nhau trong phòng khách lờ mờ, nơi bóng tối dịu êm biến thành kẻ đồng lõa của tình e ấp.

Tôi chẳng cần phải cố lái câu chuyện theo hướng mình muốn. Tấm tình nồng nhiệt của Nhà Thuyết Giáo khả ái giúp ích cho tôi còn nhiều hơn cả sự khéo léo của tôi. “Khi mà con người ta cao quý đến mức biết làm điều thiện, nàng nói với tôi, ánh mắt dịu dàng đậu trên người tôi: thì tại sao cả đời lại có thể đi làm việc xấu? - Tôi không xứng, tôi đáp, cả với lời ngợi khen này lẫn tiếng quở trách kia đâu; và tôi không tưởng tượng được rằng với ngần ấy trí lự ở trong mình, mà bà vẫn còn chưa đoán định được tôi. Mặc cho lòng tin tôi đặt nơi bà có thể gây hại cho tôi đến mức nào, thì bà vẫn quá xứng đáng nhận nó, nên tôi không tài nào từ chối bà cho nổi. Thật không may làm sao, bà sẽ tìm ra chìa khóa dẫn vào hạnh kiểm của tôi ở một tính cách quá dễ dãi. Vì sống giữa những người chẳng coi phong hóa ra gì, tôi đã học đòi những thói xấu của họ; có lẽ vì tự ái mà tôi đã tìm cách vượt trội hơn họ. Ở nơi đây thì tôi lại bị quyến rũ bởi chuẩn mực của đạo hạnh, thế nên ít nhất là tôi đã cố học theo bà, mặc dù chẳng hề hy vọng có thể đạt tới tầm vóc của bà. Này! có lẽ hành động được bà ngợi khen ngày hôm nay sẽ mất đi mọi giá trị trong mắt bà, nếu bà biết được mục đích thực của nó! (Bà thấy đấy, bà bạn xinh đẹp của tôi, tôi đã nói gần sự thật biết bao nhiêu.) Tôi không phải, tôi nói tiếp, là người mà những kẻ bất hạnh kia mang nợ sự giúp đỡ đâu. Ở nơi bà tưởng như nhìn thấy một hành động đáng ca ngợi, thì tôi chỉ tìm kiếm một phương cách để làm vui lòng người khác mà thôi. Tôi chỉ, bởi điều này cần nói ra, là kẻ đại diện yếu ớt của Thần Thánh mà tôi kính ngưỡng. (Đến đây nàng những muốn ngắt lời tôi; nhưng tôi không để nàng có thời gian làm điều đó.) Đúng vào lúc này đây, tôi thêm vào, tôi đang thổ lộ bí mật chỉ là vì lòng tôi đang yếu đuối. Tôi đã tự hứa với mình là sẽ không nói điều này với bà; tôi tự làm mình hạnh phúc vì đã vinh danh những đức hạnh của bà cũng như vẻ diễm lệ ở nơi bà, một sự vinh danh thuần khiết mà bà sẽ không bao giờ biết được; nhưng, vì không tài nào lừa dối nổi khi ngay trước mắt tôi hiển hiện hình mẫu của lòng ngay thẳng, nên ít nhất tôi cũng sẽ không phải tự trách cứ vì hỗn xược tìm cách che giấu. Xin bà đừng nghĩ rằng tôi xúc phạm bà bởi một nỗi khát khao tội lỗi. Tôi sẽ bất hạnh lắm, tôi biết; nhưng tôi trân quý những khổ đau của mình; chúng sẽ chứng tỏ hộ tôi tình yêu vô bờ bến ở nơi tôi; chính là ở dưới chân bà đây, ở giữa lồng ngực bà, tôi sẽ trút những khắc khoải của mình. Tôi sẽ kiếm tìm ở đó nguồn sức mạnh để lại có thể đau khổ; ở đó tôi sẽ tìm được phúc lành thông giao, và sẽ nghĩ mình được an ủi, bởi vì bà sẽ đoái thương tôi. Ôi bà, người mà tôi tôn sùng! hãy nghe tôi nói, hãy đoái thương tôi, hãy cứu vớt tôi!” Và tôi phủ phục trước đầu gối nàng, tôi siết chặt hai bàn tay nàng trong hai bàn tay tôi: nhưng nàng, đột nhiên rút chúng ra thật nhanh, bịt chặt chúng lên mắt mình với dáng điệu tuyệt vọng: “Ôi! sao mà mi bất hạnh!” nàng kêu lên; rồi nàng òa khóc. Thật may mắn vì lòng tôi sôi trào đến mức chính tôi cũng bật khóc; và tôi lại cầm lấy tay nàng để vùi lệ mình vào đó. Hành động cẩn trọng này là rất cần thiết; bởi vì nàng đang quá đẫm vào nỗi đau riêng, nàng sẽ không nhận thấy nỗi đau của tôi nếu tôi không nghĩ ra cách báo cho nàng biết. Thêm vào đó nhờ làm vậy tôi còn được ngắm nhìn thỏa thích khuôn mặt duyên dáng kia, càng được điểm tô hoa lệ nhờ nét quyến rũ của lệ rơi. Tâm trí tôi nóng bừng bừng, và tôi thấy thật khó lòng tự làm chủ mình, thiếu điều thì tôi đã tận dụng luôn giây phút đó.

Vậy cái gì là chỗ yếu của chúng ta? đâu là sức mạnh của hoàn cảnh, nếu như bản thân tôi, vì quên mất các dự đồ của mình, thiếu chút nữa chỉ vì một chiến thắng quá vội vã mà đánh mất vẻ duyên dáng của những cuộc chiến dài và các chi tiết của một thất bại nặng nề; nếu, bị quyến rũ bởi một ham muốn trai trẻ, tôi nghĩ ngay đến chuyện tự tuyên xưng là người chiến thắng Bà de Tourvel để rồi bao công sức bỏ ra chỉ thu hái về cái đắc chí nhạt nhẽo là có thêm một người đàn bà nữa! A! dẫu cho nàng có quy hàng, nhưng nàng phải chiến đấu chứ; không có được sức mạnh để chiến thắng thì nàng cũng phải có sức mạnh để kháng cự chứ; nàng phải mặc sức mà nhấm nháp cảm giác về sự yếu đuối của mình, và buộc phải thú nhận là mình thất bại chứ. Ta hãy để mặc tay Thợ Săn Trộm nào đó rình rập bất ngờ giết tươi con hoẵng; Thợ Săn chính hiệu thì phải dồn bắt nó. Dự đồ ấy thật là trác tuyệt, có phải không? nhưng có lẽ giờ tôi đã phải nuối tiếc vì đã không làm theo như thế, nếu sự tình cờ không tới hiệp lực để xác nhận rằng tính thận trọng ở tôi là đúng đắn.

Chúng tôi nghe thấy có tiếng động. Ai đó đang đi tới chỗ phòng khách. Hoảng sợ, Bà de Tourvel đứng bật dậy, cầm lấy một cây nến và lướt ra ngoài. Phải để nàng làm thế thôi. Đó chỉ là một tên Gia Nhân. Yên tâm được về điều đó xong tôi bèn bám theo nàng. Vừa đi được vài bước thì, hoặc vì nàng phát hiện ra tôi, hoặc vì một cảm giác sợ hãi thoáng qua, tôi nghe tiếng nàng rảo bước chân, gần như lao thẳng vào phòng rồi khóa ngay cửa lại. Tôi tới đó; nhưng chìa khóa đã cắm ổ bên trong. Tôi không gõ cửa; nếu làm vậy tôi sẽ dâng cho nàng cơ hội kháng cự quá dễ dàng. Tôi nảy ra một ý tưởng giản dị nhưng tài khéo là thử nhòm qua lỗ khóa, và thế là tôi thấy người phụ nữ tươi ngon ấy đang quỳ gối, ràn rụa nước mắt, nhiệt thành cầu nguyện. Nàng dám khẩn tới vị Chúa nào đây? ông ta có đủ sức mạnh chống lại tình yêu hay không? Lúc này đây nàng chỉ hoài công kiếm tìm những trợ giúp từ bên ngoài: tôi đây mới là người sẽ cầm cương số phận nàng.

Coi như vậy đã là đủ cho một ngày rồi, tôi cũng rút về phòng để viết thư cho bà. Tôi đã hy vọng được gặp nàng trong bữa đêm; nhưng nàng sai người bảo rằng mình đang khó ở và đã đi nằm. Bà de Rosemonde muốn lên thăm nàng, nhưng người bệnh ma mãnh đã phịa ra một cơn đau đầu khiến nàng không thể gặp một ai. Bà cũng đoán được rằng dùng xong bữa thì cũng chẳng còn việc gì nữa để nấn ná, và tôi cũng lên cơn đau đầu. Lui về phòng, tôi viết một Bức Thư dài để than thở vì sự khắc nghiệt kia rồi đi nằm, dự tính ngày mai sẽ trao nó. Tôi ngủ không được ngon cho lắm, như bà cũng có thể thấy ở dòng ghi ngày tháng của Bức Thư này. Tôi nhỏm dậy, đọc lại Lá Thư. Tôi nhận ra rằng mình đã không chăm chút cẩn thận cho nó, ở đấy tôi bày tỏ nhiều háu hỉnh hơn là tình yêu, và nhiều bực bội hơn là buồn bã. Phải viết lại nó thôi; nhưng đợi đến lúc nào bình tĩnh hơn đã.

Tôi đã thấy ánh bình minh, và tôi hy vọng sự mát mẻ đi kèm nó sẽ khiến tôi tìm được giấc nồng. Tôi lại lên giường đây; và, dù cho sức mạnh của người phụ nữ ấy có lớn đến đâu, thì tôi cũng hứa với bà là sẽ không để nàng chiếm hết tâm trí đến mức không còn thời gian nghĩ nhiều tới bà nữa. Tạm biệt, bà bạn xinh đẹp của tôi.

Từ… 21 tháng Tám 17**, 4 giờ sáng


Thư XXIV

TỬ TƯỚC DE VALMONT GỬI BÀ CHÁNH TÒA DE TOURVEL

A! thưa Bà, xin hãy thương xót rủ lòng hóa giải nỗi xáo trộn trong tâm hồn tôi; xin hãy rủ lòng nói cho tôi biết mình nên hy vọng điều gì, phải sợ hãi điều chi. Nằm ở giữa quá chừng hạnh phúc và quá chừng đen đủi, sự bất định chính là một nỗi hành hạ thảm khốc. Tại sao lúc ấy tôi lại nói với bà? sao tôi không thể cưỡng lại sự mê hoặc tuyệt cùng, nó khiến tôi để lộ cho bà biết những suy nghĩ của mình? Lúc còn im lặng mà ngưỡng vọng bà, ít nhất tôi còn được tận hưởng tình yêu nơi tôi; và cái tình cảm thuần chất đó, khi ấy còn chưa bị hình ảnh nỗi đau đớn của bà làm cho xáo động, chỉ tình cảm ấy thôi cũng đủ để tôi được hưởng phúc lành: nhưng nguồn hạnh phúc đó bởi vậy đã trở thành nguồn cơn tuyệt vọng, kể từ khi tôi thấy lệ tuôn từ mắt bà; kể từ khi tôi nghe cái câu A! sao mà mi bất hạnh! tai ác ấy. Thưa Bà, mấy từ ấy cứ ngân lên thật lâu trong trái tim tôi. Vì định mệnh nào mà thứ tình cảm êm dịu nhất lại chỉ có thể gây ra nơi bà nỗi hoảng hốt? nỗi e sợ đó là gì thế? A! đó không phải sự hoảng hốt của sự hồi ứng: trái tim bà, tôi đã không thực biết rõ, không được tạo ra cho tình yêu; còn trái tim tôi, trái tim cứ bị bà vu khống không ngừng, chỉ nó biết bồi hồi rung cảm; trái tim bà chẳng chứa nổi đến cả lòng xót thương. Nếu sự thể không như vậy, chắc hẳn bà đã không từ chối nói ra một lời an ủi cho kẻ bất hạnh đang kể cho bà nghe những nỗi thống khổ của hắn; hẳn bà đã chẳng né tránh ánh mắt của hắn, khi mà hắn chỉ có độc một khoái cảm là được nhìn thấy bà; hẳn bà đã không tạo ra một trò chơi tàn ác lên nỗi lo âu của hắn bằng cách cho người đến báo với hắn là bà bị ốm nhưng không để cho hắn được phép hỏi han về tình hình sức khỏe của bà; hẳn bà đã phải cảm nhận được rằng đêm rồi, với bà chỉ là mười hai tiếng đồng hồ nghỉ ngơi, nhưng với hắn là cả một thế kỷ đớn đau.

Vì đâu, bà hãy nói cho tôi biết, tôi lại đáng phải chịu sự nghiệt ngã đáng buồn ấy? Tôi không sợ bị bà phán xét: thật ra tôi đã làm gì? chỉ là buông mình theo một cảm giác vô ý, được khơi gợi từ cái đẹp và được biện minh bởi đức hạnh; lúc nào nó cũng được chứa đựng bên trong lòng kính trọng, mà lời thú nhận trong sạch chỉ là hệ quả của lòng tin tưởng chứ không phải của niềm hy vọng: liệu bà có phản bội lại lòng tin tưởng đó hay không, chính lòng tin mà bản thân bà cơ hồ đã cho phép tôi được có, lòng tin mà tôi đã buông mình vào không một chút e dè? Không, tôi không thể tin nổi điều đó; nghĩ vậy cũng có nghĩa là lên án một tội lỗi nơi bà, và trái tim tôi đã sôi lên chỉ với ý nghĩ có thể tìm được một tội lỗi ở bà: tôi xin rút lại mọi lời trách cứ; tôi đã có thể viết chúng ra, nhưng không được nghĩ đến. A! xin bà hãy để cho tôi nghĩ rằng bà thật toàn hảo, đây chính là khoái lạc duy nhất còn lại với tôi. Hãy chứng tỏ cho tôi thấy rằng bà hoàn hảo bằng cách ban cho tôi sự quan tâm đầy bao dung của bà. Bà từng cứu giúp kẻ bất hạnh nào cần đến sự cứu giúp ấy như tôi đây hay không? xin đừng bỏ mặc tôi lại trong cơn trí hoảng nơi bà đã đẩy tôi vào: hãy cho tôi mượn lý lẽ của bà, bởi bà đã cướp đi mất lý lẽ của tôi; sau khi chỉnh đốn rồi, xin bà hãy soi sáng cho tôi, để hoàn thiện công trình của bà.

Tôi không muốn đánh lừa bà, bà sẽ không sao mà chế ngự được tình yêu nơi tôi; nhưng bà sẽ dạy cho tôi cách điều chỉnh nó: hướng lối cho những hành xử của tôi, sai bảo tôi nói năng như thế nào, ít nhất bà sẽ cứu tôi thoát khỏi nỗi bất hạnh gớm ghê là làm cho bà đâm ra ghét tôi. Nhất là xin bà hãy xua đi nỗi e sợ khiến người ta cảm thấy tuyệt vọng kia; hãy nói với tôi là bà tha thứ cho tôi, rằng bà thương tôi; hãy cho tôi thấy lòng bao dung nơi bà. Hẳn sẽ chẳng bao giờ bà có toàn bộ lòng bao dung mà tôi ao ước; nhưng tôi xin được hưởng lòng bao dung mà tôi cần: bà từ chối tôi được sao?

Tạm biệt, thưa Bà, xin hãy lòng lành nhận lấy những tình cảm tốt đẹp của tôi; chúng chẳng hề gây hại chút nào cho lòng kính trọng nơi tôi.

Từ… 20 tháng Tám 17**

1 comment: