Jun 5, 2017

Một người con gái của Eva

Trong Vở kịch con người, Một người con gái của Eva (Une fille d'Ève) nằm ngay sau Nàng tình nhân hờ, tức là ở vị trí thứ 14, thuộc phần "Scènes de la vie privée", phần của các "cuộc đời riêng" (xem ở kia về sự phân chia tổng quát các phần của cả bộ sách).

Nhân tiện: ở Ferragus, Jules Desmarets đã đi tới rất sát "sự mở nút" cuối cùng: chỉ cần qua được điểm chốt quan trọng là ngã giá với mụ Étienne Gruget, mẹ của cô gái Ida, Jules sẽ tiếp cận được nhân vật Ferragus bí hiểm, người gây ra bao nhiêu điều tàn khốc cho chàng sĩ quan de Maulincour, biết được thân phận của nhân vật ấy, nhất là bản chất mối quan hệ giữa Ferragus và vợ của anh, "bà Jules" kiều diễm.

Sau "vòng tròn thứ nhất" của Vở kịch con người, tương đương mười cuốn tiểu thuyết, ta đã bắt đầu đi vào "vòng tròn thứ hai", mà mở đầu là Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ, tức là Splendeurs et misères des courtisanes.

Nhát thứ hai, cũng là nhát thứ mười hai trong tổng số, tiếp tục là một câu chuyện về phụ nữ, giống Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ, cũng giống, chẳng hạn, Người phụ nữ tuổi ba mươi, với điểm độc đáo sau đây: Một người con gái của Eva đi vào cuộc sống hôn nhân của cùng một lúc hai phụ nữ, là hai chị em ruột, Marie-Angélique và Marie-Eugénie. Một người là vợ một nhà quý tộc, người còn lại lấy một "parvenu", một kẻ "mới", mới thành đạt, mới gặp vận, mới giàu, nói tóm lại là "nouveau riche". Ferdinand du Tillet (có trong tên "particule", tức là "de", "des" hoặc "du", nói lên thân phận quý tộc, tuy chẳng hề là quý tộc gì hết) là một trong các nhân vật thuộc giới chóp bu ngân hàng nổi tiếng của Vở kịch con người, cùng nam tước de Nucingen, chẳng hạn.

Cuộc đảo lộn gây ra bởi Cách mạng tháng Bảy (1830, với sự lên ngôi của ông vua tư sản Louis-Philippe) có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống con người thời ấy? Balzac sẽ miêu tả điều này trong Một người con gái của Eva; những xáo trộn ấy lại càng lớn bởi vì các nhân vật mà Balzac đặt vào đây đang ở độ tuổi trẻ trung, nói đúng hơn là ở đầu cuộc đời.

Ta cũng hay nghe nói đến sự trở lại của các nhân vật trong Vở kịch con người, nhưng chưa thực sự thấy rõ; Một người con gái của Eva sẽ là thời điểm một nhân vật hết sức đáng nhớ quay trở lại, đóng một vai trò không nhỏ: Félix de Vandenesse là nhân vật chính của Le Lys dans la vallée (Bông huệ trong thung), kiệt tác lớn lao của Balzac, trong cuộc tình với bà de Mortsauf, thì trong Một người con gái của Eva, de Vandenesse là chồng của cô chị nhà de Granville.

Một người con gái của Eva cũng là thời điểm xuất hiện một nhân vật đặc biệt quan trọng của Vở kịch con người: nhà văn Nathan. Đây là nơi Nathan xuất hiện đậm đà hơn cả, để rồi sẽ có những hiện diện kiểu khác trong nhiều tác phẩm khác.

"Une fille d'Ève", theo thành ngữ, muốn nói lên người phụ nữ tò mò. Tuy nhiên, câu chuyện của Balzac không hoàn toàn hướng đến sự hiếu kỳ nơi người phụ nữ. Nó là câu chuyện chung hơn, tổng quát hơn, về người phụ nữ, trong những "rực rỡ", cũng như trong những "khốn cùng" của họ, các rực rỡ và khốn cùng mà dòng giống của Eva có thể phải trải qua.

-----------



Một người con gái của Eva


TẶNG BÀ BÁ TƯỚC BOLOGNINI, NHŨ DANH VIMERCATI

Nếu bà còn nhớ, Madame, khoái thú mà cuộc trò chuyện với bà từng gây ra cho một kẻ lữ hành khi bà nhắc tới Paris cho hắn nghe tại Milan, hẳn bà sẽ không ngạc nhiên khi thấy kẻ ấy bày tỏ với bà lòng biết ơn của hắn đối với những buổi tối tốt lành được ở bên cạnh bà, bằng cách đặt một tác phẩm của hắn dưới chân bà, cầu xin bà dùng tên tuổi của bà bảo trợ cho nó, giống như xưa kia cái tên đó từng bảo trợ nhiều câu chuyện của một tác giả già nua thân thiết với người dân Milan. Bà có một Eugénie, đã xinh đẹp lắm rồi, với nụ cười chất chứa trí tuệ thông báo rằng cô bé sẽ thừa hưởng từ bà các vưu vật lớn nhất của người phụ nữ, và là người, điều này thì chắc chắn, có được trong tuổi thơ mọi niềm hạnh phúc mà một bà mẹ đáng buồn từ chối trao cho Eugénie được thuật chuyện trong tác phẩm này. Bà thấy rằng tuy người Pháp vẫn bị coi là phù phiếm, chóng quên, nhưng tôi là người Ý thông qua sự bền vững cũng như kỷ niệm. Khi viết tên Eugénie, suy nghĩ vẫn hay đưa tôi quay trở lại phòng khách tươi tắn trần thiết stucco ấy, và trở lại khu vườn nhỏ kia, đến Vicolo dei Cappuccini, chứng nhân cho những tiếng cười của đứa trẻ yêu quý ấy, những tranh cãi giữa chúng ta, những câu chuyện của chúng ta. Bà đã rời Corso để đến Tre Monasteri, tôi không hay biết ở đó bà thế nào, và buộc lòng phải thấy bà, không còn ở giữa các đồ vật xinh xẻo hẳn đang vây quanh bà, mà như một trong những khuôn mặt thật đẹp sản sinh từ Carlo Dolci, Raphael, Titien, Allori, chúng như thể là trừu tượng, bởi vì quá xa vời.
Nếu cuốn sách này có thể nhảy qua dãy núi Alpes, nó sẽ chứng tỏ cho bà thấy lòng biết ơn lớn lao và tình bạn đầy kính trọng

Từ kẻ hầu cận khiêm nhường của bà,

DE BALZAC[1]


Tại một trong những dinh thự đẹp nhất trên phố Neuve-des-Mathurins[2], vào lúc mười một rưỡi tối, hai phụ nữ ngồi trước lò sưởi của một phòng boudoir chăng thứ nhung xanh lơ óng ánh êm dịu và rực rỡ mà ngành công nghiệp Pháp cho tới mãi những năm gần đây mới biết cách làm ra. Ở chỗ các cửa và cửa sổ, một trong các thợ thảm đích thực là nghệ sĩ ấy đã phủ những rèm mềm mại bằng casơmia màu xanh tương tự với màu của màn trướng. Một ngọn đèn bằng bạc nạm ngọc lam và được treo lên nhờ ba dây xích uốn rất đẹp thõng xuống từ một họa tiết hoa tròn đặt chính giữa trần. Sự trang trí có hệ thống được hoàn chỉnh tiếp nối cho tới tận các chi tiết tỉa tót nhỏ nhất và cho tới cả trần nhà lụa xanh lơ kia, điểm sao casơmia trắng với những dải xoăn dài cách nhau các khoảng đều buông xuống màn trướng, đính bằng các nơ ngọc. Các bàn chân đặt lên lớp ấm nóng một tấm thảm Bỉ, dày như một bãi cỏ và nền màu ghi điểm xuyết những túm hoa xanh lơ. Đồ đạc, đóng bằng gỗ cẩm lai theo các mẫu đẹp nhất của thời xa xưa, bằng các tông màu phong phú của chúng càng làm tăng vẻ dịu của tổng thể này, hơi quá mức mờ ảo, hẳn một họa sĩ sẽ nói. Lưng những cái ghế và phô tơi trưng bày cho mắt nhìn các trang mịn màng làm bằng thứ vải thượng hạng, lụa trắng, trang trí những bông hoa xanh lơ và lộng khung trong sự hào phóng của những vòm lá khắc tinh xảo vào gỗ. Ở mỗi phía của cửa sổ, hai cái giá phô bày cả nghìn món đồ lặt vặt quý giá của chúng, những bông hoa của các bộ môn cơ học bừng nở trong lửa của suy tư. Trên lò sưởi bằng đá hoa cương Ý xanh nhạt vân trắng, các thứ đồ sứ điên rồ nhất của Saxe cổ xưa, những chàng mục đồng đi tới các lễ cưới vĩnh cửu, cầm trên tay những bó hoa tinh tế, đủ thể loại gốm sứ Đức học theo đồ Trung Hoa, vây lấy một đồng hồ treo tường platin, khảm họa tiết hoa lá cành. Phía bên trên, lấp lánh các phiến dọc một tấm gương Venise lộng trong gỗ mun dày đặc các hình nổi phù điêu, và có xuất xứ từ một ngự ốc nào đó. Hai chậu hoa bày ra sự xa xỉ bệnh hoạn của các nhà kính trồng cây, những bông hoa nhạt màu cao quý, những viên ngọc của thực vật học. Trong phòng boudoir lạnh lẽo, ngăn nắp, sạch sẽ như dành để bán này, hẳn ta sẽ không tìm được sự lộn xộn ma mãnh và đầy vẻ bất chợt hé lộ về hạnh phúc. Nơi đây, mọi thứ đều rất hài hòa, bởi vì ở đó hai phụ nữ kia đang khóc. Mọi thứ tại nơi này đều như thể đang đau đớn. Tên của người chủ nhà, Ferdinand du Tillet, một trong các chủ ngân hàng giàu nhất Paris, biện minh cho sự xa xỉ kinh khiếp điểm trang cho dinh thự, và boudoir này có thể dùng làm bản tóm tắt cho nó. Dẫu chẳng con nhà, dẫu là kẻ gặp vận, có Chúa mới biết bằng cách nào! du Tillet đã lấy vào năm 1831 con gái út của bá tước de Granville, một trong những cái tên lừng lẫy nhất của ngành tòa án nước Pháp, và trở thành nguyên lão Pháp quốc sau cuộc cách mạng tháng Bảy. Cuộc hôn nhân vì tham vọng này đã được mua bằng tờ giấy biên lai trong khế ước về một món hồi môn không bị động chạm tới, cũng đáng kể ngang bằng hồi môn của cô chị cả, lấy bá tước Félix de Vandenesse. Về phần mình, gia đình Granville trước kia đã đạt được mối thông gia này với gia đình Vandenesse nhờ món hồi môn khổng lồ. Thế nên, Ngân Hàng đã sửa chữa kẽ nứt gây ra cho Tòa Án bởi tay Quý Tộc. Nếu bá tước de Vandenesse biết rằng, chỉ sau đó ba năm mình sẽ trở thành anh em cọc chèo với một sieur Ferdinand, gọi là du Tillet, thì có lẽ hẳn ông đã không cưới người vợ của mình; nhưng ai là người có thể, vào quãng cuối năm 1828, dự đoán những đảo lộn mà năm 1830 sẽ mang tới cho tình hình chính trị, cho các sản nghiệp và cho luân lý nước Pháp đây? Hẳn sẽ bị coi là điên ngay tắp lự kẻ nào nói với bá tước Félix de Vandenesse rằng, trong cuộc hỗn loạn ấy, ông sẽ đánh mất vương miện nguyên lão, rồi thì nó sẽ leo lên nằm trên đầu người anh em đồng hao của ông.

Ngồi thu lu trên một cái ghế thấp, loại ghế được gọi là chauffeuse, trong dáng điệu của một phụ nữ đầy chú tâm, bà du Tillet, với tình dịu dàng mẫu tử, ép lên ngực và chốc chốc hôn lên bàn tay chị của nàng, bà Félix de Vandenesse. Ngoài xã hội, người ta ghép họ của gia đình với tên rửa tội, để phân biệt nữ bá tước với chị dâu của nàng, nữ hầu tước, vợ của cựu đại sứ Charles de Vandenesse, ông đã lấy người vợ góa giàu có của bá tước de Kergarouët, một cô nương nhà de Fontaine[3]. Nửa nằm nửa ngồi trên một cái ghế causeuse, khăn mùi soa cầm ở tay bên kia, hơi thở đứt đoạn với những nức nở cố kìm nén, hai mắt ướt rượt, nữ bá tước vừa tâm sự, những lời mà chỉ chị em gái mới có thể nói với nhau, khi mà hai chị em gái yêu quý nhau; và hai chị em gái này yêu quý nhau một cách êm dịu. Chúng ta đang sống vào một cái thời nơi hai chị em gái lấy chồng theo cách thức kỳ cục như vậy có thể không yêu quý nhau tới mức một sử gia buộc lòng phải thuật lại các nguyên do cho tình dịu dàng ấy, được giữ gìn không vương bụi cũng chẳng vệt bẩn ở giữa những khinh miệt mà chồng của họ dành cho nhau cũng như những rạn vỡ của xã hội. Một tóm tắt ngắn gọn về tuổi thơ của họ sẽ giải thích cho hoàn cảnh của cả hai người.

Lớn lên trong một dinh thự u tối khu Marais, dưới sự trông coi của một người đàn bà mộ đạo có trí tuệ hẹp hòi, người, thấm đẫm các nghĩa vụ của mình, cái câu rất kinh điển ấy, đã hoàn thành nghĩa vụ đầu tiên của một bà mẹ đối với các cô con gái, Marie-Angélique và Marie-Eugénie đến tuần cập kê, người thứ nhất ở tuổi hai mươi, người kia ở tuổi mười bảy, mà chưa từng bao giờ bước chân ra khỏi vùng cấm địa nơi vây bủa ánh mắt của người mẹ. Cho tới lúc ấy họ chưa đi xem một buổi diễn nào, các nhà thờ ở Paris là sân khấu của họ. Xét cho kỹ sự giáo dục của họ nơi dinh thự của mẹ họ cũng nghiêm ngặt giống như nếu họ được đưa vào một nhà tu kín. Từ tuổi biết nghĩ, họ vẫn luôn luôn ngủ trong một căn phòng sát kề phòng của nữ bá tước de Granville, cửa mở hé vào ban đêm. Khoảng thời gian không phải chăm lo cho bản thân, tức là các nghĩa vụ tôn giáo hay học tập nhất thiết phải có đối với các cô gái trâm anh thế phiệt, được dùng cho công việc khâu vá đan lát nhằm mục đích làm phúc cho người nghèo, các cuộc dạo bộ được thực hiện theo kiểu những cuộc dạo bộ mà người Anh tự cho phép mình, ngày Chủ nhật, vừa đi vừa nói: “Đừng đi nhanh thế chứ, kẻo chúng ta sẽ có vẻ là đang vui thú đấy.” Sự dạy dỗ của họ không hề vượt qua các giới hạn ấn định bởi các cha giáo đạo được tuyển lựa trong số tăng lữ ít khoan dung nhất và nhiều tính chất giăng-xê-nít nhất. Chưa từng bao giờ có những cô gái nào được trao cho chồng của họ mà lại thuần khiết hơn và trinh trắng hơn: dường như mẹ họ đã thấy ở điểm này, vả lại cũng là điểm khá cốt yếu, sự thành tựu mọi bổn phận của bà đối với Trời và đối với người. Hai sinh thể khốn khổ này chưa từng bao giờ, trước khi lấy chồng, đọc tiểu thuyết hay vẽ gì khác ngoài các hình người xét về mặt giải phẫu hẳn là kiệt tác của sự bất khả đối với Cuvier, và với các nét đủ sức nữ tính hóa đến cả Hercule Farnèse[4]. Một phụ nữ già không chồng dạy họ vẽ. Một linh mục đáng kính dạy cho họ văn phạm, tiếng Pháp, lịch sử, địa dư và chút ít số học cần thiết cho phụ nữ. Những gì mà họ đọc, được chọn lựa trong số sách được phép, chẳng hạn Thư khuyến thiện[5]Các bài học văn chương của Noël, to lên vào buổi tối, nhưng phải có mặt ông giám quản của mẹ họ, nhằm đề phòng nhỡ ra có các đoạn khơi gợi trí tưởng tượng của họ nếu thiếu những lời bình luận thông thái. Télémaque của Fénélon có vẻ là nguy hiểm. Nữ bá tước de Granville yêu hai cô con gái của bà đủ mức để muốn biến họ thành các thiên thần theo cách thức của Marie Alacoque[6], nhưng hai cô con thì thích một bà mẹ bớt đức hạnh đi đồng thời khả ái hơn. Lối giáo dục này đã mang lại các thành tựu. Được áp đặt như một cái ách và hiện ra dưới những hình thức khổ hạnh, Tôn Giáo, qua các thực hành của nó, khiến những trái tim non trẻ trong trắng kia mệt mỏi, những trái tim bị đối xử như thể chúng là tội phạm; nó bóp nghẹt nơi ấy các tình cảm, và dẫu cấy được vào đó rễ sâu, nó không hề được yêu mến. Hai Marie hẳn sẽ trở nên hoặc xuẩn ngốc hoặc sẽ mong muốn sự độc lập, họ muốn lấy chồng ngay khi đã có thể thoáng nhìn thấy thế giới và so sánh vài ý nghĩ; nhưng những duyên dáng gây cảm động của họ, giá trị của họ, thì chính họ lại không hay biết. Họ cũng chẳng biết sự ngây thơ của bản thân họ, bằng cách nào mà họ biết về cuộc đời đây? Không vũ khí để chống lại bất hạnh, cũng chẳng kinh nghiệm để có thể trân trọng hạnh phúc, họ chỉ có thể thu gặt niềm an ủi từ chính họ, nơi tận sâu nhà ngục của người mẹ ấy. Những tâm sự dịu dàng giữa họ, buổi tối, thật nhỏ giọng, hoặc vài câu nói trao nhau những khi nào mẹ họ đi đâu mất một lúc, đôi khi chứa đựng nhiều ý tưởng hơn mức từ ngữ có thể diễn đạt. Thường, một ánh mắt vụng trộm trước mọi cái nhìn, mà họ dùng để thông truyền các cảm xúc, giống như một bài thơ sầu muộn đượm cay đắng. Ngắm bầu trời quang đãng không mây, hương các bông hoa, cuộc dạo chơi tay khoác tay quanh khu vườn, là những gì mang tới cho họ những khoái thú tột đỉnh. Việc hoàn thành một bức thêu khiến họ có được các niềm vui trong trắng. Xã hội của mẹ họ, thay vì tạo ra vài nguồn suối cho trái tim họ hoặc thúc đẩy tinh thần họ, chỉ có thể gây u tối cho các ý tưởng của họ và biến những tình cảm của họ trở nên buồn bã; bởi vì cái xã hội ấy chỉ gồm toàn các bà già thẳng đuỗn, khô khan, chẳng chút duyên dáng, với cuộc trò chuyện chỉ độc chăm chú vào những điểm khác biệt giữa các nhà thuyết giáo và các cha giáo đạo, vào các kỳ ươn oặt của họ, cũng như vào những sự kiện tôn giáo quá nhỏ nhặt không được đoái hoài bởi các tờ báo như La Quotidienne hay L’Ami de la Religion. Về phần đám đàn ông, thảy đều đã tắt lửa lòng từ lâu, mặt họ sao mà lạnh lùng và nhẫn nhịn đáng buồn; tất tật đều ở độ tuổi khi đàn ông ủ dột và rầu rĩ, khi sự nhạy cảm chỉ còn hớn hở nơi bàn ăn và chỉ còn chăm chăm vào những thứ mang lại sự êm đềm. Tính chất ích kỷ tôn giáo đã gây khô kiệt ở những trái tim ấy, chỉ còn chăm lo cho nghĩa vụ và lủi trốn vào đằng sau phụng sự. Những ván chơi bài im lìm chiếm lĩnh lấy họ gần như suốt buổi tối. Hai cô bé con, như thể bị đẩy ra ngoài lề bởi cái Tòa án tối cao của người Do Thái hiện thân nơi sự nghiêm khắc của người mẹ, thấy mình căm ghét các nhân vật đáng ngán có ánh mắt vô hồn và khuôn mặt cáu kỉnh kia. Trên cái nền phủ đầy bóng tối của cuộc sống này hiện lên mạnh mẽ một khuôn mặt đàn ông duy nhất, khuôn mặt của một ông thầy dạy nhạc. Các ông cha giáo đạo đã quyết định rằng âm nhạc là một môn nghệ thuật Ki-tô, sinh ra từ Nhà Thờ Công giáo và được nó phát triển. Thế nên người ta cho phép hai cô bé học nhạc. Một cô giáo đeo kính, dạy xướng âm và piano tại một tu viện gần đó, bắt họ tập luyện hết sức mệt mỏi. Nhưng khi cô chị cả tròn mười tuổi, bá tước de Granville chỉ ra là nhất thiết phải có một ông thầy. Bà de Granville đặt toàn bộ giá trị của đạo tòng phu vào sự nhượng bộ cần thiết này: trong tinh thần các đàn bà mộ đạo có đinh ninh một lòng tin tưởng đặt vào những nghĩa vụ được hoàn thành. Ông thầy là một người Đức theo Công giáo, một người đàn ông sinh ra đã già nua, lúc nào cũng ở độ tuổi năm mươi, ngay cả khi đã tám mươi tuổi. Khuôn mặt hóp, nhăn nheo, nâu sạm của ông, vẫn lưu giữ một nét gì đó rất trẻ con và thơ ngây trên cái nền đen tối. Màu xanh lơ của sự trong trắng gây sống động cho cặp mắt ông và nụ cười mùa xuân hớn hở không ngừng nở trên môi ông. Mái tóc bạc cũ kỹ, thường để giống tóc Jesus-Christ, càng thêm vào dáng vẻ hưng phấn nơi ông một cái gì không rõ thật trang nghiêm khiến người ta dễ nhầm về tính cách ông: hẳn ông dễ làm một điều ngu xuẩn với vẻ nghiêm nghị mẫu mực nhất. Quần áo đối với ông là một thứ vỏ bọc thiết yếu mà ông chẳng hề để ý, bởi vì ánh mắt ông dõi lên quá cao trên các đám mây, không bao giờ giao hảo với mấy trò vật chất. Vậy nên nhà nghệ sĩ lớn không ai biết này thuộc về lớp người hay quên đáng mến, những người trao đi thời gian và tâm hồn của họ cho người khác cũng như để quên găng tay trên mọi cái bàn và ô tại mọi cái cửa. Hai bàn tay ông thuộc loại tay vẫn bẩn sau khi đã rửa. Tóm lại, cơ thể già nua của ông, trông thật lệch lạc trên cặp chân già cong vẹo và cho thấy con người có thể sử dụng nó làm phụ kiện cho tâm hồn tới mức nào, thuộc về những sinh thể kỳ khôi chỉ có thể được họa hình chuẩn xác bởi một người Đức, bởi Hoffmann, nhà thơ của những gì chẳng hề có vẻ tồn tại thế nhưng lại có một cuộc đời. Đó là Schmuke, cựu quản lý nhà nguyện của vị tổng đốc Anspach, nhà bác học đã trình diện trước một hội đồng mộ đạo và được hỏi là ông có ăn chay hay không. Ông thầy rất muốn trả lời: “Thì cứ nhìn tôi là biết ngay”, nhưng làm thế nào mà đùa được với các bà mộ đạo và mấy ông giám quản giăng-xê-nít? Cái ông già nhiều trá ngụy này chiếm một vị trí rất lớn trong cuộc đời hai Marie, họ hết sức thân thiết với nhà nghệ sĩ lớn ngây thơ ấy, người chỉ hài lòng với việc hiểu nghệ thuật, thành thử sau khi đã lấy chồng mỗi người tặng cho ông ba trăm franc tiền niên kim trọn đời, khoản tiền đủ chi trả cho ông về chỗ ở, bia uống, tẩu thuốc và trang phục. Sáu trăm franc tiền lợi tức cộng thù lao cho các bài học tạo nên Eden cho ông. Schmuke chỉ đủ can đảm thú nhận nỗi khốn cùng và những mong ước riêng cho hai cô thiếu nữ yêu kiều kia, cho những trái tim ấy, chúng nở hoa bên dưới lớp tuyết sự khắc nghiệt người mẹ, và bên dưới băng giá của lòng mộ đạo. Chi tiết này là đủ để giải thích toàn bộ con người Schmuke cũng như tuổi thơ của hai Marie. Về sau, chẳng ai biết nữa là vị trưởng tu nào, bà già sùng đạo nào đã phát hiện ông già người Đức lang thang tại Paris đó. Ngay khi các bà mẹ biết rằng nữ bá tước de Granville tìm được cho hai cô con gái một ông thầy dạy nhạc, tức thì tất tật đổ xô đến hỏi tên ông, địa chỉ của ông. Schmuke có đến ba mươi gia đình khách hàng trong khu Marais. Thành công muộn mằn của ông được thể hiện bằng đôi giày đính các vòng thép mạ đồng, đế cước, và bằng các thứ quần áo hay được thay hơn. Sự vui tươi của con người thánh thiện nơi ông, suốt một thời gian dài bị đè nén bởi một nỗi khốn cùng cao quý và đẹp đẽ, xuất hiện trở lại. Ông buột miệng những câu hay ho dí dỏm, chẳng hạn: “Thưa các cô, đêm qua lũ mèo đã chén sạch bùn Paris”, khi trong đêm giá lạnh làm se các phố mới hôm trước còn lấm đầy bùn; nhưng ông nói các câu ấy bằng một thứ đặc ngữ Đức pha Pháp, như sau: Thử kách kô, điêm koa nũ miều đỡ choém xoạch buòn Ba di! Sung sướng vì đã mang tới cho hai thiên thần ấy loài vergiss mein nicht[7] được lựa chọn giữa các loài hoa trong tinh thần của ông, ông lấy dáng vẻ, trong lúc trao tặng, hết sức tinh quái và trí tuệ, khiến cho không ai muốn chế giễu. Ông hạnh phúc khi làm bừng nở nụ cười trên môi hai cô học trò, mà ông hiểu thấu cuộc đời bất hạnh, đến mức cố tình tự biến mình trở nên lố bịch, nếu như chẳng phải tự nhiên lúc nào ông cũng đã như vậy rồi; nhưng hẳn là trái tim ông đủ sức điểm trang cho những điều thô lậu bình dân nhất; hẳn là ông có thể, theo một câu nói rất đẹp của Saint-Martin quá cố, dùng nụ cười trời xanh của ông mạ vàng cho bùn. Chiểu theo một trong các ý tưởng cao quý nhất của giáo dục tôn giáo, hai Marie kính cẩn đưa tiễn thầy của họ ra tới ngoài cửa nhà. Tại đó, hai cô bé tội nghiệp nói với ông vài câu êm dịu, sung sướng vì làm cho người đàn ông ấy cảm thấy sung sướng: họ chỉ có thể chứng tỏ họ là phụ nữ với độc một mình ông! Cho tới tận khi họ lấy chồng, đối với họ âm nhạc là một cuộc sống khác trong cuộc sống, cũng giống như người nông dân Nga, người ta kể vậy, coi các giấc mơ của anh ta là thực tại, còn cuộc đời anh ta chỉ là một cơn ác mộng. Trong ham muốn tự vệ trước những điều nhỏ mọn chỉ chực xâm chiếm họ, chống lại các tư tưởng khổ hạnh ác nghiệt, họ dùng hết sức lực đâm bổ vào những nỗi khó khăn của nghệ thuật âm nhạc. Giai Điệu, Hòa Âm, Bản Nhạc, ba cô con gái của bầu trời với cuộc đồng ca được lĩnh xướng bởi vị Thần Đồng Nội Công giáo già nua say sưa vì âm nhạc ấy, tưởng thưởng cho sự học tập chuyên cần của họ và tạo cho họ một bức tường thành tạo nên từ các vũ điệu không trung. Mozart, Beethoven, Haydn, Paësiello, Cimarosa, Hummel và các thiên tài hạng dưới làm phát triển ở họ cả nghìn thứ tình cảm không vượt ra ngoài vòng cấm thánh thiện những trái tim trùm voan của họ, nhưng chúng xâm nhập Sáng Tạo nơi họ thỏa sức bay lượn. Những lúc chơi thành thục được vài bản thật nhuyễn, họ bắt tay nhau, ôm chầm lấy nhau trong một cơn hưng phấn to lớn, và ông già thầy họ gọi họ là các nữ thánh Cécile của ông[8].

Mười sáu tuổi hai Marie mới được đi vũ hội, và chỉ bốn lần mỗi năm, tại một số nhà được lựa chọn kỹ càng. Họ chỉ rời vòng kèm cặp của người mẹ khi đã được trang bị các chỉ thị phải tuân theo về cách hành xử với bạn nhảy, và chúng nghiêm khắc đến nỗi họ chỉ có thể đáp “vâng” hoặc “không” trong trò chuyện. Ánh mắt của nữ bá tước theo sát không rời hai cô con gái của bà và như thể chỉ cần căn cứ vào cử động của môi là đoán được các lời nói. Hai cô bé khốn khổ ăn vận không thể chê trách khi dự vũ hội, váy mút-xơ-lin kín đến tận cằm, với vô vàn nếp xếp chồng chất, cùng tay áo thật dài. Đè nén lên những vẻ duyên dáng, che phủ đi những nét đẹp ở họ, cách ăn vận này khiến họ mơ hồ giống phụ nữ Ai Cập đuồn đuỗn[9]; tuy nhiên chui ra từ mấy khối bông kia là hai khuôn mặt tuyệt diệu của sầu muộn. Họ tức tối khi nhận ra mình trở thành đối tượng cho một sự thương hại dịu dàng. Ở đâu ra người phụ nữ nào, dẫu ngây thơ đến đâu, mà không muốn gieo rắc lòng ghen tị? Chẳng có lấy một ý nghĩ nào nguy hiểm, đồi bại hay thậm chí chỉ lập lờ vấy bẩn lên chất tủy trắng muốt trong não họ: trái tim họ thuần khiết, bàn tay họ lại đỏ khủng khiếp, do chỗ họ quá dồi dào sức khỏe. Eva khi chui ra khỏi đôi bàn tay Chúa cũng chẳng thể nào trong trắng bằng hai cô thiếu nữ này lúc họ rời ngôi nhà của mẹ họ để tới Tòa Thị Chính và Nhà Thờ, với lời khuyên nhủ giản dị nhưng ghê răng là nghe lời trong mọi chuyện trước những người đàn ông mà họ phải ngủ cùng hoặc trông coi vào ban đêm. Theo họ nghĩ, họ sẽ không thể ở vào tình trạng thảm hại hơn trong ngôi nhà xa lạ nơi họ sẽ bị trục xuất đến, so với tại tu viện của mẹ. Tại sao bố của hai cô gái đó, bá tước de Granville, vị quan tòa kỳ vĩ, bác học và liêm khiết ấy, dẫu cho đôi khi cũng bị chính trị lôi kéo, lại không bảo vệ hai sinh thể bé nhỏ kia trước chế độ bạo chúa hà khắc? Hỡi ôi! bởi một thỏa thuận đáng nhớ xuất hiện mười năm sau khi cuộc hôn nhân khởi đầu, hai vợ chồng sống riêng rẽ ngay trong nhà của họ. Ông bố nhận trách nhiệm nuôi dạy các con trai, nhường lại cho vợ phần giáo dục các con gái. Ông nhìn thấy ít hiểm nguy cho phụ nữ hơn so với cho đàn ông trong sự áp dụng cái hệ thống nhiều tính chất áp bức này. Hai Marie, được định sẵn là phải chịu đựng một sự bạo chúa nào đó, của tình yêu hoặc của hôn nhân, sẽ mất mát ở đó ít hơn nhiều so với lũ con trai, nơi chúng trí tuệ phải được tự do, và các phẩm chất hẳn sẽ suy yếu dưới sự bóp nghẹt quá mức của các tư tưởng tôn giáo được đẩy lên cao độ. Trong số bốn nạn nhân, ông bá tước đã cứu được hai. Bà bá tước coi hai thằng con, một được hướng theo ngạch quan tòa ngồi, một theo ngạch quan tòa đứng[10], là quá kém giáo dục, không được phép có chút thân tình nào với chị em gái. Sự giao tiếp giữa mấy đứa trẻ khốn khổ ấy bị kiểm soát nghiêm ngặt. Vả lại, khi bá tước đưa các con trai khỏi trường collège, ông hết sức tránh để chúng ở nhà. Hai cậu con trai này về đây ăn trưa cùng mẹ và các chị em; rồi ông quan tòa giải khuây cho họ bằng một trò gì đó bên ngoài: quán ăn, các nhà hát, viện bảo tàng, vùng nông thôn khi tới mùa, mang lại các khoái thú cho họ. Ngoại trừ những ngày trang trọng của cuộc sống gia đình, chẳng hạn ngày lễ thánh của bà bá tước hoặc của ông bố, những ngày đầu năm, những ngày trao phần thưởng, hai cậu con trai ở chỗ bố họ, ngủ lại đó, hết sức lúng túng, không dám ôm hôn chị em của họ vốn dĩ bị canh chừng bởi bà bá tước, bà không để cho họ có lấy một giây phút nào riêng với nhau, hai cô bé hiếm khi gặp mấy người anh đến mức chẳng hề thấy giữa họ có mối liên hệ nào. Những ngày ấy, các câu hỏi: “Angélique đâu rồi? - Eugénie đang làm gì? - Các con tôi ở đâu?” vang lên không ngớt. Khi có liên quan đến hai người con trai, nữ bá tước nhìn lên trời bằng cặp mắt lạnh lùng và não nuột như để cầu Chúa tha lỗi vì đã không thể giật được chúng khỏi sự nhơ nhớp. Những cảm thán của bà, những ngại ngần về phía chúng, hẳn tương đương được với những đoạn thơ than thở nhão nhợt nhất của Jérémie[11] và đánh lừa hai chị em, họ tưởng đâu các anh em của mình bị biến thái và đã tiêu tùng mãi mãi. Khi hai con trai được mười tám tuổi, ông bá tước cho họ hai căn phòng trong căn hộ của ông, và hướng dẫn họ về luật pháp dưới sự coi sóc của một trạng sư, thư ký của ông, chịu trách nhiệm trình bày cho họ hiểu các bí mật tương lai của họ. Vậy nên hai Marie chỉ biết đến tình huynh đệ một cách trừu tượng. Vào thời điểm đám cưới của hai chị em, một người đang làm trạng sư tổng hợp tại một tòa án xa xôi, người kia thì chập chững sự nghiệp dưới tỉnh, lần nào cũng bị giữ chân bởi một vụ án nghiêm trọng. Tại nhiều gia đình, cuộc sống bên trong, mà người ta cứ tưởng đâu thân thiết, hòa hợp, khăng khít lắm, diễn ra như sau: các anh em trai ở xa, bận rộn xây dựng sản nghiệp, tiến thân, vướng vào vòng phụng sự đất nước; các chị em gái thì bị bao bọc bên trong một xoáy lốc các lợi ích những gia đình không phải gia đình của họ. Tức là tất cả các thành viên sống trong sự chia rẽ, trong lãng quên lẫn nhau, chỉ được nối kết nhờ những dây liên hệ yếu ớt của kỷ niệm cho tới chừng nào lòng kiêu ngạo cất tiếng gọi họ, lợi ích họp họ lại và thỉnh thoảng phân cách họ trong tình cảm cũng giống như trong thực tế. Một gia đình sống trong sự hòa hợp con người và tinh thần là một ngoại lệ rất hiếm. Luật hiện đại, thông qua việc nhân bội gia đình bởi gia đình, đã tạo ra điều tệ hại nhất trong số mọi điều tệ hại: chủ nghĩa cá nhân[12].

Trong nỗi cô độc sâu thẳm nơi tuổi trẻ của họ trôi qua, Angélique và Eugénie hiếm khi gặp bố họ, vả lại ông mang tới căn hộ lớn của vợ dưới tầng trệt tòa dinh thự một bộ mặt buồn thảm. Ở nhà ông vẫn giữ vẻ ngoài nghiêm nghị và trang trọng của viên chánh án ngồi tòa. Khi hai cô bé con đã qua tuổi nghịch đồ chơi và búp bê, khi họ bắt đầu dùng đến lý trí, quãng mười hai tuổi, cái thời họ đã không còn cười ông già Schmuke nữa, họ bắt chợt bí mật những nỗi lo âu hằn sâu trên vầng trán ông bá tước, họ nhận ra bên dưới lớp mặt nạ nghiêm khắc của ông những vết tích của một bản tính tốt lành và một tính cách quyến rũ. Họ hiểu rằng ông đã chịu nhường bước trước Tôn Giáo trong nhà của ông, bị đánh lừa trong những niềm hy vọng người chồng, cũng như ông từng bị tổn thương trong những thớ dây tế vi nhất của tình phụ tử, tình yêu của các ông bố dành cho những cô con gái. Các nỗi đau tương tự khuấy động đến hết mức những cô thiếu nữ bị tước bỏ tình âu yếm. Thỉnh thoảng, đi dạo trong vườn cùng họ, mỗi cánh tay ôm lấy một thân hình bé nhỏ, chỉnh nhịp đi theo bước chân trẻ con của họ, ông bố bảo họ dừng lại ở một nơi kín đáo, và lần lượt hôn lên trán họ. Cặp mắt của ông, cái miệng và vẻ bên ngoài của ông vào lúc đó thể hiện sự cảm thông sâu sắc nhất. “Các con không hạnh phúc lắm, mấy đứa nhỏ của ta, ông nói với họ, nhưng ta sẽ sớm cưới chồng cho các con, và ta sẽ sung sướng khi chứng kiến các con rời khỏi nhà. - Bố ơi, Eugénie nói, bọn con đã quyết định sẽ lấy ngay làm chồng người đàn ông đầu tiên nào xuất hiện. - Đấy, ông kêu lên, chính là thành quả đắng cay của một hệ thống như thế này! Người ta cứ muốn tạo ra các nữ thánh, nhưng lại thu được…” Ông không nói hết câu. Thường thì hai cô bé cảm thấy một tình trìu mến lớn lao trong những lời từ biệt của ông bố, hoặc trong ánh mắt của ông khi, vì tình cờ, ông ăn tối ở nhà. Ông bố hiếm khi gặp này, họ thương ông, và người ta thường yêu những ai mà họ thương.

Sự giáo dục nghiêm khắc và nhiều tính chất tôn giáo này là nguyên do cho các cuộc hôn nhân của hai chị em, gắn kết keo sơn bởi nỗi bất hạnh, giống như các Rita-Christina bởi tự nhiên[13]. Nhiều đàn ông, bị dồn đẩy đến với hôn nhân, thà chọn một cô gái từ tu viện và thấm đẫm sự sùng đạo còn hơn một cô gái được nuôi dạy theo các học thuyết thượng lưu. Không có khoảng giữa. Một người đàn ông phải cưới một cô gái học vấn rất cao từng đọc các quảng cáo trên báo và bình luận chúng, từng nhảy valse và galop với cả nghìn thanh niên, từng đến xem mọi buổi diễn, từng ngốn ngấu tiểu thuyết, người từng bị một ông thày dạy nhảy làm vỡ sụn đầu gối vì tì đầu gối của ông ta vào đó quá mạnh, người chẳng mấy đoài hoài tới tôn giáo, và tự chế tạo luân lý để dùng riêng; hoặc giả một cô thiếu nữ dốt nát và thuần khiết, như Marie-Angélique và Marie-Eugénie. Có lẽ với cả hai bên các hiểm nguy lớn tương đương nhau. Tuy nhiên tuyệt đại đa số người không ở độ tuổi của Arnolphe thích một Agnès nhiều tinh thần tôn giáo hơn so với một phó bản của Célimène[14].

Hai Marie, bé nhỏ và thanh mảnh, có cùng vóc dáng, cũng cỡ bàn chân, cùng bàn tay giống nhau. Eugénie, cô em, tóc vàng giống mẹ. Angélique lại tóc nâu giống bố[15]. Nhưng cả hai có cùng làn da: một nước da màu trắng ngà thông báo sự phong phú và thuần khiết của dòng máu, điểm xuyết các đốm nhiều màu nổi bật trên một lớp nền cũng dày dặn như hoa nhài, cũng mịn, nhẵn và êm khi chạm vào như thế. Cặp mắt xanh lơ của Eugénie, cặp mắt nâu của Angélique mang một biểu hiện của sự vô lo nghĩ ngây thơ, của nỗi kinh ngạc không tính toán, rất tiệp với cách thức mơ hồ cặp đồng tử trôi nổi trên chất lỏng màu trắng của con mắt. Thân hình họ cân đối: vai hơi gầy nhưng hẳn về sau sẽ tròn trịa ra. Cổ họng của họ, bị che kín đi lâu đến vậy, gây kinh ngạc cho ánh mắt bởi sự hoàn hảo của chúng những lúc nào chồng họ bảo họ vận áo hở ngực để dự vũ hội: khi đó người ta được hân hưởng nỗi ngượng ngùng quyến rũ ấy, trước tiên nó gây đỏ mặt trong phòng kín, rồi sau đó là suốt cả buổi tối, nơi hai tạo vật vô tri kia. Vào thời điểm cảnh này[16] khởi đầu, lúc cô chị khóc và được cô em dỗ dành, những bàn tay và cánh tay họ đã mang màu trắng sữa. Cả hai đều đã nuôi con, một bên là một đứa con trai, người kia một đứa con gái. Trong mắt bà mẹ, Eugénie có vẻ rất tinh nghịch, đối với nàng bà từng nhân đôi sự để ý và nghiêm khắc. Trong cái nhìn của bà mẹ bị sợ hãi này, Angélique, cao quý và kiêu hãnh, dường như sở hữu một tâm hồn chất chứa nhiệt hứng tự biết cách trông giữ bản thân, trong khi Eugénie hoạt bát hồ như cần được kiềm giữ. Có những sinh thể quyến rũ không được số mệnh biết rõ lắm, với họ như thể mọi điều đều sẽ thành công trong cuộc đời, nhưng lại sống và chết trong bất hạnh, bị dằn vặt bởi một thiên tài xấu xa, trở thành nạn nhân cho các hoàn cảnh không ngờ. Thế nên Eugénie ngây thơ, vui tươi rơi vào ách bạo chúa ma mãnh của một kẻ mới phất sau khi rời khỏi nhà tù của mẹ. Angélique, vốn dĩ phải thường trực ở trong những cuộc tranh đấu tình cảm lớn lao, thì được ném lên các tầng cầu cao nhất của xã hội Paris, quanh cổ tròng sợi dây cương.

Bà de Vandenesse, lẽ dĩ nhiên thúc thủ trước trọng lượng những nỗi khổ quá nặng nề cho tâm hồn, vẫn còn ngây thơ sau sáu năm hôn nhân, đang nằm đó, hai chân co, thân hình gập lại, cái đầu như thể đi lạc trên lưng ghế causeuse. Chạy bổ đến nhà em gái sau khi xuất hiện thoáng chốc tại nhà hát Italiens, nàng vẫn giữ trên các lọn tóc vài bông hoa, nhưng phần lớn hoa đã rụng lả tả trên tấm thảm cùng đôi găng tay, chiếc áo choàng lụa gắn lông, bao tay lông cùng cái mũ trùm của nàng. Những giọt nước mắt lóng lánh hòa lẫn vào với các viên ngọc trai trên khuôn ngực trắng ngần, cặp mắt ướt thông báo những lời tâm sự dị thường. Ở ngay giữa sự xa xỉ này, chẳng phải như thế thì thật là khủng khiếp đấy ư? Nữ bá tước thấy mình không đủ can đảm để cất lời.

“Chị yêu quý khốn khổ, bà du Tillet nói, chị mới nhầm lẫn làm sao về cuộc hôn nhân của em nên mới nghĩ đến chuyện nhờ em giúp!”

Nghe thấy cái câu bay ra từ tận đáy lòng người em gái dưới tác động của sức bạo liệt cơn giông mà nàng vừa gieo xuống, cũng giống như kỳ tuyết tan nâng cao lên các tảng đá gắn chặt hơn cả xuống lòng thác, nữ bá tước vẻ ngây độn nhìn người vợ viên chủ nhà băng, ngọn lửa nỗi kinh hoàng hong khô những giọt nước mắt nơi nàng, và ánh mắt nàng trở nên đăm đăm.

“Tức là em cũng đang ở dưới một vực thẳm, thiên thần của chị? nàng hạ giọng hỏi.

- Những đau đớn của em sẽ không làm giảm được các khốn khổ của chị đâu.

- Thì cứ nói đi, em yêu quý. Chị vẫn còn chưa ích kỷ đến mức không lắng nghe em đâu! Như thế, chẳng phải chúng ta sẽ lại cùng chịu khổ giống như hồi còn nhỏ?

- Nhưng chúng ta chịu khổ trong cảnh tách biệt với nhau, vợ của chủ ngân hàng đáp, vẻ sầu muộn xa vắng. Chúng ta đang sống trong hai xã hội thù địch với nhau. Em đến điện Tuileries khi chị không còn tới đó nữa[17]. Chồng của chúng ta thuộc hai phe trái ngược. Em là vợ của một ông chủ ngân hàng nhiều tham vọng, một kẻ xấu, kho báu yêu quý của em ạ! còn chị, chị là vợ của một người tốt, cao quý, hào phóng…

- Ôi! đừng trách móc chứ, nữ bá tước nói. Để có thể trách chị, một phụ nữ sẽ phải từng chịu đựng những phiền phức của một cuộc đời tối tăm và nhợt nhạt, từ đó thoát ra để bước vào thiên đường tình yêu; cô ta sẽ phải biết đến niềm hạnh phúc mà người ta cảm thấy trong cả cuộc đời ở một người khác, phải hòa quyện với các cảm xúc bất tận của một tâm hồn nhà thơ, phải sống gấp đôi: đi, tới cùng anh ta trong những chuyến du hành qua các không gian, trong thế giới của tham vọng; chịu khổ vì những phiền muộn của anh ta, leo lên cặp cánh những khoái lạc lớn lao của anh ta, phô bày trên một sân khấu rộng lớn, và tất tật những điều ấy trong lúc vẫn phải bình thản, lạnh lùng, thanh thản trước một thế giới thích soi mói. Đúng, em yêu quý, thường người ta phải chứa đựng trong trái tim cả một đại dương trong lúc, giống như chúng ta ở đây, ngồi ngay trước lò sưởi, trên một cái ghế causeuse. Tuy nhiên, hạnh phúc xiết bao khi mỗi giây phút đều có một mối quan tâm khổng lồ, nó nhân bội lên các thớ cơ của trái tim và mở rộng chúng, không còn lạnh lùng với bất kỳ cái gì, thấy cuộc đời mình buộc chặt vào một cuộc đi dạo trong đó ta sẽ thấy trong đám đông một ánh mắt rực sáng đủ sức làm nhợt mặt trời, xúc cảm đớn đau vì một sự chậm trễ, muốn giết chết một kẻ lố bước ăn trộm mất một trong những khoảnh khắc hiếm hoi kia, nơi hạnh phúc phập phồng trong những mạch máu nhỏ nhất! Nói tóm lại, say đắm làm sao khi được sống! A! em yêu quý, tức là sống trong lúc ngần ấy phụ nữ quỳ gối cầu xin những niềm xúc động chạy trốn trước họ! Nghĩ mà xem, em ơi, với những bài thơ ấy chỉ có một thời mà thôi, thời tuổi trẻ. Vài năm nữa là sẽ đến mùa đông, giá lạnh. A! nếu mà em sở hữu những kho báu sống động của trái tim và rồi em bị đe dọa sẽ đánh mất chúng đi…”

Bà du Tillet hoảng sợ đưa hai tay lên che mặt khi nghe thấy điệp khúc ghê rợn kia.

“Em đã không hề nghĩ là em trách cứ chị điều gì, chị thân yêu ơi, rốt cuộc nàng nói, thấy khuôn mặt người chị đẫm trong những giọt nước mắt nóng hổi. Chị vừa ném vào tâm hồn em, trong một khoảnh khắc, nhiều đốm lửa nóng hơn mức mà những giọt nước mắt của em từng dập tắt. Đúng, cuộc sống của em hẳn sẽ hợp thức hóa trong trái tim em cho một tình yêu giống như tình yêu mà chị vừa vẽ ra cho em thấy. Hãy để em tin rằng nếu gặp nhau thường hơn hẳn chúng ta đã không như thế này rồi. Nếu biết về những nỗi đau đớn của em, hẳn chị sẽ coi trọng hạnh phúc của chị, có lẽ chị sẽ khích lệ em trong sự kháng cự và rồi em sẽ được hạnh phúc. Bất hạnh của chị là một tai nạn mà một điều tình cờ vẫy tới, trong khi bất hạnh của em nằm ở từng giây phút. Với chồng em, em chỉ là cái mắc áo cho sự xa xỉ của ông ấy, tấm biển hiệu cho các tham vọng của ông ấy, một trong những niềm thỏa mãn đầy phù phiếm của ông ấy. Ông ấy không hề dành cho em cả tình trìu mến đích thực lẫn lòng tin tưởng. Ferdinand khô khan và lịch thiệp giống như thứ đá hoa cương này, nàng nói, vỗ lên thành lò sưởi. Ông ấy nghi ngờ em. Mọi thứ gì em đòi hỏi cho riêng em đều bị từ chối ngay từ trước đó; nhưng về phần những gì gây sung sướng cho ông ấy và thông báo tài sản của ông ấy, thậm chí em còn không được phép mong muốn: ông ấy trang trí chỗ ở của em, ông ấy tiêu những món tiền khổng lồ cho bàn ăn của em. Người hầu kẻ hạ của em, các lô ở nhà hát, tất tật những gì thuộc về bên ngoài đều ở hàng cực điểm. Sự phù phiếm của ông ấy không bỏ qua bất cứ điều gì, ông ấy sẽ đặt tăng ten vào tã lót con ông ấy, nhưng lại không nghe thấy những tiếng hét của chúng, cũng sẽ không đoán ra các nhu cầu của chúng. Chị có hiểu em không? Em được phủ trong kim cương những lúc tới triều đình; ngoài xã hội, em mang mấy món đồ lặt vặt sang trọng nhất; nhưng em không có lấy một xu. Bà du Tillet, có lẽ khiến người ta ghen tị lắm, cứ như thể bơi trong vàng, lại không có đến một trăm franc cho riêng mình. Nếu ông bố không lo lắng cho các con của mình, thì ông ta sẽ lại càng ít lo lắng hơn cho mẹ của chúng. A! ông ấy đã hết sức sống sượng làm cho em cảm thấy rằng ông ấy đã bỏ tiền để mua em, và rằng tài sản riêng của em, mà em không hề quản lý, đã bị giật khỏi tay ông ấy. Nếu chỉ cần trở thành tình nhân của ông ấy, thì có lẽ em cũng đã quyến rũ ông ấy rồi đấy; nhưng em phải chịu một ảnh hưởng lạ thường, ảnh hưởng của một phụ nữ hơn năm mươi tuổi nuôi nhiều tham vọng và chế ngự ông ấy, vợ góa một chưởng khế[18]. Em cảm thấy rõ, em sẽ chỉ được tự do chừng nào ông ấy chết mà thôi. Ở đây cuộc sống của em diễn ra như cuộc sống một bà hoàng: người ta bấm chuông thông báo phục vụ bữa trưa và bữa tối giống như ở lâu đài của chị. Không bao giờ sai trật, em ra khỏi nhà vào một giờ nhất định để đi vào rừng. Lúc nào em cũng được kèm cặp bởi hai gia nhân vận lễ phục, và phải về nhà đúng giờ. Thay vì ra các mệnh lệnh, em lại phải nhận chúng. Tại vũ hội, rồi thì nhà hát, một tên hầu đến nói với em: “Xe của bà đã sẵn sàng”, và em thường phải đi ngay giữa khi đang tận hưởng. Ferdinand sẽ tức giận nếu em không tuân theo đúng dáng vẻ được tạo ra cho vợ của ông ấy, em có nhiều hối tiếc và thấy mẹ của chúng ta là một bà mẹ tốt: bà ấy còn để lại các buổi đêm cho chúng ta và em có thể trò chuyện với chị. Rốt cuộc em từng được sống gần một con người yêu em và chịu khổ cùng em; trong khi ở nơi này, trong ngôi nhà tráng lệ này, em sống giữa sa mạc.”

Nghe lời thú nhận khủng khiếp đó, nữ bá tước, đến lượt nàng, cầm bàn tay của em gái lên, vừa hôn nó vừa khóc.

“Em phải làm gì để giúp chị đây? Eugénie hạ giọng hỏi Angélique. Nếu bắt chợt chúng ta, ông ấy sẽ lên cơn nghi ngờ và muốn biết chị đã nói gì với em từ một tiếng vừa rồi; sẽ phải nói dối ông ấy, việc này rất khó, đối với một người tinh ranh và phản phúc: ông ấy sẽ chăng nhiều cái bẫy cho em. Nhưng để lại những nỗi bất hạnh của em, ta nghĩ đến chị đi. Bốn mươi nghìn franc của chị, chị yêu quý, chẳng là gì đối với Ferdinand, ông ấy điều hành hàng triệu, hàng triệu cùng một chủ nhà băng lớn khác, nam tước de Nucingen[19]. Thỉnh thoảng em dự các bữa tối, ở đó họ nói những chuyện nghe mà phát run. Du Tillet biết em là người kín đáo, họ nói chuyện trước mặt em thoải mái lắm: họ chắc chắn về sự im lặng của em. Chà, những cuộc mưu sát ngoài đường đối với em còn là các hành động nhân từ nếu phải so với một số mưu mô tài chính. Nucingen và ông ấy lo làm lụn bại người khác giống như em lo lắng trước những cơn phấn hứng của họ. Thường thì em phải tiếp những người tội nghiệp bị lừa mà em đã được nghe bản án từ hôm trước, và họ lao thân vào các áp phe nơi họ sẽ phải để lại tài sản: em rất muốn, giống như Léonarde trong cái hang của bọn cướp, nói với họ: cẩn thận đấy[20]! Nhưng nếu vậy em sẽ ra sao đây? em đành im miệng. Tòa dinh thự lộng lẫy này là một ổ cướp. Và du Tillet, Nucingen ném hàng nắm nghìn franc cho những trò thất thường của họ. Ferdinand mua tại Tillet nền cũ tòa lâu đài để xây lại, ông ấy muốn thêm vào đó một khu rừng và các mảnh đất thật đẹp. Ông ấy bảo con trai ông ấy sẽ trở thành bá tước, và đến thế hệ thứ ba sẽ thành quý tộc. Nucingen, chán ngán dinh thự của ông ta trên phố Saint-Lazare, đang xây một tòa cung điện. Vợ ông ta là một trong các bạn bè của em… A! nàng kêu lên, cô ấy có thể hữu dụng cho chúng ta đấy, cô ấy gan lì trước chồng lắm, cô ấy được quyền sử dụng tài sản riêng, cô ấy sẽ cứu chị.

- Nhóc con xinh đẹp ơi, chị chỉ còn vài tiếng đồng hồ thôi, tối nay ta hãy đến đó luôn đi, một lúc nữa, bà de Vandenesse nói, lao vào vòng tay của bà du Tillet và òa lên khóc.

- Nhưng em đâu có thể ra khỏi nhà vào lúc mười một giờ đêm?

- Chị có xe mà.

- Các vị đang âm mưu gì thế?” du Tillet đẩy cánh cửa phòng boudoir, hỏi.

Ông bày ra trước hai chị em một khuôn mặt vô hại được chiếu sáng bởi một vẻ khả ái một cách giả dối. Các tấm thảm đã nuốt tiếng động những bước chân ông, và mối bận tâm của hai phụ nữ đã ngăn cản họ nghe thấy tiếng xe của du Tillet đi vào. Nữ bá tước, nơi sự thông thạo cuộc sống xã hội và tự do mà Félix để cho nàng được hưởng đã phát triển trí tuệ và sự thiện xảo, những gì vẫn bị bóp nghẹt ở người em gái do chế độ bạo chúa của người chồng, nó tiếp nối chế độ bạo chúa của bà mẹ, nhận thấy ở Eugénie một nỗi kinh hoảng thiếu điều thì làm lộ chuyện, và cứu nàng bằng một câu trả lời thẳng thắn.

“Tôi cứ nghĩ em gái tôi giàu hơn thực tế, nữ bá tước đáp, nhìn thẳng vào người em rể. Đôi khi phụ nữ rơi vào các hoàn cảnh lúng túng mà họ không muốn nói với chồng, cũng như Joséphine với Napoléon, và tôi vừa định nhờ vả nó tí chút.

- Cô ấy có thể làm việc đó cho bà rất dễ dàng, chị ơi. Eugénie rất giàu, du Tillet đáp, với vẻ châm chọc ngọt như mía lùi.

- Nó chỉ giàu đối với anh thôi, em rể ạ, nữ bá tước nói, mỉm cười cay đắng.

- Bà cần gì? du Tillet hỏi, chẳng hề ngần ngại vây bủa lấy bà chị vợ.

- Ngốc thế, chẳng phải tôi đã nói với anh rằng chúng tôi không muốn phơi bày với các ông chồng rồi à? bà de Vandenesse trả lời đầy khôn ngoan, hiểu là nàng đang lệ thuộc vào lòng thương xót của con người mà thật may mắn bức chân dung vừa mới được em gái nàng vẽ cho nàng thấy. Mai tôi sẽ đến gặp Eugénie.

- Ngày mai, viên chủ ngân hàng lạnh lùng đáp, thì không được. Bà du Tillet sẽ ăn tối tại nhà một nguyên lão tương lai của nước Pháp, nam tước de Nucingen[21], ông ấy để lại chỗ của ông ấy cho tôi tại Viện dân biểu.

- Anh không cho phép nó vào ngồi cùng lô với tôi tại Opera à? nữ bá tước nói, mà không hề liếc mắt dò hỏi em gái, vì sợ cô em để lộ bí mật của họ.

- Cô ấy có lô riêng rồi, chị ơi, du Tillet tức tối đáp.

- Này! được rồi, tôi sẽ ghé qua đó gặp nó, nữ bá tước nói.

- Đó sẽ là lần đầu tiên bà cho chúng tôi vinh hạnh ấy đấy”, du Tillet đáp.

Nữ bá tước cảm thấy đó là một lời trách móc và phá lên cười.

“Cứ yên tâm, lần này anh sẽ không phải trả tiền gì đâu. Tạm biệt nhé, em yêu quý.”

“Láo thế! du Tillet kêu lên, nhặt từ dưới đất những bông hoa rụng xuống từ mái tóc của nữ bá tước. Cô cần phải, ông nói với vợ, nghiên cứu kỹ bà de Vandenesse. Tôi muốn thấy cô ngoài xã hội cũng hỗn láo như chị cô vừa lúc nãy. Trông cô đặc tư sản và ngây ngô ấy, chán lắm.”

Để đáp lại, Eugénie chỉ ngước nhìn lên trời.

“À mà! thưa bà, hai người đã làm gì ở đây thế? viên chủ ngân hàng hỏi sau một quãng ngừng, đưa mấy bông hoa cho nàng. Có chuyện gì để mà chị cô phải ghé lô của cô vào ngày mai?”

Nàng nô lệ khốn khổ viện cớ buồn ngủ và ra ngoài để thay quần áo, e sợ một cuộc hỏi cung. Du Tillet bèn túm lấy cánh tay vợ, kéo ra trước mặt ông dưới ánh nến cháy bừng, trong vòng tay đỏ hồng hào, giữa hai bó hoa tuyệt đẹp, và chĩa ánh mắt nhạt màu của mình vào mắt vợ.

“Chị cô đã tới đây để vay bốn mươi nghìn franc để trả nợ cho một người đàn ông mà cô ta quan tâm và là kẻ ba hôm nữa sẽ được cho vào hộp như một món đồ quý, tại phố Clichy[22]”, ông lạnh lùng nói.

Người phụ nữ khốn khổ run lên sợ hãi, nàng cố tự chế ngự.

“Ông làm tôi sợ quá đấy, nàng nói. Nhưng chị tôi quá gia giáo, chị ấy lại yêu chồng quá mức nên không thể quan tâm đến một người đàn ông nào như vậy.

- Ngược lại, ông đáp, khô khốc. Các phụ nữ được nuôi dạy như cô đã từng, trong sự o ép và thực hành tôn giáo, khao khát tự do, ham muốn hạnh phúc, và hạnh phúc mà bọn họ được hưởng chẳng bao giờ lớn lao cũng như đẹp đẽ bằng hạnh phúc mà họ từng mơ. Những cô gái như thế sẽ trở thành các phụ nữ tồi tệ.

- Cứ nói về tôi như vậy đi, Eugénie khốn khổ đáp, giọng nhạo báng cay đắng, nhưng hãy tôn trọng chị tôi. Nữ bá tước de Vandenesse quá hạnh phúc, chồng chị ấy để cho chị ấy quá mức tự do, thành thử chị ấy đâu có bị ràng buộc vào ông ấy. Vả lại, nếu giả định của ông là đúng, thì chị ấy cũng không hề nói gì với tôi về chuyện đó.

- Đúng thế đấy, du Tillet nói. Tôi cấm cô làm bất kỳ việc gì trong vụ việc này. Tôi sẽ có lợi ích nếu người đàn ông kia phải vào tù. Rõ ràng như thế rồi đấy nhé.”

Bà du Tillet đi ra ngoài.

“Chắc cô ta sẽ không vâng lời mình, và mình sẽ có thể biết tất tật những gì bọn họ làm bằng cách theo dõi, du Tillet tự nhủ khi chỉ còn lại một mình trong phòng boudoir. Bọn ngốc khốn khổ ấy cứ muốn tranh đấu với chúng ta cơ đấy.”

Ông nhún vai và tới chỗ vợ, hoặc, nói cho đúng, nô lệ của ông.

Những gì mà bà Félix de Vandenesse tâm sự với bà du Tillet liên quan đến quá nhiều điểm trong câu chuyện của nàng từ sáu năm nay, cho nên sẽ rất khó hiểu nếu không có những tường thuật vắn tắt sau đây về các sự kiện chính yếu trong đời nàng.

Trong số những người đáng kể buộc số phận của họ vào với kỳ Trung Hưng nhưng rồi, thật không may cho nó, nó hất ra ngoài các bí mật của chính phủ, cùng Martignac[23], có Félix de Vandenesse, bị trục xuất cùng nhiều người khác khỏi Viện Nguyên lão vào những ngày cuối cùng của Charles X. Sự thất sủng này, tuy trong mắt ông chỉ là nhất thời, khiến ông nghĩ đến chuyện lấy vợ, sự hôn nhân mà ông được dẫn dắt tới, cũng giống nhiều đàn ông khác, bởi nỗi chán ngán những cuộc phiêu lưu tình ái, những bông hoa điên rồ ấy của tuổi trẻ[24]. Có một thời khắc tối cao nơi cuộc đời xã hội hiện ra trong vẻ trang nghiêm của nó. Félix de Vandenesse từng hết hạnh phúc rồi bất hạnh, hay bất hạnh hơn là hạnh phúc, cũng giống những người đàn ông ngay từ đoạn đầu đời[25], đã gặp được tình yêu dưới hình dạng đẹp nhất của nó. Những kẻ được hưởng ân điển ấy trở nên khó tính. Rồi, sau khi nếm trải cuộc đời và so sánh các tính cách, họ chỉ còn hài lòng với một vẻ hao hao giống và ẩn trốn vào bên trong một sự độ lượng tuyệt đối. Người ta không thể nào lừa được họ, bởi vì họ chẳng còn mong không bị lừa nữa; nhưng họ coi lòng nhẫn nhịn của mình có tính chất ân sủng; bằng cách chờ đợi mọi chuyện xảy đến, họ bớt đau đớn đi nhiều. Tuy nhiên Félix vẫn còn có thể được coi là một trong những người đàn ông đẹp trai nhất và dễ chịu nhất của Paris. Nhất là ông từng được tiến cử đến với các phụ nữ bởi một trong những con người cao quý nhất của thế kỷ này, đã chết, người ta nói vậy, vì đau đớn và tình yêu với ông; nhưng ông đã được đặc biệt đào tạo bởi tay lady Dudley xinh đẹp. Trong mắt rất nhiều phụ nữ Paris, Félix, một dạng nhân vật tiểu thuyết, hẳn đã có rất nhiều cuộc chinh phục nếu căn cứ vào tất tật những điều tồi tệ mà người ta đồn thổi về ông. Bà de Manerville đã khép lại sự nghiệp phiêu lưu của ông. Không hẳn là một don Juan, nhưng ông đoạt từ thế giới tình ái sự vỡ mộng thê thảm mà ông cũng đoạt được từ thế giới chính trị. Cái lý tưởng ấy về phụ nữ và về dục vọng, mà, chính đó là điều làm nên nỗi bất hạnh của ông, dạng thức chung từng chiếu rọi, chế ngự tuổi trẻ của ông, ông tuyệt vọng vì chẳng bao giờ gặp được. Vào quãng ba mươi tuổi[26], bá tước Félix quyết định chấm dứt những phiền toái và các hưởng thụ của mình bằng một cuộc hôn nhân. Về điểm này, ông rất cả quyết: ông muốn một cô gái trẻ được nuôi dạy trong các điều kiện nghiêm khắc nhất của Công giáo. Chỉ cần biết bà bá tước de Granville đã trông giữ các con gái như thế nào là đã đủ để ông tìm cách lấy cô chị cả làm vợ. Cả ông cũng từng phải gánh chịu ách bạo chúa của một bà mẹ[27]; ông vẫn còn nhớ rất rõ tuổi trẻ tàn khốc của mình, đủ để nhận ra, thông qua những che giấu của vẻ thẹn thùng nữ tính, sự đè nén đã đặt trái tim một thiếu nữ vào tình trạng như thế nào: trái tim ấy khô héo, sầu muộn, nổi loạn; hay là nó vẫn bình an, khả ái, sẵn sàng mở rộng cửa cho các tình cảm đẹp. Thói bạo chúa sản sinh ra hai hiệu ứng trái ngược mà biểu tượng tồn tại trong hai hình ảnh của chế độ nô lệ cổ đại: Épictète và Spartacus[28], nỗi hận thù và những tình cảm xấu xa của nó, sự nhẫn nhịn và những êm dịu Ki-tô của nó. Bá tước de Vandenesse tự nhận ra chính mình trong Marie-Angélique de Granville. Bằng cách lấy làm vợ một cô thiếu nữ ngây thơ, trong trắng và thuần khiết, ông đã quyết định từ trước, với tư cách ông già còn trẻ tuổi, trộn lẫn tình cảm của ông bố vào tình cảm của người chồng. Ông cảm thấy trái tim mình trở nên cằn cỗi bởi xã hội, bởi chính trị, và biết rằng khi đổi lấy một cuộc đời thiếu nữ, ông sẽ đẩy đi được các phế tích của một cuộc đời nhàu nhĩ. Ở bên những bông hoa của mùa xuân, ông sẽ đặt các tấm gương của mùa đông, kinh nghiệm quắc thước ở cạnh sự thiếu thận trọng non trẻ, vô tư lự. Sau khi đã đánh giá một cách thông đạt đến vậy vị thế của mình, ông cố thủ trong đại bản doanh cuộc hôn nhân của ông với rất dồi dào đồ dự trữ. Sự độ lượng và lòng tin là hai mỏ neo ông dùng để tự neo đậu mình. Các bà mẹ lẽ ra cần tìm những người đàn ông như vậy cho con gái họ: Trí Tuệ cũng là người bảo vệ giống như Thần Thánh, Vỡ Mộng thì cũng sáng suốt ngang một bác sĩ phẫu thuật, Kinh Nghiệm thì nhìn xa trông rộng giống một bà mẹ. Ba tình cảm ấy chính là các phẩm hạnh thần học của hôn nhân. Những tìm kiếm, những hoan lạc mà các thói quen đàn ông đào hoa và của đàn ông phong nhã đã dạy cho Félix de Vandenesse, các dạy dỗ của chính trị cấp cao, các quan sát từ cuộc đời ông hết bận rộn, suy tư lại nhiều tính chất văn chương, tất tật sức lực của ông được dùng để biến vợ ông trở nên hạnh phúc, và ông vận dụng vào đó trí tuệ của mình. Khi thoát được khỏi cái cõi đáng sợ của bà mẹ, Marie-Angélique đột nhiên lên thiên đường hôn nhân mà Félix dành cho nàng, trên phố Rocher[29], tại một dinh thự nơi bất kỳ thứ gì nhỏ nhất cũng mang hương vị quý tộc, nhưng cũng là nơi lớp véc-ni của giao tiếp thượng lưu không gây phiền cho thói buông thả hài hòa mà các trái tim đang yêu và trẻ trung mong muốn. Marie-Angélique trước hết được tận hưởng các khoái lạc của cuộc sống vật chất trong toàn thể, chồng nàng trở thành người quản lý tài sản cho nàng trong vòng hai năm. Félix giải thích một cách chậm rãi và với rất nhiều khéo léo cho vợ về mọi điều trong cuộc sống, hướng dẫn nàng lên dần các mức độ để tới các bí ẩn của xã hội thượng lưu, dạy cho nàng phả hệ mọi gia đình quý phái, giảng cho nàng về xã hội, đưa nàng bước vào nghệ thuật của điểm trang và trò chuyện, dẫn nàng từ nhà hát này đến nhà hát khác, thuê người dạy cho nàng về văn chương và lịch sử. Ông hoàn tất sự giáo dục này với một sự chăm chút của người tình, người bố, người chủ và người chồng; nhưng lẽ dĩ nhiên là với vẻ giản dị, ông điều khiển các khoái lạc và những bài học, mà không tàn phá các tư tưởng tôn giáo. Nói tóm lại, ông hoàn thành công trình của mình với tư cách người thầy lớn. Sau bốn năm, ông có được niềm hạnh phúc vì đã đào tạo nơi nữ bá tước de Vandenesse một trong những phụ nữ khả ái nhất và đáng kể nhất của thời hiện nay. Marie-Angélique cảm thấy với Félix chính xác cái tình cảm mà Félix mong muốn truyền cho nàng: một tình bạn đích thực, một lòng biết ơn thấy rõ, một tình yêu huynh đệ trộn lẫn vào với tình dịu dàng cao quý và nhiều phẩm cách, đúng như phải như thế giữa chồng và vợ. Nàng trở thành mẹ, và là một người mẹ tốt. Thế nên Félix trói chặt vợ lại bằng mọi mối dây khả dĩ mà chẳng hề có vẻ giam hãm nàng, tính đến chuyện có thể hưởng hạnh phúc không gợn chút mây mù nào, dựa trên các điểm hấp dẫn của thói quen. Chỉ có những người đàn ông bứt mình khỏi vòng xoay cuộc đời và những người từng kinh qua cái vòng của những vỡ mộng về chính trị và tình ái, thì mới có thể sở hữu môn khoa học ấy và biết hành xử như vậy. Vả lại Félix tìm được trong tác phẩm của mình các khoái lạc cũng gặp được trong những sáng tạo các họa sĩ, các nhà văn, các kiến trúc sư dựng những công trình; ông lại được hưởng thụ gấp đôi bằng cách chiếm lĩnh lấy tác phẩm và chứng kiến thành công, ngưỡng mộ vợ mình nhiều học thức và ngây thơ, trí tuệ và tự nhiên, khả ái và thánh thiện, thiếu nữ đồng thời là người mẹ, hoàn toàn tự do và hoàn toàn bị trói buộc. Câu chuyện về các cặp vợ chồng tốt đẹp thì cũng giống câu chuyện các dân tộc hạnh phúc, nó được viết xong sau hai dòng và chẳng có chút tính chất văn chương nào. Vậy nên, bởi hạnh phúc chỉ có thể được giải thích bởi chính nó, bốn năm ấy chẳng có thể cung cấp điều gì mà không êm dịu giống như thứ vải lanh xám của những mối tình vĩnh cửu, nhạt nhẽo như linh hồn, và hay ho giống như cuốn tiểu thuyết L’Astrée[30].

Năm 1833, tòa công trình hạnh phúc do Félix trát xi măng đã gần sụp đổ, bị đánh mìn ngay trong nền móng mà ông chẳng hề hay biết. Trái tim một phụ nữ hăm lăm tuổi không còn là trái tim của cô thiếu nữ tuổi mười tám, cũng giống trái tim người phụ nữ bốn mươi tuổi không còn là trái tim người phụ nữ tuổi ba mươi[31]. Có bốn độ tuổi trong cuộc đời phụ nữ. Mỗi tuổi lại tạo ra một người phụ nữ mới. Vandenesse hẳn biết các quy luật này của những chuyển hóa thoát thai từ phong hóa hiện đại của chúng ta; nhưng ông lãng quên chúng khi áp dụng vào với chính ông, cũng như chuyên gia văn phạm giỏi nhất có thể quên biến các quy tắc khi viết một cuốn sách; cũng như nơi chiến địa, giữa làn lửa đạn, bị quây vào giữa các biến cố của một địa điểm, vị tướng tài ba nhất cũng quên mất một quy tắc tuyệt đối của nghệ thuật quân sự. Người nào có thể thường hằng in dấu ấn suy nghĩ lên hành động là một thiên tài; nhưng người nhiều thiên tài nhất lại chẳng hề phô bày nó vào mọi lúc, nếu không người đó sẽ quá giống Chúa. Sau bốn năm của cái cuộc sống không có lấy một cú sốc tâm hồn nào ấy, không một lời có thể tạo ra chút bất hòa nào trong bản công xe tình cảm dịu ngọt, cảm thấy mình được hoàn toàn phát triển giống như một cái cây trên mảnh đất màu mỡ, dưới những ve vuốt của một mặt trời tươi đẹp tỏa nắng ở chính giữa một làn ê-te lúc nào cũng thanh thiên, nữ bá tước như thể có một sự quay trở ngược vào trong chính mình. Cuộc khủng hoảng này của đời nàng, đối tượng cho cảnh này, hẳn sẽ là không sao hiểu nổi nếu không có những giải thích có lẽ sẽ giảm khinh, trong mắt phụ nữ, cho các lầm lạc của nữ bá tước trẻ tuổi, là phụ nữ hạnh phúc cũng như người mẹ hạnh phúc, và mới thoạt nhìn dường như không thể viện bất kỳ cớ gì. Cuộc đời rút kết quả từ trò chơi của hai nguyên lý đối ngược: khi một trong hai bị thiếu, con người ta sẽ phải đau khổ. Vandenesse, khi thỏa mãn mọi điều, đã loại trừ Ham Muốn, ông vua của sáng tạo ấy, nó dụng đến một lượng khổng lồ sức mạnh tinh thần. Sự nồng ấm tột đỉnh, bất hạnh tột đỉnh, hạnh phúc đầy tràn, mọi nguyên lý tuyệt đối ngự trên các khoảng không gian vắng bóng các sản sinh: chúng muốn chỉ có mình chúng, chúng bóp nghẹt mọi thứ gì không phải là chúng. Vandenesse không phải phụ nữ, mà chỉ phụ nữ thì mới biết tới nghệ thuật đa dạng hóa ân sủng: đó là nền tảng cho thói làm duyên làm dáng nơi họ, cho những cự tuyệt của họ, những nỗi sợ của họ, những cãi cọ của họ, và cho cả những nỗi ngây ngô đầy thông thái và trí tuệ thông qua đó ngày hôm sau họ đặt thành vấn đề những gì còn chưa hề gây chút khó khăn nào cho họ chỉ mới hôm trước thôi. Đàn ông có thể gây mệt mỏi vì sự thường hằng của họ, phụ nữ thì chẳng bao giờ. Vandenesse có một bản tính tốt ở mức quá hoàn toàn nên không thể nào dùng định kiến mà hành hạ một người phụ nữ được yêu; ông ném nàng vào sự vô tận xanh ngắt, chẳng gợn chút mây vẩn nào, của tình yêu. Vấn đề ân điển vĩnh cửu thuộc vào số các vấn đề mà giải pháp chỉ được biết đến bởi Chúa, trong cuộc đời khác. Nơi trần thế này, các nhà thơ trác tuyệt đã gây buồn chán theo đường lối vĩnh cửu cho độc giả của họ khi đề cập bức tranh Thiên Đường.

-----------

[1] Lời đề tặng thuộc hàng phức tạp nhất trong số những “dédicace” xuất hiện trong Vở kịch con người: Eugenia, người phụ nữ được Balzac đề tặng Một người con gái của Eva, xuất thân từ một gia đình danh giá của thành phố Milan, sống cùng một ông chồng già, bá tước “Bolognini”, hơn Eugenia chừng 35 tuổi; Balzac làm quen với Eugenia năm 1837 tại Milan; nhân vật từng được bảo trợ mà Balzac ám chỉ hẳn là Matteo Bandello (1485-1561); cô bé Eugenia Bolognini Vimercati, con gái nữ bá tước Bolognini, mới sinh khi Balzac quen biết với nữ bá tước; trong Một người con gái của Eva, quả thật có nhân vật “Eugénie”, là bà du Tillet (lúc đầu, Balzac định đặt cái tên này cho nữ bá tước de Vandenesse); mấy địa danh Milan mà Balzac nhắc tới giờ gần như không còn; trong tác phẩm, Balzac cũng sẽ nhắc đến hầu hết các họa sĩ Ý được nêu tên ở đây; đặc biệt, cụm từ “tôi là người Ý” không khỏi gợi nhớ tới Stendhal, đối với Stendhal tổ quốc không phải nước Pháp, mà là nước Ý - các nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn Pháp cũng như Anh tìm được nguồn cảm hứng rất lớn từ Ý (bà de Staël có một tác phẩm nổi tiếng tên là Về nước Đức, nhưng phụ đề cuốn tiểu thuyết Corinne là “hay nước Ý”).
[2] Nay là phố Mathurins.
[3] Marie-Angélique có Émilie de Fontaine là “chị dâu” thông qua chồng, Félix de Vandenesse; Émilie de Fontaine khi còn rất trẻ lấy người họ hàng rất già, de Kergarouët, cựu thủy sư đô đốc; câu chuyện về Émilie de Fontaine nằm trong Le Bal de Sceaux (Vũ hội ở Sceaux), tác phẩm nằm ở vị trí thứ hai của Vở kịch con người, ngay sau Cửa hiệu mèo chơi bóng; sau này Émilie de Kergarouët lấy chồng mới là Charles de Vandenesse, anh trai của Félix de Vandenesse.
[4] Balzac muốn nói đến bức tượng Hercule trước đây từng nằm ở Rome; đối với Balzac, đây là biểu tượng của cơ bắp người đàn ông; Balzac nhiều lần nhắc đến hình ảnh này trong các tác phẩm thuộc Vở kịch con người.
[5] Cf. chú thích số 38 của Albert Savarus.
[6] Một nữ tu sĩ nổi tiếng thời đó.
[7] Tức là hoa “forget me not” (tiếng Đức).
[8] Ở đây Balzac lấy cảm hứng từ một bức tranh của Raphael, trong đó vẽ nữ thánh Cécile.
[9] Balzac sử dụng cụm từ bí hiểm “gaine égyptienne”: dường như ở đây muốn nói, theo đường lối ẩn dụ, rằng hai nàng thiếu nữ ăn mặc quá kín đáo (“coóc-xê kiểu Ai Cập”, rất bó vào người).
[10] Theo cách gọi cũ (ở Pháp) trong ngạch tòa án, có thể hiểu một là “thẩm phán”, một là “biện lý”.
[11] Cf. Kinh Thánh Công giáo; sự than thở của Jérémie nổi tiếng đến mức trong tiếng Pháp có từ “jérémiade” chỉ những lời than van não nuột.
[12] “Chủ nghĩa cá nhân” là một đề tài rất lớn đối với Balzac.
[13] Hai chị em sinh đôi ra đời tại Sardaigne và cùng chết tại Paris khi chưa tròn một tuổi; câu chuyện này rất nổi tiếng trên báo chí Pháp thời ấy.
[14] Cf. Molière.
[15] Balzac đặc biệt thích phân biệt phụ nữ tóc vàng và phụ nữ tóc nâu.
[16] Tức là tháng Hai năm 1835.
[17] Gia đình de Vandenesse là quý tộc nhưng trung thành với “dòng chính” nên không lai vãng triều đình của ông vua tư sản Louis-Philippe, trong khi Ferdinand du Tillet mới trở thành quý tộc thì lại hay tới đó.
[18] Đây là bà Roguin; nhân vật được thuật chuyện trong César Birotteau.
[19] Nucingen mới là nhân vật của giới ngân hàng được Balzac dành cho riêng một tác phẩm, trong Vở kịch con người; đến cả nhân viên giữ két của Nucingin cũng là nhân vật chính cho một tác phẩm khác nữa.
[20] Cf. Gil Blas của Lesage, nhưng ở đây thật ra Balzac ám chỉ một vở kịch chuyển thể từ Gil Blas.
[21] Câu chuyện nam tước de Nucingen trở thành “nguyên lão” được kể kỹ trong một tác phẩm khác của Vở kịch con người.
[22] Địa chỉ của nhà tù dành cho những người nợ nần.
[23] Balzac muốn nói đến việc Charles X thay Martignac bằng Polignac vào tháng Tám năm 1829 để đứng đầu chính phủ.
[24] Félix de Vandenesse là một nhân vật khét tiếng đào hoa (“Một tay chôn biết mấy cành phù dung”) của Vở kịch con người; trong Bông huệ trong thung, sau mối tình đầu khi còn rất trẻ với bà de Mortsauf (cả trong lúc bà de Mortsauf còn sống), Félix có người tình là lady Dudley bốc lửa, và toàn bộ câu chuyện Bông huệ trong thung được thuật lại dưới dạng bức thư gửi một người tình khác (trong Một người con gái của Eva người tình ấy, Natalie de Manerville, cũng sẽ xuất hiện); cũng ở Bông huệ trong thung, ta biết con đường hoạn lộ trên chính trường của Félix, từng có thời hết sức thân cận với Louis XVIII.
[25] “Đoạn đầu đời” là một chủ đề ưa thích của Balzac, ta có, trong Vở kịch con người, một cuốn tiểu thuyết tên là Một đoạn đầu đời (Un début dans la vie), vô cùng hài hước.
[26] Nếu căn cứ vào các tình tiết xuất hiện tại các tác phẩm khác, ở thời điểm này Félix de Vandenesse không thể ba mươi tuổi được, mà đã hơn nhiều.
[27] Ám chỉ đến đoạn đầu rất cảm động và nhiều đau đớn của Bông huệ trong thung.
[28] Épictète là nô lệ nhưng là triết gia, không trước tác, chỉ dạy học; hoàng đế Marc-Aurèle tự coi mình là môn đệ của Épictète (trường phái khắc kỷ); nhân vật còn lại thì đã quá nổi tiếng, không cần đọc cái gì mà xem phim hoặc xem phim hoạt hình cũng biết.
[29] Tức là cách xa khu quý tộc faubourg Saint-Germain, tại một khu vực mới mở rộng của thành phố Paris.
[30] Rất nên dùng câu “vừng ơi mở cửa ra” của thời nay: google.
[31] Ta đã quá quen với “lý thuyết” này của Balzac: 18, 25, 30 và 40.



(còn nữa)



XI. Rực rỡ và khốn cùng của kỹ nữ
X. Ursule Mirouët
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)

(phần 3)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac

5 comments:

  1. bác dịch trọn bộ này ra tiếng Việt luôn đi bác

    ReplyDelete
  2. Em muốn gửi tặng anh cuốn Europe Revue Mensuelle Colloque Balzac thì làm thế nào ạ?

    ReplyDelete
  3. ô cám ơn

    mail vào đây nhé: nhilinhblog@gmail.com

    ReplyDelete
  4. chào anh, "nói lên thân phận quý tộc, tuy chẳng hề là quý tộc gì hết" là sao ạ, em có nghe về việc có chữ De trong tên là thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng không hiểu lắm.

    ReplyDelete