May 2, 2017

Hai mươi

Lâu lâu, thỉnh thoảng, đôi khi, cũng phải làm một cái gì đó hợp lý, ít nhất là trông có vẻ như tuân theo Logik chứ nhỉ :p

đã có

mười
ba mươi
mười lăm
mười tám

thì hiển nhiên là sẽ phải đến "hai mươi":



Les Trois Mousquetaires, Vingt ans après và Le Vicomte de Bragelonne: thời bé của tôi (chắc là) rất giống mọi thằng bé khác, một bên là Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Sử ký, bên kia là các bộ sách của Dumas. Tất nhiên, có cả Walter Scott, Ivanhoe; gần đây, tại một hiệu sách, sau khi bới tìm một lúc, tôi ngẩng đầu lên, kinh ngạc hỏi chủ hiệu sách: ở đây Scott không bao giờ có cái gì khác ngoài Ivanhoe à?

Vì là "Vingt ans après" chứ không phải "Vingt ans plus tard" nên bản dịch tiếng Anh tên là Twenty Years After:


Mở đầu Les Trois Mousquetaires là cảnh d'Artagnan từ Gascogne quê nhà lên Paris, với cảnh đầu tiên diễn ra ở "Meung".

Mở đầu Hai mươi năm sau là chương trong bản dịch tiếng Việt mang tên "Bóng ma của Risơliơ": thời điểm của Hai mươi năm sau là khi hồng y Richelieu đã chết, Louis XIV đã lên ngôi, nhưng chính sự nằm dưới quyền thao túng của một hồng y khác, Mazarin, người tình của hoàng hậu Anne d'Autriche. Đây là quãng giữa thế kỷ 17, và Corneille đang làm mưa làm gió tại các nhà hát kịch.

Incipit của Les Trois Mousquetaires như thế nào? đây:

"Le premier lundi du mois d'avril 1626, le bourg de Meung, où naquit l'auteur du Roman de la Rose, semblait être etc."

Thời điểm: thứ Hai đầu tiên tháng Tư năm 1626, địa điểm: trấn Meung, và reference đầu tiên là tác phẩm Roman de la Rose.

Dumas nhắc ngay đến bài thơ dài Roman de la Rose là bởi Meung là quê hương của nhân vật hay được gọi là "Jean de Meun", "tác giả" Roman de la Rose, tuy nhiên đúng ra "Jean de Meun" chỉ là người viết tiếp phần sau tác phẩm đã có người bắt đầu trước đó (ta thấy, thời Trung cổ tại châu Âu, "cách sáng tác" không khác mấy so với chẳng hạn Tam quốc diễn nghĩa hoặc kể cả Hồng lâu mộng: các tác phẩm văn chương là sản phẩm của cộng đồng, không phải của cá nhân); Jean de Meun không có hậu thế huy hoàng bằng một nhân vật văn chương đương thời khác, là Rutebeuf; tuy nhiên, còn hơn thế, Roman de la Rose còn có ý nghĩa hơn: Les Trois Mousquetaires có một nội dung quan trọng là tình yêu, nó mở đầu bằng một tác phẩm lớn về tình yêu là hợp lý nhất.

Nhưng reference này chưa quan trọng nhất, cũng ngay trong trang mở đầu Les Trois Mousquetaires, don Quichotte được nhắc đến. Đây mới thực sự là mẫu hình của văn chương châu Âu, của một dòng rất lớn và đậm nét, trong thế kỷ 19 (thế kỷ của Dumas), nhưng còn trước đó nữa, thế kỷ 18.

Tobias Smollett, một người Scotland nhưng chủ yếu sống ở London (Walter Scott cũng là một người Scotland, nhưng đồng hương Smollett sinh ra đầu thế kỷ 18 thì Scott sinh về cuối thế kỷ 18), dịch Don Quixote sang tiếng Anh. Một người đương thời của Smollett, một nhân vật văn chương vĩ đại, Laurence Sterne (thần tượng lớn của Balzac, Balzac còn thần tượng Walter Scott và Rabelais), khi viết Sentimental Journey (một dạng "travel book" kể chuyện mình đi sang lục địa), ngay lập tức tự thấy mình đi du hành giống don Quixote, và khi kiếm được anh hầu người Pháp (tên rất hay: La Fleur) thì coi như hoàn hảo.

Balzac, Dumas và Hugo làm nên thế kỷ 19 của văn chương Pháp. Thời của họ, người ta cũng bắt đầu phát hiện và thưởng thức tác phẩm "hồi ký" của Saint-Simon, nhà văn vĩ đại (mà không tự biết mình vĩ đại - đây là theo Cioran) chết một trăm năm tròn thì tác phẩm đầy đủ mới được in, lần đầu tiên năm 1856, với lời tựa của Sainte-Beuve, nhân vật cùng thế hệ với Balzac, Dumas và Hugo.

(có hai Saint-Simon đấy nhé, tôi nghĩ rất nhiều người nhầm lẫn: Saint-Simon mà ta hay gặp khi đọc Engels là Saint-Simon nhà hoạt động xã hội sinh về cuối thế kỷ 18, tức là gần đúng 100 năm sau Saint-Simon kia, Saint-Simon sau là một bá tước, Saint-Simon trước là một công tước, nhân vật rất quan trọng trong việc lưu giữ ký ức về cuộc sống tại Versailles, trong đó chủ yếu là thời Louis XIV và thời "Régence", có lần Saint-Simon cũng miêu tả những người Việt Nam đến yết kiết nhà vua nước Pháp)

Hai mươi năm sau có bối cảnh là sự nổi loạn của các nhà quý tộc (d'Artagnan cùng Porthos sẽ về một phe, Athos và Aramis thì ở phe bên kia), gọi là "phong trào Fronde" (về cuộc biến loạn này, xem thêm ở kia, đoạn liên quan đến nhân vật de Retz).

Đối với riêng tôi, quay trở lại được với Alexandre Dumas là chuyện rất không dễ (thật ra quay trở lại với Balzac cũng không hề dễ: những gì ta thích đọc hồi còn nhỏ, về sau như thể có sức kháng cự lại chính chúng ta).

Cho đến ngày, khá gần đây, tôi đọc một tập tiểu luận của Pietro Citati, nhà phê bình văn học Ý (tôi đã nhắc vài lần đến nhân vật này, xem ở kiaở kia): cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, Citati sang Thư Viện Rất Lớn bên Paris diễn thuyết, loạt này sau in thành sách, gồm bài về Woolf, Dostoievski và Dumas.

Rất dễ nói hay về Dostoievski, cũng rất dễ nói hay về Woolf, nhưng về Alexandre Dumas? rất là khó đấy.

Trong bài, Citati nói, mình từng đọc rất nhiều lần Les Trois Mousquetaires (chuyện này dễ hiểu: tôi cũng từng thế), nhưng điều tôi thấy cảm động nhất là Citati kể Stevenson từng năm lần đọc Le Vicomte de Bragelonne. Đúng, chính cuốn tiểu thuyết (cực kỳ dày) sau Hai mươi năm sau, còn được gọi là "Mười năm sau nữa" này mới thực sự đặc biệt.

Thành thử, cuốn sách của Stevenson viết về chuyến đi Samoa, tôi vứt đấy bao nhiêu lâu không quyết định bắt đầu được, nhờ cú nhắc tới Le Vicomte de Bragelonne trong cuốn sách của Citati, cuối cùng tôi cũng đã sờ vào.

1 comment:

  1. What's up, constantly i used to check blog posts here early in the break of
    day, for the reason that i love to gain knowledge of more and
    more.

    ReplyDelete