Feb 10, 2018

Cô gái mắt vàng

Nhân tiện, trước tiên: đã tiếp tục Cấu trúc thơ hiện đại của Hugo Friedrich (Friedrich đã bắt đầu nhắc tới Lautréamont, một thời điểm lớn của cuốn sách), cũng tiếp tục Tình cảm, dục vọng, ký hiệu của Alain (ở mấy "chương" mới, Alain đã lừ lừ đi thẳng vào câu chuyện của tình yêu), cũng như Quán trọ Đỏ của Balzac, một đoạn rất rất rất dài, và chuẩn bị đi vào đoạn kết (Prosper Magnan bị tống vào tù, và thực sự thì Prosper có giết người trong cái đêm bí hiểm và rùng rợn ấy hay không? khó mà biết nổi).

Đầu tháng Hai năm ngoái, bỗng dưng tôi lên cơn, bắt đầu dịch Balzac. Phát đầu tiên (đầy lảo đảo và chập chững) ở kia: đó là Mặt bên kia của lịch sử hiện thời, cuốn tiểu thuyết mà Balzac xếp vào vị trí cuối cùng cho phần thứ ba của bộ Vở kịch con người, tức là phần gồm các cảnh "Paris". Dường như nếu không chọn đúng được nó, tôi sẽ không thể thực sự bắt đầu công việc: giờ đây nhìn lại, tôi mấy thấy là đã nhất thiết phải bắt đầu từ "mặt bên kia". Từ đằng kia đi lại đằng này. Bởi vì, Balzac thì quá rộng: Balzac là một hộ pháp.

Đó là nhát thứ nhất; nhát thứ hai (sau phát kia ba ngày), ở kia, là cuốn tiểu thuyết đặt chính xác ở đầu phần "Paris": Ferragus; đồng thời đây cũng là mở đầu của trilogy Les Treize (Truyện Mười Ba Quái Kiệt). Về sau, tôi cũng đã bắt đầu (khi Ferragus đã gần xong) cuốn thứ hai của bộ tiểu thuyết, Nữ công tước de Langeais.

Giờ đây, khi đã tới nhát thứ hai mươi, tôi khép lại trilogy này, tức là khởi động cuốn tiểu thuyết còn lại, La Fille aux yeux d'or (Cô gái mắt vàng).

Hai mươi nhát vừa rồi, tôi nghĩ, đã là quá nửa (nếu muốn nói đến số lượng thuần túy) những gì tôi muốn làm với Vở kịch con người: cứ yên tâm, tôi sẽ để lại một số thứ chứ không nuốt hết. Hai mươi nhát này chứa đựng rất nhiều điều, mà dĩ nhiên tôi không biết nói ra, vả lại nói ra có lẽ cũng chẳng ích gì mấy. Ít nhất, với chúng, chúng ta đã có hơn một nửa số tác phẩm thuộc Vở kịch con người có bản dịch tiếng Việt, ở nhiều mức độ khác nhau (tất nhiên, tất cả những gì đã bắt đầu, tôi đều sẽ hoàn thành, cứ yên tâm).

Cô gái mắt vàng, bất kỳ ai có chút hiểu biết về Balzac, đều có thể nói ngay một đặc điểm: đây là câu chuyện duy nhất của Balzac (và rất hiếm hoi của văn chương thời kỳ ấy) có đề tài là những người lesbian (Dostoievski cũng có một tiểu thuyết cùng chủ đề, đố các chuyên gia Dostoievski biết là quyển nào?). Điều thứ hai còn quan trọng hơn: Cô gái mắt vàng có nhân vật chính là de Marsay, nhân vật thuộc hàng độc đáo nhất của thế giới Vở kịch con người. De Marsay cũng hấp dẫn ngang cỡ mấy nhân vật khó xác định nhất mà Balzac từng tạo ra, như cảnh sát Corentin hoặc tù khổ sai Vautrin. De Marsay cũng sẽ xuất hiện trong cảnh cuối Một vụ việc ám muội, trở thành người giải thích những điểm huyền bí trong cái vụ việc hết sức ám muội ấy; đó là thời điểm khi de Marsay chuẩn bị qua đời - còn trong Cô gái mắt vàng, de Marsay còn rất trẻ, rất trẻ và rất nguy hiểm.

La Fille aux yeux d'or từng có bản dịch tiếng Việt (xem ở kia), nhưng không được đưa vào bộ sách lớn, xem ở kia. Tôi sẽ còn quay trở lại kỹ hơn với riêng câu chuyện này.

Vở kịch con người có vài tác phẩm đặc biệt gần gũi với thế giới của Dante, trong đó có Cô gái mắt vàng. Miêu tả thành phố Paris của Balzac như được thể hiện trong Cô gái mắt vàng là miêu tả địa ngục; nói chính xác hơn, đó là miêu tả các vòng địa ngục.

Ferragus được đề tặng cho Hector Berlioz, Langeais cho Franz Liszt còn Cô gái mắt vàng đề tặng cho họa sĩ Delacroix.



Cô gái mắt vàng


Tặng Eugène Delacroix, họa sĩ.

    
Chắc chắn, một trong những cảnh tượng nơi ta gặp được nhiều nhất sự kinh hãi là cái khía cạnh chung của cư dân Paris, cái đám người khủng khiếp khi nhìn vào, xanh xao, vàng ệch, sạm sì. Chẳng phải Paris là một cánh đồng rộng mênh mông không ngừng bị khuấy đảo bởi một cơn bão lợi ích dưới đó quay cuồng một vụ gặt người mà cái chết phạt đứt thường xuyên hơn những chỗ khác và luôn luôn tái sinh, vẫn ken sát như thế, với các khuôn mặt vặn vẹo, nhăn nhúm, từ mọi lỗ chân lông phả ra trí tuệ, các ham muốn, những thứ thuốc độc chứa đẫy trong óc não họ; không phải các khuôn mặt, mà đúng hơn là những cái mặt nạ: mặt nạ của sự yếu ớt, mặt nạ của sức mạnh, mặt nạ của khốn cùng, mặt nạ của niềm vui, mặt nạ của đạo đức giả; tất tật mệt lử, tất tật mang đẫm các dấu hiệu không thể xóa bỏ của một sự tham lam thở hổn hển, đấy ư? Bọn họ muốn gì? Vàng, hay khoái lạc?

Vài nhận xét về tâm hồn của Paris có thể giải thích những nguyên do cho vẻ bên ngoài nhiều tính chất xác chết của nó, chỉ có hai độ tuổi, hoặc tuổi trẻ hoặc sự tàn tạ: tuổi trẻ bơ phờ nhợt màu, tàn tạ thì son phấn lòe loẹt muốn tỏ ra mình đang trẻ. Chứng kiến cái đám người bị khai quật từ dưới mộ lên đó, dân ngoại quốc, những người vốn chẳng hay suy nghĩ, thoạt tiên cảm thấy một phản ứng ghê tởm đối với cái thủ đô này, căn xưởng rộng mênh mông của những khoái thú, từ đó bản thân họ sẽ sớm không còn có thể thoát ra, và ở lại đó để mà mặc sức bị biến dạng đi. Chỉ cần một ít lời lẽ cũng sẽ là đầy đủ hòng biện minh theo đường lối sinh lý học cho cái sắc độ gần như mang tính chất địa ngục ấy của các khuôn mặt Paridiêng, bởi vì chẳng phải chỉ để đùa cợt mà Paris từng được mệnh danh là địa ngục[1]. Hãy coi từ này là chuẩn xác. Nơi đây, mọi thứ đều bốc khói, mọi thứ cháy, mọi thứ sáng long lanh, mọi thứ sôi lên, mọi thứ cháy bừng, bốc hơi, tắt ngấm, bật lại, lấp lánh, nhấp nháy và tiêu ma. Chưa từng bao giờ có cuộc sống tại một nước nào khác có thể nồng nhiệt hơn, cũng như cay độc hơn. Cái bản tính xã hội lúc nào cũng trong cơn nóng chảy này như thể tự nhủ sau khi hoàn thành mỗi tác phẩm: “Đến lượt một cái khác rồi đây!” chừng như tự nhiên cũng tự nhủ thế. Cũng giống tự nhiên, cái bản tính xã hội này[2] quan tâm đến sâu bọ, những bông hoa nở một ngày rồi tàn, những vặt vãnh, những phù du, và cũng ném đủ thứ lửa qua miệng lò vĩnh cửu của nó. Có lẽ, trước khi phân tích các nguyên nhân dẫn tới một vẻ bên ngoài đặc biệt cho mỗi bộ lạc của cái quốc gia đầy trí tuệ và rất hoạt bát này, ta phải chỉ ra nguyên nhân tổng quát ít nhiều gây nhạt màu, làm xanh xao, tím tái và nâu sạm cho các cá nhân.

Vì cứ để ý đến mọi thứ mãi, người Paris rốt cuộc chẳng còn để ý đến cái gì nữa. Vì không có tình cảm nào thống trị trên khuôn mặt nhàu do tiếp xúc của anh ta, nó trở nên xám xịt như vữa các ngôi nhà từng phải nhận đủ loại bụi và khói. Quả thật, hôm trước còn thờ ơ với chính cái sẽ làm anh ta ngây ngất ngày hôm sau, người Paridiêng sống như đứa trẻ dẫu ở độ tuổi nào. Anh ta thì thầm về mọi thứ, tự an ủi về mọi thứ, nhạo báng mọi thứ, quên mọi thứ, muốn mọi thứ, nếm trải mọi thứ, lao vào mọi thứ bằng dục vọng, hờ hững rời bỏ mọi thứ; những ông vua của anh ta, những cuộc chinh phục của anh ta, vinh quang của anh ta, thần tượng của anh ta, dẫu nó làm bằng đồng hay thủy tinh; chẳng khác gì so với anh ta ném đôi bít tất, mũ và tài sản của anh ta. Tại Paris, chẳng tình cảm nào kháng cự lại được sự vứt các vật, và dòng chảy của nó bắt buộc phải có một tranh đấu, tranh đấu ấy nới lỏng các dục vọng: ở đó tình yêu là một ham muốn, còn căm hận, một ý định thoáng qua; nơi ấy không có người họ hàng nào khác ngoài đồng một nghìn franc, người bạn nào khác ngoài tiệm cầm đồ. Sự buông tuồng chung đó mang lại những thành quả; và, nơi khách thính, cũng như ngoài phố, chẳng ai bị thừa đi, chẳng ai vô ích một cách tuyệt đối, hay gây hại một cách tuyệt đối: đám ngẫn và lũ khốn, cũng như những người cơ trí hoặc trung thực. Ở đó mọi điều đều được dung thứ, chính quyền và máy chém, tôn giáo và bệnh tả[3]. Ta luôn luôn nhất trí với thế giới ấy, chẳng bao giờ ta sai chệch với nó. Vậy thì ai thống trị tại cái đất nước không phong hóa, không tín ngưỡng, không có lấy một tình cảm này; nhưng từ đó khởi xuất và nơi đó tựu về mọi tình cảm, mọi tín ngưỡng và mọi phong hóa? Vàng và khoái lạc. Hãy cầm lấy hai cái từ ấy giống như một ngọn đèn rồi đi qua cái lồng to lớn trát vữa đó, cái đõ ong đầy những dòng suối nước đen ấy, và ở nơi đó hãy đi theo các rắn con trườn ngoằn ngoèo của cái suy nghĩ khuấy đảo nó, nâng nó lên, làm nó bận rộn? Nhìn mà xem. Trước hết hãy xem cái thế giới chẳng sở hữu gì.

Người công nhân, người vô sản, cái con người hoạt bát hai bàn chân, hai bàn tay, cái lưỡi, cái lưng, cánh tay duy nhất, năm ngón tay, để mà sống; ừ thì, cái người, đầu tiên, hẳn phải tiết kiệm nguyên tắc sống của anh ta, anh ta vượt quá các sức mạnh của anh ta, thắng vợ anh ta như thắng ngựa vào một cỗ máy nào đó, dùng đến đứa con của mình, đóng đinh nó vào một chi tiết máy. Người lao động, cái sợi dây thứ hai chẳng thể biết rõ[4] mà sự lắc khuấy đảo cái dân chúng kia, với hai bàn tay lem bẩn xoay và điểm vàng đồ sứ, khâu áo và váy, đập sắt dẹt ra, bào gỗ, dàn thép, gia cố sợi gai và sợi chỉ, chuốt đồng, trang trí pha lê, bắt chước những bông hoa, tô vẽ lên len, huấn luyện lũ ngựa, bện dây cương và dải trang sức, đánh bóng đồ đồng, sơn các cỗ xe ngựa, gọt tròn gỗ du, xử lý bông bằng hơi nước, làm ra vải tuyn, làm mòn kim cương, mài các thứ kim loại, biến đá hoa cương thành những mảng lát, mút sỏi[5], tắm rửa cho ý nghĩ, tô màu, tẩy màu và làm hóa đen mọi thứ; thế đấy, bác phó đó đã tới hứa hẹn cho cái thế giới của mồ hôi và của ý chí, của học tập và của kiên nhẫn kia, một món tiền lương quá mức, hoặc nhân danh những thất thường của thành phố, hoặc tuân theo giọng nói của con quái vật tên là Đầu Cơ. Khi đó những sinh vật bốn tay ấy khởi sự trông coi, cực nhọc, lao động, chửi thề, nhịn ăn, bước đi; tất tật đua nhau nhằm giành lấy thứ vàng kia, nó quyến rũ họ. Và rồi, chẳng hề bận tâm tới tương lai, thèm khát các khoái thú, trông chờ vào hai cánh tay mình cũng giống họa sĩ trông chờ vào pa lét của anh ta, họ ném, ở vai đại lãnh chúa của một ngày duy nhất, tiền của họ hôm thứ Hai vào các tửu quán, chúng tạo thành một vành đai bùn ở thành phố; vòng dây lưng của nàng Vénus ít biết thẹn thùng nhất, cứ không ngừng co rút lại rồi nới tung ra, nơi mất hút đi cũng giống nơi đổ bác tài sản định kỳ của dân chúng kia, cũng háu khoái lạc giống như yên tĩnh trong làm việc. Vậy là trong vòng năm ngày, chẳng có lấy một ngơi nghỉ nào nơi cái phần náo động này của Paris! Nó lao thân vào những chuyển động khiến cho nó méo mó, béo lên, gầy đi, tái nhợt, phun vọt thành cả nghìn tia ý chí sáng tạo. Rồi khoái lạc của nó, sự nghỉ ngơi của nó là một trò trụy lạc gây mệt mỏi, sạm nước da, thâm tím vì những cú đòn, bệch ra vì say xỉn, hoặc vàng ệch vì chứng khó tiêu, chỉ kéo dài có hai ngày, nhưng đánh cắp bánh mì của tương lai, xúp của cả tuần, những cái rốp của người vợ, tã lót của đứa trẻ ăn vận rách rưới. Những người đó, chắc hẳn vốn dĩ sinh ra để đẹp đẽ, bởi mọi tạo vật đều có vẻ đẹp tương đối của riêng nó, đã bị sung quân, ngay từ lúc còn nhỏ, dưới sự chỉ huy của sức mạnh, dưới ngự trị của cây búa, cái kéo, guồng sợi, và mau chóng trở nên xấu như Vulcain[6]. Vulcain, với sự xấu xí và sức mạnh, chẳng phải là biểu tượng cho cái quốc gia xấu xí và mạnh mẽ này, trác tuyệt về trí năng cơ học, kiên nhẫn những lúc cần, cứ một thế kỷ lại có một ngày khủng khiếp, dễ bùng lên như thuốc súng, và được chuẩn bị sẵn cho đám cháy cách mạng bằng rượu cồn, nói tóm lại đủ mức trí tuệ để bắt lửa bằng một lời điêu trá luôn luôn có ý nghĩa như sau đối với nó: vàng và khoái lạc! Tính tất tật những kẻ chìa tay nhận của bố thí, nhận những đồng lương chính đáng của bọn họ hoặc năm franc vẫn được nhất trí dành cho mọi thể loại làm điếm Paridiêng, nói tóm lại là cho toàn bộ những tiền kiếm được tốt hay xấu, đám dân chúng đó gồm ba trăm nghìn cá thể. Nếu không có các tửu quán, có thể nào chính quyền không bị lật đổ vào mọi thứ Ba, hay không? Thật may, vào thứ Ba, dân chúng ấy đờ người ra, ấp ủ khoái lạc của nó, chẳng xu dính túi, và quay lại làm việc, quay lại với bánh mì khô, bị thúc đẩy bởi một nhu cầu sản sinh vật chất, thứ, đối với nó, trở thành một thói quen. Tuy nhiên dân chúng đó sở hữu các hiện tượng đức hạnh, những con người hoàn chỉnh của nó, những Napoléon không được ai biết đến của nó[7], họ là típ các sức mạnh của nó được nâng lên biểu đạt cao nhất, và tóm tắt tầm vóc xã hội của nó trong một sự tồn tại nơi suy nghĩ và chuyển động được kết hợp với nhau ít nhằm tung niềm vui vào đó hơn là so với chấn chỉnh tại đó hành động của khổ đau.

Sự ngẫu nhĩ đã biến một người công nhân trở nên tiết kiệm, sự ngẫu nhĩ đã ban cho anh ta một suy nghĩ, anh ta đã có thể phóng mắt nhìn tương lai, anh ta đã gặp một phụ nữ, anh ta thành bố, rồi sau vài năm thắt lưng buộc bụng quyết liệt anh ta khởi động một hàng xén nho nhỏ, thuê lấy một cửa hiệu. Nếu cả bệnh tật lẫn thói hư tật xấu không chặn anh ta lại trên con đường, nếu anh ta thịnh vượng được, thì sau đây là bức phác họa cho cái cuộc đời chuẩn tắc kia.

Và, trước hết, hãy chào ông vua của chuyển động Paris đó, người chế ngự thời gian và không gian. Đúng, hãy chào cái tạo vật được cấu thành từ xan pét và khí ga đó, kẻ sinh những đứa con cho nước Pháp trong những đêm chăm chỉ của người ấy, và ban ngày thì lại nhân bội cá nhân lên để phục vụ, cho vinh quang và khoái lạc nơi những người đồng tộc. Con người đó giải quyết vấn đề no đủ, đồng loạt, cho một phụ nữ khả ái, cho nhà anh ta, cho tờ Le Constitutionnel[8], cho nhiệm sở của anh ta, cho Vệ Binh quóc gia, cho Opera, cho Chúa; nhưng là để nhằm biến thành các đồng écu tờ Le Constitutionnel, nhiệm sở, Opera, Vệ Binh quốc gia[9], người phụ nữ và Chúa. Nói tóm lại, hãy chào một người kiêm nhiệm nhiều điều không thể trách cứ ở điểm nào. Ngày ngày thức giấc vào lúc năm giờ sáng, người ấy, như một con chim, vượt quãng không gian chia cách nhà anh ta với phố Montmartre. Dẫu trời gió hay có sấm, mưa hay tuyết đổ, thì người ấy vẫn tới chỗ tờ Le Constitutionnel và đợi tại đó phần của báo chí mà anh ta phụ trách lưu thông. Người ấy háu phàm nhận lấy phần bánh mì chính trị đó, cầm lấy nó và mang nó đi. Chín giờ, người ấy ở trong nhà anh ta, nói một câu chọc cười vợ, lừa lừa hôn trộm cô nàng một cú rõ kêu, nhấm nháp một tách cà phê hoặc mắng mỏ lũ con. Mười giờ kém mười lăm phút, người ấy xuất hiện ở tòa đô chính. Ở đó, chễm chệ trên một cái phô tơi, như một con vẹt trên cây gậy, người đã nóng lên vì thành phố Paris, người ấy ghi chép cho tới bốn giờ, chẳng hề nhỏ lấy một giọt nước mắt hay để buột một nụ cười, những cái chết và các sinh ra của cả một quận. Niềm hạnh phúc, nỗi bất hạnh của khu phố trôi qua dưới ngòi bút của người ấy, như xưa kia tinh thần của tờ Le Constitutionnel du hành trên hai vai người ấy. Chẳng có gì đè nặng lên người ấy! Lúc nào người ấy cũng tiến thẳng trước mặt, nhận lấy lòng ái quốc đã làm sẵn trọn vẹn ở trên báo, chẳng hề nói ngược lời bất kỳ ai, hét hoặc vỗ tay hoan hô cùng tất cả mọi người, và sống như chim én. Sống cách nhà thờ xứ đạo hai bước chân, người ấy có thể, trong trường hợp có lễ trọng, giao lại công việc cho một tùy phái, rồi đến đó hát một requiem nơi giáo đường, mà người ấy, Chủ nhật và các ngày lễ, là thứ đồ trang trí đẹp mắt nhất, giọng hát oai hùng nhất, ở đó người ấy dũng mãnh chu cái miệng rộng lại để từ đó phát ra một từ Amen rộn tươi vui. Người ấy thuộc ca đoàn. Được giải thoát vào lúc bốn giờ khỏi công việc hành chính, người ấy hiện ra để lan truyền niềm vui và sự tươi tắn trong cửa hiệu lừng danh nhất tại Thành Đô. Sung sướng thay vợ người ấy, anh ta chẳng có thời gian để mà ghen; anh ta thiên về mẫu con người hành động hơn là con người của tình cảm. Vậy nên, ngay khi tới nơi là người ấy liền trêu chọc các cô bán hàng, với những cặp mắt lúng liếng thu hút rõ là nhiều khách hàng; sung sướng vui đùa ở giữa những trang sức, khăn áo, mút-xơ-lin được làm ra bởi tay các cô công nhân khéo léo kia; hoặc giả, còn thường xuyên hơn, trước khi ăn tối, người ấy tự chọn một công việc, chép lại một trang báo hoặc mang đến chỗ thừa phát lại một hối phiếu chậm hạn nào đó. Sáu giờ, cứ hai ngày một lần, người ấy lại trung thành với vị trí của mình. Là giọng trầm không thể thay thế trong các dàn đồng ca, người ấy có mặt tại Opera, sẵn sàng trở thành người lính, tay Ả rập, tù nhân, kẻ mọi rợ, nông dân, cái bóng, cẳng lạc đà, sư tử, quỷ, thiên tài, nô lệ, hoạn quan da đen hay da trắng, luôn luôn là chuyên gia trong việc tạo ra niềm vui, nỗi đau khổ, tình thương, nỗi kinh ngạc, trong việc gây nên những tiếng hét bất di bật dịch, im lặng, đi săn, đánh nhau, tưởng tượng Rome hoặc Ai Cập[10]; nhưng lúc nào cũng là anh hàng xén, trong tâm can. Tới nửa đêm, người ấy quay trở lại làm người chồng tốt, đàn ông, người bố dịu dàng, người ấy chui vào cái giường chung, trí tưởng tượng hẵng còn căng lên do những dáng hình gây thất vọng của các nàng nymphe tại Opera, và bởi thế mà khiến xoay vòng, gây lợi cho ái tình gia đình, những đồi bại của thế giới theo cùng nhịp với các vòng xoay chân của La Taglioni[11]. Rốt cuộc, người ấy ngủ, người ấy ngủ rất chóng, và khẩn trương ngủ cũng như đã khẩn trương sống. Chẳng phải ấy là chuyển động trở thành người, không gian được hiện thân, Protée[12] của nền văn minh, đấy ư? Con người ấy tóm tắt tất tật mọi thứ: lịch sử, văn chương, chính trị, chính quyền, tôn giáo, nghệ thuật quân sự. Chẳng phải đó là một pho bách khoa thư sống động, một quyển atlas thô kệch, không ngừng bước đi giống Paris và chẳng bao giờ chịu nghỉ, đấy ư? Ở người ấy chỉ toàn là chân chạy. Hẳn chẳng một vẻ mặt nào có thể vẫn giữ nguyên thuần khiết trong ngần ấy công việc. Có lẽ người công nhân chết già ở tuổi ba mươi, dạ dày sạm nâu vì những liều rượu tăng dần, sẽ được tìm thấy, theo lời vài triết gia lĩnh niên kim lợi tức rất hậu, sung sướng hơn so với tay hàng xén. Người này thì một nhát chết luôn còn kẻ kia thì chết kiểu bán lẻ. Từ đủ loại công việc tất bật, từ hai vai, từ cổ họng, từ hai bàn tay, từ người vợ và từ cửa hiệu, người ấy rút ra được vài nghìn franc và thứ hạnh phúc cần cù nhất từng có khi nào tái tạo trái tim con người. Tài sản này cùng những đứa con kia, hoặc giả những đứa con, chúng tóm tắt tất tật mọi thứ cho người ấy, trở thành món mồi cho thế giới cao hơn, mà người ấy dâng lên những đồng écu và con gái của mình, hoặc đứa con trai được nuôi dạy tại trường collège, đứa, có học vấn cao hơn so với ông bố, ném những ánh mắt tham vọng lên cao hơn. Thường thì đứa con trai thứ của một người bán lẻ nhỏ bé muốn nên cơm nên cháo nơi Nhà Nước.

Tham vọng đó đưa ý nghĩ đi vào tầng cầu Paridiêng thứ hai. Nào, hãy lên một tầng, tới đoạn gác lửng; hoặc giả từ tầng áp mái xuống và ở lại đó, tầng năm[13]; nói tóm lại, hãy bước vào cái thế giới sở hữu thứ gì đó: nơi đây, cũng vẫn cùng kết quả. Các thương gia chuyên bán buôn[14] cùng các cậu bồi của họ, đám nhân viên, những người làm cho ngân hàng nhỏ nhưng lòng trung thực lớn, lũ bất lương, những linh hồn bị đày đọa, các đệ nhất và đệ bét cò mi, đám lục sự của mõ tòa, trạng sư hoặc chưởng khế, ngắn gọn là các thành viên hay náo động, hay nghĩ, hay suy tư thuộc cái giới tiểu tư sản kia, cái giới chuyên tán nhỏ những lợi ích của Paris và trông coi những lẻ tẻ cho nó, vét lấy đồ thực phẩm, tích trữ những sản phẩm do người vô sản làm ra, lèn cho chặt các thứ hoa quả miền Nam, cá đại dương, rượu vang của mọi vùng bờ biển được mặt trời yêu mến; vươn tay sang tới phương Đông, chộp lấy ở đó những khăn san bị người Thổ và người Nga ruồng rẫy; đi thu hoạch tận bên Ấn, nằm ngủ để đợi giờ bán hàng, chạy quắn theo sau lợi nhuận, chiết khấu các loại hối phiếu, cuộn lại và nhét két mọi loại giấy ghi tiền; đóng kiện thật chi tiết toàn bộ Paris, chuyên chở nó, rình mò các phăng te zi của tuổi thơ, rình chộp những cao hứng và tật xấu của tuổi trưởng thành, bóp nặn các chứng bệnh; mà đấy, chẳng hề uống rượu cồn giống như người công nhân, cũng không phơi bụng tơ hơ nơi nhơ nhớp những thanh ba ri e; căng hết sức lực cơ thể và tinh thần của họ ra, cái này bởi cái kia; khô quắt vì ham muốn, sa vực thẳm do những đôn đáo quay cuồng. Ở họ, sở dĩ người ngợm cong vẹo là bởi roi vọt của các lợi ích quật xuống, do bị ập xuống đầu thảm họa của những tham vọng làm lộn đảo các thế giới trên cao của đô thị gớm ghiếc này, giống như sự cong vẹo nơi đám vô sản là do cái cân tàn nhẫn[15] của các chế biến vật chất không ngừng được ham hố bởi chế độ bạo chúa của cái thứ ta muốn cái đó nơi quý tộc. Như vậy cả ở đây nữa, nhằm tuân lời vị chúa tể phổ quát đó, khoái lạc hay vàng, cần phải ngấu nghiến thời gian, ép thời gian, tìm ra hơn hăm tư giờ trong ngày và đêm, căng thẳng, giết nhau, bán đi ba mươi năm tuổi già lấy hai năm của một sự nghỉ ngơi bệnh hoạn. Chỉ có điều người công nhân chết ở bệnh viện, khi hạn mức cuối sự còi cọc của anh ta xong xuôi, còn người tiểu tư sản thì nhất quyết sống và sống thật, nhưng trở nên ngu đần: ta gặp họ, khuôn mặt nhàu nhĩ, trơ khấc, già nua, không chút ánh sáng trong mắt, không chút cả quyết nơi gióng chân, ngây độn lê bước chân trên đại lộ, vòng dây lưng nữ thần Vénus của họ, thành phố yêu quý của họ. Người tư sản muốn gì? thanh đoản kiếm của vệ binh quốc gia, món pot-au-feu bất di bất dịch, một chỗ tươm tất tại Père-Lachaise, và cho tuổi già của người ấy, một chút vàng giành được theo con đường hợp thức. Ngày thứ Hai của người ấy là Chủ nhật; sự nghỉ ngơi của người ấy là cuốc dạo mát trên cỗ xe ngựa thuê, đi chơi về vùng nông thôn, quãng thời gian người vợ và lũ con vui vẻ nuốt bụi đường hoặc bị nướng chín dưới mặt trời; ba ri e của người ấy là quán ăn nơi bữa tối đáng kính thì lừng danh, hoặc một vũ hội gia đình nào đó nơi người ta ngạt thở tới tận nửa đêm[16]. Một số kẻ khờ kinh ngạc vì căn bệnh Saint-Guy[17] trong đó các đơn tử bị băng hoại, mà kính hiển vi giúp nhìn thấy trong một giọt nước, nhưng Gargantua của Rabelais, đồ hình của một sự táo bạo trác tuyệt không được ai hiểu, sẽ nói gì đây, người khổng lồ đó sẽ nói gì đây, khi bị rơi xuống từ các tầng cầu trên trời, nếu ông ta thích thú ngắm nhìn chuyển động của cái cuộc sống thứ hai của Paris này, mà sau đây là một trong các công thức? Đã nhìn thấy những căn nhà xập xệ nhỏ bé ấy, lạnh lẽo vào mùa hè, chẳng có lò sưởi nào khác ngoài một hỏa lò tí xíu mùa đông, đặt bên dưới cái mũ chỏm to tướng bằng đồng hay đội lên trên kho chứa lúa mì, hay chưa? Madame có mặt ở đó ngay từ sáng, bà là nhân viên ở chợ và nhờ nghề này mà kiếm được mười hai nghìn franc mỗi năm, người ta bảo. Còn Monsieur, khi bà đã ngủ dậy, thì ông đi sang một cabinet tối, nơi ông cho các thương gia trong khu phố vay tiền theo tuần. Chín giờ, người ấy ở chỗ văn phòng cấp hộ chiếu, mà người ấy là một trong các phó. Tối đến, người ấy ở chỗ quầy thu ngân Théâtre-Italien, hoặc một nhà hát hoàn toàn khác, mặc sức lựa chọn. Lũ con được giao cho vú em nuôi, và từ đó trở về để đi học collège hoặc vào một trường nội trú. Ông và Bà ở trên tầng thứ tư, và chỉ có một cô bếp, tổ chức các vũ hội trong một phòng khách rộng mười hai bộ trên tám, và được chiếu sáng bởi mấy ngọn đèn còm; nhưng họ cho con gái một trăm năm mươi nghìn franc, và nghỉ việc ở tuổi năm mươi, cái tuổi họ bắt đầu xuất hiện nơi lô hạng ba tại Opera, trên một cỗ xe ngựa thuê ở Longchamp, hoặc trang điểm kiểu héo úa, tất cả những ngày có nắng, trên các đại lộ. Được coi trọng trong khu phố, được chính quyền sủng ái, kết thông gia với giới tư sản hạng cao, ở tuổi sáu mươi lăm Ông đoạt được huy chương Bắc đẩu bội tinh, và bố của chàng rể, một quận trưởng, mới người ấy tới một bữa dạ tiệc. Vậy là những quần quật của cả một cuộc đời đó mang lợi cho những đứa con mà giới tiểu tư sản này, một cách định mệnh, dành để hướng lên cao. Như vậy mỗi tầng cầu lại tung trứng nó đẻ ra lên tầng cầu cao hơn. Đứa con trai của ông chủ tiệm thực phẩm giàu có trở thành chưởng khế, con trai ông lái buôn gỗ trở thành quan tòa. Không thiếu một cái răng nào cắm vào rãnh xoi, và tất tật mọi thứ đều thúc đẩy chuyển động thăng tiến của tiền.

Thế là giờ chúng ta được đưa lên vòng tròn thứ ba của địa ngục ấy, nó, có lẽ, rồi một ngày, sẽ có DANTE của nó. Nơi vòng tròn xã hội thứ ba này, dạng cái bụng của Paris[18], nơi tiêu hóa các lợi ích của thành phố và cũng là nơi chúng được cô đặc lại dưới hình thức gọi là áp phe, náo động và khuấy đảo, thông qua một chuyển động trong ruột

-----------

[1] Balzac đang ám chỉ đến một “truyền thống” nhất định trong số các nhà tư tưởng Pháp nhìn nhận thành phố Paris theo một kiểu riêng, trong đó những cái tên đáng nhớ hơn cả là Buffon, Mercier, Chamfort; “truyền thống” này sau Balzac còn phát triển khủng khiếp hơn nữa, mà một cột mốc vĩ đại chính là Baudelaire.
[2] Trong tiếng Pháp, hai từ này (“tự nhiên” tức “nature” và “bản tính xã hội” tức “nature sociale”) rất gần nhau, một điều không thực sự tái tạo được trong tiếng Việt.
[3] Có một dịch tả lớn tại Pháp thật, vào mùa xuân năm 1832.
[4] Không dễ hiểu.
[5] Chắc ý nói đói và ăn; đoạn vừa xong rất đáng kinh ngạc: chắc chỉ Balzac mới có thể sản xuất một phát liệt kê như thế này.
[6] Một vị thần, nhưng mà xấu (Héphaistos).
[7] Heinrich Heine từng nhận xét, người Pháp không có nhiều tính cách tôn giáo cho lắm, vì họ đã có Napoléon; Balzac rất hay sử dụng cụm “Napoléon của…”.
[8] Tờ báo điển hình của tầng lớp tư sản Pháp hồi ấy.
[9] Luật định thời đó buộc mọi công dân đều phải sung Vệ Binh quốc gia: muốn thoát điều này thì phải chi tiền.
[10] Rất nhiều ca sĩ hợp xướng thời ấy được thuê trong số công nhân.
[11] Nữ diễn viên ba lê nổi tiếng.
[12] Google phát đi.
[13] “Tầng cầu” thứ hai của cuộc sống Paris, tương ứng với tòa nhà nhiều tầng: ở giữa gác lửng của tầng dưới cùng và tầng thứ năm.
[14] Nếu tầng bên dưới đặc trưng là người bán lẻ, thì ở tầng này, trên đó, phải kể đến những người bán buôn, bán sỉ.
[15] Chắc hẳn là cái máy rập tiền.
[16] Về dạng vũ hội này: cf. César Birotteau.
[17] Đại khái là một chứng bệnh (chắc) liên quan đến thần kinh mà xưa kia người ta cho rằng có nguyên do là lũ quỷ; thêm một lần nữa Balzac thể hiện vốn hiểu biết y học phải nói là đa dạng đến mức hổ lốn của mình.
[18] Thấy rõ là Balzac đi trước Zola rất nhiều.



(còn nữa)



XIX. Quán trọ Đỏ
XVIII. (chưa có)
Heinrich Heine: Tháng Giêng năm 1832
XVII. Sao cho trong ấm (đầy đủ)
Honorer Honoré
Mặc Đỗ: một César (về César Birotteau)

Heidegger
Adolphe
XVI. Nữ công tước de Langeais (phần 1)
(phần 2)
XV. Béatrix (phần 1)
(phần 2)
Balzac trong thế kỷ mười chín
XIV. Gái già
Cách một (hay là "Balzac trong thế kỷ 19", phần mở đầu)
XIII. Vĩnh biệt (đầy đủ)
XII. Một người con gái của Eva
XI. Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ
X. Ursule Mirouët (phần 1)
(phần 2)
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)

(phần 4)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac

4 comments:

  1. Netochka Nezvanova

    ReplyDelete
  2. a, kinh đây

    có vẻ mãi rồi cũng bới ra được một người có đọc Dostoievski thật chứ không vờ vịt

    có quá mức lạc quan không?

    ReplyDelete
  3. After checking out a few of the blog articles on your blog, I honestly like your technique of writing a blog.
    I bookmarked it to my bookmark website list and will be
    checking back in the near future. Take a look at my
    web site too and tell me how you feel.

    ReplyDelete
  4. anh cho in một tuyển tập Balzac của riêng anh - CVD đi ạ

    ReplyDelete