Jun 26, 2017

Béatrix

Béatrix được Balzac xếp ở vị trí số 19 trong Vở kịch con người (để dễ hình dung: Người phụ nữ tuổi ba mươi chiếm vị trí số 21). Đây là một trong mấy tác phẩm lớn nhất của cả Vở kịch con người, và đây chắc chắn là tác phẩm lớn nhất của phần thứ nhất, "Scènes de la vie privée" (phần về các cuộc đời riêng), tức là phần nhiều tác phẩm nhất của Vở kịch con người (27 tác phẩm). Béatrix là tác phẩm số XV trong cuộc phiêu lưu Balzac của riêng tôi. Cũng như Người phụ nữ tuổi ba mươiUrsule Mirouët, đây là một trong những gì tôi yêu quý nhất của Balzac.

Một cách cụ thể hơn: Béatrix lớn như thế nào?

Ta có Hết ảo tưởngRực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ là hai tác phẩm dài nhất, đồ sộ nhất, lớn nhất của Vở kịch con người. Ta lại có những tác phẩm ở tầm cỡ của Ursule MirouëtMột vụ việc ám muội (hai cuốn tiểu thuyết này rất tương đương với nhau). Xen vào giữa hai mức độ ấy, nhỏ hơn Hết ảo tưởngRực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ nhưng nhỉnh hơn Ursule Mirouët và Một vụ việc ám muội là ba tác phẩm: La Cousine Bette, Le Cousin PonsBéatrix. BettePons là một cặp tác phẩm, như đã nói ở kia, Béatrix thì đứng riêng lẻ.

Sẽ có lúc tôi nói kỹ hơn nhiều về sự phân chia mức độ trong Vở kịch con người, liên quan đến độ dài và không chỉ độ dài.

Béatrix là tác phẩm thứ 15 của Vở kịch con người mà tôi động đến, đây cũng là tác phẩm thứ 5 chỉ riêng của phần "cuộc đời riêng". Tại sao lại nhiều ở phần này như vậy?

Ta hãy quay trở lại với bộ sách tiếng Việt gồm 16 tập: xem ở kia, ảnh số 1, ảnh số 2 và ảnh số 3.

"Scènes de la vie privée" là phần phong phú nhất của Vở kịch con người: gồm đến 27 tác phẩm như trên đã nói. Và đã bao nhiêu tác phẩm trong đó có bản dịch tiếng Việt? Mới chỉ có 7 trên 27 (cũng trong đường link trên, tôi đã nói đến chuyện trong số 20 tác phẩm thuộc các "étude triết học" mới chỉ có 5 tác phẩm được dịch). Và, điều này mới đáng nói: trong tổng số bảy tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt, tình hình như thế nào? Ngoài Le Père Goriot, tất cả sáu tác phẩm còn lại đều thuộc hàng tác phẩm nhỏ và rất nhỏ. Có thể nói mà không sợ quá lời rằng các nhà dịch thuật Balzac ở Việt Nam cho đến giờ phút này đã hoàn toàn bỏ qua phần quan trọng nhất của Vở kịch con người. Một người con gái của Eva (xem ở kia) là một tác phẩm tuyệt đối quan trọng. Nhưng đã không được động đến. Albert Savarus cũng vậy. Và đặc biệt, tất nhiên, Béatrix. Một mình Béatrix có lẽ đã chiếm dung lượng bằng tổng cộng bảy tác phẩm từng được dịch ra tiếng Việt.

[có một lần tôi nói một điều nhầm lẫn: không phải Autre étude de femme tức là tác phẩm số 27, khép lại phần "Scènes de la vie privée" chưa được dịch, mà đã được dịch; ở đây tôi đính chính điều này]

Bộ sách tiếng Việt tác phẩm của Balzac: quelle farce.

Béatrix là tác phẩm mà Balzac được George Sand "gà" đề tài cho. Đây là câu chuyện liên quan rất nhiều đến nhạc sĩ Liszt và một phụ nữ, Madame d'Agoult. Ai quan tâm nên tự tìm hiểu, một câu chuyện vô cùng nổi tiếng, vả lại Liszt thì, ai cũng biết, hết sức quan trọng cho cả một vạt lịch sử châu Âu. Không chỉ Liszt, mà rồi con gái của Liszt, trở thành vợ của Wagner, và rồi Nietzsche trẻ tuổi luẩn quẩn ở đó, nơi Beyreuth linh thiêng của chủ nghĩa lãng mạn, trước khi vỡ mộng, hết ảo tưởng về những con người ấy, etc.

Nhưng, Balzac tinh xảo hơn nhiều. Lấy được một đề tài từ Sand, nhưng Balzac đã đưa luôn Sand trở thành một nhân vật quan trọng của Béatrix. Ta sẽ bắt gặp ở Béatrix nhân vật nhà văn nữ mà rất nhiều đường nét cùng chi tiết cho thấy cảm hứng bắt nguồn từ chính George Sand. Bức chân dung Sand của Balzac như thế nào? Có kính trọng, có ngưỡng mộ, nhưng cũng không ít châm biếm. Nhưng được viết với một trình độ văn chương bậc thầy. Đây là một trong những tiểu thuyết hay nhất lịch sử về nhân vật nhà văn. Nhân vật nhà văn nam: đó là Raoul Nathan trong Một người con gái của Eva, còn nhân vật nhà văn nữ dưới ngòi bút của Balzac, ta sẽ gặp ở chính Béatrix.

Béatrix là một tác phẩm cho thấy mối quan hệ giữa Balzac và Dante, một mối quan hệ rất khó đoán định chính xác, cũng giống mối quan hệ Balzac-Sand. "Béatrix", đó cũng chính là cái tên nàng Beatrice, con người thánh thiện đợi sẵn Dante nơi Thiên Đường.

Béatrix là một kiệt tác về vùng Bretagne. Điểm này hết sức quan trọng. Tôi sẽ nói kỹ hơn về riêng chi tiết này, khi nào thích hợp.


NB. đã thêm Gái già, hiệp sĩ de Valois nơi thành phố Alençon có lối sống như thế nào khi quây quần xung quanh là các cô thợ giặt? và cũng thêm Một vụ việc ám muội: cuốn tiểu thuyết lớn của Balzac đã đi đến rất sát kết thúc của chương thứ nhất, các đầu mối bắt đầu được tháo ra, rất nhiều khủng khiếp, và rất nhiều bất ngờ



Béatrix



Tặng Sarah

Khi thời tiết thuần hậu, bên bờ Địa Trung Hải nơi xưa kia trải rộng đế chế thanh nhã mang tên bà, đôi khi mặt biển để cho người ta trông thấy bên dưới làn nước của nó một bông hoa thủy sinh, kiệt tác của tự nhiên: thứ đăng ten các tấm lưới của nó điểm màu tía, nâu xám, hồng, tím hoặc vàng, sự tươi mát những đường gân chìm sống động của nó, lớp nhung bề mặt của nó, tất thảy liền úa tàn ngay khi nỗi hiếu kỳ kéo nó lên và bày nó trên bờ. Cũng giống như mặt trời của sự quảng cáo hẳn sẽ gây xúc phạm đến sự khiêm nhường sùng đạo nơi bà. Vậy nên tôi phải, khi đề tặng tác phẩm này, tránh nói rõ một cái tên chắc chắn sẽ làm nên lòng kiêu hãnh cho nó; nhưng, cũng chính nhờ sự im lặng một nửa này, hai bàn tay tuyệt đẹp của bà sẽ có thể ban phúc cho nó, vầng trán trác tuyệt của bà sẽ có thể cúi xuống nó trong mơ mộng, cặp mắt bà, tràn ngập tình mẫu tử, sẽ có thể mỉm cười với nó, bởi vì ở đây bà sẽ vừa hiện diện lại vừa được che giấu. Cũng như viên ngọc kia của Thảm Thực Vật biển, bà sẽ ở lại trên mặt cát êm, mịn và trắng nơi bừng nở cuộc đời thật đẹp của bà, được giấu đi bởi một làn nước, chỉ óng ánh trong ngần đối với vài ánh mắt bè bạn kín đáo.

Tôi những muốn có thể đặt dưới chân bà một tác phẩm hòa nổi nhịp với những hoàn hảo nơi con người bà; nhưng nếu đó là điều bất khả, thì, như một niềm an ủi, tôi cũng từng biết đáp lại một trực giác của bà, bằng cách trao cho bà một tặng phẩm để bà có thể bảo trợ cho nó.

DE BALZAC[1]



Phần thứ nhất

CÁC NHÂN VẬT


Nước Pháp, mà đặc biệt là vùng Bretagne, ngày nay vẫn còn sở hữu vài thành phố hoàn toàn nằm bên ngoài cái biến động xã hội đã tạo vẻ bên ngoài cho thế kỷ mười chín. Vì không có những mối liên lạc sống động và liên tục với Paris, chỉ được nối bằng một con đường lổn nhổn với quận lỵ hoặc thủ phủ mà chúng thuộc về, các thành phố ấy lắng nghe hoặc ngắm nhìn văn minh mới mẻ diễn ra giống như một cảnh diễn, chúng kinh ngạc trước đó nhưng không vỗ tay hoan hô; và, hoặc chúng sợ, hoặc chúng chế nhạo, các thành phố trung thành với phong hóa cũ kỹ mà dấu ấn vẫn còn in lên chúng. Ai muốn đi du lịch với tư cách nhà khảo cổ về luân lý và quan sát con người thay vì quan sát các loại đá, hẳn sẽ có thể tìm lại một hình ảnh của thế kỷ của Louis XV tại một ngôi làng xứ Provence nào đó, hình ảnh của thế kỷ XIV nơi heo hút Poitou, và hình ảnh của những thế kỷ còn xa xưa hơn nơi hẻo lánh của Bretagne. Phần lớn những thành phố kia rơi tuột xuống khỏi một vẻ rực rỡ nào đó mà các sử gia chẳng hề nhắc đến, vì còn mải bận với các sự kiện và niên đại, chứ không phải với phong hóa[2], nhưng kỷ niệm vẫn lưu lại trong ký ức, giống như tại Bretagne, nơi tính cách quốc gia rất ít chấp nhận sự lãng quên đối với những gì chạm tới vùng đất. Nhiều trong số các thành phố đó từng là thủ đô của một lãnh địa phong kiến nhỏ, lãnh địa bá tước, lãnh địa công tước bị chinh phục bởi Ngai Vàng hoặc bị phân chia bởi tay những người thừa kế do không có một dòng trưởng nam. Bị tước mất đi hành động, ngay từ bấy những cái đầu kia liền trở thành những cánh tay. Cánh tay, vì thiếu dưỡng chất, khô héo đi và chỉ còn sống lay lắt. Tuy nhiên, từ ba mươi năm nay, những bức chân dung các thời đại cổ xưa ấy bắt đầu bị xóa nhòa và trở nên hiếm. Trong lúc lao động vì đám đông, Công Nghiệp hiện đại sẽ phá hủy các tạo tác của Nghệ Thuật cổ đại, trong đó các tác phẩm tuyệt đối chỉ có tính chất cá nhân đối với người tiêu dùng cũng như đối với người thợ thủ công. Chúng ta có các sản phẩm, chúng ta đâu còn các tác phẩm. Đến phân nửa các công trình rơi vào những hiện tượng hồi cố này. Thế nhưng đối với Công Nghiệp, các công trình là những hầm khai thác đá, những hầm mỏ xanpet hoặc những nhà kho chứa bông. Chỉ vài năm nữa thôi, các đô thị độc đáo kia sẽ biến đổi và sẽ còn chẳng được trông thấy ở đâu nữa ngoài tập tranh vẽ bằng văn chương này.

Một trong những thành phố nơi có thể bắt gặp chuẩn xác nhất vẻ ngoài của các thế kỷ phong kiến là Guérande. Chỉ riêng cái tên này thôi sẽ đánh thức cả nghìn kỷ niệm trong ký ức các họa sĩ, nghệ sĩ, các nhà tư tưởng từng có thể đi tới cái bờ biển nơi có thứ hảo châu ngọc của chế độ phong kiến ấy, nằm đó, vô cùng kiêu hãnh cai quản các bến cảng biển và các đụn cát, và giống như là đỉnh một tam giác mà hai góc còn lại là hai món trang sức khác không kém phần dị thường, Le Croisic và trấn Batz. Sau Guérande, chỉ còn mỗi Vitré nằm ngay trung tâm của Bretagne, Avignon ở miền Nam là còn lưu giữ được vào giữa thời đại của chúng ta cấu hình vẹn nguyên của Trung cổ. Tận ngày hôm nay, Guérande vẫn còn được bao bọc bởi những bức tường hùng mạnh: các hào nước rộng của nó đầy nước, các lỗ châu mai của nó còn nguyên, các hõm tường không lởm khởm cây mọc che khuất đi, thường xuân đã không phủ áo choàng lên những tháp hình vuông hoặc hình tròn. Nó có ba cửa ô, nơi có thể nhìn thấy các cổng sắt răng bừa, ta chỉ có thể vào đó bằng cách đi qua cây cầu kéo bằng gỗ gắn đai sắt không còn được kéo lên nữa, nhưng hẳn vẫn còn có thể đứng dậy. Tòa thị chính từng bị chỉ trích vì, hồi năm 1820, đã trồng dương dọc theo các hào nước nhằm tạo bóng mát cho lối đi dạo. Nó trả lời rằng, từ cả trăm năm nay, về phía các đụn cát, khoảng trống dài và đẹp gồm các pháo đài như thể được hoàn thành ngày hôm qua đã bị biến thành một lối đi dạo, trong bóng mát hàng du mà cư dân rất thích thú. Ở đó, các ngôi nhà không hề phải gánh chịu sự thay đổi, chúng không tăng lên cũng chẳng giảm đi. Không ngôi nhà nào từng cảm thấy trên mặt tiền của mình cái búa của kiến trúc sư, cây chổi của người thợ quét vôi, cũng như phải oằn mình dưới trọng lượng một tầng mới xây thêm. Tất tật vẫn còn tính cách nguyên sơ của chúng. Vài nhà đặt trên các cây cột gỗ tạo thành các hành lang dưới đó người bộ hành qua lại, với mặt sàn cong xuống nhưng không gãy. Các ngôi nhà của đám thương gia nhỏ và thấp, mặt tiền phủ nhiều vạt đá. Những thứ gỗ giờ đây đã mục nát đối với nhiều ngôi nhà từng chiếm vị trí lớn đối với các họa tiết chạm trổ tại cửa sổ; và đối với các thanh chống, chúng vươn ra xa phía bên trên những cây cột trong hình thù các khuôn mặt thô kệch, chúng kéo dài dưới dạng những con thú huyền ảo tại các góc, trở nên sống động bởi suy nghĩ lớn lao của nghệ thuật, nó, vào thời ấy, mang lại cuộc sống cho tĩnh vật. Những cũ rích đó, kháng cự trước mọi thứ, trưng bày cho các họa sĩ những tông màu thuộc gam nâu và các hình bóng bị xóa nhòa mà cây cọ của họ lấy làm quyến luyến. Các phố vẫn giống y như chúng từng cách đây bốn trăm năm. Chỉ có điều, vì nơi đây không còn đông đúc dân cư, vì chuyển động xã hội ở đây kém hoạt bát hơn, một lữ khách nảy ham muốn săm soi thành phố này, cũng đẹp như một bộ giáp trụ cổ đại hoàn chỉnh, sẽ có thể đi theo, chẳng phải không nhuốm chút sầu muộn, một phố gần như vắng hoe nơi các cửa sổ đá bị bít kín bằng đất nén để tránh thuế[3]. Phố này dẫn tới một cửa ngầm công sự bị chặn lại bởi một bức tường sản phẩm của thợ nề, và bên trên trồi lên một đám cây thấp được tạo hình rất thanh lịch bởi bàn tay của tự nhiên vùng Bretagne, một trong những hệ thống thực vật rậm rì nhất, phong nhiêu nhất trên toàn nước Pháp. Một họa sĩ, một nhà thơ sẽ không ngồi đó mà đắm chìm tận hưởng sự im lặng sâu thẳm ngự trị bên dưới cái vòm vẫn còn mới của cửa ngầm này, nơi cuộc sống của cái đô thị êm đềm kia chẳng hề gửi đến lấy một tiếng ồn nào, nơi vùng nông thôn trù phú hiện ra trong toàn bộ vẻ mỹ miều qua các lỗ tường xưa kia là chỗ cho các cung thủ, các lính bắn nỏ, và thật giống các tấm kính lớn được sắp đặt khéo léo tại một vọng lâu nào đó. Không thể nào dạo chơi ở nơi đó mà không nghĩ, ở mỗi bước chân, đến các tập quán, đến phong hóa những thời đã qua; tất tật những viên đá đều muốn kể chuyện cho ta nghe; rốt cuộc các tư tưởng của thời Trung cổ vẫn còn nguyên ở đó, trong trạng thái mê tín. Nếu, chẳng may, một cảnh binh đi ngang, đội cái mũ tròn, sự hiện diện của anh ta là một cái gì thật lệch thời, suy nghĩ của ta nhỏm lên phản đối anh ta; nhưng chẳng gì hiếm hơn là gặp được ở đó một con người hoặc một vật của thời hiện tại. Thậm chí chỉ có rất ít thứ thuộc trang phục ngày nay: chỉ là những gì mà dân cư khi chấp nhận, cách nào đó, thu nạp vào phong hóa bất động của họ, cho vẻ bên ngoài tĩnh tại của họ. Quảng trường đầy các thứ quần áo Bretagne mà các nghệ sĩ tới đây để vẽ lại, trông nổi bật đến khó tin. Cái màu trắng của các bức tranh vẽ Diêm Dân, từ dùng để chỉ những người làm muối tại các đầm muối, tương phản mạnh mẽ với màu xanh lơ và màu nâu của các Nông Dân, với các đồ trang sức độc đáo và được lưu giữ một cách thánh thiện bởi tay phụ nữ. Hai tầng lớp này cùng tầng lớp thủy thủ vận jacket, đội mũ da nhỏ bóng lộn, cũng tách biệt với nhau giống như các đẳng cấp của Ấn Độ, và vẫn còn công nhận những khoảng cách phân chia giới tư sản, giới quý tộc và giới tăng lữ. Nơi đây mọi thứ đều rất nét; nơi đây trình độ cách mạng đã tìm thấy những quần chúng quá lởm khởm và quá khó nhằn nên chẳng buồn đặt chân tới: hẳn nó sẽ bị tiêu hao, nếu không phải là bị bẻ gãy. Tính cách lặng tờ mà tự nhiên đã trao cho các giống loài động vật của nó bắt gặp nơi đây ở các con người. Rốt cuộc, ngay cả sau cuộc cách mạng 1830, Guérande vẫn cứ là một thành phố tách biệt, Breton một cách cốt yếu, công giáo toàn tòng, yên lặng, trầm mặc, nơi các tư tưởng mới khó lòng xâm nhập.

Vị trí địa lý giải thích cho hiện tượng này. Cái đô thị xinh xắn cai quản các đầm muối với thứ muối được gọi, trong toàn miền Bretagne, là muối Guérande, và là thứ được rất nhiều người Breton cho là nguyên nhân quyết định độ ngon bơ và cá xác đin của họ. Nó chỉ được nối với nước Pháp hiện đại nhờ hai con đường, con đường dẫn tới Savenay, quận mà nó thuộc về, và đi quá lên Saint-Nazaire; rồi con đường dẫn tới Vannes và nối nó với Le Morbihan. Con đường của quận thiết lập ngả giao thông trên bộ, còn Saint-Nazaire, giao thông đường thủy với Nantes. Đường bộ chỉ được ngạch hành chính sử dụng. Con đường nhanh nhất, được sử dụng nhiều nhất là đường Saint-Nazaire. Thế nhưng, giữa trấn này và Guérande là một khoảng cách ít nhất sáu dặm mà bưu điện không phục vụ, và như vậy là bởi: không có đến ba lữ khách đi xe ngựa mỗi năm. Saint-Nazaire cách biệt với Paimbeuf bởi cửa sông Loire, rộng bốn dặm. Dải sông Loire khiến cho giao thông bằng tàu hơi nước trở nên khó nhọc; nhưng vẫn còn có thêm nhiều trở ngại khác, bởi vì không có bến tàu nào ở mũi Saint-Nazaire, hồi năm 1829, và chốn này được điểm trang bởi những tảng đá trơn trượt, đá granit ngầm dưới nước, những khối đá đồ sộ dùng làm pháo đài tự nhiên cho nhà thờ xinh đẹp của nó và buộc các lữ khách mang hòm xiểng nhảy xuống các thuyền nhỏ trong lúc biển động, hoặc giả khi trời đẹp thì băng ngang các tảng đá ngầm để ra đến bờ sóng đang xây dựng. Các chướng ngại vật đó, chẳng mấy gây khích lệ cho những người a ma tơ, có lẽ vẫn còn. Trước tiên, chính quyền chậm chạp trong công việc của họ; và rồi, cư dân của lãnh thổ này, mà ta sẽ thấy bị cắt ra như một cái răng trên bản đồ nước Pháp, gồm trong khoảng giữa Saint-Nazaire, trấn Batz và Le Croisic, quá quen với những nỗi khó khăn kia, chúng ngăn chặn người lạ tiếp cận vùng đất của họ. Bị ném lên mỏm một lục địa, thành thử Guérande không dẫn đến bất kỳ đâu, và chẳng một ai tới chỗ nó. Sung sướng vì bị lờ tịt đi, nó chỉ lo lắng cho bản thân mình. Hoạt động sản xuất to lớn của các đầm muối, trả không dưới một triệu tiền thuế[4], nằm ở Le Croisic, thành phố bán đảo mà các liên thông với Guérande được thiết lập trên cát lún nơi ban đêm dấu vết mà ban ngày vạch ra bị xóa nhòa, cũng như nhờ những thuyền nhỏ nhất thiết cần đến nếu muốn vượt khoảng biển dùng làm cảng tại Le Croisic, ăn sâu vào bãi cát. Như vậy, cái thành phố nhỏ quyến rũ này chính là Herculanum[5] của Phong Kiến, trừ đi tấm vải liệm dung nham. Nó đứng nhưng không sống, nó chẳng hề có lẽ sống nào khác ngoài chuyện còn chưa bị phá hủy. Nếu tới Guérande qua ngả Le Croisic, sau khi băng ngang quang cảnh các đầm muối, ta sẽ thấy có một xúc cảm mãnh liệt lúc ngắm nhìn pháo đài kỳ vĩ vẫn còn mới toanh đó. Sự đẹp đẽ của vị thế và các vẻ duyên dáng ngây thơ của vùng lân cận khi đến đây qua lối Saint-Nazaire cũng quyến rũ không kém. Xung quanh, vùng đất tươi tắn, các hàng rào phủ đầy hoa, kim ngân, hoàng dương, hồng, những cây thật đẹp. Ta sẽ nói đó là một khu vườn kiểu Anh do một nghệ sĩ lớn vẽ mẫu. Cái tự nhiên phong phú ấy, im ắng đến thế, ít được sử dụng đến thế và trưng bày vẻ duyên dáng của một bó violet và huệ chuông trong một khoảnh rừng, có khung lồng là một sa mạc của châu Phi với Đại Dương viền bên ngoài, nhưng là một sa mạc không bóng cây, ngọn cỏ, không có đến một con chim, nơi, những ngày có nắng, các diêm dân, vận đồ trắng và phân bố rải rác trên những đầm lầy buồn tẻ nơi người ta làm ra muối, khiến người ta tưởng đâu họ là những người Ả rập choàng áo burnous. Vậy nên Guérande, với khung cảnh xinh đẹp của nó trên đất liền, với sa mạc của nó, bo bờ bên phải bởi Le Croisic, bên trái là trấn Batz, chẳng hề giống với bất kỳ cái gì mà các lữ khách có thể trông thấy trên đất Pháp. Hai tự nhiên đối nghịch nhau đến thế, tụ hội lại nhờ hình ảnh cuối cùng của cuộc sống phong kiến, có một cái gì đó không rõ gây rung động thật nhiều. Thành phố tạo ra trong tâm hồn hiệu ứng mà một viên thuốc an thần gây ra lên cơ thể, nó cũng tĩnh lặng ngang với Venise[6]. Không có xe công cộng nào khác ngoài xe của một người chuyên đưa thư, ông ta chở trên một cỗ xe tồi tàn người, hàng hóa và có lẽ cả các bức thư, từ Saint-Nazaire đến Guérande, và ngược lại. Bernus người đánh xe, hồi năm 1829, là người chạy việc chung cho cộng đồng to lớn đó. Ông đến đi tùy thích, cả vùng biết ông, ông mang đồ đưa tin cho mọi người. Việc một cỗ xe ngựa tới đây, hoặc giả một phụ nữ nào đó đến Guérande bằng đường đất liền để rồi sau đó đi tiếp tới Le Croisic, hoặc vài ông già ốm đau đi tắm biển, tắm nước ở đây, trong các hõm đá trên bán đảo này, được coi là tốt hơn nhiều so với tắm ở Boulogne, Dieppe hay Les Sables, là cả một sự kiện lớn. Đám nông dân cưỡi ngựa tới đó, phần lớn mang theo lương thực chất trong đống bao túi. Chủ yếu họ được dẫn dắt đến đó, cũng như đám diêm dân, bởi nhu cầu mua ở đó các món đồ trang sức đặc trưng cho đẳng cấp của họ, chúng được tặng cho mọi cô dâu người Breton, cũng như vải trắng hay dạ để may trang phục cho họ. Trong vòng chu vi mười dặm, Guérande lúc nào cũng là Guérande, cái thành phố xuất chúng nơi hiệp ước lừng danh trong lịch sử được ký kết[7], chìa khóa của bờ biển, và nó để lộ ra, không kém phần so với trấn Batz, một sự rực rỡ ngày nay đã tiêu biến vào màn đêm của thời gian. Các thứ trang sức, dạ, vải, ruy băng, mũ được làm ra ở nơi khác; nhưng chúng đổ dồn tới Guérande, chỉ ở đây mới có những người tiêu thụ chúng. Mọi nghệ sĩ, thậm chí mọi nhà tư sản, đi ngang Guérande, đều cảm thấy ở nơi này, giống những ai từng sống ở Venise, một ham muốn mau chóng bị lãng quên, được kết thúc cuộc đời tại đó trong bình yên, trong sự im lặng, khi trời đẹp thì đi dạo trên con đường bao quanh thành phố về phía biển, từ một cửa ô này tới một cửa ô khác. Đôi khi hình ảnh thành phố ấy quay trở lại gây chấn động ngôi đền của kỷ niệm: nó bước vào, gắn trên đầu các tòa tháp, mang dây lưng; nó trưng bày cái váy điểm xuyết những bông hoa tuyệt đẹp của nó, rũ cái áo măng tô làm bằng vàng các đụn cát của nó, tỏa ra những hương vị gây chuếnh choáng những con đường phủ đầy gai đẹp đẽ của nó, cũng như ngập đầy những bụi hoa mặc sức mọc lên: nó chiếm lĩnh tâm trí ta và gọi ta như một người phụ nữ thần thánh mà ta từng thoáng nhìn thấy tại một vùng đất kỳ lạ và đã chiếm lấy một chỗ trong góc trái tim.

Ngay cạnh nhà thờ Guérande là một ngôi nhà chiếm vị trí trong thành phố giống như thành phố chiếm chỗ trong vùng đất, một hình ảnh chính xác của quá khứ, biểu tượng cho một điều kỳ vĩ đã bị phá hủy, một thơ ca. Ngôi nhà này thuộc về gia đình quý tộc nhất của vùng, nhà du Guaisnic, những người, vào thời của gia đình du Guesclin, vượt trội hơn họ cả về tài sản lẫn độ lâu đời cũng như người Troie so với người La Mã[8]. Các Guaisqlain (cũng được viết, xưa kia, là du Glaicquin) từ đó mà có Guesclin, xuất thân từ các Guaisnic. Cũng già nua như đá granit của vùng Bretagne, các Guaisnic không phải người Franc cũng chẳng Gaulois, mà là người Breton, hay, chính xác hơn nữa, người Celtic. Xưa kia chắc hẳn họ là các druide[9], đi hái tầm gửi trong các khu rừng thiêng và hiến sinh người sống trên các dolmen[10]. Sẽ là vô ích nếu nói họ từng là gì. Ngày nay dòng giống ấy, ngang hàng với gia đình Rohan nhưng chẳng thèm tự biến mình thành hoàng thân, từng hùng mạnh trước khi vấn đề tổ tiên của Hugues Capet được đặt ra, cái gia đình này, không lẫn chút hợp kim nào, sở hữu chừng hai nghìn livre tiền lợi tức, ngôi nhà tại Guérande cùng lâu đài nhỏ du Guaisnic[11]. Tất tật điền thổ phụ thuộc lãnh địa nam tước du Guaisnic, lãnh địa đầu tiên tại Bretagne, được giao cho các chủ trang trại lĩnh canh, và mang lại khoảng sáu mươi nghìn livre, mặc cho mùa màng không mấy bội thu. Vả lại gia đình du Guaisnic vẫn làm chủ các mảnh đất của họ; nhưng, vì không trả được tiền gốc cho chúng, vốn dĩ từ hai trăm năm nay được ký gửi cho họ từ những người đang coi giữ, họ không được hưởng các thu nhập từ đó. Họ rơi vào hoàn cảnh của vương miện nước Pháp với các engagiste của nó[12] hồi trước 1789. Ở đâu và khi nào các nam tước sẽ tìm được cả triệu mà các chủ trang trại của họ từng giao cho họ? Trước 1789 vùng đất phong phụ thuộc lâu đài du Guaisnic, nằm trên một ngọn đồi, còn trị giá năm mươi nghìn livre; nhưng chỉ sau một lần bỏ phiếu Quốc Hội xóa bỏ thứ thuế đánh lên đất đai mà các lãnh chúa được hưởng[13]. Trong hoàn cảnh ấy, gia đình này, vốn dĩ chẳng còn là gì đối với bất kỳ ai ở Pháp, hẳn sẽ trở thành một đề tài cho sự nhạo báng tại Paris: nhưng ở Guérande đó là toàn bộ vùng Bretagne. Ở Guérande, nam tước du Guaisnic là một trong các nam tước lớn nhất của Pháp, thuộc hàng những người mà trên đó chỉ còn duy nhất một nhân vật, vua nước Pháp, xưa kia từng được bầu lên làm thủ lĩnh[14]. Ngày nay cái họ du Guaisnic, chất chứa các biểu nghĩa Breton và mặt khác nguồn gốc được giải thích trong Những người Chouan hay vùng Bretagne vào năm 1799[15], đã chịu sự biến đổi cũng làm cải dạng cái họ du Guaisqlain. Ông quan thu thuế viết, cũng như tất cả mọi người, là “Guénic”.

Ở cuối một ngõ yên ắng, ẩm và tối, được tạo nên từ các bức tường nhà hàng xóm, có thể nhìn thấy vòm một cái cửa theo kiểu hỗn tạp khá rộng và khá cao, đủ chỗ cho một kỵ sĩ đi qua, chỉ bối cảnh này thôi đã đủ để thông báo rằng vào thời ngôi nhà này được xây xong xe ngựa còn chưa xuất hiện. Cái vòm kia, được đỡ bằng hai trụ đứng, hoàn toàn bằng đá granit. Cánh cửa, bằng gỗ sồi nứt nẻ giống như vỏ những cái cây cung cấp gỗ, đóng đầy đinh to tướng, tạo thành các hình kỷ hà. Vòm thì rỗng bên trong. Nó trưng bày gia huy của nhà du Guaisnic cũng nét, rõ như thể người thợ chạm mới vừa khắc nó xong. Gia huy này hẳn sẽ làm rộn lòng một a ma tơ của nghệ thuật huy hiệu[16] bởi một sự giản dị cho thấy lòng kiêu hãnh, sự lâu đời của gia đình. Nó giống như vào cái hồi các chiến binh thập tự chinh của thế giới Ki-tô tạo ra các biểu tượng ấy hòng nhận ra nhau, người nhà Guaisnic giữ nguyên đúng như ban đầu nó đã vậy, cũng giống gia huy của maison de France[17], mà những người sành sỏi tìm được in chìm hoặc lồng vào các gia huy các gia đình cổ xưa hơn cả. Nó đây, như ta vẫn còn có thể thấy ở Guérande: [...][18], với cái từ khủng khiếp này dùng làm khẩu hiệu: FAC! Chẳng phải đó là một điều kỳ vĩ và đẹp đẽ ư? [...][19] Trên thực tế, nếu tới Guérande sau khi đã đọc câu chuyện này, người ta sẽ chẳng thể nào không phát run khi trông thấy gia huy đó. Phải, người cộng hòa chuyên chính nhất hẳn cũng sẽ thấy mềm lòng vì lòng trung thành, vì sự cao quý và kỳ vĩ che giấu tận sâu ngõ nhỏ này. Các du Guaisnic từng làm rất tốt ngày hôm qua, họ sẵn sàng làm tốt vào ngày mai. “Làm” là cái từ huy hoàng của chế độ hiệp sĩ. “Anh đã làm rất tốt ngoài trận tiền”, lúc nào cũng nói vậy vị nguyên súy hoàn hảo, nhân vật du Guesclin lớn lao đó, người từng đuổi người Anh khỏi đất Pháp một thời gian. Độ sâu của nét khắc, được bảo toàn khỏi mọi bất trắc của thời tiết nhờ sự rộng rãi phần phồng lên của cái vòm, ăn nhịp hoàn hảo với độ sâu đạo đức của câu khẩu hiệu trong tâm hồn gia đình ấy. Với những ai biết rõ các du Guaisnic, đặc trưng này trở nên đáng cảm động. Cánh cửa mở ra cho thấy một cái sân khá rộng, bên phải là dãy chuồng ngựa, còn bếp ở bên trái. Dinh thự được dựng bằng đá tảng từ hầm lên tới gác mái. Mặt tiền nhìn ra sân được điểm trang một bậc thềm có hai hàng lan can mà cái bục được phủ các phế tích những chạm trổ bị thời gian xóa nhòa, nhưng tại đó con mắt nhà buôn đồ cổ hẵng còn thấy rõ ở chính giữa phần gồ lên của bàn tay cầm thanh kiếm. Bên dưới bậc thềm xinh xẻo đó, lộng khung trong các đường gân đứt gãy ở đôi chỗ và như thể được đánh véc ni bởi cũ kỹ đôi nơi, là một lô nhỏ xưa kia là chỗ ở cho một con chó trông nhà. Các hàng lan can bằng đá đã rời rã: tại đó cỏ mọc lên, cùng vài bông hoa nhỏ và rêu trong kẽ, cũng giống trên các bậc cầu thang, mà các thế kỷ đã dịch chỗ nhưng không tước bỏ đi sự vững chãi. Cánh cửa chắc hẳn từng rất đẹp. Trong chừng mực những gì còn lại của các đường nét cho phép đánh giá, nó được làm ra bởi tay một nghệ sĩ được đào tạo bởi trường phái Venise kỳ vĩ hồi thế kỷ thứ mười ba. Ở đó người ta bắt gặp một hỗn hợp rất khó tả của Byzance trộn với Maure. Nó được choàng lên trên cùng một hình vòng cung đắp nổi oằn nặng dưới cây cỏ, một bụi hoa hồng, vàng, nâu hoặc xanh lơ, tùy theo mùa. Cánh cửa, bằng gỗ sồi đóng đinh, dẫn vào một căn phòng rất rộng, ở cuối là một cửa khác với một cái thềm tương tự đưa xuống vườn. Phòng này được lưu giữ tuyệt diệu. Các gỗ lát cao đến ngang các thanh chống của nó làm bằng gỗ dẻ. Một thứ da Tây Ban Nha tuyệt đẹp, in chìm các hình thù sống động, nhưng trên đó các viền vàng đã bong tróc và ngả màu hung, phủ lên các bức tường. Trần nhà được tạo nên từ các thanh ván gắn vào nhau đầy nghệ thuật, sơn và mạ vàng. Gần như không còn nhìn thấy vàng ở đó nữa; nó vẫn ở vào cùng tình trạng với tình trạng thứ da Cordoue; nhưng người ta vẫn còn có thể trông thấy vài bông hoa màu đỏ và vài chùm lá lục. Cần phải nghĩ rằng chỉ cần cọ rửa là sẽ lại thấy hiện lên các bức tranh giống các bức tranh điểm trang cho sàn của ngôi nhà của Tristan tại Tours[20], và hẳn chứng tỏ rằng mặt sàn ấy đã được làm lại hoặc khôi phục dưới triều Louis XI. Lò sưởi rất lớn, bằng đá tạc, trang bị các thanh chắn khổng lồ bằng sắt rèn làm rất tỉ mỉ. Nó có thể chứa được cả một chồng củi lớn. Các thứ đồ đạc của căn phòng này tất tật đều làm bằng gỗ sồi và mang phía trên lưng tựa của chúng gia huy của gia đình. Có ba khẩu súng trường Anh tiện lợi cho cả đi săn lẫn chiến đấu ngoài mặt trận, ba thanh kiếm, ba túi đựng đồ săn, các thứ vật dụng của thợ săn và ngư dân treo vào mấy cái đinh.

Ở bên cạnh là một phòng ăn nối thông với bếp qua một cánh cửa trổ vào một tòa tháp ở góc. Tháp nhỏ này tương ứng, trong cấu tạo của mặt tiền nhìn ra sân, với một tháp khác áp vào góc bên kia và là nơi có một cầu thang xoáy trôn ốc đưa lên hai tầng trên. Phòng ăn phủ các vải thảm có từ hồi thế kỷ mười bốn, phong cách và lối ám tả của các dòng chữ viết trên các băng rôn bên dưới mỗi nhân vật cho thấy điều này; nhưng, bởi chúng thuộc về thứ ngôn ngữ ngây thơ của các câu chuyện thời Trung Cổ, không thể nào chép lại chúng ngày hôm nay. Những thảm đó, được lưu giữ rất tốt tại những nơi ánh sáng ít khi lọt tới, được bao viền bởi các băng gỗ sồi khắc chạm, đã trở nên đen sẫm như gỗ mun. Trần nhà gồm các thanh rầm lộ tô điểm thêm các chùm lá khác nhau ở mỗi xà; khoảng giữa các rầm gắn một tấm ván sơn trên đó đính một chùm hoa bằng vàng trên nền xanh lơ. Hai tủ bày đồ cũ kỹ kê đối diện với nhau. Nơi các ngăn của chúng, được kỳ cọ với một sự bướng bỉnh đúng kiểu Breton bởi tay Mariotte, cô bếp, có thể nhìn thấy, cũng như vào cái thời khi các vị vua cũng nghèo khổ, hồi 1200, y như các du Guaisnic hồi năm 1830, bốn cái cốc cũ rích, một liễn xúp cũ rích lồi lõm và hai lọ đựng muối bằng bạc; rồi đống đĩa thiếc, các hũ sành xanh lơ và xám, trang trí các họa tiết hoa lá và có hình gia huy nhà du Guaisnic, đậy nắp thiếc. Lò đã được hiện đại hóa. Tình trạng của nó chứng tỏ gia đình ở suốt trong căn phòng này từ thế kỷ trước. Nó được làm bằng đá tạc theo gu của thế kỷ Louis XV, treo một tấm gương lộng khung trong một bo với các cạnh đính ngọc và mạ vàng. Sự chỏi lên này, mà gia đình chẳng hề quan tâm, hẳn sẽ gây buồn khổ cho một nhà thơ. Trên cái bàn nhỏ, phủ nhung đỏ, ở chính giữa có một cái đồng hồ khung đồi mồi nạm đồng, và mỗi bên có hai cây đuốc bạc theo một mẫu kỳ khôi. Một cái bàn vuông rộng chân uốn lượn chiếm lấy trung tâm căn phòng này. Những cái ghế làm bằng gỗ tiện, phủ vải dày. Trên một cái bàn tròn một chân, trông rúm ró và được đặt trước cửa sổ nhìn ra vườn, có thể thấy một ngọn đèn kỳ lạ. Ngọn đèn này là một hình cầu bằng thủy tinh thô, to hơn một quả trứng đà điểu một chút, gắn vào một cây đèn nến bằng một miếng thủy tinh. Từ một cái lỗ phía trên thò ra một bấc dẹt được giữ trong một dạng giăm bằng đồng, uốn lại như con sán dây trong một cái bình, uống dầu đựng trong hình cầu. Cửa sổ nhìn ra vườn, cũng như cửa sổ nhìn xuống sân, và hai cái lùa thông với nhau, có bệ bằng đá và gắn các ô kính lục giác bo chì, treo rèm phủ trang trí hình quả sồi, làm bằng một thứ vải lụa cũ kỹ màu đỏ ánh vàng, xưa kia được gọi là “gấm hoa”.

Trên mỗi tầng phía trên của ngôi nhà, tổng cộng hai tầng, chỉ có hai phòng. Tầng hai là nơi ở của ông chủ nhà. Tầng trên đó xưa kia dành cho trẻ con. Khách khứa thì ngụ trong các phòng sát mái. Đám gia nhân sống bên trên bếp và tàu ngựa. Mái ngói nhọn hoắt, bọc chì ở các góc, chĩa xuống sân và vườn bằng một chi tiết hình cung nhọn tuyệt mỹ, nó vươn lên gần cao bằng đỉnh cao nhất, với các rầm chìa thanh mảnh trên đó các bức tượng bị xói món bởi hơi nước đậm muối của bầu không khí. Bên trên ô văng nhiều họa tiết của lỗ trổ có bốn gióng ngang bằng đá này, vẫn còn kêu cọt kẹt cái chong chóng[21] của nhà quý tộc.

Đừng quên một chi tiết quý giá và chất chứa vẻ ngây thơ chẳng phải là không có giá trị trong mắt các nhà khảo cổ. Tòa tháp nhỏ, nơi cầu thang rẽ ngoặt, trang trí cho góc một bức tường lớn nơi không có lấy một cửa sổ nào. Cầu thang dẫn xuống qua một cửa nhỏ hình vòm cung nhọn tới một khoảnh đất rải cát chia cách ngôi nhà với bức tường bao mà các chuồng ngựa dựa vào. Ngôi tháp nhỏ này được lặp lại về phía vườn bởi một tháp khác, năm mặt, kết thúc bằng hình một phần tư khối cầu, và chứa một tháp chuông nhỏ, thay vì được trùm lên, giống người chị em của nó, một lầu canh. Đó chính là cách thức để những kiến trúc sư tài tình đó dùng để đa dạng hóa sự cân đối của họ. Phải đến ngang tầm tầng thứ nhất, hai tháp này mới được nối với nhau qua một hành lang bằng đá được chống bằng các thanh rầm giống mũi tàu có hình mặt người. Hành lang lộ thiên được điểm trang một hàng lan can rất thanh nhã, với một vẻ tinh tế tuyệt mỹ. Và rồi, từ trên đỉnh của đầu hồi, bên dưới có một thanh ngang thuôn dài duy nhất, treo một thứ đồ trang trí bằng đá có hình cái đài giống những cái đài đặt lên bên trên các bức tượng thánh tại cửa chính nhà thờ. Hai tháp nhỏ được trổ một cánh cửa xinh đẹp có vòm nhọn dẫn ra hàng hiên này. Đó là cách thức mà kiến trúc thế kỷ mười ba xử lý bức tường trơ trụi và lạnh lẽo giờ đây bày ra mặt gấp khúc của một ngôi nhà. Có nhìn thấy một người phụ nữ sáng ra đi dạo trên hành lang này, nhìn lên phía trên Guérande mặt trời tỏa nắng vàng xuống cát và làm phản chiếu lấp lánh làn nước Đại Dương ấy không? Chẳng phải là cần phải ngưỡng mộ bức tường trang trí hình hoa này, bao gồm ở hai góc hai ngọn tháp gần như được khía rãnh, trong đó một được chuốt tròn đột ngột thành tổ chim én, còn cái kia trưng bày cánh cửa có vòm kiểu gôtic xinh đẹp của nó và được trang trí bàn tay cầm một thanh kiếm? Đầu hồi bên kia của dinh thự du Guaisnic tựa vào ngôi nhà bên cạnh. Sự hài hòa mà các Bậc Thầy của thời ấy tìm kiếm tỉ mỉ đến thế còn được lưu giữ nơi mặt tiền nhìn ra sân bởi tòa tháp nhỏ tương tự tháp nơi cầu thang trôn ốc leo lên, đó là cái tên xưa kia dùng cho một cầu thang, và dùng để nối phòng ăn với bếp; nhưng nó dừng lại ở tầng hai, và phủ lên trên nó là một mái vòm nhỏ trổ lỗ dưới đó mọc lên một bức tượng thánh Calyste màu đen.

Khu vườn xa hoa trong một tường bao xưa cũ đến thế, nó rộng chừng nửa arpent, các bức tường của nó trồng nhiều cây áp vào; nó được chia thành các ô trồng rau, bao viền bởi những cây cọc, mà một gia nhân nam giới tên là Gasselin trông coi, ông ta phụ trách việc chải lông ngựa. Ở cuối vườn là một giàn cây bên dưới kê một cái ghế băng. Chính giữa mọc lên một mặt khắc độ[22]. Các lối đi rải cát. Trên khu vườn, mặt tiền nhà không có tháp nào nhằm tương ứng với cái tháp nơi đầu hồi. Nó sửa chữa khiếm khuyết này bằng một cây cột nhỏ xoắn ốc từ dưới lên cao, và hẳn xưa kia từng dùng để treo lá cờ của gia đình, bởi vì nó kết thúc bằng một dạng ổ quay rất lớn bằng sắt hoen gỉ, từ đó mọc lên những thứ cỏ gầy. Chi tiết này, ăn nhịp với các phế tích của mộ phần, cho thấy ngôi nhà này được xây dựng bởi một kiến trúc sư Venise. Cái cán dựng đứng thanh lịch này giống như một chữ ký tiết lộ về Venise, chế độ hiệp sĩ, sự tinh tế của thế kỷ mười ba. Nếu còn lại những nghi ngờ về phương diện ấy, thì bản tính của các trang trí sẽ làm chúng tan biến. Các trèfle của dinh thự du Guaisnic có bốn lá, thay vì ba. Khác biệt này chỉ ra rằng trường phái Venise đã có nhiều dan díu với Phương Đông nơi các kiến trúc sư nửa dòng máu đạo Hồi, chẳng mấy quan tâm đến tư tưởng Công giáo kỳ vĩ, tạo ra trèfle bốn lá, trong khi các kiến trúc sư Ki-tô vẫn trung thành với Tam Vị. Trong tương quan này ấy, phăng te zi của Venise thật tà giáo. Nếu ngôi nhà này gây kinh ngạc cho trí tưởng tượng, có lẽ ta sẽ tự hỏi tại sao thời hiện nay không khôi phục nữa những phép mầu ấy của nghệ thuật. Ngày nay các dinh thự đẹp bị bán đi, bị phá hủy và nhường chỗ cho phố phường. Chẳng ai biết thế hệ của mình sẽ có lưu giữ ngôi nhà ông cha hay không, nơi tất tật đều đi qua giống như một nhà trọ; trong khi trước đây khi dựng một nơi ở, người ta làm việc, ít nhất người ta cũng tin mình làm việc cho một gia đình vĩnh cửu. Từ đó mà có vẻ đẹp của các dinh thự. Lòng tin nơi bản thân tạo ra những phép mầu cũng như lòng tin đặt nơi Chúa[23]. Về phần các bố trí và đồ đạc ở mấy tầng trên, chỉ có thể đặt giả định dựa trên miêu tả trên đây về tầng trệt, theo vẻ bên ngoài và phong hóa của gia đình. Từ năm mươi năm nay, các du Guaisnic chưa từng bao giờ tiếp người nào ở nơi đâu ngoài hai căn phòng nơi hít thở, cũng như ngoài sân và nơi các khu phụ bên ngoài nhà, tinh thần, vẻ duyên dáng, sự ngây thơ của vùng Bretagne xưa cũ và cao quý. Nếu không có đồ hình và miêu tả thành phố, nếu không có bức họa tỉ mỉ dinh thự này, những khuôn mặt đáng kinh ngạc của gia đình ấy có lẽ sẽ khó mà hiểu nổi. Vậy nên các khung phải được cho xuất hiện từ trước những bức chân dung. Ai cũng sẽ nghĩ rằng các vật thì chế ngự con người. Có những công trình mà ảnh hưởng gây ra thật rõ rành lên những người sống xung quanh. Thật khó mà không mang tính chất tôn giáo ở trong bóng một vương cung thánh đường giống như tại Bourges. Khi khắp nơi nơi tâm hồn được nhắc nhở về số phần của nó nhờ các hình ảnh, thì sẽ khó mà trật đi được hơn. Đó là ý kiến của tổ tiên chúng ta, đã bị bỏ rơi bởi một thế hệ chẳng còn các dấu hiệu lẫn những phân biệt, mà phong hóa thay đổi mười năm một lần. Chẳng phải là cần chờ đợi bắt gặp nam tước du Guaisnic với một thanh kiếm cầm trên tay, bằng không tất tật mọi thứ nơi đây sẽ trở thành lời dối trá[24]?

Năm 1836, vào thời điểm cảnh này mở ra, những ngày đầu tiên của tháng Tám, gia đình du Guénic vẫn gồm có ông bà du Guénic, cô du Guénic, chị ruột của ông nam tước, và một đứa con trai duy nhất hăm mốt tuổi, tên là Gaudebert-Calyste-Louis, theo một tập tục lâu đời của gia đình. Ông bố tên là Gaudebert-Calyste-Charles. Người ta chỉ thay đổi vị thánh bảo trợ thứ ba. Thánh Gaudebert và thánh Calyste sẽ luôn luôn bảo trợ cho các Guénic. Nam tước du Guénic đã rời Guérande ngay khi Vendée và Bretagne cầm vũ khí[25], và ông đã đi chiến trận với Charette, với Catelineau, La Rochejacquelein, d’Elbée, Bonchamps và hoàng thân de Loudon. Trước khi lên đường, ông đã bán hết tài sản cho mình cho chị gái, cô Zéphirine du Guénic, nhờ một nét cẩn trọng duy nhất trong biên niên sử cách mạng. Sau khi tất tật anh hùng của miền Tây đã chết, nam tước, mà chỉ một phép mầu mới ngăn chặn không kết thúc giống như họ, đã không quy phục trước Napoléon. Ông đã chiến đấu cho tới năm 1802, cái năm, sau khi thiếu điều thì bị bắt, ông quay về Guérande, rồi từ Guérande đi Le Croisic, từ đó ông sang Ailen, trung thành với lòng căm hận xưa cũ của người Breton[26] đối với nước Anh. Người dân Guérande vờ không biết đến sự tồn tại của nam tước: trong vòng hai mươi năm trời không có lấy một sự hé môi. Cô du Guénic hưởng các món thu nhập và chuyển chúng cho em trai thông qua các ngư dân. Ông du Guénic về lại Guérande vào năm 1813, cũng theo đường lối giản dị giống như ông qua Nantes[27] sống một mùa. Trong kỳ lưu trú của ông tại Dublin, ông già Breton đem lòng yêu, mặc cho cái tuổi năm mươi của ông, một phụ nữ Ailen quyến rũ, con gái một trong các gia đình cao quý nhất và nghèo nhất của vương quốc bất hạnh đó. Miss Fanny O’Brien hồi ấy hăm mốt tuổi. Nam tước du Guénic về lấy các thứ giấy tờ cần thiết để cưới vợ, quay lại đó để làm đám cưới, rồi mười tháng sau, đầu năm 1814, lại về cùng vợ, cô sinh cho ông Calyste vào đúng cái ngày Louis XVIII tiến vào Calais[28], hoàn cảnh giải thích cho cái tên Louis của cậu bé. Ông già Breton trung thành lúc này đã bảy mươi ba tuổi; nhưng cuộc chiến tranh du kích chống lại nền cộng hòa, nhưng những nỗi đau đớn trong năm chuyến vượt biển sóng to gió lớn, nhưng cuộc sống bên Dublin đã chất nặng lên đầu ông: trông ông như thể đã sống hơn một thế kỷ. Vậy nên chưa thời kỳ nào từng có một Guénic ăn nhập với sự đổ nát của ngôi nhà này, xây dựng vào cái thời vẫn còn có một triều đình ở Guérande, hơn so với ông.

Ông du Guénic là một ông già cao lớn, người thẳng tắp, ngẳng, nóng nảy và rất gầy. Khuôn mặt hình ô van của ông nhăn nheo theo hàng nghìn nếp gấp

-----------

[1] Nhân vật được Balzac đề tặng Béatrix là nữ bá tước Guidoboni-Visconti, nhũ danh Frances Lovell (1804-1883); đây là một phụ nữ người Anh tóc vàng, và người ta kể “Sarah” (tên riêng mà chỉ bạn bè thân thiết của nữ bá tước mới được dùng) khiến Madame Hanska ghen khủng khiếp; dường như Balzac quen với bà Guidoboni-Visconti vào năm 1835, thuê một ngôi nhà thuộc sở hữu của gia đình Visconti.
[2] Đây là một chỉ trích rất hay gặp ở Balzac: Balzac thường xuyên chỉ trích người ta không biết viết “lịch sử phong hóa”.
[3] Balzac không nói vớ vẩn: dưới kỳ Đốc chính (Directoire), có thứ thuế đánh lên cửa và cửa sổ; chi tiết cửa sổ bị bịt lại này cũng xuất hiện trong Eugénie Grandet.
[4] Thuế muối dường như không phải một hiện tượng xa lạ ở bất kỳ đâu; theo số liệu thống kê (chắc là chính xác hơn Balzac), tiền thuế không phải một triệu mà gấp hơn mười lần như vậy.
[5] Thành phố La Mã cổ đại, nằm sát ngọn núi Vésuve (Vesuvius) và bị chôn vùi khi núi phun lửa.
[6] Đọc câu này và nghĩ tới Venis của ngày hôm nay, chỉ có thể rùng mình sợ hãi.
[7] Tức là hiệp ước ký năm 1365 sau trận Auray giữa vua Pháp Charles V và Jean de Montfort, sau đó nhân vật này trở thành công tước de Bretagne.
[8] Hài hước kiểu Balzac có thể nằm ở những so sánh như thế này và tương tự.
[9] Cứ để yên cái từ “druide” rất nổi tiếng này không dịch ra nhé: nói chung là rất nên tìm hiểu về các ông thầy tu cổ xưa này.
[10] Thêm một từ đặc trưng để yên không dịch; tin mừng là nếu lười tìm hiểu một cách “bác học” thì cũng chỉ cần đọc truyện tranh Astérix là cũng có thể biết một cách đại khái, không nhầm lẫn.
[11] Đoạn trên đây có làm các độc giả không đọc giả vờ nghĩ ngay đến cái gì không? ô, tất nhiên, cần phải nghĩ ngay đến Marcel Proust, những đoạn về “tên riêng” trong À la recherche du temps perdu.
[12] “Engagiste” là từ dùng để chỉ người nắm giữ một phần lãnh địa hoàng gia, họ nhận phần đất này như là món thế chấp để cho vua vay tiền.
[13] Một thứ được gọi là “lods et ventes”, từng là quyền của lãnh chúa, thu tiền dựa trên đất đai của họ.
[14] Quá khứ “bộ lạc” của nước Pháp.
[15] Balzac rất thường xuyên tự dẫn chiếu đến các tác phẩm của chính mình, ở đây là một ví dụ (tất nhiên, tác phẩm được nhắc tới là Les Chouans, nhan đề thông dụng hơn, thuộc phần “Scènes de la vie militaire” của Vở kịch con người - trong đó cũng xuất hiện nhân vật cảnh sát Corentin như ta đã bắt gặp trong Một vụ việc ám muội).
[16] Cf. chú thích số 39 của Albert Savarus.
[17] “Maison de France”: đơn giản nên hiểu là các vua nước Pháp.
[18] Cũng như từng làm một lần (và còn nhiều lần nữa), tôi bỏ qua miêu tả gia huy; cho đến giờ tôi vẫn chưa “ngửi” được thứ ngôn ngữ này, rất đặc trưng của bộ môn “science héraldique”.
[19] Tương tự chú thích số 18 (tạm thời, chỉ cần nhớ là trên gia huy của gia đình ấy, có hình ảnh bàn tay cầm thanh kiếm).
[20] Tristan L’Hermite, một nhân vật lịch sử của nước Pháp, sống vào thế kỷ 15; ngôi nhà nằm ở thành phố Tours quê hương Balzac xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm thuộc Vở kịch con người.
[21] Cái girouette này là một trong những chi tiết đặc trưng nhất của các ngôi nhà quý tộc.
[22] Đại khái có thể coi là cái đồng hồ, dùng để xem giờ theo ánh nắng (cadran solaire).
[23] Một Balzac “phiếm thần”?
[24] Tức là đến đây mới hết phần “khung” để bắt đầu vào phần “chân dung”; nói một cách đơn giản hơn, các nhân vật của Béatrix bắt đầu xuất hiện trong hình hài cụ thể, kể từ điểm này (sau hàng chục trang sách).
[25] Phong trào vũ trang của quý tộc chống cộng hòa thời Cách mạng Pháp; cuốn tiểu thuyết lớn của Balzac về sự kiện này là Les Chouans, “chouannerie” và “vendée” hơi lệch nhau một chút xét về địa dư.
[26] Vùng Bretagne, người Breton.
[27] Nantes là thành phố lớn vùng Bretagne.
[28] Đầu kỳ Trung Hưng lần một.



(còn nữa)



Balzac trong thế kỷ mười chín
XIV. Gái già
Cách một (hay là "Balzac trong thế kỷ 19", phần mở đầu)
XIII. Vĩnh biệt (đầy đủ)
XII. Một người con gái của Eva
XI. Rực rỡ và khốn cùng của kỹ nữ
X. Ursule Mirouët
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac

10 comments:

  1. lúc đó dịch giới thiệu mình nghĩ các dịch giả đụng đâu thì dịch đó thôi chứ tính toán gì, chưa kể còn dịch để kiếm cơm

    ReplyDelete
  2. chưa tìm hiểu kỹ lắm thì đừng nên nói gì

    vả lại tôi không định chỉ trích gì đâu

    ReplyDelete
  3. tuyệt đẹp. thấu thị. hiện đại từ đây chứ!

    ReplyDelete
  4. có lẽ không ở cuốn tiểu thuyết nào "tính chất Balzac" rõ như ở "Beatrix", tất cả những gì đặc trưng nhất, nổi bật nhất, bất ngờ nhất, kiệt cùng nhất, tương phản nhất

    tiếp tục rồi đấy :p

    ReplyDelete
  5. ánh sáng của thời Trung Cổ đúng là ánh sáng của Chúa. mà hình như Balzac xem nước Pháp như một quần đảo í nhỉ: Caribe cộng với Micronesia gắn lên cái đĩa hình lục lăng :P

    ReplyDelete
  6. cái cổng vòm đủ cho một kỵ sĩ đi qua nghe cũng giống như một dolmen nhỉ. cứ đến cổng mà (tạm) dừng là gây tò mò ghê gớm. đoạn lược sử qua một cái tên gia tộc cũng là một "cái cổng" :P chỉ mấy câu về đất và tiền đã đủ hết "một cuộc bể dâu."

    ReplyDelete
  7. khục khục, đoạn đầu "Béatrix" có một "độ rung" đúng nghĩa là quái dị; các nhà bình luận Balzac nhìn chung nhất trí coi miêu tả thành phố Guérande ở đây chính là miêu tả một người phụ nữ

    bắt đầu tiếp tục rồi đấy, hiếm có gì gây "phê" ở mức độ như thế này hehe

    ReplyDelete
  8. có lẽ muốn thấy cái "một người phụ nữ" ấy thì phải đọc trong nguyên bản.
    "phê" thì quả là có. chả hạn những câu như này: "Nó giống như vào cái hồi các chiến binh thập tự chinh của thế giới Ki-tô tạo ra các biểu tượng ấy hòng nhận ra nhau,..." thì càng đọc càng cảm thấy lún sâu xuống thứ gì đó tôi tối chắc là cát lún ở quanh Guérande.

    ReplyDelete
  9. hehe, cũng không nhất thiết: thật ra chỉ cần đọc lại mấy câu cuối paragraph thứ ba

    ReplyDelete
  10. Đọc bản dịch xong, quay lên trên đọc lại phần giới thiệu, chỉ muốn khóc vì hạnh phúc, hạnh phúc vì được đọc một tác phẩm hay (mà cứ bị dịch giả bỏ dở)

    ReplyDelete