Và Béatrix cũng là cuốn tiểu thuyết có mở đầu balzacien hết mức: nếu ai còn nghi ngờ, tôi xin nói là sau Béatrix phần đầu, đúng 100 post sau tôi mới lại tiếp tục được. Và cho đến tận lúc này, mới xong phần về khung cảnh, và các nhân vật bắt đầu xuất hiện.
Đầu tiên là từ xa: vùng Bretagne, thành phố Guérande của một thời Trung cổ, rồi đến ngôi nhà ở Guérande, rồi những căn phòng, rồi từng thứ đồ đạc, rồi bầu không khí đặc quánh Trung cổ, hiệp sĩ và phong kiến. Cú lia camera của Balzac trong Béatrix chậm khủng khiếp, điều đó đòi hỏi cameraman tay phải cực khỏe. Tôi từng làm việc cùng không ít cameraman, tôi tin không một ai tôi có biết đủ sức quay được như cách miêu tả của Balzac. Mà nói cho cùng, điện ảnh là một trò vờ vịt.
Nguyên tắc này được chính Balzac phát biểu, trong đoạn trước, một cách không thể tường minh hơn: "Vậy nên các khung phải được cho xuất hiện từ trước những bức chân dung. Ai cũng sẽ nghĩ rằng các vật thì chế ngự con người. Có những công trình mà ảnh hưởng gây ra thật rõ rành lên những người sống xung quanh. Thật khó mà không mang tính chất tôn giáo ở trong bóng một vương cung thánh đường giống như tại Bourges. Khi khắp nơi nơi tâm hồn được nhắc nhở về số phần của nó nhờ các hình ảnh, thì sẽ khó mà trật đi được hơn. Đó là ý kiến của tổ tiên chúng ta, đã bị bỏ rơi bởi một thế hệ chẳng còn các dấu hiệu lẫn những phân biệt, mà phong hóa thay đổi mười năm một lần."
Từ xa, rồi, khi đã gần hơn, bắt đầu các nhân vật xuất hiện. Nhưng ngay cả đối với các nhân vật, nguyên tắc vẫn tiếp tục là "từ xa": ta sẽ thấy hai người hầu xuất hiện đầu tiên, rồi mới đến tam vị nhà du Guénic. Hiếm có văn chương nào gây nhiều hứng khởi trong u tối như miêu tả của Balzac về mấy người trong gia đình ấy.
(một chi tiết nữa mà chắc không ai nhìn thấy: thành phố là "Guérande" còn nhân vật là "Guénic", tức là cùng có gốc "gué-": đây là một đặc điểm trong chiến lược đặt tên riêng cực kỳ Balzac, xuất hiện vô số lần ở rất nhiều tiểu thuyết, điều không dễ nhận biết, nói chung chỉ có thể nhìn thấy bằng niệm năng, trí năng gần như không đủ sức)
Trong lần giới thiệu cho kỳ trước, tôi đã nói Béatrix là cuốn tiểu thuyết lớn về vùng Bretagne. Điều này rất quan trọng.
Như một hồi ứng, Jules Barbey d'Aurevilly (xem ở kia), một người tiếp nối Balzac có vị trí lớn, thuộc cái thế hệ ngay sau Balzac, sẽ sớm viết Le Chevalier des Touches là một cuốn tiểu thuyết lớn về vùng Normandie. (tôi sẽ rất sớm đến cụ thể với Barbey d'Aurevilly, mà không hiểu vì một lý do kỳ bí nào, chưa bao giờ thấy có mảy may xuất hiện tại Việt Nam)
Bretagne và Normandie ở phía Tây Bắc thì cũng tương tự Alsace và Lorraine ở phía Đông Bắc. Chúng có ý nghĩa rất lớn chính bởi vì chúng không thực sự Pháp (điều này có lẽ hấp dẫn Balzac, vì Balzac xuất thân từ vùng Touraine, vùng này thì đúng là rất Pháp - trái tim của nước Pháp), đây là các vùng nằm ở khoảng chồng lấn với các văn hóa khác hẳn, người Germanique, người Anglo-Saxon, nói tóm lại, đây là vùng nordique, thậm chí Celtique. Lớp này chồng lên lớp kia, phế tích này ẩn dưới phế tích khác (điều này, Andersen miêu tả rất nhiều, theo cách riêng, chẳng hạn như ở kia).
Nhưng Balzac cũng không chỉ viết Béatrix về vùng Bretagne: Modeste Mignon lấy bối cảnh xung quanh thành phố Le Havre, tức là vùng Normandie. Đâu là những cuốn sách lớn về vùng Normandie? đó là Pierre et Jean của Maupassant, L'Âge d'homme của Michel Leiris, Un rude hiver của Raymond Queneau và cả Chìm xuống của Linda Lê. Còn nhà văn vĩ đại nhất của vùng Normandie thì sao? Flaubert lại gây ra những pha khủng khiếp với một thành phố khác: Rouen chứ không phải Le Havre. Tôi đã đến Rouen, đến cả Honfleur, nhưng chưa bao giờ đặt chân tới Le Havre, một thành phố mà chỉ cái tên thôi đã hấp dẫn: tên cũ của nó là Le-Havre-de-Grâce.
Vùng Bretagne thì có vô số nhà văn lớn, có lẽ sẽ là chuyên đề cho một lần khác. Rất nhiều Breton viết ra những văn chương cự phách. Trong số đó, Béatrix, cuốn tiểu thuyết được viết ra từ tay một người bên ngoài, có một vị trí ngoại lai mang giá trị rất đặc biệt.
nhân tiện: đã tiếp tục cuốn sách Không khí và mộng của Gaston Bachelard, cũng như tiếp tục Sao cho trong ấm của Balzac: bà công tước già de Lansac đã nói gì với nàng de Vaudremont? và người phụ nữ xinh đẹp nhưng nhút nhát và bí ẩn cứ ngồi mãi trong một xó góc phòng nơi diễn ra cuộc vũ hội tưng bừng nhà bá tước mới nổi de Gondreville có thể là ai? ta đang đi những bước dài đến "mở nút" của câu chuyện, một mở nút (và kết) hết sức khó quên
riêng bài về các nhà báo Việt Nam: kinh đấy, từ hôm kia đến giờ tôi đã nhận chiu chiu đủ mọi thứ ám khí (vũ khí sở trường của nhà báo), được, sẽ được như nguyện (cứ cầu, sẽ có), tôi sẽ mở rộng phạm vi, gì chứ báo chí Việt Nam thì tôi quá rành, những gì từng nói chưa đến mức một phần nghìn những gì tôi biết; ai nhỉ, hình như, nếu tôi không nhầm (chắc không nhầm) Oscar Wilde từng phân biệt văn chương và báo chí như sau: văn chương dùng những lời nói dối nhưng lại đi đến sự thật, còn báo chí dùng toàn sự thật nhưng kết quả thì lại là nói dối; trong xã hội Việt Nam ngày nay, trong pha bourgeois hóa cao độ như hiện nay, cần nhìn vào đâu để thấy rõ nhất cơ chế của cái sự bourgeois ấy? Balzac từng không hề nhầm lẫn khi nhìn vào giới báo chí của cái thời Trung Hưng nước Pháp ấy, và tất nhiên, tôi cũng biết nhìn vào đó; nhà báo thì đạo đức giả và ngu dốt, nói điều này thì quá tầm thường và nhàm chán, tôi sẽ nói chính xác ngược lại: nhà báo Việt Nam thì tử tế (riêng điều này, xem tạm trước ở kia), hết sức tử tế và hiểu biết vô biên, thông báo trước luôn nội dung chuyên đề số tới, đón đọc nhá
-----------
Năm 1836, vào thời điểm cảnh này mở ra, những ngày đầu tiên
của tháng Tám, gia đình du Guénic vẫn gồm có ông bà du Guénic, cô du Guénic, chị
ruột của ông nam tước, và một đứa con trai duy nhất hăm mốt tuổi, tên là
Gaudebert-Calyste-Louis, theo một tập tục lâu đời của gia đình. Ông bố tên là
Gaudebert-Calyste-Charles. Người ta chỉ thay đổi vị thánh bảo trợ thứ ba. Thánh
Gaudebert và thánh Calyste sẽ luôn luôn bảo trợ cho các Guénic. Nam tước du
Guénic đã rời Guérande ngay khi Vendée và Bretagne cầm vũ khí[25],
và ông đã đi chiến trận với Charette, với Catelineau, La Rochejacquelein,
d’Elbée, Bonchamps và hoàng thân de Loudon. Trước khi lên đường, ông đã bán hết
tài sản của mình cho chị gái, cô Zéphirine du Guénic, nhờ một nét cẩn trọng duy
nhất trong biên niên sử cách mạng. Sau khi tất tật anh hùng của miền Tây đã chết,
nam tước, mà chỉ một phép mầu mới ngăn chặn không kết thúc giống như họ, đã
không quy phục trước Napoléon. Ông đã chiến đấu cho tới năm 1802, cái năm, sau
khi thiếu điều thì bị bắt, ông quay về Guérande, rồi từ Guérande đi Le Croisic,
từ đó ông sang Ailen, trung thành với lòng căm hận xưa cũ của người Breton[26]
đối với nước Anh. Người dân Guérande vờ không biết đến sự tồn tại của nam tước:
trong vòng hai mươi năm trời không có lấy một sự hé môi. Cô du Guénic hưởng những
món thu nhập và chuyển chúng cho em trai thông qua các ngư dân. Ông du Guénic về
lại Guérande vào năm 1813, cũng theo đường lối giản dị giống như ông qua Nantes[27]
sống một mùa. Trong kỳ lưu trú của ông tại Dublin, ông già Breton đem lòng yêu,
mặc cho cái tuổi năm mươi của ông, một phụ nữ Ailen quyến rũ, con gái một trong
các gia đình cao quý nhất và nghèo nhất của vương quốc bất hạnh đó. Miss Fanny
O’Brien hồi ấy hăm mốt tuổi. Nam tước du Guénic về lấy các thứ giấy tờ cần thiết
để cưới vợ, quay lại đó để làm đám cưới, rồi mười tháng sau, đầu năm 1814, lại
về cùng vợ, cô sinh cho ông Calyste vào đúng cái ngày Louis XVIII tiến vào
Calais[28], hoàn cảnh giải thích cho cái tên Louis của cậu bé. Ông
già Breton trung thành lúc này đã bảy mươi ba tuổi; nhưng cuộc chiến tranh du
kích chống lại nền cộng hòa, nhưng những nỗi đau đớn trong năm chuyến vượt biển
sóng to gió lớn, nhưng cuộc sống bên Dublin đã chất nặng lên đầu ông: trông ông
như thể đã sống hơn một thế kỷ. Vậy nên chưa thời kỳ nào từng có một Guénic ăn
nhập với sự đổ nát của ngôi nhà này, xây dựng vào cái thời vẫn còn có một triều
đình ở Guérande, hơn so với ông.
Ông du Guénic là một ông già cao lớn, người thẳng tắp, ngẳng,
nóng nảy và rất gầy. Khuôn mặt hình ô van của ông nhăn nheo theo hàng nghìn nếp
gấp tạo thành các đường vân cong vòm bên trên hai gò má, bên trên hàng lông
mày, và mang lại cho mặt ông một vẻ giống với các ông già mà cây cọ của Van
Ostade, Rembrandt, Miéris, Gérard Dow[29] từng ưu ái đến vậy, và muốn
được chiêm ngưỡng qua một cái kính lúp. Vẻ bên ngoài của ông như thể bị vùi sâu
dưới rất nhiều đường rãnh ấy, sản phẩm của cuộc đời hay ở ngoài trời của ông, của
thói quen quan sát vùng nông thôn dưới mặt trời, khi mặt trời lên cũng như lúc
tàn ngày. Tuy nhiên, vẫn còn lại cho người quan sát các hình dạng không thể tàn
hủy của khuôn mặt con người và chúng vẫn nói một điều gì đó với tâm hồn, dẫu
cho con mắt chỉ còn nhìn thấy ở đó một cái đầu lâu. Những công tua chắc chắn vững
chãi của khuôn mặt, tạo hình của vầng trán, vẻ nghiêm trang của những đường vạch,
sự cứng cỏi của cái mũi, các đường nét của bộ xương mà chỉ những vết thương mới
có thể xô lệch, thông báo một lòng quả cảm không vương tính toán, một lòng tin
vô bờ bến, một sự tuân phục không lý sự lôi thôi, một lòng trung thành khỏi cần
giao dịch, một tình yêu không đi kèm các trồi sụt. Nơi ông, thứ đá granit
Bretagne đã được tạc thành người. Nam tước không còn răng. Cặp môi ông, xưa kia
đỏ, nhưng khi ấy tím đi, chỉ còn được chống đỡ bởi hai hàm lợi cứng trên đó ông
ăn bánh mì mà vợ ông cẩn thận làm mềm đi bằng cách bọc vào một cái khăn ẩm, thế
nhưng chúng vẫn vừa chui vào bên trong cái mồm vừa vẽ ra một cú nhệch méo xệch
đầy vẻ đe dọa và kiêu hãnh. Cái cằm của ông muốn hội tụ với mũi, nhưng ta thấy,
trong tính cách cái mũi gồ lên ở đoạn giữa này, các dấu hiệu nghị lực của ông
và sự can trường kiểu Bretagne nơi ông. Làn da ông, với các đốm đỏ hiện lên
xuyên qua những nếp nhăn trông không khác những vân đá, thông báo một khí chất
sung huyết, dữ dội, được tạo ra cho những cơn mệt nhọc, hẳn chúng từng phòng ngừa
giúp nam tước khỏi chứng nhồi máu[30]. Cái đầu được phủ bên trên một
mái tóc trắng giống bạc, nó buông xuống thành nhiều lọn trên hai vai ông. Khuôn
mặt, lúc đó đã lịm tắt đi mất một phần, còn sống bằng hào quang cặp mắt đen ánh
lên nơi đáy hai tròng màu nâu và ném ra những ngọn lửa sau cuối của một tâm hồn
rộng lượng và thủy chung. Cặp lông mày và lông mi đã rụng mất. Làn da, trở nên
sần sùi, không sao hết nhăn nheo được nữa. Sự khó nhọc của cạo mặt buộc ông già
phải để mặc cho bộ râu mọc xòe ra như cái quạt. Hẳn một họa sĩ sẽ ngưỡng mộ hơn
hết, nơi con sư tử già vai rộng của vùng Bretagne này, với bộ ngực cứng cáp,
đôi bàn tay đáng ngưỡng mộ của người lính, những bàn tay đúng như một du
Guesclin phải có, những bàn tay rộng bản, dày cộp, đầy lông; những bàn tay từng
nắm chặt lấy chuôi thanh kiếm để rồi chỉ rời nó ra, giống Jeanne d’Arc từng
làm, vào cái ngày lá cờ hoàng gia tung bay nơi vương cung thánh đường Reims;
những bàn tay từng hay bật máu bởi đám gai hàng rào tại Vùng Xôi Đỗ, từng khiển
mái chèo trên Đầm Lầy nhằm mục đích tới bắt chợt bọn Xanh[31], hoặc
giả lênh đênh giữa biển để giúp Georges tới nơi thuận lợi hơn[32];
những bàn tay của người du kích, của người lính pháo, của người lính trơn, của
vị thủ lĩnh; những bàn tay khi ấy trắng trẻo dẫu các Bourbon thuộc ngành trưởng
đang phải sống lưu vong; nhưng nhìn kỹ hẳn ta sẽ thấy vài dấu vết mới đây nói
cho ta biết rằng nam tước cách đây chưa lâu đã đến hội với MADAME tại vùng Vendée[33].
Ngày nay đã có thể thú nhận sự kiện này. Những bàn tay ấy là lời bình luận sống
cho câu khẩu hiệu đẹp mà chưa từng Guénic nào làm trái: Fac! Vầng trán thu hút sự chú ý bởi các sắc vàng mạ hai bên thái
dương, chúng tương phản với tông nâu của cái vầng trán nhỏ cứng và hẹp mà sự rụng
tóc đã nới rộng ra và khiến cho sự đổ nát này lại càng thêm uy nghi hơn. Vẻ mặt
này, vả lại cũng hơi nhiều tính vật chất, và làm sao mà nó lại có thể khác đây!
bày ra, giống mọi khuôn mặt Breton tập hợp lại quanh nam tước, những vẻ ngoài
hoang dã, một sự bình thản thô lậu giống sự vô cảm của người Huron[34],
một cái gì đó chẳng rõ rất ngu đần, có lẽ xuất phát từ sự ngơi nghỉ tuyệt đối
tiếp theo những nỗi mệt quá mực và khi đó để cho một mình con thú hiện ra trở lại.
Ở đó suy nghĩ thì hiếm. Ở đó nó như thể là một nỗ lực, nó có chỗ trú ngụ về
phía trái tim thì nhiều hơn là trong đầu, nó dẫn tới hành động thì nhiều hơn tới
tư tưởng. Nhưng, xem xét kỹ cái ông già đẹp đẽ này với một sự chú tâm lâu dài,
ta hẳn sẽ đoán ra những điều bí ẩn của sự đối nghịch có thực này với tinh thần
thế kỷ của ông. Ông có các tôn giáo, có thể nói rằng những tình cảm bẩm sinh
giúp ông khỏi cần phải suy tư. Các nghĩa vụ của ông, ông đã học được với cuộc đời.
Những Thiết Chế, Tôn Giáo nghĩ giùm ông. Như vậy ông phải gìn giữ tinh thần,
tinh thần của ông cũng như của những người của ông, để hành động, mà không phát
tán nó lên bất kỳ điều gì trong số những điều bị đánh giá là vô tích sự, nhưng
những người khác thì lại rất lưu tâm. Ông rút suy nghĩ của mình ra từ trái tim,
giống như thanh gươm của ông từ bao đựng, chói ngời vẻ thơ ngây, giống như cái
bàn tay trong gia huy của ông. Chừng nào điều bí mật
này đã được đoán định, mọi thứ đều sẽ được giải thích. Ta hiểu được độ sâu những
quyết định phát xuất từ các suy nghĩ sắc nét, lộ rõ, thẳng thắn, vô nhiễm. Ta hiểu được tại sao lại có chuyện ông bán tài sản cho bà chị hồi
trước chiến tranh, và bà là người đáp ứng cho mọi thứ, cho cái chết, cho sự tịch
thu, cho đời lưu vong. Vẻ đẹp tính cách của hai người già này, bởi bà chị chỉ sống
cho và bởi ông em, thậm chí còn không thể hiểu trong toàn bộ độ rộng của nó bởi
các phong hóa chật hẹp mà chúng ta làm nên sự thiếu chắc chắn và kém vững vàng
thời chúng ta. Một tổng thiên thần phụ trách việc đọc trong các trái tim hẳn sẽ
chẳng tìm thấy ở đó một ý nghĩ duy nhất có tẩm nhân cách. Năm 1814, khi cha xứ
Guérande ướm lời bảo nam tước du Guénic đi Paris và đòi phần thưởng cho mình ở
đó, bà chị gái già, vốn dĩ vô cùng hà tiện cho nhà bà, đã kêu lên: “Phì! em
trai tôi mà cần phải đi chìa tay xin giống một tên khố rách áo ôm à?
- Nếu vậy người ta sẽ nghĩ tôi đã phụng sự nhà vua vì lợi
ích, ông già đáp. Vả lại, chính ngài ấy mới cần phải nhớ. Và rồi, ông vua khốn
khổ đó, ông ấy còn đang rối tung rối mù với tất tật những người đến cầu cạnh. Dẫu
ông ấy có chặt nước Pháp ra thành nhiều mảnh, thì người ta vẫn sẽ cứ đòi thêm
cho mà xem.”
Người nô bộc trung thành này, hết sức quan tâm đến Louis
XVIII, có hàm đại tá, được nhận huân chương Saint-Louis và một món tiền lương
hưu hai nghìn franc.
“Nhà vua đã nhớ!” ông nói khi nhận các thứ sắc phong.
Chẳng ai xua đi nhầm lẫn của ông. Việc ấy đã được thực hiện
bởi tay công tước de Feltre[35], căn cứ vào giấy tờ ghi chép các đội
quân Vendée, nơi ông đã thấy cái họ du Guénic cùng vài họ Breton khác cũng kết
thúc bằng ic. Thế nên, như để cảm ơn
vua nước Pháp, nam tước ủng hộ vào năm 1815 một cuộc vây hãm tại Guérande chống
lại các tiểu đoàn của tướng Travot[36], chẳng bao giờ ông muốn giao
nộp pháo đài này; và khi phải chạy khỏi đó, ông đã lao vào rừng cùng một toán
Chouan vẫn tiếp tục mang vũ khí cho tới tận kỳ trở về thứ hai của nhà Bourbon.
Guérande vẫn còn lưu giữ ký ức về cuộc vây hãm cuối cùng ấy. Nếu các toán
Breton già đến, cuộc chiến tranh bị đánh thức bởi sự kháng cự anh hùng này hẳn
đã thiêu cháy Vendée. Chúng tôi phải thú nhận rằng nam tước du Guénic hoàn toàn
mù chữ, nhưng là mù chữ giống một người nông dân: ông biết đọc, biết viết và
tính toán đôi chút; ông biết nghệ thuật quân sự và bộ môn huy hiệu; nhưng,
ngoài quyển sách kinh, ông chưa đọc đến ba cuốn sách trong đời. Bộ trang phục,
chắc hẳn không thể bỏ qua, không bao giờ thay đổi, gồm có đôi giày to, bít tất
xếp nếp, một cái quần cộc bằng nhung màu lục nhạt, một cái gi-lê dạ và một áo
rơ đanh gốt có yếm cổ trên đó gắn huân chương Saint-Louis. Một sự bình yên đáng
ngưỡng mộ ngự trị trên khuôn mặt ấy, mà từ một năm nay một cơn thiu thiu ngủ,
tiền triệu của cái chết, dường như đang chuẩn bị cho kỳ nghỉ ngơi vĩnh cửu. Những
đợt gà gật không ngớt ấy, mỗi ngày một xuất hiện thường hơn, chẳng gây lo lắng
cả cho vợ ông lẫn bà chị gái bị mù của ông, cũng như bạn bè ông, những người có
hiểu biết y học không mấy nhiều nhặn. Đối với họ, những đợt nghỉ trác tuyệt đó
của một tâm hồn không tì vết, nhưng đã mệt, có thể giải thích một cách hết sức
tự nhiên: ông nam tước đã thực hiện nghĩa vụ của mình. Mọi điều đều nằm cả
trong cái câu này.
Nơi dinh thự ấy, những mối quan tâm chính yếu là số phận của
chi họ đã bị tước mất quyền lợi[37]. Tương lai của nhà Bourbon đi
lưu vong và tương lai của Công giáo, ảnh hưởng của những điều mới mẻ về chính
trị lên vùng Bretagne chiếm lĩnh toàn bộ gia đình nam tước. Không có mối quan
tâm nào khác lẫn vào với chúng, ngoài sự gắn bó của tất cả mọi người với đứa
con trai duy nhất, với Calyste, người thừa kế, niềm hy vọng duy nhất của cái họ
du Guénic kỳ vĩ. Ông già Vendée, ông già Chouan từng vài năm trước đó như thể
có một đợt hồi xuân nhằm làm cho người con trai quen với các bài tập hung dữ
phù hợp với một nhà quyền quý bất kỳ lúc nào cũng có thể bị gọi đi tham gia chiến
trận. Ngay khi Calyste được mười sáu tuổi, bố cậu đã đưa cậu đi vào khu đầm lầy
và rừng rú, chỉ cho cậu, trong các khoái thú của săn bắn, những điều căn bản của
chiến tranh, rao giảng về những tấm gương, gan lì trước mệt mỏi, không thể lay
chuyển trên yên ngựa, chắc chắn vào phát súng, dẫu đó là con mồi săn bằng chó
hay bằng chim, gan dạ vượt qua các chướng ngại vật, ném con trai vào hiểm nguy
như thể ông có đến mười đứa con để có thể mạo hiểm. Vậy nên, khi bà công tước
de Berry đặt chân tới Pháp để chinh phục vương quốc, ông bố đã dẫn con trai lên
đường với mục đích luyện cho cậu quen với câu khẩu hiệu trên gia huy[38].
Ông nam tước ra đi vào một đêm nọ, không hề báo trước với vợ, có lẽ bà sẽ khiến
ông mủi lòng, mang theo đứa con duy nhất đi vào lửa đạn như đi hội, và theo sau
là Gasselin, người hầu duy nhất của ông, đầy vui vẻ phấn chấn. Ba người đàn ông
của gia đình đã vắng mặt mất sáu tháng, chẳng hề gửi tin tức về cho bà nam tước,
người không bao giờ đọc tờ La Quotidienne
mà không run rẩy từ dòng này qua dòng kia; cũng như cho bà chị chồng già nua của
bà, người thẳng tắp theo đường lối anh thư, với vầng trán không hề nhíu lại
chút nào khi nghe đọc báo. Ba khẩu súng trường treo trong căn phòng lớn vậy là
mới đây đã được sử dụng. Ông nam tước, đánh giá rằng vụ súng đạn ấy là vô ích,
đã rời chiến dịch trước vụ việc Pénissière[39], nếu không như vậy có
thể gia đình du Guénic đã kết thúc tồn tại.
Khi, vào một đêm kinh khiếp, ông bố, cậu con trai và người hầu
về đến nhà sau khi từ biệt MADAME, và bắt chợt bạn bè họ, bà nam tước cùng cô
du Guénic già nua vốn dĩ nhận ra, nhờ sự luyện tập một giác quan mà tất cả người
mù đều được phú cho, tiếng bước chân của ba người đàn ông ngoài ngõ hẹp, ông
nam tước nhìn vòng tròn tạo ra bởi những người bạn lòng đầy lo lắng của ông
quanh cái bàn nhỏ được chiếu sáng bằng cây đèn cổ xưa, và nói, giọng run run,
trong lúc Gasselin treo ba khẩu súng cùng mấy thanh kiếm về chỗ của chúng, cái
câu tràn ngập sự ngây thơ phong kiến này: “Không phải nam tước nào cũng chịu thực
hiện nghĩa vụ của họ.” Rồi sau khi đã ôm hôn vợ cùng bà chị, ông ngồi xuống cái
phô tơi cũ kỹ, và ra lệnh dọn bữa muộn cho con trai ông, Gasselin và ông.
Gasselin, vì lao ra trước để che chắn cho Calyste, đã phải lĩnh một nhát kiếm
vào vai; chuyện quá vặt, nên hai người phụ nữ chỉ cảm ơn qua loa. Ông nam tước
cũng như những người khách đều không thốt ra những lời nguyền rủa và chửi bới
những kẻ chiến thắng. Sự im lặng này là một trong những nét tính cách Breton.
Trong vòng bốn mươi năm, chưa từng bao giờ có ai bắt chợt được một lời khinh miệt
trên môi nam tước dành cho các đối thủ của ông. Việc của họ là làm cái nghề của
họ, cũng như ông thực hiện nghĩa vụ của ông. Sự im lặng sâu thẳm này là dấu vết
của các ý chí không thể lay động. Nỗ lực cuối cùng đó, những luồng ánh sáng của
một nghị lực hầu tàn ấy đã gây ra sự suy yếu mà ông nam tước đang ở vào lúc
này. Cuộc lưu vong mới của gia đình Bourbon đó, cũng bị đuổi đi một cách mầu
nhiệm giống hệt như lúc được tái lập, gây cho ông một nỗi sầu muộn cay đắng[40].
Quãng sáu giờ tối, vào đúng thời điểm bắt đầu cảnh này, nam
tước, theo đúng thói quen xưa cũ, đã ăn xong bữa tối lúc bốn giờ, vừa ngủ thiếp
đi trong lúc nghe đọc tờ La Quotidienne.
Đầu ông đặt trên lưng tựa của cái phô tơi đặt nơi góc lò sưởi, về phía vườn.
Gần cái thân cây lắm mấu nhiều đốt cổ xưa và ấy và ở trước
lò sưởi, bà nam tước, ngồi trên một cái ghế cũ, bày ra típ những tạo vật chỉ tồn
tại bên Anh, bên Ê-cốt hoặc Ailen. Chỉ ở những chỗ đó mới có thể sinh ra các cô
gái căng sữa, với mái tóc vàng óng, các lọn được xoắn lại bởi tay những thiên
thần, bởi vì ánh sáng của bầu trời như thể chảy tràn trong các xoáy trôn ốc của
chúng cùng không khí chơi nhởn trong đó. Fanny O’Brien thuộc vào số các nàng
thiên tinh kia, tràn đầy sự dịu dàng, bất khuất trong bất hạnh, dịu dàng như âm
nhạc giọng nói của bà, thuần khiết giống như màu xanh mắt bà, với một vẻ đẹp
tinh xảo, thanh nhã, xinh đẹp và được phú cho cái da thịt sờ vào mịn như lụa, đầy
âu yếm trong ánh mắt, mà cả cây cọ lẫn lời lẽ đều không thể họa được. Vẫn còn đẹp
ở tuổi bốn mươi hai, rất nhiều đàn ông hẳn sẽ coi như hết sức hạnh phúc nếu lấy
được bà, với dáng vẻ của những sự rạng ngời của tháng Tám tươi thắm sắc màu, đầy
hoa trái, được tưới tắm mát lành bởi các giọt sương trời cao. Bà nam tước cầm tờ
báo bằng một bàn tay vương nhiều hõm nhỏ, các ngón hếch lên và móng thì được tỉa
vuông vắn như ở những bức tượng cổ đại. Nửa nằm nửa ngồi, không hề có vẻ thô lậu
cũng chẳng giả đò, trên cái ghế, hai bàn chân đặt về phía trước để sưởi ấm, bà
vận một cái váy nhung đen, vì trời đã bắt đầu nổi gió lạnh từ vài hôm nay. Cái
áo nịt ngực cao khuôn chặt lấy hai bờ vai với công tua tuyệt mỹ, cùng một bộ ngực
phong nhiêu mà việc nuôi nấng một đứa con trai duy nhất đã không thể gây biến dạng
đi. Bà để mái tóc buông xuống thành các món
quăn dọc má, bám sát vào theo mốt bên Anh. Chỉ xoắn lại một cách đơn giản
phía bên trên đầu và dùng một cây lược đồi mồi cắm vào[41], mái tóc
này, thay vì có một màu bất xác định, lấp lánh lên trong ánh nắng như những đường
gân mờ bằng vàng sẫm nâu. Bà nam tước cho tết tóc sau gáy lại, chúng chơi đùa ở
đó và là một dấu hiệu của dòng dõi. Cái lọn xinh xẻo này, mất hút đi trong mớ
tóc dày cẩn thận bới cao, cho phép con mắt khoái trá lướt theo đường uốn qua đó
cần cổ nối vào với đôi bờ vai đẹp. Chi tiết nhỏ này chứng tỏ sự chăm chút mà bà
luôn luôn dành cho công việc điểm trang. Bà mong sao gây hứng thú cho những ánh
mắt của ông già này. Sự ân cần mới duyên dáng và tuyệt diệu làm sao! Chừng nào
ta thấy được một phụ nữ trưng bày nơi cuộc sống trong nhà sự điệu đà mà các phụ
nữ khác hút lấy từ một thứ tình cảm duy nhất, thì hãy tin, nàng là bà mẹ cao
quý ở ngang mức với người vợ cao quý, nàng là niềm vui và bông hoa của ngôi
nhà, nàng đã hiểu các chức phận phụ nữ, nàng mang nơi tâm hồn và nơi sự dịu
dàng những nét thanh lịch của bên ngoài nàng, nàng làm điều thiện trong bí mật,
nàng biết ngưỡng vọng mà chẳng tính toán, nàng yêu những người thân, giống như
nàng yêu Chúa, vì chính họ. Vậy nên dường như Đức Mẹ trên thiên đường, mà nàng
sống dưới sự trông coi, hẳn đã tưởng thưởng cho tuổi trẻ trinh trắng, cuộc sống
thánh thiện của người phụ nữ ấy bên ông già cao quý kia, bằng cách bao quanh bà
một dạng hào quang giúp bà phòng tránh được khỏi những lỗ mãng của thời gian.
Các thay đổi trong vẻ đẹp của bà, hẳn có lẽ Platon sẽ ca ngợi như là ngần ấy vẻ
yêu kiều mới mẻ. Làn da trắng đến thế xưa kia đã mang các tông ấm và sắc xà cừ
mà họa sĩ yêu quý. Vầng trán rộng và tạc thật đẹp của bà đầy tình yêu nhận về ánh
sáng chơi nhởn trên đó trong những khoảng sáng mịn màng. Đồng tử mắt bà, màu ngọc
lam, lấp lánh, bên dưới hàng lông mày nhạt và êm mịn, vô cùng mảnh. Hàng mi mềm
và hai bên thái dương như nhung mời gọi một nỗi sầu muộn câm lặng nào không rõ.
Bên dưới, viền mắt có màu trắng nhạt, điểm các gân li ti xanh nhạt giống nơi gốc
mũi. Cái mũi này, có công tua khoằm, thon, có một cái gì đó vương giả gợi nhớ
nguồn gốc của người con gái cao quý đó. Cái miệng của bà, thuần khiết và khuôn
rất đẹp, còn đẹp thêm lên nhờ một nụ cười dung phàm mà một sự nhã nhặn vô chừng
chỉ định cho. Hàm răng bà trắng và nhỏ. Người bà hơi đẫy một chút, nhưng cặp
hông thanh nhã, vòng eo thon thả chẳng hề chịu ảnh hưởng từ đó. Mùa thu của vẻ
đẹp bà tức thì bày ra vài bông hoa náo động của mùa xuân bị bỏ quên và những
giàu có nóng bỏng của mùa hè. Hai cánh tay bà tròn trịa theo đường lối cao quý,
làn da căng và láng có chút mịn hơn; các công tua đã đạt tới sự căng đầy của
chúng. Rốt cuộc vẻ mặt mở rộng, thanh thản và hơi hồng của bà, sự thuần khiết của
cặp mắt xanh mà một ánh nhìn quá dữ dội hẳn sẽ gây thương tổn, diễn tả sự dịu
dàng không chút xao động, sự mềm mại bất tận của các thiên thần.
Lúc Fanny thấy ông nam tước đã ngủ thiếp đi, bà ngừng đọc. Một tia nắng chạy từ một cửa sổ này sang cửa sổ khác và phân chia làm hai nửa, bởi một dải vàng, bầu không khí của căn phòng cũ kỹ này, nơi nó làm sáng rực lên những thứ đồ đạc gần như màu đen. Ánh sáng bo viền lấy các hình chạm trên sàn, nhảy nhót trong các thứ đồ đạc, trải rộng một lớp sáng sủa trên cái bàn gỗ sồi, gây vui tươi cho nội thất màu nâu và êm dịu này, giống như giọng nói của Fanny ném vào tâm hồn của bà già tám mươi tuổi một thứ âm nhạc cũng sáng, cũng vui như tia nắng kia. Rất sớm những tia mặt trời chuyển sang các tông màu đỏ nhạt, chúng, theo các cấp độ tăng tiến rất khó nắm bắt, đạt tới các tông sầu tủi của hoàng hôn. Bà nam tước rơi vào một suy tư nghiêm trang, vào một trong những sự im lặng tuyệt đối ấy, mà bà chị chồng già quan sát thấy kể từ hai tuần nay, tìm cách tự giải thích, mà không đặt câu hỏi nào cho bà nam tước; nhưng bà cũng nghiên cứu không kém những nguyên nhân gây ra mối bận tâm này theo cách thức các người mù đọc được như trong một quyển sách đen nơi các chữ thì trắng[42], và trong tâm hồn họ mọi thứ đều ngân vang như một vọng âm thần thánh. Bà già mù, mà giờ khắc đổ tối không còn tác động được nữa, vẫn tiếp tục đan, và sự im lặng trở nên sâu thẳm đến mức có thể nghe thấy tiếng động của mấy cây kim thép.
“Cô vừa làm rơi tờ báo đấy, em gái ạ, và thế nhưng cô lại không ngủ”, bà già nói, vẻ tinh quái.
Bóng tối đã buông, Mariotte đi vào thắp đèn, đặt nó lên một
cái bàn vuông trước lò sưởi; rồi cô đi tìm cọc sợi, cuộn chỉ, một cái ghế nhỏ,
và ra ngồi trước khung cửa sổ nhìn xuống sân, bắt đầu xe chỉ như mọi buổi tối.
Gasselin thì vẫn đi vòng vòng dưới khu nhà phụ, ông đi thăm mấy con ngựa của
ông nam tước và của Calyste, xem mọi thứ ở tàu ngựa có ổn không, rồi cho hai
con chó săn rất đẹp ăn bữa tối. Những tiếng sủa vui sướng của hai con chó là tiếng
ồn cuối cùng đánh thức các vọng âm giấu trong những bức tường đen kịt của ngôi
nhà cũ kỹ. Hai con chó ấy cùng hai con ngựa kia là tàn tích cuối cùng từ những
rực rỡ của chế độ hiệp sĩ. Một con người nhiều trí tưởng tượng ngồi nơi một bậc
tam cấp trước thềm, buông mình vào thứ thơ ca của các hình ảnh vẫn còn sống động
trong cái nhà này, có lẽ sẽ run lên khi nghe thấy tiếng chó sủa và những tiếng
giậm chân của mấy con ngựa đang cất tiếng hí.
Gasselin là một người Breton bé nhỏ thấp ngủn, người bè bè,
to ngang, tóc đen, khuôn mặt nâu sạm, im lìm, chậm, bướng bỉnh như con la,
nhưng luôn luôn tiến thẳng trên con đường đã được vạch từ trước. Ông bốn mươi
hai tuổi, sống trong nhà từ hăm lăm năm nay. Quý cô đã nhận Gasselin năm mười
lăm tuổi, khi biết tin đám cưới và cuộc trở về có thể của nam tước. Người hầu ấy
tự coi mình là thành viên của gia đình: ông từng chơi cùng Calyste, ông yêu lũ
ngựa và lũ chó của ngôi nhà, ông nói chuyện với chúng và vuốt ve chúng như thể
chúng là của ông. Tứ mùa ông mặc một cái áo vest màu xanh vải thô có nhiều cái
túi nhỏ đung đưa qua lại đoạn ngang hông, một áo gi-lê và một cái quần cùng loại
vải, đi tất xanh cùng đôi giày lớn đế sắt. Những lúc trời quá lạnh, hay có mưa,
ông khoác da dê lên người theo đúng tập tục trong vùng. Mariotte, cũng đã quá tứ
tuần, là phụ nữ như thế nào thì Gasselin là đàn ông như thế ấy. Chưa từng bao
giờ hệ thống xe phụ hợp đôi với nhau đến vậy: cùng màu da, cùng dáng vóc, thậm
chí cùng luôn cặp mắt đen lanh lợi. Người ta chẳng thể hiểu nổi tại sao
Mariotte và Gasselin không lấy nhau; có lẽ nếu thế thì sẽ xảy ra loạn luân, vì
họ giống nhau quá mức, như anh em ruột[43]. Mariotte nhận ba mươi
écu, còn Gasselin, một trăm livre[44]; nhưng một món nghìn écu ở nơi
khắc hẳn cũng không thể khiến họ rời ngôi nhà của du Guénic. Cả hai đều tuân
theo các mệnh lệnh của bà cô già, người, kể từ cuộc chiến tranh Vendée cho tới
kỳ ông em trai quay về, vẫn có thói quen cai quản nội trợ. Vậy nên, khi hay tin
ông nam tước sắp đưa về một bà chủ, bà đã hết sức xúc động, nghĩ mình sẽ phải bỏ
cây quyền trượng trong nhà và nhường ngai lại cho bà nam tước du Guénic, để trở
thành thần dân số một.
Cô Zéphirine từng sửng sốt đầy thích thú khi tìm thấy nơi
miss Fanny O’Brien một cô gái sinh ra cho một thứ hạng cao, người mà những chăm
lo tỉ mỉ cho một ngôi nhà nghèo nàn khiến vô cùng kinh tởm, và người, cũng như
mọi tâm hồn đẹp khác, hẳn thích bánh mì khô của người bán bánh mì hơn là bữa ăn
thịnh soạn nhất mà mình sẽ phải chuẩn bị; có khả năng hoàn thành các nghĩa vụ nặng
nhọc nhất của công việc mẫu tử, mạnh mẽ trước mọi thiếu thốn cần thiết, nhưng
chẳng hề có can đảm cho những mối bận tâm thông thuộc. Khi ông nam tước nhờ bà
chị, nhân danh người vợ nhút nhát của ông, quản lý nội trợ, bà gái già đã hôn
bà nam tước như một cô em gái; bà biến cô thành con gái bà, yêu quý cô, vô cùng
sung sướng vì có thể tiếp tục trông coi việc điều hành ngôi nhà, được chăm sóc
với một sự nghiêm ngặt và các tập tục tiết kiệm đến khó mà tin nổi, chỉ lơi tay
vào các dịp trọng đại, chẳng hạn như sinh nở, chuyện ăn uống của cô em dâu, và
mọi thứ gì liên quan đến Calyste, đứa bé được cả nhà cưng nựng. Dẫu hai người hầu
đã quen với chế độ nghiêm khắc này và chẳng cần phải nói gì với họ, họ dành cho
các lợi ích của chủ họ sự chăm nom còn lớn hơn so với chính họ, cô Zéphirine vẫn
luôn luôn trông coi tất tật. Sự chú tâm của bà dẫu chẳng bao giờ lơi là, bà vẫn
thuộc kiểu người biết được, mà chẳng cần trèo lên kiểm tra, độ lớn đống hồ đào
trên phòng áp mái, và còn bao nhiêu lúa mạch trong cái thùng dưới chuồng ngựa
mà khỏi phải thọc cánh tay xương xẩu vào. Bà có một cái còi đốc công buộc vào đầu
sợi dây treo ở thắt lưng cái áo cánh, nếu bà thổi một tiếng thì đó là để gọi
Mariotte, hai tiếng là để gọi Gasselin. Niềm hạnh phúc lớn lao của Gasselin là
vun xới khu vườn và khiến nó sản sinh những thứ quả đẹp rau ngon. Ông ít việc đến
nỗi nếu không có vụ trồng trọt này chắc hẳn ông sẽ rất buồn chán. Chải lông ngựa
xong, buổi sáng ông cọ sàn và lau dọn hai căn phòng tầng trệt; ông có quá ít việc
để phục vụ các ông bà chủ. Vậy nên ta
sẽ chẳng thể nào nhìn thấy trong vườn một nhành cỏ dại hay bất kỳ con côn trùng
có hại nào dẫu là nhỏ nhất. Thỉnh thoảng người ta bắt chợt Gasselin bất động, đầu
trần dưới ánh nắng, rình một con chuột nhắt hay ấu trùng khủng khiếp của con bọ
da; rồi ông chạy bổ trong niềm sung sướng trẻ thơ mang cho các ông bà chủ xem
con vật đã khiến ông để tâm suốt một tuần trời. Ông rất thích, những ngày thiếu
thốn, đi tìm mua cá tại Le Croisic, nơi ông chỉ phải trả ít tiền hơn so với ở
Guérande. Như vậy, chưa bao giờ có gia đình nào hòa hợp hơn thế, hiểu nhau hơn
thế và cố kết chặt chẽ hơn so với cái gia đình thánh thiện và cao quý này. Chủ
và tớ đều như thể được tạo ra cho nhau. Từ hăm lăm năm chưa từng có rối loạn lẫn
bất hòa. Những đau buồn duy nhất là vài chứng trái gió trở trời của đứa bé, và
những nỗi kinh hoàng duy nhất gây ra bởi các sự kiện hồi 1814 và các sự kiện hồi
1830. Nếu cùng mọi thứ được thực hiện vào cùng những giờ bất di bất dịch, nếu
các món ăn tuân theo tuần tự các mùa, sự đơn điệu này, giống sự đơn điệu của tự
nhiên, mà những tuần tự sáng tối, mưa và nắng biến đổi, được trì giữ nhờ tình
trìu mến ngự trị nơi mọi trái tim, và lại càng màu mỡ, càng tốt lành hơn bởi nó
thoát ra từ các luật của tự nhiên.
Khi hoàng hôn ngừng, Gasselin bước vào phòng và kính cẩn hỏi
ông chủ xem có cần gì mình không.
“Anh có thể ra ngoài hoặc đi ngủ sau khi cầu nguyện, ông nam
tước choàng tỉnh, đáp, trừ phi bà hay chị của bà…”
Hai người phụ nữ ra dấu đồng ý. Gasselin quỳ xuống khi nhìn
thấy các ông bà chủ đồng loạt đứng dậy để quỳ xuống ghế. Mariotte cũng bắt đầu
cầu nguyện trên cái ghế nhỏ. Cô du Guénic già nua lớn giọng đọc kinh. Khi bà
xong, người ta nghe thấy có tiếng gõ vào cánh cửa phía ngõ. Gasselin ra mở.
Quả nhiên, tất cả mọi người đều nhận ra cha xứ Guérande nhờ tiếng bước chân ông leo lên bậc tam cấp vang động ngoài thềm. Cha xứ kính cẩn chào ba người, nói với ông nam tước và hai người phụ nữ những câu đầy cái vẻ nhã nhặn nhờn dầu mà các linh mục biết cách nói. Trước lời chào lơ đãng của bà chủ nhà ông đáp bằng một ánh mắt dò xét đúng phong cách tăng lữ.
“Có phải bà đang lo lắng hay đang bị mệt không, thưa bà nam tước? ông hỏi.
- Cám ơn ông, không”, bà đáp.
Ông Grimont, trạc ngũ tuần, vóc dáng tầm thước, lọt thỏm
trong cái áo chùng, từ đó thò ra đôi giày to đính nhiều vòng bạc, bày ra phía
bên trên cái cổ bẻ một khuôn mặt tròn vo, với làn da thông thường thì trắng,
nhưng có ánh mạ vàng. Ông có bàn tay chuối mắn. Khuôn mặt đúng kiểu trưởng tu vừa
trông có nét giống thị trưởng Hà Lan[45] bởi vẻ điềm tĩnh của nước
da, bởi các tông màu da thịt, lại vừa hao hao người nông dân Breton, bởi mái
tóc đen ép sát, bởi vẻ hoạt bát trong cặp mắt nâu mà tuy nhiên nghi thức giáo
chức kiềm chế nhiều. Sự vui tươi của ông, tương tự sự vui tươi của những người
có ý thức yên bình và thuần khiết, chấp nhận được sự đùa cợt. Dáng dấp ông chẳng
hề vương chút lo lắng lẫn khó tính nào như dáng dấp các ông cha xứ khốn khổ mà
sự tồn tại hoặc quyền lực bị giáo dân chống cự, và là những người, thay vì,
theo cái câu trác tuyệt của Napoléon, là thủ lĩnh tinh thần của cư dân, và thẩm
phán tự nhiên, bị đối xử như kẻ thù. Nhìn ông Grimont đi lại trong Guérande, lữ
khách nhiều hoài nghi nhất chắc hẳn cũng nhận ra thống soái của cái thành phố đậm
màu Công giáo này; nhưng vị thống soái đó hạ sự vượt trội về mặt tinh thần của
mình xuống trước sự vượt trội về phương diện phong kiến của gia đình du Guénic.
Trong căn phòng này ông giống một linh mục phụ trách nhà nguyện ở nhà lãnh chúa
của mình. Tại nhà thờ, khi ban phước, bàn tay ông luôn luôn trước tiên chỉ về
phía nhà nguyện thuộc về gia đình du Guénic, trên đó bàn tay cầm kiếm, câu khẩu
hiệu của họ được chạm lên tảng đá đỉnh vòm.
“Tôi cứ tưởng cô de Pen-Hoël[46] đã đến rồi cơ đấy,
cha xứ nói, vừa ngồi xuống vừa cầm lấy tay bà nam tước để hôn lên đó. Bà ấy
đang loay hoay đấy. Có phải mốt tiêu xài hoang phí đang thắng thế không? Bởi
vì, tôi thấy rồi, tối nay ông hiệp sĩ lại ở chỗ Les Touches.
- Đừng nói gì về việc nó hay đến đó trước mặt cô de Pen-Hoël
đấy nhé, bà gái già dịu dàng kêu lên.
- A! thưa cô, Mariotte nói, bà có thể ngăn cả thành phố tán
nhảm được hay không?
- Thế người ta nói gì? bà nam tước hỏi.
- Đám thiếu nữ, lũ đàn bà ngồi lê đôi mách, nói tóm lại là tất
cả mọi người nghĩ cậu ấy yêu cô des Touches.
- Một chàng thanh niên cứng cáp như Calyste đang làm cái nghề
của nó, khiến người khác yêu nó thôi, ông nam tước nói.
- Cô Pen-Hoël đấy”, Mariotte nói.
Quả thật lớp cát ngoài sân kêu ken két dưới những bước chân
không mấy kín đáo của con người ấy, có một anh hầu bé nhỏ cầm đèn đi cùng. Nhìn
thấy anh người hầu, Mariotte bèn chuyển đồ của mình sang phòng lớn nhằm có thể
trò chuyện với anh ta trong ánh sáng ngọn nến nhựa thông mà cô thắp, gây tốn
kém cho quý cô giàu có và hà tiện, và bằng cách ấy tiết kiệm nến cho các ông bà
chủ.
Quý cô này là một phụ nữ khô khẳng và thanh mảnh, vàng khè
như thứ giấy da dê dùng cho olim[47],
nhăn nheo như một mặt hồ bị gió thổi lộng lay động, cặp mắt màu ghi, với những
cái răng to chìa ra, hai bàn tay như tay đàn ông, khá là thấp nhỏ, hơi khòng và
có lẽ bị gù; nhưng chưa từng có ai tò mò muốn biết kỹ cả những hoàn hảo lẫn những
gì không hoàn hảo nơi bà. Ăn vận theo đúng gu của cô du Guénic[48],
bà vận động một khối lượng khổng lồ những lần vải lót và váy những lúc muốn tìm
một trong hai lỗ hổng của cái rốp qua đó có thể thò đến chỗ mấy cái túi. Khi ấy
tiếng lanh canh lạ thường nhất của chìa khóa và đồng xu vang lên bên dưới đống
vải vóc đó. Lúc nào bà cũng có một bên là tất tật đồ bằng sắt của các bà nội trợ
cao tay, còn bên kia là cái hộp thuốc lá bằng bạc[49], cái đê, đồ
đan, các thứ vật dụng kêu vang lừng khác nữa. Thay vì cái mũ trùm chần bông giống
cô du Guénic, bà đội một cái mũ màu lục mà bà vẫn hay đội để đi thăm những quả
dưa của mình; giống dưa, nó đã chuyển từ màu lục qua màu vàng; và, về phần hình
dạng của nó, sau hai mươi năm, mốt đã đưa nó quay trở lại Paris dưới cái tên bibi. Cái mũ này được làm ra ngay trước
mắt bà bởi tay các cô cháu gái, bằng thứ vải Florence màu lục mua tại Guérande,
với một bộ khung mà cứ năm năm một lần bà đem đi sửa ở Nantes, bởi vì bà muốn
tuổi thọ của nó dài bằng một nhiệm kỳ lập pháp. Các cô cháu gái của bà cũng may
váy cho bà. Bà gái già này còn có cây can
tay cầm nhỏ xíu mà phụ nữ vẫn hay cầm vào đoạn khởi đầu kỳ trị vì của
Marie-Antoinette. Bà thuộc giới quý tộc cao cấp nhất của Bretagne. Gia huy nhà
bà mang hình chồn éc min của các công tước cổ xưa. Bà và em gái là những người
chấm dứt gia đình Pen-Hoël hiển hách Breton. Em gái bà đã lấy một Kergarouët[50],
người, mặc cho sự không tán thành trong vùng, nhập cái họ Pen-Hoël vào với họ của
mình và trở thành tử tước de Kergarouët-Pen-Hoël. “Trời đã trừng phạt hắn ta,
bà gái già hay nói, hắn đẻ được toàn con gái, thế nên cái họ
Kergarouët-Pen-Hoël sẽ lụi tắt.” Cô de Pen-Hoël sở hữu chừng bảy nghìn livre tiền
lợi tức dựa trên điền địa. Đủ tuổi thành niên kể từ ba mươi sáu năm nay, bà tự
tay trông coi tài sản, cưỡi ngựa đi giám sát chúng và trong mọi sự đều trưng
bày tính cách vững chãi vốn dĩ hay thấy ở phần lớn những người gù lưng. Bà có sự
hà tiện được ngưỡng mộ khắp mười dặm xung quanh, và chẳng hề vấp phải một sự bất
tán thành nào. Bà sống cùng một người phụ nữ duy nhất và anh người hầu bé nhỏ
kia. Toàn bộ chi tiêu của bà, chưa tính thuế, không vượt quá một nghìn franc mỗi
năm. Thế nên bà trở thành đối tượng cho những ve vãn của nhà Kergarouët-Pen-Hoël,
họ sống mùa đông ở Nantes còn mùa hè thì ở tại khu đất của họ bên bờ sông
Loire, phía dưới Indret. Người ta biết rằng bà sẵn sàng giao lại tài sản cùng
tiền tiết kiệm cho cô cháu gái nào mà bà yêu quý. Cứ ba tháng một lần, một
trong bốn cô nhà Kergarouët, trong đó nhỏ nhất mười hai tuổi và cô cả thì hai
mươi, đến ở nhà bà vài hôm. Là bạn của Zéphirine du Guénic, Jacqueline de
Pen-Hoël, được nuôi dạy trong sự kính ngưỡng đối với những điều kỳ vĩ Breton của
gia đình du Guénic, đã, ngay từ khi Calyste sinh ra, nuôi dự định truyền lại
tài sản của mình cho hiệp sĩ bằng cách cho anh lấy một trong các cô cháu gái của
bà, mà bà tử tước Kergarouët-Pen-Hoël sẽ phải giao nộp. Bà nghĩ đến chuyện mua
lại một số trong những khu đất tốt nhất của nhà du Guénic bằng cách trả tiền
cho các chủ trang trại engagiste[51].
Khi sự hà tiện đã đặt ra một mục đích, nó không còn là một tật xấu nữa, nó trở
thành phương tiện cho một đức hạnh, những thắt lưng buộc bụng kinh khiếp của nó
trở nên các món hiến tặng không ngừng, rốt cuộc nó có sự lớn lao của dự tính
che dưới bên dưới những sự nhỏ mọn của nó. Có lẽ Zéphirine được Jacqueline chia
sẻ bí mật. Có lẽ bà nam tước, mà toàn bộ tâm trí được huy động vào tình yêu
dành cho con trai và vào sự dịu dàng đối với người cha, đã đoán ra điều gì đó
khi thấy với một sự kiên trì ma mãnh nhường nào cô de Pen-Hoël ngày nào cũng dẫn
theo Charlotte de Kergarouët, cô cháu gái cưng của bà, mười lăm tuổi. Ông cha xứ
Grimont chắc chắn có được tâm sự, ông vốn hay giúp bà gái già đầu tư tiền cho
hiệu quả. Nhưng cô de Pen-Hoël dẫu có ba trăm nghìn franc bằng vàng, khoản tiền
tiết kiệm ước tính của bà; dẫu bà sở hữu gấp mười số đất đai hiện có, thì gia
đình du Guénic hẳn cũng sẽ không tự cho phép mình tỏ ra để tâm chút nào, để mà
bà gái già có thể nghĩ họ lăm le tài sản của bà. Bởi một tình cảm kiêu hãnh
Breton đáng ngưỡng mộ, Jacqueline de Pen-Hoël, sung sướng vì sự vượt trội hưởng
từ bà bạn già Zéphirine và vợ chồng du Guénic, luôn luôn tỏ ra hết sức vinh dự
về việc thăm viếng mà con gái các vị vua Ailen và Zéphirine chịu dành cho bà.
Bà đi đến chỗ che giấu thật cẩn thận dạng hy sinh mà tối nào bà cũng đồng ý cho
làm, khi để cho anh hầu bé nhỏ của mình đốt ở nhà du Guénic một oribus[52], tên gọi loại nến
có màu vỏ bánh mì thơm này, hay thấy ở một số vùng miền Tây. Như vậy bà gái già
giàu có này chính là hiện thân của sự cao quý, lòng kiêu hãnh, vẻ kỳ vĩ. Vào
lúc bạn đang đọc chân dung của bà, một sự thiếu kín đáo của trưởng tu Grimont
đã khiến người ta biết rằng cái buổi tối khi ông nam tước già, chàng hiệp sĩ trẻ
tuổi và Gasselin bỏ đi, mang theo kiếm và mấy khẩu súng để đến chỗ Madame tại
Vendée, trước nỗi hãi hùng to lớn của Fanny, trước niềm vui to lớn của dân
Breton, cô de Pen-Hoël đã đưa cho nam tước một khoản tiền mười nghìn livre bằng
vàng, món hy sinh khủng khiếp cộng thêm mười nghìn livre khác, sản phẩm của một
món tiền thuế do cha xứ tích cóp được, mà người du kích già nhận nhiệm vụ trao
tặng cho mẹ của Henri V, nhân danh gia đình Pen-Hoël và giáo xứ Guérande. Tuy
nhiên bà đối xử với Calyste ở tư cách người phụ nữ nghĩ mình có các quyền với
anh; các dự đồ của bà cho phép bà dò xét anh; chẳng phải bà mang trong mình các
tư tưởng chật chội về khoản phong nhã, vốn dĩ bà có sự khoan dung của các bà
già thời Ancien Régime; nhưng bà hãi hùng trước các phong hóa cách mạng.
Calyste, có lẽ hẳn sẽ gặt hái được rất nhiều trong tinh thần của bà nhờ các cuộc
phiêu lưu với các cô gái Breton, lại sẽ đánh mất không ít nếu anh lao mình vào
cái mà bà gọi là những thứ mới mẻ. Cô de Pen-Hoël, chắc hẳn sẽ sẵn lòng đào lên
ít tiền nhằm xoa dịu một cô gái bị quyến rũ, sẽ cho Calyste là một kẻ phá gia
chi tử nếu thấy anh đi một cỗ xe tilbury, nếu nghe anh nói sẽ lên Paris. Nếu bà
bắt chợt được anh đọc các tờ tạp chí hoặc báo nhớp nhúa, người ta không biết những
gì mà bà có khả năng sẽ làm. Đối với bà, các tư tưởng mới là những sự luân canh
đất bị đảo lộn, đống đổ nát dưới danh xưng cải tiến và phương pháp, nói ngắn gọn,
những thứ tài sản sớm muộn gì thì cũng sẽ bị thế chấp, do các thử nghiệm. Đối với
bà, sự thông thái và phương cách gây dựng tài sản đúng nghĩa, nói ngắn gọn là sự
quản lý đẹp đẽ nằm ở chuyện gom lại nơi tầng áp mái các thứ lúa mì đen, lúa mạch
đen, gai dầu của bà; ở chuyện chờ đợi giá tăng dẫu có nguy cơ bị coi là mụ đầu
cơ, ở chuyện bướng bỉnh nằm ngủ trên những bao tải của bà. Do một sự ngẫu nhiên
lạ thường, bà từng hay gặp được những phi vụ may mắn, chúng xác nhận cho các
nguyên tắc nơi bà. Bà được coi là ranh ma, tuy nhiên bà chẳng có chút trí tuệ
nào; nhưng bà có một sự ngăn nắp của người Hà Lan, một tính cẩn trọng của mèo
cái, một lòng kiên gan của vị linh mục, những thứ, tại một vùng đất chặt chẽ lề
thói đến vậy, ngang giá với suy tư sâu sắc nhất.
“Tối nay ông du Halga có đến không nhỉ, bà gái già hỏi, tháo
đôi tất hở ngón bằng len ra sau những câu chào hỏi chúc tụng thường lệ.
- Có, thưa cô, tôi đã thấy ông ấy dắt chó đi dạo chỗ hào nước,
ông cha xứ đáp.
- A! trò mouche[53] của chúng ta tối nay chắc sẽ
sôi động đây, bà đáp. Hôm qua chúng ta chỉ có bốn người.”
Nghe thấy cái từ “mouche” ấy, cha xứ đứng dậy đi tới lấy từ
ngăn một cái tủ một giỏ tròn nhỏ đan bằng cành liễu, những tấm thẻ bằng ngà đã
ngả vàng giống thuốc lá Thổ Nhĩ Kỳ do đã dùng từ hai mươi năm nay, và một bộ
bài cũng nhờn như bộ của các nhân viên hải quan Saint-Nazaire, họ thì cứ hai tuần
mới chịu thay một bộ mới. Ông trưởng tu quay trở lại, tự tay xếp lên bàn các thẻ
cần thiết cho mỗi tay chơi, để cái giỏ bên cạnh ngọn đèn đặt chính giữa bàn với
một vẻ sốt sắng trẻ thơ và các cung cách của một người vốn đã quá quen làm cái
việc nho nhỏ này. Có tiếng gõ cửa rất hùng dũng đúng kiểu nhà binh vang lên
trong những thẳm sâu im ắng của ngôi nhà cũ kỹ. Anh hầu nhỏ bé của cô Pen-Hoël
trang trọng đi ra mở cửa. Rất mau chóng, thân người khô xác và được ăn vận đầy
phương pháp tùy theo thời tiết của hiệp sĩ du Halga, cựu thuyền trưởng tàu chiến
của thủy sư đô đốc Kergarouët[54], lù lù một khối đen thui trong
bóng tối nhờ nhợ vẫn còn ngự trị ngoài thềm.
“Tới đây đi, hiệp sĩ! cô de Pen-Hoël kêu lên.
- Ban thờ đã dựng”, cha xứ nói.
Hiệp sĩ là một người sức khỏe kém, khoác lên mình đồ flanen
do chứng tê thấp, đội một cái mũ bonnê lụa đen để đỡ dính sương, một áo spencer
nhằm đảm bảo cho nửa người phía trên của ông tránh được những đợt gió đột ngột
đang khiến bầu không khí Guérande trở lạnh. Đi đâu ông cũng khư khư cầm theo một
cây gậy có nắm đấm bịt vàng để xua lũ chó cứ đổ xô tới tán tỉnh con chó cái yêu
quý của ông. Con người này, tỉ mỉ như một petite-maîtresse, loay hoay rất tợn
trước những trở ngại dẫu là nhỏ nhất, nói nhỏ để tiết kiệm chút giọng nói còn lại,
từng là một trong những người gan dạ nhất và thông thái nhất của thủy quân thời
xưa. Ông từng được hưởng sự coi trọng của pháp quan de Suffren, tình bạn của bá
tước de Portenduère[55]. Hạnh kiểm tốt đẹp của ông ở tư cách thuyền
trưởng tàu chiến của đô đốc Kergarouët được viết thành những ký tự hiển hiện
trên khuôn mặt chằng chịt vết thương của ông. Nhìn ông, hẳn không một ai có thể
nhận ra giọng nói chế ngự giông bão, con mắt lướt đi trên mặt biển, lòng can đảm
không thể khuất phục của người lính thủy Breton. Hiệp sĩ không hút thuốc, không
chửi thề; ông sở hữu sự dịu dàng, sự yên bình của một cô gái, và chăm lo cho
con chó cái Thisbé cùng những thất thường nho nhỏ của nó với sự yêu chiều của một
gái già[56]. Bằng cách đó ông cho thấy không thể rõ hơn sự phong nhã
đã quá cố của ông. Ông chẳng bao giờ nhắc đến các hành động đáng kinh ngạc từng
gây sửng sốt cho bá tước d’Estaing. Dẫu mang dáng dấp thương binh và đi như thể
ở mỗi bước đều sợ giẫm vỡ trứng, dẫu phàn nàn vì gió lạnh, vì mặt trời quá
nóng, vì sương mù ẩm ướt, ông bày ra những cái răng trắng gắn vào hai hàm lợi đỏ
hếu khiến người ta yên tâm về phần bệnh tình của ông, vả lại cũng hơi tốn kém,
bởi nó đồng nghĩa với việc phải ăn bốn bữa ở mức độ của nhà tu kín. Khung xương
của ông, cũng giống khung xương của ông nam tước, nhiều mấu và có sức mạnh
không thể phá hủy, được phủ lên một lớp da dính chặt vào xương giống da của một
con ngựa Ả rập hung dữ như thể óng ánh dưới mặt trời. Nước da ông vẫn giữ lại
được một màu nâu sạm, do các chuyến đi sang Ấn Độ của ông, về chúng ông chẳng hề
kể lấy một câu chuyện hay phát biểu một ý tưởng nào. Ông từng đi lưu vong, ông
đã mất gia sản, rồi tìm lại được huân chương Saint-Louis cùng món tiền hưu hai
nghìn franc, hết sức hợp thức nhờ công lao của ông, và được thanh toán bởi quỹ
Thương Binh của thủy quân. Chứng bệnh tưởng không nặng lắm khiến ông bịa ra cả
nghìn đau đớn tưởng tượng có thể dễ dàng giải thích bằng những đau khổ của ông
hồi lưu vong. Ông từng phục vụ trong thủy quân Nga cho đến ngày hoàng đế
Alexandre muốn sai ông đi chống lại nước Pháp; ông bèn xin từ chức, tới sống ở
Odessa, gần công tước de Richelieu, rồi cùng ông trở về, đó cũng chính là người
khiến người ta phải thanh toán món tiền hưu cho đống phế tích vinh quang này của
thủy quân Bretagne hồi xưa. Khi Louis XVIII chết, đúng vào quãng ông quay về
Guérande, hiệp sĩ du Halga trở thành thị trưởng thành phố. Cha xứ, hiệp sĩ, cô
de Pen-Hoël từ mười lăm năm nay đã có thói quen buổi tối đến dinh thự du
Guénic, nơi cũng hay lai vãng vài nhân vật quý tộc khác của thành phố cũng như
của cả vùng. Ai cũng dễ dàng đoán định nơi các du Guénic những thủ lĩnh của
faubourg Saint-Germain[57] của quận, nơi không lọt vào bất kỳ thành
viên nào của chính quyền do chính phủ mới cử đến. Tại Guérande chính trị vẫn luôn luôn là như vậy.
Trong lúc ông cha xứ chia bài, bà nam tước hỏi hiệp sĩ du Halga những câu giống hệt hôm trước về tình hình sức khỏe của ông. Ông hiệp sĩ nhất quyết nhận mình có những đau đớn mới. Nếu những câu hỏi cứ giống hệt nhau, thì vị thuyền trưởng tàu chiến sở hữu một lợi thế lạ thường trong các câu trả lời của ông. Hôm nay mấy cái xương sườn trẹo gây lo lắng cho ông. Điều rất đáng kể, ông hiệp sĩ cao quý này chẳng bao giờ kêu ca về những vết thương. Mọi thứ gì nghiêm túc, ông đều đợi sẵn, ông biết rõ; nhưng những thứ huyễn tưởng, các cơn đau đầu, lũ chó ăn dạ dày ông, những cái chuông kêu ong ong trong tai ông, rồi thì cả nghìn yêu tinh quỷ sứ khác nữa làm ông lo ngại khủng khiếp; ông tự cho mình là không thể chữa trị và ông lại càng đúng hơn vì đám bác sĩ chẳng hề biết phương thuốc nào nhằm điều trị các chứng bệnh không tồn tại.
“Hôm qua hình như ông rất lo cho cho hai cái chân thì phải, ông cha xứ nói, vẻ nghiêm trang.
- Chúng cứ nhảy, hiệp sĩ đáp.
- Chân có xương bị trẹo ấy hả? cô Zéphirine hỏi.
- Chúng cứ không chịu dừng lúc đi trên đường”, cô Pen-Hoël mỉm
cười nói.
Ông hiệp sĩ nghiêm trang cúi người, thực hiện một động tác phủ
nhận khá là buồn cười chắc hẳn đã khiến một người giàu óc quan sát nhận ra rằng,
hồi còn trẻ, viên thủy thủ từng trí tuệ, từng yêu và được yêu. Có lẽ cuộc sống hẻo
lánh của ông tại Guérande che giấu nhiều kỷ niệm. Những lúc ông ngây độn đứng sững
như trời trồng trên hai chân dưới mặt trời, nơi hào nước, nhìn ra biển hoặc các
cơn động đực của con chó cái, có lẽ ông đang sống lại trong thiên đường hạ giới
một quá khứ giàu có kỷ niệm.
“Ông công tước già de Lenoncourt[61] vừa chết rồi,
ông nam tước cất lời, ông vừa nhớ ra đoạn trên tờ La Quotidienne mà vợ ông đã đọc chậm lại. Thế là, nhà quyền quý số
một của ngự phòng đã sớm về với chủ của ông ấy. Tôi cũng sẽ sớm đi…
- Bạn ơi, bạn ơi! vợ ông nói, đập đập nhẹ lên bàn tay xương
xẩu chai sần của chồng.
- Cứ để cậu ấy nói, em gái, Zéphirine cất lời, chừng nào tôi
còn ở trên thì cậu ấy sẽ không ở dưới: cậu ấy là em trai tôi.”
Một nụ cười vui tươi lướt qua cặp môi bà gái già. Những lúc
nam tước buột miệng nói ra một suy nghĩ kiểu như thế, các tay chơi và những người
đến thăm xúc động nhìn nhau, lo âu trước nỗi buồn của ông vua Guérande. Các
nhân vật tới để gặp ông khi đi khỏi nói với nhau: “Ông du Guénic buồn quá. Anh
đã thấy ông ấy ngủ như thế nào chưa?” Và hôm sau khắp Guérande bàn tàn về sự kiện
ấy. “Nam tước du Guénic xuống lắm!” Câu này dùng để mở đầu các cuộc trò chuyện
của mọi nhà.
“Thisbé khỏe chứ, cô de Pen-Hoël hỏi ông hiệp sĩ khi bài đã
chia xong.
- Cái con bé con khốn khổ đó cũng giống như tôi, hiệp sĩ
đáp, nó đau thần kinh, lúc chạy nó cứ giơ một chân lên. Như thế này này!”
Khi bắt chước con chó của ông, cong một cánh tay lại rồi giơ
nó lên cao, ông hiệp sĩ để cho bà già gù lưng ngồi cạnh nhìn thấy bài, bà muốn
biết ông có Mistigris[62] hay không. Đây là sự tinh quái
đầu tiên mà ông đã mắc lỡm.
Niềm thích thú vì có quân Mistigris là rất lớn ở cha xứ, cũng như ở các tay chơi khác, thành thử ông linh mục khốn khổ không biết cách che giấu nó đi. Trên mọi khuôn mặt người bao giờ cũng có một chỗ, nơi các chuyển động bí mật của trái tim lộ ra, và những con người vốn dĩ đã quá quen quan sát lẫn nhau sau vài năm rốt cuộc đã khám phá được địa điểm yếu ớt nơi cha xứ: những lúc bài của ông có Mistigris, đầu mũi của ông liền trắng bệch.
“Hôm nay nhà bà có khách à? hiệp sĩ hỏi cô de Pen-Hoël.
- Vâng, một người họ hàng xa. Ông ấy đã làm tôi kinh ngạc khi báo tin đám cưới của nữ bá tước de Kergarouët, một cô nương de Fontaine[63]…
- Một cô con gái của Grand-Jacques,
hiệp sĩ kêu lên, hồi ở Paris ông đã không bao giờ rời khỏi đô đốc của ông.
- Nữ bá tước là người thừa kế của ông ấy, cô ấy đã lấy một cựu
đại sứ. Ông ta đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện rất lạ lùng về cô hàng xóm của
chúng ta, cô des Touches, nhưng mà lạ lùng lắm ấy, tôi chẳng tin nổi đâu. Chắc
Calyste không sang nhà cô ta quá nhiều chứ, cậu ấy có đủ lương tri nên chẳng thể
không nhận ra những điều gớm ghiếc như thế.
- Những điều gớm ghiếc?…” ông nam tước hỏi, ông vừa choàng tỉnh
khi nghe thấy từ này.
Bà nam tước và cha xứ liếc nhìn nhau vẻ thông đồng. Bài đã
được chia, bà gái già có Mistigris, bà không muốn nói tiếp câu chuyện ấy nữa,
sung sướng vì che giấu được niềm vui riêng nhờ sự sửng sốt của mọi người trước
cái từ bà vừa dùng.
“Đến lượt ông đi rồi đấy, ông nam tước, bà nói, giọng nghẹn
lại.
- Cháu tôi không thuộc loại người thích thú những điều gớm
ghiếc, Zéphirine vừa nói vừa suy nghĩ thật lung.
- Mistigris”, cô de Pen-Hoël kêu lên, chẳng buồn đáp lời bà
bạn.
Ông cha xứ, dường như biết rõ toàn bộ áp phe giữa Calyste và
cô des Touches, không góp lời.
“Thế cô ta làm gì kỳ lạ, cái cô des Touches đó? ông nam tước
hỏi.
- Cô ta hút thuốc, cô de Pen-Hoël đáp.
- Vậy là lành mạnh mà, ông hiệp sĩ nói.
- Đất đai của cô ta?… nam tước hỏi.
- Đất của cô ta, bà gái già đáp, cô ta ăn hết.
- Tôi có K, Q, J chủ, Mistigris và một quân K, bà nam tước nói. Chúng ta được cái
giỏ rồi, chị ơi.”
Cú đòn này quật ngã cô de
Pen-Hoël, bà thôi để tâm đến Calyste cùng cô des Touches. Lúc chín giờ, trong
phòng chỉ còn lại bà nam tước và ông cha xứ. Bốn người già đã đi ngủ. Theo thói
quen, hiệp sĩ đưa cô de Pen-Hoël về nhà bà, nó nằm trên quảng trường của
Guérande, vừa đi vừa suy nghĩ về độ tinh quái của ván cuối, về sự nhiều hay ít
may mắn của họ, hoặc về khoái thú luôn luôn tươi mới ở cô Zéphirine những lúc
bà được nhét số tiền thắng bạc vào túi, vì bà già mù không còn trấn áp trên mặt
biểu hiện các tình cảm nữa. Mối bận tâm của bà du Guénic trở thành đề tài trò
chuyện. Hiệp sĩ đã nhận ra những đợt lãng trí của người phụ nữ Ailen quyến rũ.
Trên ngưỡng cửa nhà bà, khi anh hầu bé nhỏ đã đi lên, bà gái già lấy giọng tâm
tình đáp, trước các giả định của hiệp sĩ du Halga về dáng vẻ kỳ lạ của bà nam
tước, bằng cái câu chất chứa lợi ích sau đây: “Tôi biết nguyên do đấy. Calyste
sẽ hỏng nếu chúng ta không mau chóng cưới vợ cho cậu ấy. Cậu ấy yêu cô des
Touches, một nữ diễn viên.
- Nếu mà như vậy thì cần phải gọi Charlotte tới đây.
- Ngày mai em gái tôi sẽ nhận được thư tôi”, cô de Pen-Hoël
vừa trả lời vừa chào hiệp sĩ.
Hãy căn cứ vào cái buổi tối bình thường vừa xong mà đánh giá
sự ầm ĩ ắt phải có bên trong Guérande những lúc có sự đến, sự lưu trú, sự đi khỏi
hoặc chỉ sự ghé qua của một người lạ.
Khi không còn tiếng động nào vang lên nữa cả trong phòng ngủ
của ông nam tước lẫn phòng ngủ của bà chị, bà du Guénic nhìn ông cha xứ đang tư
lự nghịch mấy cái thẻ.
“Tôi đoán được là rốt cuộc ông cũng đã chia sẻ cùng tôi những
nỗi lo lắng về phía Calyste, bà nói với ông.
- Bà đã thấy dáng vẻ bực bội của cô de Pen-Hoël tối nay rồi
chứ? cha xứ hỏi.
- Vâng, bà nam tước đáp.
- Bà ấy có, tôi biết rõ, cha xứ lại nói, những ý định tốt đẹp
nhất đối với Calyste của chúng ta, bà ấy cưng chiều cậu ấy như thể cậu ấy là
con ruột; và hành xử của cậu ấy tại Vendée bên cạnh cha cậu ấy, rồi thì những lời
ngợi ca mà MADAME dành cho sự tận tụy của cậu ấy lại càng làm tăng thêm sự quý
mến ở cô de Pen-Hoël. Bà ấy sẽ tặng toàn bộ
tài sản cho cô cháu gái nào sẽ trở thành vợ của Calyste. Tôi biết rằng bên
Ailen bà có một đám giàu hơn nhiều cho Calyste yêu quý của bà; nhưng tốt hơn hết
là có nhiều lựa chọn khác nhau. Phòng trường hợp gia đình bà sẽ không lo được
cho Calyste lập thân, tài sản của cô de Pen-Hoël không thể coi thường. Lúc nào
bà cũng sẽ tìm được cho đứa trẻ yêu quý đó một mối trị giá bảy nghìn livre tiền
lợi tức; nhưng bà sẽ không tìm được những món tiền tiết kiệm thu thập trong
vòng bốn mươi năm trời cũng như các khu đất được quản lý, xây dựng, sửa chữa giống
như những khu đất của cô de Pen-Hoël. Cái người đàn bà nhơ nhớp kia, cô des
Touches, đã tới đây phá hỏng bao nhiêu điều! Rốt cuộc thì cũng có tin tức về cô
ta rồi.
- Sao? người mẹ hỏi.
- Ồ, đó là một người đàn bà bẩn thỉu, một người đàn bà phóng
đãng, cha xứ kêu lên, một người phụ nữ có phong hóa khó hiểu lắm, hay đi xem
hát, giao du với đám nam nữ diễn viên, ăn mất tài sản với tụi nhà báo, họa sĩ,
nhạc sĩ, nói tóm lại là toàn hạng người quỷ ám! Cô ta, để viết những cuốn sách,
dùng một cái tên giả, người ta nói Cô Ta nổi tiếng với nó hơn với cái tên
Félicité des Touches nhiều. Một con hề đúng nghĩa, kẻ, kể từ lễ ban thánh thể đầu
tiên, đã chỉ bước chân vào nhà thờ để xem tượng hoặc tranh. Cô ta đã tiêu cả
gia tài để trang trí Les Touches theo cách thức nhố nhăng nhất nhằm biến nó trở
thành một thiên đường của Mahomet nơi đám thiên thần sắc dục không phải phụ nữ.
Trong kỳ lưu trú của cô ta ở đây, bên đó bọn họ uống nhiều vang hảo hạng hơn so
với toàn bộ Guérande cộng lại trong vòng một năm. Năm ngoái các cô Bougniol đã
cho đám đàn ông để râu dê thuê phòng, dám đó là bọn Xanh[64] lắm, bọn
họ tới nhà cô ta và hát những bài nhơ nhớp khiến những cô gái đức hạnh kia phải
đỏ mặt xấu hổ và bật khóc. Đó là người đàn bà mà lúc này cậu hiệp sĩ đang yêu.
Nếu tối nay mà cái sinh vật ấy muốn có một trong những quyển sách nhớp nhúa
trong đó lũ vô thần hiện nay nhạo báng mọi thứ, tức thì hiệp sĩ sẽ chạy ngay đi
tự tay thắng cương ngựa rồi phi nước đại đến Nantes để mang nó về cho cô ta.
Tôi chẳng biết có bao giờ Calyste làm điều tương tự cho Nhà Thờ hay không. Nói
tóm lại người đàn bà Breton đó không phải một người bảo hoàng. Chừng nào phải
đi chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp, nếu cô des Touches hay xừ Camille Maupin[65],
đó là tên của cô ta, giờ thì tôi nhớ rồi, muốn giữ rịt lấy Calyste bên mình, chắc
hẳn hiệp sĩ sẽ để mặc cho người cha già đi một mình.
- Không, bà nam tước nói.
-----------
[25] Phong trào vũ trang của quý
tộc chống cộng hòa thời Cách mạng Pháp; cuốn tiểu thuyết lớn của Balzac về sự
kiện này là Les Chouans,
“chouannerie” và “vendée” hơi lệch nhau một chút xét về địa dư.
[26] Vùng Bretagne, người
Breton.
[27] Nantes là thành phố lớn
vùng Bretagne.
[28] Đầu kỳ Trung Hưng lần một.
[29] A bê xê: google.
[30] Lý thuyết “y học” này tương
đối hay thấy trong các tiểu thuyết của Balzac.
[31] Thời phong trào Vendée (chống
Cách mạng), những người cộng hòa (đối thủ của các nhà quý tộc) được gọi là “les
Bleus”.
[32] Nhân vật đã được chú thích
kỹ trong Một vụ việc ám muội (hình
như thế).
[33] Cuộc cách mạng 1830
(Louis-Philippe lên ngôi, Charles X bỏ chạy) gây phản ứng đặc biệt từ một nhân
vật phụ nữ hay được gọi là “Madame”; Marie-Caroline de Bourbon-Sicile, tức nữ
công tước de Berry là mẹ của “Henri V”, “Henri V” là cháu gọi Charles X là ông
và được Charles X chỉ định lên nối ngôi mình; khi Louis-Philippe lên, Charles X
bỏ chạy, mang theo “Henri V”: Charles X là em trai của Louis XVI trong khi
Louis-Philippe trước đó lại bỏ phiếu nhất trí chặt đầu Louis XVI, như vậy là có
nợ máu với nhau; tình hình như vậy (nhà d’Orléans nói chung không được lòng quý
tộc), Madame quyết định về Pháp phát động chiến đấu; tới Marseille (cuối tháng
Tư năm 1832), quân lính hẹn trước không tới, Madame đi Vendée, nhưng đây chỉ là
một nhúm quân gần như không có vũ khí và nhanh chóng tan rã; nam tước du Guénic
như vậy tham gia cả Vendée lần một (1793) và Vendée lần hai (1832), tức là bốn
mươi năm sau.
[34] Cf. Voltaire.
[35] Đây là tước mà Napoléon tạo
ra cho Henri Jacques Guillaume Clarke (một người gốc Ailen), trước làm bộ trưởng
Chiến tranh (1807-1814) rồi quay qua liên kết với Louis XVIII, từng hộ giá nhà
vua sang Gand giai đoạn Bách Nhật, ở kỳ Trung Hưng thứ hai quay trở lại làm bộ
trưởng Chiến tranh, chết năm 1818.
[36] Chi tiết không chính xác của
Balzac: tướng Travot không hề tham gia vụ này, thêm nữa chính những người
Chouan thực hiện bao vây và tấn công chứ không phải bị tấn công.
[37] Ý nói ủng hộ ngành trưởng
(nhà Bourbon) chứ không ủng hộ ngành thứ (Louis-Philippe, nhà Orléans) đã cướp
ngôi vua.
[38] Như vậy, ông nam tước tham
gia biến loạn 1832 (dưới sự lãnh đạo của Madame) cùng con trai.
[39] Vụ việc liên quan tới tòa
lâu đài cổ Pénissière (ngày 6 tháng Sáu năm 1832): những người Vendée chống trả
kiên cường, quân đối thủ đã quyết định đốt lâu đài; rất ít người sống sót;
Balzac từng nuôi ý định viết một cuốn tiểu thuyết nhan đề La Pénissière.
[40] Như vậy, sự già yếu của ông
nam tước tương hợp với sự suy sụp vĩnh viễn của nhà Bourbon.
[41] Độc giả ham mê Balzac sẽ nhận ra cùng nét này ở
miêu tả bà de Mortsauf của Bông huệ trong
thung.
[42] Một nhận xét rất đáng kinh
ngạc.
[43] Balzac đẩy xa thêm sự tương
ứng: chị em nam tước giống nhau, người hầu của họ cũng rất giống nhau.
[44] Tức là không chỉ giống nhau, tài sản của hai
người hầu cũng tương đương nhau nốt.
[45] Balzac thích các bức tranh
vẽ những ông “thị trưởng” (trưởng trấn thì chính xác hơn) Hà Lan và hay so sánh
nhân vật của mình với họ, kể cả có lúc là Jesus Christ.
[46] Cái tên lạ lùng này xuất hiện
không ít lần trong các tác phẩm của Balzac (trong Pierrette chẳng hạn): có một ông vua Breton rất nổi tiếng tên là Hoël,
từ đó mà có trấn Pen-Hoël; trong Béatrix,
Balzac tạo ra nhân vật Pen-Hoël, gia đình mang cái họ này sẽ được miêu tả kỹ.
[47] Tức là sổ của nghị viện Paris
thời Trung cổ.
[48] Hai bà cô già này rất đối xứng
với nhau.
[49] Cái hộp thuốc lá
(tabatière) lừng danh xuyên suốt rất nhiều câu chuyện của Vở kịch con người lại xuất hiện ở đây (có chỗ nó còn gần như trở
thành một nhân vật chính trong câu chuyện, đó là trường hợp của Mặt bên kia của lịch sử hiện thời).
[50] Một thủy sư đô đốc mang cái
họ này cũng xuất hiện trong Le Bal de
Sceaux.
[51] Cf. chú thích số 12.
[52] Trong Les Chouans, Balzac miêu tả rất kỹ loại nến này.
[53] Thêm một “trò chơi xã hội”
mà Balzac rất thích đưa vào các tác phẩm của mình.
[54] Nhân vật này từng xuất hiện
trong La Bourse, câu chuyện về một họa
sĩ và một cái túi đựng tiền.
[55] Họ của gia đình mà một số
thành viên xuất hiện trong Ursule Mirouët.
[56] Tới đây, chắc nhiều người
đã nhận ra rằng “gái già” chính là một trong những chủ đề của Béatrix; đã viết hẳn một tác phẩm tên
đúng là Gái già, Balzac vẫn không chịu
buông tha cho hình tượng này: gái già, đối với Balzac, trước hết đi đôi với sự
hà tiện (nhưng nếu đó là một ông già giống gái già thì chuyện ngược lại).
[57] Balzac nhiều lần áp dụng danh xưng “faubourg
Saint-Germain” khi miêu tả cuộc sống các thành phố ở tỉnh.
[58] Chỗ này chỉ cần hiểu đại ý
thật ra các nhân vật chơi trò “mouche” với những khoản tiền rất nhỏ, thậm chí
nhỏ đến mức khôi hài.
[59] Vì các thanh niên đánh lớn
chứ không cò con như hội ông bà già.
[60] Trò chơi tên là “mouche”,
nhưng “mouche” lại có nghĩa là con ruồi, thế cho nên Balzac chơi chữ, trò chơi
chữ được chuyển thô thiển như trên.
[61] Đây là ông bố của bà de
Mortsauf, nhân vật chính của Bông huệ
trong thung; Balzac rất hay để nhân vật của truyện này nói đến cái chết của
nhân vật truyện khác: chẳng hạn trong Étude
de femme, Rastignac bỗng nói đến chuyện bà de Mortsauf vừa chết.
[62] Riêng chi tiết này của trò “mouche” thì cần phải
nhớ: đây là quân J nhép, có vai trò tương tự với quân “phăng-teo” mà ta quen
thuộc.
[63] Đây là khi Émilie de
Fontaine lấy chồng lần hai; người chồng thứ hai của bà de Kergarouët nhũ danh
de Fontaine chính là Charles de Vandenesse, anh trai của Félix de Vandenesse
(nhân vật chính của Bông huệ trong thung
và xuất hiện ở nhiều tác phẩm khác); vợ chồng Charles de Vandenesse xuất hiện
trong Một người con gái của Eva.
[64] Cf. chú thích số 31.
[65] Lần đầu tiên xuất hiện
trong Béatrix bút danh Camille
Maupin; Félicité des Touches ký tên này khi viết sách; như đã nói, George Sand
truyền nhiều cảm hứng cho Balzac để tạo ra nhân vật nhà văn nữ rất đặc biệt này
(Aurore Dupin lấy bút danh George Sand rất nhiều chất đàn ông, rất giống một
nhà văn nữ bên Anh, Mary Anne Evans lấy bút danh George Eliot); “Camille” là một
cái tên dùng được cho cả nam lẫn nữ.
[66] Đây là một trong những chi tiết khiến người
đương thời dễ dàng nhận ra George Sand đằng sau nhân vật Camille Maupin.
(còn nữa)
XVII. Sao cho trong ấm
Honorer Honoré
Mặc Đỗ: một César (về César Birotteau)
Adolphe
XVI. Nữ công tước de Langeais (phần 1)
(phần 2)
XV. Béatrix
Balzac trong thế kỷ mười chín
XIV. Gái già
Cách một (hay là "Balzac trong thế kỷ 19", phần mở đầu)
XIII. Vĩnh biệt (đầy đủ)
XII. Một người con gái của Eva
XI. Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ
X. Ursule Mirouët (phần 1)
(phần 2)
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac
tiếp tục
ReplyDeletehiếm khi được thấy nhiều tình yêu trong mô tả đến như bức chân dung chuyển động về ông Nam tước "ông vua Guérande". và chắc là toàn bộ khái niệm về quý tộc trú ngụ trong cái trường đoạn đó. tất nhiên, phải kèm theo đoạn vẽ bà thiên thần công chúa Ai len nữa. nhưng có vẻ mấy nhà quý tộc và hiệp sĩ đó đóng vai các "công tua" trong bức chân dung ông Nam tước. sáng tỏ một cách mẫu mực. đầy tràn tính tôn giáo như thể đấy là một thiên tính. và định nghĩa một cách thẩm quyền về sự cao quý. dường như sự cao quý đó là cứu cánh của toàn bộ phong hóa cho mọi thời. cái bài thơ Trung Cổ này í !
ReplyDelete(nhân vật chính vẫn chưa xuất hiện :p)
ReplyDelete