Jun 29, 2010

ganz andere

Tiếp tục đi theo các suy tư của Mircea Eliade trong Thiêng và phàm (đổi sang thế này tốt hơn Cái thiêng và cái phàm đấy nhỉ):

Với Eliade, khía cạnh thần thánh là ganz andere (hoàn toàn khác) so với khía cạnh người và khía cạnh vũ trụ. Con người tôn giáo (homo religiosus) mang trong người cảm thức này nên trong suy nghĩ của anh ta, đối diện với thần thánh, anh ta tự cho rằng mình không là gì hết, "chỉ là một sinh vật", "chỉ là tro bụi" như trong Sáng thế nói.

Người ta sùng bái một hòn đá hay một cái cây không phải vì đó là một hòn đá hay một cái cây, mà vì chúng biểu hiện cho cái thiêng, chúng cho thấy một cái gì không phải là hòn đá hay cái cây nữa, mà là cái ganz andere. Nhìn bề ngoài, không có gì phân biệt một hòn đá thiêng, một cái cây thiêng với một hòn đá, một cái cây bình thường.

Jun 27, 2010

Trình độ thông tin

Tôi đọc thấy lời bình luận của Diễn Đàn về bài viết của tôi (liên quan tới Phan Khôi) từ mấy hôm rồi, thấy buồn cười nhưng cũng không hiểu các tonton bên Diễn Đàn muốn nói gì. Câu này như sau:

"Sau bao nhiêu năm vùi dập, nay người ta đua nhau bốc thơm Phan Khôi. Bao giờ nhà báo Phan Khôi được đánh giá khách quan và công bằng ?"

Tôi muốn hỏi ngay các tonton của Diễn Đàn, tonton Giao hay tonton Tường thì cũng vậy thôi, là các bác muốn nói gì đấy mà khó hiểu thế? Và cũng muốn hỏi thêm, bao giờ các tonton mới thôi chơi trò úp mở, làm ra vẻ biết hơn người khác về mọi chuyện nhưng chưa bao giờ chứng minh được là đúng như vậy? Và nữa, bao giờ thì các tonton, cũng như ông Trần Hữu Dũng, tức là cả một dây trí thức cánh tả, mới hiểu rằng mình đang hằng ngày thể hiện cái sự cánh tả quá rõ nhưng vế đầu, "trí thức", thì ngày một phai nhạt? Đóng góp thì chẳng có cái gì, thà cứ như Bùi Văn Nam Sơn từ bỏ tất cả đi sâu vào chuyên môn thì còn đáng kính trọng. Đằng này thì cứ diễn mãi vở tonton flingueur với cả tonton flic, giống hệt như là các quan tòa không có chút hiểu biết nào về luật pháp nhưng vẫn hùng dũng ngồi ngự ở tòa án.

Các chuyên gia về một trăm nghìn lĩnh vực trí thức đến mức ngày ngày xuýt xoa "Đoan Trang xin lỗi người hâm mộ về trang phục "hớ hênh"" rồi thì "Tố người mẫu bán dâm, nên hay không?" với vô vàn lời lẽ thòng theo nhiều khi đạt đến một mức độ bỉ ổi đáng kể, khi xuất hiện thì sẽ là trong trang phục tuyệt mỹ quần âu đi kèm giày thể thao trắng lốp. Chả ra ruốc ra bông cái gì cả.

Trong lần tham gia tranh cãi một vụ ở Tiền Vệ, tôi để ý sau đó xem cách đưa lại thông tin của các mạng lưới lề trái ra sao, thì nhận thấy rất rõ là họ sẵn sàng đưa tin rầm rộ về tất cả những gì có thể xâm phạm, chửi rủa, mạt sát, nhưng những gì mang tính phân tích tiếp theo đó thì họ thường xuyên không quan tâm đến, và bỏ lửng luôn.

Lề phải hay lề trái thì cũng vậy thôi, đúng như lời mà người ta hay dùng để mỉa mai tôn giáo: chỉ nhìn thấy những gì muốn nhìn thấy.

Jun 26, 2010

Sách (XIII) Đông Âu

Hai quyển mới in nhé: Tuần đêm của Sergey Lukianenko, ở bìa ghi "tiểu thuyết kỳ ảo", Thụy Anh dịch từ tiếng Nga, NXB Trẻ, 627 tr., 100.000 đ.

À há thì ra chị Thụy Anh nhá :d

Đọc đoạn đầu thấy hấp dẫn, trôi chảy, sách của NXB Trẻ luôn luôn cẩn thận, gọn gàng (hơn nơi khác). Nhưng vẫn có lỗi, như là đánh dấu chú thích xong rồi chả thấy footnote ở cuối trang đâu, cùng một trang ở trên viết "quện" ở dưới đã viết ngay thành "quyện" etc. Lật trang signet xem tên biên tập viên, à há lại gặp cố nhân, sao đời tôi hay gặp cố nhân thế này hở trời.

Quyển thứ hai lại là dòng Ba Lan, và tất nhiên lại là NXB Phụ nữ, một "tất nhiên" nữa là dịch giả lại là Thanh Thư: Tiếng đập cánh, Katarzyna Grochola. NXB Phụ nữ in nhiều sách của tác giả nữ lắm í :) Quyển này thì mỏng dính, chưa biết là nói cái gì, có thể là về chim chóc chăng.

Văn học Đông Âu, nhân vật mà tôi muốn thấy xuất hiện nhất ở Việt Nam là Gombrowicz, nhưng chẳng biết bao giờ mới được thấy, không biết có được nhìn thấy khi còn đang sống không nữa hic.

Tâm trạng u ám lắm í, sau một cú ngã xe kinh điển (kiểu như là chiều mưa đỉnh cao). Cũng an ủi là nhờ vậy mà đã quơ được một lời hứa tặng... sách (yes, lại sách hehe) từ một nhà báo lớn.

Jun 23, 2010

Lời giải thích của Naipaul

Tại sao Ấn Độ... và Việt Nam không có tác phẩm văn chương lớn, hay nói đúng hơn là chẳng có cái văn chương gì cả?

Ông Nguyễn Khoa Thái Anh [một trong những người hay spam hòm thư nhiều người; đến một lúc tôi phải đặt filter để thư một số đồng chí rơi thẳng vào bên spam chứ ngày nào cũng phải nghe ra rả bình luận chính trị thì có chết không cơ chứ, nhiều bác đã bình luận chính trị rất dài rồi cứ mấy phút lại gửi thêm cái mail sửa cái từ này cái dấu phẩy kia, lại còn đòi hủy cái mail đã gửi, chết mất :d] nói đại ý Việt Nam chẳng có đại tác phẩm nào sánh được với nỗi trầm kha thống khổ đã qua etc. Làm sao sánh, mà sánh thế nào? Thế người da đỏ với các tộc người da đen bị tuyệt diệt trước khi có chữ viết thì còn ai oán đến đâu nữa?

Naipaul giải thích (tất nhiên không phải là cho ông Nguyễn Khoa Thái Anh nghe :d) trong Literary Occasions (quyển sách yêu quý :p):

"Tiểu thuyết của mẫu quốc, hấp dẫn đến vậy, trông có vẻ dễ bắt chước đến vậy, gắn chặt với các giả định của mẫu quốc về xã hội: tính chất khả thể của việc học hành nhiều hơn, một ý tưởng về lịch sử, một mối quan tâm đến việc tự hiểu bản thân mình. Khi các giả định này là sai, khi việc học hành nhiều hơn không thực hiện được hoặc không hoàn hảo, tôi không chắc rằng tiểu thuyết có thể mang lại cái gì ngoài những bề ngoài các sự vật. Người Nhật nhập khẩu hình thức tiểu thuyết và cộng nó vào các truyền thống văn chương và lịch sử phong phú của họ; không có gì lệch lạc cả. Nhưng những nơi, như ở Ấn Độ, quá khứ đã bị xé rách, lịch sử không được biết tới hoặc không thể biết được hoặc bị chối từ, tôi không biết liệu hình thức tiểu thuyết đi vay mượn có thể chuyển tải cái gì ngoài một sự thật nửa vời, một cửa sổ lờ mờ ánh sáng mở vào bóng tối bao trùm."

Jun 22, 2010

Oscar Wao và văn chương phì nộn

Những đổi thay vô vàn của thế giới khúc xạ vào văn chương của ngày hôm nay như thế nào? Mấy quyển tiểu thuyết xuất chúng nhất của một thế hệ nhà văn mới dường như đang tìm cách tiết lộ cái điều quan yếu này, dù là theo một cách thức vô cùng khó nắm bắt. “Cuộc đời ngắn ngủi và lạ kỳ của Oscar Wao” (Junot Diáz, Nguyễn Thị Hải Hà dịch, Youbooks & NXB Văn hóa Sài Gòn) mang một cái nhan đề có tính cách hiện tượng: dòng văn chương này “ngắn ngủi” và “lạ kỳ”.

Xếp cùng “Oscar Wao”, cuốn tiểu thuyết về các nhân vật Cộng hòa Dominic sống tại Mỹ, có thể kể vài ba tác phẩm cùng được viết ra bởi các nhà văn tương đối cùng thế hệ với Diáz, và tất cả đều thành công vang dội: “Cọp trắng” của Aravind Adiga, “Cộng hòa phi lý” của Gary Shteyngart và tiểu thuyết còn chưa được dịch ra tiếng Việt có tên “Everything Is Illuminated” của Jonathan Safran Foer. “Cọp trắng” từng nhận giải thưởng Booker danh giá, “Oscar Wao” thì gánh trên vai giải Pulitzer không hề thua kém về uy tín, còn “Cộng hòa phi lý” lẫn “Everything Is Illuminated” đều là những sản phẩm giành được cả thắng lợi về phê bình lẫn thắng lợi về doanh thu.

Jun 21, 2010

(5) Tìm lại Phan Khôi

Phan Khôi chỉ là một ông tú trong vô vàn ông tú của lịch sử khoa cử Việt Nam. Ông tú Phan Khôi làm rất nhiều việc, kinh qua mọi thể tài của văn chương Việt Nam thời kỳ đầu: ông làm thơ, viết văn xuôi, sưu tầm thơ, bình luận thơ, dịch thuật, viết bài giảng dạy “Hán văn độc tu”, sau này còn viết nghiên cứu ngôn ngữ (Việt ngữ nghiên cứu), nhưng trước sau ông vẫn là một nhà báo, một trong những nhà báo vĩ đại nhất của giai đoạn chừng 50 năm của báo chí Việt Nam, bắt đầu từ Nam phong (có thể là cả Đăng cổ tùng báo) cho tới Giai phẩm. Phan Khôi là một “người của các tạp chí” điển hình, một “nhà báo toàn tòng”.

Mấy đặc điểm trong sự nghiệp báo chí Phan Khôi: ông cộng tác với những tờ báo quan trọng nhất của mỗi thời kỳ, ông luôn luôn có một địa vị phải nói là “ngôi sao” trong làng báo Việt Nam, ông đặc biệt hay cãi, có mặt ở trong mọi cuộc tranh luận lớn nhất của báo chí (ngay cả khi không lên tiếng thì ông vẫn cứ là trung tâm của cuộc tranh cãi, như lần Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đòi “chém” Phan Khôi vì coi ông là một cái “tai nạn”, hồi đầu những năm 1930); ở khía cạnh này thái độ của ông nhiều khi đi đến mức cực đoan, thách thức: “Cái đời tôi, chẳng có làm gì hết, chỉ có chực chỉ trích mà thôi, - thì họ làm gì tôi?” (trích từ một bài báo năm 1932); nhưng đặc biệt nhất là lúc nào ông cũng có vị thế hết sức độc lập: từ báo Trung lập ông vẫn viết bài chỉ trích Phụ nữ tân văn là tờ báo vô cùng “sủng ái” ông, trả nhuận bút cho ông ở mức rất cao; Phan Khôi cũng luôn luôn tự nhận mình là một người học trò còn đang phải học hỏi: “Tôi tự phận tôi cũng như là một người thất học từ thuở nhỏ” (trích từ một bài báo năm 1932).

Jun 19, 2010

Từ bỏ

Chuyện này lẽ ra tôi chẳng nói ra làm gì, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy cũng có nhiều lý do để nói ra.

Tôi và vài người nữa không còn đóng góp cho SOI (link) kể từ tròm trèm một tháng nay. Trong số những người khởi động và làm ra trang SOI từ đầu chỉ còn lại một người, cộng một người về phần kỹ thuật.

Nói rõ ra, vì cho đến giờ vẫn còn không ít người tưởng tôi (và vài người nữa) còn tiếp tục cộng tác với SOI.

Khi có xung đột xảy ra cách đây một tháng, thành viên còn ở lại SOI tuyên bố sẽ đóng cửa SOI nhưng sau đó đã xây dựng một ê-kíp khác để làm tiếp. Điều này tôi cũng không thấy làm sao, mặc dù làm với nói không đúng như nhau, tuy vậy cũng phải nói rõ để biết rằng từ một tháng nay tôi không hề có tham gia chút nào.

Xung đột xảy ra chủ yếu thuộc về đường hướng và cả cách tiến hành công việc cụ thể. Chuyện này tôi cũng đã bỏ qua, không nhắc lại.

Ý tưởng của tôi nhất quán từ đầu, là thiên về lý thuyết và lịch sử, tất nhiên vẫn không coi nhẹ phần tin tức etc.

Tôi cũng rút ra một điều sau một thời gian trực tiếp tiếp xúc với thế giới nghệ thuật (nhất là nghệ thuật thể nghiệm) Việt Nam, là thế giới này rất cần có một diễn đàn nghiêm túc, và điều thứ hai, nếu thực sự muốn làm một cái gì đó, tôi phải tự làm, một cách hoàn toàn độc lập.

Hẹn gặp lại :d

------------------

(điều dưới đây không liên quan đến điều trên kia)

Trong công việc, tôi rút ra là cần phải tránh làm việc với một số người: những người một phút ba màu, không thể nhất quán, những người có đầu óc gia đình trị, và những người mang sẵn trong người mặc cảm loser. Và những người thiếu generous.

Nếu không thể thoát được, thì đành phải chịu thôi, nhưng phải có strategy :p

------------------

Mua được quyển Mù lòa đúng một ngày sau khi José Saramago qua đời. Các bác đi mua để tưởng niệm Samarago đi, sách vừa in: Mù lòa, Phạm Văn dịch, Bách Việt & NXB Văn học.

Jun 17, 2010

Hà Nội của ta năm cửa ô

Trả lời mấy câu hỏi cho báo chí hic.

+ Anh nghĩ sao về quan niệm người Hà Nội tiêu biểu thì chỉ nên làm những việc gì “rất Hà Nội”?

+ Một vài người Hà Nội tiêu biểu thời nay (đương nhiên không phải nói cho tất cả người dân ở đây) có gì khác hoặc giống với người Hà Nội ngày xưa - theo cách nhìn của anh?

+ Những nhà văn tiền bối như Phan Kế Bính, Thạch Lam, Phan Khôi, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân… cũng đã có những cách nhìn độc đáo về Hà Nội và tính cách Hà Nội... anh có thích một cách nhìn nào của họ? Một tính cách, một hành xử nào của Hà Nội mà anh nghĩ nên xiển dương; và cái nào nên dẹp bỏ?

+ Theo cách nhìn của TT&VH, những công việc anh đang làm là một cách điểm tô cho diện mạo Hà Nội ngày nay. Những tác phẩm mà anh đã dịch là? Những dự định trong tương lai của anh?

Jun 16, 2010

Viva la uôn cúp


Nghe nói cụ Cao Xuân Hạo sinh thời xem vô tuyến cứ nghiến răng kèn kẹt vì tức cái bọn nhà đài tàn phá tiếng Việt. Khổ thân cụ, tôi thì chả xem tivi bao giờ nên răng vẫn còn nguyên vẹn lắm. Nhưng mà công nhận, tivi Việt Nam nói năng kinh thật.

Jun 14, 2010

Imitatio Dei

Nhận được mấy quyển sách mới, có quyển của Sellier tập essai mấy chục bài, trong đó có bài về mythe (huyền thoại), cố gắng trả lời câu hỏi "Huyền thoại văn chương là gì?".

Ba bậc thầy trong lĩnh vực huyền thoại học là Claude Lévi-Strauss, Georges Dumézil và Mircea Eliade. Tiếp nối các nhà dân tộc học, "huyền thoại văn chương" cũng nhanh chóng trở thành một đối tượng nghiên cứu rộng khắp, trong đó có các đỉnh cao chẳng hạn như tác phẩm của Denis de Rougemont và nhất là loạt sách về nhân vật don Juan của ông thầy Pierre Brunel của tôi (don Juan là một trong những huyền thoại lớn của Tây phương rất hiếm hoi không xuất phát từ Hy Lạp).

Mircea Eliade đã từng e ấp xuất hiện ở Việt Nam trên hai số tạp chí Văn học nước ngoài cách đây đã lâu, nhưng chắc ít người biết. Đó mới là một nửa bản dịch Cái thiêng và cái phàm (Le Sacré et le Profane) của nhà bác học gốc Rumani, một trong ba nhân vật Rumani nổi tiếng nhất thế kỷ XX, bên cạnh Eugène Ionesco và Emil Cioran (tất nhiên là phải kể cái bác gì độc tài cái gì cu cu quên béng mất rồi).

Jun 11, 2010

(04). Tiếng Việt 1933

[câu này là của Amos Oz, nhà văn Israel nổi tiếng nhất (đại ý): "vấn đề lớn nhất của văn chương Israel là phải dùng ngôn ngữ của các nhà tiên tri để tả nhân vật đi đổ rác"; vấn đề của Phạm Công Thiện thì ngược lại: phải viết sấm ngôn bằng ngôn ngữ con trâu tát nước gầu sòng mái gianh sơn cước khói lam chiều; đây là lời kết cho chủ đề Phạm Công Thiện, mặc dù đang hết sức ăn khách hic]

Mới gần đây tôi được tặng một số Văn học tạp chí, tờ báo của hai nhân vật Dương Bá Trạc (chủ bút) và Dương Tụ Quán (chủ nhiệm); đây là hai anh em ruột, xen vào giữa họ còn có Dương Quảng Hàm. Trước đó Dương Bá Trạc cùng Nguyễn Bá Trác đã là tả phù hữu bật cho Phạm Quỳnh làm Nam Phong. Nam Phong cũng có cả sự góp sức của bố Nguyễn Bá Trác là Nguyễn Bá Học. Ngoài họ Dương này còn có một họ Dương khác có nhiều công đối với báo chí Quốc Ngữ thời kỳ đầu, là Đông Lĩnh Dương Phượng Dực, học trò cưng của ông bác nhà Nguyễn Công Hoan; Dương Phượng Dực sẽ sinh ra một nhân vật sau này cũng nhiều kỳ tích, là Dương Kinh Quốc. Nghe nói khi Dương Kinh Quốc mất đi, gia đình bán tủ sách, thị trường sách cũ đã được một phen náo loạn.

Jun 10, 2010

Phạm Công Thiện không phê Nietzsche



Cám ơn bác Phạm Công Ác cho cái đường link trong đó GS Nguyễn Văn Trung "trả lời" về Phạm Công Thiện, đồng thời nhắc tới nhiều nhân vật của thời đó, nhất là các nhân vật trí thức Công giáo như Cao Văn Luận (Bên giòng lịch sử), Nguyễn Văn Lập (Viện trưởng Đại học Đà Lạt), Lê Văn Lý (một trong những đối tượng công kích trong suốt nhiều năm của Cao Xuân Hạo sau này).

Đọc vào Nguyễn Văn Trung thì ta sẽ có cảm giác mối hiềm khích của thời đó sâu xa và thường trực giữa Phật giáo và Công giáo.

Jun 9, 2010

Phạm Công Thiện phê Nguyễn Văn Trung

Nhân nói chuyện này xọ chuyện kia, đề cập Phạm Công Thiện ngày sanh của rắn, tôi muốn lôi trở lại một văn bản ngày nay gần như tuyệt mệnh giang hồ, đúng số phận như tập thơ của Phạm Công Thiện, Ngày sanh của rắn bản in đầu (in số lượng hạn chế bên Pháp) gần như chưa ai nhìn thấy bao giờ.

Văn bản này (đúng ra là một bài viết cỡ 30 trang) mang tên Phê bình luận án tiến sĩ triết học của Nguyễn Văn Trung, không rõ viết và phát hành lần đầu năm nào nhưng được một nhóm phật tử Huế tái bản thành cuốn sách nhỏ in mùa hè năm 1973, ở "Lý do" đặt đầu sách có viết là không liên lạc được với tác giả nên cứ in ra như vậy.

[xin trân trọng cảm ơn bạn... và bạn... vì đã....; tôi đang tập viết lời đề tặng để nhỡ ra sau này dùng đến :d mấy từ khó nhất thì đã nghĩ ra xong xuôi, còn mấy từ dễ để trống bao giờ thích điền gì thì điền]

Jun 7, 2010

DOI LY không bao giờ có thật

Khi nào thì ta thấy buồn cười? Nhiều câu trả lời khả dĩ, nhưng theo tôi có câu trả lời này hơi trái khoáy: khi ta có hiểu biết. Kích thước tri thức của chủ nghĩa hậu hiện đại có một vương vấn ở khía cạnh này; làm thế nào mà một cái nhại, một cái đùa, một cái mỉa, một cái giễu, một cái đạo (văn), một cái liếc (mắt đưa tình) có thể trụ vững được? là vì độc giả hiểu biết tìm ra nghĩa trong đó.

Hình như ý tưởng về cái cười đòi hỏi hiểu biết này Henri Bergson đã nói đến trong cuốn Le Rire (Cái cười). Mấy hôm trước có bác Cá Sấu Hoa Cà vào comment trong blog này tôi mới biết ngoài những bản dịch của linh mục Cao Văn Luận thì Le Rire cũng đã được Phạm Xuân Đổ dịch, nhan đề là Tiếng cười. Tôi cũng chưa bao giờ thực sự đọc Bergson, vì hình như Bergson thuộc vào các tác giả mà Calvino nói tới, những người "kinh điển" đến mức ai cũng tưởng chừng như mình đã đọc rồi mặc dù chưa đọc bao giờ. Cứ đọc Proust mãi rồi ta cứ tưởng đâu mình rành Bergson lắm :)

Nếu không được báo trước, hoặc nếu không phải một người quen đọc, chẳng hạn như một anh thợ nề người Pháp một buổi trưa ngồi mát chẳng biết làm gì vớ được ở góc tường một quyển sách ai đó bỏ quên, tên là La Disparition của Georges Perec, rất có thể anh thợ nề sẽ đọc nó, biết nó nói gì, cảm thấy có cái gì đó là lạ nhưng không rõ là cái gì. Có thể mãi sau này, không bao giờ, anh thợ nề biết được rằng cuốn sách ấy không có một chữ "e" nào. Thiếu hiểu biết không gây ra một thảm họa nào đáng kể, nhưng nếu xét về độ hiểu thấu, thì tổn thất thật là nặng nề.

"DOI LY KHÔNG BAO GIỜ CÓ THẬT" là câu thơ rút từ bài "Lời hứa của Doi Ly" trong tập gần đây nhất, ấn phẩm gần đây nhất của NXB Giấy Vụn, Khi kẻ thù ta buồn ngủ (nếu Trại súc vật còn chưa in xong).

Tôi đã có lần nói trong Mở Miệng, Bùi Chát là người có phẩm chất thi sĩ lớn nhất (rất chi là hy vọng Lý Đợi không phật lòng vì câu nói đó), nhưng Lý Đợi mới là nguồn cảm hứng cho sự hài hước. Trong tập thơ này, có những bài thực sự khi đọc tôi phải lăn ra cười, như bài "Nhân đi massage, gặp nữ lưu hào kiệt". Toàn văn tập thơ này có thể dễ dàng tìm, nên thôi đỡ phải trích dẫn mất công :) Điều này có thể là tôi không giống ai, nhưng thực sự với tôi hài hước là một phẩm chất.

* Thế tại sao câu "DOI LY không bao giờ có thật" lại buồn cười? Là vì nó nhại tên tập sách cực kỳ nổi tiếng trước 75 tại Sài Gòn của thần đồng, lớn lên thì thành thiên tài, Phạm Công Thiện: Mặt trời không bao giờ có thực.

Dù rằng tập Khi kẻ thù ta buồn ngủ này cay đắng hơn người ta có thể tưởng.

+ Tối qua đã nhận được sách bác Quý tặng. Đổi chác có khác, hiệu quả thật :d

Jun 4, 2010

Dành cho các bác nghiên cứu lịch sử âm nhạc VN

Tôi mới mò ra được một loạt bài mang tên Quá trình tiến triển của lịch sử nền nhạc Việt của Nguyễn Duy Diễn và Phạm Vinh, giáo sư trường trung học Văn Lang và trường Bắc Bình Vương, đăng gần 10 kỳ trên một tờ tạp chí Hà Nội trước 1954, loạt bài nhiều tài liệu phong phú. Nếu hai nhà nghiên cứu âm nhạc Jason Gibbs và Nguyễn Trương Quý còn chưa có thì tôi sẵn sàng cung cấp. Nguyễn Duy Diễn sau này vào Sài Gòn dạy học, viết rất nhiều sách thuộc dạng sách giáo khoa văn học.

Mang tài liệu ra để câu bộ sách của bác Quý :) Trong trilogy này tôi đã có lần review quyển Ăn phở rất khó thấy ngon. Tuy rằng bác Quý đã hứa sẽ tặng nhưng cứ thế mà nhận thì cũng ngại, đấy bác xem có mấy cái tài liệu em mang đổi, bác tặng sách em nhá :d

------------------

(đợi lát viết tiếp)

Tiếp đây:

Jun 3, 2010

Sách (XII) Inner Workings

Hôm nay mới để ý đến vụ tranh luận bùng nổ đã mấy hôm trên Tiền Vệ giữa Nguyễn Tôn Hiệt và Ngô Tự Lập xung quanh bài viết của Ngô Tự Lập mang tên "Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam" nói Hồ Chí Minh là cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam. Như thường lệ, dạng bài kiểu này vẫn xuất phát từ trang của Trần Hữu Dũng, người nổi danh trong làng văn nghệ với hai câu "dùng bản Tư gởi" và "có mục văn hóa khá". Thú thực tôi có liếc qua bài này khi nó mới đăng lên và thấy mắc cười quá, nhưng cũng chẳng để ý mấy.

bài trả lời thứ hai cho Nguyễn Tôn Hiệt, tôi thấy đáng chú ý nhất là câu cuối, Ngô Tự Lập "hứa" sẽ dẫn Xuân Vũ để "làm phong phú thêm bài viết của mình": tới đây thì tôi còn mắc cười hơn nữa. Chắc sau khi đọc bài thứ nhất của Nguyễn Tôn Hiệt, Ngô Tự Lập đã không đi tìm hiểu Xuân Vũ là ai, có profile như thế nào. Lẽ ra thì phải tìm hiểu chứ, nhà nghiên cứu ơi.

Jun 1, 2010

Mùa đông bệnh hen của Marcel Proust đi đâu?

+ Lại có quà tặng này: lần này thì đỡ lo luôn, vì chắc chắn là sẽ chỉ có một đối tượng cực cực kỳ “khiêm tốn” và “hạn chế” (hai từ này đang en vogue lắm í), đối tượng những người Việt Nam có đọc Marcel Proust. Vừa là quà tặng, vừa là phụ một tay quảng cáo cho thầy cũ hic. Đời này tôi mới gặp một vài người khó tính hơn… tôi, và có chính ông thầy cũ này, Antoine Compagnon :) Một người không thích nói (trái ngược với một ông tuteur khác, Michel Charles, bị chính học trò cưng, mà lại là thầy dạy của tôi hic, đánh giá chỉ thích nói chẳng thích viết), sinh viên mang bài viết đến thì giật phắt lấy, săm săm soi soi, rồi lủng bủng trong miệng: faute d’orthographe này, coquille này, còn cái này là cái gì đấy. Cùng một thế hệ giáo sư nhưng những Noiret, Marchand, Tadié, nhất là Murat, hay thậm chí một ông vô cùng cosmopolite như Brunel (một huyền thoại, nghe đâu lên giáo sư năm ba mươi hai tuổi) đều chải chuốt lông mi rủ cứ như là vừa bước ra từ mấy bức chân dung vẽ các nhân vật quý tộc, nói hay và hay nói, còn Compagnon tuyền đời mặc áo sơ mi vừa rút thẳng từ máy sấy ra, nhiều lần còn mặc áo rách, ngồi ị ra cả buổi mới phát ra được vài câu ùm oàm chả ai hiểu là nói gì, lười nói đến nỗi làm séminaire toàn làm chung với một ông đồ đệ là André gì đó tự nhiên quên mất tên chuyên gia Baudelaire, và mỗi quãng thời gian chỉ chăm chăm đặt có một câu hỏi, chẳng hạn như trong vụ Dreyfus thì Proust đứng về phe nào, Benda đứng về phe nào, Lasserre đứng về phe nào.