Dec 26, 2014

Bùi Ngọc Tấn và Chuyện kể năm 2000

Số phận một tác phẩm văn chương lớn lúc nào cũng phải bao gồm đầy đủ cả hạnh phúc và bất hạnh. Chuyện kể năm 2000 là một sự kiện hạnh phúc của nền văn chương Việt Nam, và kể từ đó, tức là trải hết năm “lệnh” - theo cách tính đầy hào phóng của những người tù - thật bất hạnh, nó vẫn cứ là sự kiện lớn nhất của nền văn chương ấy.

Năm 2000, chắc là khoảng giữa năm, qua những mối quan hệ mà tôi chỉ nhớ là rất loằng ngoằng và thật ra không còn muốn nhớ cụ thể nữa, một nhà văn ở Hà Nội đồng ý cho mượn hai quyển Chuyện kể năm 2000. Phải đến tận nhà ông, đâu đó ở mạn Bà Triệu-Triệu Việt Vương ngay lập tức để lấy mang về. Thời ấy, đến gõ cửa nhà một người không quen vào đúng giờ cơm tối vẫn còn chưa trở thành một điều gì vi phạm quá đáng lắm đối với tập quán sống vẫn chưa trôi hết khỏi quán tính làng xã, phố huyện.

Dec 11, 2014

Nguyễn Tuân: Văn chương của đứt đoạn

Năm 1941 ngoài Chiếc lư đồng mắt cua Nguyễn Tuân còn in Một chuyến đi viết về cái lần đi sang Hương Cảng cùng một nhóm người trong đó có Đàm Quang Thiện và Nguyễn Doãn Vượng; bộ “dầu lạc” thì chắc chắn Tàn đèn dầu lạc cũng in năm 1941 này nhưng còn Ngọn đèn dầu lạc thì sao? khó xác định, có nơi bảo in năm 1939 nhưng cũng khó tin, rất có thể nó cũng là của năm 1941 này, cái năm kỳ diệu (annus mirabilis) của Nguyễn Tuân, cũng là năm kỳ diệu của nền văn chương Việt Nam, vì cho đến thời điểm ấy, rốt cuộc đã xuất hiện một văn chương của sự đứt đoạn đúng nghĩa.

Dec 10, 2014

Patrick Modiano

Hai cửa sổ trổ vào quá khứ - nếu có tồn tại những cửa sổ như vậy - Patrick Modiano luôn luôn chọn cửa sổ hẹp hơn, tối hơn, và có ô kính nhiều vết rạn. Đó là một cái nhìn vào quá khứ rất không đơn giản, nó đòi hỏi những nỗ lực ghê gớm, những nỗ lực rất dài.

Trong Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier, cuốn tiểu thuyết mới nhất, Modiano, ở giọng kể của một nhà văn đã già, bỗng có một nhận xét: ta rất không nên đưa một người thân thiết vào tác phẩm của mình, vì khi làm vậy, giống như ta đưa người ấy đi qua một tấm gương, và rồi người ấy sẽ biến mất vĩnh viễn. Mối quan hệ giữa nhà văn và cuốn sách có lẽ giống mối quan hệ của một người với tấm gương soi: rất có thể một ngày, như cô bé Alice, ta bỗng nhận ra rằng tấm gương có thể hút ta vào; đằng sau tấm gương là một thế giới kỳ bí không thể thăm dò. Những gương kính trên cõi đời này, rất không nên đùa với chúng.