Aug 30, 2013

múc hay không múc :p

có những lúc viết ngắn khó thật, hehe, đây là text bìa cho Other Colors



Orhan Pamuk tiểu thuyết gia đã rất thành công với Tên tôi là Đỏ, Pháo đài trắng hay Cuốn sách đen, nhưng vì là một nhà văn rất tham vọng, “phổ màu” của ông còn muốn bao trùm rộng lớn hơn nữa, lên chính trị, hội họa cổ điển, những tản văn ngắn, và lên sự đọc.

Những màu khác minh chứng cho tham vọng văn chương Orhan Pamuk. Cuốn sách là sự nối dài đầy ngoạn mục, những “ngoại truyện” bổ sung cho các tiểu thuyết của ông, những thêm thắt về cảm giác vốn đã huy hoàng trong cuốn hồi ký tuyệt vời Istanbul, và nhất là ở đây, ta được chứng kiến Pamuk trong tư cách một người đọc cự phách; người đọc ấy hào phóng dẫn dắt ta đến với thế giới những tác giả mà ông sùng mộ nhiều chục năm nay: Camus, Flaubert, Dostoyevsky, Nabokov… những thế giới của sự đọc ấy mở rộng nhiều lần đường biên giới của sự viết ký tên Pamuk.

Aug 28, 2013

Thế giới là một cuốn sách mở

Bài phỏng vấn dưới đây được thực hiện cho tờ Sinh viên vào tháng Năm 2009, vài tháng trước khi cuốn sách phỏng vấn Thế giới là một cuốn sách mở của Lévai Balász xuất bản bằng tiếng Việt. Bài phỏng vấn do anh Giáp Văn Chung thực hiện, tôi hỗ trợ một chút về ý tưởng.



Sự kỳ diệu của những cuộc đối thoại văn chương


Ý tưởng của ông - thực hiện loạt chương trình phỏng vấn truyền hình với các nhà văn nổi danh trên thế giới - xuất phát từ đâu?

Nghề ban đầu của tôi là giáo viên Văn-Sử, do đó không có gì đáng ngạc nhiên là từ khi khởi nghiệp truyền hình, văn học là một trong những lĩnh vực chuyên môn của tôi. Tôi đã làm rất nhiều chương trình về các nhà văn Hungary, tôi là người dẫn cho loạt chương trình Cuốn sách Lớn (được lấy từ phiên bản Big Read của BBC, Anh Quốc), cũng như, tôi đã dẫn rất nhiều chương trình truyền bá kiến thức với nội dung khoa học của Đài Truyền hình Hungary. Năm 2003, tôi nảy ra ý tưởng: sau các nhà văn Hungary, tôi sẽ làm chân dung văn học của các tác giả nổi tiếng trên thế giới. Chính xác hơn, đây là sáng kiến của vợ tôi, thoạt tiên tôi không mấy tin rằng có thể làm điều đó, nhưng rồi chẳng mấy chốc, tôi nhận ra rằng đây là một cơ hội tuyệt vời và may mắn cho tôi, lãnh đạo Đài Truyền hình Hungary cũng ủng hộ tôi thực hiện ý định này.

Aug 26, 2013

Đo thế giới

bài này tính là bài review sách đầu tiên của tôi, viết năm 2007, đăng tạp chí Saigon City Life, giờ đọc lại thấy vui vui :p



Đo lại văn chương bằng tiểu thuyết

Đến một lúc nào đó, mọi phép đo đều trở thành những phép đo lại. Sẽ có lúc người ta không còn tin vào những kết quả đo lường đã có, và những đầu óc ưa chính xác sẽ nhận ra không thể trông chờ vào những gì có sẵn được nữa. Nhà quý tộc Alexander von Humboldt đi đến những vùng xa xôi nhất, sử dụng những máy móc chính xác nhất của thời đó; Carl Friedrich Gauss, cậu bé nông dân thiên tài, ở lại nhà và tưởng tượng một cách chính xác các khoảng cách, dựa trên các công thức do chính mình tìm ra, và Daniel Kehlmann, người viết nên một câu chuyện kỳ thú với hai nhân vật kể trên, thì đo lại những đoạn tiếp nối giữa văn chương và lịch sử, giữa cuộc đời và tưởng tượng, giữa những con người sở hữu các bộ óc siêu việt và người bình thường chúng ta.

Aug 24, 2013

mưa thu ướt đẫm cánh hoa vàng :")

nhìn trời mưa lại nhớ những cảnh lụt lội Hà Nội đã trải qua trong đời; dưới này là hồi 2008 man rợ, nhưng hồi 1985 cũng đâu có kém; chỉ có quãng trẻ trâu chỉ mong mưa lụt để rủ bạn gái này hay bạn gái khác đạp xe ngoài phố cho nó bồng bềnh :p


Lụt & ỷ lại


Chỉ riêng câu nói của ông bí thư thành ủy Hà Nội đã xứng đáng cho ông nhận từ mỗi người dân sống trong các khu bị ngập lụt mấy ngày vừa qua một cái gì đó. Tùy tâm mỗi người thôi: hoặc một cái tát, hoặc một cái nhổ etc. Tôi thì chỉ thích nhìn thấy ông bí thư đứng trong vũng nước ngập đến ngực (trông ông cũng lùn lùn nên chắc là nước đến ngực, còn tôi thì đến bụng) hôi thối trộn lẫn xăng dầu rác rến.

Khinh bỉ


bài cuối cùng của chuyên mục "Đọc" của Nhị Linh, kết thúc tròn 5 năm

đây là một trong hai chuyên mục kéo dài nhất của tờ Thể thao & Văn hóa Đàn Ông, chuyên mục dài nhất là của Nguyễn Việt Hà, nhưng chuyên mục ấy tuy dài vẫn có kỳ không có, còn mục của tôi rất đều đặn trong 5 năm :p

Aug 19, 2013

Thomas Mann và Hermann Hesse

Thomas Mann và Hermann Hesse, cùng độ tuổi, cùng chống phát xít, cùng được giải Nobel, và con đường nhìn qua như thể song song của hai nhà văn lớn này có nhiều điểm giao cắt. Đặc biệt ở đoạn cuối đời: tác phẩm lớn cuối cùng của Hesse (Das Glasperlenspiel tức Magister Ludi hay The Glass Beam Game) và tác phẩm lớn cuối cùng của Mann (Doktor Faustus) ra đời cách nhau vài năm trong thập niên 1940. Ở Mann thì mọi chuyện rõ hơn nhiều từ sớm, còn ở Hesse, đến Das Glasperlenspiel, ta có thể thấy một bước chuyển mạnh mẽ từ mối quan tâm thuần chất tới cá nhân và nội tâm sang những vấn đề rộng lớn hơn, ở quy mô toàn cầu: Hermann Hesse tạo ra một thế giới tương lai (cách thế kỷ XX chừng năm, sáu trăm năm), của một nơi tên là Castalia, một địa điểm thuần túy trí tuệ. Trong cuốn sách có rất nhiều cuộc tranh luận về: tri thức thuần túy hay nghiêng về phía xã hội, một tháp ngà của trí tuệ hay nhân quần rộng rãi, mỹ học riêng biệt liệu có tồn tại được hay không... Ở Narziss und Goldmund đã có đậm đặc những cuộc tranh luận giữa hai "con đường ngộ đạo". Hesse là một người đặc biệt ưa tranh luận, đi sâu, bóc tách vấn đề, ở văn chương của Hesse thiếu đi nét hài hước vốn rất đặc trưng ở Mann: trong tác phẩm của Mann, từ đầu đến cuối, và càng về sau càng rõ, rất nhiều châm biếm. Sự miêu tả chi li của Mann luôn luôn đi kèm với những cái nhếch mép chắc hẳn giúp Mann cân bằng được trong cuộc đời mình, rất khác với con người của những thái cực như Hesse.

Aug 10, 2013

Chậc, Sói Thảo Nguyên

Tuổi trẻ, cái thứ mở ra như một mùa xuân đen ấy, có dưỡng chất trần gian là những suy tư bất tuyệt và hỗn loạn, xoay quanh nỗi cô đơn, tình yêu, nội tâm bất ổn, cự tuyệt và chấp nhận.

The Invention of Solitude của Paul Auster, The Great Gatsby của Scott Fitzgerald và Der Steppenwolf của Hermann Hesse là một “triptique” tác phẩm văn chương đặc biệt nhiều tính chất dưỡng chất trần gian ấy, quyển của Fitzgerald và Hesse ra đời và đặt bối cảnh trước Thế chiến thứ hai còn The Invention of Solitude nằm sau đó, cả ba đều có những dự cảm hoặc cảm giác đặc thù về sự chém giết, ở Hesse và Fitzgerald thì nhấn mạnh vào “kết thúc”, còn ở Auster thì nổi bật vì tính chất “mở đầu” và “tiếp tục”; cả ba đều sử dụng rất nhiều dụ ngôn nền tảng.

Ở Auster ta có Jonah trong bụng cá, nỗi khiếp sợ hoang mang khủng khiếp, ở Fitzgerald là vàng son sụp đổ của một thế giới nguyên khối, còn Hesse thì sử dụng hình ảnh Moses vạch nước biển; cuối trường đoạn đáng nhớ ấy (tr.236-237-238), thật bất ngờ khi đột nhiên Hesse có một lời tiên tri về sự diệt vong của người Do Thái.


Aug 9, 2013

Malaparte ở Việt Nam

từ xưa đến nay

chắc thế này là đã hết sạch


(quyển trên bên phải là bản gốc tiếng Ý của quyển ngay dưới nó)

Aug 7, 2013

Chuyện ở nông trại: Điểm sách Catalonia của George Orwell

Dưới đây là bài điểm sách Catalonia - Tình yêu của tôi (Phạm Nguyên Trường dịch, Alphabooks & NXB Lao động), bản của tác giả (bài viết đã đăng trên Sài Gòn tiếp thị).

Homage to Catalonia của Orwell có thể được đọc cùng với Homage to Barcelona của Colm Tóibín, mặc dù hai cuốn sách được viết vào hai thời kỳ khác hẳn nhau và có tính chất rất khác nhau; đó là hai tác phẩm rất đẹp cùng viết về một vùng địa lý.

"Chó" là tên chương III của tác phẩm Kaputt của Malaparte, một trong những tác phẩm văn chương lớn nhất về Thế chiến thứ hai; hai chương đầu cuốn sách này mang tên "Ngựa" và "Chuột".



Khi hiện thực sang trang

Trần Quốc Tân

Aug 5, 2013

Văn học miền Nam: ngay sau đó

Góp mặt trong văn học sử Việt Nam có những quyển rất đặc biệt. Dưới đây là một số ví dụ. Về sau này, khi nhiều thời gian đã trôi qua, đây lại chính là những tài liệu quan trọng lưu lại chứng tích về một nền văn học.




(hai ảnh bên dưới: courtesy of NTT)

Aug 3, 2013

Sách tháng Bảy 2013

- Karl Jaspers, Ý niệm đại học, Hà Vũ Trọng và Mai Sơn dịch (từ tiếng Anh), Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu, Đại học Hoa Sen & NXB Hồng Đức, 164tr., 60.000 đ. (đặc biệt trong sách in bài "Những mạch sống tinh thần của đại học. Đọc Ý niệm đại học của Karl Jaspers" của Lê Tôn Nghiêm)

Trong vụ việc Nhã Thuyên đang bùng nổ hiện nay, nếu nhìn nhận sự việc mang nhiều dáng dấp của một cuộc khủng hoảng động đến nền tảng và các quy tắc của trường đại học tại Việt Nam, cuốn sách nổi tiếng của Karl Jaspers mang lại những gợi ý suy nghĩ rất hữu ích và kịp thời.

Aug 1, 2013

Chào Paul Auster

The Invention of Solitude

Tác phẩm đầu tay của Paul Auster, không hẳn tiểu thuyết, cũng không hẳn tiểu luận, chứa đựng rất nhiều chủ đề mà những cuốn sách sau này của ông sẽ khai thác.

Tôi không nghĩ ở đây là chuyện "khởi sinh" ra sự cô độc, "khởi sinh" hay "khởi nguyên" là để chỉ một sự kiện tự thân, sinh ra một cái gì đó. Mà đây là chuyện thuộc địa hạt "invention" của "sáng chế", "phát minh", "phát hiện", sử dụng các chất liệu có sẵn để tạo ra một cái gì đó. Với tôi, The Invention of Solitude là "chế ra nỗi cô đơn". Auster rất hay nhắc đến Edison, tất nhiên là không hề thiếu liên quan. Một người anh hùng nữa của Auster là Tesla.