Jul 31, 2012

Nhất Linh dang dở

cuối tháng Nhất Linh


Tiểu thuyết Việt Nam có bao nhiêu phần thoát thai từ ánh mắt bên dưới cặp lông mày nét mác của Nhất Linh? Tôi nghĩ là không ít, khi nhìn bức chân dung Nguyễn Gia Trí vẽ Nguyễn Tường Tam năm 1952 ở Sài Gòn. Trong bức tranh ấy, cả hàng ria nổi tiếng kia dường như cũng cố ý tự tạo thành nét mác kiên quyết, cái kiên quyết của những “khẩu hiệu đanh thép” từng in dấu sâu đậm đến thế vào thời “tiên khởi” của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại: “lạnh lùng”, “đoạn tuyệt” và “tự lực”. Với Dostoeysky, văn học Nga chui ra từ chiếc áo khoác của Gogol; văn xuôi Việt Nam như chúng ta biết hiện nay từng cần một cú hích lạnh lùng nhưng mạnh mẽ hồi đầu những năm ba mươi ấy.

Mà đâu chỉ là văn xuôi. Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn, đó còn là địa điểm quan trọng nhất của Thơ Mới, đặc biệt vào lúc phôi thai chớm ra đời cần hơn hết một sự cảm thông và nhất là một sự kiên định, và tờ báo Phong Hóa (ra số đầu cách nay đúng tám mươi năm) làm ngoặt dòng tiếng cười, tách hẳn ra khỏi truyền thống truyện tiếu lâm dân gian và cả những truyện “hài đàm”, “tiếu lâm An Nam” của trước đó không lâu, dưới ngòi bút của những Nguyễn Đỗ Mục hay Phạm Duy Tốn. Sau sự cách tân dùng dằng (“thổ nạp Âu Á”) của Nam Phong và Phạm Quỳnh lỗi lạc, đến Nhất Linh lịch sử ngôn ngữ và văn chương Việt Nam mới dứt khoát mà lên đường, giống như câu văn này của Nhất Linh: “Họ đi… đi xa chốn hư không tịch mịch, không đoái nhìn lại, đăm đăm như theo một tiếng gọi khác réo rắt hơn ở tận phía trước xa xa đưa đến” (truyện ngắn “Thế rồi một buổi chiều”).

Mỗi công trình văn hóa của Nhất Linh, điều này chắc ai cũng nhận thấy rõ, dường như đều rất sắc nét, thấu đáo, ảnh hưởng ghê gớm và có sức thu hút không thể cưỡng nổi. Tưởng chừng cái gì ông động tay vào là gọn gàng, chỉn chu, thành hình một chỉnh thể mang giá trị tự thân lồ lộ (giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn, dự án “nhà Ánh Sáng”, những bông hoa phong lan), giống những bức tranh ông vẽ, đẹp lạnh lùng và hoàn thiện không thể thêm bớt, đơn giản nhưng đầy sức nặng, đã xong là xong và chắc chắn ngay từ đầu là sẽ mang sức sống lâu dài.

Thế nhưng, thật lạ lùng, vẫn có cái gì như dang dở ở Nhất Linh. Ở Nhất Linh luôn luôn tồn tại một khía cạnh rất khó nắm bắt, khiến cho nhà văn Võ Phiến, người coi Nhất Linh là “bậc tiền bối lỗi lạc từng sống một đời đầy dông bão và kết thúc đau thương”, khi viết về ông thoạt đầu cho rằng con người Nhất Linh rất nhiều niềm vui, ông vui sướng hơn bất kỳ nhà văn Việt Nam nào khác, nhưng sau đó lại khẳng định nỗi khổ ở Nhất Linh vô cùng to lớn, hiếm có ai khổ hơn ông. Và, còn điều này nữa, Nhất Linh hay hiện ra trong mắt người khác như một con người thuộc đoàn thể, một nhóm nào đó, một quần tụ tinh túy văn chương và cả chính trị, nhưng ông lại cô độc hết mức, và cặp mắt của Nhất Linh từng được Hoàng Xuân Hãn miêu tả là rất chán chường, khi hai nhân vật này gặp nhau ở Đà Lạt năm 1946 trong một sự kiện rất quan trọng của lịch sử Việt Nam.

Ta có thể lý giải sự “dang dở Nhất Linh” là do ông không được toại nguyện trong nhiều chí hướng, thất bại nhiều trên con đường chính trị (mặc dù Vũ Hoàng Chương từng viết hai câu thơ về ông: “Chí sĩ đền xong nợ nước/Văn hào đã thỏa ước mơ”). Cả trong văn hóa cũng vậy, sau này khi đã vào Sài Gòn, những ý định tiếp tục con đường trước kia từng mở ra có vẻ không mấy thuận lợi và thành công. Một thế hệ mới đã xuất hiện, cái thế hệ dẫu vẫn mang đậm dấu ấn của tiền chiến (Mai Thảo từng đặt tên tiểu thuyết của mình là Để tưởng nhớ mùi hương bắt nguồn từ Thạch Lam còn Viên Linh viết Hạ đỏ có chàng tới hỏi lấy câu thơ của Huyền Kiêu làm nhan đề); giống trước kia thế hệ của ông làm lu mờ thế hệ Thượng Chi Phạm Quỳnh; cũng như trong mọi chuyện, lý do khách quan chiếm một vị trí không nhỏ.

Nhưng chắc hẳn còn có nhiều điều hơn thế. Sự dang dở này, biết đâu, nằm trong bản thân con người Nhất Linh. Trước 1945, ông từng miêu tả sự dùng dằng rất hay: “Sinh bùi ngùi, cúi mặt ngắm dòng nước, ngắm mấy cái rác, tan tác mỗi cái trôi về một phía… khác nào hình ảnh cuộc đời của Sinh với cuộc đời của người con gái chở đò, mỗi bên đi về mỗi ngả, không bao giờ gặp nhau” (truyện ngắn “Nước chảy đôi dòng”). Sau 1945, đã quyết chí từ bỏ hoạt động chính trị quay trở lại với văn nghệ, nhưng rốt cuộc Nhất Linh chỉ hoàn thành được tiểu thuyết Giòng sông Thanh Thủy, còn Xóm Cầu Mới, mà hẳn ông hình dung như tác phẩm lớn nhất của đời mình, “opus” trong sự nghiệp tiểu thuyết gia của ông, chỉ mới đi đến được chừng 600, 700 trang, chưa tới một phần mười những gì ông dự định. Nghị lực và sức lực một con người dường như chỉ đủ cho một lần đoạn tuyệt: ở đoạn cuối của cuộc đời, khi ông quyết chí từ bỏ lối viết tiểu thuyết cũ (điều này được thể hiện rõ trong Viết và đọc tiểu thuyết, Đời Nay, 1961), để bước vào một cõi tiểu thuyết mới hẳn, không luận đề, không câu nệ mà tự nhiên như nước chảy mây trôi, thực sự đi vào nội tâm mỗi con người, thì lúc ấy, sự dở dang đã bày ra trước mắt ông.

Và để choàng vòng hoa của dang dở lên cuộc đời thật nhiều trọn vẹn của Nhất Linh, ở đúng chỗ kết cục là một sự kiện cực đoan nhất trong mọi sự kiện: vụ tự sát ngày 7/7/1963 của ông, ông đã “lạnh lùng tự lực mà đoạn tuyệt”, hay như cách nói của Vũ Hoàng Chương, “Nhất khả đoạn, nhị khả tuyệt, tam nhi bất hủ”. Lịch sử Việt Nam có quá ít nhà văn, nhà thơ tự sát (nhà văn Hungary Sándor Márai từng khôi hài về hiện tượng nhà văn tự sát, đại ý ông cho rằng lâu lâu không có nhà văn nào tự sát là một điềm gở cho văn chương). Nhất Linh thực sự là người đi ra ngoài khỏi truyền thống quá xa. Có thể đó là nguyên do khiến ở đâu ông cũng cô độc, khiến lúc nào ông cũng kiên quyết như vậy. Có thể nào chăng, ông ý thức được rằng cái chết của mình mở ra sự sống.

“Ðời tôi để lịch sử xử”: những lời tuyệt mệnh của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam bắt đầu như vậy. Không hiểu lịch sử nào sẽ xử ông, và có thể xử ông như thế nào, nhưng chắc chắn là ông để lại di sản gồm cả những gì hoàn chỉnh lẫn vô số dang dở. Những trọn vẹn để tạo lòng tin cho thế hệ sau, còn những dở dang là để lịch sử tiếp tục được.

Bức tranh Nguyễn Gia Trí vẽ Nhất Linh năm 1952 coi như đã hoàn tất, chỉ còn phải chỉnh sửa bàn tay cầm bao thuốc lá của nhà văn thì họa sĩ mắc một sự cố, bức tranh phải đình lại. Nhưng sau này, lúc đã có thể tiếp tục, Nhất Linh chính là người không cho Nguyễn Gia Trí vẽ nốt. Bức chân dung ấy vẫn còn là dang dở.


bức chân dung 


Thử ngồi nghĩ xem trong số nhà văn Việt Nam có những ai tự sát: Phạm Duy Khiêm, Tam Ích.

Jul 22, 2012

Nguyễn Khải

Có một sự lạ trong quyển Thượng đế thì cười in trong tủ "Mỗi nhà văn - Một tác phẩm" của NXB Trẻ gần đây (cùng "đợt" với quyển Bình Nguyên Lộc truyện ngắn) (bản thân Thượng đế thì cười đã có in riêng vào năm 2003, NXB Hội Nhà văn, nhưng hồi đó lại ghi là "tiểu thuyết" trong khi đây đúng ra là một "hồi ký"; ở lần in này Thượng đế thì cười không thấy ghi thể loại, và tập sách này thật ra là một "tuyển tập tác phẩm", có thêm 9 tác phẩm khác nữa).

Sự lạ ấy nằm ở chương XXIII, cụ thể là trang 278. Sau một đoạn văn bỗng xuất hiện một dòng kẻ bằng dấu chấm, rồi mới đến đoạn văn tiếp theo.

Ai đã quen đọc sách báo thời trước thì không còn lạ gì những dòng kẻ bằng dấu chấm, thậm chí những bôi xóa rất rõ ràng, đó là dấu ấn của kiểm duyệt, nhưng sách thời này chẳng bao giờ thấy.

Quả nhiên đây chính là một dấu hiệu cho thấy văn bản đã bị kiểm duyệt chỗ ấy. So sánh bản này với bản đăng trên talawas hồi 2003 thì thấy ngay.

Chương XXIII trong sách của NXB Trẻ tương ứng với chương 22 ở bản talawas, và đoạn bị cắt bỏ như sau (chương này nói về giai đoạn Nguyễn Khải làm đại biểu Quốc hội):

"Trong suốt một nhiệm kỳ Quốc hội khoá 8 hắn chỉ phát biểu có một lần về những điều bổ sung cho Luật Báo chí. Hắn đề nghị Quốc hội xem xét cho ra báo tư nhân và nhà xuất bản tư nhân để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản của một xã hội văn minh. Hắn vừa ngồi xuống thì bà T. cũng là đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh, nguyên là một nữ luật sư danh tiếng của Sài Gòn trước đây, một thượng nghị sĩ trong phe đối lập với chính quyền Thiệu, đứng lên phản đối liền. Bà nói, đại ý, rằng hắn chưa từng sống trong xã hội tư bản nên mới ngộ nhận là ở đó có tự do báo chí! Không có đâu! Danh nghĩa là báo của tư nhân nhưng nguồn tài trợ thường xuyên để nuôi sống nó luôn luôn là của các tổ chức chính trị, tôn giáo, nghề nghiệp đầy quyền lực. Họ mới là những ông chủ đích thực của tờ báo, quyết định xu hướng chính trị của nó, còn các nhà báo chỉ là những người làm công ăn lương mà thôi. Theo bà, hãy tổ chức những tờ báo hiện có của các đoàn thể thành những cơ quan ngôn luận thật sự có uy tín, có đông đảo bạn đọc cũng đã tốt lắm rồi. Bà vừa dứt lời tiếng vỗ tay đã vỡ ra vang dội và kéo dài khắp hội trường. Bà là một trí thức yêu nước, đi học và hành nghề ở nhiều nước tư bản từ nhỏ tới già nhưng lại có lập trường của một người cộng sản. Còn hắn là đảng viên cộng sản chính gốc lại hùa theo những đòi hỏi của nhiều người được xem là rất đáng ngờ về quyền được ra báo và mở nhà xuất bản tư nhân. Ông chủ quyền lực bắt đầu ghét hắn từ ngày ấy, đã muốn đuổi hắn ra khỏi cơ quan quyền lực từ ngày ấy. Rồi hắn lại ngủ gật nữa. Trong những phiên họp tranh cãi sôi nổi về một từ, một câu trong những điều luật bổ sung của Bộ luật Hình sự, thì hắn ngủ gục, đầu vẫn ngay, lưng vẫn thẳng nhưng đầu óc đã trống rỗng, mờ mịt, người ngồi cạnh phải hích nhẹ hắn mới bừng tỉnh. Một ông nghị gật như các báo vẫn chế giễu các ông nghị bản xứ thời Pháp thuộc. Té ra hắn được vào Quốc hội là do sự hiểu nhầm từ cả hai phía. Phía lãnh đạo thì nghĩ rằng hắn đi nhiều, biết nhiều và cũng đọc nhiều ắt hẳn sẽ có nhiều ý kiến mới lạ để đóng góp với nhà nước. Còn hắn cũng nghĩ do có cơ hội quen biết thêm nhiều nhân vật nổi tiếng của nhiều ngành nghề, lại được tham gia bàn bạc những việc trọng đại của cả nước ắt hẳn sẽ viết được nhiều bài báo rất lý thú như những bài báo đã viết trong năm 1974 chả hạn."

Đọc Nguyễn Khải song song với Võ Phiến sẽ thấy vô cùng nhiều điều thú vị.


Jul 21, 2012

Võ Phiến

một chuyên đề của tạp chí Văn về Võ Phiến









Trên đây là ý kiến rải rác theo thời gian của tám tác giả hồi ấy về văn chương Võ Phiến. Trong đó, "Cô Phương Thảo" dường như là bút danh của Vũ Hạnh "bút máu".

Jul 19, 2012

Kiểm chứng quy tắc


Một quy tắc (bất thành văn, nhưng có vẻ rất đúng) trong mối quan hệ giữa tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh: một bộ phim hay thường được chuyển thể từ một cuốn truyện bình thường, và một tác phẩm văn học lớn gần như không bao giờ có thể được biến thành một bộ phim hay. Quy tắc ấy thường được xem xét theo một chiều: người ta đọc sách và đoán xem bộ phim chuyển thể từ đó sẽ như thế nào. Nhìn chung, một đạo diễn khôn ngoan sẽ chọn tiểu thuyết hay truyện ngắn vừa phải mà “làm”, chỉ những đạo diễn lớn hoặc ngông cuồng, hoặc vừa lớn vừa ngông cuồng mới cả gan chạm tay vào kiệt tác văn học.

Giờ, nếu bạn, một con nghiện phim ảnh, đã xem bộ phim “The Hours” (2002), hãy thử kiểm chứng chiều ngược lại của quy tắc nói trên. “The Hours” của đạo diễn Stephen Daldry được cả giới phê bình lẫn công chúng hoan nghênh nhiệt liệt, nhận rất nhiều giải thưởng danh giá. Bộ phim ấy huy động cùng một lúc tới ba diễn viên nữ lừng danh: Nicole Kidman, Meryl Streep và Julianne Moore, và cả ba đã không ai chịu kém cạnh ai về khả năng diễn xuất: Nicole Kidman thì không kém gì trong “The Others”, Meryl Streep cho thấy tại sao mình xứng đáng thuộc hàng diễn viên lớn của lịch sử, còn Julianne Moore vẫn gây cảm động như trong “Far from Heaven”.

Còn cuốn tiểu thuyết “gốc” thì sao? “The Hours” của Michael Cunningham, mới có phiên bản tiếng Việt (mang tên “Thời khắc”, Lê Đình Chi dịch, Bách Việt & NXB Văn học), rất khó được đọc “một cách bình thường” khi mà bạn đã xem bộ phim nói trên. Và liệu bạn có tự tin mà đánh giá về cuốn truyện từng đoạt giải Pulitzer năm 1999 này không? (Michael Cunningham, nhà văn Mỹ sinh năm 1952 này trước đây từng có một tiểu thuyết khác được dịch sang tiếng Việt, “Tổ ấm nơi tận cùng thế giới”). Chắc chắn là không dễ, nhất là khi cuốn sách lại còn chạm tới những đề tài có thể nói là không nhỏ của văn chương.

“Thời khắc” thật ra là các thời khắc của những người phụ nữ, hoặc có thể hiểu rộng ra là thân phận phụ nữ trong lịch sử phương Tây, ba “điển hình hóa” của ba giai đoạn: cuốn sách viết về ba con người, thứ nhất là nhà văn Virginia Woolf ở giai đoạn cuối đời (nước Anh, năm 1923), trong những cơn khủng hoảng tinh thần nối tiếp không ngớt; tiếp đó là Laura Brown (Los Angeles, 1949) đang mang thai và đọc tiểu thuyết “Mrs Dalloway” của Woolf, và cũng không thoát khỏi những khủng hoảng trầm trọng triền miên; cuối cùng là Clarissa Vaughan, nhà xuất bản có danh tiếng, cũng đồng tính nữ như Woolf và được người bạn Richard đặt cho biệt danh “Bà Dalloway”. Cả ba đều rất trầm cảm, đều rất gắng gượng tỏ ra là mình bình thường, và đều liên quan đến tự sát theo cách riêng của mình.

Trong “Thời khắc”, độc giả từng mê cuộc đi mua hoa bất tận của Mrs Dalloway được tác giả dẫn dắt theo tác phẩm qua chiều thời gian, với những chi tiết tinh tế được tạo dựng khéo léo nhiều lúc đến như thể sắp đặt. Một người dễ tính hẳn sẽ cho rằng được một lần này, truyện và phim tìm đến được một sự cân bằng tương đối, không quá chênh lệch với nhau, nhưng có vẻ nếu nhìn kỹ càng thì quy tắc kia vẫn không phải là không đúng: những chỗ quá “xảo” của truyện đã trở nên tự nhiên hơn nhiều trên màn ảnh, thành thử giống như là bộ phim đã bổ khuyết rất thành công cho một cuốn sách lẽ ra đã không đáng chú ý đến vậy nếu như không được chuyển thể thành phim, bởi cũng kỳ lạ, “Thời khắc” “cần” có thêm bộ phim thì mới có thể là chính nó.

Có những cuốn tiểu thuyết đọc là biết không để dành cho điện ảnh; thậm chí một số nhà văn còn nói rất rõ là họ không cho phép đưa tác phẩm của mình vào thế giới chuyển động của những bộ phim. Nhưng ngược lại, có những cuốn tiểu thuyết được viết ra là để sẵn sàng cho điện ảnh, như “Thời khắc”. Ở cái thời nhà văn xem rất nhiều phim này, không ít người biết cách làm cho tác phẩm của mình giống một bộ phim trước khi thực sự trở thành một bộ phim.

Chi tiết sau đây có thể “kết nối” bộ phim với cuốn tiểu thuyết: cứ như thể được viết ra để chờ người ta mang lên màn ảnh, theo đúng cách thức sau này đã thực sự xảy ra, nhân vật Clarissa Vaughan trong khi đi mua hoa chuẩn bị bữa tiệc cho người bạn Richard thoáng nhìn thấy trên phố, giữa đoàn làm phim, một gương mặt diễn viên nổi tiếng nào đó, có thể là Meryl Streep (chi tiết ở tr. 69), và cuối cùng Streep đã vào vai chính Clarissa trong bộ phim năm 2002.

Nhị Linh

Jul 18, 2012

propos


XX. Cáu kỉnh

Trong những gì khích nộ chúng ta, gãi là cách chắc chắn nhất. Như thế chính là tự chọn lấy nỗi khốn khổ cho mình; là tự mình trả thù lên mình. Trẻ con thử nghiệm cách này trước tiên. Nó la hét vì đã la hét; nó nổi cáu vì đã giận dữ và nguôi đi khi thề rằng mình sẽ không nguôi, đó chính là dằn hắt. Gây đau khổ cho những người ta yêu mến và học đúp để tự trừng phạt mình. Trừng phạt họ để tự trừng phạt mình. Xấu hổ vì dốt nát nên phát thệ là sẽ chẳng thèm đọc sách nữa. Cứ bướng bỉnh cố mà bướng bỉnh. Ho trong cơn tức tối. Lục tìm trong trí nhớ lời sỉ nhục; tự mình chuốt cho nhọn mũi kim; dùng nghệ thuật của diễn viên bi kịch nhủ đi nhủ lại với bản thân mình những gì gây tổn thương và những gì làm ta nhục nhã. Lý giải theo quy luật cái gì tồi tệ nhất thì đúng. Tự phịa ra những kẻ độc ác hòng tự bắt mình trở nên độc ác. Cố sức nhưng chẳng tin tưởng chút nào và khi thất bại rồi thì nói: “Lẽ ra mình phải đặt cược hết vào đó; đấy chính là cơ may của mình.” Đi đến đâu cũng thẩu ra cái mặt buồn nản và chán ngán những người khác. Nhất quyết gây khó chịu để rồi lại kinh ngạc vì đã không làm người khác thích mình. Điên cuồng tìm kiếm cơn ngủ. Nghi ngờ một cách hồ hởi; làm mặt buồn với mọi thứ và phản đối mọi thứ. Từ cáu kỉnh lại sinh ra thêm cáu kỉnh. Trong tình trạng ấy mà cứ tự phán xét mình. Tự nhủ rằng: “Mình chết nhát; mình vụng về; mình đánh mất trí nhớ; mình đang già đi.” Tự làm mình trở nên thật xấu xí rồi đi soi gương. Đó chính là những cái bẫy của sự cáu kỉnh.

Chính vì vậy tôi không coi rẻ những người nói rằng: “Trời lạnh cóng nhỉ; chẳng có gì tốt hơn cho sức khỏe được nữa.” Bởi vì họ còn có thể làm gì hơn nào? Lúc gió Đông Bắc thổi mà xoa tay vào nhau thì sẽ ấm hẳn lên. Ở đây, bản năng có giá trị ngang với sự khôn ngoan và phản ứng của cơ thể gợi lên niềm vui cho chúng ta. Chỉ có một cách kháng cự lại cái lạnh, là vui sướng vì trời lạnh. Và, như Spinoza, bậc thầy về niềm vui, hẳn sẽ nói: “Hoàn toàn không phải vì đang ấm lên mà tôi thấy vui sướng, mà bởi đang vui sướng nên tôi thấy ấm lên.” Cũng vậy thôi, cần phải luôn luôn tự nhủ rằng: “Hoàn toàn không phải vì thành công mà tôi vui sướng; mà bởi vui sướng nên tôi đã thành công.” Và nếu như muốn theo đuổi niềm vui, trước hết bạn hãy dự trữ niềm vui cái đã. Hãy nói cám ơn trước khi nhận được. Bởi niềm hy vọng làm nảy sinh những lý do để hy vọng, và điềm báo tốt đẹp khiến cho sự việc xảy đến được. Vậy nên mọi thứ cần là điềm báo tốt đẹp và dấu hiệu hảo ý: “Nếu bạn muốn thì quạ cũng báo hiệu điềm may mắn”, Épictète phán. Và qua câu này ông không chỉ muốn nói rằng cần phải biến mọi thứ thành niềm vui; mà chủ yếu ông muốn nói niềm hy vọng tốt đẹp biến mọi thứ thành niềm vui có thực, vì nó biến đổi sự kiện. Nếu bạn gặp người gây chán nản, đồng thời cũng là người bị chán nản, thì trước hết phải mỉm cười cái đã. Và hãy đặt lòng tin vào giấc ngủ nếu bạn muốn mình thiếp đi. Nói tóm lại, trên cõi đời này chẳng ai tìm được kẻ thù nào đáng gờm hơn là chính bản thân anh ta. Trong một bài trước tôi đã miêu tả cuộc đời của một dạng người điên. Nhưng những người điên chẳng qua cũng chỉ là các nhầm lẫn của chúng ta dưới dạng phóng to lên mà thôi. Cơn cáu kỉnh nhỏ nhất nào cũng chứa đựng cái tật muốn hành hạ sao cho chóng vánh. Và chắc hẳn tôi sẽ không hề phản đối rằng dạng điên này có liên quan đến một thương tổn nào đó rất khó cảm nhận thấy trong hệ thần kinh điều khiển những phản ứng của chúng ta; mọi cáu giận rốt cuộc đều sẽ tự tìm ra con đường riêng. Chỉ có điều tôi thử nhìn nhận ở những người điên kia những gì có ích cho chúng ta, và đó chính là sự lầm tưởng đáng sợ vốn bị họ phóng to lên cho chúng ta thấy, như là nhìn qua kính lúp vậy. Những con người khốn khổ này tự hỏi và tự trả lời; họ tự đóng cả tấn kịch cho mình họ xem. Câu thần chú lúc nào cũng có kết quả. Nhưng hãy cố hiểu là tại sao.

21 tháng Chạp 1921

Jul 16, 2012

Hài

Hoàng Ngọc Hiến khi viết lời bạt cho tiểu thuyết Cơ hội của Chúa có nói rằng văn chương Việt Nam sao ít hài hước, và theo ông trong Cơ hội của Chúa có những đoạn rất hài, rồi ông dẫn chứng đoạn tiệc nhậu của mấy trí thức.

Đoạn dưới đây của Võ Phiến tôi thấy cũng rất hài. Tôi tưởng tượng khi viết tới đoạn ấy, nhà văn sướng lắm, và cũng rất mong muốn độc giả sướng như mình, vì cái hài cần một yếu tố để phát huy tác dụng: sự cộng hưởng

(truyện ngắn "Tâm hồn" ở trong tập Đêm xuân trăng sáng, in lần đầu vào năm 1961, sau này Võ Phiến in lại ở nhà xuất bản riêng của ông, tên là Thời Mới, vào năm 1965, nhưng chia tập truyện ra làm hai; NXB Thời Mới tồn tại từ năm 1962 đến năm 1972)


“Thảo và Liên rồi gặp nhau nhiều lần nữa, để nói chuyện về các món thuốc. Lẽ dĩ nhiên hai bên đồng ý rằng sức khỏe là hệ trọng nhất trên đời. Chân lý vốn có vô vàn con đường đi đến khác nhau. Cho nên cái việc hai người được gặp nhau, bất cứ trên một quan điểm tư tưởng nào cũng là rất may mắn. Đã gặp nhau vào những chỗ khuất nẻo may mắn như vậy thì rất khó lòng mà rời nhau. Chuyện may mắn cuối cùng xảy ra là hai người lấy nhau. Việc đó xảy ra trước khi Thảo kịp nhận thấy rằng Liên ốm teo và thèm thuốc như nhồng thèm ớt.

Trong những cuộc sống chung của hai người về sau, những kiến thức của đôi bên bồi bổ cho nhau. Mỗi khi đứa ở đi chợ về lôi trong giỏ ra một cặp chim bồ câu thì Liên bảo cho chồng biết đó chính là vị thuốc tên gọi cấp điểu; đứa ở đổ ra mớ khoai từ thì Liên bảo ngay tên nó là cam từ, tính nó mát; đứa ở lôi ra một con mực nan thì Liên giới thiệu là con hải phiêu tiêu, rất mát. Vụn vặt như củ tỏi, nhánh gừng, hạt tiêu để gia vị mà chúng có những biệt hiệu đứng đắn lạ: đại toản, sinh cương, hồ tiêu. Tầm thường như con gà, con vịt, mà cũng được đứng tên trong sách thuốc cả, cũng được phân ra hai phe hàn nhiệt cẩn thận.

Từ ngày cưới vợ, Thảo do vợ mà nhìn cuộc đời và cảnh vật với một cặp mắt khác xưa. Chẳng hạn bây giờ trông theo đàn gà anh biết là mình đang nhìn những vị thuốc biết đi lửng thửng [sic] trên hai chân, nhờ đó anh càng yêu chúng thêm. Thảo có khiếu văn nghệ. Những khi có thể chọn một hoạt động nghệ thuật nào mà không có phương hại đến sức khỏe thì anh không từ nan. Chẳng hạn có lúc anh ngâm nho nhỏ, thưởng thức vài câu thơ cũ:

“Tôi đến đây tìm lại bóng cô
Trở về đường cũ, hái mơ xưa,
Rau sam vẫn mọc chân rào trước,
Son sắt lòng cô vẫn đợi chờ” (1)

Liên im lặng lắng nghe, có vẻ cảm động. Một lát sau Liên góp ý kiến với chồng:

- Cái rau sam anh vừa nói đó, tên nó là mã xỉ hiện. Tính nó mát lắm, mà hay giải độc. Em để ý tìm mãi ở trong vườn mình không có, tiếc quá.

Ngoài cách thưởng thức thơ như thế, Liên cũng thích văn xuôi. Liên ưa loại tiểu thuyết mà đoạn đầu có nhiều tình cảnh thực éo le, và đoạn cuối cùng thì những kẻ lạc chồng, lạc vợ tìm gặp lại nhau, những kẻ bị bệnh hoàng đỡm [sic] hay thương hàn ngặt nghèo đều được chữa lành. Thảo đem quan niệm ấy ra chế giễu và phân tích với vợ rằng nó không được mới mẻ hợp thời. Liên chịu là chồng có nhiều khả năng và kiến thức mới về văn nghệ, Liên sẵn sàng nhượng bộ và nói tôn chồng lên: “Tôi chịu các ông…” Nhưng dẫu sao khi đọc chuyện, Liên vẫn cứ mong cho các nhân vật bị các chứng cảm mạo được chữa lành ngay trong tác phẩm trước trang chót thì vẫn yên tâm hơn.”

(1) Hồ Dzếnh (Hoa xuân đất Việt)

-----------

Kiểu hài này mãi về sau tôi mới thấy hao hao ở một nhà văn khác, là Ngô Phan Lưu. Ngô Phan Lưu là người Phú Yên, còn Võ Phiến là người Bình Định.

Jul 10, 2012

Chế Lan Viên vs Vũ Hoàng Chương

Nhân đọc “Hoa Đăng” của Vũ Hoàng Chương (miền Nam)

Chế Lan Viên

Một tờ báo miền Nam gần đây viết:

Về thơ, ngoại trừ Hoa Đăng của Vũ hoàng Chương đáng đánh dấu một sự chuyển hướng về sáng tác và của Đoàn Thêm một loại tiểu thuyết bằng thơ có tính cách một công trình dài hơi đề cập đến vấn đề nhân sinh xã hội, thì không còn thi phẩm nào có sự cố gắng đáng ta lưu ý”.

Vì lẽ ấy tôi đã tìm đọc Vũ hoàng Chương và Đoàn Thêm. Đoàn Thêm, thôi ta không bàn đến. Chẳng phải cái anh Đổng lý văn phòng của Ngô đình Diệm ấy đã bàn những chuyện chính trị phản động gì gì ở đây. Anh ta cũng khôn khéo lắm mà. Vào làm văn, anh ta cũng quên đi những giấy tờ vấy máu của tổng Ngô, để nói đến những chuyện thoát tục, nghìn đời, tập thơ anh tên là Từ Thức. Cái lẽ giản dị để ta không bàn đến vì anh ấy là một kẻ bất tài. Cái tài duy nhất có lẽ là sắp lại, nhai lại những ý, những lời đã mười lần sáo cũ.

Jul 7, 2012

Nhất Linh ở Sài Gòn

Hôm nay là ngày Trùng Thất, đúng ngày Nhất Linh qua đời (sự kiện năm 1963). Dưới đây là một số sách báo của Nhất Linh và liên quan đến Nhất Linh giai đoạn ở Sài Gòn (Nhất Linh vào Nam năm 1952). Giai đoạn này của Nhất Linh văn học sử miền Bắc gần như chưa hề động tới.

Hai tác phẩm quan trọng của Nhất Linh:


Hai số Văn về Nhất Linh:


Trong đó:

Số 14 “Tưởng niệm Nhất Linh” (15/7/1964):
“Thử xác định vị trí của Nhất-Linh Nguyễn Tường Tam trong văn học sử và trong lịch-sử Việt-Nam” - Nguyễn Văn Xung, g.s.
“Triết lý tuyệt hảo trong cuộc đời của Nhất-Linh Nguyễn Tường Tam” - bài nói chuyện của Trương Bảo Sơn
“Vĩnh quyết Nhất-Linh” - Nguyễn Mạnh Côn (“Bài này trước đây đã đăng trên tuần san NGÀN KHƠI, nhưng bị Kiểm duyệt cắt bỏ nhiều đoạn. Nay chúng tôi xin đăng lại nguyên vẹn bản văn”)
“Người bác” - Thế Uyên (Nhất-Linh trong dĩ vãng một người trẻ tuổi)
“Nghĩ về một thái độ trí thức…” - giáo-sư Nguyễn Văn Trung
“Khóc bạn” - Bùi Khánh Đản
“Chúc thư văn nghệ của Nhất-Linh” (giao thừa năm Quý Tỵ 1953)
Cùng bài viết, truyện, thơ của Vũ Hoàng Chương, Trần Như Liên Phượng, Tường Hùng, Nguyễn Thị Vinh, Duy Lam, Nghi Trang, Nguyên Trinh

Số 156 “Hoài niệm Nhất Linh” (15/6/1970)
“Ai điếu Nhất-Linh Nguyễn Tường Tam” (câu đối và điếu văn) - Vũ Hoàng Chương
“Hoài niệm Nguyễn Tường Tam” - Hiếu Chân
“Bệnh tật và cái chết của Nhất-Linh Ng. Tường Tam” - B.s. Trần Văn Bảng
“Nguyễn Tường Tam, một nhà văn “đa bất mãn hoài”” - Vũ Bằng
“Nhất-Linh và “Bướm trắng”” - Huỳnh Phan Anh

Một ít tạp chí Tân Phong của Trương Bảo Sơn, người bạn thân thiết của Nhất Linh; vợ Trương Bảo Sơn là Nguyễn Thị Vinh cũng là nhà văn (tác giả tiểu thuyết Thương yêu) và cô con gái của họ, Trương Kim Anh, được Nhất Linh đặc biệt quý mến, Nhất Linh từng vẽ Kim Anh thổi sáo từ một bức ảnh.


Tác phẩm của mấy người cháu nổi tiếng (Thế Uyên và Duy Lam):



Còn đây là mấy quyển "giai đoạn sớm" sau 1975 (88 và 91):


Jul 6, 2012

10 sách tháng Bảy 2012

1. Văn hóa… “gỡ”. Những tác phẩm mới phát hiện của nhà văn Vũ Bằng, Võ Văn Nhơn sưu tầm và tuyển chọn, NXB Phụ nữ, 60.000 đ.

2. Đi ngang Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến, Chibooks & NXB Văn học, 69.000 đ.

3. Bình Nguyên Lộc truyện ngắn (in gộp Ký thác, Những bước lang thang trên hè phố, Cuống rún chưa lìa), NXB Trẻ, tủ sách “Mỗi nhà văn - Một tác phẩm”, 110.000 đ.

4. Viết về bè bạn, Bùi Ngọc Tấn (in lại), Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 87.000 đ.

5. Cơ cấu trí khôn. Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn, Howard Gardner, Phạm Toàn dịch, Nguyễn Dương Khư và Phạm Anh Tuấn hiệu đính, 150.000 đ.

6. Phật giáo truyền thống đại thừa, Ghese Kelsang Gyatso, Thích Nữ Trí Hải dịch, Thiện Tri Thức & NXB Hồng Đức, 65.000 đ.

7. Trước lúc ngủ say, tiểu thuyết tâm lý, S. J. Watson, Nguyễn Lê My Hoàn dịch, NXB Trẻ, 85.000 đ.

8. Một mảnh trò đời, tiểu thuyết, Steve Toltz, Thi Trúc dịch, Phương Nam, dtbooks & NXB Hội Nhà văn, 175.000 đ.

9. Nhật ký hoàn toàn có thật của một người Anh điêng bán thời gian, Sherman Alexie, Ellen Forney minh họa, Nguyễn Liên Hương dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 60.000 đ.

10. Thế giới kỳ bí của ngài Benedict (tập 1: Bút chì, Tẩy và Người thắng cuộc), Trenton Lee Stewart, Carson Ellis minh họa, Đỗ Thu dịch, Alphabooks & NXB Dân trí, 119.000 đ.

Jul 4, 2012

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác

Nhớ lần duy nhất gặp ông ở Hà Nội, quãng đầu năm 2007. Một câu ông nói với tôi, thật đẹp, mà tôi nhớ mãi.

Mấy dòng thư thăm hỏi sau này, mấy bản thảo, giấy tờ mà ông gửi. Những người quen chung, dự định tìm hiểu về ông và nhóm "Ý Thức" còn dang dở.

RIP

Jul 3, 2012

Lạnh lùng tự lực mà đoạn tuyệt

Tháng Bảy là "tháng Nhất Linh": ông sinh ngày 25, mất ngày 7 cùng tháng (năm 1906 và năm 1963), sinh thì ở Cẩm Giàng, Hải Dương, mất thì ở Sài Gòn.

Cùng năm 1963, trong vòng sáu tháng, ở Sài Gòn có ba cái chết gây rúng động: Thích Quảng Đức, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và Ngô Đình Diệm; bức thư tuyệt mệnh của Nhất Linh (có câu đầu rất nổi tiếng, "Đời tôi để lịch sử xử") nhắc tới Thích Quảng Đức.

Thái độ khi viết lời tuyệt mệnh của nho sĩ và trí thức Việt Nam dường như luôn luôn mang hai ý chính: tổng kết đời mình và hướng tới tương lai. Phan Đình Phùng: "Vũ lược y nhiên vị tấu công", Phan Thanh Giản: "trả ơn vua, đền nợ nước", Trương Vĩnh Ký: "Cuốn sổ bình sinh công với tội".

Tôi nghĩ ở những con người này, sự tuyệt vọng thể hiện ở chỗ họ sẵn sàng lờ đi một điều rằng lịch sử hoàn toàn có thể không công bằng, tương lai và mai hậu hoàn toàn có thể cũng giẻ rách không kém quá khứ và hiện tại. Lịch sử, người ta hay nói, là chốn "thanh hoa", nơi kho tàng nhân loại vân vân và vân vân, nhưng dường như lịch sử giống một cái bể phốt hơn, lâu lâu có vấn đề lại xì ra những hơi khó ngửi.

Còn đây là bài thơ của Vũ Hoàng Chương tưởng niệm Nhất Linh:

Hạc vàng bay đi...
Lầu hoang sầu vây quanh
Đường ngôi hoang khói sáng bơ phờ
Bướm trắng bay đi...
Bầy lan run rẩy mộng,
Gai rừng khuya xé rách cánh bơ vơ
Một con người mê đời như ai kia!
Tài hoa như ai xưa!
Nức tiếng văn hay một thời
Uổng cho Sông Sen chưa từng hé nhụy!
Sông Dương chưa hề buông tơ!
Chỉ u uất một giòng Thanh Thủy
Nối vầng mây con lạc điệu hai bờ
Người ôi! Người ôi!
Chí sĩ đền xong nợ nước
Văn hào đã thỏa ước mơ
Hai bóng đi vào lối Sử
Riêng người một chuyến ra đi tìm thơ
Phải chăng bến quạnh sao mờ?
Lan xuông Bướm trắng, lầu trơ hạc vàng?

Sau tháng Sáu của Vũ Hoàng Chương là đến tháng Bảy của Nhất Linh.


Jul 2, 2012

Nhất Linh, 1961

"Trình độ độc giả cao thì nền văn hóa cũng cao. Độc giả sáng suốt, có quan niệm đúng về nghệ thuật sẽ giúp đỡ rất nhiều cho những tài năng chân chính, và sẽ có thêm nhiều thú thanh cao mà trước kia không được hưởng vì không biết đến."

[...]

"Dân nước mình cũng như dân Nhật đều là những dân tộc có tâm hồn nghệ sĩ. Vậy những ai ít học không nên vì lý do ấy mà bỏ cái thú thanh tao đọc sách như trên kia tôi đã nói và các bạn nghèo - tức là số đông - sẽ là những độc giả thúc đẩy mạnh nhất nền văn hóa nước nhà. Trừ một vài truyện về triết lý ra, các bạn nếu có cơ hội đọc những sách hay của thế giới thí dụ như Chiến Tranh Hòa Bình của Tolstoï, Đỉnh gió Hú của Emily Brontë, Cuốn theo chiều gió của Margaret Michell [sic], các bạn sẽ thấy không có gì khó hiểu cả, những truyện đó rất gần các bạn mà nếu chịu khó đọc lại lần thứ hai các bạn sẽ thấy hay hơn lần trước, các bạn sẽ được hưởng những cái thú thanh tao, có thể tự hào mình là những người văn minh hơn các tay triệu phú ở nhà lầu, đi xe hơi nhưng tâm hồn nghèo nàn, có rất nhiều phương tiện đọc sách mà lại chỉ đi tìm những thú vui vật chất rất tầm thường."

[...]

"Sự thích của độc giả lại còn tùy theo tuổi tác. Lúc còn nhỏ tôi đã đọc cuốn Vô gia-đình một cách mê say, đến nay đọc lại tôi thấy cuốn đó là một cuốn rất tầm thường. Phần đông phải hai mươi tuổi trở lên mới đọc được đủ các loại sách. Đối với những cuốn tả những cảnh u uẩn khuất khúc cần phải nhiều tuổi hơn, sống nhiều mới hiểu đầy đủ được cái hay."

[...]

"Không phải ở các nhà văn mà chính là ở sự đòi hỏi của đa số dân chúng nên ở các nước Âu Mỹ và Nhật Bản mới có một lâu đài đồ sộ về văn-hóa vượt xa nước mình một bực.

Kể riêng về mặt văn-hóa, nước mình có một số nhà văn có thể sánh ngang với các nhà văn nước khác nhưng trình độ độc giả lại thấp kém; các nhà văn Việt-Nam không thể sống nổi được nếu cứ cố viết có nghệ thuật cao. Vì sinh kế họ sẽ phải viết theo thị hiếu của độc giả mới có người coi và sách mới bán được."

(trích từ Viết và đọc tiểu thuyết, Đời Nay, 1961; cuốn sách này được viết từ 1952 đến 1960, là một trong ba tác phẩm quan trọng nhất của Nhất Linh sau 1945, bên cạnh Giòng sông Thanh ThủyXóm Cầu Mới)