Jan 31, 2018

1968 (7) Tết

Trước khi tiếp tục câu chuyện ở kia, tức là, cụ thể hơn, báo Nhân dân đã đăng những tin tức gì trong dịp Tết Mậu Thân 1968? (tương ứng với ngày hôm nay, 31 tháng Giêng, là mồng 2 Tết năm ấy):

+ đã hoàn thành bài báo của Heinrich Heine viết về xã hội Pháp năm 1832 (cuối cùng, Heine đã xử lý Lafayette ra sao?)
+ tiếp tục Nữ công tước de Langeais của Balzac (nàng công tước và chàng tướng quân làm những gì trong phòng boudoir của nàng? câu chuyện hoàn toàn có thể đặt tên là "Phong hóa phòng boudoir", và tất nhiên nếu là độc giả tốt, người ta sẽ nhớ ngay đến La Philosophie dans le boudoir của marquis de Sade)
+ tiếp tục cuốn sách về nước của Gaston Bachelard
+ tiếp tục Quán trọ Đỏ của Balzac (đã đến gần bước ngoặt của câu chuyện: Prosper Magnan đã làm gì trong cái đêm định mệnh ấy tại Quán trọ Đỏ trên đất Đức?)

Jan 30, 2018

Núp

Trong văn chương Pháp (điều này do Philippe Muray chỉ ra) chỉ có độc hai nhà văn luôn luôn được gọi bằng tên riêng (chứ không phải bằng họ tên đầy đủ, hoặc bằng họ): Rousseau và Nerval. Tức là khi nhắc đến Rousseau người ta sẽ hay nói "Jean-Jacques" (và ai cũng hiểu đó là Rousseau), khi nói đến Nerval người ta sẽ hay nói "Gérard" (và ai cũng hiểu đó là Nerval). Tại sao lại như thế? Điều này bắt nguồn từ sự cảm thương; ở Rousseau thì không rõ lắm, giải thích kỹ sẽ rất lằng nhằng, nhưng Nerval thì ta sẽ thấy ngay: đó là một con người viết ra một thơ ca đặc biệt mơ mộng (vì chúng ta đã bắt đầu đi sâu được vào Gaston Bachelard nên có thể nói rõ hơn: mơ mộng nervalien là mơ mộng mềm) và có một cái chết rất bí ẩn; người ta tìm thấy Nerval treo cổ trong một ngôi nhà rất hẻo lánh, cho đến nay đây vẫn chủ yếu được coi là một vụ tự sát, nhưng một số người bạn của Nerval (nhất là Baudelaire) nghĩ Nerval bị sát hại.

Jan 28, 2018

Nước

Các nhà nghiên cứu lý thuyết trong ngành nghiên cứu văn học ở Việt Nam có một nhầm lẫn rất lớn: tôi tin là tôi đã nhìn ra một nguyên nhân rất không nhỏ khiến không ít (thật ra tôi muốn nói tuyệt đại đa số, à mà thôi) nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đi vào con đường lý thuyết (hoặc tưởng là lý thuyết; rất nhiều lúc cũng được gọi - cách gọi gây nhập nhằng to lớn, ta sẽ còn quay trở lại - là lý luận). Đấy, tại sao một số người lại "làm lý thuyết" (hay "làm lý luận")? bởi vì họ yêu thích suy nghĩ theo kiểu lý thuyết? bởi vì họ có thiên hướng trí năng ngả về phía lý thuyết? Không, chủ yếu đấy là bởi vì họ tưởng (và lâu dần có lẽ thực sự tin) là những gì họ nói, người ta không kiểm tra được.

Văn chương miền Nam: Viên Linh

Tiếp tục câu chuyện hôm trước:


Jan 26, 2018

XIX. Quán trọ Đỏ

Và, phái nồn ly, đã có cuốn sách của năm 2017. Như vậy là vẫn chưa quá rằm nhé, và còn lâu mới đến Tết :p

Sao cho trong ấm là số XVII, tại sao giờ đã đến số XIX rồi? Tôi nhầm lẫn, bởi vì mấy cái thứ số La Mã quá phức tạp chăng? Cũng có thể; nhưng nói cho đúng, số XVIII tôi quyết định để lại sau: XVIII đích xác là cột mốc báo hiệu tôi đã đến đúng một nửa chặng đường Balzac của riêng tôi.

Jan 25, 2018

Một bài báo

Trước tiên, đã chỉnh sửa chút ít "kỳ 1968" mới nhất (đã đến rất sát Tết Mậu Thân) (khi post nhiều hình ảnh quá dường như rất dễ xảy ra một số lỗi quái dị).

Khi nhìn vào quá khứ, dĩ nhiên một cái nhìn toàn cảnh là rất quan trọng, nó giúp ta thấy được nhiều ý nghĩa cùng một lúc (nhất là những gì rất khác nhau, không mấy tương hợp, kể cả các mâu thuẫn và nghịch lý), nhưng lại cũng có nhiều khi một cú tóm bắt chi tiết cũng nói lên không ít điều (và thường là những điều khác). Một bài báo có thể giúp ta hiểu không ít (chẳng hạn ở kia hoặc ở kia), kể cả một bài trả lời phỏng vấn (chẳng hạn ở kia, ở kiaở kia).

1968 (6) Mồng một Tết Mậu Thân là ngày 29 tháng Giêng dương lịch

Tiếp tục câu chuyện hôm trước: tại sao trước đây, mọi lần có phái viên của một tờ báo nào đó đến mời tôi cộng tác (rất rất nhiều lần), trong cuộc gặp đầu tiên, bao giờ mười lăm phút đầu tôi cũng hoàn toàn lơ đãng, không cần phải để ý đối phương đang nói gì? Đấy là vì, chỉ sau vài lần, tôi nhận ra, trong vòng mười lăm phút ấy, tất tần tật, bất kỳ ai, cũng sẽ nói điều sau đây: họ nói họ muốn tôi cộng tác với tờ báo của họ, vì họ muốn tờ báo của họ được sang lên. Ta đã biết, trong một xã hội bourgeois, người nào giàu (hoặc nghĩ mình giàu, và thường là tưởng mình giàu) ngay tức khắc nghĩ đến chuyện sang (xem ở kia). Trong một xã hội bourgeois, sang chính là định mệnh của giàu. Đồng thời là khát khao: nhà báo là những người nhạy cảm nhất với cái tinh thần này, ở họ điều này thể hiện rõ nhất so với mọi tầng lớp xã hội khác. Ta cứ để ý, nhà báo Việt Nam luôn luôn khoe họ quen người này người kia; ấy chính là vì bản năng hướng đến sự sang nơi họ lúc nào cũng hoạt động với công suất rất lớn. Kể cả khi sự thật là phần lớn tờ báo ở Việt Nam trả mức nhuận bút chừng hai ba trăm nghìn cho một bài báo, thì điều vừa nói vẫn cứ đúng, và càng đúng hơn.

Jan 22, 2018

Một vụ việc ám muội (lại tiếp nữa)

Tôi đã nhìn thấy khả năng khá chắc chắn :p rằng Một vụ việc ám muội (phần 1, phần 2, phần 3) sẽ là cuốn tiểu thuyết dài đầu tiên của Balzac mà tôi sẽ hoàn thành. Tôi biết là nhiều người nói rằng tôi là loại người không bao giờ làm xong cái gì; yên tâm, tôi không coi đó là nói xấu (dẫu là sau lưng hay không, mà đúng, toàn là sau lưng), vì đúng là ở tôi chẳng có một chút ý thức nào về "sự hoàn thành". Tôi không thấy hoàn thành thì có giá trị gì, và tôi cũng nghĩ chẳng có gì trên đời này hoàn thành. Những cái hoàn thành tức là hết nhúc nhích, tức là không hề tồn tại.

Jan 21, 2018

Cấu trúc thơ hiện đại

Tiếp tục mục "đọc lý thuyết", trước hết đã hoàn thành đầy đủ bài của Roger Caillois về Montesquieu (tiểu luận tuyệt đối cần thiết đối với Montesquieu, không chỉ nhìn thấy được Montesquieu trong đầy đủ tầm vóc - điều này rất khó - mà còn khiến ta hiểu tầm vóc Montesquieu còn khủng khiếp hơn nhiều), tiếp tục cuốn sách về không khí của Bachelard (đã bắt đầu vào chương thứ nhất: đây là một trong những chương sách lý thuyết đối với tôi trác tuyệt nhất trong tổng số những gì tôi từng đọc), và cũng tiếp tục bài báo năm 1832 của Heinrich Heine về tình hình chính trị Paris, về Lafayette, về quân chủ và cộng hòa, cũng như về cuisine và máy chém (tiếp tục địa hạt Balzac, tôi đã tìm ra ở Heine một cái nhìn soi sáng theo một cách khác hẳn phong hóa và xã hội Pháp quãng thời gian Cách mạng tháng Bảy; Balzac và Heine là bạn của nhau).

Jan 18, 2018

Béatrix (tiếp)

Số XV (cho ai không hiểu ngay: 15) trong Balzac của tôi là Béatrix; đối với tôi đây là một trong những kiệt tác lớn nhất của Balzac và của văn chương nói chung (phần đầu ở kia).

Béatrix cũng là cuốn tiểu thuyết có mở đầu balzacien hết mức: nếu ai còn nghi ngờ, tôi xin nói là sau Béatrix phần đầu, đúng 100 post sau tôi mới lại tiếp tục được. Và cho đến tận lúc này, mới xong phần về khung cảnh, và các nhân vật bắt đầu xuất hiện.

Jan 16, 2018

1968 (5): báo là báo và nhà báo là nhà báo

Theo một mạch mấy kỳ "1968" (danh sách cụ thể ở dưới), chắc chắn không thể có chuyện người nào đó không thấy là hiển nhiên: báo Nhân dân thì chống Mỹ. Cách đây một số năm, tôi viết bài cho chính tờ Nhân dân (trông tôi vậy thôi, khục khục), đó là khi tờ Nhân dân ra một phụ trương và mời tôi cộng tác. Tổng cộng cuối cùng tôi cũng chỉ viết vài bài, dẫu ban đầu bên đó hứa mở riêng cho tôi một chuyên mục hằng tuần (những bài đã đăng chẳng hạn ở kiaở kia; không có đến mười bài tính hết thảy đâu). Nhưng tôi cũng thở phào may mắn với chuyện không cộng tác lâu dài với bên đó, bởi khi nhận báo biếu tôi mới trố hết cả mắt: phụ trương ấy giống y sì không khác mảy may hình dạng tờ USA Today. Đúng, một thời thì chống Mỹ, nhưng rồi lại đến lúc lấy đúng hình dạng của tờ báo Mỹ to đùng như vậy: bất kỳ cái gì, chỉ cần đủ thời gian, thế nào cũng biết thành hài kịch hết, không có ngoại lệ. Tất nhiên, tôi chẳng muốn dây vào mấy chuyện như vậy.

Bachelard: không khí

Tiếp tục mục "đọc lý thuyết": đã tiếp tục tiểu luận của Roger Caillois về Montesquieu (đến đoạn cuối rồi, coi như là sắp hết).

Trong khi tiếp tục mục "đọc lý thuyết", tôi đã nghĩ cần phải chọn nhân vật nào. Sau Albert Béguin, Jean-Pierre Richard, Leo Spitzer, George Steiner, Jean Paulhan, Michel Foucault hay Roland Barthes, nên là ai? Tôi đã do dự giữa Jacques Lacan, Jacques Derrida, Paul de Man và Paul Ricoeur. Rồi tôi quyết định chọn Gaston Bachelard.

Jan 14, 2018

Dăm sách mới

Dưới đây là một số trong những quyển sách mà tôi nhận được trong thời gian vừa qua, từ tác giả, dịch giả, cơ sở xuất bản, qua "trung gian" etc., rất cảm ơn.


Jan 12, 2018

Nữ công tước de Langeais (tiếp)

Sau khi đã tiếp tục được công cuộc Balzac (với Sao cho trong ấm - đã sắp đầy đủ), ta quay trở lại với một số tác phẩm còn dở dang: không thể để cho độc giả được sung sướng lâu quá :p

Đồng thời, vì Nữ công tước de Langeais là cuốn tiểu thuyết có nhan đề mang tên một phụ nữ, ta tiếp tục luôn hai cuốn tiểu thuyết (đều dài) khác đều mang tên phụ nữ: Ursule Mirouët (Ursule đã thực sự xuất hiện sau khi khung cảnh cuộc sống tại thành phố Nemours được miêu tả kỹ càng, cùng cái xã hội vây quanh ông bác sĩ Minoret) và Béatrix (các nhân vật cũng đã bắt đầu xuất hiện).

Jan 10, 2018

Dostoievski: tiếp tục

Ngập ngừng, tôi định viết tiếp bài ở kia, rồi tôi lại thôi, chờ đợi tiếp. Chờ đợi cái gì thì tôi không rõ. Cuốn tiểu thuyết Thằng ngốc là một trong những gì gây choáng ngợp nhất mà Dostoievski từng viết, sự choáng ngợp bắt đầu từ dòng đầu tiên, khi đoàn tàu hỏa từ hướng Vacsava bắt đầu chạy vào địa phận Saint-Petersburg. Một cuốn tiểu thuyết Nga khác cũng mở đầu bằng đoàn tàu: Anna Karenina, nhưng tất nhiên cuốn sách ấy rất khác so với Thằng ngốc. Dostoievski đã đọc, dường như rất kỹ, Anna Karenina, và có ghi lại vài điều; chưa bao giờ Dostoievski và Tolstoy gặp nhau: họ từ chối gặp nhau.

Tôi cũng ngập ngừng, sau ba tập sách dày (xem ở kia), tức là đến 1864, mãi không quyết định được là có tiếp tục không.

Jan 9, 2018

1968 (4)

Tin tức đăng trên Nhân dân số ngày thứ Ba mồng 9 tháng Giêng năm 1968, theo tôi, có tầm quan trọng không nhỏ, nên tôi chụp lại gần như đầy đủ nội dung cả số báo.

Những ai theo dõi chuyên đề 1968 (tôi sắp mở rộng phạm vi, không chỉ gói gọn vào riêng một tờ Nhân dân), kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, chắc đều đã bắt đầu nắm bắt được bố cục, thậm chí maquette (ma-két) của tờ Nhân dân vào giai đoạn ấy.

Jan 8, 2018

1968 (3): Tết trồng cây

Trong "kỳ" lần trước, nếu ai để ý kỹ (chắc chẳng có ai) thì sẽ thấy, ở trang cuối, xuất hiện một cái tên tác giả: "Lê Bình". Nhân vật cùng tên hiện nay hóa ra chẳng có gì là đặc sắc; sự trùng tên khiến cho rất nhiều thứ mất hết vẻ độc đáo lẽ ra đã (có thể) có. Một ví dụ nữa: trên báo Nhân dân giai đoạn này, ta thấy có một tác giả tên là Hoàng Tuấn Nhã :p

Dưới đây là tóm lược tin tức của ngày 6 và ngày 7:

Jan 7, 2018

Trở lại với Khái Hưng

Tầm này năm ngoái, tôi viết bài "Đoạn cuối của Khái Hưng", đó là thời điểm tôi đi tới được với một sự nhìn nhận mà tôi nghĩ là tương đối đầy đủ về một quãng thời gian mà tôi gọi là "22 tháng cuối cùng của Khái Hưng". Lúc đó tôi nghĩ, và bây giờ tôi vẫn cho là đúng thế, câu chuyện về 22 tháng này có một ý nghĩa không nhỏ đối với không ít thứ.

Jan 5, 2018

1968 (2): Ngày 5 tháng Giêng

Vì từ lần trước đến lần này (tức là hôm nay), chúng ta đã bỏ qua ba ngày, cho nên tôi xin tóm lược nhanh những chuyện gì đã xảy ra ngày 2, ngày 3 và ngày 4 tháng Giêng (dương lịch) năm 1968.

Các đồng chí Mông Cổ (dẫn đầu đoàn sang thăm nước ta là đồng chí So-no-mưn Lúp-xan) tiếp tục là những nhân vật quan trọng của số 2: trên số này đăng diễn văn của đồng chí, đồng thời cũng đăng diễn văn từ đại diện của chủ nhà, đồng chí Nguyễn Duy Trinh.

Jan 2, 2018

Kẻ không tham chiến

Georges Simenon là một sự quay trở lại. Năm 2018 sẽ là một năm của những sự quay trở lại (như hôm qua chúng ta đã thấy, xem ở kia). Chuyến tàu định mệnh chính là định nghĩa cho thấy thế nào là một cuốn sách lớn với vỏ bọc bên ngoài là sự đơn sơ tuyệt đối. Một sự trở lại của nhân vật tầm cỡ Simenon, ngoài nhiều điều khác, gây ngay ra một pha quái đản kinh điển: vốn dĩ nó được ghi "thể loại" (trên bìa sau) khác hẳn, nhưng ở pha cuối cùng, một ai đó, chắc là thợ xếp chữ (nếu bây giờ trong nghề in còn tồn tại công việc này và danh hiệu này) đã đổi lại thành "Trinh thám" gì đó: chắc hẳn người thợ xếp chữ thấy Simenon thì hiển nhiên phải là "trinh thám" (thật ra người ấy đã không hề sai), nhưng cũng cần phải nói rằng sẽ thực sự tai hại khi thợ sắp chữ lại quá hiểu biết văn chương. Ngay tiếp sau đây, rất sớm, sẽ tiếp tục có thêm một tiểu thuyết nữa của Simenon, lần này là một tác phẩm chưa bao giờ xuất hiện trong tiếng Việt: La Vérité sur Bébé Donge. Dưới đây là bài viết về Chuyến tàu định mệnh của anh Nguyễn Chí Hoan


Kẻ không tham chiến