Dec 30, 2012

Trường An là Trường An nào

Từ lúc sinh ra đến giờ, nếu mà có một bài thơ dài dài tôi thuộc được từng mặt chữ, “đọc trầm” được từ đầu đến cuối, thì đó là “Trường hận ca”. Ngay “Tỳ bà hành”, chỉ cần đến “Chủ nhân há mã khách tại thuyền” là bắt đầu ngắc. “Trường hận ca” hay từ một câu một từ một chữ một nét hay đi, “Dưỡng tại thâm khuê nhân vị thức”, đến “Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi” thì ôi thôi là rung động, rụng rơi từng tế bào. “Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng/Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi”, thế cho nên “Hậu cung giai lệ tam thiên nhân” thật là tuyệt đỉnh, phong lưu thì phải thế chứ, có những thứ nếu mà không đến mức không thể tưởng tượng nổi, không phải là đặc dị bí hiểm thì thôi đừng gọi ra làm gì, ví dụ như hoang phí, như khảm kha bất bình, như tài năng. “Hồi khan huyết lệ tương hòa lưu”, “Thánh chủ triêu triêu mộ mộ tình”, và “Hàm tình ngưng thế tạ quân vương” hẳn là nguồn gốc câu “Ngàn trùng e lệ phụng quân vương”… ôi trời ơi là trời ơi :p

(xong đoạn mở đầu tà đạo, giờ vào phần chính há há)

Dec 28, 2012

Sài Gòn và Hà Nội

Sài Gòn và Hà Nội khác nhau không chỉ ở chỗ một đằng thì gọi “chanh đá” một đằng thì gọi “đá chanh”, và hình như cũng không phải cứ đi đến tận cùng thì thằng nào con nào cũng giống nhau hết (mà tận cùng là cái gì vậy ta?) :p

Bắt đầu từ hồi năm ngoái, nhìn Sài Gòn của Catinat Đồng Khởi, Sài Gòn của những vùng ven, tôi thấy rõ chỉ Sài Gòn mới đích thực là một thành phố. Hà Nội của tôi (nói cho oai, chứ có mà “của tôi” khối, có con mẹ nào Hà Nội gốc nghe thấy nó lại chửi cuốc mả lên :p) là một thị trấn, mãi mãi là một thị trấn, có to lên thế này hay to lên thế nữa thì nó vẫn cứ là một thị trấn, một thị trấn to lên to mãi. Cũng đã có một thời hồi tôi còn là thanh niên mới nhớn, Hà Nội rất có vẻ muốn trở nên một thành phố, nhưng hào hứng chóng tắt cơn say chóng tỉnh, Hà Nội lại dập dìu mười giờ tối tắt đèn đi ngụ.

Dec 27, 2012

danh ca

không ngờ lại đến cái ngày như thế này, ngày sợ ra quán ngồi vì biết thế nào cũng nghe thấy Bằng Kiều hát, quán nào cũng bật Bằng Kiều

nam danh ca duy nhất mà Hà Nội sản sinh được trong suốt bao năm nay, giọng ca đặc biệt nhất từng làm nên những thời khắc đáng nhớ nhất của ca nhạc miền Bắc

giờ vật đổi sao dời, cũng giống những người hát underground giờ lên sân khấu trông như mấy con gà rù cú mèo thấy mà thương, cái giọng từng đẹp thế khi chỉ cho vài người, thậm chí một người duy nhất nghe, giờ loãng toẹt pha xi rô chữa ho còn chẳng nổi (bài hát cho anh giờ đã hát cho mọi người)

quán cà phê Hà Nội luôn luôn dã man, làm cho ai có cảm tình nhất với Bằng Kiều giờ cũng đâm ra căm thù

tôi vốn dĩ chẳng bao giờ thuộc nổi lời bài hát thế mà giờ cũng cực rành:

- chỉ còn gần em một giây phút thôi
một giây nữa thôi là xa nhau rồi
người theo cánh chim về vui với đời

- môi em lạnh để cho tình mình ấm
trời đang Tết hay lòng mình đang Tết

- khi tôi trao em linh hồn tôi
như ngôi sao băng qua đêm dài

- em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ

- rơi vào tim này muôn ngàn thương yêu

- vẫn biết đôi ta chia tay nhưng trong lòng còn mê say

nhất là khi lại còn cộng thêm giọng của em gì như cháo tim gan ngực to tướng (Mộng Tuyết thì phải) thì đúng là căm hận

trước đây mới chỉ có một ca tương tự, là James Blunt you have been the one :p

Dec 25, 2012

Buồn chán

Tôi ngại những lời tự khai của nhà văn, họa sĩ hay nhạc sĩ, kể cả khi được hỏi lẫn lúc chẳng ai buồn hỏi, phát biểu rằng họ sáng tác “bằng cả tấm lòng”. Giật gân như thế dễ gây tủi thân cho những ai tự xét thấy mình chỉ làm “các thứ” bằng một nửa, hoặc một phần tư, thậm chí chỉ một mẩu nhỏ của tấm lòng.

Tôi cũng ngại những đánh giá về một ai đó, bảo rằng người ấy làm một công việc gì đó với rất nhiều “tâm huyết”. Lưu lượng máu qua tim hẳn lớn (hết đợt này lại tới đợt khác) nên có những người lúc nào cũng tâm huyết, muôn thuở ở trong một sự bừng bừng khí thế nóng bỏng và gay cấn. Đến chiến sĩ ra trận đêm xuống còn lạnh xìu đi, nhưng nhiều nhà sáng tạo gây cảm giác lúc nào cũng giống y như một lò lửa lớn.

Dec 23, 2012

Xấu, Xóa mù và Xoắn

Xấu: nhan đề tiếng Việt quyển tiểu thuyết Grotesque lừng danh của Natsuo Kirino. Cuốn này được độc giả rộng rãi bên ngoài nước Nhật biết đến sau Out; Out là một câu chuyện đặc biệt phức tạp. Tác phẩm của Kirino dài, dữ dội, dã man, quỷ quyệt và chẳng bao giờ chịu nương tay trước bất kỳ cái gì. Yuriko trong Xấu là thêm một nhân vật nữ đẹp quái đản và quái đản xấu xa, nuôi quỷ trong lòng. Nhưng Xấu, từ sự quỷ quái của Yuriko, tham chiếu lên đó, chỉ ra những quỷ quái bên trong những con người khác thường được mặc định là không quỷ quái, nếu không tốt đẹp thì ít nhất cũng “bình thường”.

Xóa mù: không ít tác phẩm văn chương Hàn Quốc đã được dịch thời gian vừa rồi ở Việt Nam, nhưng đến Kim Young-ha thì tôi mới thực sự tìm được một “lối vào”, thấy mình bớt xa lạ với kiểu văn chương ấy. Tác phẩm của Kim sắp có bản tiếng Việt là I Have the Right to Destroy Myself (Tôi có quyền hủy hoại bản thân). Cuốn tiểu thuyết rất ngắn, khác hẳn dung lượng đồ sộ các tác phẩm của Natsuo Kirino, nhưng độ dã man thì không kém gì. Nó đi từ các tác phẩm nghệ thuật (ví dụ bức tranh Marat nằm chết trong bồn tắm, tay cầm bức thư vừa được Charlotte Corday đưa cho) đến một nhân vật làm nghề giúp người khác tự sát, một nghệ sĩ và một lái xe taxi (loại “bullet taxi”), và nhất là nhân vật nữ cũng nuôi quỷ trong lòng. Mấy bức tranh là một sự khiên cưỡng của tác giả, có lẽ vì muốn điểm trang một chút cho câu chuyện chết người của mình.

Xoắn: Trường An loạn của Hàn Hàn đã in xong: nếu mà thấy không nhẫn được nữa thì thôi đừng cố mà nhẫn nữa :d

Viết xong mấy cái ích xì trên đây mới nhận ra thế là đủ mặt cả Nhật, Hàn, Trung, cả khối “Đông Á” đồng văn mà Việt Nam rất muốn nhét mình vào :p; lẽ ra phải thêm vào một quyển truyện tiếng Việt, gọi là xợm :)

Dec 21, 2012

Georges Boudarel

Giữa hai quyển sách của Georges Boudarel là quyển về tướng Giáp và quyển dưới đây, lẽ dĩ nhiên quyển dưới đây hấp dẫn hơn nhiều :p


(Trăm Hoa Nở Trong Đêm Việt Nam)

Quyển về tướng Giáp, mặc dù rất nhiều lời khen ngợi, giống một "brochure" tiểu sử Võ Nguyên Giáp với nhiều hình ảnh (đẹp) hơn là một cuốn sách sử đúng nghĩa.

Georges Boudarel từng có một thời gian dài sống ở Việt Nam, gần gũi nhiều nhân vật, nhưng trong cuốn sách, liên tục có các chi tiết bị Văn phòng Đại tướng chỉnh lý vì không đúng, ví dụ lý do Võ Nguyên Giáp bị đuổi học là vì ông tổ chức biểu tình bãi khóa phản đối vụ đuổi học Nguyễn Chí Diểu chứ không phải như Boudarel nói; VNG từng bị giam ở Thừa Phủ chứ không phải Lao Bảo; Lê Đức Thọ chưa từng học ở trường tư thục Thăng Long, Hà Nội hay VNG đã về Việt Nam hoạt động từ năm 1941 chứ không phải 1942 như Boudarel viết trong sách. Đặc biệt, đã ở Việt Nam lâu nhưng Boudarel lại viết Võ Nguyên Giáp từng học cùng Nguyễn Thị Quang Thái (trong khi một người ở bên Quốc Học, một người bên Đồng Khánh).

Nói chung, quyển sách rất nhiều đoạn tả cảnh và miêu tả tâm trạng rất kịch tính nhưng khó tin.

Có những lúc, sử gia tạo cho tôi cảm giác họ đang che giấu lịch sử chứ không phải chép sử hay viết lại sử, ví dụ đoạn này trong "Lời giới thiệu" của Dương Trung Quốc:

"Nếu như G. Boudarel đã có nhiều đóng góp tích cực giúp Việt Nam đánh thắng chủ nghĩa thực dân thì ông lại không thành đạt khi ở lại Việt Nam tham gia vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì thế, cũng đến lúc ông phải chia tay với Việt Nam, nơi ông đã dành trọn tuổi thanh xuân cho một cuộc đấu tranh chính nghĩa không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà cho chính cả nước Pháp Tổ quốc của ông" (tr. 8).

Cũng liên quan đến Georges Boudarel:


(ảnh mượn tạm trên mạng Internet :p)

Dec 19, 2012

Sempé và Tati

Những mối liên hệ cảm thấy được, bỗng chốc khi nào thấy ai đó cũng nói, sướng tỉnh cả người :p

Như tôi luôn thấy Sempé và Tati chung một tinh thần, hôm trước thấy trong một bài phân tích cũng nói vậy. Thậm chí Tati còn gặp Sempé rồi nói ông giống tôi thế nhỉ.

Sempé vẽ tranh Le Petit Nicolas (nhóc Nicolas), tưởng đóng vai phụ cho Goscinny nhưng thật ra Nicolas mang nhiều dáng dấp của Sempé hồi bé hơn nhiều so với Goscinny. Sempé cũng từng nói hồi bé chỉ ông chứ không phải Goscinny mới đá bóng và từng đi trại hè.

Cuộc đời Sempé giống như một ước mơ trở thành hiện thực: Sempé thần tượng các nhà minh họa của tờ The New Yorker và đã sướng điên người khi được tờ báo nhận tranh để in. Cho tới giờ Sempé đã vẽ khoảng 500 cái bìa cho The New Yorker. Mỗi khi có tờ này, cái đầu tiên tôi xem cũng là tranh cartoon, rồi mới tới mục "Profiles" hay "Critics". Sempé từng mua tranh gốc của một thần tượng để treo trong nhà, bao nhiêu năm vẫn không tin nổi đó là sự thực.

Tranh Jean-Jacques Sempé là những đám mây vui (thật ra thế giới các nhà vẽ tranh kiểu này rất u ám, nhiều trầm uất và nhiều vụ tự sát thê thảm), phim của Jacques Tati cũng nhẹ bẫng một niềm vui thanh thoát. Và cả hai đều thực sự rất Pháp.

Dec 17, 2012

Tên của đóa hồng

Cách đây nhiều năm, tôi đọc Tên của đóa hồng, đọc truyện. Giờ, tôi lại đọc Tên của đóa hồng, đọc sách. Hehe, vào đề thế cho nó oách thôi chứ thật ra giữa hai chuyện đâu có gì khác nhau mấy.

Đọc lần này là để kiểm chứng một điểm tôi đã mơ hồ nhận thấy: tương ứng của Kim Dung bên Tây là Umberto Eco (tôi chả ham gì cái món Đông Tây y biện biệt hay Đông Tây y kết hợp chủ toàn với cả chủ biệt, nhưng có những cái nhìn ra được, quan trọng hơn là nói ra được).

Dec 12, 2012

Đỏ

Nhìn thấy quyển sách sắp sửa "ra" đến nơi, bồi hồi khó tả.



Đây là một trong các phác thảo bìa, không phải bìa chính thức. Tên tác giả cũng chưa chính thức; tên chính thức là một tổ hợp từ kém một so với tổ hợp từ ở đây :p

Đỏ, một tác phẩm đầu tay, với tôi có điều rất lạ. Nhà văn trẻ thường hấp dẫn người ta vì sự chông chênh, sự cực đoan, sự quá đà. Nhưng Đỏ lại vô cùng cân bằng. Đọc đi đọc lại và nghĩ mãi mới hiểu tại sao lại có sự cân bằng ấy, sự cân bằng mà qua trò chuyện tôi biết là tác giả hoàn toàn ý thức được.

Sự "người lớn" trong văn chương không phải vì cái gì mà có, mà nó tự nhiên như thế, có sẵn ngay từ đầu. Không phải cứ gọi "Hương Đầu Mùa" là hy vọng sang mùa khác có hương khác, đầu mùa cuối mùa có thể vẫn chỉ một thứ hương.

Với bản thân tôi, quyển sách này là cả một ý nghĩa. Một nhà xuất bản đúng nghĩa phải xuất bản được tác giả trong nước, nhất là tác giả mới. Cho đến giờ, các tác giả đã "qua tay" tôi: Nguyễn Nguyên Phước, Thuận, Ngô Phan Lưu hay Nguyễn Thúy Hằng (và sắp tới là Nguyễn Ngọc Tư), tôi đều "hưởng sái" từ thành quả những người đi trước. Cách đây vài năm tôi đã rất tiếc vì không in được tác phẩm đầu tay cho Nguyễn Nhật Minh, một cuốn tiểu thuyết có những đoạn theo tôi là tuyệt bút. Lúc nào làm lại nhé.

("Người môi giới" mà tôi đặc biệt cảm ơn: Vũ Phương Nghi. How things? :p)

-----------

Cúc cu miền Tây nhìn thấy cái ảnh dưới đây thì "á" lên một tiếng nhé :)

Câu đề từ nhé: "Nào ai ru được/Ba nghìn mắt mở chong chong...". Ức hong? :p

Dec 11, 2012

Nào :)

Văn xuôi của Nguyễn Bình Phương.


Hai quyển này cùng in vào năm 1991, Bả giời trước Vào cõi chừng nửa năm, trang xi-nhê của Bả giời 91 này có dòng chữ chết người: "In song và nộp lưu chiểu tháng 6/1991" (sic) :p

("Ngày gặp mặt trời, đêm chạm trán với trăng, hắn không thoát khỏi vòng tròn quái dị đó" - Vào cõi)

Dec 9, 2012

Sách (LIX) Sách của bạn


Janine Gillon ngày xưa cùng Phan Thế Hồng dịch Số đỏ sang tiếng Pháp. Sau này tôi mới biết thật ra Janine có bằng cấp rất cao. Nói chuyện với tôi, Janine chỉ kể mình là một trong khoảng hơn chục sinh viên của cái séminaire của Roland Barthes sau này có kết quả là quyển S/Z.

Janine đã qua đời vài tháng nay. Quyển sách của Vallejo này, Janine tặng tôi cách đây khá nhiều năm, nói rằng nhà văn này rồi đây sẽ khá lắm. Hồi ấy Vallejo chưa mấy nổi tiếng, giờ quả nhiên đã khá nổi tiếng rồi.

Dec 7, 2012

Hồ Thị Thu Hồng là một nhà báo giỏi

Vụ việc blogger Beo tức nhà báo Hồ Thị Thu Hồng đang có đầy đủ mầm mống cho một vụ ném đá tập thể ghê rợn, có thể là ghê rợn hơn cả trong lịch sử Internet tiếng Việt.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: dù có thế nào đi nữa, người ta cũng không được quên rằng Hồ Thị Thu Hồng là một nhà báo giỏi. Thời của Hồ Thị Thu Hồng, tờ Thể thao & Văn hóa thực sự là một tờ báo mạnh, một tờ báo rất đáng kể, một tờ báo đầy bản lĩnh. Từ một phụ trương èo uột ăn theo Espagna 1982, Thể thao & Văn hóa đã trở thành một đế chế báo chí hùng mạnh; đế chế ấy giờ đã vô cùng yếu ớt, trên con đường đổ dốc thẳng vào sự suy sụp, sau khi không còn được bản lĩnh của Hồ Thị Thu Hồng giúp sức nữa.

Dec 6, 2012

Cốt nhục tình thâm

Một tác phẩm nổi bật của Lê Vĩnh Hòa (Đoàn Trọng Hối):


Dec 4, 2012

Sách (LVIII) bưng mặt


xin trao thi sĩ vòng hoa tặng/chúng ta đã thắng giữa cuộc đời :)

Một tập thơ thường là, và luôn luôn nên giống như một món quà mà những người bạn của nhà thơ tặng nhà thơ. Tôi đứng ra làm quyển này nên thay mặt nhà thơ Nguyễn Thúy Hằng cảm ơn: Dương Tường, Nguyễn Chí Hoan, Trần Tiễn Cao Đăng, Vũ Hoàng Giang, Vũ Minh, Lý Trần Quỳnh Giang, Nhã Thuyên (vì đã có lúc nói với tôi đại ý là đừng bỏ cuộc; tất nhiên là tôi không bỏ cuộc, nhưng có một lời nói vẫn hơn nhiều), Dương Tất Thắng (vì sự kiên trì in hai tập trước của Nguyễn Thúy Hằng).

Dec 2, 2012

Võ Phiến trên Sáng Tạo

Thỉnh thoảng tự đặt ra một câu hỏi thuộc lĩnh vực văn học sử rồi tìm cách trả lời. Câu hỏi là: Võ Phiến có bao giờ cộng tác với tạp chí Sáng tạo hay không?

Câu trả lời là: Có, một lần duy nhất, đó là truyện ngắn "Kể trong đêm khuya" dưới đây, trên hai số Sáng tạo, số 20, tháng Năm 1958 và số 21, tháng Sáu 1958. Còn có một lần xuất hiện thoáng qua nữa, và từng có hai tác phẩm của Võ Phiến được Sáng tạo viết bài điểm sách, về tập Chữ tình và tập Người tù.

Tổng mục lục Sáng tạo do nhà văn Dương Nghiễm Mậu lập có thể tìm được trên Internet.