Nov 26, 2010

dịu dàng quá dịu dàng

nhìn tập thơ to, đẹp, trắng của Olga Berggoltz mới in, mỗi trang lại in nền hình cây gì như là cây bu lô (giới thạo tin đã biết tôi định nói quyển gì rồi nên thôi chẳng phải chi tiết mà làm gì), lòng tôi chợt bồi hồi khó tả

bao nhiêu là bài thơ bà ấy từng làm, chắc đến giờ người ta vẫn nhớ nhất, hoặc chỉ nhớ, cái bài có câu "tránh đừng đụng vào em mùa (...) rụng" :d

xời, bao nhiêu năm khốn khổ vì cái bài thơ ấy, các cô gái nhiều tâm hồn cô nào cô nấy đều "những đàn sếu bay qua sương mù và khói tỏa", mà sếu với cả khói, có bao giờ nhìn thấy tận mắt đâu cơ chứ, chỉ toàn fantasy là fantasy

mãi bây giờ già rồi mình mới hiểu, bà Olga Berggoltz ấy, bà ấy nói đúng lắm chứ không phải đùa, nhưng phải phân khúc ra, mỗi độ tuổi hiểu được một phần thôi

ngày xưa thì hiểu được "dịu dàng quá dịu dàng"

còn bây giờ thì phải hiểu được "không chịu nổi"

;ddd

cơn vớ vẩn đã qua rồi, bây giờ chào mừng bạn đến với cơn dịu dàng

Nov 24, 2010

Joseph gì

đợt trước một tờ tạp chí gọi điện thoại bảo có chuyên mục này cái bác đang giữ không viết nữa, nhờ tôi tiếp sức, tất nhiên là tôi từ chối, chủ yếu là vì lười, chẳng muốn làm gì, nhưng cũng vì tôi chẳng biết chẳng thiết viết cái gì về cõi đời ô trọc :) sau đó người cầm mục đó là Joseph Ruelle, tức Joe, tức Dâu Tây

hồi tôi còn chưa trẻ bằng bây giờ, chỉ có một Joseph được thân thương gọi là "Giâu", cứ "Giâu" thì tức là Joseph ấy, không thể trật được, "Giâu" ấy là Joseph McIntyre của New Kids On The Block, "Please Don't Go Girl"

giờ lại có một "Giâu", chả biết có đẹp giai như Joseph McIntyre không nhưng mà cũng cụt ngủn lắm

rồi đồng chí "Giâu" này bàn chuyện tên phim Cánh đồng bất tận, bảo sao lại để tên tiếng Anh là Floating Lives, mà lại không Endless Fields

đùa chứ nói thật đã endless thì phải Endless Love, mà đã fields thì phải Strawberry Fields Forever, chứ thiệt tình quá đi, thấy cái tên phim Endless Fields chắc tôi khỏi đi xem luôn

mà đã suy luận theo kiểu ấy, tôi cũng thấy lạ tại làm sao tên đồng chí ấy là Joseph Ruelle mà trong tiếng Việt cứ gọi là Dâu Tây nhỉ, dịch gì mà sái thế

Joseph Ruelle phải là Joseph Hủm chứ

Cronos

kiên quyết không buông tha :))

---------------------

Cronos

của Linda Lê

Christian Bourgois, 168 trang, 16 euros

Cronos mở ra bằng một cảnh bạo lực: một tên lính đánh đập rồi bắn chết một người đàn ông phạm tội quên mất giờ giới nghiêm, đắm chìm vào một quyển sách đang đọc. Một hành động đáng ghê tởm nhưng lại rất thường gặp ở Zaroffcity, nằm trong tay sự cầm quyền chuyên chế của "Người Hướng Đạo Vĩ Đại" Zaroff và Bộ trưởng Nội vụ kiêm Tư pháp của hắn, Karaci, kẻ có đầu óc biến thái và lo sợ mọi thứ. Người kể chuyện chính, Una, bị bắt phải lấy Karaci để cứu tính mạng cha mình. Quá chán nản và đau đớn, cô bước ra khỏi sự bất động trây ì của mình để nhận thức về sai lầm đã phạm phải: "Đây là một nơi trao đổi những lừa gạt, bởi tôi đã nhét ngón tay vào trong cỗ máy của quy phục". Câu chuyện ngụ ngôn đen này, nằm bên ngoài thời gian, miêu tả thật chân xác những quá đà rất thực của quyền lực: sự thô thiển của những kẻ cầm quyền, những tài sản mù mờ về nguồn gốc, tội ác không bị trừng phạt, bầu không khí của đổ vấy cho nhau, chủ nghĩa cá nhân bị dập vùi. Chúng ta cứ tin rằng Linda Lê, người thừa nhận là mình quan sát nhiều hơn là tranh đấu, không tìm cách viết một tác phẩm đả kích. Thế nhưng một câu như câu "(Karaci) đã đánh bả chuột thành phố: chúng ta bị đồng hóa với những con vật chuyên gặm nhấm sinh sôi nảy nở vô chừng cần phải tận diệt" có một tiếng vọng gây bối rối tới thời của chúng ta. Đó là bởi từ ngữ và cách sử dụng chúng nằm ở trung tâm cuốn tiểu thuyết này. Una có "một sự nhất quán nội tâm nào đó" là nhờ ở từ ngữ, những từ trong các tác phẩm mà người anh trai lưu đày của cô viết ra, những từ của những người chống đối lẻn lút, "những người không tưởng" trong đó có X, người sẽ làm đảo lộn cuộc đời cô. Sử dụng một từ vựng giản dị, những cách nói thông thường thậm chí là cũ mòn, Linda Lê đề xuất: sự đồng phục hóa lời lẽ dẫn tới sự mất phẩm giá của suy tư, và cả nữa: điều cốt tử diễn ra trong trọng tải từ ngữ, sức mạnh phát ngôn của chúng, chứ không phải là trong tính chất độc đáo của các biện pháp tu từ.

Cuối cùng, chúng ta hãy dừng lại ở hai dẫn chiếu nhiều ý nghĩa: Zaroff, gợi nhớ tới bộ phim trong đó vị bá tước này tổ chức tại hòn đảo của mình những cuộc đi săn xa đích, con mồi là con người; Cronos, vị thần Hy Lạp ("tâm tính méo mó" theo Iliade) ăn thịt con mình để tránh bị truất ngôi. Một cái nhìn méo mó về gia đình, trái ngược với cái nhìn của Una, người sống nhờ vào tình yêu dành cho cha mình, cho người anh trai và cho một chàng trai đầy sức sống mà cô coi như một người thân. Cùng họ, Linda Lê biến chuyển câu chuyện tượng trưng này thành hiện thân của truyện kể, truyền cho huyền thoại của nó các tình cảm và sức sống.

Pascal Jourdana
(Le Matricule des anges numéro 116, 9/2010)


---------------------

nhiều lúc ngồi nghĩ lẩn thẩn, nếu như mọi chuyện có chút xíu thay đổi, thì giờ này mình đang ngồi uống cà phê viết những bài như bài này, để chúng nó dịch ra :d thôi tự an ủi là giờ này mình cũng đang uống cà phê há há

+ Paris ne finit jamais

Nov 21, 2010

Brand New Ones: Emil Cioran

Thật ra là chẳng mới mẻ gì đâu, Emil Cioran chết lâu rồi. Nhưng sự đen tối, nghĩa là bóng tối đen thẫm, đen trũi, đen tuyền này, thì vẫn cứ mới. Trắng đỏ xanh vàng lâu lâu là cũ, nhưng đen thì lúc quái nào cũng mới :(

Với cả tôi lỡ "ôm" hết sách của Cioran rồi, không lấy Cioran khai mạc cho mục Brand New Ones này thì cũng tiếc :)

(mấy đoạn sau đây trích từ Le Crépuscule des pensées, Hoàng hôn của các tư tưởng, 1991)



Cứ việc nói vũ trụ chẳng có nghĩa gì, bạn sẽ không làm bất kỳ ai phật lòng - nhưng thử nói cùng điều ấy về một cá nhân mà xem, cá nhân ấy sẽ phản đối liền, thậm chí còn làm điều này điều kia chống lại bạn.

Chúng ta ai ai cũng vậy cả: ngay khi đó là một nguyên lý chung, tức thì chúng ta tự đặt mình ra ngoài vòng, chẳng buồn nháy mắt mà coi mình là ngoại lệ. Nếu vũ trụ không có nghĩa, thì liệu có ai thoát được khỏi lời nguyền của bản án đó không? Toàn bộ bí mật của cuộc đời chỉ có thế thôi: nó không có nghĩa gì hết, tuy nhiên mỗi người trong chúng ta lại tìm được nghĩa cho nó.

*
*       *

Thượng đế có rất nhiều lợi ích để bảo vệ những bí mật của mình. Đôi khi, chỉ một cái nhún vai giản dị cũng đủ phá hủy tất cả chúng; bởi từ lâu những suy tư của chúng ta đã làm chúng sụp đổ. Ngay một con dòi cũng đủ sức quấy nhiễu giấc ngủ của Thượng đế, miễn là nó có khả năng âu lo siêu hình.

Suy tư về Thượng đế đặt chướng ngại vật cho tự sát, nhưng không cho cái chết. Nó sẽ không thể thuần phục được cái bóng tối hẳn từng làm Thượng đế kinh sợ khi lần tìm mạch đập giữa cơn hãi hùng của cái Không.


*
*       *

Ngần ấy con người chỉ cách biệt với cái chết bởi nỗi hoài nhớ mà họ có về nó! Ở đó cái chết tạo ra một tấm gương cuộc đời, nơi nó có thể tự chiêm ngưỡng mình.

Thơ ca: công cụ của một thứ chủ nghĩa tự si chết chóc.

*
*       *

Các con thú, cũng như cây cối, rất buồn, nhưng đã không biến nỗi buồn thành một công cụ hiểu biết. Ở chính cách làm này, con người ngừng là tự nhiên. Cứ nhìn ra quanh chúng ta mà xem, ai mà không thấy rằng chúng ta liên hệ thân ái với cây cối, với các con thú và nhiều loại khoáng chất, nhưng với con người thì chẳng bao giờ hết.

*
*       *

Mọi thời điểm ấy khi cuộc sống im tiếng, để cho bạn nghe thấy sự cô độc của mình… Tại Paris, cũng như ở một thôn xóm xa xôi, thời gian co rút lại, nằm co quắp trong một góc ý thức, và bạn chỉ có một mình với mình, với bóng tối và ánh sáng của mình. Linh hồn bị cô quạnh, và trong những cơn co thắt vô hạn ấy, trồi lên bề mặt giống như một cái xác được vớt lên từ đáy nước. Chính khi đó người ta nhận ra mình có thể mất linh hồn theo một cách khác như trong Kinh Thánh.

*
*       *

Mọi tư tưởng đều giống những tiếng rên rỉ của một con dòi bị các thiên thần giẫm đạp lên.

*
*       *

Bạn sẽ không thể hiểu nổi “suy tư” là gì nếu không quen lắng nghe im lặng. Giọng nói của nó mời gọi sự từ bỏ. Mọi khai tâm tôn giáo đều là những nhấn chìm vào bề sâu của nó. Tôi đã bắt đầu hiểu được học thuyết của Phật ngay khi nỗi hãi hùng của im lặng túm lấy tôi. Im lìm vũ trụ dạy biết bao điều, rằng chỉ sự hèn nhát mới đẩy chúng ta vào vòng tay ôm của thế giới này.

Tôn giáo là một khải ngộ giảm mức của im lặng, một mềm mại hóa bài học của hư vô mà những tiếng thì thầm len lỏi đến ta, được lọc qua nỗi lo lắng của chúng ta và sự thận trọng của chúng ta…

Vậy nên, im lặng ở vào những đối cực với cuộc sống.

*
*       *

Có những khoảnh rừng trống nơi các thiên thần dừng chân: ở bên lề những sa mạc, tôi sẽ trồng các loại hoa để có thể được ngơi nghỉ trong bóng tượng trưng ấy.

*
*       *

Ngay mỗi khi các suy nghĩ của tôi hướng tới con người, tức thì niềm thương hại xâm chiếm lấy tôi. Vậy nên, cách nào đi nữa tôi cũng sẽ không thể nào tìm thấy được dấu vết của nó. Một sự đoạn tuyệt với tự nhiên tự ấn định bản thân mình trong suy tư.

*
*       *

Niềm say mê thánh tính thế chỗ cho rượu, theo đúng cách với âm nhạc. Cũng vậy đối với tình dục và thơ ca. Các hình thức biến tấu của sự quên, có thể thay thế nhau một cách hoàn hảo. Những kẻ say, các vị thánh, những người yêu đương và các nhà thơ, ở khởi đầu, cách bầu trời cùng một khoảng cách, hoặc đúng hơn là cách mặt đất cùng một khoảng cách. Chỉ khác nhau những con đường, nhưng mọi con đường cũng đều hướng tới không còn là người nữa. Chính vì vậy nỗi thèm muốn nội tại cũng kết án họ.

*
*       *

Rụt rè là một niềm khinh bỉ bản năng đối với cuộc đời; vô sỉ là một niềm khinh bỉ nặng lý tính. Sự động lòng là hoàng hôn của sáng suốt, một “xuống cấp” của trí tuệ ở tầm mức trái tim.

Mọi rụt rè đều mang sắc thái tôn giáo. Nỗi sợ không thuộc về một ai, sợ Chúa không là ai cả; còn về phần tác phẩm của ông ta… Sự nghi ngờ siêu hình tạo ra trong chúng ta một bản tính gây kinh tởm cho xã hội, gây phiền. Sự thiếu cả gan đối với những con người - khi mà sức mạnh tự gạn lọc để thành khinh bỉ - xuất phát từ một sức sống bất xác quyết của cái cốt tử với thế giới, mang nặng những nghi ngờ. Một bản năng chắc chắn và một niềm tin xác quyết chuyển cho bạn quyền được không thích đáng, thậm chí còn buộc bạn phải như vậy. Rụt rè là một cách thức đeo mạng cho một hối tiếc: bởi cả gan chỉ là một hình thức được sự vắng mặt của hối tiếc khoác lên mình.

+ don’t be shy

Nov 19, 2010

Săn cừu hoang

"Hồi đó, gần trường đại học có một quán cà phê nơi tôi thường tụ tập với bạn bè. Quán cà phê không có gì đặc biệt, nhưng nó phục vụ vài thứ không đổi: nhạc rock nặng và cà phê tồi.

Nàng luôn ngồi tại một chỗ cố định, khuỷu tay chống trên mặt bàn, đọc sách. Cặp kính cận của nàng - trông giống như cái niềng răng - và đôi bàn tay gầy guộc khiến cho nàng có một vẻ gì đó thân thương. Lúc nào cốc cà phê của nàng cũng nguội ngắt, lúc nào gạt tàn của nàng cũng đầy đầu lọc.

Thứ duy nhất không luôn như cũ là mấy cuốn sách. Một lần, tôi thấy nàng đọc Mickey Spillane, lần khác là Kanzaburo Oe, lần khác nữa là Allen Ginsberg. Không quan trọng cuốn nào, miễn sách là được. Tụi sinh viên đến quán uống cà phê cho nàng mượn sách, nàng nghiến ngấu không sót một cuốn nào từ đầu đến cuối, kể cả bìa sách. Đọc ngấu đọc nghiến, như người ta gặm ngô. Ngày đó người ta cho nhau mượn sách như một lẽ tất nhiên, và nàng chẳng bao gờ phải cố công đi lùng mua sách cả.

Đó là thời của những ban nhạc như The Doors, The Stones, the Byrds, Deep Purple và The Moody Blues. Không gian tràn đầy nhựa sống, cho dù mọi thứ dường như đang ở bên bờ vực sụp đổ, chỉ đợi một cú hích mạnh nữa thôi."

Các nhà văn của thế hệ ấy rồi cũng đều quay trở lại hết với những năm sáu mươi ấy. Ryu Murakami, Philip Roth (à Roth thì hơi già hơn :d), Ian McEwan... nhưng chẳng ai miêu tả được tuổi trẻ giống như Haruki Murakami, nhất là thời những năm hai mươi, hai mươi mốt tuổi.

Cuộc săn cừu hoang (A Wild Sheep Chase) này có một trong những tưởng tượng động vật nổi tiếng nhất của Murakami: "dương vật cá voi" :d bên cạnh mưa cá, ếch biết nói, mèo lim dim... Nhiều nhà văn giỏi rất quan tâm tới khía cạnh động vật của con người, cái khía cạnh rất có thể là quan trọng bậc nhất, như Desmond Morris đã khẳng định hehe.

Còn đoạn tả say rượu, năm xưa đọc quyển này, tôi đã thấy như là tả tôi :pp

"Cho dù có say đến cỡ nào, tôi bao giờ cũng có thể bước đúng mười sáu bước thẳng tắp từ cửa thang máy về phía căn hộ mình. Thành quả của bao năm nhọc công rèn giũa thứ kỷ luật tự giác vô nghĩa. Cứ khi nào say, tôi lại ưỡn vai, cố giữ cho cột sống thật thẳng, ngẩng cao đầu, rồi hít một hơi thật dài làn không khí mát lạnh của buổi sáng trong hành lang bê tông. Sau đó, tôi nhắm mắt và bước đúng mười sáu bước qua làn sương mờ mờ ảo ảo của rượu whisky."

"thứ kỷ luật tự giác" là "vô nghĩa" nhưng cũng phải "bao năm nhọc công rèn giũa" :((

Nov 18, 2010

Người đọc của Linda Lê

hic dạo này toàn double, triple, thậm chí có lúc còn ngấp nghé mức quadruple, thuật ngữ chuyên môn gọi là bắn pháo hoa chùm; dẫu thế nào (Kurt Vonnegut nói đừng có mà dùng dấu chấm phẩy, chẳng ra cái mẹ gì cả, dở ông dở thằng, nhưng mà thôi kệ ;p) thì cũng phải cố tránh như là Mỹ Đình

cám ơn tác giả, em Nhã Thuyên, đã đồng ý cho post bài này lên đây

------------------


Tôi vẫn nghĩ rằng, mỗi người đọc được quyền tìm đến những tác giả thích đáng nhất với họ. Bản thân sự lựa chọn này, dù tình yêu luôn hàm chứa nguy cơ bội phản, luôn ngầm xác lập quan hệ khăng khít giữa người đọc với tác phẩm và tác giả của nó. Chính bạn -người đọc - khi chọn một cuốn sách, một tác giả phải tự đối diện với những câu hỏi này: Vì sao ta muốn biết hay bị hấp dẫn bởi nhà văn này mà không phải nhà văn khác? Vì sao ta tìm đến họ? Ta chờ đợi gì? Điều gì đáng kể nhất - ở tư cách nhà văn của họ - tác động đến ta? Liệu có kích thích nào, cơn bùng phát nào, sức nổ nào sẽ xảy đến trong tâm hồn ta, chứ không phải lời tán dương hoặc mạt sát của báo chí, truyền thông hay các nhà phê bình thời danh?

Khi tôi nhận lời chia sẻ vài ấn tượng mỏng mảnh của tôi về Linda Lê, tôi lập tức thấy mình đã tự đẩy mình trước một hố sâu. Thật liều lĩnh, vì bản thân tôi không đọc cô bằng tiếng Pháp, dù may mắn là, những bản dịch với tôi thật xác đáng đến nỗi tôi không có cảm giác đọc văn dịch. Hơn thế, tôi có thể nói gì về một nhà văn mà tôi đã tự cảnh giác: câu chữ thôi miên này là phép thuật kì diệu hay là trò ngụy ngôn tà đạo? Trong nhiều trường hợp, phép thuật và trò tà ma có cùng vẻ bề ngoài. Với Linda Lê - vì mối cuồng nhiệt như bất ngờ xảy đến với bạn đọc Việt Nam thời gian vừa qua, mối cuồng nhiệt như thể đến từ một dấu hiệu kích động nào đó, mà trước đó, hình như không có nền tảng - tôi muốn tạm bỏ qua lí lịch đè trĩu câu chữ cô, để tránh bị hấp dẫn lầm một nhà văn đã xuất xứ từ đất Việt. Tôi muốn tạm quên những từ khóa mê muội chúng ta bằng vẻ xa lạ bí hiểm: lưu vong, cái chết, sự viết, đam mê, điên rồ, kẻ phản bội, v.v…

Tùy từng trạng huống, thậm chí phải tính đến cả những yếu tố tưởng rất bề ngoài như sức khỏe, tâm lý… người đọc sẽ dễ đón tiếp nhà văn này hơn nhà văn khác, kiểu phong cách này hơn là phong cách khác. Có khi tôi chỉ yêu được và chỉ tìm đến thứ văn chương thanh thoát hơn, nhẹ nhõm hơn, “cuộc đời” hơn, thôi thúc ta lên đường cùng các nhân vật trên chuyến xe bão táp, gặp kẻ ngáng trở gian hùng và phiêu lưu trong những chuyện tình bi kịch mà quyến rũ. Nhưng tôi cũng yêu sự điên dại, những hành trình đậm đặc bóng tối, những nhân vật quái dị, tự dốc vào miệng thuốc độc, nỗi cay đắng, tự đẩy mình kẹp chặt giữa hai bức tường chật chội để dằn vặt về sự bội lãng, chối bỏ, cắt lìa và dính thân xác mình lên bức tường đó. Như một người đọc, tôi bị chinh phục.

Dù mỗi cá nhân chúng ta ban đầu tồn tại như một dị biệt, nhưng thói quen nô lệ mài nhẵn những gồ ghề khúc khuỷu trên thân thể và trong tâm hồn, trong suy nghĩ của chúng ta, cuối cùng, chúng ta lại nhìn sự dị biệt - vốn nằm ngay trong bản thân mình - thành một của hiếm, một sự xa lạ nguy hiểm. Trong thế giới văn chương, nơi ngôn từ là chủ soái, không phải ai - dù là kẻ tạo tác ra tác phẩm hay người được thừa hưởng sự tạo tác đó - cũng dám đối diện với sự dị biệt và biến được nó thành sức mạnh.

Không nỗ lực kể một câu chuyện bôi trơn dây thần kinh hay thỏa mãn chút hiếu kì thường nhật ăn mòn thời gian của người đọc, thế giới của Linda Lê toàn thử thách. Ở đây, vì không dễ dàng để nói thấu đáo về các tiểu thuyết của cô mà tôi đã đọc là Vu khống (bản dịch của Nguyễn Khánh Long, nxb Văn học và Nhã Nam, 2009) và Tiếng nói (Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường, nxb Văn, 2005), tôi chỉ muốn lẩy ra vài truyện trong Lại chơi với lửa (NXB Văn học & Nhã Nam, 2010). Trạng thái kịch tính trong văn Linda Lê không đến từ những sự kiện bên ngoài, cũng không đơn thuần là sự căng thẳng nội tâm nhân vật, mà là sự căng thẳng của câu chữ đối nghịch bất tận. “Người khách” là một ví dụ. Một nhà văn lưu vong, hiện diện như kẻ đã được giải phóng khỏi chế độ độc tài, làm người viết ở xứ sở tự do, bị dựng dậy bởi người khách lạ - là nhân vật thoát thai từ đám từ ngữ của chính y. “Tôi tỉnh giấc. Bản thảo vẫn đấy, nguyên vẹn. Nhưng mó vào tôi tưởng như nóng bỏng, tựa hồ bên trong là một thân xác đang cơn sốt. Tôi không dám mở ra, e mình bùng cháy do một ngọn lửa chẳng phải do mình đốt lên. Thiên hạ hẳn sẽ cho là tôi điên, nhưng không có gì khiến tôi gạt được ý nghĩ xấp giấy vô tội kia không hàm chứa một bóng người” (tr. 39). Người khách đẩy nhà văn đến giá sách, nơi cư ngụ (hiện diện bằng tập truyện ngắn) của một nhà văn ở cố quốc, “một nhà văn kém may mắn hơn” “không những phải vật lộn với lũ quỷ của riêng mình mà còn phải tranh đấu để tiếp tục được cầm bút”. Từ đây, dưới câu chữ của tác phẩm là những đối thoại giằng xé về sự giải phóng và xiềng xích, là cuộc chạm trán giữa kẻ tự do và cái bóng ma của kẻ bị truy bức, mà y cảm thấy y phải nộp thuế cho sự tự do này bằng những dằn vặt không ngớt. Ở đây, cũng như trong “Trát đòi”, “Nói với tôi đi”… gốc tích xứ sở và lí lịch của Linda Lê là sợi dây siết cổ, là móc sắt cắm vào thân thể của chữ nghĩa - chữ nghĩa mang thân thể nóng bỏng. Cái kết thúc có thể gây cảm giác hơi cường điệu “Lửa thiêu rụi bản thảo. Tôi ôm siết trái tim rừng rực ấy” là một cách cứu vãn, một sự giải thoát. Trong sự chối bỏ quyết liệt, trong mưu toan quên lãng luôn đồng thời phải nhớ lại, phải day dứt về những phản bội, phải khắc ghi món nợ đeo đẳng như xác chết mà Linda Lê thường nhắc tới. Cái cảm giác về “tự truyện”, hay cảm giác khác, “sự ăn mình” khi đọc Linda Lê là có thể hiểu được. Tuy nhiên, giữa hư cấu và ứng xử thực tế có khoảng cách lớn: đừng dễ dàng tin những lời bề ngoài về việc Linda Lê không còn biết Tiếng Việt hay không lựa chọn Tiếng Việt để suy xét ứng xử của nhà văn. Thậm chí, sự chối bỏ quyết liệt có thể là một điều kiện của sáng tạo. Quá khứ, gốc tích, định kiến, sự trói buộc, tất cả - mọi xiềng xích theo nghĩa rộng nhất - cần được thiêu rụi.

Để đến được sự giải thoát, mỗi cá nhân phải sẵn sàng đầm mình trong điên cuồng, trong cuộc chiến đấu đau đớn chống lại mọi thói quen ù lì, dễ dãi, dù ngay khi nỗ lực phóng mình ra khỏi những xiềng xích, chúng ta vẫn không thể thoát khỏi bóng ma của nó, những vết trói còn hằn trên da thịt chúng ta. Nhân vật của Linda Lê, cũng như chính người đọc khi tham gia vào thế giới của cô, bị đẩy đến chỗ phải tự lập phiên tòa của mình, và phải nổi loạn. Như ngọn lửa, nổi loạn là một phẩm tính của văn chương. Vì nó giải phóng con người. Vì nó cứu vãn sự quên lãng. Vì nó sẵn sàng thiêu rụi hư danh phù phiếm nhẹ bẫng của tác phẩm để đốt cháy trái tim.

Vì thế, là quái đản hay gần gũi những bí mật bật ra từ các tử thi trong văn Linda Lê, xác chết của kẻ tử vì đạo, kẻ hiến mình, dù có thể chỉ hiến sinh cho chính cuộc thám hiểm rối loạn vào nội tâm. Một từ “sách” có thể “thình lình, tách khỏi trang giấy, nhảy vọt lên, cắn vào cổ người đọc”. Con Ruồi - kẻ sống bằng thối rữa - có thể đến hôn lên nỗi tổn thương, trở thành Nàng Thơ mới, và giống như nó, tôi - thi sĩ “sẽ sống bằng thối rữa của đời này, sẽ gieo khắp nơi mầm ô nhục” (tr. 9). Người thi sĩ, như Rimbaud đi trong mùa địa ngục, như Baudelaire lặn ngụp trong cái ác, cái chán chường, khi mất Nàng Thơ Đẹp, thì cái Thối Rữa, cái U Ám có thể trở thành một thứ bùa ngải, một bí mật, một vưu vật. Mặc dù sự nuông chiều cảm hứng lại tiếp tục đẩy thi sĩ vào nghịch cảnh mới: bầy ruồi nổi loạn và cuối cùng, thi sĩ đã thành vật hiến tế cho một thứ Phản Đạo được lưu truyền qua cuốn Kinh Bất Kính đầy ngập ruồi.

Cũng như những cơn ác mộng, những câu chuyện từ thế giới Linda Lê hầu như rất khó để kể lại, chúng tuột khỏi trí nhớ tôi, và tôi, vừa nhẹ nhõm hơn, vừa nuối tiếc không dứt về cái bí mật quyến rũ khó cưỡng của đêm khuya. Linda Lê xóa khoảng cách của cơn mộng và thực tại, bằng cách đưa thẳng người đọc nhập vào thế giới ấy với ngôn từ nóng bỏng, liên tưởng siêu thực bất ngờ mà xác đáng. Những hư cấu, ngụ ngôn và ẩn dụ, cùng sự đa nghĩa trùng phức cũng sinh ra bất tận từ những va chạm của từ ngữ hút chặt nhau bởi sự trái dấu và nhịp điệu cuộn xiết mà không có vẻ sắp xếp giả tạo hay cố ý làm dáng. Nhịp điệu ấy truyền cho ta sự phấn khích của hành trình viết và đọc, một hành trình bị đẩy tới hố thẳm đồng thời kích thích sự tự thách thức vượt qua giới hạn. Giấc mơ là một cách vượt qua giới hạn của thường nhật, và càng nằm mơ, bạn càng có nguy cơ mê mải với những giấc mơ của chính mình.

Những hoảng loạn, sự quái đản, những bí mật gây choáng váng, sợ hãi (nhất là những bí mật làm choáng váng bị ghìm nén đến những chữ cuối cùng như trong truyện “Sợi tóc”)… có thể cũng chính là sức mạnh của ngôn từ Linda Lê. Thuộc vào những nhà văn dị biệt, đọc Linda Lê không dễ có niềm vui. Ngôn từ của cô, nếu bị cuốn theo, sẽ đẩy ta vào tình trạng giam hãm không lối thoát, phải đối diện với cái tôi kì dị nằm sâu trong mình. Những trang viết của Linda Lê thực chất có thể coi như cuộc độc thoại kéo dài. Tuy nhiên, chính ở việc tự hành xác trong chuỗi độc thoại đó, người ta có thể tìm được sự giải thoát: Hoặc là viết, hoặc là đọc, dù cả hai đều có nguy cơ phải đổi bằng cái chết thân xác.

Chính ở đây, tôi muốn lưu tâm hơn đến một kiểu nhân vật trong tác phẩm của cô: kiểu nhân vật-người đọc. Kiểu nhân vật này xuất hiện ấn tượng trong Vu khống như kẻ sùng bái sách vở, kẻ thấy phép màu hiện ra khi phát hiện “dấu hiệu” từ trang sách, kẻ đắm tàu “thấy một bàn tay nơi chân trời, một bàn tay cử động trên mặt nước, một bàn tay sống”, “một bàn tay ra hiệu cho tôi và bảo tôi ít ra chúng tôi cũng là hai người đắm tàu trong biển cả cô đơn này”. (Vu khống, tr. 158). Những trang viết chìm đắm thường đem lại nỗi tuyệt vọng, trong chính thế giới của sách, đồng thời cũng đem lại hi vọng giải thoát, hay ngược lại, cảm giác hi vọng về sự giải thoát từ thế giới sách đồng thời đem lại nỗi tuyệt vọng. Cho nên, nhân vật trong “Vết cắn” cuối cùng phải trả giá, hay được đón nhận cái chết, vì một từ “sách”. Lebon trong “Ngày Bonel gặp người viết điếu văn khóc mình”, một tác phẩm như soi lại cuộc đời và tác phẩm của L. Borges, cũng phải trả giá bằng cái chết thân xác cho sự đọc. Và, nhìn rộng hơn, thế giới của Linda Lê, như nhiều nhà văn quan trọng trên thế giới, đã không chỉ cho chúng ta thấy tư cách một nhà văn đáng kể, mà còn là, và luôn là một người đọc đáng kể.

Tôi có được gì từ Linda Lê? Tôi không thích dùng từ Ngưỡng Mộ hay Cảm Phục. Những từ đó với tôi có phần xa lạ lẫn phù du. Tôi không phải fan của một ngôi sao ca nhạc. Với môt nhà văn mà toàn bộ sự quyến rũ cũng như số phận của họ dường nằm trong chữ nghĩa, ta buộc phải đọc đi đọc lại nhiều lần và sẵn sàng cùng tác giả truy đuổi nội tâm riết róng của chính mình. Những nhà văn chọn con đường hẹp và khó để đi thường là những kẻ có khả năng dò dẫm ra những điều bí mật tận đáy sâu. Nhưng điều rõ ràng, bất cứ người viết nào cũng có thể tìm kiếm con đường của riêng mình, nỗ lực vượt qua những biên giới địa lý và sự xa lạ, tái tạo căn cước trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ có thể giữ ta lại trên những miệng vực. Nó cứu sống và cũng có thể bất ngờ đẩy ta vào cõi chết đậm đặc bóng tối.

Tôi không tự xếp mình là “người đọc của Linda Lê”, tôi chỉ muốn nói về người đọc Linda Lê như tôi hình dung. Tôi cho rằng, một người đọc đích thực, một người đọc khẩn thiết với cá nhân mình, như nhiều nhân vật-người đọc trong tác phẩm của Linda Lê, cũng sẽ tìm kiếm con đường như kẻ viết, con đường để phá vỡ những giới hạn đầy mặc cảm, phá vỡ nỗi sợ hãi vì biết không bao giờ ta chạm được đến hiện thực và đến tận cùng câu chữ. Nếu nhà văn, như tôi hiểu, không phải kẻ có khả năng viết ra trơn tru những câu văn, mà là kẻ có thể dính cả da thịt mình vào chữ nghĩa, kẻ không ngừng đấu tranh với lũ quỷ của mình thì người đọc, không phải kẻ có khả năng đọc và nhận xét về một cuốn sách như thứ ở ngoài mình, mà ở nghĩa đậm đặc nhất, giàu có nhất của từ này, chính là kẻ sẵn sàng ngồi một mình trong phòng tối, trong cô độc với cuốn sách. Kẻ đó không đọc, mà sống với từng câu chữ, đón nhận cả những cú sát thương bất ngờ, khi câu chữ có thể nhảy ra cắn cổ.

Về sự phù phiếm

Có sự phù phiếm được ca ngợi và ngưỡng vọng như ở trong hiện thân của Audrey Hepburn được nhiếp ảnh gia Bob Willoughby bất tử hóa bằng một bấm nút (“Moon River”, “Breakfast at Tiffany’s”, Truman Capote và kim cương), và có sự phù phiếm kiểu khác, dường như tập trung trên khuôn mặt Christian Bale thủ vai Patrick Bateman trong phim “American Psycho”. Sự phù phiếm thứ nhất, người ta thầm mơ ước, gọi là thanh lịch, còn sự phù phiếm thứ hai, nó đầy vẻ “bệnh bệnh”, vẻ hào nhoáng nhưng gây ngần ngại, thậm chí là khiến tuyệt vọng trong một cuộc trượt vào không thể phanh hãm. Bret Easton Ellis, ở câu đầu tiên tiểu thuyết “American Psycho”, đã cảnh báo ngay, bằng cách dùng lại điều ghi trên cửa địa ngục ở “Thần khúc”, đại ý đã bước qua cánh cửa này thì mọi hy vọng hãy để lại bên ngoài.

Ở phương diện luân lý truyền thống, phù phiếm hiển nhiên không phải là một phẩm chất, nhưng “xử lý” nó là cả một công cuộc nhức óc: luân lý gia Montaigne (1533-1592) bỗng từ bỏ dạng tiểu luận ngắn thường thấy, một kho báu về sự thông thái, ngay khi cần đề cập tới phù phiếm. Tác phẩm “Bàn về sự phù phiếm” (“De la vanité”) của Montaigne dài như một khảo luận hoàn chỉnh, với vô số ví dụ từ lịch sử La Mã (nhà văn ẩn dật kỳ lạ không ưa Hy Lạp mà chỉ thích quẩn quanh với những Alba, Cicéron, Horace, Virgile). Nhà ngôn ngữ học Quintilien dạy: “Simpliciora militares decent” (Nói năng đơn giản hơn thì thích hợp với binh lính). Những bữa tối xa hoa của Trimalcion, như Pétrone miêu tả trong “Satyricon”, thường là đối tượng cho sự châm biếm mỉa mai.

Nhưng cũng hiển nhiên là sự phù phiếm tồn tại, và tồn tại một cách tốt đẹp, phởn phơ (thật ra là cũng không phởn phơ cho lắm). Thử không nhìn bằng con mắt luân lý (cũng như nhân văn chủ nghĩa, cái thường coi mọi miêu tả văn chương về sự nổi loạn đều là trên con đường dẫn tới một nhận thức về “Bắt trẻ đồng xanh”), những nhà văn như Bret Easton Ellis đã làm một điều: ngôn từ hóa và cặn kẽ hóa cuộc phù phiếm, trường danh lợi (Vanity Fair) với cái nhìn từ bên trong nhưng đầy nỗ lực khách quan.

Có “người tiền nhiệm” là Scott Fitzgerald, có các “đồng đảng” như Jay McInerney (cùng là thành viên của nhóm văn chương Brat Pack lừng lẫy cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI) bên Mỹ hay Frédéric Beigbeder bên Pháp (trong tiểu thuyết “Một tiểu thuyết Pháp” xuất bản năm 2009, Beigbeder dành hẳn một đầu chương tả McInerney say rượu ngã trên hè phố), có lời khen nồng nhiệt của Michiko Kakutani, năm 1985 Bret Easton Ellis khai mạc cho đời văn của mình bằng “Less Than Zero”, tức “Như không hề có” (Minh Thi dịch, Nhã Nam & NXB Văn học), cuốn tiểu thuyết đầy tuổi trẻ, ma túy, tình dục, chuyển động quanh những cái tên sặc mùi phù phiếm nhất của cuộc sống chốn Nam California: The Roxy, Malibu, Sunset Boulevard, Universal Studio… Và đó là một cuốn tiểu thuyết thật buồn, buồn như “Gatsby vĩ đại”.

Nhà văn hiện thực không dừng lại ở nơi nhà văn viết truyện cổ tích dừng lại: Balzac không thỏa mãn chùn chân ở chỗ chàng và nàng vượt qua đủ loại chông gai để lấy được nhau (“Cửa hiệu mèo chơi bóng”), còn những nhà văn như Bret Easton Ellis khởi hành từ ngay phía sau của giấc mộng Mỹ được hoàn tất. Cái gì xảy ra sau đó, sau thành công tột bậc, sau cánh gà, sau phù phiếm tuyệt đối, mới là điều đáng quan tâm hơn cả. Người ta có thể buồn chán ở Beverly Hills hay không? Câu trả lời, thật tệ, là có, mặc cho bao nhiêu gam heroin hít vào người và bao nhiêu xe Porsche để cưỡi. Vấn đề dường như trượt khỏi khởi điểm của nó: không phải phù phiếm là thuộc tính tất định của con người nữa, mà buồn chán có thể nằm ở bất kỳ đâu, cả trong phù phiếm.

Clay, Blair, Julian, Trent… và rất nhiều nhân vật trẻ tuổi con nhà giàu khác nữa của “Như không hề có”, một cách anh hùng, cứ ngày ngày gánh vác sự phù phiếm của họ. Xét cho cùng, như “sư phụ” Scott Fitzgerald của Bret Easton Ellis đã viết ở đâu đó: “Những người rất giàu, họ rất khác chúng ta”. Cái thế giới ấy là một điều kiện sống, không hơn, giống như câu của Virgile mà ông già thông thái Montaigne từng mượn khi viết về phù phiếm: “Quippe ubi fas versum atque nefas” (Nơi trộn lẫn cái đúng và cái sai).

Nhị Linh

Nov 17, 2010

The Things They Carried...

... were largely determined by neccessity :p

Ngạt thở luôn, nhá. Anger is sometimes good for health ;d

Nhưng mà cũng Don't Look Back In Anger, nhá.

Mà mãi cổ điển, nhà văn nổi tiếng quá mức cũng chán, nhỉ. Tôi định mở một mục Brand New Ones, chỉ toàn nói về các nhân vật mới mẻ trẻ trung, hoặc những gì chẳng bao giờ xuất hiện ở Việt Nam cả. Chán cổ thì xoay sang kim, chán kim rồi sẽ quay về cổ, cho nó máu :)))

Quảng cáo trước một phát rồi đi uống sữa đã.

Nov 16, 2010

... và Vargas Llosa, finally

Sau Dì Hulia và nhà văn quèn, Mario Vargas Llosa, giờ đây đã có tư cách mới (một Nobelist), sẽ thực sự xuất hiện ở Việt Nam bằng một cuốn tiểu thuyết tầm cỡ, quan trọng, là quyển này.

Trước mắt cứ thế cái đã, chắc phải còn lâu nữa mới có thể xuất bản những quyển như Lầu Xanh (La Casa verde, tức Green House).

Đối thoại trong quán La Catedral lấy đề từ là câu của Balzac (một cách tự nhiên, Llosa là nhà văn dấn thân, nhà văn dấn thân thường mê chất hiện thực, dồi dào, tổng quát của Balzac, chỉ các nhà văn kiểu Alain Robbe-Grillet mới ghét Balzac):

"Il faut avoir fouillé toute la vie sociale pour être un vrai romancier, vu que le roman est l'histoire privée des nations."

Cái câu rút từ Petites misères de la vie conjugale này nói tới "tiểu thuyết gia thực thụ", là người xới tung, lật tung cuộc sống xã hội lên, bởi "tiểu thuyết là lịch sử cá nhân/lịch sử nhỏ của các quốc gia".

Santiago Zavalita là một nhà báo (các bác có để ý thấy là nhân vật của các nhà văn cánh tả rất hay là nhà báo không, như là Martin Eden của Jack London ấy), cuốn tiểu thuyết khởi đầu bằng một vụ mất chó, và ngay tiếp theo đó là một cuộc gặp lại. Và quán La Catedral tồi tàn của dân lao động hạng bét, đông đặc người da đen.

+ Nhân tiện nói tới giải Nobel văn chương: dạo này Ngô Bảo Châu bị lên án, chỉ trích etc. rất nhiều vì nhận căn hộ của nhà nước. Tôi thì tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ được nhận giải Fields rồi (mười năm chắc không đủ để giải xong một bài toán :p) nhưng nếu được nhận một cái giải tèng tèng hơn giải Fields, chẳng hạn như Nobel, mà nhà nước tặng căn hộ cho tôi, thì tôi cũng nhận thôi. Nhận rồi sau này làm được ối việc, chẳng hạn như là để chứa 100.000 quyển sách, với cả cũng sẽ trả lại cơ mà, khi trả có thể kèm luôn 100.000 quyển sách kia nữa. Danh dự quốc gia là một chuyện, nhưng còn có danh dự cá nhân nữa chứ.

Mời mọc :))

Có hai nơi nhờ tôi thông báo về hội thảo, tọa đàm, post lên đây cho nhiều người biết vậy:


----------------------

NXB Tri Thức tổ chức buổi nói chuyện về chủ đề "Roland Barthes - dấu ấn, không phải là ảnh hưởng", diễn giả Daniel Bougnoux, tại p. 107, nhà B, Khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, 136 Xuân Thủy, Cầu Giấy, 9h thứ Tư 17/11/2010

Daniel Bougnoux đẹp giai phết :) là người cùng Régis Debray lập ra một tờ tạp chí ngày nay mang tên Médium, chuyên ngành communication; tôi nhớ đã từng đọc và trích dẫn một quyển sách của Daniel Bougnoux cho một cái luận văn nào đó, nhưng nhìn danh mục sách của Bougnoux thì lại chẳng thấy có quyển nào quen cả, lạ thật. Dưới đây là bài viết có lẽ Bougnoux sẽ trình bày vào ngày mai; thú thực là đọc tôi chả hiểu gì cả :d, "Căn phòng sáng sủa" mà Bougnoux nói ở cuối bài là "La Chambre claire", "Phòng sáng", cuốn sách viết về nhiếp ảnh, "phòng sáng" là để đối lập với "phòng tối" trong nhiếp ảnh.


Dấu ấn, không phải là ảnh hưởng

Tiêu đề được chọn cho cuộc gặp gỡ của chúng ta có thể báo trước một cuộc điều tra về sự truyền tải : ảnh hưởng của một nhà tư tưởng được truyền tải tốt nhất qua kênh nào, qua những luận đề của ông hay qua phong cách của ông ? Từ khi tôi đưa ra ý tưởng áp dụng từ dấu ấn (số nhiều) cho những công trình nghiên cứu về Roland Barthes, tôi thấy nó có mặt gần như ở mọi nơi, như thể nó có khả năng kéo chúng ta về phía cơ thể, về một sự hiện diện phân tán thành những mảnh lẻ, những mảnh vỡ, có thể là những cái giằm.

Roland Barthes sẽ cho chúng ta nghe một diễn văn quyến rũ hơn là mang tính khoa học, và diễn văn này có thể tỏa ra thế giới một sự lây lan nào đó ; tôi nghĩ đến cách Nietzsche nói về sự thực trong triết học, trong một khổ văn nổi tiếng trong cuốn Bên kia cái thiện và cái ác : chỉ cần sự thực là phụ nữ, người ta sẽ không tóm lấy nó bằng lý lẽ cũng không bằng những luận đề…

Tuy nhiên trong triết học, khoảng những năm 60-70, Roland Barthes không chiếm được vị trí nổi bật. Ông không chia sẻ những mục tiêu lớn lao của Althusser, Deleuze, Derrida, Foucault hay Lacan, chắc chắn là người ta có nhắc đến ông bên cạnh họ nhưng ông vẫn bị coi là còn non nớt. Tuy nhiên Non nớt cũng chính là cái hằn sâu - nhất là những dấu ấn.

Ở đây, khi xử lý những dấu ấn đối với Roland Barthes, tôi hàm ý mời nhà nghiên cứu nói về ông bằng cách nói về chính mình. Quả thực, tín hiệu học của dấu ấn cho thấy một sự tiếp nối khiến phải bối rối, ở đó đối tượng và chủ thể của diễn ngôn không được phân biệt rõ ràng. « Tác giả mà tôi gọi cho mình là Roland Barthes này » tôi có thể nói, theo cách mà chính ông nói về Nhật Bản, được xây dựng lại theo cách sử dụng cá nhân của ông và vì thế mà trở thành quá nhạy cảm. Cũng như Barthes che giấu trong số chúng ta những dấu ấn quá nhạy cảm : vừa không có khả năng kết nối trong một không gian chung, vừa không thể định vị rõ ràng được.

Vậy nên chúng ta sẽ nói về ông không phải bằng siêu ngôn ngữ - mà ông chạy trốn, như thể ông nghe thấy ở đó độ rắn ngạo nghễ của kim loại, chứ không phải là sự êm dịu của cái trung tính – mà theo hình thức ái hữu, hay qua đàm thoại : Roland Barthes tác động đến cá nhân tôi là do đâu, qua những điểm nào ? Không thể đọc tất cả cũng như nói tất cả về ông, vả lại sự tỏa sáng của ông là không có gì sánh nổi, nhiều bài viết của ông đã cũ đi rất nhiều. Thậm chí là, về mặt truyền thụ mà ông đã góp phần tạo cơ sở (bằng cách kết hợp tín hiệu học, ngữ dụng học và một sự quan tâm chu đáo tới những điều kiện vật chất, tổ chức và cơ chế của phát ngôn, ở những cấp độ khác nhau của diễn ngôn), mà những bài viết của ông đã trở nên lỗi thời một cách thú vị. Roland Barthes gắn bó mật thiết với kỷ nguyên in ấn với những uy tín đang dần xa. Nhưng điều đó không làm tụt hạng phong cách cũng như tinh thần của ông, và những dấu ấn của chúng ta trở nên mang tính đạo đức-thẩm mỹ hơn là kỹ thuật hay lý thuyết.

*

Phần lớn những chứng sợ hay những « con sứa » [Roland Barthes dùng từ « con sứa » để chỉ những điều gây sửng sốt]. của Roland Barthes quay xung quanh trục chi phối :

– điều vô nghĩa lý : thường thì người ta không biết ảnh hưởng hay tầm chi phối của nó. Từ cùng một học thuyết khi thì rất rõ, khi thì mập mờ, các học trò đưa ra một phiên bản giống hay theo giáo lý của người thầy…

– quy ước (và ý thức gắn với nó – ) : chúng ta bơi trong đó, chúng ta suy nghĩ thông qua nó. Nó không như một vật hiện ra trước mắt, không như một tập hợp những biểu tượng hay những nội dung có thể tranh luận hay có thể bác bỏ được. Không có chuyện đoạn tuyệt với nó, nó dường như luôn tái sinh và tái hiện ra trong ta ;

– tự nhiên, hay đúng hơn là tự nhiên hóa, ảnh hưởng vô biên của điều hiển nhiên, của điều mà người ta cho là đã được đưa ra, đã được tiếp thu.

Ba « con sứa » này, được khảo sát trong Huyền thoại, là những con nhiều chất kết dính nhất bởi chúng vượt xa cả sự thể hiện, về mặt hệ sinh thái, vỏ ngoài hay ở giữa. Nhưng chúng ta hãy bàn tiếp :

– một vật chỉ hơi có quan hệ khách thể hay khó mà giữ ở khoảng cách xa, ngôn ngữ : luôn « phát xít » theo ngôn từ có thể là đáng tiếc, nhưng nghe rất vang, của Bài học vĩ đại năm 1977 ? Quả thực, người ta sẽ phân biệt ngôn ngữ với những chiến thuật của lời nói. Tuy nhiên vẫn phải cần đến nó, vậy nên mới có cuộc chiến không hồi kết, nó tiếp diễn trong phát ngôn, văn phong và chính xác hơn là trong văn học không ngừng trả công cho sự khiếm khuyết của các ngôn ngữ này ;

– những thái độ mệnh đề : hình thức binarisme [Toàn bộ những phương pháp phân tích ngôn ngữ bắt nguồn từ lý thuyết ngữ âm của Jacobson theo đó những mối quan hệ giữa các đơn vị bị rút lại thành những đối lập nhị nguyên], gắn với ngôn ngữ, diễn ngôn chính đề hay cơ sở, sự đòi hỏi nghĩa được biểu đạt cuối cùng hay « sự phân tích cuối cùng ». Sự kiêu ngạo, « con vật uế tạp của chủ nghĩa giáo điều », nghĩa là sự gắn kết một hệ tư tưởng với quyền lực. Điều đó đã bắt đầu với việc lựa chọn một sự tiếp nối cú pháp, một trật tự lý trí cứng nhắc, một xâu chuỗi nặng nề…

– một số mệnh đề tìm trong chúng ta một sự ưng thuận chung hay không tranh cãi ; do đó mà có những điều bực bội cuồng loạn, những đám tụ tập đồng thuận bị các ngành công nghiệp văn hóa dập khuôn, những nỗi sửng sốt, dính nhớp, ám ảnh…

Roland Barthes đối lập với tất cả những điều này những liều giải độc khác nhau. Trên mặt trận cuối cùng này, ông đặc biệt được gọi là Bertolt Brecht : tác động tạo khoảng cách, chấn động, kẽ hở hay sự mỉa mai trong diễn ngôn, mở màn (sử thi) không cầm tù thân thể cũng như ý nghĩa. Sự chia cắt thành những bức tranh và sự thận trọng (phân tích, các bảng chữ cái, hơi thở, gắn kết lại…) đi theo cùng một chiều hướng. Roland Barthes đối lập ảnh hưởng của logic-ngôn ngữ với cái Trung tính, nghĩa là chủ yếu là sắc thái và những ánh lấp lánh của phát ngôn. Ông đối lập những trò chơi quá khép kín hay cứng nhắc của khái niệm (Begriff luôn mang nghĩa là móng vuốt và sự thô bạo của bàn tay) với việc gièm pha cái Không-Muốn-Nắm bắt vốn đã đi vào phần cuối của Những đoạn của một diễn ngôn tình yêu. Ông đối lập những chỉ huấn giáo điều của giáo sĩ với những trò chơi của nghệ thuật (như Nietzsche trước đó).

Vậy nên một phần quan trọng trong tác phẩm của Roland Barthes dành cho sự chiêm nghiệm phức hợp, khắt khe và từ lâu vẫn dựa trên cái có nghĩa là tạo ra ý nghĩa, và làm thế nào để chống lại định nghĩa quá vội vàng về nó, làm sao xóa bỏ sự thô bạo của nó và sự chiếm đoạt của nó. Nhân đây người ta quan sát những biến tố, thậm chí là một số sự quay ngược trở lại theo dòng nghiên cứu.

Lúc đầu ngự trị cuộc chiến chống lại quan niệm có sẵn, sự đe dọa phát giác theo bản chất hay sự đồng nhất lớn mạnh – kể cả ở trường đại học. Khi đó Roland Barthes nhấn mạnh đến hiệu quả ẩn của những mật mã (một phần vô thức hay đồng hóa), những cấu trúc xã hội hay những hiện tượng nhân tạo kí hiệu - đại chúng tạo ra hiệu ứng tức thời, sự an ủi trí tuệ và lương tri. Trong khuôn khổ đầu tiên này, người ta có thể nói về kí hiệu học, về phân tâm hay về chủ nghĩa Brecht : cùng một cuộc chiến ! Hành vi phê bình để lộ ra sự dàn dựng cái lại - thể - hiện ở khắp mọi nơi mà ánh mắt cận, bột phát hay bị lạm dụng yêu cầu sự hiện hữu, bản chất, cái bột phát, sự tiếp nối loại suy hay cái được công nhận là hiển nhiên. Vậy là về điểm này Barthes trùng quan điểm với phê bình theo thuyết của Derrida về những siêu hình của sự hiện hữu ; và sự ca tụng thể hiện sân khấu đã được xây dựng – nghệ thuật tạo khoảng cách, tạo khuôn mẫu chung về không gian và thời gian và mật mã – ngăn chặn sự xâm chiếm thô bạo của thế giới hay của tự nhiên thông qua hiệu ứng tẩy rửa tay vịn, hiệu ứng này minh họa bằng ví dụ về sự cắt đứt tín hiệu học và sự liên kết có ý nghĩa đầu tiên. Trong khuôn khổ đầu tiên này, chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật vậy là đã bộc lộ thành kiến, sự trở ngại hay sự dễ dàng trong tư duy, và nhìn chung là con nhà nghèo ; trái với những kỵ sỹ hay những đại úy của nó (Garaudy !), rõ ràng là việc phát hiện ra những công cụ và những mưu đồ tín hiệu học đã từ rất sớm, đối với Roland Barthes, là nguồn gốc của lạc thú.

Thế nhưng với nhiếp ảnh, hay như đã từng xảy ra với âm nhạc, hay một loại thi ca nào đó, hay với hiệu ứng của thực tế đã được lý thuyết hóa vào năm 1968, Roland Barthes sẽ thăm dò và ưu tiên cho tín hiệu học cấp dưới của dấu hiệu, tín hiệu không khóa mã hay ngoài cấu trúc, nghĩa là khu vực tiếp xúc tối tăm lờ mờ giữa sự hiện hữu có thực và sự thể hiện này.

Điểm ảnh, hào quang, giọng văn thống thiết giả tạo là những cách đi về phía thực tế nhiều hơn, và càng ít ảnh hưởng càng có nhiều sự hiện hữu của thế giới và nhiều khoảng cách hơn.

Bước ngoặt nghịch lý, và khó khăn ; làm sao hiểu được sự mâu thuẫn này ? Chắc chắn là bằng cách tách biệt cái có thực và thực tế. Tôi đề nghị, ở giai đoạn thể hiện này, cùng nhau đặt ra và kết hợp hiệu ứng-gây-cảm-giác-thật, thơ hai-kai [Một thể loại thơ Nhật bản gồm ba câu theo cấu trúc nhịp âm tiết 5/7/5], sự choáng ngợp yêu đương và thử thách hay dấu ấn nhiếp ảnh. Có gì chung giữa bốn trải nghiệm này (liệu có những trải nghiệm khác không) ? Nắm bắt, trong mỗi trường hợp, lại đi với bị nắm bắt. Sự chiếm đoạt, tình yêu, nhiếp ảnh hay thi ca, xuất phát từ một nỗi ngạc nhiên, và được giải quyết bằng việc chấm dứt phụ thuộc ; và chủ thể cảm thấy mình bị tung hỏa mù với vật thể trong một cái không thể chia cắt được, một nội tại không thể trộn lẫn báo hiệu sự chấm dứt của cái tôi tiên nghiệm. Tính nội tại này có đặc điểm là khả năng xúc giác : sờ mó chính là được sờ mó, vuốt ve chính là ve vuốt. Chính ở nơi mà nắm tay của Begriff hoạt động bằng cách nắm bàn tay lại, cái Không-Muốn-Nắm-Bắt để mặc gan bàn tay mở ra để nhận vuốt ve, nhận những ánh lóng lánh của sự tiếp xúc và của sự tiếp xúc nghệ sỹ. Diễn ngôn hay ý nghĩa không tồn tại. Trong cảnh gợi tình này, lạc thú không đeo vương miện cho sự chiếm giữ mà đeo cho sự ngạc nhiên.

Thử nghiệm hay thử thách điểm ảnh nói riêng không tạo thành hình ảnh trước mắt mà cảm nhận thấy nó trên thế giới của một cuộc xâm lăng và của một màn lên đồng kín đáo khiến tôi bị nắm tay - nắm giữ - đờ người. Giống như là choáng ngợp yêu đương. Hay ít ra là trong ánh sáng nhỏ tí xíu của thơ haï-kaï. Điểm này là sự đảo ngược nắm bắt, sự (không) nắm bắt của chủ thể nhạy cảm – và thất bại của sự chú ý, của sự quan sát bình thản thoáng qua hay siêu cấp độ.

Dấu ấn của điểm ảnh thay đổi cách nhìn thành khoa học về xúc giác, nhưng sự tịch biên này hay cảm giác đột ngột này không thể hiện được điều gì, chúng khiến cho chủ thể thấy thích chính bản thân mình. Cũng một thử nghiệm (biến đổi) điều sâu thẳm thể hiện trong cảm giác choáng ngợp yêu đương, cảm giác này hòa tan hay làm đổ sụp những biên giới quá cứng nhắc giữa chủ thể và vật thế. Vậy là đón nhận dấu ấn, bằng cách bấm vào tay tôi hay nắm lấy tay tôi, làm đảo ngược quãng đường của ảnh hưởng và của tất cả những Muốn-Nắm-Bắt. Sự quan tâm đến những dấu ấn làm giàu cho ngữ dụng học nhận biết, và chỉ ra rõ hơn những trạng thái (đối lập) của một chủ thể tha giác hay xúc động. Những dấu ấn đào sâu trong ta cái Không-Muốn-Nắm-Bắt, sự bị động căn bản của chúng làm giảm nhẹ sự kiêu ngạo và những bạo lực không tránh khỏi của những phát ngôn khác nhau của chúng ta.

Thế nhưng sự tiếp xúc nghệ sỹ này không phải là đặc ân của xúc giác. Lời nói bao bọc một sự tiếp xúc ngầm ẩn, trong thị giác có một chức năng xúc giác cũng như có một ý nghĩa trong chức năng giao tiếp của lời nói - cả hai cơ quan xúc giác/giao tiếp này, có thể hoán vị cho nhau, đều là tiếp xúc cả.

Vấn đề dấu ấn này và tất cả tín hiệu học – đạo đức học, mỹ học – của chỉ số nổi lên trong chúng ta, giữa nội tại, không phần chìa ra hay sự theo dõi của một trật tự tượng trưng. Dấu vết được giữ lại cũng nhắc cho chúng ta sinh thái học viết văn : bản thân văn bản luôn ì ra nếu nó không bị vò nhàu và được xem xét qua ngữ cảnh của nó. Cái có thật len lỏi theo cách này vào những thế giới riêng, và thật là hạnh phúc vì chúng ta đã nhanh chóng làm cho chúng ta nghe thấy nhau cho dù chúng ta nấp sau những hàng rào tín hiệu học và văn hóa của chúng ta, chính ta hay nhiều người.

Sự mời gọi của giai điệu, của sự phân tán hay của đoạn trích dọc theo những văn bản của Roland Barthes như là chữ ký và dấu ấn của cái có thật. Sự gián đoạn này, mà ông còn gọi là vết nứt trong một bài viết rất hay về B. Brecht, tìm cách nói ra đồng thời sự đa dạng không ngờ (không xử lý nổi) của cái có thật, và những gián đoạn tinh thần cũng như những thay đổi đột ngột không ngừng của chính chúng ta : làm mồi cho sự ô hợp của những khoảnh khắc, chúng ta là những chủ thể gián đoạn, khó nắm bắt ; và, trong trường hợp của Barthes, dị ứng với ý tưởng, con sứa thực sự, bị những người khác nắm giữ - nếu tin vào ngụ ngôn luân lý nổi tiếng về món khoai tây chiên được phát triển trong « Hình ảnh », hội thảo của ông ở Cerisy. Chúng ta hãy nhớ lại, nhất là trong một hội thảo về Roland Barthes, cấu trúc Không-Muốn-Nắm-Bắt đã làm tăng gấp hai lần cho mãi mãi sức mạnh của câu Không-Muốn-Bị-Nắm-Bắt !

Nắm bắt với hai nghĩa hiểu và cầm là từ cuối cùng của Đế chế tín hiệu ; « thực tế không thể xử lý » cũng khép lại Căn phòng sáng sủa, tác phẩm xuất bản vài tuần trước cái chết của chính Roland Barthes. Cái chết là gì nếu như không phải là tên của cái có thực này hay sức mạnh phán quyết lời cuối với chúng ta này?

----------------------

NXB Hà Nội tổ chức buổi giới thiệu Minh thực lục - quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thế kỷ XIV-XVII Thanh thực lục - quan hệ Thanh-Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX tại Cà phê Trung Nguyên 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội vào lúc 9h thứ Bảy, 20/11/2010

Dịch giả Hồ Bạch Thảo sẽ có mặt ở buổi giới thiệu sách này.

Thanh thực lục thì in lâu rồi, Minh thực lục 3 tập hiện nay vẫn còn hơi khó kiếm, các bác cố gắng tìm nhá, quãng 500.000 cả bộ :)

What I Talk About When I Talk About Running

Nam nhi trượng phu không bao giờ nói đến hai điều: những người đàn bà anh ta đã chia tay (hoặc đã chia tay anh ta), và những khoản thuế mà anh ta từng phải nộp. Haruki Murakami bịa ra một câu ngạn ngữ như thế ở đoạn mở đầu What I Talk About When I Talk About Running. Trong số các taboo của đàn ông, thật ra ngoài tình và tiền còn có sách nữa: chẳng ai thực sự nói thật về số lượng sách mình đã đọc :)) nhưng dù sao thì đã là nam nhi trượng phu mượn sách của người ta thì phải trả, nhá hehe.

Tôi thì không phải fan của chạy bộ, tôi thấy chạy bộ thiếu kịch tính lắm, mỏi chân lắm, chỉ sợ ngủ gật trong lúc chạy ;p

--------------


Chạy để viết

Không thường khi công chúng văn học biết được bia mộ nhà văn mà họ yêu mến sẽ viết gì, vào lúc mà nhà văn vẫn sống và vẫn viết, thậm chí là viết khỏe. Thế nhưng Haruki Murakami, không mấy vương vấn với những tránh né kiêng kỵ kiểu Á Đông, đã công khai hóa những gì sẽ được đề trên bia mộ của ông sau này ở phần cuối cuốn sách mới nhất, “What I Talk About When I Talk About Running” (Tôi nói gì khi bàn về chạy bộ, NXB Knopf 2008, Philip Gabriel dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh): “Haruki Murakami (1949-20**), nhà văn và người chạy bộ. Ít nhất thì ông chưa bao giờ đi bộ”.

Mấy dòng vắn tắt này (bia mộ nói chung cũng thường vắn tắt, như nhà thơ Thường Quán từng viết: “Xứ này bia mộ chỉ vắn tắt”) ngoài tiết lộ Murakami kiệm lời, còn cho biết với chính ông hai hoạt động quan trọng nhất của cuộc đời chính là viết và chạy. Thêm một điểm nữa khiến Haruki Murakami khác với một nhà văn Nhật cùng họ với ông và cũng lừng danh không kém: trong cuốn tiểu thuyết "69" mới được dịch sang tiếng Việt, Ken, nhân vật chính của Ryu, không bao giờ chịu đựng nổi cái trò chạy bộ ngớ ngẩn. Mặc dù được trời phú một dung tích phổi lớn đặc biệt, chỉ cần chạy được vài phút là Ken nhất quyết thong thả đi bộ (và tất nhiên là chấp nhận về bét trong mọi cuộc thi, không bao giờ thấy cắn rứt lương tâm).

Cuốn sách mới nhất của Haruki Murakami tương tự như một hồi ký, một dự án mà nhà văn đã có ý định thực hiện trong nhiều năm nhưng phải đến giờ mới hoàn thành được, sau khi đọc lại đống sổ chuyên dùng để ghi chép việc chạy bộ, một dạng nhật ký nhà văn, nhưng chỉ về một chủ đề duy nhất. Không giống những cuốn tiểu thuyết của ông, lần này lời đề tặng hết sức rõ ràng: “Tôi đề tặng cuốn sách này cho tất cả những người chạy bộ mà tôi từng gặp trên đường - những người tôi đã vượt qua, và những người đã vượt qua tôi. Không có các bạn, hẳn tôi đã không thể duy trì việc chạy bộ lâu đến vậy.” Một lời đề tặng nhìn chung là đặc biệt, phần nào đó có thể so sánh với lời đề tặng hay nhất lịch sử theo chuyên gia điểm sách người Pháp Pierre Assouline: theo ông, Jules Vallès đã viết được lời đề tặng số một đó, và chúng ta có thể đọc được câu văn trứ danh này trong tiếng Việt theo bản dịch của nhà thơ Trần Dần: “Tôi tặng cuốn sách này cho NHỮNG AI bụng nhồi đầy tiếng Hy-lạp, tiếng La-tinh, mà chết đói” (câu này nằm ở đầu tập thứ hai mang tên “Cậu tú” của bộ sách ba tập ký tên Jules Vallès, một thời cũng từng khuynh đảo tâm trí của giới bạn đọc Việt Nam).

Nhờ lấy chạy bộ làm hoạt động thường nhật (hoặc gần như vậy) mà Haruki Murakami có được một trải nghiệm rất đặc biệt và gây thèm muốn với bất kỳ dịch giả nào trên đời (ngoài viết văn ông còn dịch rất nhiều tác phẩm của Mỹ): trong khi dịch cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của John Irving viết về những con gấu, Murakami xin được gặp nhà văn, và đã được Irving mời chạy bộ cùng trong Công viên Trung tâm (New York), tranh thủ vừa chạy vừa trao đổi luôn. Rồi suốt một thời gian dài ở Tokyo, sáng nào đi chạy ông cũng có một cơ hội đầy phấn khích là được gật đầu chào một người phụ nữ tuyệt đẹp thường xuyên chạy giống như ông (điều này khẳng định tính đúng đắn của câu ngạn ngữ “Con chim dậy sớm thì bắt được sâu”). Nhưng quan trọng hơn cả, nhờ chạy bộ thường xuyên mà Murakami, một con nghiện thuốc lá trước đây, giữ được sức khỏe tốt để liên tục cống hiến cho độc giả thế giới những cuốn tiểu thuyết hấp dẫn. Cho đến lúc viết cuốn sách này, ông đã không còn ngần ngại mà đặt tên cho một chương là: “Phần lớn những gì biết về viết văn tôi đều học được bằng cách chạy bộ mỗi ngày”.

Trong cuốn sách sử dụng lại cái nhan đề nổi tiếng, như nhiều độc giả hẳn đã nhận ra, của một tập truyện ngắn Raymond Carver (“What We Talk About When We Talk About Love” - Chúng ta nói gì khi bàn về tình yêu; sắp có bản dịch tiếng Việt), Murakami trình bày con người mình theo một cách thức đặc biệt trực tiếp, trong đó nổi bật là quan niệm của ông về sự nghiêm túc. Khi mới bắt đầu chạy, ông đã đến Athens với mục đích viết phóng sự về chạy maratông, và trước sự kinh ngạc của các phóng viên, ông thực sự chạy hết quãng đường của người chiến binh năm xưa, không ăn bớt lấy một mét nào. Có thể đây là một sự kỳ quặc của tính cách Murakami, cũng kỳ quặc như khi ông có lần kể mình hay ra sau vườn nhà đào lỗ, lấp lại, rồi lại đào. Nhưng xét cho cùng, chạy để viết là một hình thức tập luyện còn lành mạnh hơn nhiều so với một số phương cách khác thông dụng hơn và cũng được không ít nhà văn coi là nghiêm túc, như uống rượu, ra đường hứng mưa, hoặc thậm chí là dùng thuốc lắc.

Nhị Linh


Nov 12, 2010

Tình yêu kéo dài bao lăm

Năm ngoái giải Renaudot trao cho Frédéric Beigbeder (tiểu thuyết Un roman français), năm nay giải Goncourt về tay Michel Houellebecq (tiểu thuyết La Carte et le territoire): nước Pháp đang (miễn cưỡng) vinh danh hai nhà văn nổi tiếng nhất ngoài biên giới nước Pháp (trong nước Pháp người ta mới biết các nhà văn tuyệt vời như Richard Millet hay Annie Ernaux, chứ bên ngoài thì chắc chẳng mấy ai biết).

Đọc đoạn đầu La Carte et le territoire, thấy có vẻ như là Houellebecq đã quay trở lại được với giọng văn flat rất khó chịu của giai đoạn đầu. Jeff Koons và Damien Hirst ngồi đối diện với nhau, rồi Jed, nhiếp ảnh gia, bảo rằng muốn nắm bắt được Jeff Koons thì chỉ có thể là ở trong động tác nhỏm người lên, hai tay giơ về phía trước. Những người hâm mộ nghệ thuật đương đại chắc cũng thấy mếch lòng vì Houellebecq nói Jeff Koons làm thế nào cũng không hết được cái vẻ ngoài của một tay bán xe Chevrolet hehe, còn Damien Hirst thì đúng là có bộ mặt Anh đặc của một tay cổ động viên câu lạc bộ Arsenal :) và nhất là Jed chửi thầm bọn nhiếp ảnh gia vĩ đại bấm nút loạn xạ vài trăm cái rồi chọn ra cái đỡ xấu nhất, rồi cứ khăng khăng là mình đang tóm bắt chân lý.

Giải Goncourt như vậy là lại thêm một lần nữa vinh danh muộn một nhà văn. Hai em em Edmond và Jules Goncourt chắc là cú lắm, để lại tài sản cho bọn nó tặng các nhà văn trẻ và hứa hẹn, thì bọn nó lại toàn tặng cho mấy ông già (và bà già, như Marguerite Duras, 1984, Người Tình), đã quá dư thừa vinh quang và tiền bạc (Houellebecq thậm chí còn đã kịp mua một con chó :d).

Beigbeder, một trong số rất hiếm người chơi được với Houellebecq, bao năm nay bay lượn làm xiếc đủ trò, đến nay, khi "tôi đã già hơn kỵ của tôi" (mở đầu của Un roman français), râu ria xồm xoàm ở cái tuổi 42 bỗng nhiên thôi snob để quay trở lại với lịch sử gia đình, làm ban giám khảo cảm động quá trao ngay cho Renaudot vào năm ngoái. Thì tên đầy đủ của Beigbeder có đến hai "de", dòng dõi quý tộc lâu năm của thành phố Pau, một ông tổ xa xôi từng được Ronsard làm thơ tặng (ode pour de Chasteigner): lâu lâu trao giải cho một nhà quý tộc hay chơi ma túy nó cũng sành điệu :) Beigbeder có mục điểm sách trên Lire là mục đáng đọc nhất của tờ này, còn Houellebecq ngày trước có một mục trên Les Inrockuptibles, tờ tạp chí nổi loạn, giờ hình như cũng ngắc ngoải hay chết hẳn rồi.

Đây là lần đầu tiên Beigbeder viết câu chuyện kể về Frédéric Beigbeder, còn trước kia toàn là về một thế thân, Marc Marronnier. Trong Tình yêu kéo dài ba năm (L'Amour dure trois ans, bản dịch tiếng Việt in năm ngoái, nhưng chẳng ma nào để ý hí hí), Marronnier viết câu slogan cho một hãng nước hoa, hình như Lancôme, như sau: "Bởi vì tình yêu kéo dài ba năm". Trớ trêu là ở đoạn cuối truyện, đoạn kịch tính count down ngày N-7 rồi N-6 vân vân, Marc và Alice sau ba năm vẫn tiếp tục yêu nhau. Thế mới tệ :)


Nov 10, 2010

Project Balzac (3)



Cô bé nhón gót kiễng trên đầu ngón chân, nhìn thấy thấp thoáng một đám phụ nữ ăn vận diêm dúa đứng đầy hai bên cái vòm đá hoa cương cũ kỹ nơi hoàng đế sẽ đi ra.

- Bố thấy chưa hả bố, ta khởi hành quá muộn mà.

Cái bĩu môi nhỏ xíu buồn rầu của cô để lộ rằng cô coi việc có mặt ở buổi duyệt binh này quan trọng đến thế nào.

- Nào, thế thì Julie ơi, chúng ta đi thôi, con đâu có muốn bị chen lấn phải không nào.

- Ta ở lại chứ, bố ơi. Từ đây con vẫn nhìn được hoàng đế mà; nếu ngài bỏ mạng trong chiến dịch này thì con sẽ không bao giờ còn nhìn thấy ngài được nữa.

Ông bố rùng mình khi nghe những lời nói vị kỷ ấy, trong giọng nói của con gái ông đã lẫn nước mắt; ông nhìn cô bé, nghĩ rằng mình nhận ra bên dưới hàng mi đang cúi gằm kia vài giọt nước mắt xuất phát từ sự bực bội ít hơn nhiều so với từ một trong những nỗi buồn đầu đời mà một ông bố già có thể dễ dàng đoán ra bí mật. Đột nhiên mặt Julie đỏ lựng, cô thốt lên một tiếng kêu mà cả những người lính gác lẫn ông già đều không đoán được ý nghĩa. Nghe tiếng hét ấy, một viên sĩ quan đang rảo bước từ sân tới chỗ cầu thang quay ngoắt đầu lại, tiến tới cái vòm của khu vườn, nhận ra cô gái trẻ khi ấy đang bị lấp đằng sau những chiếc mũ cao cắm lông của đám vệ binh, và ngay lập tức bãi bỏ cái mệnh lệnh mà chính anh vừa tuyên ra, cho cô và bố cô, rồi, chẳng buồn để ý tới những lời xì xầm của đám đông thanh lịch đang vây kín cái vòm đá, anh dịu dàng kéo cô bé đang ngây ngất lại gần.

- Giờ thì ta không còn ngạc nhiên gì nữa về chuyện tại sao nó lại giận dữ và cuống quýt như thế, là bởi vì anh đang phiên gác, ông già nói với chàng sĩ quan, vẻ vừa nghiêm trang vừa mỉa mai.

- Thưa công tước, chàng trai trẻ đáp, nếu ông muốn có chỗ tốt thì ta cũng không thể chuyện trò được đâu. Hoàng đế không thích phải chờ đợi, mà tôi thì đang nhận lệnh của đại thống chế đến báo cho ngài đây.

Nói đoạn, vẻ khá là thân mật, anh nắm lấy cánh tay Julie, kéo nàng đi nhanh về phía Carrousel, Julie kinh ngạc nhìn thấy cả một đám đông mênh mông đang chen chúc trong cái không gian nhỏ bé giữa những bức tường màu ghi của cung điện và các đường ranh giới bằng dây xích tạo thành những ô hình vuông lớn rải cát bên trong ở giữa sân điện Tuileries. Dàn lính canh, được thiết lập để hoàng đế và bộ tham mưu của ngài có một lối đi xuyên qua, đã phải rất vất vả mới ngăn được cái đám người sốt ruột và vo ve như một đàn ong này.

- Chắc là sẽ phải đẹp lắm nhỉ, Julie mỉm cười, hỏi. 

- Cẩn thận kìa, chàng sĩ quan kêu lên, tay quàng quanh eo Julie và nhấc bổng cô bé lên, vừa mạnh mẽ vừa mau lẹ, rồi đưa cô lại gần một cây cột.

---------------

Phần 1 ở đây. Thêm nữa thì tìm trong label Balzac.


---------------


Đã bắt đầu get inspired trở lại. Các bác chủ nợ thân mến đừng lo nhá (đã là chủ nợ thì thân mến thế nào được nhưng thôi cứ nói thế cho nó lành :d).

Nov 9, 2010

Các loại tư thế

Hôm trước em Z nói đúng rồi đó, các tư thế đọc sách thì phải xem Calvino, ở đoạn đầu Nếu một đêm đông có người lữ khách. Như thế này này :pppp




Bạn sắp bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết mới Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino. Hãy thư giãn. Tập trung. Xua mọi ý nghĩ khác đi. Hãy để thế giới quanh bạn nhạt nhòa đi. Tốt nhất là đóng cửa lại, ở phòng bên ti vi bao giờ mà chẳng bật. Nói thẳng với những người khác, “Không, tôi không muốn xem ti vi!” Cao giọng lên, không thì họ chả nghe tiếng bạn đâu - “Tôi đang đọc sách! Tôi không muốn bị quấy rầy!” Có lẽ họ chưa nghe thấy bạn, là vì tiếng léo nhéo kia; nói to hơn đi, hét lên, “Tôi đang bắt đầu đọc tiểu thuyết mới nhất của Italo Calvino!” Hoặc, nếu bạn muốn, đừng nói gì cả; chỉ mong sao họ để bạn yên.

Hãy tìm tư thế thoải mái nhất: ngồi, duỗi người ra, cuộn tròn lại, hay nằm thẳng. Nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm sấp. Trên ghế bành, trên đi văng, trên ghế bập bênh, trên ghế xếp, trên đệm. Trên võng, nếu bạn có võng. Trên giường, dĩ nhiên, hoặc trong chăn. Thậm chí bạn có thể trồng cây chuối, đầu lộn ngược, tư thế yoga. Sách thì phải để ngược, cố nhiên rồi.

Dĩ nhiên, tư thế lý tưởng để đọc sách là một cái bạn không bao giờ tìm được. Ngày xưa người ta thường đứng mà đọc, nơi giá đọc. Họ quen đứng một chỗ, không nhúc nhích. Họ nghỉ ngơi như thế những khi mệt vì cưỡi ngựa lâu. Chẳng ai từng nghĩ tới chuyện đọc trong khi cưỡi ngựa; thế nhưng bây giờ bạn lại thấy cái ý tưởng ngồi đọc trên yên ngựa, sách tựa vào bờm ngựa, hoặc có thể chằng vào tai ngựa bằng một lối đặc biệt, ý tưởng đó có mòi hấp dẫn. Hai chân xỏ vào bàn đạp, hẳn bạn sẽ thấy đọc sách thật thoải mái; để chân cao lên là điều kiện đầu tiên để thưởng thức việc đọc.

Nào, bạn chờ gì nữa? Duỗi hai chân ra, cứ thế kê chân lên một cái gối, lên hai cái gối, lên chỗ tựa tay của đi văng, lên hai tay ghế bành, lên bàn cà phê, lên bàn làm việc, lên đàn piano, lên bản đồ trái đất. Trước hết là tháo giày ra. Nếu muốn, giơ hai chân lên; nếu không, kéo hai chân về. Miễn là chớ đứng đó một tay cầm đôi giày một tay cầm sách.

Điều chỉnh ánh sáng sao cho không phải căng mắt ra. Làm ngay đi, bởi một khi bạn đã đắm mình đọc say sưa thì sẽ chẳng có gì bắt bạn nhúc nhích được nữa. Hãy sắp xếp sao cho trang giấy không nằm trong bóng tối, một nùi con chữ màu đen trên một cái nền màu xám, chữ nào cũng hệt chữ nào như một đội quân chuột: nhưng phải cẩn thận đừng để ánh sáng hắt lên trang sách quá mạnh, sáng lóa lên trên màu trắng tàn nhẫn của trang giấy, ngấu nghiến gặm vào bóng các con chữ như vào lúc giữa trưa ở phương Nam. Cố mà tiên liệu ngay từ bây giờ tất cả những gì có thể khiến bạn phải dừng ngang việc đọc. Thuốc hút trong tầm tay, nếu bạn có hút thuốc, cả gạt tàn nữa. Còn gì không? Bạn có phải đi đái không? Thôi được, bạn biết rồi đấy. 

Chẳng phải là bạn mong chờ một cái gì cụ thể từ cuốn sách cụ thể này. Bạn là loại người về nguyên tắc vốn không còn chờ đợi bất cứ điều gì từ bất cứ cái gì. Có lắm người, trẻ hơn bạn hoặc không trẻ bằng, sống trong niềm mong đợi những trải nghiệm khác thường: từ những cuốn sách, từ người khác, từ những chuyến đi, từ những sự kiện, từ những gì ngày mai dành sẵn cho họ. Nhưng bạn thì không. Bạn biết rằng điều tốt nhất bạn có thể mong đợi là tránh được điều xấu nhất. Đây là kết luận bạn đã rút ra được trong đời tư và cả trong những vấn đề chung, kể cả trong những vụ việc trên trường quốc tế. Còn sách thì sao? À, thì chính bởi đã phủ nhận điều đó trong mọi lĩnh vực khác, nên bạn tin mình vẫn còn có thể ban cho chính mình một cách hợp lệ cái niềm vui thú của tuổi trẻ là mong đợi từ một khu vực được cẩn thận khoanh vùng như là lĩnh vực sách, nơi bạn có thể may mắn hoặc không may mắn, nhưng khả năng phải thất vọng là không quá lớn.

(courtesy TTCĐ)

Nov 8, 2010

Có những lúc

Có những lúc tâm hồn tôi rách nát
Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn
Một tấm gương chẳng biết soi gì
Một đáy giếng cạn không một hốc mắt đen sì
Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng
Thành phố đầy bụi bặm
Những mặt người lì nhẵn chen nhau.

Tôi biết làm gì tôi biết đi đâu
Tôi chẳng còn điếu thuốc nào
Đốt lên cho đỡ sợ


hết thuốc rồi :p


kinh khiếp: theo tin ở đây thì một nhà xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ tên là Irfan Sanci đợt vừa rồi được giải thưởng tự do của một hội chợ sách Istanbul nhờ dịch và xuất bản Những chiến công của một chàng don Juan trẻ của Apollinaire, nhưng ngay sau đó thì bị triệu ra tòa, chiểu theo điều 226 của bộ luật hình sự Thổ Nhĩ Kỳ, Sanci có khả năng phải ngồi tù vì in sách dâm ô

thế có bỏ mẹ tôi không :(

Nov 4, 2010

Nằm trên giường đọc Mai Thảo

Tư thế khi viết văn của một số nhà văn đã trở thành kinh điển: đâu như Victor Hugo chỉ viết đứng, còn Marcel Proust chỉ viết nằm. Bây giờ thì nhà văn thường là chỉ mân mê sờ soạng, bấm bấm các đầu ngón tay. Ý tôi nói cái bàn phím máy vi tính :)

Còn đọc thì sao? Cho tới thánh Augustin người ta toàn đứng đọc, và đọc to lên. Augustin theo tương truyền chính là người đầu tiên đọc thầm, chỉ bằng mắt, ngôn từ chỉ quanh quẩn trong óc chứ không đi ra đến miệng. Nếu không có Augustin, tới giờ chắc chúng ta vẫn quàng quạc như gà và liên tục bị đau họng, vì đọc hết một tờ báo dạng như Tuổi Trẻ là đủ gục rồi, chưa kể có ai dại đến mức đọc hết cả tập quảng cáo đính kèm mỗi số :dd

Hình ảnh đọc sách nào mà các bác thấy là sensual nhất? :p Tôi nghĩ kỹ rồi, nhiều quả khiếp lắm, như là đọc Georges Bataille trong toilet, đọc Histoire d'O trên tàu điện ngầm, mặc váy gác chân lên ghế đối diện, nằm trên bãi biển Nice đọc D. H. Lawrence (dĩ nhiên là kiểu bãi biển nudist), hoặc leo lên sân thượng đọc Henry Miller, hoặc bét ra là Có một người nằm trên mái nhà hihi.

Nhưng nghĩ kỹ rồi thì tôi thấy không gì có thể địch lại được nằm trên giường đọc Mai Thảo. Các bác cứ thử mà xem, không nói điêu đâu :))