Sep 27, 2012

Những bài học từ sự bộc bạch

Đọc Thế giới những ngày qua, hồi ký của Stefan Zweig mà bản tiếng Việt được ấn hành cách đây chừng mười lăm năm, hẳn nhiều độc giả còn rất nhớ những miêu tả hệ thống trường học hà khắc tại nước Áo mà cậu bé Stefan từng trải qua như cơn ác mộng. Lời bộc bạch của một thị dân của Márai Sándor (Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam & NXB Văn học) càng soi rõ thêm vào kiểu trường học của môi trường Áo-Hung hồi đầu thế kỷ 20. Sau một cơn hoảng loạn tinh thần dẫn tới cuộc bỏ nhà ra đi, cậu bé nhân vật chính bị “hội đồng gia đình quyết định đày […] lên trường nội trú ở Pest” (tr. 178).

Và giai đoạn học nội trú trở thành “những năm tháng cầm tù” (tr. 198), để rồi khi thoát được thì cậu thiếu niên có “những đặc quyền dễ chịu trong gia đình” (tr. 205). Nhưng thoát khỏi nhà tù này thì đã có nhà tù khác, và Márai Sándor dẫn dắt chúng ta đi qua những năm tháng tuổi thơ và tuổi trẻ của một con người luôn luôn cảm thấy bí bách, rất giỏi quan sát thế giới nhưng không thực sự hòa nhập được vào đó. Đặc biệt ông miêu tả rất giỏi “trạng thái váng vất” của tuổi trẻ, khi “tâm hồn thu nhận tiếng vang xào xạo của cuộc đời và phản xạ lại chúng qua một bộ tăng âm nào đó” (tr. 205). Hiếm cuốn sách nào viết về tuổi trẻ với bút pháp mãnh liệt, tràn ứ đến vậy, miêu tả mối quan hệ tuổi trẻ-cuộc đời sâu sắc ở nhiều tầng bậc đến như vậy.

Bởi Lời bộc bạch của một thị dân được viết bằng một giọng văn bậc thầy; bậc thầy văn chương Hungary ấy những năm gần đây đã dần trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam qua những tác phẩm cự phách: Những ngọn nến cháy tàn, Bốn mùa. Trời và đất, rồi Casanova ở Bolzano… Márai Sándor là một trong vài nhà văn Hungary lớn nhất thế kỷ 20 với khối lượng tác phẩm đồ sộ, rất nhiều tiểu thuyết đặc biệt quan trọng, trong đó Lời bộc bạch của một thị dân tái dựng đời sống của một giai đoạn then chốt và phức tạp của lịch sử, trên bình diện một khoảng lớn của cả châu Âu. Márai Sándor từng được so sánh với nhà văn Áo Joseph Roth, tác giả bộ tiểu thuyết vĩ đại Hành khúc Radetsky; với một nhà văn Áo khác là Stefan Zweig ông cũng có nhiều điểm tương đồng, nhất là khả năng đi vào đến tận cùng tâm lý nhân vật, tài miêu tả đầy sinh động và màu sắc, nhuộm trong một không khí bi quan đặc trưng. Cả Stefan Zweig lẫn Márai Sándor đều tự sát khi đã lớn tuổi.

Câu chuyện trong Lời bộc bạch của một thị dân có nhiều điểm trùng với cuộc đời thực của Márai Sándor. Gần 500 trang sách kết thúc sau khi nhân vật trưởng thành, sang sống ở một số nước châu Âu (nhất là Đức và Pháp), chứng kiến thăng và trầm của đời sống vật chất và tinh thần của một châu lục đang tan rã, rồi trở về Hung, với đoạn cuối miêu tả cái chết của ông bố đặc biệt cảm động. Trong đời thực, Márai Sándor cũng sống nhiều năm ở nước ngoài, 28 tuổi mới về Hung bắt tay vào xây dựng sự nghiệp văn chương hiển hách của mình. Cuốn sách miêu tả quá sát nhiều nhân vật có thực, nên nó từng bị kiện và chịu nhiều chỉnh sửa, trong đó không ít đoạn bị cắt đi. Bản tiếng Việt lần này được dịch từ phiên bản đã qua chỉnh sửa, nhưng nếu đọc các phiên bản khác, chẳng hạn bản tiếng Pháp, những đoạn sau này bị cắt vẫn còn, và ta hiểu được tài quan sát con người sắc bén của một nhà văn lớn có thể gây bất an đến thế nào cho các đối tượng của ông, nhất là những người trong gia đình.

Số phận những cuốn tiểu thuyết-tự truyện thường là như vậy. Những lời bộc bạch của Jean-Jacques Rousseau gồm 12 “quyển” mới có bản dịch tiếng Việt gần đây cũng phải chờ sau khi tác giả qua đời mới được ấn hành, và vẫn đụng chạm đến không ít người thực, việc thực. Những nhà văn sắc sảo không nương tay với con người, và con người cũng không mấy nương tay với các nhà văn.

Nhà văn Márai Sándor ấy có những cảm nhận tuyệt vời về văn chương và cuộc đời, chúng được diễn tả nồng nhiệt nhưng cũng hết sức buồn bã. Trong Lời bộc bạch của một thị dân có những đoạn có thể lấy làm bài giảng cho nhà văn hậu thế: “cuộc đời đối với nhà văn là một chất liệu đáng ngờ, chỉ có thể sử dụng nó có chừng mực, một chút nào đó dưới dạng tiêu bản, trong trạng thái đã được xử lý […] Tôi không tin vào các nhà khổ hạnh hay than vãn, những người trốn chạy khỏi cuộc đời; tôi cũng nghi ngờ và chẳng ưa những nhà văn ‘tự nhiên chủ nghĩa’, các nhà văn kiểu ông trùm phường hát Di gan, biểu diễn theo ‘sự mách bảo của con tim’ và ‘mô tả đời sống’ tỉ mỉ đúng như thể cuộc đời cất tiếng… Nhà văn sống và sáng tạo giữa hai ý nguyện ấy, nhọc nhằn” (tr. 239).

Cuộc đời thì ai cũng trải nghiệm, nhưng dường như có những người, chẳng hạn Márai Sándor, có khả năng trải nghiệm cuộc đời lớn và sâu hơn hẳn phần đông nhân loại còn lại.


(có vẻ như Márai Sándor là người đầu tiên viết về văn chương Kafka; từng có lúc Márai lưỡng lự giữa việc viết bằng tiếng Hung hay bằng tiếng Đức)

Sep 25, 2012

Tại sao Rousseau?

Tại sao chúng ta đọc một tác giả cổ điển? Tất nhiên vì giá trị tự thân ở các tác phẩm của tác giả ấy, vì nhu cầu hiểu về quá khứ, biết thêm những điều thoạt tiên là sự kiện sau đó đã chuyển hóa thành tri thức, hiểu biết, biết thêm về thời đại và con người, những đặc điểm xưa cũ, thoạt tiên là các tính chất, sau đó đã chuyển hóa thành một cái gì đó giống như là lịch sử. Nhưng tôi tin trước hết ta đọc một tác giả cổ điển khi tác giả ấy vẫn còn “nói” với chúng ta một cách gần gũi: không phải ta hiểu tác giả ấy, mà là tác giả ấy hiểu ta. Có không nhiều tác giả như vậy, và hẳn nếu xếp loại theo tiêu chí nào thì Rousseau cũng vẫn nằm lại trong số những tác giả xa xưa còn nhiều điều để nói với chúng ta, một hậu thế xa vời. Tiếng nói đó không biết đến khoảng cách về không gian và thời gian, tiếng nói đó vang lên những lúc ta nảy sinh ham muốn suy nghĩ sâu sắc hơn về thế giới, và nhất là về chính ta.

Rousseau, còn là vì trong Những lời bộc bạch, “mê lộ tối tăm và lầy bùn của những điều bộc bạch” ấy, có rất nhiều điều hay ho:



thái độ với tổ quốc: “tôi quyết định từ bỏ tổ quốc bội bạc” (715)

“bình thản đi dạo giữa những tiếng la réo” (738)

“tôi vẫn sẽ tiếp tục trình bày trung thực những gì Jean-Jacques Rousseau là, làm và nghĩ, chẳng giải thích chẳng biện hộ tính đặc dị của tình cảm và tư tưởng anh ta, cũng chẳng tìm kiếm xem liệu những người khác có nghĩ giống anh ta hay không” (753)

“Giữa những kỳ tài cao thượng ấy có một ngôn ngữ mà phàm nhân sẽ không bao giờ hiểu nổi” (703)

“Tôi chỉ còn một hướng dẫn viên trung thành […] đó là những tình cảm tiếp nối (338)

“Tôi dễ dàng quên đi các bất hạnh; nhưng tôi không thể quên những lỗi lầm, và càng ít quên những tình cảm của mình” (338)

“Mục tiêu thực sự của những lời bộc bạch là nói lên chính xác nội tâm tôi trong mọi tình huống của đời tôi” (338)

“Lịch sử tâm hồn tôi là điều tôi đã hứa […] tôi chỉ cần trở về bên trong mình” (338)

“Tôi không giả vờ được, vì điều đó bao giờ đối với tôi cũng là không thể” (382)

“Tôi bước vào phòng một gái giang hồ như vào thánh đường của tình yêu và sắc đẹp” (385)

“Tôi cho rằng chẳng một cá nhân nào trong nhân loại có bản tính ít tự đắc như tôi” (33)

“Khao khát mãnh liệt nhất của tôi là được tất cả những gì mình tiếp cận yêu mến mình” (33)

tự miêu tả: “dòng máu nóng bỏng nhục cảm hầu như từ lúc ra đời” (35) “tính khí rất nồng nhiệt, đa dâm, rất sớm phát triển” (36)
-----------

Sau Những lời bộc bạch, hai năm cuối đời là tác phẩm cuối cùng của Rousseau: Les Rêveries du promeneur solitaire. Đây là lúc Rousseau thực sự lấy nội tâm làm nơi trú ẩn, khi cuộc sống xã hội đã hoàn toàn tan biến.

Những suy tư vơ vẩn (1) của người dạo chơi cô độc


Cuộc dạo chơi đầu tiên 


Vậy là giờ đây tôi chỉ một mình trên đời, ngoài riêng tôi chẳng còn anh em, thân thích, bạn bè, chỗ giao du. Kẻ dễ gần nhất và nồng nhiệt quyến luyến nhất trong số con người lại bị quăng vứt khỏi con người theo một thỏa thuận được đồng lòng nhất trí. Họ đã tìm kiếm ở những tài khéo trong sự căm hận của mình đâu có thể là đòn hành hạ tàn độc nhất cho tâm hồn nhạy cảm của tôi, và họ đã cắt phăng mọi mối liên hệ gắn kết tôi với họ. Tôi thì sẵn sàng yêu con người mặc cho bản thân họ. Thôi liên hệ với tôi, họ đã chỉ có thể tuột ra khỏi sự trìu mến của tôi. Thế là họ trở thành những người xa lạ, những người dưng, rồi thì với tôi họ chẳng còn là gì, bởi họ đã muốn vậy. Nhưng còn tôi, bị tách rời khỏi họ và khỏi mọi thứ, bản thân tôi thành ra cái gì? Đó chính là điều tôi còn cần phải tìm hiểu. Thật không may, trước khi tìm kiếm phải có một cái nhìn thoáng qua về vị trí của tôi. Nhất thiết tôi phải thực hiện điều này thì mới có thể đi từ họ đến tôi. 


Đã hơn mười lăm năm nay tôi ở vào cái vị trí lạ thường này, thế mà với tôi nó vẫn như thể là một cơn ác mộng. Lúc nào tôi cũng hình dung mình đang bị mắc chứng khó tiêu, đang phải ngủ một giấc thật nặng nề, và rằng tôi sẽ tỉnh dậy, nhẹ nhõm thoát hẳn khỏi nỗi đau đớn, thấy mình lại được ở bên bạn bè. Phải, hẳn thế, hẳn tôi đã không hề hay biết mà nhảy từ trạng thái thức vào trạng thái ngủ, hay nói đúng hơn là từ sự sống vào cái chết. Bị lôi tuột khỏi trật tự sự vật theo cái cách tôi không hiểu là cách gì, tôi thấy mình lao vào một sự hỗn loạn không sao hiểu nổi tại đó tôi không nhìn thấy gì hết; và càng nghĩ đến tình trạng hiện nay của mình tôi lại càng thấy khó hiểu là mình đang ở đâu.

(1) "rêverie" hồi thế kỷ XVIII còn chưa hay được hiểu là "mơ mộng" hay "mộng tưởng" như sau này 

Sep 23, 2012

(Sông của Nguyễn Ngọc Tư) Từa tựa sự thật

Các bạn fan của Nguyễn Ngọc Tư đừng vội ngại :p




Với một “tâm trạng […] bở như dưa gang chín rục” và bầu khí quyển đượm “mùi rầu rĩ” (tr. 18), Ân bỏ thành phố bước vào cuộc hành trình bất định ngược con sông bất định tên là “Di”, và với Sông, Nguyễn Ngọc Tư bước vào hành trình tiểu thuyết của mình, để lại sau lưng truyện ngắn và tản văn, và không biết có cùng cảm nghĩ như Ân khi “lục lọi cậu tìm được hai bàn chải đánh răng, thấy tan nát cõi lòng” (tr. 7)?

Sep 22, 2012

Phong hóa của ngày nay

Chính xác hôm nay là kỷ niệm (chính thức) 80 năm báo Phong hóa (không phải ngày ra số 1, cũng không phải số cuối cùng, nhưng vẫn là ngày kỷ niệm chính thức). Tờ báo thú vị nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam, theo tôi. Sau đó nó sẽ được tờ Ngày nay tiếp sức, trong một quãng thời gian.

Tôi thích hình dung nhóm người tuổi trẻ cái năm ấy hợp lại với nhau để khởi đầu một dự án điên rồ, vì mọi thứ gì đẹp đều có bước khởi động rất điên rồ. Tôi cũng thích ý nghĩ về một thanh niên sau khi thử lái cuộc đời mình đi theo nhiều hướng mà vẫn không biết nên làm gì, phải làm gì, chắc từng có nhiều bốc đồng và lạc lõng lắm, năm 26 tuổi rốt cuộc cũng đã quyết định con đường sự nghiệp của mình (năm ấy là năm 1932, Nhất Linh 26 tuổi).

Dự án Phong hóa (đủ 190 số, trong đó từ số 1 đến số 13 do Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai làm, từ số 14 ra ngày 22/9/1932 bắt đầu do nhóm Nhất Linh làm) và Ngày nay (đủ 224 số) được thực hiện bởi nhóm Phạm Thảo Nguyên và Martina Nguyễn Thục Nhi. Sưu tầm Phong hóa không dễ vì báo có khổ rất khó bảo quản, hay bị gập lại nên dễ giòn, số hóa tạp chí thì dễ hơn số hóa báo nhiều. Trước đây Viễn Đông bác cổ đã có dự định làm bộ này nhưng chưa thực hiện được.

Viễn Đông bác cổ là nơi đã số hóa Tri tân, Thanh nghị, Văn Sử Địa, tạp chí của trường Sư Phạm. Nam phong thì do Viện Việt học làm.

Nếu sau đây có tờ nào nên được làm ngay, thì tôi nghĩ là Phụ nữ tân văn, rồi Bách khoa.

Những ai quan tâm đến lịch sử báo chí Việt Nam thì hẳn đã có bộ Phong hóaNgày nay trước khi chúng được chính thức công bố (cho tải về miễn phí) từ ngày 22 tháng Chín vừa qua.

Hóa ra những số cuối của Phong hóa đăng cả truyện trinh thám của Thế Lữ (Lê Phong) và truyện trinh thám của Phạm Cao Củng (Kỳ Phát).

Phong hóa có lối chế giễu rất sâu cay, và có một số đối tượng lâu dài, chẳng hạn như Bùi Xuân Học và nhiều người khác. Nhưng đọc Phong hóa lần này (trước đây tôi chỉ tìm được vài số lẻ tẻ) tôi thích đọc nhất những quảng cáo đăng trên báo. Vài ví dụ:

"Đến kỳ sinh nở. Mãn nguyệt khai hoa

Các bà khi sinh nở dùng Rượu-Chồi Hoa-kỳ soa nhất quý.

- đỡ phải nằm than -
- không lo tê thấp -
- gân cốt khỏe mạnh -
- đi lại được ngay -

Buôn lãi nhiều, bán rất chạy. Nhiều tỉnh có Đại-lý rồi."

"CÁC BẠN SƠI CƠM ĐEN NÊN BIẾT

Nếu bạn muốn chữa thuốc phiện thì không có thứ thuốc nào hay bằng THUỐC CAI HỒNG-KHÊ. Bạn hút ít chỉ hết 2$00 là bỏ hẳn được (Thuốc nước mỗi chai 1$00, thuốc viên mỗi hộp 0$50). Trong khi uống thuốc cai vẫn đi làm việc như thường, sau khi bỏ hút lại khỏe mạnh hơn, không sinh ra chứng gì khác cả. Nếu bạn nghèo không có tiền mua thì bạn cứ thân-hành lại nhà thuốc HỒNG-KHÊ (số nhà 88 phố Huế, ngay trước cửa chợ Hôm Hanoi) sẽ có thuốc cho bạn cai được hẳn mà không tính tiền (buổi chiều từ 7 giờ đến 9 giờ). Bạn đừng ngại, chủ-nhân sẽ tiếp bạn rất vui vẻ và kín đáo. Nếu bạn cho người lại lấy thì không được, vì sợ có kẻ lợi dụng xin thuốc về bán. Khi đến lấy thuốc bạn nên nhớ hỏi lấy quyển sách thuốc, đem về xem, có đủ các thứ thuốc gia-dụng chữa đủ các bệnh người lớn trẻ con. Lỡ khi trái nắng trở giời phải dùng đến, hoặc mách bảo cho những người có bệnh. Ai có tiền thì mua, nghèo túng đến xin cũng được.

HỒNG-KHÊ CÓ MÔN THUỐC LẬU HAY NHẤT HOÀN-CẦU"

(vị trí hiệu thuốc Hồng Khê gợi nhớ đến ngôi nhà cũ gần đây vẫn thấy, ghi bên ngoài là nhà Lý Sáng, ở đó có nhà của ông Phạm Văn Phúc, không rõ là có đúng không)

-----------

Còn đây là một "Tuổi thơ", NXB Sáng Tạo, logo con gà :p


Sep 20, 2012

Tuổi thơ

nhát thứ 49, rất khó



Viết về tuổi thơ, rất khó có chuyện nhà văn không chạm đến chính mình theo một cách thức nào đó. Sách cho trẻ em và sách lấy đề tài thiếu nhi phong phú vô vàn ở trong mọi thứ tiếng, nhưng tùy vào cách tự nhìn vào mình mà cái nhìn tuổi thơ của nhà văn đi theo hướng “tích cực” hay “tiêu cực”, “hồng” hoặc “đen”, “tươi đẹp” hay “u buồn”. Không có nhiều lựa chọn trong mảng sách cực kỳ dễ viết nhưng vô cùng khó hay này. Hoặc là tô hồng quá đáng, dựng ra những hoạt cảnh thần tiên trong suốt tinh tang những tiếng chuông dịu dàng, hoặc bôi đen vô chừng, mua nước mắt cho những cậu bé khổ đau chịu dập vùi đầy nghị lực, những cô bé rách rưới nhưng nhất định không để cho xấu xa cuộc đời lan nhiễm vào tâm hồn vị tha, nhân ái.

Một nhà văn từng nói, tình mẫu tử là điều thiêng liêng cuối cùng mà văn chương vốn lâu nay xoay ra khốn cùng đủ kiểu, nhạo báng mọi thứ, còn chưa dám đụng đến. “Cứ điểm” cuối cùng còn tương đối trụ vững được trước những đợt tấn công như a xít xói mòn tất thảy của văn chương; khi mà sự dòm ngó cuộc đời không còn là bất nhã, phân tích kiệt cùng mọi thứ xấu xa của nội tâm được tuyên dương, mỗi thế hệ nhà văn lại tiến thêm một bước trong quá trình tấn công vào mọi thứ tồn tại ở trên đời (và cả những thứ thật ra không tồn tại). Nhưng hẳn là vẫn còn một cái gì đó khiến mỗi khi nhà văn chạm tới tuổi thơ là tức thì họ chùng xuống, lòng mềm lại, và ta thấy không ít nhà văn thông thường bạo liệt đến tức thở bỗng trở nên vô cùng mềm mại, dịu dàng khi viết truyện thiếu nhi (Salman Rushdie chẳng hạn). Tuổi thơ và ký ức của tuổi thơ giống như là một phần giúp người ta cân bằng, hoặc giúp người ta tưởng rằng mình có thể cân bằng trên đường đời, chặng đường có thể hiểu là luôn luôn “đi lên” nhưng hoàn toàn cũng có thể là miệt mài “đi xuống”. Nhưng đó rất có thể cũng là một sự tô hồng kiểu khác, tô hồng “một cách vô thưởng vô phạt” như Jean-Jacques Rousseau nói; hoặc là nó không hề “vô thưởng vô phạt”.

Bởi tuổi thơ rắc rối hơn nhiều, có thể còn nhiều vấn đề hơn mọi phần đời khác của con người, bởi sau này còn xuất hiện một yếu tố chi phối rất nhiều cách nhìn, cách nghĩ và cách sống: sự buồn chán, còn ở thời bé, người ta chưa biết buồn chán, và con thú nhỏ hùng hục sống ấy rất có thể đen tối và nguy hiểm, ngây thơ và nguy hiểm, nguy hiểm cũng chính vì sự ngây thơ: sự nguy hiểm lớn nhất là sự nguy hiểm không để lại manh mối gì cho tiếc nuối và sám hối. Vậy nên tuyệt đại đa số tác phẩm cho thiếu nhi tốt đẹp và âu yếm, nhưng cũng có tuổi thơ thực sự hiểm ác, đen tối không thể cứu chữa như những tuổi thơ trong các tiểu thuyết của Hervé Bazin, nơi những đầu óc non nớt chỉ chăm chăm nghĩ đến những gì ác độc, nơi hận thù còn chưa bị thời gian xói mòn mà nguyên khối, bức bối và sẵn sàng bùng phát bất kỳ lúc nào.

Lẽ dĩ nhiên, để an toàn, giống như với những bông hoa người ta chỉ nghĩ đến sự làm đẹp và làm thơm cho đời mà sẵn sàng lờ đi khả năng gây chết chóc của chúng, tuổi thơ “phải” là chốn an toàn, ít nhất cũng là ốc đảo giữa sa mạc, nơi chỉ cần hướng mắt về là thấy lòng nhẹ nhõm; người ta quên mất rằng những hình dung ác độc và xảo trá ngày nay bắt nguồn từ quá khứ, từ khi còn rất nhỏ. Bầu không khí văn chương cho và về tuổi thơ sẽ được hoan nghênh nhiệt liệt không phải vì độ “thật” của nó, mà vì độ “chênh” của nó với sự thật; và ở đây sẽ chẳng ai hơi đâu mà đi chất vấn tác giả về tính chất giả tạo, sự bài trí khéo tay, vân vân và vân vân. Độc giả Việt Nam nhiều năm vẫn mê “Cánh buồm đỏ thắm” và giờ đây vẫn hào hứng với những truyện thiếu nhi sót lại từ một thời dường như tốt đẹp, chẳng hạn như “bác Phiodor” hay “cá sấu Ghena” của nhà văn Nga Uspenski danh tiếng.

Có lẽ chính vì những điều nghiêu khê trên đây mà Astrid Lindgren mới vĩ đại đến thế. Truyện của bà có một điều gì đó rất khác biệt: Pippi Tất dài hay Karlsson trên mái nhà là những sáng tạo độc đáo hết mức. Sự nhân ái ở kẻ yếu là điều tất yếu đến nỗi hình như không phải là sự nhân ái nữa. Lòng tốt nằm ở chỗ những kẻ hoàn toàn biết rằng mình có thể và đủ sức làm điều xấu (thậm chí làm điều xấu còn rất vui), nhưng đã không làm.

Nhị Linh

Sep 19, 2012

Sách tiếp

Ở thời điểm này, chỉ cần không crazy với iPhone 5 đã là rất đáng kể, thì đến Hội chợ sách Giảng Võ, mua sách và đọc sách thật còn hơn đáng nói. Năm nay đã tương đối khác những năm trước đây, khá hơn, đông hơn.

Vẫn như mọi lần, thành quả lớn nhất của tôi nằm ở quầy của NXB Tôn giáo, nơi có những quyển bình thường chẳng bao giờ nhìn thấy.

Và đây cũng là "mùa" của tiểu thuyết Việt Nam:

- Dấu về gió xóa, Hồ Anh Thái, "Đảo Xanh" và "một ông hoàng hào hoa lắm".

- Trò chơi hủy diệt cảm xúc, Y Ban.

- Sông, Nguyễn Ngọc Tư. "Cúc cu" :pp

Tôi đã tranh thủ thit hết rồi.

Sep 16, 2012

Bộc bạch

Một mùa thu mà có đến hai lời bộc bạch khủng khiếp: sự kiện lớn cho độc giả Việt Nam.

Những lời bộc bạch của Jean-Jacques Rousseau, tức Les Confessions, NXB Tri thức vừa in, tác phẩm lớn vượt ra ngoài mọi khuôn khổ, công trình nội tâm độc đáo khiến hậu thế rất nhiều người noi gương: "Tôi trù tính một công việc không hề có kiểu mẫu, và sẽ chẳng ai bắt chước thực thi. Tôi muốn phô bày cùng đồng loại một con người hoàn toàn đúng với chân tướng; và con người ấy, sẽ là tôi đây". Ngả mũ kính phục cô Lê Hồng Sâm.


Chút kỷ niệm ngày xưa với Rousseau và Les Confessions:


"Tôi không biết mình đã làm gì cho đến tuổi lên năm hay sáu; tôi không biết mình đã học đọc thế nào; tôi chỉ còn nhớ những sách đầu tiên đã đọc và ấn tượng chúng gây ra cho tôi: đó là khoảng thời gian khi tôi bắt đầu nhận ra được, và sau đó sẽ không có chút gián đoạn nào, ý thức về bản thân tôi. Mẹ tôi để lại nhiều tiểu thuyết. Chúng tôi, tôi và cha, đọc sách sau khi ăn tối. Thoạt tiên chúng tôi chỉ muốn hoàn thiện kỹ năng đọc của tôi bằng những cuốn sách vui nhộn; nhưng rất nhanh chóng sự say mê [đọc sách] trở nên thôi thúc đến nỗi chúng tôi luân phiên đọc không ngừng nghỉ, hằng đêm hằng đêm. Chúng tôi chỉ có thể rời sách khi đã đọc cho đến hết. Nhiều lúc cha tôi, khi sáng ra nghe thấy tiếng hót chim én, ngượng ngùng nói với tôi: “Thôi đi ngủ; cha còn trẻ con hơn cả con.”

Trong một khoảng thời gian ngắn, bằng phương pháp nguy hiểm đó, tôi thu lượm được không chỉ một kỹ năng đọc và hiểu cực kỳ tốt, mà còn một tầm hiểu biết hiếm có ở độ tuổi của tôi về các cảm giác. Tôi không có chút ý tưởng nào về sự vật, thế mà tôi biết hết các loại tình cảm. Tôi không ý thức được gì hết, tất cả tôi đều chỉ cảm nhận. Những nỗi xúc động hỗn độn đó, mà tôi lần lượt thu hái được, không hề làm hỏng đi cái lý trí cho đến khi đó tôi còn chưa có; nhưng chúng rèn luyện tôi theo một kiểu khác, và trao cho tôi những khái niệm kỳ lạ và đầy tính tiểu thuyết về đời người, mà kinh nghiệm và suy tư sẽ không bao giờ xóa nhòa được khỏi đầu óc."



Bộc bạch thứ hai: Lời bộc bạch của một thị dân, tác phẩm tự thuật và cũng là tác phẩm lớn nhất của Márai Sándor, sẽ dày khoảng gần 500 trang khổ lớn (cỡ hai phần ba Những lời bộc bạch của Rousseau). Bìa bốn cuốn sách này:


"Lời bộc bạch của một thị dân, cũng như cuốn hồi ký nổi tiếng Thế giới những ngày qua của Stefan Zweig, miêu tả cho chúng ta cả bầu khí quyển của không gian văn hóa Áo-Hung vô cùng đặc thù vào thời điểm bước ngoặt đầu thế kỷ 20. Và nếu Zweig tự nhìn nhận mình như một “người châu Âu” thì Márai Sándor khẳng định mình là một đại diện cho tầng lớp thị dân đang hình thành; ông đã đi vào ngóc ngách đời sống tinh thần của một giai tầng, ca ngợi những phẩm chất nhưng không quên chế giễu những điều nực cười của môi trường sống quanh ông. Stefan Zweig cũng xuất hiện thoáng qua trong cuốn hồi ký sâu sắc và rất đặc biệt của Márai Sándor.

Không chỉ có thành phố nhỏ Kassa quê hương và thủ đô Budapest, Márai Sándor còn dẫn dắt chúng ta đi qua những đất nước ông từng có thời gian gắn bó: Đức, Pháp, Ý và Anh, với những nhận xét đằm thắm, sâu sắc nhưng cũng có lúc tinh quái đến gây sửng sốt. Chặng đời của ông cũng gắn liền với con đường trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Hungary. Đọc cuốn hồi ký này, ta càng hiểu rõ con đường ấy nhiều chông gai đến mức nào.


Lời bộc bạch của một thị dân đặc biệt hơn cả chính ở sự phô bày đầy chân thực và can đảm một tâm hồn phức tạp, không một chút toan tính giấu giếm hay “tô hồng” nào. Tính trung thực này khiến cuốn sách trở thành một hậu duệ xứng đáng của một dòng “bộc bạch” hay “tự thú” lừng danh trong lịch sử văn chương phương Tây, từ Thánh Augustin cho tới Jean-Jacques Rousseau, rồi Lev Tolstoy."

Có lẽ với một con người phức tạp đến như Márai, phải khi viết "bộc bạch" thì toàn bộ những gì tinh hoa nhất của nội tâm ông mới xuất hiện đầy đủ được.

(Tự thú của Tolstoy thì đã in ở Việt Nam cách đây vài năm)

Sep 15, 2012

Sep 11, 2012

Sách (LVI) sách nhỏ

sách nhỏ là sách khổ nhỏ, có báo khổ nhỏ thì cũng có sách khổ nhỏ

Hà Nội những năm 50 của thế kỷ trước:



sau quyển sách này, Văn Tâm (ông con rể của Cao Xuân Huy) dính trường văn trận bút suốt vài chục năm, có lẽ nhờ thế mà trở thành một nhà sưu tầm sách và đồ cổ rất oách; Nguyễn Xuân Huy vẫn xuất hiện đây đó trong "cao trào hồi ký" hiện nay, quyển sách đã in lần đầu vào năm 1944

vẫn Hà Nội, nhà xuất bản Cây Thông:


sang đến Sài Gòn:






(đây là Du Tử Lê văn xuôi chứ không phải Du Tử Lê thơ)

Phan Lạc Tuyên (và Lê Tuyên): nhân vật đã bị quên lãng rất nhiều:


bộ sau đây thì khổ to (cảm ơn TS VVN)



thêm :pp

thêm nữa :)))


Vòng tay học trò ;)



Sep 9, 2012

Thêm sách

Mấy tháng hè trời thì nắng rực rỡ nhưng ấy lại chính là mùa chết của sách vở ở Việt Nam. Tại các nước khác sách vở mùa hè vẫn bán được vì anh em và nhất là chị em hay mua sách cầm đi du lịch, nằm trên bãi biển mà đọc. Người Việt Nam cũng đi du lịch nhiều, nhưng ra bãi biển tay bận ăn ghẹ nên hơi bẩn, không đọc sách được.

Nhìn chung cứ đến hè là sách vở ở Việt Nam rơi vào vận bĩ, năm nào cũng thế, nhưng hè năm vừa rồi (2012) thì là bĩ của bĩ :) Dẫu vậy, cũng đã đến lúc phải hết (phúc cho kẻ nhẫn nại), giờ là sách mới nhé:

- Nỗi buồn thời cắp sách, Daniel Pennac, Thi Hoa dịch, NXB Phụ nữ. Pennac xuất hiện ở Việt Nam đã khá nhiều, nhưng thời Bà tiên súng cạc binCô gái trên thị trường văn chương (đại khái loạt truyện gia đình Malaussène với nhân vật trung tâm Benjamin Malaussène) hình như rất ít người biết, giờ chỉ toàn thấy nhắc tới Cún bụi đời, Mắt sói, Như một cuốn tiểu thuyết và vài cuốn khác. Nỗi buồn thời cắp sách (Chagrin d'école) cho biết mẹ tác giả, đã gần trăm tuổi, lúc nào cũng lo ông con đã sáu mươi phải chịu một cuộc sống không ra gì vì học dốt quá.

- Đắm & Những truyện ngắn khác của Mai Sơn, Phương Nam & NXB Hội Nhà văn. Tập truyện của anh Mai Sơn gồm "Đắm đuối" là một truyện vừa đặt ở đầu rồi thêm năm truyện ngắn nữa sau đó, có khung cảnh chủ yếu của một người trải nghiệm đoạn cuối một cuộc chiến tranh và sống sang một thời khác một cách chìm lấp, bình thản nhưng nhiều hoang vắng.

- Đi dọc Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến, Chibooks & NXB Thời đại. Đùa chứ, không thể ngờ khi viết về Đi ngang Hà Nội lớ quớ thế nào tôi lại đoán trúng "ngang" sẽ phải đi kèm với "dọc". Đời đúng là nhiều khi cũng dễ đoán :p Trong tập này (vẫn có lời giới thiệu của Nguyễn Hòa) có bài viết về một vấn đề mà thanh niên thế hệ chúng ta hẳn rất quan tâm: những hàm răng "tê ta". Đọc quyển này cùng Đốt lò hương cũ của Ngọc Giao sẽ rất tuyệt.

- Phương Đông lướt ngoài cửa sổ, Paul Theroux, Trần Xuân Thủy dịch, Nhã Nam & NXB Thế giới. Nhìn chung ở một nền xuất bản như Việt Nam, sự xuất hiện của một người như Paul Theroux hơi giống với một phép màu, hơi tương tự trường hợp Kapuscinski trước đây (đọc Theroux và Kapuscinski cùng xử lý đề tài châu Phi sẽ thấy những khác biệt vô cùng lớn, nhưng những cách nhìn đơn lẻ ấy bổ sung cho nhau). Phương Đông lướt ngoài cửa sổ là khi Theroux đi khắp châu Á, đến cả Việt Nam, và quả thật nói đến tàu hỏa (xe lửa) là người ta nghĩ đến ngay Orient Express và Trans-siberia.

- Tiểu thời đại của Quách Kính Minh.

Và cuối cùng, tuy không nói rõ ra như ở trường hợp Đi dọc, đi ngang Hà Nội nhưng xin thú nhận là cách đây hơn một năm ngửi một cái là tôi đã đoán được bạn Tư sẽ viết tiểu thuyết. Và quả nhiên là đúng. Chúc mừng.

(ngửi gì thì tôi sẽ không nói :p)

Sep 7, 2012

Linda Lê, năm nay

Tiểu thuyết mới nhất của Linda Lê hứa hẹn sẽ có số phận đặc biệt vào mùa sách Pháp năm nay. Cuốn sách tên là Lame de fond (Sóng ngầm ở đáy biển), mà theo Linda Lê tự miêu tả là "có bốn giọng, viết về sự lưu đày, về một mối tình loạn luân" như trong bài trò chuyện với tôi hồi tháng Tư vừa rồi.

Trong khi chờ quyển sách thì có thể đọc bài của PA25 nhấn mạnh vào một giọng văn ám ảnh và khẳng định Lame du fond là tác phẩm thành tựu nhất từ xưa đến nay của Linda Lê. Trong mắt Pierre Assouline (cũng như trong mắt nhiều người), Linda Lê đích thực là một người tử đạo vì văn chương (PA dùng cụm từ "écorchée vive").

Cũng sắp có một cuốn sách của Nguyễn Khánh Long, người chính yếu đưa Linda Lê về (à quên, đến) Việt Nam. Chỉ riêng đây thôi cũng đã là một câu chuyện dài của lịch sử văn chương Việt Nam (lịch sử lớn chứ không phải lịch sử nhỏ).

Sep 4, 2012

Ngọc Giao viết về xe lửa

với rất nhiều tác phẩm của Ngọc Giao in lại trong thời gian vừa qua, cộng một số di cảo, ta đã có thể thấy ông đích thực là một nhà văn đặc biệt, một nhà văn lớn


“Những ngày xa xưa, ai đã từng xuôi ngược trong những chuyến đi gần đi xa, trên các toa tàu hỏa được khó nhọc kéo đi bởi cái đầu tàu xấu xí phì phò nhả khói, tất nhiên còn lưu giữ trong trí nhớ những nhà ga nhỏ bé đứng chơ vơ đơn độc trên cánh đồng mênh mang hiu quạnh, ngày đêm ít có bóng người”.

“Ở lứa tuổi xanh rờn ấy, tôi tự đắc là khỏe mạnh, ít bỏ lỡ dịp trổ cái vốn võ thuật ít ỏi của mình, nhờ một núi truyện kiếm hiệp Tàu đăng câu khách trên hầu hết báo chí của thủ đô, hơn nữa, tuổi trai chưa vợ, tôi thích cái chuyện “ân oán giang hồ” vặt, mê lăn các tuyến đường đất nước, nhất là đường sắt. Mê đường sắt bởi lý do: trong toa tàu chạy xuyên đêm mịt mờ tối sáng, luôn ánh lên một đôi mắt biếc, một nụ cười duyên, tiếng nói ngọt ngào có hiệu lực ru mấy hành khách đang ngủ gật và làm tỉnh táo mấy gã đầu xanh, tim đập rộn ràng, mở to mắt đoán tìm ánh mắt ấy, nụ cười, giọng nói ấy tất phải của người đẹp hành hương. Thế rồi, tới lúc sáng trời, họ đã nhanh chóng trở thành đôi bạn chim xanh, say sưa viết trang tình sử. Tuổi xanh, ở thuở nào cũng vậy, con người sống với trời tình biển hận, nghĩa là phải có yêu đương, ngủ cũng mơ yêu, thức cũng mơ yêu, yêu đến già, đến chết”.

“Chao ôi, cái ga Lạc Đạo bé nhỏ này! Một đời người có muôn nghìn thương nhớ”.

“Bún riêu bà Bơ ăn với đậu nướng chợ Đường Cái, ăn vào hai bát thì cô vợ đoảng sắp bỏ chồng cuốn gói theo giai cũng phải ở lại ăn thêm dăm bát nữa mới chịu lìa chồng. Cái miệng bà Bơ bún riêu mà nở ra thì cụ sắp tới giờ viên mãn cũng nam mô xin ở lại cõi tạm này thêm một giáp”.

“Nhân viên ga xép có ba người: xếp ga, người bẻ ghi, người cắm cờ đỏ xách đèn xanh đỏ giơ lên đón những chuyến tàu vào ga, dừng bánh trước sân ga. Sau này, tổng giám đốc xe lửa hạ lệnh: Con số ba người phục vụ ga xép, rút xuống còn hai. Không cần người cầm đèn đỏ, việc này xếp ga đảm nhiệm, bớt một nhân công, com-pa-nhi Vân Nam đỡ tốn tiền chi phí”.

“Thôi rồi. Hết cả rồi. Trải hơn bán kỷ, thất thảy con người lẫn cảnh vật ở đây, ở đó, đều cuốn theo thiên luật “hữu hình hữu hoại”, trở về bụi cát.

Chao ôi, cái ga xép Lạc Đạo tôi yêu, tôi quý thời trai trẻ, như kẻ hành hương yêu thánh tích, ngày nay không còn dấu vết, chỉ là một bãi hoang tàn”.

(trích từ "Ga xép", Đốt lò hương cũ, Phương Nam & NXB Văn học, 2012)


Sep 2, 2012

10 sách tháng Chín


1. Trò chuyện triết học, Bùi Văn Nam Sơn, Thời Đại, Sài Gòn Tiếp Thị & NXB Tri thức, 447 tr., 108.000 đ.
2. Quán rượu phố Huế, Hồng Phi, Phương Nam & NXB Hội Nhà văn, 231 tr., 59.000 đ.
3. Dĩ vãng phía trước. Tư liệu chuyện đời-chuyện văn một thuở, Ngô Thảo, Phương Nam & NXB Hội Nhà văn, 480 tr., 105.000 đ.
4. Quê hương tôi, Tràng Thiên, Nhã Nam & NXB Thời đại, 350 tr., 70.000 đ.
5. Hồi ký, Phạm Cao Củng, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 420 tr., 76.000 đ.
6. Thị trường và đạo đức, Tom G. Palmer (chủ biên), Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính, NXB Tri Thức, 230 tr., 36.000 đ.
7. Thánh địa tội ác, tiểu thuyết, William Faulkner, Trần Nghi Hoàng dịch, Bách Việt & NXB Văn học, 408 tr., 85.000 đ.
8. Hiệp sĩ không hiện hữu, tiểu thuyết, Italo Calvino, Vũ Ngọc Thăng dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 218 tr., 56.000 đ.
9. Tà dương, tiểu thuyết, Dazai Osamu, Hoàng Long dịch, Phương Nam & NXB Hội Nhà văn, “Tủ sách Tinh hoa văn học”, 189 tr., 55.000 đ.
10. Con cú mù, tiểu thuyết, Sadegh Hedayat, Hà Vũ Trọng dịch, Phương Nam & NXB Hội Nhà văn, “Tủ sách Tinh hoa văn học”, 142 tr., 39.000 đ.

Sep 1, 2012

Julian Barnes và Paul Theroux: bắt đầu

"Đưa" một nhà văn quan trọng của thế giới vào Việt Nam đồng nghĩa với chuyện này: bạn không bao giờ đoán đúng hay gần đúng được sự đón nhận của độc giả.

Ngoài rất nhiều chuyện khác, có một thất bại dường như lúc nào cũng chờ sẵn, thất bại về mặt độc giả. Kể cả những nhà văn tuyệt vời nhất, lại không hề là nhà văn "khó đọc" vẫn hoàn toàn có khả năng trở thành một cái gì vĩnh viễn xa lạ. Cho đến giờ, tôi dám chắc chẳng một nhà xuất bản nào ở Việt Nam dám tự tin nói tác giả này hay tác giả kia mình "đưa" vào Việt Nam sẽ có độc giả. David Lodge thuộc dạng nhà văn không thể không nhiều độc giả, thế mà ở Việt Nam David Lodge vẫn là nhà văn không thật nhiều người đọc :)

Và bây giờ là thêm một đồng hương của Lodge, một trong những nhà văn Anh tôi thấy là hay nhất, độc đáo nhất, Julian Barnes:


Quyển Con vẹt của Flaubert là cả một kiệt tác hài hước (Barnes được tiếng là một nhà văn Anh kiểu francophile, nghĩa là am hiểu nước Pháp và mê nước Pháp); quyển sách này từng là lý do khiến tôi đi Rouen, một thành phố đúng là chán chết :p

Lần này Barnes sẽ là quyển mới nhất, rất có thể cũng là quyển cuối cùng, The Sense of an Ending.

Paul Theroux là tác giả một loạt du ký siêu hạng, ví dụ như:


Quyển bên trái là phần tiếp theo của quyển sắp có bản tiếng Việt (The Great Railway Bazaar), viết cách nhau hơn ba mươi năm.


Vấn đề đặt ra là thất bại này rồi thất bại nữa thì sao? Tôi chỉ thấy hơi ngạc nhiên thôi, với cả quen rồi. Vả lại, như trong The Sense of an Ending ấy, Julian Barnes sẽ cho chúng ta biết rằng: cuộc đời nhất định là một thất bại, không thể khác.