Jun 23, 2012

Haruki Murakami: 1Q84


Sức khỏe của tinh thần

Haruki Murakami, đó là một dòng chảy văn chương dồi dào, của tiểu thuyết nối tiếp tiểu thuyết, trong đó có những bộ đồ sộ hơn hẳn những cuốn khác, giống như các cột mốc đáng ghi nhớ trong cuộc đời sáng tạo của nhà văn người Nhật Bản: Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới (1985), Biên niên ký chim vặn dây cót (1995) và Kafka bên bờ biển (2002). Và Murakami thực là người không tự biết hài lòng với những gì đã có: bộ 1Q84 dày đến nghìn trang sách nhanh chóng trở thành một cơn chấn động lớn trong khung cảnh văn học thế giới mấy năm vừa rồi; xét về dung lượng, bộ sách này vượt xa mọi tác phẩm trước đây của ông.

Jun 21, 2012

Lửa Thiêng đệ nhị và Lửa Thiêng đệ tam

Lửa Thiêng đệ nhị: Sài Gòn đầu năm 1975; số 2 này theo nhiều nguồn thông tin cũng chính là số cuối cùng; bài đầu tiên là của bác sĩ Trần Ngọc Ninh; nhà xuất bản Lửa Thiêng cũng in nhiều sách của Trần Ngọc Ninh, Trần Đỗ Dũng...


Lửa Thiêng đệ tam: Hà Nội năm 2012, tập 1; GS Phạm Vĩnh Cư chủ biên; trong đây có phần đầu Bút ký từ Nhà Chết của Dostoevsky.


Lửa Thiêng đệ nhất (in năm 1940, Tô Ngọc Vân trình bày): thôi tạm giấu đi.

Jun 20, 2012

Hư cấu và phi hư cấu


Cùng một đề tài mà nhiều thể loại xúm vào khai thác, chuyện đó không có gì lạ. Dẫu cho điều này có thể làm độc giả của tiểu thuyết Tolstoy phiền lòng, thì ta cũng phải thừa nhận rằng lượng người đọc những tờ báo phụ nữ chuyên viết về đời sống gia đình lớn hơn nhiều so với những người ngây ngất dõi theo hạnh phúc và bất hạnh của các cặp vợ chồng trong “Anna Karenina”. Tuy nhiên, cái gì thì cũng có giá trị riêng của nó: báo chí hằng ngày không bao giờ đủ sức tạo ra một Vronski sống mãi cả hơn trăm năm qua, như một hình tượng đa tầng ngữ nghĩa.

“Theo đuổi tri thức. Học giả, Địa vị & Văn hóa Học thuật” của Deborah L. Rhode (Giáo sư Đại học Stanford), Bùi Thanh Châu dịch, Mai Sơn hiệu đính, Phạm Quốc Lộc giới thiệu, Ban Tu thư Đại học Hoa Sen và NXB Thời đại, là một tác phẩm phi hư cấu bàn rất sâu về thế giới học thuật bên Mỹ. Toàn chuyện xa lắc xa lơ, tưởng chừng như nó chẳng mấy quan hệ với độc giả Việt Nam. Thế nhưng đừng nghĩ vậy: rất nhiều khi những gì xa lắc lại rất ảnh hưởng đến chúng ta, mà ví dụ kinh điển là bầu trời đầy sao trên đầu và thế giới nội tâm của chúng ta.

“Theo đuổi tri thức” miêu tả một số khía cạnh nổi bật của “hàn lâm” và “đại học” tại nước Mỹ, đại ý cuốn sách đặt ra câu hỏi về việc thực sự thì các giáo sư đại học theo đuổi gì: Họ có theo đuổi tri thức không, hay theo đuổi danh tiếng, tiền bạc và địa vị. Nhà hàn lâm “thực thụ”, ở mức độ lý tưởng, theo Emerson là người nên “thấy đủ hạnh phúc nếu có thể thỏa mãn chính mình chỉ bằng việc hôm đó ông ta đã thấu hiểu một thứ gì đó”, nhưng lời dạy này có vẻ bị nhiều người quên mất.

Tác phẩm phi hư cấu này hấp dẫn vì giáo sư Rhode, tác giả của nó, rất biết cách “tặng thêm” những câu chuyện sắc bén mang tính gợi ý cao chứ không chỉ trình bày rất nhiều lập luận chặt chẽ với số liệu và dẫn chứng đi kèm. Ta biết chuyện một hiệu trưởng mang theo đầu bếp riêng bay sang châu Âu dự một bữa tiệc gây quỹ (tr. 37) như một hiện tượng trưởng giả hóa thế giới đại học, cũng như biết rằng trong số các bài viết học thuật “có những câu mà người ta phải van xin tác giả gạch bỏ đi” (tr. 71) vì quá tối nghĩa, rồi ngay sau đó là câu chuyện về nữ giáo sư danh tiếng Judith Butler (tác giả cuốn sách “Genre Trouble” đình đám cách đây chừng hai chục năm), xung quanh vấn đề sao mà các học giả viết khó hiểu thế. Mà Butler chỉ là một học giả trong quy trình sản xuất tác phẩm học thuật khủng khiếp: “mỗi năm đã có hơn một trăm ngàn tạp chí chuyên ngành và hơn một trăm ngàn cuốn sách được xuất bản trên toàn thế giới” (tr. 63). Rhode cũng chỉ ra nhiều vấn đề nữa, chẳng hạn như: “cộng đồng hàn lâm đang mất dần tính cộng đồng” (tr. 59).

Cuốn sách phi hư cấu này sẽ được bổ khuyết rất hữu hiệu về phương diện văn chương nếu ta đọc thêm bộ ba tiểu thuyết của David Lodge hay được mệnh danh là thể loại “campus novel” (tiểu thuyết về giới đại học): “Changing Places” (1975), “Small World” (1984) và “Nice Work” (1988), trong đó cuốn đầu tiên đã được dịch ra tiếng Việt gần đây dưới nhan đề “Đổi chỗ”. Điều rất đáng lưu ý là Lodge từng làm giáo sư đại học (trường Birmingham bên nước Anh, nguyên mẫu cho trường Rummidge vô cùng nhiều nét nực cười trong bộ tiểu thuyết nói trên), thời gian ấy ông là một chuyên gia khả kính về lý thuyết văn học, với những bộ “dẫn luận” được rất nhiều sinh viên đọc và trích dẫn. Đến năm 1987, David Lodge bỏ nghề giáo sư để chuyên tâm vào văn chương.

Tương ứng với những mô tả của Rhode trong “Theo đuổi tri thức”, trong bộ tiểu thuyết của Lodge có tất cả các khía cạnh khôi hài của giới học giả, nói tóm lại là mặt trái của một thế giới tưởng chừng khắc kỷ, với những màn đổi vợ đổi chồng giữa các giáo sư (trong “Đổi chỗ”), những cuộc hội thảo khiến độc giả cười lăn cười bò trong “Small World”, các giáo sư như thể ngôi sao giới showbiz, nhất là Morris Zapp, liên tục bay lượn như chim trên trời để đi từ cuộc hội thảo này sang cuộc hội thảo khác, với mục đích cuộc đời là trở thành giáo sư văn chương Anh-Mỹ được trả lương cao nhất thế giới, hoặc giả một vị giáo sư bên Melbourne ngồi viết tham luận hội thảo bằng một thứ “đặc ngữ” không thể hiểu giống như Rhode đã miêu tả nhưng thật ra trong đầu chỉ chăm chăm nghĩ đến cô sinh viên giờ này đang mặc bikini trên bãi biển (chi tiết trong “Small World”).

Có những lúc trong tiểu thuyết của mình, Lodge viết những “trữ tình ngoại đề” đúng theo phong cách giáo sư đại học, còn Rhode lại đưa ra các “nhân vật” nói những câu như trong tiểu thuyết, ví dụ như bà trích dẫn Richard Posner nói rằng “nền học thuật, giống như loài cá hồi sinh sản nơi hoang dã, có rủi ro lớn mà kết quả lại thấp” (tr. 65). Hư cấu và phi hư cấu của các giáo sư đại học nhiều khi có biên độ trùng nhau tương đối lớn.

Và, nếu muốn có một cái nhìn “ở giữa”, không quá thiên về định kiến về một xã hội học thuật nghiêm ngắn mà cũng không ngả hẳn sang sự châm biếm cái xã hội ấy, ta có thể tham khảo ý kiến của nhà văn Mỹ Jonathan Franzen được Rhode trích dẫn trong “Theo đuổi tri thức”: “niềm vui có được từ lao động cực nhọc… niềm vui thấy mình hơn hẳn những độc giả kém cỏi, mới chính là niềm vui đáng có nhất” (tr. 75). Lẽ dĩ nhiên, cái gì thì cũng có giá trị riêng của nó.

Nhị Linh

Jun 15, 2012

Sài Gòn, 1966

Trích từ Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc, trong Bình Nguyên Lộc truyện ngắn, NXB Trẻ, tủ sách "Mỗi nhà văn - Một tác phẩm", 2012, tr. 182-265.

"Thủ phủ miền Nam là một thành phố mới. Cây, đá, nhà, phố, phong tục, đều chưa mang được cái vẻ cổ kính, chưa biết kể lể những kỷ niệm cảm động để quyến luyến con người."

[...]

"Sông con ơi! Sài Gòn làm đỏm làm dáng mà người vẫn dơ, vẫn hôi mùi bùn non, mùi nước mắm, hôi cái mùi của những chị cần lao. Nhưng chính cái mùi hỗn hợp ấy đã làm cho người dễ thương biết bao."

[...]

"Dân Sài Gòn quả đã bỏ mất hết khiếu tế nhị trong việc ăn uống. Người ta nấu bánh canh giò heo cho họ mà họ cứ im lặng nhận lấy, không phản đối bao giờ. Không, món bánh canh phải nấu bằng cá rô, hay tệ lắm bằng cá lóc."

[...]

"Thành phố Sài Gòn chỉ mới cất hôm qua đây, nên chi một ngôi mộ xây chừng nửa thế kỷ cũng được ta mừng rỡ liệt vào hạng di vật lâu đời.

Liệt những món còn mới ràng ràng ấy vào hạng đồ cổ để mà thương cái đô thị chưa có kỷ niệm này.

Những tư tưởng đóng rêu, ta muốn vứt đi cho khỏi vướng bận tinh thần. Nhưng một thềm nhà cũ, một thếp đèn xưa, càng đóng bụi thời gian bao nhiêu, càng đẹp hơn lên bấy nhiêu."

[...]

"Tình đất Sài Gòn tản mác trong người, trong vật. Nhứt là trong vài câu ca dao hiếm hoi. Vì hiếm hoi nên tình như không thỏa. Vì không thỏa nó mới cố lắng sâu như để tìm chính mình, trong chỗ không có gì hết."

[...]

"Bầu trời là một bồn cá khổng lồ mà hàng trăm con cá đang lượn quanh những cây thủy thảo vô hình.

Ừ, kỳ lạ chưa, diều giấy không giống chim mà lại giống cá, bởi vì chim thì bay đi còn diều thì cứ quanh quẩn mãi trong chu vi nhứt định như con cá vàng không thể nào ra khỏi bồn thủy tinh."

[...]

"Diều ơi, diều có phải là gốc người Tây Tạng hoặc người của vài bộ lạc Phi châu mà khi chết xác không thổ táng, hỏa táng mà lại không táng?"

[...]

"Ông A. Daudet kể rằng thành phố Tarascon đã bị loài chim ghi tên vào sổ đen của chúng. Mỗi khi chúng bay gần tới đó là chúng kêu nhau mà rằng: "Ê, thành Tarascon kia ta!", rồi áp nhau rẽ qua ngã khác.

Sài Gòn cũng phải được tránh như thế các bạn chim ạ!"

[...]

"Ở đây bạn hót chẳng ai buồn nghe, người ta chỉ thích nghe tiếng thịt của các bạn xèo xèo trong chảo mỡ thôi."

[...]

"Nhưng con người sống với cơm nước mà cũng sống với hình ảnh, màu sắc, và âm thanh. Bịt tai lại bằng cách đó, con người sẽ đói tiếng động lắm. Ngặt hễ mở tai ra là chúng ùn ùn kéo vào.

Phải có một ban trật tự lừa lọc, soát vé cho đứa nào vào và ngăn đứa nào lại, ta mới khỏi ăn những âm thanh man rợ nó gặm mòn bộ thần kinh của ta."

Jun 10, 2012

Phạm Công Thiện vs Nguyên Sa


Phạm Công Thiện trả lời loạt bài của ông Lê Hải Vân về Trường hợp Phạm Công Thiện đăng liên tục vô tận trong nhật báo Độc Lập từ hạ tuần tháng 5 năm 1970.

(Xin lỗi độc giả Tư Tưởng về bức thư nầy và xin hãy xem bức thư này như là một việc đáng lẽ không nên làm ở đây.)

P.C.T

Kính gởi thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan (tức Lê Hải Vân).

Phải chăng thi nhân không còn nói với nhau bằng tiếng nói của thi sĩ trong cơn lửa dậy? Tiếng chim đã bị những khẩu hiệu bóp nghẹn rồi sao và chỉ còn lại một thứ ngôn ngữ tối đen đọa đày trong sự rạn vỡ càng lúc càng rạn vỡ ở đất nước này? Tôi mong Ông có can đảm nhận thật tên của mình và nếu bút hiệu Lê hải Vân bị Ông chối bỏ thì tôi xin chịu lỗi và coi bức thư này gửi riêng cho Lê hải Vân để cho hình ảnh thi sĩ Nguyên Sa hãy còn là thi sĩ.

Bài Ông xuất phát từ sự xếp đặt lâu dài mang đầy “ẩn ý chính trị pha màu mật vụ” quá sôi nổi và cần phải được nghe lại cho đúng tiết nhịp của thời gian vượt ra ngoài mọi tư thế chính trị, bè nhóm, tập đoàn mà tôi thừa hiểu. Ông chỉ là kẻ thi hành hãnh tiến:

Jun 7, 2012

Vladimir Nabokov là một ông hoàng


Mở đầu bài tiểu luận vô cùng thành kính của mình về Nabokov (chính xác hơn là về những bài giảng văn học của tác giả Lolita tại Đại học Cornell), nhà văn Mỹ John Updike viết: “Vladimir Vladimirovitch Nabokov sinh cùng ngày với Shakespeare, vào năm 1899, ở Saint-Petersburg (ngày nay là Leningrad), trong một gia đình vừa giàu có vừa có dòng dõi quý tộc”.

Jun 5, 2012

Thanh Tâm Tuyền: tầm xuân

nhân nhớ tới một cuộc loạn đả ý kiến cách đây vài năm :)

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Thanh Tâm Tuyền

Tôi nhận được thư của một người bạn yêu thơ - vừa thương vừa giận tôi lắm - trách móc và đòi tôi ít nhất hãy tự giảng lấy một bài thơ của mình để độc giả có thể theo dõi nổi mình. Hằng ngày tôi bắt gặp những câu hỏi tương tự như: “Thơ viết cái gì? Đọc không làm sao hiểu nổi”, ở những người bạn mới gặp lần đầu, những học sinh rất thân của tôi.

Tất nhiên là tôi không thể nào chối một phần cái sự “tối tăm” của thơ tự do. Vì như tôi đã có dịp trình bày: bản vị của một bài thơ tự do không nằm trên mỗi câu như ở thơ cũ (chữ cũ gồm cả cho thơ mới) mà đặt trên mỗi từ khúc. Đừng tìm ý nghĩa và tiết điệu của bài thơ theo mỗi câu mà hãy nắm trọn từng từ khúc một. Mỗi từ khúc là một toàn thể về ý nghĩa cũng như tiết điệu ở đấy người làm thơ liên kết những lớp hình ảnh xô đến - để diễn một ý lớn và một điệu trọn vẹn. Chính ở chỗ này - người làm thơ mở cửa tâm hồn tiếp đón rất nhiều hình ảnh cho một từ khúc - khiến thoáng ngó người đọc cảm thấy ý tưởng bị ngắt quãng vì những hình ảnh đứng bên nhau với cái lướt mắt sơ sài tưởng không liên lạc gì với nhau. Cho nên người đọc phải tìm được sự thống nhất khăng khít của những hình ảnh ấy.

Nguyên tắc chính của thơ tự do là tránh giảng giải phân trần, bài thơ tự nói bằng hình ảnh.

Jun 2, 2012

Hà Nội, 1949


Trích từ Vũ Bằng, Văn hóa… “gỡ”. Những tác phẩm mới phát hiện của nhà văn Vũ Bằng, Võ Văn Nhơn sưu tầm và tuyển chọn, NXB Phụ nữ.

“Thế thì tiền đâu cả? Không ai biết. Nhưng cái tiệm khiêu vũ thứ nhất được phép mở từ khi nổi lên khói lửa đến giờ, cái tiệm khiêu vũ thứ nhất mà khánh thành thì bao nhiêu bàn đều có khách kéo nhau vào nhảy. Ả áo hồng nhảy theo điệu kèn xanh. Anh áo xanh nhảy theo bản nhạc hồng.”

[…]

“À. Tưởng là người ta phản đối khiêu vũ. Không phản đối thì không cần. Một, hai, ba. Một, hai, ba. Lớp nhà giầu cũ tàn rồi, một lớp nhà giầu khác nổi lên. Có bao nhiêu điều phải học? Khiêu vũ trước nhất này. Thứ nhì, mạt chược này. Thứ ba, ăn cơm tây này. Bao nhiêu điều cần phải soạn thành sách để dạy người ta, thì báo không nói đến. Thơ khóc lóc tràn ra. Chánh trị cứ ngấy lên đến cổ. Văn hóa khặc khừ, ốm dở: hiệu sách chỉ còn chén về môn sách cũ. Một đứa trẻ khóc hai ngày để xin mẹ hai chục bạc mua một quyển sách dạy về toán pháp. Đại đa số người yêu nước cũng ngồi khóc tu tu. Thơ nhớ nước hòa vào nước mắt, nước mắt hòa vào thơ nhớ nhà. Tiêu cực, chỉ trông cậy ông trời là ổn nhất. Triệt để tin tưởng vào số mệnh! Thêm một vài ông lấy tử vi, xem giò, bói dịch và coi tướng tay xem hạnh phúc chung thân, đắt năm chục một quẻ mà rẻ cũng hai mươi nhăm đồng.”