Aug 24, 2016

[tiện bút] mười năm

tôi ngồi cho rữa tôi ra
bên trên là đá, dưới là rỗng không

đi về phía Đông: đối với William Blake, phía Đông là Luvah, phía của cảm xúc, của lửa, của trái tim, tức là rất khác với chẳng hạn phía Bắc, Urthona, phía của trí tưởng tượng, nhưng tồi tệ nhất là phía Nam, Urizen, đi về hướng này là đi về lý trí; dẫu sao, bỏ mọi thứ sang một bên, ngày ấy, dẫu sao, tôi cũng đã đi về phía Đông

Aug 20, 2016

phải tuyệt đối đáng ghét

Céline (không đi ông, và cũng chẳng túi xách, giày dép, quần áo), dựng lên, trên con đường dẫn vào thế giới của mình, vô số chướng ngại vật: vô vàn dấu ba chấm khó chịu mới chỉ là một chuyện nho nhỏ, cái thứ ngôn ngữ tưởng chừng không thể đưa vào văn chương ấy, ngôn ngữ của ngoài chợ, trên những phố nhỏ nhếch nhác của những khu không đẹp; và nhất là, một chướng ngại vật khủng khiếp: sự đáng ghét; nhưng đó cũng chính là lòng nhân đạo của Céline, nếu như mà đối với Céline ta vẫn có thể nói đến lòng "nhân đạo"; những chướng ngại vật đó đã rất nhiều lần ngăn cản tôi, qua được cái này thì lại xuất hiện cái khác, nhiều vô kể, nhưng ý nghĩa của "đêm" có lẽ chính là như vậy, đi trong đêm, có bao giờ nhìn thấy cái gì đâu

Aug 16, 2016

[tiện bút] quán cà phê Georges Perec

tàu vừa rung vừa lắc khá mạnh; tôi đi quá sớm, còn quá nhiều thời gian nữa mới tới giờ cuộc hẹn, lên mặt đất, tôi định vào Librairie Polonaise trên đại lộ Saint-Germain; lần trước, ở đây tôi đã mua cuốn sách của Jan Potocki, trong số các nhà văn Ba Lan bày tại hiệu sách, trên tầng, sau một cầu thang rất chật, tôi đã ngần ngại trước L'Arbre của Sławomir Mrożek, ở đó cũng có Nhật ký 1962-1969 của Mrożek; tôi định trong lúc chờ đến giờ cuộc gặp thì vào đó mua cuốn sách mang tên "Cái cây" mà lần trước tôi còn chưa quyết định được

Aug 14, 2016

Thời nắng lịm

lâu rồi không có mục "sách mới", thế giới chắc vẫn không đến nỗi bất ổn chứ? :p

sắp tới sẽ có hai cuốn tiểu thuyết mới, mà tôi nghĩ rằng sẽ không tệ nếu kể lại đôi chút về hành trình để chúng "đến đây" - thật ra, vài năm trở lại đây, không còn dễ để làm cho một cuốn tiểu thuyết nước ngoài đặc biệt nào xuất hiện ở Việt Nam: mười năm vừa qua đã làm thay đổi nhiều thứ, giờ đây ở Việt Nam sẽ không có chuyện ồ ạt được nữa, trong mảng văn học dịch

Aug 7, 2016

Nhượng Tống, Phan Du, Trương Chính

cuối năm 2008, tôi bắt đầu thấy mình quan tâm đến nhân vật văn chương Việt Nam đầu tiên, Nguyễn Công Trứ; tất nhiên, sự đọc của tôi trước đó từng dẫn tôi tới nhiều nhà văn Việt Nam khác, nhưng tôi cũng không muốn lặp lại câu chuyện về cái sự đọc mọi thứ gì rơi vào tầm mắt mà không biết bao nhiêu người đã kể nữa

Aug 3, 2016

Vòng tròn Dương Nghiễm Mậu

Dương Nghiễm Mậu là người cuối cùng của một nhóm rất nhỏ - chỉ có ba người - gồm Khái Hưng, Nhượng Tống và Dương Nghiễm Mậu. Sự cách nhau về thời gian giữa hai người trước và người thứ ba không có mấy ý nghĩa, mà ý nghĩa nằm ở chỗ họ là một bộ ba có cách tồn tại trùng vào nhau, ít nhất là rất giống nhau. Khái Hưng lùi về đằng sau Nhất Linh, Nhượng Tống không phải nhân vật số một mà chỉ ở bên cạnh Nguyễn Thái Học, và bản thân Dương Nghiễm Mậu chính là người chiến đấu để người ta phải nhìn nhận đúng vị trí của Thanh Tâm Tuyền. Nhưng lại chính họ, Khái Hưng, Nhượng Tống và Dương Nghiễm Mậu, là những người nắm giữ một tinh thần văn chương gần nhất với bản thể của xứ sở này; văn chương của họ, những người tưởng chừng bị lu mờ về hành trạng, chính là xứ sở này. Cả ba đều đã vẽ những vòng tròn, vòng tròn của kiên nhẫn, lặng lẽ và chịu đựng. Xứ sở này có ý nghĩa và giá trị hay không, chính là nhờ những sự chịu đựng như thế.