Jun 29, 2013

Những viết ngắn

Viết dài hay viết ngắn đều khó cả, nhưng cái khó của viết dài chủ yếu nằm ở cấu trúc nhiều hơn, còn viết ngắn, đến mức cực ngắn, thì khó nhất là ở chỗ lựa chọn: chỉ được chọn một ý tưởng, phải phòng chống tham lam, phải chống trả sự lắm lời một cách triệt để.

Bìa sau quyển sách chỉ đủ chỗ cho vài câu văn. Viết như thế nào là cả một vấn đề. Thật ra tôi thích sách không có text bìa hoặc text bìa là trích từ trong sách hơn, nhưng đó là với những tác giả đã quá nổi tiếng không cần nhiều giới thiệu, hoặc tác phẩm kinh điển tái bản.

Jun 26, 2013

Từ điển và Thế giới

Borges từng viết rất nhiều về thư viện-mê cung, thư viện như một cách hình dung về thế giới. Ông còn viết không ít, lấy cảm hứng rất nhiều từ những quyển từ điển.

Từ điển mô phỏng thế giới, nhưng đã xếp thành trật tự.

Từ điển là một dạng thế giới song song: một bộ từ điển lý tưởng có thể hình dung là quyển có chứa từ tương ứng với bất kỳ cái gì có ở trên đời.


Jun 24, 2013

Giới từ và không gian, thời gian

Theo tôi, giới từ là căn cứ rõ rệt nhất để hiểu tư duy, quan niệm về không gian và thời gian của từng dân tộc.

Đó là quan niệm nền tảng nhất, vì giới từ phải được hình thành từ rất sớm và không giống tự vị, nó rất ít thay đổi, số lượng lại rất nhỏ.


I. Về không gian

Dần dần, quan sát hệ thống giới từ tiếng Việt, tôi rút ra kết luận, người Việt Nam dùng hai quy chiếu quan trọng nhất là mặt đất và nhà. Trú sở của người Việt Nam là mặt đất và ngôi nhà, tư duy của người Việt Nam luôn luôn tìm cách định vị không gian theo đó.

- "Tôi trèo lên cây", "tôi ngồi trên cây" là ví dụ tiêu biểu hơn cả, "trên" ở đây là trên so với mặt đất. Ngôn ngữ phương Tây không quan niệm như vậy, vì có quy chiếu khác. Điều này tôi đã nói qua ở đây.

Jun 20, 2013

Cái ác


Một vài nhà phê bình văn học, không hiểu vì lý do gì, có thể chẳng vì lý do gì hoặc do nội tâm thiếu thốn tình yêu, lâu nay cứ duyên dáng kiên nhẫn và nhảm nhí nhắc đi nhắc lại rằng văn chương không có tình yêu là văn chương vứt đi. Nhiều nhà phê bình khác thì bảo văn chương không có tư tưởng lớn là văn chương thời vụ, chẳng đáng tính đến. Lại có cả một lý thuyết rất nghiêm chỉnh chứng minh văn chương có thể không cần câu chuyện nhưng nhất định tác giả phải miêu tả, không miêu tả cái này thì miêu tả cái khác.

Tức là, dường như mọi thứ đang minh họa một cách phong phú cho lời nhận xét rất nhiều độc địa của Milan Kundera, đại khái theo đó nghệ thuật thì có thể chết, nhưng những làm xàm về nghệ thuật thì lại bất tử.

Jun 19, 2013

Đọc


Những quyển sách tôi đã đọc, giờ rất nhiều thứ không còn nhớ, phần bị lãng quên nhiều nhất dĩ nhiên là nội dung, tên nhân vật, trình tự diễn tiến, vân vân và vân vân. Nhiều khi chỉ còn đọng lại cái cảm giác quyển ấy hay thế, hay kinh khủng, hay kinh hoàng, nhưng vì sao hay thì chẳng nhớ rõ, cũng chẳng mấy có nhu cầu phải nhớ. Một kỷ niệm cũng vậy, khuôn mặt người này, giọng nói người kia như thế nào sau này rất khó tái hiện cho chính xác.

Nhưng ghế của các thư viện thì tôi nhớ kiểu, hình dạng, độ cứng, độ dốc (tầng hầm thư viện François Mittérand có loại ghế thửa riêng rất đặc biệt, có độ dốc được tính toán để thuận tiện nhất cho các bộ mông, dĩ nhiên là các bộ mông ở mức độ trung bình, không thể tính được các bộ mông đặc biệt hoặc dị dạng).

Jun 16, 2013

Jack Reacher

Lee Child ấy mà, là một nhà văn trinh thám ở vào dạng nhà văn trinh thám loại một, vì có dạng nhà văn trinh thám coi trinh thám là trinh thám và có dạng nhà văn trinh thám loại hai không coi trinh thám hoàn toàn là trinh thám, tức là trinh thám chỉ là một cái tình tiết etc.

(yên tâm, sẽ không có spoiler :p)

(và cứ viết đi viết lại thật nhiều từ "trinh thám", cam đoan nhiều người sẽ chỉ còn nhìn thấy từ "trinh", cái này liên quan đến mối quan hệ rất phức tạp giữa thị giác và tâm lý, về những gì mà tâm trí thực sự muốn tiếp nhận :p)

Jun 11, 2013

khác, khác, đã khác :p

Trong Other Colors, có một đoạn Pamuk viết như sau:

"The Western reader is entranced by the strangeness and facile narration of the columnists I parody, who belong to a tradition that stretches beyond Turkey to include many other countries living within the same cultural contradictions. They are a dying breed, but we can still find echoes of them in columnists writing in Turkey today".

Ở đây Pamuk đang nói đến truyền thống các bỉnh bút trên báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, những người chuyên giữ mục và có quyền lực rất lớn, quyền lực thực chứ không phải đùa, nhưng đổi lại thì cũng hay phải đi tù hay ra tòa :p

Jun 9, 2013

Ghi chép vụn vặt về Tên của đóa hồng


Động chạm đến các “magnum opus” trong nền văn hóa phương Tây không phải chuyện đơn giản, vì để trở thành một “great work” ở đó, tác phẩm phải chứa đựng trong nó cả một lịch sử cộng với một cách diễn giải độc đáo mà để nhìn nhận được cần rất rất nhiều thứ. Tên của đóa hồng không hề dễ dàng, chẳng phải vì nó có cốt truyện lắt léo, bày ra một mê cung (mê cung là món rất được một số nhà văn cự phách của thế giới phương Tây ưa thích, tiêu biểu hơn cả là Borges).

Trước hết: tại sao lại có cái đề tài gắn chặt với Chúa và tôn giáo này?

Jun 8, 2013

Thơ Nguyễn Ngọc Tư


lời cảm ơn:

- anh Phạm Đam Ca, người đã chăm chút đến từng chữ (theo đúng nghĩa đen) trong phần trình bày đặc biệt
- anh Jason Gibbs
- Nguyễn Ngọc Tư, tức Tư Cà Mâu, vì đã viết những bài thơ đủ sức để làm mình bớt thù ghét thơ thẩn, thế cho nên mình tha lỗi cho cái thói nhí nhoáy gửi thư rồi cứ ba phút lại í éo đòi đổi chữ này thay chữ kia xóa chữ nọ :pp

thêm cái này

Jun 6, 2013

Quán biên thùy

KINH KHA

Quán biên thùy nơi chia đôi cương giới
Triệu một bên Yên hờ hững một bên
Nâng chén rượu chiều chiều nghe gió thổi
Sương mờ mờ bao phủ hận vô biên

Hận vô biên vì tài không chỗ dụng
Kiếm thần đeo hoen rỉ tháng ngày qua
Tề Ngô Vệ dặm ngàn không chỗ đứng
Đất Yên nhìn... hôm sớm... núi mờ xa

Rượu đầy vơi... âm thầm nghe điệu trúc
Trúc ngân buồn, rừng núi trĩu lệ sương
Vỗ kiếm ca... lưng trời lờ lờ đục
Lời buồn than vương vấn ủ biên cương


Jun 1, 2013

Sách tháng Năm 2013

- Một tập truyện ngắn Việt Nam: Nguyễn Trí, Bãi vàng, đá quý, trầm hương, NXB Trẻ, 352 tr., 85.000 đ.

Cố sức vượt qua lời giới thiệu in ở đầu sách (trong đó miêu tả giọng văn của Nguyễn Trí là "tưng tửng, tung tẩy"; tôi thật không hiểu sao bây giờ người ta lại nghèo nàn vốn từ đến thế, "văn chương tưng tửng" thật ra nghĩa là gì? sau một thời gian cứ nói đến thơ là người ta dùng từ "vâm váp", giờ trong các bài điểm sách thấy nhan nhản "tưng tửng" với "tung tẩy" chẳng biết để nói lên điều gì; sai lầm về lựa chọn ngôn từ của nhà văn Hồ Anh Thái ngày càng lộ rõ, tại sao phải nhao theo vốn từ quần chúng xước xát mòn vẹt mà không đứng vững trên một vốn từ cá nhân? sai lầm này còn thấy rõ ở Ma Văn Kháng, và tôi từng đọc bài Ma Văn Kháng khen Hồ Anh Thái cách đây chưa lâu lắm; rồi lại còn từ "hoang hoải" rồi "chao chát" nữa chao ôi), ta có được chừng mười lăm truyện ngắn theo một kiểu lâu lâu rồi không thấy trong văn chương Việt Nam.

Cái kiểu ấy là "trải nghiệm thực tế" đầy xộc xệch, khốc liệt, kể chuyện nhiều khi lên gân và vụng về nhưng có hồn cốt, nhiều quan sát tỉ mỉ, nhiều câu chuyện cuộc đời nóng hầm hập, đắng cay chua chát, dạng trước đây hay thấy xuất hiện nhưng gần nay có vẻ bị "khối thị thành" áp đảo đẩy bắn sang bên lề.