Một tác phẩm nghệ thuật không thể không vị kỷ, nếu không vị kỷ nó sẽ không là tác phẩm nghệ thuật.
Làm thế nào để đối đầu với buồn đau, sầu muộn? Câu trả lời của Orhan Pamuk trong Bảo tàng Ngây thơ (Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam & NXB Văn học) là: hãy biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật. Hay đúng hơn là một tác phẩm nghệ thuật dưới hình thức nơi lưu giữ những mảnh vụn. Khi phải đương đầu với nỗi thất tình đau đớn một cách cụ thể: "xuất phát điểm của nỗi đau đậm đặc nhất nằm phía trên, bên trái dạ dày, từ đó nó mạnh dần và lan tới vùng giữa ngực và dạ dày […] rồi từ bên trái nó lập tức lan sang cả bên phải, nó xoáy vào tôi như một chiếc tuốc nơ vít hay một thanh sắt nóng bỏng, gây chảy máu trong. Cứ như đầu tiên là dạ dày tôi, rồi đến cả khoang bụng được nạp đầy chất a xít. Như những con sao biển nhớt nhát, nóng giãy bám vào nội tạng. Đau đớn dữ dội hơn lan dần như bò lên trán, lên gáy, lên lưng, lên não và toàn thân tôi; bóp tôi gần như nghẹt thở" (tr.141), chỉ một giải pháp cũng hướng đến sự cụ thể mới là khả dĩ.
Và thế là ta bước vào thế giới nặng trĩu buồn đau đến phi lý của một cuộc thất tình do Pamuk dựng nên ở thành phố Istanbul. Nỗi thất tình này được miêu tả chi tiết đến mức phồng mãi, phồng mãi lên trong hàng trăm trang sách, nhưng cũng chính vì phi lý như vậy nên nó rất thật, bởi vì hình như chỉ khi nào được phóng to lên đến ngoại cỡ, đến phi lý và không thật thì một hư cấu mới nên được coi là thật. Nó nhắc ta nhớ lại cảm giác mình từng có, tất nhiên đã qua đi như mọi thứ trong đời, nhưng vào lúc xảy ra, nó quả thật đã gây nghẹt thở ở cường độ như vậy. Ta có thể khinh thường Kemal vì đã không chịu đựng nổi thứ mà một con người trưởng thành hiểu rõ rồi sẽ qua thôi, ta cũng có thể thán phục Kemal vì nuôi dưỡng được lâu đến vậy một cảm giác lẽ ra chỉ tồn tại được rất ngắn, như mọi cảm giác quá mạnh khác.
Nhưng điều quan trọng là văn chương phóng đại - theo đúng cách của nó, có thể nói vậy - từ một thời điểm nào đó bắt đầu tỏa ra ma thuật. Ma thuật của sự quyến rũ: sau ba trang chỉ nói đến sự thất tình ta thấy mệt mỏi, sau ba mươi trang vẫn nói đến sự thất tình ta thực sự mệt mỏi nhưng bắt đầu thấy nỗi thất tình bi thương ấy khoác lên mình một trang phục kỳ lạ, và sau ba trăm trang vẫn chỉ nói đến sự thất tình, sự bi thương không còn là sự bi thương nữa, một chuyển hóa nào đó đã xảy ra. Chuyển hóa ấy ở Bảo tàng Ngây thơ mang tên sự hồi sinh. Có lẽ từ sau Cuốn sách đen chưa từng bao giờ Orhan Pamuk viết được một cuốn tiểu thuyết mãnh liệt đến vậy, sự mãnh liệt này gần như khiến cho nghịch lý được Kemal phát biểu khi cuốn tiểu thuyết kết thúc, "tôi đã sống một cuộc đời hạnh phúc" không còn là nghịch lý nữa, mà đã trở thành đương nhiên.
Cơ chế của chuyển hóa ấy đã diễn ra như thế nào? Thời điểm then chốt là sau bữa tiệc đính hôn nhiều hệ lụy giữa Kemal và Sibel: ngay sau đó Füsun biến mất và sau rất nhiều đợi chờ, Kemal tìm đến nhà Füsun, chỉ để biết rằng cô em họ, người tình tuyệt vời của anh trong những buổi chiều ngây ngất tình ái ở ngôi nhà Merhamet, đã không còn ở đó nữa.
Tất nhiên đây là khởi đầu cho nỗi thất tình sẽ còn kéo dài trong hàng trăm trang sách tiếp theo, nhưng cùng lúc, đây cũng là thời điểm Kemal nhìn thấy ở nhà Füsun chiếc thước kẻ gợi rất nhiều đến cô em họ và những buổi anh kèm cô học toán. Phản ứng của Kemal là đút ngay chiếc thước kẻ vào túi mang về. Hai khởi đầu vào cùng một thời điểm.
Kemal bắt đầu trở thành một chàng trai, rồi một người đàn ông thất tình không thể cứu chữa, đồng thời cũng trở thành một người nhặt nhạnh những vụn vặt, và anh ở vào tâm điểm của hai quá trình: dằn vặt nội tâm vì nỗi thất vọng trong tình yêu nhưng lại được hưởng "sự an ủi của đồ vật".
Những đồ vật cụ thể được Kemal chất đống lại, mọi thứ đồ vật liên quan đến anh và cuộc tình của anh, và từ đó mà có Bảo tàng Ngây thơ: cách thức chống trả lại lãng quên của không ít người là nhặt những gì còn sót lại từ quá khứ - từ đây mà ta thoáng nhìn thấy tâm hồn của những người ưa thích sưu tầm - và cuộc chiến đấu này ở Kemal, một cách đặc thù, dần dần kết tinh lại thành một tác phẩm nghệ thuật, mà Kemal sẵn sàng mở cửa cho mọi người vào xem.
Cũng như trong câu chuyện thần thoại: thần Osiris (tượng trưng cho cái chết và sự hồi sinh) bị giết và xẻ xác thành nhiều mảnh nhỏ rồi những mảnh ấy được người vợ Isis đi tìm lại, một số cuộc tìm kiếm dưới dạng nhặt nhạnh chính là sự ương bướng không chịu khuất phục trước thời gian, và một niềm tin đằng đẵng vào sự hồi sinh. Niềm tin ấy rất có thể là một phần không thể thiếu của nghệ thuật.
Lâu lâu không thấy bác có sách của tháng nhở
ReplyDeleteTối qua vừa đội mưa đội gió đi tọa đàm của bác Giáp Văn Chung, nếu không phải vì quá say mê 'Bảo tàng ngây thơ' chắc đã ở nhà cuộn tròn trong chăn.
ReplyDeleteVà lại lò dò vào đây để cảm ơn anh (lần nữa nữa) vì đã mai mối cho em một tình yêu lớn nhường ấy *cúi đầu* :'( Vậy mà đã không đọc ngay hôm đó chỉ vì ngại ngần sợ nó quá ngôn tình sến súa.