Nov 4, 2021

Sinh nhật


 "Je ne suis pas fait pour tant de lumière."

- Cioran



Bắt đầu đi lên cầu. Hơn mọi thứ, mấy cây cầu mới (ở mọi nơi, cứ cầu tên "Cầu Mới" thì thế nào cũng là cầu cũ, thậm chí rất cũ, nếu không phải là cổ kính) làm tôi rối trí trong sự nhận ra thành phố của tôi. Nhưng không ai biết được tường tận một thành phố, cũng không ai biết tường tận về người nào, hay cái gì. Cái biết toàn tri không dành cho chúng ta. Trong số những cây cầu cũ, tức là có sẵn, dần dần tôi nhận ra cầu Long Biên xuất hiện (như một hiện hình) trong mọi cái mà người ta hay gọi là bước ngoặt, của thứ mà người ta hay gọi là cuộc đời, của tôi. Nhưng cũng có một cây cầu nhỏ xíu, nát như bã chè qua liên miên lần đổ thêm nước sôi, nằm một cách nguy hiểm ngay trước cổng trường cấp một của tôi: một đống lá sắt gỉ hoen, xếp gần như tùy hứng, thủng lỗ chỗ, có những đoạn toang ra to đến mức muốn đi qua phải men vào sát hai bên - không ai muốn bị rơi xuống dưới, chắc chắn sẽ không chết đuối vì thứ nước đen bẩn nhưng sẽ không khỏi làm cho mình bốc mùi hôi thối một thời gian dài, có thể là vĩnh viễn - thanh sắt dài, lan can quy ước, hai bên gãy nhiều nơi, lủng lẳng như một thằng bé trèo cây bị ngã chưa kịp mang đi bó bột.

Người phụ nữ ngồi ghế bên cạnh tôi ngủ. Đã quá nửa đêm. Đi đến nửa cây cầu, tôi vẫn chưa quyết định được là có nên đánh thức người ấy dậy để chúc mừng sinh nhật hay không. Chỉ cần đưa tay sang lay vai người phụ nữ, nhưng tôi cứ ngần ngừ mãi.

Một lần khác, trước đó rất lâu - và không phải là một ngày sinh nhật, không phải đầu đông, mà là mùa hè - chúng tôi cũng trở về trong đêm khuya khoắt - hồi ấy vẫn chưa có mấy cây cầu mới, kiểu gì thì cũng phải đi qua cầu Chương Dương. Đi trên cầu Chương Dương người ta hay nhìn cầu Long Biên, cũng như đi cầu Trường Tiền thì lại hay nhìn cầu Bạch Hổ - một cây cầu khác, trên đường 5, nhiều người, nhìn thấy nó xa xa, biết rằng đó là hiện trường xảy ra một vụ tai nạn nổi tiếng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước; đi cầu mới thì cầu Hàm Rồng cũ vẫn trong tầm mắt, và có một cây cầu đi vào Cẩm Giàng, nếu muốn lên thì phải đợi cho hết những ai đi theo hướng ngược lại. Cả lần đó, người phụ nữ ngồi cạnh tôi cũng ngủ. Tôi cũng không muốn đánh thức - đánh thức tức là gọi một ai đó đang ở một nơi khác đẹp hơn nhiều, vui hơn nhiều quay trở lại chốn tối tăm này ("Kinh đô cát bụi bay nhiều") - nên cứ đi vòng vòng, hết đường đê dọc theo sông Hồng lại quay lại, cứ thế mãi. Rất có thể tôi đã đi loanh quanh trong phố phường hoang vắng còn nhiều thời gian hơn cả thời gian chúng tôi đã đi, trong ngày - cho dù đấy là một chuyến đi rất xa. Đến lúc tôi quyết định được là đi về - người phụ nữ đã bắt đầu có dấu hiệu tỉnh dậy - thì đúng vào chỗ rẽ cuối cùng (một ngã tư chẳng hiểu sao dính chặt vào đời tôi đến vậy, Cửa Bắc rẽ vào một phố rất nhiều cây nên có thể tối cả vào ban ngày) chợt trong đêm vắng tanh xuất hiện một người. Người đó cứ nhìn tôi một hồi lâu - đó là một người quen cũ, thuộc vào một cuộc đời khác mà tôi ngờ vào chuyện từng có bao giờ nó thực sự thuộc về tôi. Rồi lại biến mất.

Lần đi trên cây cầu mới làm xong chưa lâu để về lại Hà Nội, chúng tôi vừa ở Hải Phòng. Chúng tôi rất hay đi Hải Phòng, phần lớn là đến đó mà chẳng có việc gì, chỉ là một chuyến đi, không mục đích. Cũng chẳng phải vì buồn chán. Chắc tôi sẽ không bao giờ đi Hải Phòng nữa, để cho nó trở thành một điểm trừu tượng, phản chiếu một điều gì buồn bã không thể xác định rõ. Nhưng lần ấy, lần của ngày sinh nhật, thì có việc, người phụ nữ có việc cần làm ở đó, chúng tôi đi rồi về luôn trong ngày. Thời gian đầu, người phụ nữ hay đi theo tôi những khi tôi có việc phải đến đâu đó, nhưng càng ngày chiều hướng càng ngược lại, vì càng ngày tôi càng chẳng còn việc gì phải làm nữa. Chẳng có gì để làm. Nhưng nhiều hơn rất nhiều vẫn là chúng tôi đi tới chỗ này hay chỗ khác chẳng vì có việc gì.

Cây cầu trước cổng trường cấp một của tôi nguy hiểm không khác gì một bãi mìn, nhưng chắc chắn tôi từng đi qua đó, để đến nhà một thằng bạn cùng lớp. Nó là lớp trưởng lớp tôi, nhà nó ở trong một cái ngõ rất ngoắt ngoéo - khu vực ấy, phần lớn ngõ đều ngoắt ngoéo; nhà một thằng bạn khác, trong một ngõ khác, nơi tôi hay đến để chơi bi, vẫn là ngõ làng, đi qua toàn ngửi thấy mùi cám lợn và cứt lợn bốc lên từ rãnh đào bên con đường chỉ rộng chừng hơn một mét - chủ yếu vì ở nhà nó có một cái bàn bi-a mini cho trẻ con, chúng tôi chơi bi-a say mê; khi ấy trò điện tử bốn nút còn chưa thực sự xuất hiện. Toàn bộ khu vực đó, khi đã có điện tử bốn nút, trở thành một trong những tụ điểm lớn phục vụ cho lũ nhóc con để lấy vài trăm đồng mỗi đứa, mỗi lần. Nhưng cái cầu khủng khiếp ấy, người ta còn đi được xe máy qua: những cái lỗ quá to thì lấy ván gỗ bắc lên. Chẳng có gì là không làm được, và suốt mấy năm học ở đó tôi chỉ biết đúng một trường hợp có một thằng cùng trường bị rơi xuống nước; vả lại đó cũng chỉ là tin đồn không đáng tin mấy.

Một đêm khuya khoắt, mấy người bạn chở tôi đi rồi thả tôi xuống chỗ có một cây cầu, mấy tiếng sau họ sẽ quay lại đón tôi. Đó là ở miền Nam nước Đức. Tất cả những người trên xe đều thấy rõ có một cô gái đứng đợi tôi trên cầu, cô gái sẽ dẫn tôi về chỗ ở của mình. Tất nhiên sau đó chẳng ai tin khi tôi nói đã chẳng có chuyện gì xảy ra, mặc dù nên tin, vì chuyện đúng là như vậy.

Cuối cùng thì tôi cũng đánh thức người phụ nữ, chắc là khi sắp đi hết cầu. Chúc mừng sinh nhật.

Thật ra cũng không cần, không nên đánh thức. Đừng đánh thức, đừng gọi về. Không cố giữ, cho dù, cho dù là để chúc mừng sinh nhật.





(tiếp tục Một phố)



2 comments:

  1. Sao đoạn kết lại buồn thế này, cho dù, cho dù

    ReplyDelete