Jan 14, 2011

Xuất bản sách văn học ở Việt Nam

Khậc khậc, đã định giấu nhẹm cái này đi rồi kẻo mang tiếng tiếp tay cho báo Tết nhiều quá ;d



Việt Nam hiện nay hằng năm xuất bản nhiều sách không kém một số nước có ngành xuất bản nổi tiếng và lâu đời, đặc biệt là lượng đầu sách. Điều này không lạ, vì ham muốn hội nhập trong mọi lĩnh vực và nhu cầu thực tế về đọc sách ngày càng tăng lên. Vấn đề của hôm nay không còn là thiếu sách đọc, mà nằm ở các yếu tố tế nhị, khó nhìn hơn: tất nhiên có yếu tố chất lượng sách, yếu tố chọn sách, yếu tố hướng dẫn độc giả giữa rất nhiều sách, và cả một yếu tố còn chìm khuất hơn: trong sự nhiều vẫn lấp ló tính chất thiếu hụt. Điều này liên quan nhiều đến lịch sử.

Dù có là thời nào thì chúng ta cũng thường xuyên nghe những người nhiều ưu tư than phiền ở Việt Nam sách dở thì nhiều sách hay thì ít, sách ái tình nhảm nhí kiếm hiệp ba xu thì thượng phong mà sách khảo cứu, nghiên cứu chuyên sâu thì lạc hậu, bị bỏ bê. Chắc hẳn ai cũng nhìn ra vấn đề trình độ người viết, gu thẩm mỹ và tiếp nhận của người đọc, nhưng đó cũng chỉ mới là một mặt của hiện tượng. Nếu ngay từ đầu các cơ sở xuất bản đã đặt cho mình mục đích mang lại những gì có chất lượng, “đào tạo độc giả” thay vì chỉ “đáp ứng độc giả” thì mọi chuyện có lẽ đã khác.

Và ngay cả ở mảng sách nghiêm túc, tính chất nghiêm túc của nhiều bộ sách cũng rất đáng bàn. Một ví dụ dễ thấy là cuộc tranh luận diễn ra cách đây chưa lâu về các bộ “Toàn tập”: một bộ sách được gọi là “Toàn tập” rất nhiều khi lại không hề toàn tập, vì đơn giản là nó thiếu quá nhiều. Năm 2006 đã xuất hiện Toàn tập Vũ Bằng do nhà văn Triệu Xuân thực hiện gồm bốn tập (NXB Văn học), tổng cộng khoảng 3.500 trang, thế nhưng chỉ vài năm sau, người ta đã thấy có thêm những cuốn sách khác công bố thêm rất nhiều tác phẩm của Vũ Bằng chưa hề xuất hiện trong “Toàn tập”, như Vũ Bằng các tác phẩm mới tìm thấy (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2010) hay Hà Nội trong cơn gió lốc (Võ Văn Nhơn sưu tầm và biên soạn, NXB Phụ nữ, 2010). Rõ ràng các bộ sách mệnh danh “Toàn tập” không hề xứng đáng với cái tên mà chúng mang, và hẳn hiện tượng này không chỉ đúng với Vũ Bằng.

Một điều nữa cũng dễ nhìn ra là các bộ sách dày tập hợp nhiều tài liệu lại rất hiếm khi có được một bài dẫn nhập công phu, xác đáng (công việc này thời bao cấp được tiến hành tốt hơn rất nhiều so với hiện nay, tuy cách nhìn nhận của giai đoạn đó vẫn cần bàn nhiều). Lẽ ra đó chính là cơ hội để các chuyên gia về từng mảng hướng dẫn, giải thích và giới thiệu cho người đọc, thì rất thường xuyên những bộ sách vài nghìn trang khổ lớn lại chỉ đơn thuần đi kèm vài trang viết đặt ở đầu, chủ yếu là để “trân trọng giới thiệu với độc giả” và “xin được chỉ giáo để tái bản tốt hơn”. Các nhà biên soạn nhiều khi tự loại trừ năng lực nghiên cứu của mình mà chỉ nắm lấy vai trò sưu tầm đơn thuần.

Lĩnh vực văn học dịch (xuyên suốt lịch sử xuất bản Việt Nam là tính chất trọng dịch thuật) cũng vậy, ta thấy thiếu dù vẫn biết là đã thừa. Một trong những đặc điểm cho thấy mức độ ít nghiêm túc của xuất bản tại Việt Nam là số lượng tác giả thế giới được dịch ra tiếng Việt rất lớn, nhưng rất ít tác giả, kể cả tác giả cổ điển, được dịch tương đối đầy đủ tác phẩm. Không thể tiến hành các nghiên cứu có chất lượng cao ở mảng này một khi sinh viên và học viên cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ sống trong môi trường thiếu hụt tài liệu lại không mấy khi được người hướng dẫn yêu cầu biết ngoại ngữ để đọc tác phẩm trong nguyên bản.

Ngay các tác giả rất lớn của thế giới cũng có sự hiện diện thiếu hụt, xộc xệch: cho đến giờ, chúng ta mới chỉ kể ra được một vài trường hợp đáng mừng hiếm hoi, như bộ Tấn trò đời 16 tập của nhà xuất bản Thế giới (Lê Hồng Sâm chủ biên) với nhiều tác phẩm được dịch trọn vẹn và các tiểu thuyết khác được trích dịch hoặc tóm tắt nội dung, hoặc Trung tâm Đông Tây trước đây từng nỗ lực mang lại Dostoievski ở dạng hoàn chỉnh nhất có thể.

Tolstoi: một trường hợp

Hội thảo “Lev Tolstoi và sự tiếp nhận di sản của ông ở Việt Nam” do Viện Văn học phối hợp với một số cơ quan, tổ chức khác tiến hành hồi tháng trước đã đem lại một cái nhìn tổng kết về dịch thuật và nghiên cứu Tolstoi ở Việt Nam trong suốt lịch sử. Sẽ không có nhà văn nước ngoài thứ hai nào tiêu biểu hơn cho cách thức tiếp cận, dịch và giới thiệu văn học thế giới như Tolstoi, bởi ngay từ đầu, mọi nhân vật chính trị quan trọng thuộc bất kỳ phe phái nào đều tỏ lòng kính phục Tolstoi: Nguyễn Ái Quốc tự coi mình là người học trò nhỏ của Tolstoi, Nguyễn An Ninh viết về Tolstoi, và ngay Phan Khôi cũng có bài viết nổi tiếng “Cái thế lực của nhà văn hào” đăng Đông Pháp thời báo năm 1928 về Tolstoi. Một cái nhìn sâu vào trường hợp Tolstoi sẽ gợi ý rất nhiều cho sự hiểu của chúng ta về dịch thuật tác phẩm thế giới nói chung ở Việt Nam.

Tham luận “Lev Tolstoi trong công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam (giai đoạn trước 1945)” của PGS. TS Đào Tuấn Ảnh cho biết năm 1939, nhà sách Đông Phương đã in cuốn Tolstoi 147 trang của Nguyễn Phi Hoanh và năm 1942 cũng tác giả này cho ra đời cuốn Văn hóa Tolstoi do nhà Tân Việt ấn hành dày 191 trang. Cùng năm 1942, nhà xuất bản Tân Việt cho ra cuốn Một ngày của Tolstoi của Kiều Thanh Quế kèm Phụ lục là bài viết nhan đề Tự truyện của Stefan Zweig do ông chuyển ngữ. Trước 1945, tiểu thuyết Phục sinh rất được các nhà văn Việt Nam ưa chuộng, và bản dịch An na Kha Lệ Ninh của Vũ Ngọc Phan là một dấu mốc thật đáng ghi nhớ của lịch sử dịch thuật Việt Nam giai đoạn trước 1945 (sau này, nhà sách Khai Trí ở Sài Gòn tái bản An na Kha Lệ Ninh, in từ 1970 đến 1972, ở tên dịch giả ngoài Vũ Ngọc Phan còn có Vũ Minh Thiều). Cũng đã có người chỉ ra sự tương đồng của nhân vật Duy trong Con đường sáng của Hoàng Đạo và Levin trong Anna Karenina.

Thế nhưng mặc dù cả miền Bắc và miền Nam trước 1975 đều cho ra đời không ít bản dịch tác phẩm Tolstoi, tất cả vẫn là những công việc manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi các nhà xuất bản nước ngoài thường xuyên tập hợp, hiệu chỉnh các bản dịch, hoặc dịch mới, nhằm đưa ra một phiên bản toàn tập hoặc tuyển tập quan trọng, cơ sở đáng tin cậy cho công việc nghiên cứu, thì ở Việt Nam các bản dịch đều có dấu hiệu tự phát, được đến đâu hay đến đó, có tập hợp lại thì cũng sẽ mất rất nhiều công sức biên soạn.

Đó là Tolstoi, các tác giả khác còn có số phận kém xa. Đặc điểm nổi bật ở Việt Nam là đa số nhà văn nước ngoài nổi tiếng (đặc biệt là nhà văn được giải Nobel) đều có xuất hiện, nhưng thường là lẻ tẻ, không hình thành được một khối lượng dịch thuật tương đối đầy đủ: một hoặc một vài tác phẩm chưa thể nói lên nhiều điều về một sự nghiệp văn chương lớn, đấy là còn chưa nói tới sự thiếu hụt mảng sách tiểu sử, nghiên cứu vô cùng quan trọng luôn luôn đi kèm với các nhà văn lớn tại nhiều nước.

Vẫn sẽ thiếu, tuy đã thừa

Công việc hướng dẫn độc giả định hướng, tìm đến và thưởng thức sách hay không chỉ thuộc về các nhà phê bình và những người làm công việc điểm sách, mà nên và cần được khởi động ngay từ khâu xuất bản. Một trong những công cụ hữu hiệu nhất là các tủ sách. Thế nhưng, nhìn lại lịch sử xuất bản Việt Nam, rất ít tủ sách của các nhà xuất bản có lượng sách phong phú, sức sống lâu dài. Đặc điểm này khiến xuất bản Việt Nam rất khác với các nền xuất bản uy tín trên thế giới: khi mà lượng đầu sách và lượng bản sách ấn hành đã không còn thua kém các nước khác, thì trình độ chuyên sâu và mức độ cam kết của các cơ sở xuất bản Việt Nam (khác với xuất bản từng cuốn sách, việc hình thành và duy trì một tủ sách nghiêm túc cho thấy khả năng định hướng và khả năng hoạt động lâu dài) phải nói là rất thấp, ngày nay cũng như trong lịch sử.

Khi viết lại lịch sử xuất bản Việt Nam, hẳn sẽ rất khó có cái nhìn tổng quát và chi tiết về các tủ sách. Điều này không dễ vì các lý do: các tủ sách thực thụ không có nhiều, không rõ nét, không có các đặc điểm riêng biệt, nhiều tủ sách chỉ lèo tèo dăm đầu sách và hình như chúng cũng không thực sự có ảnh hưởng lớn lên một công chúng độc giả đông đảo. Hơn thế nữa, rất nhiều tủ sách gần như là “tủ sách ma” với lời giới thiệu ban đầu rất hứa hẹn nhưng sau này các đầu sách được liệt kê với lời quảng cáo “sẽ xuất bản” gần như đều không thấy xuất hiện: ví dụ như trước 1945, Nguyễn Mạnh Tường với tủ sách “Construction de l’Orient” (Xây dựng Đông phương) tại NXB của Đông Dương tạp chí và Sài Gòn trước 1975, Phạm Công Thiện với nhà xuất bản Phạm Hoàng của mình tuyên bố sẽ dịch hết tác phẩm của Nietzsche, nhưng kết quả thực tế rất nghèo nàn.

Một số tủ sách có thể kể tên đây đó: “Tủ sách nghệ thuật” của Quốc học thư xã, “Tủ sách biên khảo” của nhà xuất bản Thanh Tân, tủ sách “Những mảnh gương” của NXB Tân Việt, tủ “Sách khảo cứu” của NXB Tân Việt, “Tủ sách Nghiên cứu và phê bình văn học” của NXB Trình Bầy, trong dòng sách dịch nhà Khai Trí có một tủ sách khá đa dạng đặt tên là “Loại gió bốn phương”, trong đó in lại không ít dịch phẩm đã xuất bản trước 1945 (như An na Kha Lệ Ninh đã nói ở trên). Ngoài ra còn có các tủ sách gắn liền với những tờ tạp chí, hoặc chính bản thân tạp chí thực chất cũng là một dạng tủ sách hoàn chỉnh, như trường hợp Phổ Thông bán nguyệt san hoặc Văn Mới của Hàn Thuyên. Trong môi trường xuất bản tư nhân, thậm chí ta còn thấy xuất hiện các tủ sách của riêng một cá nhân, như “Tủ sách sưu khảo Phương Lan” của Phương Lan Bùi Thế Mỹ. Đây là một khía cạnh đặc biệt của lịch sử xuất bản Việt Nam, nhưng chắc chắn còn phải chờ nhiều thời gian nữa mới có những công trình nghiên cứu riêng về nó.

Định hình được các tủ sách và kiên trì theo đuổi chúng cho đến những kết quả lâu dài nên là một cách thức mà các cơ sở xuất bản Việt Nam chọn và áp dụng. Xét cho cùng, những quyển sách hoàn hoàn cũng có thể không trường tồn, vì chỉ những cuốn sách tốt mới có cơ may sở hữu được khả năng kháng cự lại thời gian, và nhiều chưa chắc đã là một dấu hiệu tốt.

9 comments:

  1. Nhân chuyện tủ sách, hôm trước tính hỏi bác về tình hình dịch Montaigne ở VN nhưng ko comment dc.

    Sau khi đọc 1 số tác giả thì thấy muốn đọc tác giả này mà chưa biết có cuốn nào đã dịch. (search được 1 bài báo năm 2005: NL có ý định dịch Montaigne :)

    ReplyDelete
  2. hình như ngay hồi đó tôi đã nói rõ là kế hoạch xa (thật ra là rất xa :d), Montaigne có một cái khó là tiếng Pháp thời ông ấy là tiếng Pháp cổ, không giống hẳn như bây giờ, tôi toàn phải dùng các ấn bản có giải thích của các chuyên gia, vì hồi xưa lỡ ấy ấy mà lười học tiếng Pháp cổ hic

    ReplyDelete
  3. nhiều sách hay lắm mà, của Nhã Nam ý, sách dịch hay lắm!

    ReplyDelete
  4. Nếu em nhớ không nhầm là đăng ở SGTT tết 2011, năm ni anh chơi 2 bài luôn

    ReplyDelete
    Replies
    1. :-s à đúng rồi, thêm vụ Đông Ấn nữa

      Delete
  5. (Tất cả) như cái móng nhà xử lý tốt, được làm kỹ, chắc chắn, dẫu bỏ bẵng chưa xây lên ngay, nhiều năm sau cái móng vẫn là cái móng vững chãi, những phần muốn làm tiếp theo chỉ việc tiến hành tiếp tục; em thấy ý “đào tạo độc giả” thay vì chỉ “đáp ứng độc giả” là một ý lớn và khó (trong mối tương quan khách hàng-thượng đế, nếu có cái sự đó ở đây)

    ReplyDelete
  6. hoàn toàn quên mất là có cái này đấy, thậm chí còn không nhớ là đã đăng ở đâu

    ReplyDelete
  7. it's no wonder, you're often like that

    ReplyDelete
  8. thế nhưng đôi mắt này là đôi mắt nay, cái nhìn này là cái nhìn nay

    ReplyDelete